Siêu quyền lực
Nguyên Bản
Tôi may mắn thường được giới nghiên cứu trong ngành Công an mời
tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài hay mời đọc báo cáo tại một số hội thảo, kể
cả mời dự thính nghiệm thu đề tài khoa học.
Tính tôi không câu nệ. Mời làm phản
biện hay làm thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài nếu đúng là miền tri thức
chuyên ngành của mình là tôi sẵn sàng nhận lời và cố gắng xứng đáng với uy tín
khoa học ít nhiều đã có được, ngược lại không đúng miền thì tôi từ chối thẳng. Nhưng
nếu là vấn đề hấp dẫn hoặc mới mẻ thì mời dự thính tôi cũng đến.
Để thu thập
thông tin, để học hỏi bồi đắp tri thức cho mình. Vì thế tôi biết được khối buổi
nghiệm thu khá bi hài nhưng cũng không ít buổi thú vị. Trong 5 năm từ 2006 đến
2011, tôi được chứng kiến hai buổi nghiệm thu đề tài cấp Bộ rất ấn tượng của
một nghiên cứu viên không có học vị cao nhưng có ba bằng đại học từ những năm
70, 80 của thế kỷ trước.
Đó là năm 2006.
Một hôm, ông ấy điện cho tôi, bảo:
- Tôi trân trọng mời GS tới dự nghiệm thu đề tài cấp Bộ của tôi, dự thính, ông đồng ý không?”
- Nhưng về vấn đề gì kia chứ? Liệu tôi có thể hiểu được ít nhiều?
- Hỏi cung bị can phạm tội về chức vụ!
- Nhưng đó là nghiệp vụ chuyên ngành bên ông, tôi biết gì?
- Ông đúng là chỉ mọt sách thôi! Này nhé, điều tra hình sự, luật
tố tụng hình sự, tội phạm về chức vụ, khởi tố, giam giữ, hỏi cung bị can… toàn
ngôn ngữ tố tụng cả. Đúng “miền” của ông còn gì!
Tôi đã bị ông ấy thuyết phục.
Buổi nghiệm thu hôm ấy, sau bảy phút đọc báo cáo tóm tắt đề tài,
ông ấy trình bày sâu thêm một vấn đề đáng chú ý: Chỉ thị 52 của Bộ Chính trị về phạm vi trách nhiệm, quyền hạn giữa các cấp
ủy đảng với đảng ủy công an, ban cán sự đảng Viện Kiểm sát, Ban cán sự đảng Tòa
án trong công tác bảo vệ đảng và xử lý tội phạm liên quan đến cán bộ, đảng
viên. Ông ấy cho rằng việc quy định trước khi khởi tố đảng viên phạm tội thì cơ
quan chức năng phải báo cáo xin ý kiến của cấp ủy là một lực cản gây khó khăn
cho hoạt động của cơ quan điều tra.
Cách lập luận của ông ấy thật ấn tượng:
“Có một dạo, bỗng dưng xuất hiện một chỉ thị bằng văn bản quy định
rằng trước khi khởi tố đảng viên phạm tội thì cơ quan chức năng (Công an, Kiểm
sát, Tòa án) phải xin ý kiến cấp ủy quản lý đảng viên đó. Mặc nhiên đảng viên
có đặc quyền đặc lợi!
Cái văn bản trái Hiến pháp này đã từng chi phối mạnh mẽ
đến hoạt động của các cơ quan tư pháp, tạo ra một tiền lệ xấu: quyền việc giải
quyết án không chỉ thuộc cá cơ quan chức năng (Công an, Kiểm sát, Tòa án có
trách nhiệm thực thi theo luật định) mà còn “chia cho” cấp ủy, chính quyền, ban
nội chính. Lúc đầu ai cũng thấy văn bản này trái pháp luật nhưng do tâm lý sợ
hãi và tùy tiện mãi nên quen.
Thành ra, mặc nhiên ông bí thư, ông chủ tịch, ông
cấp ủy, ông nội chính, ông ủy ban cũng có quyền giải quyết vụ án. Nhiều khi các
ông này còn chỉ thị cho cơ quan chức năng về mức án đối với người phạm tội. Và
thế là xuất hiện những chỉ thị bằng miệng, bằng điện thoại, bằng thư tay dội từ
trên xuống, đưa từ ngoài vào cản trở hoạt động tư pháp.
Trong rất nhiều trường
hợp, những mệnh lệnh này lại có hiệu lực hơn mọi điều luật vì nó khiến cho nhân
viên tư pháp nể sợ mà buông lơi cán cân công lý”. Ông ấy ví Chỉ thị 52
ban hành năm 2000 giống như một thứ siêu quyền lực và khẳng định rằng đó chính
là nguyên nhân làm hạn chế kết quả điều tra tội phạm về chức vụ nói riêng và
tội phạm tham nhũng nói chung.
Một thành viên trong hội đồng nghiệm thu là nhà lãnh đạo cơ quan
điều tra cấp đã ủng hộ ông hết sức nhiệt thành. Có cảm tưởng rằng nhà lãnh đạo
này từng trăn trở và bất bình với quy định ấy: “Với tư cách là người lãnh đạo
cơ quan điều tra chúng tôi xác tín vấn đề trên. Đúng như như tác giả đề tài này
chỉ ra và cảnh báo, Chỉ thị 52 đã tạo nên lực cản vô hình, tạo nên sức ép tâm
lý thường xuyên và rất nặng nề buộc người lãnh đạo cơ quan điều tra (CQĐT) và
điều tra viên (ĐTV) phải dè chừng, xem xét không khí bao quanh vụ án mà quyết
định khởi tố hay không khởi tố hoặc phải cân nhắc có tiếp tục khai thác làm rõ
hành vi phạm tội của bị can này hay bị can kia hay không…
Cuối cùng, trong nhiểu
trường hợp, ĐTV đành phải ngậm bồ hòn mà viết trong bản kết luận điều tra rằng đối với một số đối tượng như
Nguyễn Văn A. Trần Văn B…, tuy có hành vi vi phạm pháp luật nhưng xét thấy chưa
đáng xử lý hình sự nên đề nghị cơ quan chức năng ngành đó xử lý về hành chính,
hoặc viết mặc dù bị can chính có
khai việc biếu tiền, biếu quà cáp cho một số người có trị giá hàng trăm triệu
đồng như Đặng Văn H., Trần Đình Q… nhưng khi làm việc với ĐTV, những người này
không thừa nhận (mà chúng tôi cũng không được dùng biện pháp nghiệp vụ buộc
người ta thú nhận) nên CQĐT không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của họ.
Có trường hợp, ĐTV phải tìm lối thoát bằng cách viết trong bản Kết luận điều
tra rằng sẽ tiếp tục làm rõ hành
vi của những người này ở phần II của vụ án rồi đành để “chìm” luôn.
Lập luận của chủ nhiệm đề tài cùng sự xác tín của người lãnh đạo
cơ quan điều tra hôm ấy khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Tôi ngạc nhiên về sự phát
hiện tinh tế, sự dũng cảm của chủ nhiệm đề tài và nể trọng nhà lãnh đạo cơ quan
điều tra. Hóa ra là đã từ mấy năm nay, người ta đã nhân danh bảo vệ đảng để
buộc các ngành tư pháp phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy khi khi khởi
tố, điều tra xử lý đảng viên phạm tội. Thế mà trên bục giảng và trong tranh
luận, tôi vẫn luôn nói rằng không có gì cao hơn hiến pháp, pháp luật; rằng
trong chế độ ta, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật mà chưa bao giờ băn
khoăn về luận đề “Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”. Nay tôi nhận ra rằng ở
nước ta, có một thứ còn cao hơn hiến pháp, cao hơn pháp luật. Tôi thầm nể phục
sự phát hiện tinh tế và sự thẳng thắn ông ấy.
Năm 2011, một hôm ông lại gọi tôi:
- Ông còn hứng thú với điều tra hình sự không? Nếu còn hãy đến dự
buổi nghiệm thu cấp Bộ, đề tài của tôi.
- Ông nghiên cứu chiến lược mà lại làm đề tài về cơ quan điều tra,
là sao?
- Chiến lược trên mây, trên gió cả thôi! Tôi nhắm cái thiết thực
hơn. Mời ông dự thính, tôi băn khoăn lắm nhưng tôi biết ông đồng ý mà!
Lần này ông ấy chỉ ra và chứng minh hết sức thuyết phục rằng Chỉ thị 15 (văn bản sau Chỉ thị 52) nhân danh sự lãnh đạo của Đảng đối với
các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công
tác bảo vệ Đảng, vẫn là vật cản đối với hoạt động của cơ quan tư pháp. Nó khiến
cho CQĐT bó tay trong điều tra xử lý các đối tượng phạm tội là người có chức,
có quyền vì CQĐT vẫn phải xin ý kiến của cấp ủy.
Trong nhiều trường hợp, CQĐT
không thể xử lý vụ án một cách triệt để, thậm chí CQĐT còn vi phạm luật tố tụng
hình sự về thời hạn điều tra chỉ vì chờ ý kiến của cấp ủy hàng mấy tháng trời.
Và thật bất ngờ, ông cho biết từ rằng những năm 80 của thế kỷ trước từng có
những chỉ thị như vậy: bắt đầu từ Chỉ thị 68, mươi năm sau xuất hiện Chỉ thị 86,
đến năm 2000 xuất hiện Chỉ thị 52 và đến năm 2007 được “tăng cường” bằng Chỉ
thị15. Ông còn cho biết ông và đồng sự từng tọa đàm với 32 cơ quan CSĐT các cấp
tại các vùng miền trên toàn quốc về sự ảnh hưởng của các văn bản trên đến hoạt
động của các cơ quan điều tra trong từng thời kỳ như thế nào và ông đang có
trong tay khối lượng tư liệu khá phong phú từ thực tiễn minh chứng cho điều đó.
Và ông kết luận những văn bản đó là một thứ siêu quyền lực vì nó “ đứng trên
Hiến pháp, pháp luật”, nó chính là nguyên nhân cơ bản làm hạn chế kết quả đấu
tranh chống tham nhũng của các CQĐT bấy lâu nay nên cần xóa bỏ ngay những văn
bản vi hiến đó.
Tôi nhìn khắp lượt Hội đồng nghiệm thu thấy mấy vị mặt biến sắc
đầy lo ngại. Vị Chủ tịch Hội đồng luôn hướng về phía tác giả chăm chú lắng
nghe, đôi khi còn cao hứng chen vào một câu thật hóm hỉnh: đúng, tất cả đều do
“bê xê tê” [Bộ Chính trị – BVN]
cả thôi.
Bỗng một thành viên hội đồng – tiến sĩ luật học T.V.D., Phó Vụ
trưởng Vụ V. phát biểu. Ông tiến sĩ nói rằng những trang tác giả nhận định về
Chỉ thị 15 với tư cách một vướng mắc đã và đang cản trở hoạt động bình thường
của cơ quan điều tra và khẳng định đó nguyên nhân cơ bản làm hạn chế kết quả
đấu tranh chống tham nhũng, rất cần phải xem xét, cân nhắc cẩn trọng. Dường như
tác giả đã quên rằng ở nước ta, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và điều này
đã là nguyên lý xưa nay. Các cơ quan tư pháp không thể không chấp hành sự lãnh
đạo của Đảng trong điều tra xử lý cán bộ, đảng viên phạm tội. Vả lại, tác giả
cũng là đảng viên, hơn thế là đảng viên ở cơ quan nghiên cứu đầu ngành thì tại
sao lại có thể phủ nhận nguyên lý trên?
Không gian như đông cứng lại. Có tiếng xì xào. Một vài gương mặt
không giấu nổi sự tán đồng với vị tiến sĩ D. Vài người tỏ vẻ lo ngại cho tác
giả. Tôi liếc nhìn Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Ông thản nhiên và điềm tĩnh
lạ. Tác giả thì nhoẻn cười rất tươi, dường như đang nóng lòng được tranh luận.
Sau đó thì vài thành viên Hội đồng phát biểu khẳng định công trình có đóng góp
mới, đã đạt được mục tiêu nghiên cứu, nhưng ai cũng né tránh vấn đề đang nóng.
Đến lượt mình, sau lời cảm ơn các ý kiến các thành viên Hội đồng,
ông ấy phản kích vị tiến sĩ kia.
Ông ấy nói: “Dường như tiến sĩ T.V.D. chưa đọc
hoặc chưa từng nghiên cứu khái niệm Nhà nước pháp quyền. Tôi xin nhấn
mạnh rằng nhà nước pháp quyền
chứ không phải nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Làm gì có xã hội
chủ nghĩa mà cứ viết và nói nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nếu tiến sĩ
chưa tiếp cận với khái niệm nhà nước pháp quyền thì, thưa Chủ tịch Hội đồng,
hãy cho tôi thêm ít phút thưa lại với tiến sĩ đôi lời về vấn đề này. Nói một
cách tổng quát nhất, Nhà nước pháp quyền là nhà nước thực thi quyền hạn của
mình thông qua và chỉ thông qua luật pháp và bản thân nhà nước cũng bị điều
chỉnh và hạn chế bởi luật pháp.
Hiến pháp của nhà nước pháp quyền không có chỗ
cho đảng phái chính trị và trong nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều bình
đẳng trước Hiến pháp, pháp luật, không có công dân siêu hạng hoặc công dân hạng
1 hay công dân hạng 2. Sự hiện diện các Chỉ
thị 68, 86, 52 rồi 15 là những bằng cứ không thể bào chữa về sự vi hiến hết sức
nghiêm trọng đã diễn ra mấy chục năm nay. Bởi vì các chỉ thị đó đứng ngoài Hiến
pháp, pháp luật, hơn thế, nó đứng trên Hiến pháp, pháp luật. Như vậy không phải
là siêu quyền lực hay sao, thưa tiến sĩ?”.
Ông tiến sĩ kia ngượng ngùng, cúi đầu sát ngực.
Vậy là qua hai lần dự thính nghiệm thu đề tài của bạn mình, tôi
không chỉ nhận thấy nỗi niềm trăn trở của ông ấy về cơ quan điều tra mà còn
thấy rõ năng lực nghiên cứu độc lập, bản lĩnh và sự kiên định khoa học đáng nể
trọng của ông.
Từ 10 năm trước ông đã dám khác biệt và vượt thoát về tư duy
trong khi tôi vẫn say sưa với những khái niệm cơ bản xơ cứng và giáo điều, bất
biến một cách ngớ ngẩn. Tôi quyết định điện thăm vị đại tá, bày tỏ nhã ý muốn
ông viết một cái gì đó về siêu quyền lực, ông cười thật hiền: “Tôi nghỉ hưu ba
năm rồi! Còn nhiều việc quan trọng hơn thế ông ạ. Giờ là lúc tôi phải chăm sóc
cho chính mình, cho vợ, cho con, cháu và cho quê hương mình.
Tôi đang soạn một cuốn
sách văn hóa – sử cho quê tôi và đang hướng dẫn họ hàng làm gia phả nên chẳng
để tâm đến ba cái đó nữa. Vả lại, ông thấy đấy, trước dinh lũy của bảo thủ,
giáo điều, lú lẫn như vậy thì mình có thể làm được gì kia chứ!”. “Vậy tôi muốn
viết về thứ siêu quyền lực đó, ông ủng hộ không?” – Tôi kiên nhẫn. Ông đáp, hóm
hỉnh: “Tùy ông, nhưng coi chừng đấy. Ở xứ ta quyền lực vô độ vốn là thuộc tính
ổn định rồi. Xin chú ý quan hệ giữa hai khái niệm quyền lực và tham nhũng. Vui
đấy!”.
Ông ấy đã truyền cho tôi một cảm hứng mới lạ. Bất giác tôi nhớ đến
câu của Nam tước John Dalberg-Acton (1834-1902): “Quyền lực dễ nảy sinh tham
nhũng/ Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối” và liên hệ với cái luận đề
về sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối ở cái thời mạt này.
Tôi chua xót nhận ra rằng ở xứ ta trùm tham
nhũng lại có quyền chống tham nhũng, lại kêu gọi và chỉ đạo chống tham nhũng
(?!).
Tôi lại nhớ người anh
đáng kính của tôi – nhà nghiên cứu văn hóa Hà Văn Thùy – trong cái kết bài viết
“Sự khốn cùng của trí tuệ” có mượn lời một nhà sư, ví siêu quyền lực giống như
con sư tử là chúa sơn lâm, nó chẳng sợ gì ai nhưng nó sẽ chết dần chết mòn bởi
chính giòi bọ trong bụng nó: “Sư tử trùng thực, sư tử nhục”.
Và tôi nhận ra rằng ông ấy vượt tôi về mọi phương diện, từ duy
pháp lý đến việc lựa chọn cách sống. Ông chọn cách cống hiến nhiều hơn cho gia
đình ông, cho nơi chôn nhau cắt rốn, cho họ mạc, bà con của ông, thật thiết
thực và đầy tình nghĩa./.
N.B.
3/2016
Tác giả gửi BVN.
__._,_.___