TPP: Doanh nghiệp Nhà nước phải theo luật chơi quốc tế
Với việc gia nhập hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình
Dương TPP, các doanh nghiệp Nhà nước nay phải chấp nhận luật chơi của quốc tế, không
thể tiếp tục hoạt động theo kiểu “một mình một chợ” như hiện nay.
Doanh nghiệp Nhà nước đã là một trong những nội dung đàm phán
chính của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) và cũng là một trong
những nội dung đàm phán gay go nhất, bởi vì tại nhiều quốc gia tham gia TPP, đặc
biệt là tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đóng vai trò quan trọng và
còn được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều.
Chẳng hạn như vào năm 2013, mặc dù chỉ chiếm 0,9% tổng số các
doanh nghiệp và chỉ sử dụng 13,5% tổng số nhân công, khối doanh nghiệp Nhà nước
vẫn chiếm 32,2% GDP của Việt Nam và 40,4% tổng số vốn đầu tư ngoại quốc thường
niên.
Sau khi đàm phán với các nước khác, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Việt
Nam đã thông qua một số quy định của hiệp định TPP về doanh nghiệp Nhà nước:
Thứ nhất, các doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị
trường.
Thứ hai, các doanh nghiệp Nhà nước không được nắm vị trí độc
quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư.
Thứ ba, các doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch hóa một số thông
tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính ...
Thứ tư, Nhà nước không được trợ cấp quá mức cho các doanh nghiệp
Nhà nước, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Các nghĩa vụ nói trên được áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà
nước mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các
doanh nghiệp này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều
chỉnh của hiệp định.
Mặt khác, khi đàm phán, Việt Nam đã được chấp nhận yêu cầu loại
trừ các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến quốc phòng và an ninh ra khỏi
phạm vi áp dụng của hiệp định TPP. Chính phủ Việt Nam vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp
Nhà nước, nhưng sẽ không tới mức “gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng
tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước tham gia TPP”.
Mặt khác, tuy đồng ý minh bạch thông tin về doanh nghiệp Nhà nước
khi có yêu cầu, nhưng Việt Nam loại trừ cung cấp các thông tin được xem là “ảnh
hưởng tới quốc phòng - an ninh” hoặc “thuộc
phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”.
Ngoài ra, khi đàm phán song phương về TPP, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng
đã đạt một thỏa thuận riêng về doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, hai bên đã thỏa thuận
những gì, sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với tiến sĩ Lê Đăng Doanh,
chuyên gia kinh tế, trả lời RFI từ Hà Nội:
TS Lê Đăng Doanh 20/11/2015 Nghe
Tuy Việt Nam được miễn trừ thực hiện một số quy định, hiệp định
TPP chắc chắn sẽ thúc đẩy tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam,
đặc biệt là tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp này. Mặc dù cải tổ doanh
nghiệp Nhà nước là một trong ba cột trụ của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
được thi hành từ năm 2012, nhưng tiến trình này hiện nay vẫn còn rất chậm so
với dự kiến, một phần là do điều kiện thị trường không thuận lợi và do có sự
chống đối từ một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước.
Mặc dù trong thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đẩy nhanh
việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng rất có thể sẽ không đạt được
chỉ tiêu đề ra cho kế hoạch 2011-2015. Trong báo cáo công bố ngày 13/11/2015,
Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, dự kiến trong giai đoạn
2011-2015, cả nước sẽ chỉ cổ phần hóa được 459 doanh nghiệp, tức là chỉ hoàn
thành 90% kế hoạch đề ra cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Theo đánh
giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tiến độ thực hiện tái
cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã được đẩy nhanh nhưng số lượng DN phải hoàn
thành cổ phần hóa trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011 -
2015.
Mặt khác, trong chiều hướng cải cách doanh nghiệp Nhà nước, nhiều
tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài
ngành như bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, để tập
trung vào lĩnh vực của mình. Nhưng cho tới nay, tỷ lệ thoái vốn ngoài ngành chỉ
mới đạt được 37%.
Dù sao, một khi đã vào TPP, Việt Nam sẽ không có con đường nào
khác là phải tăng tốc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng một khi các
doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, thì còn phải đổi mới cách thức quản trị
các doanh nghiệp này để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác ở Việt Nam
cũng như với các doanh nghiệp ở những nước khác trong TPP.
Nói tóm lại, qua việc thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước,
hiệp định TPP sẽ kéo Việt Nam đi sâu hơn vào cơ chế thị trường, mà đây là kinh
tế thị trường thật sự, chứ không phải là nửa vời theo kiểu “ thị
trường xã hội chủ nghĩa”.
Financial
Times: Nợ xấu của Việt Nam cao hơn mức chính thức
Một vấn đề khác cũng liên quan đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước
ở Việt Nam, đó là vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, mà theo nhật báo tài chính
của Anh Financial Times, nợ xấu này cao hơn mức mà chính phủ Hà Nội công bố. Đó
là ghi nhận của tờ báo này trong một bài báo đăng trên mạng ngày 16/11/2015.
Chính phủ Việt Nam khẳng định đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc
giải quyết vấn đề nợ xấu và đã công bố tỷ lệ nợ xấu nay đã giảm xuống còn 2,9%
tổng số các khoản cho vay, so với mức 4,2% của tháng 12/2012.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang cố cắt giảm số lượng ngân
hàng từ 40 xuống còn 15 trong thời gian 2 năm, bằng cách buộc các ngân hàng có
vốn mạnh hơn lấy lại các ngân hàng yếu kém. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng
đã lập Công ty Quản lý Tài sản VAMC, để xử lý các nợ xấu, nhằm giảm bớt tỷ lệ
nợ xấu trong hệ thống tài chính.
Nhưng theo Financial Times, gốc rễ của vấn đề nợ xấu của Việt Nam
vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Sự sụt giảm trong các số liệu chính thức về
nợ xấu phần lớn chỉ là do các khoản nợ xấu được chuyển từ nơi này qua nơi khác.
Vào năm 2014, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm tài chính vẫn thẩm định tỷ lệ nợ
xấu của Việt Nam là khoảng 15%.
Tờ nhật báo tài chính của Anh nhắc lại rằng các vấn đề của hệ
thống ngân hàng Việt Nam bắt nguồn từ đầu thập niên 2000 với việc đẩy mạnh tự
do hóa nền kinh tế, kéo theo mức tăng tín dụng trung bình hơn 25% một năm.
Phần lớn các khoản cho vay là dành cho các doanh nghiệp Nhà nước.
Các công ty này chiếm từ 60 đến 70% nguồn tín dụng. Một phần quan trọng nợ xấu
là nằm trong ngành kinh doanh địa ốc và các lĩnh vực ngoài ngành của các doanh
nghiệp Nhà nước. Nhưng do có quá nhiều công ty có liên quan và do thiếu minh
bạch thông tin, rất khó thẩm định chính xác tổng số nợ xấu trong các doanh
nghiệp này.
Theo Financial Times, các giải quyết hợp lý đối với những ngân
hàng không thể gánh nổi các món nợ xấu, đó là để cho các ngân hàng này phá sản,
nhưng chính phủ Việt Nam không để cho chuyện đó xảy ra vì sợ những tác động
kinh tế và xã hội.
Hơn nữa, theo tờ báo này, có quá nhiều nhóm lợi ích có liên hệ
với Đảng Cộng sản, vì sợ mất quyền lợi, nên đang cố ngăn chận những nỗ lực nhằm
cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam. Financial Times cho rằng vấn đề nợ xấu ở Việt
Nam trên thực tế là biểu hiện của một khủng hoảng sâu sắc hơn về thể chế, gây
khó khăn cho việc cải tổ một cách triệt để, bất kể là nhân vật nào sẽ lên lãnh
đạo Việt Nam sau kỳ Đại hội Đảng vào năm tới.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.