TPP là gì?
Đỗ Đăng Liêu
Cùng tác giả:
Quá trình thành lập TPP
TPP là viết tắt của Trans-Pacific Partnership (Hiệp Định Đối Tác
Xuyên Thái Bình Dương). Trans-Pacific (Xuyên Thái Bình Dương) ở đây có nghĩa là
những quốc gia nằm ở 2 bên bờ biển Thái Bình Dương, ở phiá Tây có những nước tiếp
giáp Thái Bình Dương như Nga, Nhật, Trung Hoa, Triều Tiên, Phi Luật Tân, Việt
Nam, Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Papua New Guinea, xuống đến Úc, Tân Tây Lan và
các đảo quốc vùng Oceanie; ở phiá Đông là các quốc gia Châu Mỹ tiếp giáp Thái Bình
Dương như Hoa Kỳ, Canada, Mễ Tây Cơ, Guatemala, El Salvador, Honduras,
Nicaragua, Costa Rica, Panama, Colombia, Ecuador, Peru, Chile.
TPP được thành lập với sáng kiến của 3 quốc gia Singapore, Tân Tây
Lan và Chile khi gặp nhau trong Hội Nghị APEC năm 2002 tại Mexico. Ba quốc gia
này bắt đầu các cuộc thảo luận tay ba vào năm 2005 và Brunei đã nhanh chóng tham
gia và trở thành bộ tứ 4 quốc gia sáng lập TPP.
Đến nay, ngoài 4 quốc gia kể trên đã có thêm 8 quốc gia nữa tham
gia theo thứ tự thời gian là Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Mã Lai, Mexico, Canada,
Nhật. Cả 12 quốc gia còn đang trong vòng đàm phán đơn phương hoặc đa phương về
các quy định giữa các nước liên hệ.
Nam Hàn, Colombia, Costa Rica, Nam Dương, Đài Loan, Thái Lan, và
nhiều nước khác đang có ý định tham gia vào TPP.
Một số đặc điểm của TPP
TPP là một hiệp định thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền
kinh tế thuộc khu vực hai bên Thái Bình Dương. Mục tiêu ban đầu của TPP là giảm
90% các loại thuế xuất nhập cảng giữa các nước thành viên trước ngày 1 tháng 1,
2006 và cắt giảm còn 0% vào năm 2015 và cuối cùng là để tiến tới việc xoá bỏ
hoàn toàn các rào cản cho hàng hoá, dịch vụ xuất nhập cảng trong khối.
Hiện tại 12 thành viên của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và chiếm
26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Các tỷ lệ này cho thấy vai trò quan trọng
của TPP trên bàn cờ kinh tế chính trị thế giới.
TPP cũng sẽ thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước
này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động,… Nói cách
khác, những thoả thuận TPP bao hàm nhiều thứ ngoài lãnh vực thương mại.
Mặc dầu TPP sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi cho các nước thành viên,
hiện vẫn còn nhiều điều chưa được thông suốt và gây nhiều tranh cãi trong chính
nội bộ các quốc gia thành viên trong một số lãnh vực như:
- Quyền sở hữu trí tuệ (thời gian được kéo dài hơn);
- Y tế cộng đồng (bị cho là đi thiên vị các nhóm lợi ích và bất lợi
cho dân chúng);
- Việc các công ty tư nhân nước ngoài được phép kiện và đòi bồi thường
từ chính phủ các quốc gia thành viên;
- Việc thương lượng các chi tiết và điều luật giữa các nước thành
viên đều diễn ra trong vòng bí mật, chỉ được tiết lộ những thông tin trên đến
các cơ quan chính phủ, tổ chức, và cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tư
vấn chính sách giao dịch và dân chúng hoàn toàn không được biết (bị cho là thiếu
sự minh bạch và thiếu dân chủ).
Phần lớn những thông tin liên quan đến TPP mà dân chúng đã được biết
đến là nhờ ở những nguồn Wikileaks chuyên tiết lộ các tin tuyệt mật.
Tại một số quốc gia thành viên như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản,… đã có sự
phản đối tiến trình TPP dưới những hình thức khác nhau, từ biểu tình đến các kháng
nghị, tuyên cáo, phát biểu trên mạng internet.
Theo những thông tin bị tiết lộ thì cho tới giờ này người ta được
biết là thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp
liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều
vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất
lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men... .
Trung Quốc và TPP
Câu hỏi đầu tiên mà ai cũng đặt ra là Trung Quốc, một quốc gia nằm
trong khu vực, là “công xưởng” lớn nhất của thế giới, và là nền kinh tế đứng thứ
nhì thế giới, lại không có mặt trong TPP.
Theo như nhận định của nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Schott, thuộc
viện kinh tế Peterson Institute for International Economics, thì những khuôn
khổ mà TPP mong muốn đạt đến, mang tính toàn diện cao, “khó lòng được Trung
Quốc được chấp nhận”.
Học giả Zhu Wenhui đã đưa ra quan điểm xem TPP như một “mạng lưới
quyền lực mềm mà Hoa Kỳ đang phủ quanh Trung Quốc”, vì với vị thế là đối tác
lớn nhất trong TPP, Hoa Kỳ đang phát triển TPP thành một tổ chức có sức ảnh hưởng
cao trong khu vực và đồng thời chịu sự chi phối lớn từ phía Hoa Kỳ. Zhu Wenhui
cũng đã đưa ra lời cảnh báo là những áp lực trong tương lai về hợp tác kinh tế
khu vực sẽ khiến Trung Quốc phải tham gia vào TPP và sẽ bị kìm hãm trên nhiều
lĩnh vực thông qua những khuôn khổ ràng buộc và luật chơi do Hoa Kỳ đặt ra.
Giáo sư Zhou Zhongfei, một chuyên gia về Luật Thương Mại thuộc Đại
Học Thượng Hải, đã đưa ra nhận định là TPP là một phần trong chiến dịch “trở lại
Châu Á” của Hoa Kỳ, với lập luận là TPP sẽ góp phần cân bằng vị thế giữa Hoa Kỳ
và Trung Quốc đối với nền kinh tế châu Á, gây ảnh hưởng lên quá trình hội nhập
kinh tế của châu Á, buộc nền kinh tế này sát nhập vào khu vực tự do thương mại
châu Á – Thái Bình Dương, mà Mỹ đang chi phối.
Nói chung, trong tương lai, TPP sẽ là một thách thức lớn đối với
vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế khu vực.
Trong thời gian qua, mặc dầu không tham gia vào tiến trình TPP, Trung
Quốc đã có những kế hoạch và nỗ lực riêng nhằm khẳng định vai trò và tiếng nói
của mình trong khu vực, mà 2 trong những việc đã làm là Hiệp Định Thương Mại Tự
Do (FTA) giữa Trung Quốc và ASEAN có hiệu lực vào năm 2010, và Ngân Hàng Đầu Tư
Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (AIIB - Asian Infrastructure Investment Bank) được thành lập
vào cuối năm 2014 với vốn là 100 tỉ mỹ kim.
Riêng Ngân Hàng AIIB được xem là để cạnh tranh với Quỹ Tiền Tệ Quốc
Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB),
là những cơ chế được Trung Quốc xem là bị chi phối bởi các nước phát triển.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy nhanh chóng quan hệ thương mại song phương
với các quốc gia trong vùng, kể cả Ấn Độ.
Tuy hiện tại là như vậy, nhưng, như lời của Bộ Trưởng Ngoại Giao Tân Tây Lan là
ông Murray McCully, thì “cánh cửa vẫn luôn để ngỏ” đối với việc Trung Quốc tham
gia TPP.
Kết luận
Đối với nhiều người thì TPP mang lại rất nhiều lợi ích cho các thành
viên, như tạo thêm công ăn việc làm, cải tiến tình trạng lao động, bảo vệ môi
sinh, minh bạch hoá các quan hệ thương mại và kinh doanh trên thế giới, và cải
tiến quan hệ chính trị và ngoại giao giữa các khối đang căng thẳng.
Tuy nhiên, nhiều người khác không quan niệm như vậy và nghĩ rằng
TPP, ít nhất là với tiến trình thành lập không minh bạch, và với những điều khoản
chưa được bàn cãi thông suốt, vẫn còn có những điểm không tốt đối với quốc gia
này hay quốc gia nọ trong một số lãnh vực, kể cả ở mức chính sách quốc gia.
Theo dự trù thì các cuộc đàm phán giữa các quốc gia thành viên sẽ
được đúc kết vào tháng 6/2015. Tuy nhiên, mãi đến tháng 6/2015 Quốc hội Hoa Kỳ
mới thông qua đạo luật cho phép Tổng thống Obama xúc tiến nhanh việc đàm phán TPP
nên vì thế mà Hiệp định TPP chỉ có thể hoàn tất và ra đời vào cuối năm 2015.
Đỗ Đăng Liêu
Nếu Hy Lạp ly dị khối Euro
Ngô Nhân Dụng - 30.06.2015
Mười hai giờ đêm 30 Tháng Sáu (2 giờ chiều ở California), Hy Lạp
bước vào tình trạng vỡ nợ. Hết trợ cấp, chính phủ Hy Lạp không thể trả cho IMF €1.55 tỷ (đồng Euro), gần $1.73 tỷ (Mỹ kim). Khi
bà Christine Lagarde, chủ tịch IMF chính thức công bố tin này, trên nguyên tắc
các định chế tài chánh khác ở Châu Âu có quyền đòi Hy Lạp phải trả hết €180 tỷ đã cho vay. Làm như vậy không khác gì
“rút ống dưỡng khí” của kinh tế Hy Lạp. Cho nên chưa ai làm dữ cả, mà còn hứa
hẹn sẽ nói chuyện tiếp về các biện pháp cứu giúp khác. Chính phủ Alexis Tsipras
sẽ thở được ít nhất đến ngày Thứ Hai tuần tới.
Thủ Tướng Alexis Tsipras, 40 tuổi, đã “đánh cuộc,” còn gọi là “đánh cá.” Cuối
năm 2014, đảng Syriza của ông thắng cử nhờ hứa với cử tri rằng ông sẽ xóa bỏ
các chính sách “thắt lưng buộc bụng” do nước khác ở Châu Âu ép buộc. Các chính
phủ trước đều phải chấp nhận các chính sách này, khi Châu Âu đưa tay cứu Hy Lạp
thoát khỏi bị vỡ nợ, năm 2012, là tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, khiến người già
bị giảm bớt lương hưu, người thất nghiệp sớm mất trợ cấp, công chức bị cắt
lương, vân vân. Các người lãnh lương hưu đã bị cắt 45% rồi, nạn thất nghiệp đã
lên tới 25%, và tổng sản lượng nội địa Hy Lạp đã giảm một phần tư kể từ năm
2010. Dân Hy Lạp, với 2 triệu rưỡi người nghỉ hưu và 600 ngàn công chức, chịu
khổ cực quá, cho nên thấy đảng Syriza hứa hẹn thì hoan nghênh; chấp nhận đối
đầu với các nước chủ nợ!
Ông Alexis Tsipras chắc nghĩ rằng nếu Hy Lạp cứ làm găng đến cùng, các nước
khác sẽ phải nhượng bộ chứ không dám bỏ rơi nước ông. Nếu Hy Lạp vỡ nợ thật, sẽ
phải rút ra khỏi nhóm 24 nước Châu Âu đang dùng đồng Euro, trong đó có Vatican
và Monaco. Nếu chuyện đó xảy ra, hậu quả sẽ rất lôi thôi, cho tất cả mọi người.
Năm 2012 Liên Hiệp Âu Châu và IMF, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dưới ảnh hưởng của Châu
Âu, đã hùn tiền giúp Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Hy Lạp thoát cảnh vỡ nợ. Lý do
cũng vì nếu không cứu ba nước này thì thì giới đầu tư khắp nơi sẽ mất niềm tin,
kinh tế cả Châu Âu, và cả thế giới, sẽ suy yếu. Cho nên ông Tsipras đánh cá
rằng năm nay cũng vậy; sau cùng các chủ nợ sẽ phải cứu; không dám đá Hy Lạp ra
khỏi Nhóm Euro; rồi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) luôn.
Dân Hy Lạp có vẻ tin ông Tsipras. Một cuộc nghiên cứu dư luận cho biết 74% dân
Hy Lạp muốn nước họ nằm trong khối EU, nhưng 50% vẫn hoan nghênh đường lối cứng
rắn của ông Tsipras. Tức là họ tin các nước Châu Âu sẽ không dám làm dữ. Cho
nên trong sáu tháng qua, chính phủ Tsipras nhất định không nhượng bộ các định
chế cho vay nợ, là IMF, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) và Hội Ðồng Liên
Hiệp Châu Âu (European Commission, EC). Các chủ nợ tỏ ra rất cương quyết, nhưng
ông Tsipras vẫn làm như họ chỉ dọa, “tháu cáy,” chứ không dám đẩy Hy Lạp vào
cảnh vỡ nợ.
Nhưng đêm hôm qua, ông Tsipras đã chịu thua một keo. Các nước Châu Âu không
“tháu cáy.” IMF không cho trì hoãn món tiền 1.55 tỷ Euro. Hy Lạp đã vỡ nợ thật
dù bà Lagarde không dùng từ ngữ đó. Nhưng tai họa không chỉ có thế. Ðến ngày 20
Tháng Bảy tới, nếu không có tiền trả 3.5 tỷ nợ đáo hạn cho Ngân Hàng Châu Âu
thì chắc chắn Hy Lạp coi như sẽ tự động rút ra ngoài Khối 24 nước dùng đồng
Euro. Vì lúc đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ không được trợ cấp để có tiền trả cho
các trương chủ muốn rút ra.
Nói “tự động” bởi vì nội quy Nhóm Euro không có điều khoản nào về “rút ra” hoặc
“bị đuổi ra.” Trước đây chưa có nước nào đã ra cả. Nhưng việc Hy Lạp rút ra,
gọi là “Grexit,” nếu xẩy ra sẽ là một chuỗi các biến cố, chứ không phải một
biến cố gọn gàng. Khi nào chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ phát hành một đồng tiền
mới, gọi tên cũ là “drachma” thì hành động đó có thể đánh dấu biến cố “Hy Lạp
Ra, Grexit.”
Thứ Bảy vừa qua, ông Tsipras đánh cá một cú chót. Ông tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc
trưng cầu dân ý, đặt một câu hỏi cho dân Hy Lạp là họ có chấp thuận các điều
kiện mới của Châu Âu hay không? Trong tuần lễ chờ đợi, ông ra lệnh các ngân
hàng đóng cửa và hạn chế số tiền dân có thể rút ra từ các máy tự động (€60 mỗi ngày, sau tăng lên €120 cho các cụ về hưu). Ông có thể đoán rằng phe
bên kia sẽ nhượng bộ, nhưng họ vẫn lờ đi.
Biện pháp cho các ngân hàng tạm nghỉ có thể cứu cả hệ thống tài chánh, vì dân
đã bớt tin tưởng. Từ khi chính phủ Tsipras nắm quyền, số tiền dân gửi trong các
ngân hàng từ €164 tỷ đã giảm một phần
năm, chỉ còn €130 tỷ. Trong mấy tuần
qua, số tiền rút ra khỏi các ngân hàng lên gần €10 tỷ. Người ta đoán dân Hy Lạp đang cất trong nhà khoảng €45 tỷ.
Việc tổ chức trưng cầu dân ý là một hành động “trốn trách nhiệm” của Thủ Tướng
Alexis Tsipras và đảng Syriza. Nếu dân chúng chấp thuận các điều kiện của Châu
Âu, ông Tsipras có thể rút lại các lời hứa khi tranh cử. Chắc dân Hy lạp sẽ
chấp thuận, nhưng họ sẽ “trừng phạt” đảng Syriza trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Các đảng đang liên hiệp với Syriza sẽ làm áp lực buộc ông Tsipras phải từ chức
để bàu cử lại. Hai đảng được lợi nhất trong cơ khủng hoảng này là đảng Cộng Sản
và đảng Cực Hữu Bình Minh Vàng (Golden Dawn), khuynh hướng phát xít. Nước Hy Lạp
đã từng trải qua nhiều cuộc đảo chính trong quá khứ; dân chúng sẽ lo sợ tái diễn
sau cuộc khủng hoảng này!
Ðây không phải là lần đầu tiên, chính phủ Hy Lạp đã vỡ nợ bẩy lần trong 200 năm
qua. Năm 1830 nước này không trả được nợ cho Anh Quốc khiến Hải Quân Hoàng Gia
phải đưa tầu đến chiếm các tài sản gán nợ! Thực ra trên thế giới hầu hết các
quốc gia đã vỡ nợ, trừ năm nước là Australia, New Zealand, Thái Lan, Ðan Mạch,
Canada và Mỹ.
Người ta đã tính toán xem nếu Hy Lạp phải rút ra khỏi khối Euco thì hai bên sẽ
thiệt và lợi những gì. Khi tính sổ xong, thì đối với cả hai bên, lợi bất cập
hại. Nếu các nhà lãnh đạo đều suy nghĩ một cách thuần lý thì họ sẽ tìm đủ mọi
cách để việc “ly dị” không xẩy ra. Nhưng chúng ta biết, ngay trong hôn nhân,
nhiều khi hai người quyết định ly dị nhau mà không cần suy nghĩ cho chín chắn.
Trước hết, đối với nước Hy Lạp, nếu chấp nhận “vỡ nợ” thì ích lợi đầu tiên là
sẽ không phải lo trả ngay những món nợ ngập đầu €320 tỷ, trong đó có €240 tỷ mới được cấp từ năm 2012, €56 tỷ nợ nước Ðức. Nhưng thực ra, việc trả các món nợ này đều rất
nhẹ. Lãi suất rất thấp, số tiền trả nợ mỗi năm chỉ chiếm 3% GDP, nước Hy Lạp có
thể lo được. Rút ra khỏi khối Euro, Hy Lạp sẽ khó vay được nợ với lãi suất thấp
như vậy.
Việc thay đổi đồng tiền từ Euro sang Drachma, đồng tiền dân Hy Lạp dùng từ năm
1830 đến năm 2001, sẽ nhiều rắc rối. Cần đến 430 triệu Mỹ kim để in tiền mới.
Năm 1993, nước Slovak tách ra khỏi Tiệp Khắc, phải mất sáu tháng việc đổi tiền
mới làm xong. Ðồng tiền mới khiến cho mọi bản hợp đồng thương mại, trong nước
và với nước ngoài, sẽ phải được viết lại, dùng đồng tiền drachma thay euro.
Nhưng các món nợ sẽ được tính theo tỷ lệ hối suất nào? Rất nhiều cuộc giao thương
sẽ đình trệ khi hai bên không đồng ý với nhau về tỷ giá. Ðồng drachma của Hy
Lạp chắc chắn sẽ mất giá đến 50% ngay khi ra đời.
Một hậu quả khi đồng tiền xuống là hàng nhập cảng sẽ lên giá. Người ta có thể
không chịu bán ra trong khi chưa biết họ sẽ mua hàng mới với giá nào, vì hối
suất bấp bênh thay đổi. Ngược lại, hàng Hy Lạp bán ra nước ngoài sẽ được lợi vì
giá hạ hơn, dễ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, trong nền kinh tế Hy Lạp phần ngoại
thương chiếm phần nhỏ cho nên mối lợi về xuất cảng nếu có cũng không đáng kể.
Trong ba năm qua chính phủ Hy Lạp đã hạ giá hàng xuất cảng rồi, khi buộc các
công nhân giảm lương 16%; nhưng sau đó số hàng xuất cảng cũng không thấy tăng
lên.
Ảnh hưởng kinh tế sẽ kéo dài nếu Hy Lạp rút ra. Ngay lập tức, nhiều ngân hàng
sẽ phá sản vì hiện nay họ sống nhờ Ngân Hàng Châu Âu bơm tiền cấp cứu. Khi đồng
tiền mất giá, mọi người dân tiết kiệm đều mất tiền, có thể mất một nửa. Người
dân mất niềm tin thì số tiết kiệm và đầu tư sẽ giảm, mọi việc giao thương bị
trì trệ. Nhiều thanh niên Hy Lạp sẽ đi ngoại quốc, người có tiền cũng đem ra
ngoài làm ăn. Giới đầu tư quốc tế sẽ ngần ngại hơn khi muốn đưa tiền vào Hy
Lạp. Một quốc gia vỡ nợ sẽ bị gạt ra ngoài thị trường vốn thế giới trong một
thời gian dài, hàng chục năm trở lên. Nói tóm lại, Hy Lạp sẽ gặp nhiều khó khăn
hơn là được lợi nếu ra khỏi khối Euro.
Ðối với Liên Hiệp Châu Âu cũng vậy, lợi bất cập hại. Nếu các nước Châu Âu xóa
nợ cho Hy Lạp thì số thiệt hại cũng không lớn. Nhưng nếu Hy Lạp rút ra thì khối
Euro sẽ không vững chắc như trước nữa.
Các nước Ðông Âu đã tỏ thái độ cứng rắn nhất đối với Hy Lạp trong thời gian
qua, vì họ thấy không có lý do gì dân chúng nước họ chịu một mức sống thấp hơn
dân Hy Lạp, mà tiền họ đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu lại được đem giúp cho Hy
Lạp. Nhưng nếu Grexit xẩy ra, vùng bị ảnh hưởng nặng nhất nằm ở Ðông Âu. Ðồng
zloty của Ba Lan, đồng florint của Hungary có thể sẽ mất giá 15 đến 20% so với
đô la Mỹ. Số tiền đầu tư tại các nước Ðông Âu có thể xuống vì, vì người ta bớt
tin tưởng.
Tuy nhiên, những mối lo trên có thể rất nhẹ và sẽ thoáng qua rất nhanh; khác
với tình trạng năm 2012. Nếu năm đó Hy Lạp rút ra thì Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha
cũng ra đi. Nhưng năm nay, hai nước trên đã hồi phục được niềm tin của thị
trường. Chính phủ hai nước này hiện đang vay nợ chỉ phải trả lãi suất hàng năm
khoảng trên dưới 2%, cho các trái khoán 10 năm; trong khi chính phủ Hy Lạp phải
trả tới 10 hay 12%. Cho nên, nhiều người nghĩ rằng nếu Châu Âu dứt bỏ được một
“của nợ” là nước Hy Lạp thì sau đó sẽ bớt được một vấn đề khó khăn! Ðối với
nước Mỹ, ảnh hưởng sẽ không đáng kể, trừ một số công ty làm ăn nhiều với Châu
Âu. Thực ra kinh tế Hy Lạp còn nhỏ hơn kinh tế các thành phố lớn ở Mỹ!
Tuy nhiên, khối các nước dùng đồng Euro sẽ phải đối phó với một vấn đề mới:
Việc tham gia vào khối từ nay sẽ mong manh, không vững chắc như trước. Nếu Hy
Lạp “bị đuổi ra” thì nhiều nước kinh tế yếu khác sẽ có thể sẽ phải ra đi, như
Cyprus, Bồ Ðào Nha; trong một cuộc khủng hoảng sau này.
Có lẽ ông Tsipras đã đánh cá rằng khối Euro muốn tránh tình trạng đó bất cứ với
giá nào. Cho nên ông mới “đánh cá” rằng Châu Âu không bao giờ dám “đuổi Hy Lạp”
ra ngoài. Có điều, ông không biết nghĩ rằng một khối Châu Âu muốn tồn tại mà
lại bỏ qua không tôn trọng các quy tắc chính họ đặt ra, thì chính họ sẽ mất uy
tín, thiệt hại lớn hơn là chịu mất một thành viên trong khi thi hành các quy
tắc tài chánh chung.
Nhưng dân Hy Lạp sẽ phải nhận ra rằng ông Tsipras thích đánh cá, và ông ta đã
đem nền kinh tế cả nước và tương lai đất nước đặt lên bàn đánh cá! Năm 2014,
kinh tế Hy Lạp thực ra đã ngưng suy thoái, bắt đầu tăng trưởng. Nhưng chính phủ
Tsipras thiếu khả năng, bao cấp cho bè đảng nhiều hơn các chính phủ trước,
khiến kinh tế khựng lại và nay lại đang xuống. Chủ Tịch Liên Hiệp Châu Âu
Jean-Claude Juncker đã mỉa mai rằng ông Tsipras tự nhận là theo chủ nghĩa xã
hội; nhưng khi được yêu cầu tăng thuế các nhà giầu thì ông lại cưỡng đến phút
chót mới làm. Ngày Chủ Nhật tới, dân Hy Lạp sẽ cho biết phán quyết của họ.
Tham vọng của hai cựu cường
quốc Cộng sản Nga-Trung gặp nhau?
29.06.2015
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg vào
trung tuần tháng 6-2015 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những tuyên
bố bên lề lĩnh vực kinh tế và thể hiện nhiều hơn lập trường ngoại giao của Nga.
Ông khẳng định Nga "không liên minh với Trung Quốc", "Nga không
theo đuổi địa vị bá chủ hay siêu cường thế giới, mà chỉ mong xây dựng quan hệ
bình đẳng với Mỹ cùng các quốc gia Âu-Á...".
Có thật vậy không?
Theo chúng tôi, không hẳn là như vậy. Những tuyên bố của ông Putin,
người từng đứng đầu cơ quan mật vụ KGB của Liên Xô, chỉ có ý nghĩa như lời cảnh
cáo Hoa Kỳ nói riêng và các cường quốc G7 nói chung là đừng ép Nga quá đáng đến
độ buộc Nga phải liên minh quân sự với Trung Quốc.
Vì cũng trong bài phát biểu này, Tổng thống Putin khẳng định “Nga
từng nhiều lần đề nghị hợp tác, song vẫn bị dồn ép tới giới hạn không thể nhượng
bộ.", cho dù ông nhấn mạnh "Trong bối cảnh NATO liên tục bành trướng,
Nga và Trung Quốc sẽ không trở thành bất kỳ quan hệ đồng minh quân sự
nào". Một số học giả Trung Quốc cho những lời tuyên bố của Tổng Thống
Putin thể hiện thái độ "nhượng bộ" của Moscow với Mỹ và đồng minh
liên quan tới vấn đề Biển Đông; nhà bình luận thời sự Trung Quốc Tăng Kim Nhuận
cho rằng, cả bài phát biểu "rào trước đón sau" của ông Putin chỉ nhằm
"làm đệm" cho tuyên bố "không liên minh với Trung Quốc".
Thực ra, hai cựu cường quốc cộng sản hàng đầu trong thời kỳ Chiến
tranh lạnh này, dường như từ lâu đã và đang có nỗ lực tiến tới, không chỉ là
liên minh quân sự, mà là sự liên kết toàn diện để cùng thực hiện một tham vọng
chung.
I/- Tham vọng đó là gì?
Một cách tổng quát, Nga và Trung Quốc có chung ý đồ liên kết tạo thế
lực mới (G2 chẳng hạn) nhằm đối trọng và cạnh tranh với thế lực cũ (G7) nhằm thực
hiện tham vọng tạo lập uy thế trong nền trật tự quốc tế mới, tức Chiến lược Toàn
cầu mới của các cường quốc hiện nay (dân chủ hóa toàn cầu về chính trị và thị
trường tự do hóa toàn cầu về kinh tế), với uy thế không hơn thì ít ra cũng phải
bằng uy thế như trong nền trật tự quốc tế cũ.
Trong chiến lược quốc tế cũ này
Nga (Liên Xô cũ) đã đóng vai trò cường quốc số một và Trung Quốc là cường quốc
số hai, với uy thế tuyệt đối trên khối các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa và
vị thế đối trọng với các cường quốc trong phe tư bản chủ nghĩa (G7). Uy thế và
vị thế này đều đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tan rã của toàn hệ thống
cộng sản quốc tế, dẫn đến sự cáo chung của nền trật tự quốc tế cũ, hình thành
nền trật tự quốc tế mới (Chiến lược toàn cầu: chính trị dân chủ hóa, kinh tế
thị trường tự do hóa trong một thế giới độc cực đa đầu G7 + Nga= G8).
II/- Nga-Trung đã thực hiện tham vọng chung như thế nào?
Sau khi cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ
nghĩa tư bản kết thúc vào đầu thập niên 1990, cả hai cựu cường quốc cộng sản hàng
đầu Nga - Trung cảm thấy như bị thất thế trong nền trật tự quốc tế mới hay chiến
lược toàn cầu mới và bị coi thường.
Trong nền trật tự quốc tế cũ, Nga được coi là một siêu cường đứng
đầu phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) và được các nước trong phe XHCN tôn vinh là “Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa”, ngang hàng với siêu cường Mỹ đứng đầu “phe tư bản chủ
nghĩa” và được thế giới vị nể. Trong nền trật tự quốc tế mới, Nga mất vị thế siêu
cường và bị thất thế so với các cường quốc tư bản phát triển hàng đầu trong nhóm
G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canda và Nhật), mặc dầu Nga cũng đã được kết nạp vào
nhóm G7 để có được vị thế ngang hàng khi trở thành G8 (dù nước Nga chưa đạt trình
độ một nước phát triển kinh tế hàng đầu, chỉ mạnh về quân sự).
Tuy nhiên, các
nhà lãnh đạo Nga dường như vẫn cảm thấy uẩn ức vì bị nhóm G7 đối xử như một đối
tượng vẫn cần phải đề phòng và đương đầu dù đã là thành viên của nhóm G8. Họ còn
bất bình khi thấy các hành động tế có tính kỳ thị, bao vây, tranh giành ảnh hưởng,
giành giật thị trường với nước Nga mới (khủng hoảng Ukraine là một điển hình…)
khi vẫn duy trì và tăng cường các hoạt động phòng bị của các tổ chức quân sự
phòng thủ có từ thời Chiến tranh lạnh (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương- NATO)
như có ý nhằm vào nước Nga và tìm cách lôi kéo các nước cựu XHCN Đông Âu tham
gia liên minh quân sự này, cũng như gia nhập tổ chức liên kết kinh tế vùng Châu
Âu (Liên Hiệp Châu Âu). Trong khi các tổ chức liên minh quân sự và kinh tế tương
tự trong vùng do Liên Xô cầm đầu trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh nay đã giải tán
hoàn toàn (như Khối Warsaw, Hội đồng Tương trợ Kinh tế…).
Chính cách cư xử này của các cường quốc Phương Tây đã thúc đẩy Nga
đi đến tham vọng tạo lập một uy thế riêng trong vùng, liên kết với cựu cường quốc
Cộng sản Trung Hoa để đương đầu, tranh giành ảnh hưởng với nhóm G7. Tham vọng
này đã manh nha từ lâu, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một cơ hội thuân lợi
giúp cho Nga thực hiện tham vọng nên không dễ dàng từ bỏ cơ hội này. Chính vì
vậy mà hội nghị bốn bên Ukraine, EU, Mỹ và Nga tại Genève hôm 17-4-2014 dù đã đạt
được sự đồng thuận về một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine song cho
đến nay vẫn không thực thi được. Trên thực tế tình hình Ukraine ngày càng nghiêm
trọng, mọi biện pháp chế tài Nga của G7 vẫn không buộc được Tổng thống Putin
nhượng bộ. Sau khi sát nhập được Crimea, Nga vẫn tiếp tục hổ trợ cho các cuộc
nổi dậy ở các vùng phía Đông có đông người Ukraine gốc Nga, để nếu không sát
nhập được bằng các cuộc trưng cầu dân ý, thì cũng biến thành các khu độc lập tự
trị lệ thuộc Nga, chứ không để Liên Hiệp Châu Âu độc chiếm Ukraine.
Thành ra, quyết định tiếp tục và đẩy mạnh biện pháp cấm vận Nga của
G7 mới đây, cũng như việc tăng cường trang bị xe tăng, khí tài quân sự phòng thủ
tại một số nước cựu Cộng sản ở Đông Âu hay một số nước thuộc Liên Xô trước đây,
sẽ có tác dụng làm gia tốc nỗ lực của Nga nhằm thành đạt tham vọng chung với
Trung Quốc.
Bước qua nền trật tự quốc tế mới, lúc đầu do trình độ phát triển về
kinh tế chưa đạt tiêu chuẩn mà lại vẫn duy trì chế độ độc đảng, độc tài toàn trị
nên Trung Quốc đã không được kết nạp vào nhóm G7 như Nga. Nhưng trong vòng hai
thập niên qua Trung Quốc đã cố gắng vươn lên bằng chính sách “Mở cửa” làm ăn theo
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mặc dù vẫn không chuyển đổi qua chế độ đa
đảng dân chủ pháp trị. Nhờ chính sách Trung Quốc đã đạt được một trình độ phát
triển cao, có sức cạnh tranh ngang ngửa với các cường quốc tư bản hàng đầu
(G.7).
Thế nhưng sự cố gắng của một nước Trung Hoa vươn lên trong nền trật
tự quốc tế mới để bước vào hàng ngũ các nước phát triển hàng đầu không phải để
được kết nạp vào G8 thành G9 như một thế lực duy nhất trên thế giới để cùng thực
hiện chiến lược toàn cầu. Các thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh từ Đặng Tiểu Bình cho
đến sau này đã tiếp nối thực hiện tham vọng bá quyền.
Vì tham vọng này, nên Trung Quốc đã không chấp nhận đứng dưới trướng
nước Nga trong nền trật tự quốc tế cũ và nay cũng không chịu đứng chung hàng
ngũ với các nước G7 trong nền trật tự quốc tế mới. Tham vọng này của Bắc Kinh
còn bị thúc đẩy phải thực hiện bởi “chính sách xoay trục về Châu Á” của Hoa Kỳ
vì coi đó như là sự thách thức tranh giành ảnh hưởng nơi các nước trong vùng, bao
vây nước Tầu, mặc dù Hoa Kỳ đã khẳng định nhiều lần không có ý định đó.
Điển hình rõ nét là chuyến đi Châu Á của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack
Obama vào cuối tháng 4 năm 2014 đến Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines để
tái khẳng định trách nhiệm của Hoa Kỳ trong các hiệp ước an ninh song phương với
các nước đang bị Trung Quốc đe dọa. Tổng thống Obama cho rằng sự cam kết bảo
vệ các nước này chỉ là “một vấn đề lịch sử” chứ không phải nhằm gây
hấn với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi muốn khuyến khích Trung Quốc vươn
lên một cách hòa bình.”.Thế nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn hoài nghi
và vẫn coi chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ như một thách đố.
Phải chăng như một trong những đáp trả ngay sau chuyến đi Châu Á của
Tổng Thống Mỹ Obama, nên Bắc Kinh đã hành động ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981
vào thềm lục địa trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt
Nam? Đây là hành động xâm lăng mới nhất nhưng chưa phải là hành động xâm lăng
cuối cùng của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng và các quốc
gia trong vùng nằm trong tham vọng xâm lấn của Bắc Kinh nói chung. Hành động
xâm lược trắng trợn này là hành động tiếp theo nhiều hành động xâm lược trắng
trợn trước đó của Trung Quốc, từ xâm lăng các nước láng giềng bằng bản đồ tự vẽ
đến hành động xâm chiếm thực địa. Họ đã từng bước xâm chiếm vùng biên giới phía
Bắc Việt Nam sau trận chiến biên giới 1979, xâm chiếm Hoàng Sa (1974), Trường
Sa (1988), và âm mưu xâm lược tiềm ẩn bằng chính sách di dân tập trung vào một
số tỉnh thành Việt Nam (Bình Dương, Cao nguyên Trung phần, vùng biên giới phía
Bắc Việt Nam…).
Trắng trợn hơn nữa là mới đây Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp và
xây dựng sân bay, cơ sở vật chất, căn cứ quân sự trên một số hải đảo trong các
quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa Việc làm này đã khiến hầu hết các nước trên thế
giới bất bình, trong đó Hoa Kỳ đã công khai lên tiếng đòi Bắc Kinh phải ngưng
ngay các hành động trái phép với ý đồ độc chiếm và khống chế vùng biển giao lưu
quôc tế quan trọng ở Biển Đông. Đồng thời, để thể hiện lập trường và thái độ
kiên quyết trước việc làm ngang ngược của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã điều động đa số
lực lượng hải quân đến vùng biển Đông
III/- Kết luận
Từ hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine đến hành động ngang
ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, phải chăng tham vọng của hai cựu cường quốc
cộng sản này đã gặp nhau? Những biện pháp mà Hoa Kỳ và đồng minh thực hiện tại
Ukraine và Biển Đông sẽ có tác dụng gia tốc nỗ lực thực hiện tham vọng chung
Nga-Trung.
Tham vọng của Nga hhông phải là không liên minh quân sự với Trung
Quốc như Tổng thống Putin đã nói. Thực tế còn hơn thế nữa, Nga-Trung sẽ tiến
tới liên kết toàn diện tạo thành một cực lưỡng đầu (Nga-Trung), tạm gọi là G2,
đối trọng và đối đầu với khối G.7 để cuối cùng sẽ hình thành hai trung tâm quyến
lực. Hai trung tầm quyền lực này sẽ cạnh tranh trong hòa bình, nhưng không loại
trừ biện pháp quân sự khi cần răn đe, gián chỉ lẫn nhau và để lôi kéo các nước
khác đi vào quỹ đạo của mình, một hình thái chạy đua vũ trang tương tự như trong
thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Tất nhiên đôi bên vẫn cố tránh đụng độ, nổ ra chiến tranh cục bộ phá vỡ “nhân
tố hòa bình cạnh tranh thị trường, các bên đều có lợi” của chiến lược toàn cầu
mới; càng không muốn nổ ra một cuộc Thế Chiến III, vì các bên đều ý thức là như
thế chỉ có hại chứ không có lợi và cũng chẳng bên nào tồn tại để là kẻ chiến
thắng, nếu xung đột mở rộng thành chiến tranh hạt nhân toàn cầu, trừ khi có
những nguyên nhân đưa đến chiến tranh bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát hay do qyết
định của những cái đầu lãnh đạo điên loạn.
__._,_.___
Posted by: ly vanxuan