Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Wednesday, May 27, 2015

Ngư dân kiệt quệ vì lệnh cấm của Trung Quốc

Ngư dân kiệt quệ vì lệnh cấm của Trung Quốc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-05-18

Tàu cá ĐNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 2 tháng 6, 2014 được kéo về Đà nẵng
Tàu cá ĐNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 2 tháng 6, 2014 được kéo về Đà nẵng
Quyết định cấm ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân một số nước trong khu vực có liên quan đến Biển Đông đánh bắt ở vùng do Trung Quốc khoanh vùng, tự coi mình là chủ quyền đã khiến hàng chục ngàn ngư dân Việt Nam rơi vào cảnh khốn đốn. Ngư dân đánh bắt xa bờ của Việt Nam từ Nam chí Bắc đều khốn đốn như nhau. Đặc biệt, ngư dân Lý Sơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi quyết định vô lý này được đưa ra.

Vùng biển hẹp lại còn bằng cái ao
Ông Thiện, ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, chua chát: “Mới nghe lệnh cấm đây thôi chứ còn dân biển chưa nghe nhiều. Tin này mới có, dân biển vẫn còn ngoài khơi chưa về. Thường thì tụi em gởi tàu ở Đà Nẵng, Thanh Hóa hoặc Nha Trang, gởi đó rồi bắt xe về Quảng Ngãi. Vì đánh bắt xong, bán cá rồi đi về thì thuận tiện hơn. Mang tàu về tốn kém lắm. Nói chung mùa biển năm nay khó đó, vẫn chưa nói được gì…”.

Theo ông Thiện, Việc Trung Quốc cấm đánh bắt trên vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngay trong mùa đánh bắt sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngư dân cả nước chứ không riêng gì ngư dân Lý Sơn. Bởi trên thực tế, bất kì ngư dân nào đánh bắt xa bờ đều gặp phải sự cản trở của Trung Quốc nếu không vài chục lần thì cũng một vài lần. Nếu may thì bị nhẹ, không may thì bị húc hư tàu, bị cướp tài sản.

Và bất kì ngư dân nào từng gặp tàu Trung Quốc rồi khi về cũng sẽ lâm nợ, phải vay mượn ngân hàng để gia cố hoặc mua tàu mới có công suất lớn hơn để đánh bắt, phòng khi tàu Trung Quốc xuất hiện mà chạy. Cũng có nhiều trường hợp bị Trung Quốc húc tàu vài lần, mất vốn, chuyển sang đánh trộm ở vùng biển Thái Lan, lại bị cảnh sát biển Thái Lan rượt đuổi, bắt nhốt, mất cả chì lẫn chài.
Việc Trung Quốc cấm đánh bắt trên vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngay trong mùa đánh bắt sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngư dân cả nước chứ không riêng gì ngư dân Lý Sơn

Nhưng số này ít, số người quyết tâm bám biển rất cao, họ quyết vay tiền đóng tàu mới, trang bị lưới loại tốt để ra khơi. Và mỗi lần trang bị như vậy, số tiền đầu tư sẽ lên đến tiền tỉ, nếu ít cũng vài trăm triệu đồng, nhiều thì vài chục tỉ. Mà với nghề đánh bắt xa bờ, mỗi năm chỉ có một vụ cá từ tháng hai âm lịch cho đến tháng bảy âm lịch. Đó là mùa thu hoạch đỉnh cao để sống cả năm. Những tháng còn lại ngư dân không thể ra khơi bởi thời tiết xấu, cá cũng di tản, không có để đánh bắt.

Nhưng với đà này, mỗi năm Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt vào mùa cá bắt đầu dậy biển cho đến tháng tám dương lịch, trùng dịp tháng bảy âm lịch, xem như cả mùa đánh bắt của ngư dân bị khóa. Ngư dân chỉ còn nước đánh bắt gần bờ hoặc úp thuyền ở nhà uống rượu.

Trong khi đó, đường lưỡi bò của Trung Quốc vẽ đã nuốt trọn biển Đông, đẩy ngư trường của Việt Nam vào một cụm teo tóp. Nếu như họ tiếp tục giữ thái độ cấm đoán và nhà nước lại phản đối suông như vậy, ngư dân Việt Nam sẽ không có biển để đánh bắt. Trong trường hợp này, toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ phải về đánh gần bờ để vớt vát tiền xăng dầu, chi phí. Vấn đề này sẽ tạo ra một vùng ngư trường hết sức lộn xộn ở gần bờ và chắc chắn cũng không đủ trữ lượng cá để đánh bắt. Bởi nếu đủ trữ lượng, ngư dân Lý Sơn, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa đã không chọn đánh bắt xa bờ ngay từ đầu.

Âu thuyền Lý Sơn. RFA
Âu thuyền Lý Sơn. RFA

Riêng với huyện đảo Lý Sơn, nơi có số lượng tàu đánh bắt xa bờ và ngư dân bám biển nhiều nhất xét theo chiều ngang, thiệt hại của ngư dân trong vụ đánh bắt này sẽ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Và một khi mức thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng thì số tiền vay ngân hàng để mua sắm thiết bị đánh bắt sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Ngư dân hết đường xoay sở.

Ông Thiện buồn rầu chia sẻ thêm rằng chỉ riêng gia đình ông, mức thiệt hại có thể lên đến ba tỉ đồng vì lệnh cấm này. Ông đang cân nhắc thử nên liều thân ra đánh bắt hay chuyển sang đánh bắt trộm ở vùng biển Thái Lan. Vì hiện tại, ông không còn lựa chọn nào khác. Trong khi đó, nhà nước Việt Nam cũng chỉ phản đối suông, không hề có chính sách nào hợp lý để bảo vệ ngư dân, vùng biển Việt Nam chỉ còn hẹp lại như một cái ao không hơn không kém!

Nhà nước phản đối đến bao giờ?
Một ngư dân khác, không muốn nêu tên, sống tại huyện đảo Lý Sơn, chia sẻ thêm: “Tháng nắng này mình đi nhiều, chứ tháng chín tháng mười trời mưa mình đi ít. Thường thường thì những tháng này đi nhiều đây, mùa này, tháng này đi nhiều. Nhưng bữa nay thì chỉ lai rai…”

Tại sao cho đến giờ phút này, nhà nước vẫn cứ lên tiếng phản đối suông và xem việc đánh bắt kiếm cơm của ngư dân như một thứ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc phòng. Trong khi đó, cảnh sát biển và bộ đội biên phòng lại ở không, chưa hề có động thái nào để bảo vệ ngư dân

Theo ông này, với tình hình hiện tại, gia đình ông sẽ phải bán nhà để trả nợ bởi ngư trường bị cấm cửa. Ngược lại, nếu ông vẫn tiếp tục đánh bắt để kiếm chác chút vốn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình ông. Bởi theo kinh nghiệm của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, Lê Tân và nhiều thuyền trưởng từng bị bắt, khi bắt ngư dân Việt Nam giải về đảo Hải Nam, không hiểu sao trong các nhà lao của Trung Quốc lại có cả hình ảnh gia đình của các ngư dân này dán trên tường. Kiểu dán hình gia đình như thế giống như một lời đe dọa nếu còn tiếp tục đánh bắt sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người thân.

Với ngư dân, một khi chọn nghề đánh bắt xa bờ và tự đặt cho mình sứ mệnh bám giữ phần biển thiên liêng của ông bà để lại, họ chẳng còn biết sợ. Nhưng với cá nhân họ thì không sợ, với người thân lại là chuyện khác. Vị này nói rằng nếu để đánh đổi tất cả sự nghiệp mà giữ lấy người thân, ông sẽ chọn người thân.
Mà một khi gián điệp Hoa Nam đã vào tận đảo Lý Sơn, họ đã chụp được hình người thân của ông trong lúc làm việc thì e rằng khó mà lường được họ sẽ làm gì tiếp theo. 

Hơn nữa, ngành du lịch Lý Sơn mở cửa, khách Trung Quốc cũng đã đến đây ở lại, làm sao có thể biết được trong số khách du lịch ấy có bao nhiêu là gián điệp, bao nhiêu là người dân bình thường!

Mặc dù không làm việc gì dính đến chính trị, nhưng theo vị này, một khi nhà nước đùn đẩy việc đi đánh bắt của ngư dân trên vùng biển lưu truyền nhiều đời Hoàng Sa và Trường Sa thành nhiệm vụ chính trị thì e rằng khó mà nói được gì về sự an toàn tính mạng của ngư dân cũng như người thân của họ!

Điều mà ông lấy làm lạ là tại sao cho đến giờ phút này, nhà nước vẫn cứ lên tiếng phản đối suông và xem việc đánh bắt kiếm cơm của ngư dân như một thứ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc phòng. Trong khi đó, cảnh sát biển và bộ đội biên phòng lại ở không, chưa hề có động thái nào để bảo vệ ngư dân Việt Nam và bảo vệ vùng lãnh hải bị chiếm ngang nhiên. Và nhà nước còn phản đối suông đến bao giờ?!

Nhóm phóng viên tường trình từ việt Nam.


Vòi bạch tuộc Trung Quốc vươn đến châu Mỹ la-tinh


Vòi bạch tuộc Trung Quốc vươn đến châu Mỹ la-tinh

Phát Thứ ba, ngày 26 tháng năm năm 2015
Vòi bạch tuộc Trung Quốc vươn đến châu Mỹ la-tinh

Một tàu Trung Quốc neo tại cảng Santos để chở đậu nành của Brazil, ngày 19/05/2015.REUTERS/Paulo Whitaker

Thời kỳ mà châu Âu và Hoa Kỳ có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Nam Mỹ đã trôi qua, thay vào đó là Trung Quốc. Cơn khát nguyên liệu đã khiến những chiếc vòi bạch tuộc của Bắc Kinh vươn xa đến châu Phi nghèo khó nhưng giàu tài nguyên, và nay đến lượt châu Mỹ la-tinh. Khu vực « sân sau » của Mỹ nay bắt đầu trở thành « vườn nhà » của Trung Quốc.

Chuyến viếng thăm các nước Mỹ la-tinh của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kết thúc hôm qua 25/05/2015 tại Chilê, đã củng cố thêm mối quan hệ kinh tế cho khu vực đang gặp nhiều khó khăn này. Tuy nhiên cuộc nhân duyên có vẻ không mấy « môn đăng hộ đối ».

Những hợp đồng bạc tỉ
Tại Chilê, quốc gia cuối cùng trong vòng công du châu Mỹ la-tinh sau Brazil, Colombia và Peru, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp gỡ nữ Tổng thống Michelle Bachelet, bàn bạc về hợp tác tài chính. Chilê là nước đầu tiên trong khu vực ký kết hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc năm 2006, và lần này Ngân hàng Trung ương đôi bên loan báo chuẩn bị sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ.

Thứ Ba tuần trước, Bắc Kinh đã thỏa thuận với Brazil một kế hoạch đầu tư lên đến 53 tỉ đô la. Ông Lý Khắc Cường ký kết với Brasilia 35 hợp đồng kinh tế, trong khuôn khổ một « kế hoạch hành động chung » đến năm 2021.

Bắc Kinh, vốn đã đầu tư 3,5 tỉ đô la vào tập đoàn Petrobras hồi cuối tháng Tư, nhân dịp này đã ký thêm hai hợp đồng để bơm thêm 7 tỉ đô la cho tập đoàn dầu khí quốc doanh Brazil hiện đang suy sụp vì xì-căng-đan tham nhũng quy mô khiến khó thể vay mượn trên thị trường. Ngân hàng ICBC Trung Quốc cũng sẽ rót đến 4 tỉ đô la vào tập đoàn quặng mỏ Vale của Brazil – đang dẫn đầu thế giới về quặng sắt, nhưng giá mặt hàng này đang xuống thấp.

Bên cạnh đó, hai nước cũng cụ thể hóa vụ tập đoàn Embraer của Brazil bán cho công ty Tianjin Airlines đợt đầu 22 chiếc máy bay, toàn bộ hợp đồng 60 chiếc có trị giá ước tính 1,1 tỉ đô la. Là nước chăn nuôi bò lấy thịt hàng đầu, Brazil được Trung Quốc mở lại thị trường xuất khẩu đã bị ngưng trệ lâu nay vì lý do dịch tễ.

Ngoài ra Bắc Kinh còn tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ xa lộ cho đến cảng hàng không và cảng biển. Trong số đó có đề án đầy tham vọng : lập một « hành lang đường sắt » giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để vận chuyển quặng sắt và đậu nành sang Trung Quốc với chi phí rẻ nhất. Một « giấc mơ Trung Hoa » có thể tốn kém đến 80 tỉ đô la.

Làn sóng đầu tư này mang lại sự phấn chấn cho Brazil. Nền kinh tế thứ bảy thế giới đang chênh vênh trên bờ vực suy thoái, và năng lực đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi chương trình khắc khổ của chính phủ bà Dilma Rousseff.

Trung Quốc & Mỹ la-tinh, mối quan hệ bất bình đẳng
Theo tổng kết vào cuối năm 2014 của trung tâm nghiên cứu Inter-American Dialogue ở Washington và trường đại học Boston, từ năm 2005 Trung Quốc đã cho các nước hay doanh nghiệp Mỹ la-tinh vay trên 119 tỉ đô la, riêng trong năm 2014 là 22,1 tỉ đô la. Đứng đầu là Venezuela (56,3 tỉ), tiếp theo là Brazil (22 tỉ), Achentina (19 tỉ).

Khu vực này có lợi ích gì cho Trung Quốc ? Châu Mỹ la-tinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu gần như vô tận, và là nơi tiêu thụ hàng tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng mối quan hệ là bất bình đẳng, theo bà Margaret Mayer, giám đốc chương trình Trung Quốc và Mỹ la-tinh ở trung tâm Inter-American Dialogue.

Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và vùng Caribê (Cepal), bà Alicia Barcena nhấn mạnh : « Chỉ có năm mặt hàng, đều thuộc lãnh vực thứ cấp như nông nghiệp, năng lượng, hầm mỏ…chiếm 75% xuất khẩu của khu vực sang Trung Quốc năm 2013. Trong khi đó gần 90% đầu tư Trung Quốc sang châu Mỹ la-tinh là nhằm khai thác, đặc biệt là quặng mỏ và dầu khí ».

Trước tình hình giá nguyên vật liệu sụt giảm, tăng trưởng của châu Mỹ la-tinh bỗng khựng lại và sự bất bình đẳng càng thấy rõ. Về phía Trung Quốc, theo ông Joao Augusto de Castro Neves của cơ quan tư vấn Eurasia Group, « từ ưu tiên cho nhập nguyên liệu nay đã chuyển sang xuất khẩu hàng tiêu dùng, và như vậy các dự án hạ tầng là rất cần thiết ».
Nhân chuyến công du các nước châu Mỹ la-tinh vào tháng 7/2014, ông Tập Cận Bình đã mô tả quan hệ giữa Trung Quốc và châu lục này là « một cộng đồng cùng chia sẻ một định mệnh ». Nhưng theo tạp chí Tài chính & Phát triển, thì có vẻ như Bắc Kinh đã chủ động làm nên định mệnh ấy.

Đầu tư ồ ạt vào Brazil, nhưng chỉ mua nguyên liệu thô
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế châu Mỹ la-tinh và vùng vịnh Caribê (Cepal) thuộc Liên Hiệp Quốc khẳng định gần 90% đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này từ 2010 đến 2013 là để khai thác tài nguyên.

Một ví dụ cụ thể là trường hợp Brazil vừa nói ở trên. Thương mại giữa Brasilia và Bắc Kinh từ 3,2 tỉ đô la năm 2001 đã tăng vọt lên 83 tỉ đô la trong năm 2013, tăng gấp 25 lần. Trung Quốc đói nguyên liệu, còn Brazil dồi dào từ quặng sắt đến dầu hỏa, từ đậu nành, đường cho đến cà phê.

Nhưng do cơ sở hạ tầng cũ kỹ, việc vận chuyển hàng hóa chậm chạp và phí bị đội lên. Để mua được nguyên vật liệu giá rẻ, Trung Quốc đề nghị tài trợ cải thiện hệ thống giao thông. Giải pháp đôi bên cùng có lợi này dường như quá tốt đẹp, chỉ còn cần bàn bạc cụ thể. Nhưng báo Le Temps của Thụy Sĩ cho biết, chính ở đây, xung đột lợi ích đã lộ rõ.

Ông Hervé Théry, giám đốc nghiên cứu của CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) và là giáo sư thỉnh giảng của trường đại học Sao Paulo tố cáo : « Trung Quốc tỏ ra hết sức cứng rắn. Họ chỉ muốn nhập khẩu sản phẩm thô, trong khi Brazil mong xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến ».

Với mặt hàng đậu nành, Bắc Kinh chỉ muốn mua dạng hạt thô, còn Brasilia hy vọng bán được sản phẩm dạng protein thực vật. Đúng ra do cơ sở hạ tầng xuống cấp, tốt nhất Brazil chỉ nên xuất các loại sản phẩm với số lượng ít nhưng có hàm lượng giá trị tăng thêm cao.

Giáo sư Théry nhắc lại : « Người Trung Quốc đã quen thói chiếm hữu đất ở châu Phi, họ đổ bộ vào với các kỹ sư, công nhân người Hoa và mang về tối đa các nguyên vật liệu cần thiết. Nhưng người Brazil nhận ra trong cung cách làm ăn này thái độ kẻ cả của thực dân mới, và nhất quyết không để bị chèn ép. Mới đây họ đã chứng tỏ điều này qua việc ra luật hạn chế người nước ngoài sở hữu đất đai, và kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình trên mọi mặt ».

Đất nước châu Mỹ la-tinh quan trọng này có thế mạnh hơn những quốc gia châu Phi nghèo khổ mà Bắc Kinh tha hồ bóc lột tài nguyên trong những năm gần đây. Brazil có nhiều cơ hội để thương lượng được một mô hình hợp tác khác hẳn, chẳng hạn Trung Quốc đầu tư nhưng phải dành một phần lớn công việc cho các doanh nghiệp địa phương chế biến hàng xuất khẩu.

Venezuela rơi vào vòng xoáy nợ nần với Trung Quốc
Không phải quốc gia Mỹ la-tinh nào cũng có được ưu thế khi đàm phán, nhất là khi đang rơi vào khủng hoảng như Venezuela.

Ngày 19/4, Tổng thống Nicolas Maduro thông báo Bắc Kinh vừa cho vay thêm 5 tỉ đô la. Tổng cộng từ năm 2008 đến nay, Venezuela đã nợ Trung Quốc trên 56 tỉ. Sở hữu trữ lượng dầu khí khổng lồ, Venezuela trả nợ bằng dầu lửa. Và lao vào vòng xoáy nợ nần.

Trước đó vào tháng Giêng, sau chuyến viếng thăm bất ngờ Bắc Kinh, ông Maduro loan báo Trung Quốc sẽ đầu tư 20 tỉ đô la. Món tiền này là quả bóng oxy cho chính quyền Caracas, đang gặp khó khăn vì dầu thô - chiếm đến 90% xuất khẩu của đất nước - từ một năm qua đã bị mất đến trên 50% giá trị.

Mặc cho những lời hứa hẹn của Tổng thống, các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục khan hiếm, dòng người vẫn nối dài trước các cửa hàng. Sữa, thịt, xà bông thiếu vắng trong các siêu thị do nhà nước quản lý. Lạm phát đạt mức 68,5% trong năm 2014, tiếp tục phi mã, nhưng Ngân hàng Trung ương không còn công bố con số chính thức.

Theo IMF, tỉ lệ này có thể lên đến 96,8% trong năm nay. Các nhà kinh tế độc lập cho rằng số liệu chính thức vốn không tính đến giá cả trên thị trường chợ đen, rất xa so với sự thật. Cũng theo IMF, năm nay Venezuela sẽ bị thâm hụt 20% ngân sách, dự trữ ngoại hối rơi xuống dưới mức 20 tỉ đô la.

Còn Trung Quốc túi rủng rỉnh tiền nhưng rất cần năng lượng, bèn đưa Caracas thành đối tác ưu tiên. Tháng 7/2014, Tập Cận Bình hoan nghênh việc nâng quan hệ lên tầm « đối tác chiến lược toàn diện », còn ông Maduro cảm động cám ơn « ông anh Trung Quốc »

Một năm trước đó, tập doàn dầu khí CNPC Trung Quốc loan báo sẽ đầu tư 28 tỉ đô la vào vành đai dầu lửa Orénoque. Dưới mắt Caracas, Bắc Kinh là một chủ nợ dễ dãi vì không đòi hỏi các điều kiện rắc rối như nhân quyền. Tổng thống Maduro tiếp tục tự hài lòng với việc lên án đế quốc Mỹ, và nợ nần đối với Bắc Kinh thì ngày càng chồng chất.

Trung Quốc và chủ nghĩa thực dân mới
Nhu cầu của Trung Quốc về nhôm, đồng và kẽm đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2007, tiêu thụ chì tăng gấp ba và nickel gấp bốn lần. Về nông sản, Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà nhập khẩu đậu nành hàng đầu thế giới.
Nếu tại Brazil, Bắc Kinh đã hất cẳng Washington trong vai trò đối tác hàng đầu, thì nhìn chung Trung Quốc có thể qua mặt Liên hiệp Châu Âu để trở thành đối tác thương mại thứ nhì của châu Mỹ la-tinh.
Một thế giới đa cực không có nghĩa là một thế giới bình đẳng.

Từ 2009, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng đầu các nguyên liệu, nông sản của Brazil, Chilê, Peru, Mehico và Colombia, và là nhà cung cấp đứng hàng thứ nhì của các nước trên, chủ yếu là hàng công nghiệp ( hàng dệt may, giấy, xe hơi, hàng điện tử…).

Hiện tượng này cũng tương tự như đã xảy ra ở châu Phi : hàng xuất khẩu từ châu lục này sang Trung Quốc gồm 70% là dầu lửa, 15% quặng mỏ ; trong khi hàng Trung Quốc bán cho châu Phi đến 90% là hàng công nghiệp.

Tỉ lệ nguyên vật liệu trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu từ châu Mỹ la-tinh sang Trung Quốc từ 27% vào đầu thập niên 80 đã lên 40% vào năm 2009. Như vậy trao đổi thương mại tăng lên không phải là cơ hội để các nước Mỹ la-tinh đa dạng hóa, sáng tạo, thêm vào giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của mình. Vị trí nước xuất nguyên liệu thô không cho phép các quốc gia này hội nhập vào thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển.

Bên cạnh đó là sự lệ thuộc, dễ tổn thương khi nền kinh tế chỉ dựa vào vài mặt hàng đơn điệu, và việc sản xuất các sản phẩm này cũng tùy thuộc một số nhân tố độc quyền như các địa chủ, đại gia…Đây chính là sự xuất hiện trở lại của mô hình thuộc địa. Lao động địa phương bị bóc lột, còn nguồn lợi thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ. Nguyên liệu được đưa sang quốc gia thực dân để chuyển đổi thành sản phẩm công nghiệp và bán lại với lợi nhuận tối đa.

Mô hình kinh tế này vừa bất bình đẳng (giữa đa số bị bóc lột và thiểu số giàu có), hủy hoại môi trường (độc canh, tăng năng suất bằng thuốc trừ sâu, hầm mỏ gây ô nhiễm, phá rừng…) ;
Hàng ngàn hecta độc canh đậu nành, hàng ngàn lít nước trong khai thác quặng mỏ, nông sản biến đổi gien, ô nhiễm : bấy nhiêu tài nguyên đất và nước mất đi, là bấy nhiêu cơ hội giảm xuống cho thực phẩm sạch và một xã hội bình đẳng hơn.

Ảnh hưởng không đơn thuần trên lãnh vực kinh tế mà còn về chính trị. Nguồn lợi từ việc xuất nguyên liệu thô giúp các chính quyền cánh tả tài trợ cho các chương trình xã hội để lấy lòng dân chúng. Thế nên rất khó khăn khi đặt lại vấn đề đa dạng hóa sản xuất, tìm thêm đầu ra. Đây là một nghịch lý : các chính sách chống nghèo đói, tăng thêm dịch vụ xã hội…được tài trợ bởi phương thức sản xuất khai thác tài nguyên đơn thuần.

Độc canh, xuất thô lại tước đoạt của người dân phương tiện sản xuất, tái lập bất bình đẳng và lệ thuộc và đặt lại vấn đề về chủ quyền của các dân tộc. Chính sách xã hội được coi trọng hơn các mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế. Ngoài ra, các chương trình phúc lợi và và những lời hứa tương lai ngày khó bù đắp nổi cho tài nguyên bị mất đi, ngõ cụt sinh thái và thảm họa môi trường.

Những tiếng nói phản đối
Trước tình hình đó, có hai lực lượng đang nổi lên ở châu Mỹ la-tinh. Lực lượng thứ nhất gồm đa số chính phủ cánh tả và một số phong trào xã hội, không ngừng kêu gọi đưa ra một chiến lược chung trước Trung Quốc. Lực lượng thứ hai gồm các phong trào khác nhau (nông dân, thổ dân…) muốn đặt lại vấn đề, với những điều kiện nào thì thương mại với Trung Quốc mới mang lại lợi ích cho các dân tộc và đất nước Mỹ la-tinh, có sự thăng bằng giữa tăng trưởng, tiêu thụ và chất lượng cuộc sống ?

Nhà tư vấn Castro Neves nêu ra những trở ngại đã từng chứng kiến tại châu Phi, « nơi người Trung Quốc luôn cố áp đặt các điều kiện không thể chấp nhận được về lao động và môi trường ». Tại châu Mỹ la-tinh, « khi mà sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng nhiều, người ta đã nhận ra một số ác cảm ».
Tại Nicaragua, những người bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương từ nhiều tháng qua đấu tranh chống dự án kênh đào xuyên hai đại dương của Hongkong Nicaragua Canal Development (HKND). Ở miền nam Peru, một công nhân đã thiệt mạng hôm qua trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình tố cáo các vụ sa thải tùy tiện tại một mỏ của công ty Trung Quốc Shougang.

Sân sau của Mỹ đang trở thành vườn nhà Trung Quốc
Theo một công trình nghiên cứu của các trường đại học ở Achentina, Peru và Hoa Kỳ, « thương mại và đầu tư của Trung Quốc tại châu Mỹ la-tinh từ đầu thế kỷ 21 là một nhân tố chủ yếu của tình trạng môi trường xuống cấp, và là nguồn gây ra xung đột xã hội đáng kể ».

« Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc » ở châu lục này còn có thể khiến cho một số chính phủ cắt đứt quan hệ với Đài Loan, khiến đảo quốc này bị cô lập thêm. Trong số 23 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, phân nửa ở châu Mỹ la-tinh và vùng vịnh Caribê. Bắc Kinh đã gia nhập Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (BID) và Ngân hàng Phát triển vùng Cari bê (BDC). 

Tại khu vực này, có 5 nước công nhận Đài Loan, đầu tư của Trung Quốc tăng gấp năm lần từ 2003 đến 2012.

Bắc Kinh im lặng trước những xung đột « nóng », như cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela, cuộc đảo chính ở Honduras năm 2009, âm mưu đảo chính ở Ecuador năm 2010…Dựa vào cái cớ « không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác », Bắc Kinh luôn « ngậm miệng ăn tiền », khác hẳn với các nguyên tắc dân chủ của Washington. Đáng chú ý là mỗi quốc gia đối tác có thể là thêm một lá phiếu cho Trung Quốc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trên lãnh vực quân sự, Peru và Bolivia là khách hàng của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Cuba cho phép Bắc Kinh sử dụng các cơ sở hạ tầng do người Nga xây dựng dở dang tại đây, nhất là căn cứ quân sự Torrens gần La Habana.
Charles Tang, chủ tịch Phòng Thương mại Brazil-Trung Quốc khẳng định : « Sân sau của Hoa Kỳ đang trở thành vườn nhà của Trung Quốc, không chỉ ở Brazil mà còn trên toàn châu Mỹ la-tinh ».

Tờ La Nación xuất bản ở Buenos Aires nhận xét : Có thể Tập Cận Bình, quan ngại trước việc Hoa Kỳ đang thương thảo với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á về TPP, muốn gởi đến ông Barack Obama một thông điệp đại khái như : « Anh đến lảng vảng tại khu vực ao nhà của tôi, thì tôi trả đũa lại anh tương tự !». 

Nói cách khác, Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào châu Mỹ la-tinh. Không tự bằng lòng với lục địa đen, những chiếc vòi bạch tuộc quyết vươn sang tận bên kia đại dương, thách thức Chú Sam.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Tuesday, May 26, 2015

Trung Quốc Đảo Nợ


Trung Quốc Đảo Nợ

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-05-20
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
05202015-china-loan-swap.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Tổ hợp tư vấn McKinsey ước lượng cỡ 282% của Tổng sản lượng, mà sản lượng của Trung Quốc được tính là khoảng 10 ngàn tỷ đô la thì mình quy ra tổng số nợ phải ở mức 28 ngàn 200 tỷ Mỹ kim

Tổ hợp tư vấn McKinsey ước lượng cỡ 282% của Tổng sản lượng, mà sản lượng của Trung Quốc được tính là khoảng 10 ngàn tỷ đô la thì quy ra tổng số nợ phải ở mức 28 ngàn 200 tỷ Mỹ kim
RFA files
<
Tiếp theo chương trình kỳ trước về khoản nợ quá lớn hiện nay của Trung Quốc, kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những biện pháp giải quyết của lãnh đạo Bắc Kinh qua một số sáng kiến vừa được ban hành hôm Thứ Năm 14 vừa rồi, Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyên Lam về vấn đề này với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong tuần qua, các thị trường tài chính trên thế giới đều theo dõi một số biện pháp của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề cực kỳ phức tạp là khối nợ quá lớn hiện nay của nền kinh tế. Khi theo dõi thì người ta thấy trước hết, hôm Thứ Năm 14 vừa qua, 

Chính quyền Bắc Kinh cho biết rằng đến Tháng Chín này thì họ sẽ hoàn tất bước đầu của một kế hoạch gọi là đảo nợ cho các chính quyền địa phương. Qua hôm sau Thứ Sáu 15, thì Bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương lại ra chỉ thị là các cơ quan tài chính phải tiếp tục tài trợ các dự án bị lỗ lã ở địa phương trong khi tiến hành biện pháo đảo nợ. Thưa ông, trước loại tin dồn dập như vậy, dư luận bên ngoài chú ý đến ba chuyện là số tiền nợ, là chính quyền địa phương và thứ ba là việc đảo nợ. Ý nghĩa của các động thái này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trước hết nói về bối cảnh của cả vấn đề rộng lớn và phức tạp mà chương trình của chúng ta đã đề cập vào tuần trước, là chuyện nợ nần.

- Một là Trung Quốc hiện mắc nợ rất cao mà tới cỡ nào thì khó ai biết, kể cả các cơ quan hữu trách, từ Bộ Tài chính tới Ngân hàng Nhà nước hay các Ủy ban kiểm soát của đảng. Khi nói về tiền nợ, ta dùng đơn vị là tỷ bạc, là nghìn triệu, nhưng khi con số lên tới ngàn tỷ, là triệu triệu, thì mình có thể mất luôn khái niệm. Thí dụ như tổng số nợ hiện nay của Trung Quốc được tổ hợp tư vấn McKinsey ước lượng cỡ 282% của Tổng sản lượng, mà sản lượng của xứ này được tính là khoảng 10 ngàn tỷ đô la thì mình quy ra tổng số nợ phải ở mức 28 ngàn 200 tỷ Mỹ kim, một con số ít ai mường tượng là lớn cỡ nào.

- Thứ hai là khi phân giải tổng số nợ thì ta có thêm vài chi tiết rắc rối khác. Theo lối thông dụng, người ta xếp loại nợ của từng chủ thể đi vay, như chính quyền trung ương nợ quãng hai ngàn 100 tỷ, các doanh nghiệp nợ gần 17 ngàn tỷ, các tổ chức tài chính nợ gần hai ngàn tỷ, xấp xỉ với nợ của nhà nước trung ương, các hộ gia đình thì nợ 280 tỷ và chính quyền địa phương nợ 190 tỷ. Đấy là con số do tờ Financial Times của Anh tính ra.

Tổng số nợ hiện nay của Trung Quốc được tổ hợp tư vấn McKinsey ước lượng cỡ 282% của Tổng sản lượng, mà sản lượng của xứ này được tính là khoảng 10 ngàn tỷ đô la thì mình quy ra tổng số nợ phải ở mức 28 ngàn 200 tỷ Mỹ kim, một con số ít ai mường tượng là lớn cỡ nào
Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Nhưng ngoài ra còn có loại nợ đặc biệt là của cả vạn “cơ sở tài trợ chính quyền địa phương”, quốc tế gọi là Local Government Financing Vehicles, viết tắt là LGFV. Số nợ của các cơ sở này lên tới ba ngàn 500 tỷ đô la. Khi nghe nói về khoản nợ của chính quyền địa phương thì ta nên nhớ rằng đấy không là 190 tỷ đô la mà là ba ngàn 500 tỷ của các cơ sở tài trợ LGFV này. Biện pháp đảo nợ được nói tới chính là liên hệ đến các cơ sở ấy và ba ngàn 500 tỷ là nhiều lắm!
Nguyên Lâm: Có lẽ ông đang đi từng bước để thính giả của chúng ta có cái nhìn toàn cảnh đã, thế thì các cơ sở tài trợ chính quyền địa phương này là gì mà mắc nợ nhiều như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một đặc điểm của kinh tế xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa.

- Vì luật ngân sách từ năm 1994 của Trung Quốc không cho chính quyền địa phương đi vay dưới hình thức phát hành trái phiếu, là bán giấy nợ lấy tiền về xài, mà các địa phương đều phải thi đua thực hiện những dự án quy mô trong mục tiêu tạo ra công ăn việc làm để địa phương khỏi bị loạn, họ bèn phát huy sáng kiến là lập ra công ty đầu tư. Đấy là các cơ sở tài trợ chính quyền địa phương mình đang nói. Các công ty này vay của ai? Của các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại địa phương.

- Nghĩa là chúng ta có các công ty đầu tư thực ra là quốc doanh, của nhà nước ở địa phương, đi vay các ngân hàng và tổ chức tín dụng chủ yếu cũng của nhà nước ở địa phương, để thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng hay dự án địa ốc nhà cửa, trên đất đai cũng do nhà nước địa phương quản lý và phân bố. Nói vắn tắt thì tay mặt của nhà nước vay tay trái của nhà nước và thế chấp bằng đất đai cũng của nhà nước ở cấp địa phương. Và đảng viên cán bộ của nhà nước ở địa phương thì có thể làm giàu trong quy trình làm ăn đó.

Nguyên Lâm: Thưa ông, thế Chính quyền trung ương có biết việc ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dĩ nhiên là biết mà thấy rằng đấy là sáng kiến hay, vì giải quyết yêu cầu tài trợ ngân sách địa phương và tạo ra các công trình như cầu đường, thiết lộ, phi trường, cao ốc, v.v… được tính vào sản lượng nên đưa tới những con số tăng trưởng ngoạn mục. Khi thế giới bị tổng suy trầm vào năm 2008-2009, lãnh đạo Bắc Kinh đã quyết định tăng chi và bơm tín dụng để kích thích kinh tế thì địa phương càng ra sức hoạt động với các công ty đầu tư ráo riết đi vay thêm.

-Họ lấy rủi ro lớn vì quản lý dở nhưng vẫn yên tâm là mọi thứ đều lên giá, bản thân thì có lời và địa phương sẽ dư tiền hoàn trái, trả nợ. Thật ra họ bị thiếu thanh khoản và khó trả được nợ trong khi các dự án hoành tráng kia chỉ là những cơ sở ế ẩm. Bây giờ thì làm sao trung ương giải quyết số nợ của các công ty đầu tư địa phương này khi nó đã tăng vọt mà kinh tế địa phương lại trì trệ và cần sản xuất để tạo ra việc làm cho cư dân?

Nói vắn tắt thì tay mặt của nhà nước vay tay trái của nhà nước và thế chấp bằng đất đai cũng của nhà nước ở cấp địa phương. Và đảng viên cán bộ của nhà nước ở địa phương thì có thể làm giàu trong quy trình làm ăn đó
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lâm: Tuần qua, khi Bắc Kinh thông báo là cho các chính quyền địa phương được đảo nợ thì đấy có phải là biện pháp giải quyết không? Và thưa ông, cụ thể thì họ tiến hành ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ rằng khoản nợ của các địa phương đã tăng vọt, lên tới ba ngàn 500 tỷ và có khi còn cao hơn nữa, mà địa phương lại hết tiền hoàn tất các dự án dở dang.

Các nhà đầu tư Trung Quốc nhìn lo lắng khi họ nhìn vào giá của cổ phiếu (màu đỏ cho giá cả tăng cao và màu xanh lá cây cho giá xuống) tại trung tâm môi giới chứng khoán tỉnh An Huy miền đông Trung Quốc, ngày 15 tháng 5 2015.

Các nhà đầu tư Trung Quốc nhìn lo lắng khi họ nhìn vào giá của cổ phiếu (màu đỏ cho giá cả tăng cao và màu xanh lá cây cho giá xuống) tại trung tâm môi giới chứng khoán tỉnh An Huy miền đông Trung Quốc, ngày 15 tháng 5 2015.

- Thế rồi Bắc Kinh loan báo là từ nay đến Tháng Chín, các địa phương được phát hành trái phiếu có hạn kỳ dài hơn với phân lời thấp hơn để hoàn trả các ngân hàng ở địa phương. Nghĩa là nợ tín dụng ngân hàng được thay thế bằng trái phiếu với điều kiện dễ thở hơn cho các công ty đầu tư của địa phương. Nhưng đây là biện pháp có giới hạn vì thu gọn vào một ngân khoản tương đương với 160 tỷ đô la so với núi nợ là ba ngàn 500 tỷ, tức là chưa bằng 5%.

Nguyên Lâm: Hồi nãy ông vừa nói rằng trước kia Chính quyền Trung Quốc tại trung ương không cho các địa phương được quyền phát hành trái phiếu. Bây giờ thì phải chăng là họ đã đổi ý nên mới có biện pháp phát hành trái phiếu để đổi nợ ngân hàng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này mới dẫn chúng ta qua một chuyện kinh hoàng khác.

- Trước hết, ta không quên rằng Trung Quốc là xứ rất rộng mà không áp dụng thể chế liên bang để phân định quyền hạn giữa trung ương với các địa phương một cách ổn định. Vì vậy, họ vẫn gặp bài toán ngàn đời là mâu thuẫn và tranh đoạt ảnh hưởng giữa trung ương với các địa phương, và giữa các địa phương với nhau. Thật ra, chế độ cộng sản ngày nay cũng không khác.

- Lãnh đạo tại trung ương không muốn các địa phương có quá nhiều quyền hạn nên cấm địa phương phát hành trái phiếu và gom nhu cầu tài trợ vào một số ngân hàng của nhà nước cùng các chi nhánh ở dưới để gián tiếp kiểm soát địa phương. 

Khi thế giới bị tổng suy trầm thì giải pháp tài trợ các công ty đầu tư của địa phương cũng phù hợp với ý hướng kiểm soát ấy. Và quả thật là khi ngân sách địa phương chiếm tới hơn 80% của ngân sách toàn quốc thì các công ty đầu tư này có giải quyết được một phần của yêu cầu tài trợ. 

Nhưng khi các công ty đầu tư của địa phương bành trướng hoạt động và mắc nợ quá nhiều thì trung ương can thiệp và khóa bớt vòi tài trợ của các ngân hàng nhà nước ở địa phương. Hậu quả bất ngờ là đà gia tăng của “ngân hàng chui”, “shadow banking”.

Nguyên La: Chúng ta lại bước qua một vấn đề khác trong cái mối làm ăn trồng chéo này. Thưa ông, hiện tượng ông gọi là “ngân hàng chui” đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong mọi xã hội, khi người ta không có điều kiện đi vay ngân hàng thì phải tìm nguồn tài trợ khác, với tiền lời cắt cổ và rủi ro rất cao. Sự sáng tạo tại Trung Quốc là lập ra các cơ sở đầu tư có danh nghĩa là “quản lý tài sản” để đi vay các ngân hàng vẫn của nhà nước, nhưng là vay ngoài biên chế, ngoại ngạch, và không có sổ sách. 

Hình thái ngân hàng chui này có nhiều rủi ro nhưng giải quyết yêu cầu tài trợ của các địa phương và lại đẻ ra một núi nợ khác.

- Người ta dự toán rằng từ 30 đến 40% khoản dư nợ của các ngân hàng là loại rủi ro đó, tức là có thể lên tới từ 600 tới 800 tỷ đô la trong số ba ngàn 500 tỷ của các công ty đầu tư. Do đó từ năm 2013 trung ương lại phải can thiệp để hạn chế hình thái tài trợ bất thường này. Cũng vì vậy một phần mà trái bóng đầu cơ địa ốc mới xì và kinh tế bắt đầu suy trầm từ năm 2014.

- Bây giờ trung ương mới phải giải quyết bài toán nợ nần có quá nhiều mặt này. Biện pháp cho phép các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu nhắm vào mục tiêu đó. Nghĩa là các địa phương được thêm quyền đi vay để giảm bớt sức ép và rủi ro mất nợ cho hệ thống ngân hàng của nhà nước. Biện pháp ấy cũng bắt các địa phương phải tính toán cẩn thận hơn khi đi vay tiền.

Trung Quốc là xứ rất rộng mà không áp dụng thể chế liên bang để phân định quyền hạn giữa trung ương với các địa phương một cách ổn định. Vì vậy, họ vẫn gặp bài toán ngàn đời là mâu thuẫn và tranh đoạt ảnh hưởng giữa trung ương với các địa phương, và giữa các địa phương với nhau
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lâm: Nhưng thưa ông, phải chăng là quyết định này cũng cho các địa phương có khả năng linh động về ngân sách, về việc chi thu mà vẫn không giải quyết được bài toán nợ nần của cả nước? Họ mới chỉ đổi nợ mắc bằng nợ rẻ và thử nghiệm một dự án đảo nợ chỉ có 160 tỷ thôi?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy, việc trả nợ vẫn chưa bắt đầu và ngay hôm sau là Thứ Sáu 15 thì các địa phương còn được chỉ thị là tiếp tục tài trợ các dự án lỗ lã mà chưa hoàn tất ở địa phương. Qua chuyện này người ta mới thấy ra những lúng túng của lãnh đạo Trung Quốc với bài toán đa diện và quá nan giải này.

- Nói tiếp về biện pháp cho địa phương đảo nợ thì khi nhận về trái phiếu có phân lời thấp và kỳ hạn dài, các ngân hàng thương mại có thể thế chấp trái phiếu với ngân hàng trung ương để được tái tài trợ với lãi suất rẻ hơn. 

Đấy là một hình thức gián tiếp xóa nợ của nhà nước để các ngân hàng thương mại khỏi bị thiệt, nhưng hậu quả vẫn là sự xuất hiện của một loại giấy nợ mới nếu các địa phương được tiếp tục phát hành trái phiếu để giảm nợ. 

Với kinh nghiệm làm ăn và hiệu năng quản lý kém của các chính quyền địa phương thì ta có thể kết luận là Trung Quốc vẫn còn mắc nợ với nhiều rủi ro mới. Có lẽ sang năm thì mình có thể kiểm điểm lại dự đoán này.

- Chuyện thứ hai là trong khi đó trung ương vẫn phải củng cố quyền lực đối với các địa phương và sẽ còn bị cưỡng chống nữa, trong khi các chính quyền địa phương vẫn lại phát huy sáng kiến để mở rộng khả năng giải quyết các vấn đề trong quản hạt của họ. Cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp tục.

- Trong khi ấy - và đây mới là chuyện đáng nói nhất - khối nợ khổng lồ của các doanh nghiệp, trị giá gần 17 ngàn tỷ đô la, tương đương với hơn 60% của tổng số tín dụng tồn đọng, vẫn còn nguyên và chưa được giải quyết! Chúng ta sẽ có dịp trở lại bài toán vĩ đại này trong các chương trình tới sau khi nhớ rằng dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh chỉ ở khoảng gần bốn ngàn tỷ đô la mà thôi.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Monday, May 25, 2015

Vòng đàm phán TPP đang ở giai đoạn cuối


Vòng đàm phán TPP đang ở giai đoạn cuối

RFA-24-05-2015

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
RFA files
Hoa Kỳ cùng với 11 nước thành viên khác đang ở giai đoạn cuối cùng của vòng đàm phán dẫn đến việc hình thành Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương, thường được gọi tắt theo tiếng Anh là TPP.
Tin này được đại diện mậu dịch Hoa Kỳ, ông Mike Froman, nói với báo chí hồi chiều hôm qua, bên lề cuộc họp của Diễn Đàn Hợp Tác kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương tức APEC, tổ chức tại Boracay, Philippines.
Tuy nhiên ông Froman từ chối không cho biết thời điểm sẽ kết thúc đàm phán là lúc nào, chỉ nói rằng ông tin tưởng hiệp định sẽ thành hình trong thời hạn sớm nhất, với những quy định mà 12 nước tham gia đều mong muốn thấy.
Ông Froman cũng cho biết một trong những trở ngại còn sót lại là sự chống đối của các vị dân cử Hạ Viện Liên Bang Mỹ, trong đó bao gồm cáo buộc cho rằng một số nước tham gia TPP chủ trương hạ giá đồng bạc để có lợi khi đưa hàng vào Mỹ, bảo thêm vấn đề này và những thắc mắc khác của các vị dân cử sẽ được hành pháp Hoa Kỳ trình bày cặn kẽ vào tuần tới, khi Hạ Viện trở lại làm việc sau một tuần lễ nghỉ lễ.
Vị Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ cũng khéo léo bác bỏ những chỉ trích từ phía Trung Quốc cho rằng TPP được dựng lên với mục đích ngăn chận phát triền kinh tế của Hoa Lục. Theo lời ông Froman, chính phủ Hoa Kỳ xem Hiệp Định Đối tác Kinh Tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương là một cơ cấu sẽ cùng với những liên minh kinh tế khác góp phần xây dựng khu vực mậu dịch tự do cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam bị tắt đầu ra


Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam bị tắt đầu ra

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-05-24
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
05242015-no-way-for-vn-agricul.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)
Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)
Files photos
Nông sản Việt Nam đang bị tắt đầu ra và khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ khiến tổng kim ngạch cả nước bị ảnh hưởng mà còn làm cho nông dân lo lắng bức xúc. Đây là những đề tài nóng được đưa ra ngay trong phiên khai mạc Quốc hội sáng thứ Tư vừa qua.
Nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn đáng ngại
Báo cáo của chính phủ Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế trong phiên khai mạc quốc hội sáng thứ Tư vừa qua do ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn đáng ngại, điển hình nhất là nông sản bị tắt đầu ra trong thời gian qua.
Tình trạng suy giảm trong lãnh vực xuất khẩu nông, lâm và thủy sản khiến tổng kim ngạch cả nước bị ảnh hưởng, Ông nói nguyên nhân chính là việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong chuyển đổi cây trồng và đất cảnh tác đều kém hiệu quả.
Trong khi đó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, cũng cho rằng những yếu kém và vướng mắc trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp là nguyên nhân của vấn đề ‘được mùa, mất giá’, sản phẩm không tiêu thụ được dẫn đến thiệt hại và lo lắng cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Giàu nói tiếp, dù đã có những nỗ lực và cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng xem ra Việt Nam vẫn còn chậm và còn nhiều lúng túng trong tổ chức sản xuất, trong ứng dụng khoa học công nghệ cũng như trong việc tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Trung, nguyên cố vấn thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhận định:
Phải thay đổi lại sản xuất nông nghiệp là việc tất yếu vì nông nghiệp nước mình cũng đã phát triển đến cái ngưỡng mà nó phải chuyển sang nền nông nghiệp khác. Các sản phẩm mình làm ra thì bây giờ một phần nó đã bão hòa, một phần thế giới người ta lại có những yêu cầu khác
Ông Nguyễn Trung
Phải thay đổi lại sản xuất nông nghiệp là việc tất yếu vì nông nghiệp nước mình cũng đã phát triển đến cái ngưỡng mà nó phải chuyển sang nền nông nghiệp khác. Các sản phẩm mình làm ra thì bây giờ một phần nó đã bão hòa, một phần thế giới người ta lại có những yêu cầu khác, một phần nữa là điều kiện sản xuất nông nghiệp trong nước cũng bắt đầu thay đổi. Cho nên thay đổi nông nghiệp là việc tất nhiên phải làm, không chỉ riêng Việt Nam mà tôi nghĩ nhiều nước trong khu vực đang phải làm như vậy.
Cái bệnh thâm căn của nông nghiệp Việt Nam
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, đứng về phía nhà nông mà phân tích chuyện được mùa rơi giá và chuyện nông sản tắt đầu ra thì có thể hiểu như thế này:
Cái bệnh thâm căn của nông nghiệp Việt Nam là hay chạy theo những cái người ta đã làm. Thí dụ như thấy trồng tiêu tốt thì bỏ cây trồng đang làm rồi chạy theo cây tiêu, một thời gian thì khi tiêu mất giá thì bị khốn đốn. Hay là thấy cây điều trồng tốt thì chạy theo cây điều, tức là không tiên lượng cho rõ ràng cũng như không có một chánh sách về hỗ trợ tồn trữ nông sản cho đúng.
Một nông dân trồng dưa hấu ở bãi sông Trà Khúc, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, bên đống dưa hấu ế bắt đầu thối rữa hôm 28/3
Một nông dân trồng dưa hấu ở bãi sông Trà Khúc, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, bên đống dưa hấu ế bắt đầu thối rữa hôm 28/3

Tồn trữ nông sản đây là bao gồm cả lúa gạo và những cây ăn trái có thể xuất khẩu được và làm cái dự trữ quốc gia, dẫn đến chuyện nông dân chịu ảnh hưởng bởi thị trường trước mắt, thấy đồng nghiệp bán được loại gì hay con gì thì họ có xu hướng đi theo làm chuyện đó. Cho nên Việt Nam mình hay có câu “trúng mùa thì mất giá, mất mùa thì thua lỗ”. Trúng mùa mà mất giá thì nó cũng chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường.
Cho nên việc tắt đầu ra ở đây thì ngoài chuyện không có một kế hoạch dài lâu trong nông nghiệp mà cái này đòi hỏi một chiến lược phát triển hết sức đồng bộ và phải có chiều sâu. Thứ hai nữa là cách trồng và sự hỗ trợ cho nông dân chọn con giống, cây giống như thế nào, và trong việc đáp ứng được những tiêu chuẩn của quốc tế. Những việc đó vẫn còn bất cập.
Về qui mô trồng chẳng hạn thì cũng còn nhiều bất cập, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn giải thích tiếp:
Thí dụ như bưởi hay xoài, ngay cả sầu riêng cũng vậy, khi người mua quốc tế đòi hỏi một số lượng lớn thì mình không đáp ứng được và do đó họ cũng không thể đặt hàng được.
Cái bệnh thâm căn của nông nghiệp Việt Nam là hay chạy theo những cái người ta đã làm. Thí dụ như thấy trồng tiêu tốt thì bỏ cây trồng đang làm rồi chạy theo cây tiêu, một thời gian thì khi tiêu mất giá thì bị khốn đốn
CGKT. Huỳnh Bửu Sơn
Phải nói rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến việc tìm một thị trường nông sản ổn định cho nông sản Việt Nam. Trường hợp dưa, vải, ổi cũng vậy. Thật ra cái nhu cầu của thị trường thì nông dân mình không được thông tin để đo lường hết. Khi thấy đồng nghiệp của mình bán được dưa hay bán được ổi hay là nhận được một sự đặt hàng ví dụ vài chục tấn, vài trăm tấn gì đó, thì người ta đổ xô nhau đi trồng dưa, trồng vải hay trồng ổi. Đua nhau trồng như vậy thì sản xuất ra rất nhiều, còn mức cầu của thị trường quốc tế không đáp ứng đủ cho nên hàng bị ứ đọng. Không thể tìm đầu ra trên thị trường quốc tế thì ngay thị trường quốc nội cũng bị ứ đọng luôn. Vừa rồi ổi xuống gía chỉ còn 500 đồng một kí lô thôi, chỉ bằng 1/40 của Đô La, không lấy lại được chi phí bỏ ra để trồng cây đó.
Vấn đề mà chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn vừa nêu ra cũng được ông Nguyễn Trung nhìn thấy và nói rằng chắc chắn sẽ phải cố tìm lối ra mà thôi:
Việt Nam đã nhìn thấy cái đòi hỏi này rồi và đang tính cách thay đổi. Thay đổi như thế nào thì còn rất nhiều chuyện phải bàn nhưng mà hướng tôi cho là đúng là bây giờ phải tăng cường tiêu thụ ở nội địa. Thứ hai phải cố gắng làm sao có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao hơn., nhất là bây giờ chất lượng cao sản phẩm sạch thì thị trường đòi hỏi rất nhiều. Theo tôi hiểu bây giờ nông dân đang cố đi vào hướng này.
Chưa nói sắp đến còn tham gia vào các hiệp định tự do hóa thương mại, tham gia vào những cam kết song phương, đa phương về tự do hóa thương mại, tự do hóa trao đổi sản phẩm, tự do hóa vấn để lao động vân vân và vân vân… Khó khăn thì chắc chắn còn nhiều nhưng tôi nghĩ người ta đã thấy vấn đề và đang tìm mọi cách xử lý vấn đề.
Đương nhiên đặc thù của nông nghiệp là không giống sản xuất công nghiệp hay các thứ khác vì nó phụ thuộc vào đất canh tác, vào giống cây trồng, vào môi trường rồi thói quen canh tác nữa. Cho nên thay đổi cho nông nghiệp phần nào khó hơn chứ không đơn giản không dễ dàng như các ngành khác đâu. Điều quan trọng là người ta đã thấy được vấn đề và đang tìm cách xử lý nó.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn góp thêm ý kiến:
Thật sự mà nói đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam, nông nghiệp của nhiều nước đang phát triển cũng vấp tình trạng như vậy. Một chính sách hỗ trợ đứng đắn của nhà nước, cung cấp đầy đủ thông tin đồng thời hỗ trợ cho họ trong qui hoạch trồng hoặc là nuôi và kể cả về mặt sản lượng.
Chính sách về dự trữ nông sản cũng phải tốt, cần có những hiệp hội, những kho dự trữ thế nào cho phù hợp. Đặc biệt phải cho ngành công nghiệp chế biến từ những nông sản mà trong nước làm ra, như vậy nó mới hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Việt Nam được.
Thật ra mình cần một chiến lược phát triển bền vững, chắc chắn mà trọng tâm là lợi ích của người nông dân.
Nhiều người quan tâm còn nhắc lại biện pháp liên kết theo chuỗi giá trị. Được vậy thì năng suất lao động sẽ tăng cao, thu nhập của nông dân cũng tăng lên như mong muốn.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/11/2024

My Blog List