Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Saturday, January 9, 2016

Nhóm lợi ích là gì?


Nhóm lợi ích là gì?

Mai Thái Lĩnh

Trong những năm gần đây, trên báo chí và mạng internet bỗng rộ lên cụm từ “nhóm lợi ích” hiểu theo nghĩa xấu, có tính miệt thị (pejorative). “Lợi ích nhóm” được hiểu như một thứ lợi ích không chính đáng, gây tổn hại đến “lợi ích chung”, còn “nhóm lợi ích” được coi là tập hợp của những cá nhân câu kết với nhau trong bóng tối, dựa vào quyền lực thu vén lợi ích về cho cá nhân, gia đình, phe phái, v.v.
Vấn đề đặt ra là: các khoa học xã hội hiện nay trên thế giới hiểu khái niệm “nhóm lợi ích” như thế nào?

Hai loại nhóm áp lực: nhóm lợi ích và nhóm mục đích:
Trong ngôn ngữ thông thường, mỗi khi nghe đến từ “nhóm” (group), chúng ta thường liên tưởng đến các nhóm nhỏ, bao gồm “một số ít người”. Thật ra, trong các khoa xã hội học và chính trị học trên thế giới hiện nay, thuật ngữ nhóm (group) hay nhóm xã hội (social group) có ý nghĩa rất rộng, có thể dùng để chỉ bất kỳ nhóm nào gồm “từ hai người trở lên”, với điều kiện những người này tương tác với nhau và tự thừa nhận mình như một đơn vị xã hội riêng biệt

.[1] Như vậy,”nhóm” hay “nhóm xã hội” có thể dùng để chỉ từ một gia đình nhỏ cho đến một công đoàn, một hội nông dân, một làng, v.v. thậm chí cả một cộng đồng dân cư trong một quốc gia.

Trong một quốc gia dân chủ, khi quyền tự do hội họp và lập hội được tôn trọng, những người có cùng chung lợi ích – do hoàn cảnh kinh tế hay do nghề nghiệp, thường tập hợp lại thành các nhóm lợi ích (interest groups). Các nhóm xã hội này tự tổ chức để bảo vệ lợi ích của các thành viên và tìm cách gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ – nhất là các chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống thường ngày. Vì dựa trên hoàn cảnh kinh tế hay nghề nghiệp, đôi khi các học giả còn gọi tên các nhóm này là nhóm bộ phận (sectional groups) hay nhóm chức năng (functional groups). Vì nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thành viên, các nhóm này có khi còn được gọi là nhóm bảo hộ (protective groups).

Các nhóm lợi ích được biết đến nhiều nhất là các công đoàn (trade unions), các hội doanh nhân (business associations) và các hội nghề nghiệp (professional associations). Các hội nông dân – từng đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa tại các nước Bắc Âu, cũng là các nhóm lợi ích.
Ngoài các nhóm lợi ích, còn có các nhóm không đại diện cho lợi ích nghề nghiệp mà cổ xúy cho một mục tiêu, một niềm tin, một ý tưởng hay tập trung giải quyết một vấn đề nóng bỏng nào đó. Các nhóm đó được gọi là  nhóm mục đích (cause groups), hay còn có tên là nhóm cổ xúy, nhóm xúc tiến (promotional groups) hoặc nhóm thái độ (attitude groups). Dưới chế độ dân chủ, các nhóm mục đích phát triển một cách hết sức đa dạng: các tổ chức tôn giáo hoạt động tích cực cho các vấn đề đạo đức, giáo dục hay xã hội, các nhóm môi trường đấu tranh để bảo vệ môi trường, các nhóm phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới, v.v. 

Có thể kể ra hàng loạt các nhóm khác nữa: từ các nhóm văn hóa và nghệ thuật, các câu lạc bộ thể dục thể thao, các câu lạc bộ của giới trẻ, các hội khoa học, cho đến các nhóm hoạt động từ thiện, các hội của người tiêu dùng, các nhóm hoạt động nhân quyền, v.v.
Tất cả các nhóm lợi ích và nhóm mục đích đó thường tìm cách gây ảnh hưởng đến chính quyền bằng cách vận động hành lang (lobby), thương lượng với các công chức hay các chính trị gia. Nhưng họ cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt để đạt được mục tiêu của mình (vd: công nhân có thể đình công). Vì lý do đó, cả hai loại nhóm nói trên được các nhà chính trị học gọi tên là nhóm áp lực (pressure groups).

[2] Phan Châu Trinh có lẽ là người Việt đầu tiên nhận thức được vai trò của các nhóm áp lực. Trong một bài nói chuyện tại Sài Gòn vào năm 1925 – trước khi qua đời, ông nói:
“Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thế, hoặc Chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bằng mới nghe. Vì sao mà người ta làm được như thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy.”

[3] Đoàn thể (tức các nhóm áp lực) chính là điều kiện để người dân có thể tập hợp lại, nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội. Từ “thị oai” hay “thị uy” (bày tỏ sức mạnh của mình làm cho đối phương sợ) chính là nhằm để chỉ hình thức mà ngày nay chúng ta gọi là “biểu tình”. Đó là phương pháp đấu tranh của kẻ yếu, người nghèo. Tước bỏ khả năng đó đồng nghĩa với việc bảo vệ cho những kẻ có quyền, có tiền bằng bất cứ giá nào, tạo ra bất công xã hội.

Sự hình thành và phát triển của các nhóm áp lực:
Các nhóm lợi ích không hoạt động đơn lẻ mà thường liên kết với nhau thành những tổ chức rất lớn, được gọi là tổ chức đỉnh (peak organisations) hoặc tổ chức bảo trợ (umbrella organisation, dịch theo nghĩa đen là “tổ chức ô dù”). Mặc dù hoạt động chủ yếu vẫn nằm ở các tổ chức thành viên, sự liên kết thành tổ chức bảo trợ giúp cho các nhóm áp lực phối hợp hoạt động, có tiếng nói mạnh hơn đối với chính quyền và xã hội.

Để tự bảo vệ lợi ích cho chính mình, những người lao động tập hợp thành các nhóm lợi ích được gọi tên là các công đoàn (trade unions hay labor unions). AFL–CIO (American Federation of Labor–Congress of Industrial Organizations) là tổ chức công đoàn lớn nhất tại Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1955 bằng cách hợp nhất hai tổ chức AFL (thành lập 1886) và CIO (thành lập năm 1935). Bên dưới “chiếc dù” của AFL-CIO, có 56 tổ chức công đoàn thuộc đủ mọi ngành nghề, với tổng số hơn 12 triệu rưỡi người lao động. Ngoài AFL-CIO, ở Hoa Kỳ còn có một liên đoàn lao động khác tách ra từ AFL-CIO vào năm 2005 mang tên Change to Win Federation (CtW). Tổ chức bảo trợ này có 3 công đoàn thành viên, thu hút hơn 4 triệu lao động. (Dữ liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ năm 2014)

Ở Anh, ngoài các công đoàn nhỏ hoàn toàn độc lập, hầu hết các công đoàn đều là thành viên của TUC (Trade Unions Congress, Đại hội các Công đoàn) – thành lập vào thập niên 1860. Đây là liên hiệp công đoàn duy nhất tại Anh,[4] dưới “chiếc dù” của nó là 52 công đoàn-thành viên, tập hợp hơn 5 triệu rưỡi lao động. Ba công đoàn-thành viên lớn nhất của TUC là Unite, UNISON và GMB, chiếm gần 60% tổng số công đoàn viên của TUC. Ngoài các công đoàn tập hợp công nhân trong các ngành công nghiệp, còn có các công đoàn thuộc nhiều ngành nghề khác như: Association of Flight Attendants (nhân viên phục vụ trên máy bay), Musicians’ Union (nhạc sĩ), Writers’ Guild of Great Britain (nhà văn), National Union of Journalists (nhà báo), v.v…

[5] Đặc điểm của AFL-CIO là trung lập về chính trị, không ủng hộ đảng phái chính trị nào nhất định. Trong khi đó, mặc dù TUC không có liên hệ trực tiếp với Đảng Lao Động Anh (Labour Party), khoảng một nửa số công đoàn-thành viên lại có liên quan đến đảng này. Sự ủng hộ của TUC là một nguyên nhân quan trọng giúp cho Đảng Lao Động trở thành một trong hai đảng lớn nhất tại Anh. Từ 1945 cho đến cuối thập niên 1970, TUC tham gia vào việc định hình các chính sách kinh tế – cùng với chính phủ và giới doanh nhân. 

Nhưng từ năm 1979, dưới thời của Thủ tướng Margaret Thatcher (thuộc Đảng Bảo Thủ), TUC bị loại bỏ ra khỏi quy trình lập chính sách của chính phủ. Lý do đó cùng với một số nguyên nhân khác đã khiến cho số lượng đoàn viên của TUC giảm từ 12 triệu (1979) xuống còn 6,6 triệu vào cuối thế kỷ 20.

Về phía giới chủ nhân, các hội doanh nhân cũng tập hợp thành những tổ chức bảo trợ để đấu tranh trong lĩnh vực hoạch định chính sách kinh tế. Vd: tại Anh, CBI (Confederation of British Industry, Liên đoàn Công nghiệp Anh) là một trong những tổ chức hàng đầu của giới chủ doanh nghiệp. Đây là một tổ chức bảo trợ được thành lập năm 1965, do sự hợp nhất của ba tổ chức trước đó. Trong thực tế, CBI là một liên minh bao gồm 140 hội đoàn của giới chủ, là tiếng nói của 190 ngàn doanh nghiệp thuộc mọi tầm cỡ và mọi khu vực, sử dụng gần 7 triệu lao động, tức là khoảng 1/3 lực lượng lao động thuộc khu vực tư nhân tại nước Anh.

 Tại Hoa Kỳ, hiệp hội các nhà sản xuất lớn nhất là NAM (National Association of Manufacturers, Hiệp hội Toàn quốc các Nhà chế tạo) thành lập năm 1895. Hiệp hội này đại diện cho các nhà sản xuất trong mọi ngành công nghiệp tại 50 tiểu bang, bao gồm hơn 11 ngàn công ty sản xuất, sử dụng gần 12 triệu công nhân và hàng năm đóng góp hơn 2 ngàn tỷ đô-la cho nền kinh tế Mỹ.
Có thể nói các nhóm lợi ích – nhất là công đoàn và các hội doanh nhân (của giới chủ), là những nhóm áp lực quan trọng nhất. Sức mạnh của những nhóm này dựa vào sự đóng góp của các thành viên cả về công sức lẫn tiền bạc. Trong các nước đã phát triển, các nhóm thuộc giới chủ doanh nghiệp thường ủng hộ cho các đảng cánh hữu, còn các nhóm thuộc giới lao động thường ủng hộ cho các đảng cánh tả.
Tại Bắc Âu, sự ủng hộ của các công đoàn lớn đã giúp cho các đảng dân chủ-xã hội nắm quyền trong một thời gian khá dài – đặc biệt là Đảng Dân chủ-xã hội Thụy Điển (SAP) và Đảng Lao động Na Uy. Nhưng từ những thập niên cuối thế kỷ 20 đến nay, do tác động của xu hướng toàn cầu hóa, “mô hình Bắc Âu” gặp khó khăn, ảnh hưởng của các công đoàn bị giảm sút. 

Tại Thụy Điển, mật độ công đoàn (union density, tức tỷ lệ công nhân tham gia công đoàn) giảm từ 86% (1995) xuống còn 71% (2012). Nhìn chung, tỷ lệ này giảm trên toàn vùng Bắc Âu: 74% (Phần Lan), 67% (Đan Mạch), 52% (Na Uy). Mặc dù vậy, những con số này vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác: 18% tại Đức, 8% tại Pháp.[6] Sức mạnh của công đoàn giảm sút cũng ảnh hưởng lớn đến các đảng dân chủ-xã hội. Tiêu biểu là trường hợp của LO – tổ chức công đoàn lớn nhất tại Đan Mạch, từ năm 1995 đã chấm dứt mối quan hệ gắn bó chặt chẽ kéo dài hơn một thế kỷ với Đảng Dân chủ-Xã hội Đan Mạch. Ngày càng có nhiều tổ chức công đoàn tại các nước Bắc Âu nhấn mạnh tính độc lập của họ đối với các đảng phái chính trị.

Về phía các nhóm mục đích, mặc dù không có sức mạnh về tiền bạc và nhân lực bằng các nhóm lợi ích, nhưng do đặc điểm của thành phần tham gia cũng như do tính chất của các hoạt động, các nhóm này lại có khả năng gây ảnh hưởng rộng rãi, và trong thực tế một số nhóm đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Tổ chức Hướng đạo là một nhóm mục đích lâu đời và phát triển rộng khắp. Ra đời từ năm 1907, tổ chức giáo dục thanh thiếu niên này đã phát triển thành một phong trào toàn cầu. Ngày nay, phong trào hướng đạo tập hợp trong hai tổ chức bảo trợ lớn : (1) Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement, WOSM) với 161 tổ chức thành viên và trên 40 triệu người tham gia và (2) Hội Nữ Hướng đạo Thế giới (World Association of Girl Guides and Girl Scouts, WAGGGS) có tổ chức hoạt động tại 145 nước với 10 triệu người tham gia. Cuba, Lào và Bắc Triều Tiên nằm trong danh sách các nước không có phong trào hướng đạo. Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar (Miến Điện) trước đây là vùng trắng, trong thời gian gần đây hoạt động hướng đạo đã và đang chớm nở hoặc hồi sinh, nhưng vẫn chưa được công nhận chính thức.

Từ sau khi Thế Chiến thứ II chấm dứt, hàng loạt nước thoát khỏi ách thực dân trở thành các nước độc lập. Nhưng mặc dù được “giải phóng” khỏi ách áp bức của thực dân, đế quốc, nhân dân tại các nước này lại rơi vào ách áp bức của các chế độ độc tài dưới nhiều hình thức, vì thế “nhân quyền” trở thành chủ đề ngày càng được mọi người quan tâm. Đó là lý do khiến cho  các nhóm đấu tranh cho “các quyền căn bản của con người” ngày càng phát triển trên phạm vi toàn cầu. 

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), thành lập năm 1961 tại London (Anh), ngày nay đã trở thành một phong trào hoạt động tại hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, lôi cuốn hơn 3 triệu người (bao gồm các thành viên, các nhà đấu tranh cho nhân quyền và những người ủng hộ). Mặc dù chỉ mới thành lập từ năm 1978 tại Hoa Kỳ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) ngày nay đã mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu, và hàng năm công bố báo cáo về tình hình nhân quyền tại khoảng 90 quốc gia.

Một trong những tổ chức đấu tranh cho nhân quyền đồng thời là một hiệp hội văn chương nổi tiếng là Văn bút Quốc tế (PEN International) thành lập tại London năm 1921. Ngày nay, Hội có các Trung tâm Văn bút quốc tế (International PEN centers) tại trên 100 nước. Vào lúc khởi thủy chủ yếu chỉ là tiếng nói của các nhà thơ và nhà văn, PEN ngày nay thu hút các nhà văn thuộc mọi hình thức của văn chương – bao gồm cả các nhà báo và các nhà viết sử. Cố xúy cho tình hữu nghị và sự hợp tác về trí tuệ giữa các nhà văn trên khắp thế giới, PEN cũng đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, lên tiếng bảo vệ các nhà văn bị sách nhiễu, cầm tù hay bị giết hại vì quan điểm của họ. Vì thế nhóm mục đích này trở thành cái gai trong mắt của các nhà cầm quyền độc tài.

Một trong những hiện tượng nổi bật của thời đại mới là sự xuất hiện của các nhóm đấu tranh bảo vệ môi trường (environmentalist groups) tại các nước phương Tây kể từ thập niên 1970 và ngày nay phát triển rộng khắp trên quy mô toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở các nhóm áp lực, các nhóm mục đích này còn tập hợp lại để hình thành nên các đảng chính trị – thường gọi là Đảng Xanh (Green Parties).

“Nhóm lợi ích” theo cách hiểu tại Việt Nam hiện nay:
Theo cách hiểu hiện nay tại Việt Nam, cụm từ “nhóm lợi ích” có thể được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau:
1)  Theo ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó trưởng ban thường trực của Ban Tuyên giáo Đảng CSVN, thì đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là “có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền.”[7] Hiểu theo nghĩa này, “nhóm lợi ích” giống với khái niệm “tư bản-thân hữu” (crony) tại phương Tây. Sự khác nhau là ở chỗ: ở phương Tây không có khái niệm “nhóm tư bản thân hữu” mà chỉ có “các nhà tư bản thân hữu” (cronies). Khi tệ nạn này phát triển đến mức ảnh hưởng đến một vài ngành hay toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia, người ta gọi đó là chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism).

2) Khi trả lời phỏng vấn trang web Thế Giới Mới, ông Vũ Ngọc Hoàng còn nói thêm: “Thật ra “lợi ích nhóm” là hình thức đặc biệt của tham nhũng. Đó là tham nhũng có tổ chức.” (…)“Lợi ích nhóm” là thâu tóm, độc quyền kể cả về kinh tế và chính trị.”[8] Hiểu theo nghĩa này thì “nhóm lợi ích” không chỉ là sự câu kết, thông đồng giữa hai yếu tố (các nhà tư bản bên ngoài  và những người có quyền lực bên trong bộ máy cầm quyền) mà còn có khả năng “thâu tóm, độc quyền kể cả về kinh tế và chính trị”.

Theo một số nhà chính trị học (như Bruce J. Dickson) thì đây chính là đặc trưng của hiện tượng “tư bản-thân hữu” mang màu sắc Trung Quốc. Đó là các đảng viên “hạ hải” (“xuống biển”, có nghĩa là dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh theo lời kêu gọi của Đặng Tiểu Bình) và các nhà tư bản làm ăn giỏi được kết nạp vào đảng. Họ là các nhà tư bản đỏ (red capitalists), vừa có quyền vừa có tiền. Bruce Dickson và Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) gọi đó là chủ nghĩa cộng sản thân hữu (crony communism) – một sự cộng sinh (symbiose), một sự tích hợp (integration) giữa quyềntiền.

3) Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thì lợi ích nhóm ở Việt Nam “có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển, v.v.”. Ông nhận xét rằng những nhóm lợi ích ở Việt Nam “hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định” và “hoạt  động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau”.

[9] Hiểu theo nghĩa này, các “nhóm lợi ích” thực chất là các nhóm quyền lực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, nghĩa là một hình thức đặc biệt của “cộng sản-thân hữu”, một thứ “tư bản đỏ tập thể”. Có tình trạng này phải chăng là do ĐCSVN cho phép các cơ quan đảng và nhà nước – kể cả công an và quân đội, làm kinh tế kiểu tư nhân, vì vậy họ mới có thể phát triển thành “nhóm”?

4) Nếu xét về xuất xứ thì khái niệm “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” không phải là một khái niệm khoa học do các nhà nghiên cứu khám phá và định danh, mà là một khái niệm sinh ra từ nhu cầu đấu tranh chính trị nội bộ, là “phát minh” của một số nhà lãnh đạo của ĐCSVN và sau đó được triển khai, diễn giải bởi các nhà lý luận chính thống hoặc các trí thức cung đình.

Trong bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, ông Vũ Ngọc Hoàng xác nhận: “Ở nước ta, trong lãnh đạo, người đầu tiên công khai hóa và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phát biểu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI). 

Ông còn nói rõ thêm: “Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.”[10] Mặc dù trong nghị quyết này (công bố ngày 16-1-2012), chúng ta không tìm thấy cụm từ “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích”, nhưng những câu chữ như “lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân” hoặc “đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển” rõ ràng là để ám chỉ “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”.

Chính Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng xác nhận rằng ông Nguyễn Phú Trọng – qua bài phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 3 vào ngày 10-10-2011, là tác giả của hai khái niệm “nhóm lợi ích” và “tư duy nhiệm kỳ”.

[11] Như chúng ta đã biết, cuộc “đấu tranh chống lợi ích nhóm” đã đạt đến đỉnh điểm tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (tháng 10 năm 2012). Tại hội nghị này, phái “chính thống” của Đảng đã tìm cách “kỷ luật khiển trách… một đồng chí trong Bộ chính trị” nhưng không thành công vì Ban chấp hành Trung ương bác bỏ đề nghị này. 

Mặc dù người ta không nhắc tên nhân vật bị đề nghị kỷ luật một cách công khai mà chỉ gọi bóng gió là “đồng chí X”, mọi người dân đều biết nhân vật đó chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật quan trọng thứ ba trong Bộ chính trị nhưng lại là nhân vật đứng hàng thứ hai xét về thực quyền. Kể từ đó cuộc đấu tranh nội bộ “chống nhóm lợi ích” vẫn kéo dài và kết quả chung cuộc cho đến nay vẫn còn là ẩn số – do môi trường chính trị Việt Nam vẫn còn cực kỳ ngột ngạt, bưng bít, thiếu tính công khai và minh bạch.

Hiểu theo ý nghĩa thứ tư này thì “nhóm lợi ích” thật ra là một phái chính trị trong Đảng (tạm gọi là phái lợi ích) mà phái chính thống đánh giá là “chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo lợi ích bè phái, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam”.

Dù hiểu theo nghĩa nào, khái niệm “nhóm lợi ích” tại Việt Nam hoàn toàn khác xa với khái niệm “nhóm lợi ích” theo cách nhìn của các khoa học xã hội trên thế giới hiện nay. Vấn đề đặt ra là : tại sao lại có chuyện “gọi nhầm tên” như thế? Đây là một sự nhầm lẫn vô tình hay cố ý? 

Trong tình hình mà nhu cầu hội họp và lập hội đang ngày càng trở nên bức thiết thì việc gieo rắc cách suy nghĩ thiếu thiện cảm đối với khái niệm “nhóm lợi ích” phải chăng cũng phản ảnh tâm lý “toàn trị” của các nhà lãnh đạo ĐCSVN? Hay đó là một xảo thuật chính trị nhằm một mặt diệt trừ “phái lợi ích”, mặt khác quyết tâm bóp chết mọi mầm mống của xã hội dân sự?

Nói cách khác, mặc dù giờ đây khả năng thực hiện chế độ toàn trị không còn được như xưa – nhất là trong giai đoạn “hậu-toàn trị” (post-totalitarianism) ngày càng đi vào thế bế tắc, các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam dường như vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng “giấc mơ toàn trị”, coi toàn bộ cuộc sống của người dân đều thuộc quyền kiểm soát của đảng cầm quyền. Và do đó, sự hồi sinh và phát triển của xã hội dân sự trong tương lai có thể sẽ trở thành cơn ác mộng của những người “cộng sản” cuối cùng trên mảnh đất Việt Nam này…

Đà Lạt ngày 5-1-2016
M.T.L.
Tác giả gửi BVN
Tài liệu tham khảo chính:
1) Clive S. Thomas, “Interest Group”, Encyclopædia Britannica, Last Updated 11-14-2014: http://www.britannica.com/topic/interest-group
2) Rod Hague and Martin Harrop, Comparative Government and Politics – An Introduction, 6th Edition, Published by PALGRAVE MACMILLAN, 2004, pp. 166-184.
3) Kenneth Newton and Jan W. Van Deth, Foundations of Comparative Politics, Second Edition, Cambridge University Press, New York, 2010.
4) Bill Coxall, Pressure Groups in British Politics, Routledge-Taylor & Francis Group, London and New York 2013, Chapter 1: What are pressure groups?
Các dữ liệu khác chủ yếu dựa vào Wikipedia (bản tiếng Anh), Britannica Encyclopædia và các trang mạng chính thức của các nhóm áp lực.
[1]Social groups”, Sociology Guide:
[2] Hiện nay, một số học giả sử dụng thuật ngữ “nhóm lợi ích” để gọi chung cả hai loại nhóm nói trên. Nhưng một số học giả khác lại sử dụng thuật ngữ “nhóm áp lực” để gọi tên chung cả hai loại nhóm, còn “nhóm lợi ích” chỉ dành để chỉ các nhóm thuộc loại thứ nhất. Tôi dựa theo xu hướng thứ hai vì nó giúp chúng ta phân biệt rõ hơn đặc điểm của hai loại nhóm.
[3] TS Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, Bản in lần thứ hai, Nxb Văn hóa-Thông tin, 2006, tr. 943.
[4] TUC thật ra chỉ hoạt động ở hai xứ Anh (England) và Wales. Scotland có STUC (Scottish Trades Union Congress) tách ra khỏi TUC từ năm 1897. Các tổ chức công đoàn Bắc Ireland nằm chung trong ITUC (Irish Trade Union Congress).
[5] Các hội nhà văn, nhà báo này là “hội nghề nghiệp” (nhóm lợi ích), khác với các hội nhà văn, nhà báo là “nhóm mục đích”, như sẽ thấy ở phần sau.
[6] Dữ liệu năm 2012 của ETUI (European Trade Union Institute):
[7] Vũ Ngọc Hoàng, “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” – cảnh báo nguy cơ, Tạp chí Cộng sản số 872 (tháng 6-2015):
[8] Vũ Ngọc Hoàng, “Lợi ích nhóm làm đất nước tụt hậu, văn hóa xuống cấp, niềm tin bị mất“, Một Thế Giới, 08-07-2015: http://motthegioi.vn/xa-hoi/uy-vien-tu-dang-vu-ngoc-hoang-loi-ich-nhom-lam-dat-nuoc-tut-hau-van-hoa-xuong-cap-niem-tin-bi-mat-207509.html
[9] Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Nhóm Tư vấn Chính sách kinh tế vĩ mô, Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 –  Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu, Nxb Tri Thức 2012, tr. 277.
[10] Vũ Ngọc Hoàng, TCCS số 872, bđd.
[11] Lê Đăng Doanh, sđd.
__._,_.___


Người dân trông đợi gì ở Đại hội Đảng XII?


Người dân trông đợi gì ở Đại hội Đảng XII?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016-01-08
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Người dân trông đợi gì ở Đại hội Đảng XII? Phần âm thanhTải xuống âm thanh
000_DM-Hkg10212312
Lao động nhập cư từ các tỉnh phía Bắc tìm việc hàng ngày tại một góc đường ở trung tâm thành phố Hà Nội hôm 10/9/2015.
AFP photo
Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 1 tại Hà Nội để bầu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đề ra mục tiêu phát triển đất nước cho giai đoạn 2016-2020. Dân chúng trong nước quan tâm như thế nào cũng như kỳ vọng gì ở Đại hội Đảng lần thứ XII này?

Trước hết là chia sẻ của người dân khắp ba miền Nam-Trung-Bắc:
“Ai lên cũng vậy. Ai lên cũng nắm chính quyền. Người ta đều bất mãn chế độ, nói là ai làm thì cứ làm, làm cho đã thôi; chứ bây giờ có quan tâm thì cũng không làm được gì, nói cũng không nghe”.

“Ông nào lên cũng được vì điều quan trọng là thể chế có thay đổi hay không. Một con người - một ông lãnh đạo mà thay thế từ ông này sang ông nọ cũng chỉ là một sự thay thế, chứ còn thể chế cũng không thay đổi thì vẫn là tình cảnh như hiện tại mà đôi khi còn bi đát hơn”.

Người dân chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ, quan tâm đến vận mệnh đất nước chứ bây giờ không ai quan tâm đến cái đảng lãnh đạo này nữa”.

Truyền thông trong nước tập trung loan tin cho biết Đại hội Đảng lần thứ XII rất quan trọng vì đại hội lần này sẽ đánh giá kết quả lãnh đạo và sự phát triển của VN sau 30 năm đổi mới cũng như bầu chọn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi 3 trong 4 nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tuổi nghỉ hưu. 

Tuy nhiên dân chúng từ Bắc đến Nam mà đài ACTD tiếp xúc qua điện thoại hầu như đều có cùng sự bày tỏ không mấy quan tâm đến những kỳ Đại hội Đảng như thế này. Họ chia sẻ cuộc sống ngày càng khó khăn, phải lo từ  bữa cơm hàng ngày cho đến những thứ thuế, những loại phí phải đóng ngày càng nhiều, đang là gánh nặng cho mỗi gia đình hiện nay.
Người dân chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ, quan tâm đến vận mệnh đất nước chứ bây giờ không ai quan tâm đến cái đảng lãnh đạo này nữa.

- Một người dân Hà Nội
Qua tìm hiểu chi tiết hơn với người dân trong nước về bối cảnh xã hội VN 5 năm qua dù được báo cáo là ổn định và mức tăng trưởng GDP đạt mức vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2015 nhưng không ai tỏ ra lạc quan vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN trong năm năm tới. Một cư dân ở Hà Nội nói với đài RFA:
“Theo dõi thông tin kết quả tình hình kinh tế xã hội thì tất cả đều đi xuống; về kinh tế chẳng hạn như nợ công càng ngày càng gia tăng; về đời sống càng ngày càng bất ổn; vấn đề an sinh xã hội về mọi thứ càng ngày càng khốn đốn hơn. Số liệu họ đưa ra thì được đẹp trên báo cáo, còn nhìn vào tình hình thực tế thì rất nhiều vấn đề, càng ngày càng bùng phát mà gần như họ không thể điều hòa được”.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê VN, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế năm 2015. Thế nhưng trong năm vừa qua, công nhân ở công ty khắp các tỉnh thành đình công liên tiếp để yêu cầu quyền lợi của họ cần được Công đoàn cũng như Chính phủ đáp ứng thỏa đáng như điều kiện lao động được cải thiện hay quỹ bảo hiểm xã hội phải đảm bảo. Thông tin VN gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP với ràng buộc của sự ra đời Công đoàn độc lập đã mở ra những hy vọng mới cho giới công nhân nhưng niềm vui đón chờ cơ hội công ăn việc làm của họ chưa kịp đến thì họ lại gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm hiểu cũng như tiếp cận các tổ chức Công đoàn độc lập.
000_Hkg1375862-400
Một người dân lao động nghèo đẩy xe hàng rong qua một cửa hàng bán kim khí điện máy ở Saigon. AFP photo
Những năm qua, VN vẫn là cường quốc xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên thế giới. Bộ mặt đời sống của nông dân trong các ngành trồng trọt và chăn nuôi có nhiều thay đổi tích cực. Tuy vậy, đa số nông dân vẫn cho rằng công việc của họ bấp bênh và đầy rủi ro. Thay vì đồng thiền thu về để đầu tư cho tái sản xuất thì nhiều nông dân phải đổi nghề. Ông Hai Lúa, một nông dân ở Cần Thơ vừa bán hết ruộng vườn của mình, cho biết:
“Hồi xưa nói chung cách đây hơn 40 năm thì lúa làm một năm có một vụ mà dân no ấm đầy đủ. Bây giờ làm 3, 4 vụ mà không đủ. Tại vì đồng tiền không có giá trị. Làm thì nhiều nhưng không có bao nhiêu tiền. Tiền thì nói bạc tỉ, bạc triệu mà rốt cuộc mua sắm không được bao nhiêu”.

Vấn đề Hòa Ái nêu lên trước những bất cập trong đời sống kinh tế xã hội như hiện nay, lẽ ra người dân phải đặc biệt quan tâm đến các kỳ Đại hội Đảng, nhất là Đại hội Đảng lần thứ XII này với kỳ vọng những thành viên mới trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ ít nhiều lắng nghe nguyện vọng của dân chúng và thay đổi hiện tình đất nước, tuy nhiên Hòa Ái ghi nhận được tựu trung người dân cho rằng các kỳ Đại hội Đảng chỉ là một hình thức “hợp thức hóa” chính danh cho các phe, nhóm lợi ích và cho dù 4 nhân vật cao cấp nhất có là những ứng viên xuất sắc được Đảng CSVN lựa chọn kỹ lưỡng thì họ cũng chỉ vì quyền lợi và sự tồn vong của chế độ như tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứ không vì dân vì nước.

Mong rằng ông nào hay bà nào đắc cử cũng được cả, miễn rằng quan tâm hơn nữa đối với cuộc sống của ngư dân và tạo điều kiện cho họ an tâm hơn, thuận lợi hơn trong việc bám biển, đặc biệt đánh bắt xa bờ.
- Bạn Khúc Thừa Sơn, Đà Nẵng
Trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII này, Hòa Ái ghi nhận có sự quan tâm và hy vọng của ngư dân VN. Họ theo dõi thông tin với mong muốn Chính phủ thấu hiểu những khó khăn của ngư dân cũng như sẽ có những thay đổi thiết thực để đảm bảo cho họ được an tâm hơn khi ra khơi đánh bắt trên ngư trường truyền thống. Bạn trẻ Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, người theo sát đời sống của ngư dân trong các năm qua, chia sẻ kỳ vọng của ngư dân VN trong Đại hội Đảng lần này:
“Đi thực tế thì mới thấy được ngư dân trong nước chỉ có điều mong ước rất nhỏ nhoi lắm: mong rằng ông nào hay bà nào đắc cử cũng được cả, miễn rằng quan tâm hơn nữa đối với cuộc sống của ngư dân và tạo điều kiện cho họ an tâm hơn, thuận lợi hơn trong việc bám biển, đặc biệt đánh bắt xa bờ. Họ không có mong ước nào to lớn bởi vì họ cũng nói thà rằng các cấp chính quyền làm những việc nhỏ thiết thực còn hơn nói những lời hay, lời đẹp mà không thực hiện gì cả”.
Trong các cuộc trao đổi với người dân cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đài ACTD nhận thấy phần đông dân chúng kỳ vọng có một sự thay đổi lớn ở VN như ở Myanmar hồi tháng 11 vừa qua. Họ không biết đến bao giờ mới có được tự do bầu cử như người dân Miến Điện đã làm được trong năm 2015; nhưng sự hiểu biết về quyền con người cũng như sự quan tâm đến chủ quyền quốc gia và đời sống an sinh xã hội của hơn 90 triệu người dân VN mỗi ngày một gia tăng là động lực giúp cho niềm hy vọng của họ sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa.

Kịch bản của Đại hội 12

Viết Từ Sài Gòn
2016-01-08
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg4448557-305BB.jpg
Một kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây, ảnh minh họa.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Thời điểm vở kịch quyền lực lên cao trào

Chuẩn bị đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, đây cũng là thời điểm vở kịch quyền lực lên cao trào. Có rất nhiều ý kiến nhận định khác nhau từ giới quan sát và có vẻ như lần này hoàn toàn khác, từ lâu, bộ sậu tứ trụ triều đình Cộng sản đã soạn sẵn một vở kịch hoàn toàn ngược với dự đoán của nhiều người.

Bởi theo dự đoán và phân tích của nhiều người, hiện tại, có ba phái trong nội bộ trung ương đảng Cộng sản gồm phái của Nguyễn Tấn Dũng (gọi là phái thân Mỹ), phái của Nguyễn Phú Trọng (gọi là phái thân Tàu) phái của Trương Tấn Sang (gọi là phái nước đôi, cả thân Mỹ và thân Tàu). Và mới đây lộ thêm phái của Nguyễn Sinh Hùng (cũng là phái thân Tàu nhưng không chung thuyền với Nguyễn Phú Trọng).

Xét về độ tuổi của bộ tứ Hùng, Dũng, Sang, Trọng và bối cảnh chính trị Việt Nam, người quan sát rất dễ bị đánh lừa rằng các nhân vật đều nhắm tới chiếc ghế Tổng Bí Thư, đặc biệt là Nguyễn Tấn Dũng. Và càng về phút cuối, các ban bệ, phe phái càng tung ra nhiều đòn hiểm, đòn bẩn với nhau để triệt tiêu chân tay của nhau nhằm tiến thẳng đến chiếc ghế quyền lực.

Nhưng nếu nhìn từ một hướng khác, có vẻ như giả thuyết về các phái tranh giành quyền lực trong nội bộ trung ương Cộng sản đang tung đòn bẩn hoặc đang đi đến cao trào triệt hạ nhau là không đúng. Thậm chí, nói một cách nghiêm túc là cả nhóm quyền lực này đang chơi trò tung hứng trong một vở diễn khá nhịp nhàng dưới một bàn tay có tên Giữ Độc Tài.
Hiện tại, đảng Cộng sản Việt Nam không còn dừng ở chuyện cúi đầu vâng phục để Trung Quốc chỉ tay năm ngón bảo ai làm gì, ngồi ghế nào… Không, đó là chuyện của thời mà tất cả các đảng viên Cộng sản Việt Nam còn ngửa tay nhận từng đồng viên trợ của đàn anh để tồn tại. Bây giờ, vấn đề họ quan tâm không phải là viên trợ của Trung Quốc nữa mà làm làm gì để đảm bảo khối tài sản của họ không bị mất và làm gì để chiếc ghế quyền lực họ tồn tại một cách vững vàng nhất trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang đấu với nhau từ không gian đến đáy đại dương, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa. Trong lúc nhân dân Việt Nam đang nghiêng hẳn về phía tiến bộ, cụ thể là Mỹ.
Mục đích lớn nhất mà vở kịch của đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn là làm thế nào để tứ trụ vẫn được tại vị thêm ít nhất là một nhiệm kỳ nữa. Bởi chỉ có cách này mới đảm bảo độc tài không bị suy suyễn. Vì sao dám nói vở kịch tranh giành quyền lực của tứ trụ Cộng sản chỉ là trò diễn để đi đến mục đích tứ trụ đều tại vị?

Có các dấu hiệu sau cho thấy điều đó: Nguyễn Phú Trọng đề xuất vấn đề Tổng bí thư phải là người miền Bắc, “có tâm, có tầm”, có thể là người quá tuổi hưu, phải giỏi lý luận… Chung qui, ông ta đã công khai tự ứng cử, hay nói chính xác hơn là ông ta tự đề xuất làm thêm một nhiệm kỳ nữa.

Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố nửa vời sẽ rút khỏi cuộc tranh giành quyền lực nhưng lại tung chưởng sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Trường Sa, Hoàng Sa.

Nguyễn Sinh Hùng sang Trung Quốc thăm quê hương họ Mao và bắt tay với Tập Cận Bình. Sau đó Trung Quốc loan tin sẽ thông qua luật đưa quân tình nguyện đi chống khủng bố ở các nước “anh em” nếu như quốc hội của nước đó đồng ý. Xem như Nguyễn Sinh Hùng đã nhúng tay vụ này. Biểu hiện rõ nhất là các binh đoàn xe bọc thép chống bạo động, chống khủng bố của quân đội Cộng sản Việt Nam rầm rập xuất hiện để “bảo vệ đại hội 12”.

Trương Tấn Sang, dù rất mờ nhạt nhưng lại tuyên bố sẽ bằng mọi giá chống tham nhũng và với gương mặt ám ngộn vẻ yêu nước, yêu dân tộc, canh cánh với nạn tham nhũng, tệ nạn xã hội. Ông ta nói như nghiến răng thề nguyền rằng bằng mọi giá phải giảm tham nhũng đến mức thấp nhất…

Ai “có tâm, có tầm”?

000_Hkg10243496-622.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 8/1/2016.
Trong lúc này, dư luận vẫn bị đánh lạc hướng về cuộc tranh giành quyền lực, tranh giành chiếc ghế Tổng Bí Thư và cho rằng những thông tin đánh Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh, Trương Hòa Bình… là cách mà các phái chơi bẩn, triệt hạ tay chân của nhau.
Ở đây có hai vấn đề, rõ ràng đây là mưu hèn kế bẩn của kẻ giấu mặt đánh thẳng vào những gương mặt có thể trở thành ứng viên các chức Tổng Bí Thư, Thủ Tướng, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội. Đương nhiên sau những đòn đánh chí tử này, cơ hội bước lên ngai quyền lực của Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị… Xem như trở về Zero.
Khi các ứng viên kế vị bị dẹp, đương nhiên có hai hướng, hoặc là tìm những ứng viên mới tuy không “sáng” nhưng phải “sạch”. Hoặc là tiếp tục duy trì quyền lực cho người cũ, để họ tiếp tục lãnh đạo, cải thiện và “phát sáng”.
Hướng thứ nhất, tìm ra những ứng viên “sạch nhưng chưa sáng” nghe hơi khó. Hướng thứ hai thì đã lộ rõ chân tướng: Nếu tiếp tục chọn một Tổng Bí Thư giỏi lý luận bảo vệ đảng, là người miền Bắc, “có tâm, có tầm” và có thể là tuổi cao nhưng có đủ tư cách… Thì còn ai nữa ngoài Nguyễn Phú Trọng bởi Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố không chơi cuộc này?
Và hiện tại, khi mà đất nước lâm nguy, việc đưa sự vụ Hoàng Sa, Trường Sa ra kiện ở tòa án quốc tế là một việc cấp bách, Nguyễn Tấn Dũng đánh ngay vào điểm này, ông ta bắn tiếng sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Như vậy, muốn kiện Trung Quốc, chỉ có chính phủ mới đủ điều kiện và tư cách đứng kiện. Vậy thì ai đã hứa kiện, phải để người đó đứng vị trí chủ chốt mà tiếp tục thực hiện. Trong đảng, có ai ngoài Nguyễn Tấn Dũng?

Giữa hai phe (kịch) Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, mới nhìn vào sẽ nghĩ rằng đây là hai đối thủ thề không chung sàn đài nhưng thực tế là hai võ sĩ đánh cuội để ăn tiền, ra dấu trước đánh sau. Từ trước đến giờ đều vậy, từ hội nghị 10, 11, tưởng chừng như họ đã tố nhau ngửa bụng nhưng cuối cùng, chẳng có ai trầy xước cả. Nhân dân, người theo dõi trận đấu chỉ biết thở dài vì hai kẻ xông vào đánh nhau chí tử nhưng chẳng có ai knock-out!

Đến Nguyễn Sinh Hùng và Trương Tấn Sang. Nếu nhìn bề ngoài, rất dễ nhầm rằng Nguyễn Sinh Hùng đã tự tách mình thành ban phái mới để sang Trung Quốc cầu bề trên. Thực tế, đó là một sự ủy nhiệm và thống nhất cao trong bộ sậu tứ trụ Hùng, Dũng, Sang Trọng.

Mục đích của Hùng đi Trung Quốc là hợp thức hóa việc Trung Quốc đưa “tình nguyện quân chống khủng bố” sang Việt Nam trong kỳ đại hội đảng 12 này nếu có biến. Biến ở đây cần phải hiểu là những cuộc biểu tình của nhân dân phản đối đảng Cộng sản độc tài có thể diễn ra bất kỳ giờ nào trên đường phố Hà Nội, khi mà các ống kính của giới truyền thông quốc tế có mặt nhiều nhất và nếu an ninh, quân đội Việt Nam ra tay đàn áp thì chẳng khác nào hắt gáo nước vào mặt bộ sậu lãnh đạo “mới”, vào đảng Cộng sản nhưng mượn tay “tình nguyện quân” triệt tiêu thì lại là chuyện khác!… Chứ không phải là cuộc đảo chính nào cả!

Đảo chính chỉ là kịch bản của bộ tứ này. Bởi từ động thái cho đến phát ngôn cũng như cách dùng kế bẩn triệt tiêu các ứng cử viên kế vị của đại hội đều cho thấy có một sự thống nhất rất cao trong mục tiêu duy trì bộ tứ Hùng, Dũng, Sang, Trọng thêm ít nhất là một nhiệm kỳ nữa.

Vì hiện tại, đứng trên góc độ đảng Cộng sản Việt Nam mà nói thì nếu bỏ qua tuổi tác, sẽ khó có đối thủ tranh ghế Tổng Bí Thư với Trọng một khi Dũng đã bật đèn xanh, tuyên bố rút. Trong khi đó, Trọng giữ thêm ghế Tổng Bí Thư một nhiệm kỳ nữa thì Trọng có quyền “đề cử” Dũng làm Thủ tướng. Mà hiện tại, cũng khó có ai là đối thủ của Dũng trong chiếc ghế Thủ tướng.

Có một điều dễ thấy nhất là Dũng chẳng bao giờ thèm cái ghế Tổng Bí Thư bởi với cái ghế Thủ Tướng, Dũng tha hồ hô mây gọi gió. Trừ khi Dũng lên Tổng Bí Thư để giải trừ đảng Cộng sản, đổi thể chế, chuyển sang ghế Tổng thống. Nhưng chuyện này không tưởng vì khi làm vậy, với một người Cộng sản giàu kết sù, có con cái đang trên đà quyền lực đỏ thì chẳng khác nào tự tử.
Về phần Hùng, cái ghế Chủ tịch quốc Hội được định vị từ trước nhưng nó khẳng định sau chuyến đi Trung Quốc. Bởi chỉ có Hùng mới có thể kêu gọi “tình nguyện quân” Trung Quốc sang Việt Nam bảo vệ đảng khi cần thiết. Và chỉ có Hùng mới đủ mạnh để hù dọa đám nghị gật. Cú đánh móc hông đám nghị gật bằng cách mời Tập Cận Bình đến Quốc Hội nói chuyện là đòn hiểm của Hùng. Đó cũng là cú đề ba để đi đến chung cục là cái bắt tay của Hùng với Tập Cận Bình về vấn đề đưa quân sang chống khủng bố, bảo vệ đảng.

Như vậy, chỉ còn chiếc ghế Chủ Tịch Nước. Cái ghế này tuy mờ nhạt, Sang không muốn ngồi, nhưng Sang không ngồi thì về vườn. Có lẽ biết vậy mà cũng còn tiếc nuối nhiều thứ nên Sang mới ra đòn chống tham nhũng với hy vọng được ăn cả ngã về không.

Nhìn chung, đã có sự sắp xếp, bắt tay duy trì và chia chác quyền lực trong kỳ đại hội này. Chuyện đảo chính nghe ra quá xa vời. Nhưng chuyện đảng Cộng sản lo có biến, sợ nhân dân nổi dậy sau khi nghe kết quả đại hội là chuyện có thể, và mượn tay quân Tàu để đàn áp nhân dân nếu có biến cũng là chuyện có thể!

Đến đây, có thêm câu hỏi: Tại sao vở kịch chia phái để đánh nhau của Hùng, Dũng, Sang, Trọng diễn ra quá lâu trước đại hội 12? Đơn giản, nó diễn ra rất sớm để có màn “thân Tây – thân Tàu” mà gạt phương Tây, mang về không ít viên trợ, kiều hối, để nuôi chế độ thêm mập mạp, to vâm.

Nhưng đó là chuyện con người tính toán. Còn chuyện trời tính thì chẳng ai đoán được. Quốc gia nào cũng có thiên mệnh riêng!

Viết Từ Sài Gòn, 07/01/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Wednesday, January 6, 2016

Công lý 'Con ruồi Tân Hiệp Phát'



Công lý 'Con ruồi Tân Hiệp Phát'

Luật sư Hà Nguyễn

VOA tiếng Việt
Thứ ba, 05/01/2016

Chiều 18/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã kết án anh Võ Văn Minh 7 năm tù về “Tội cưỡng đoạt tài sản” (Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản) quy định tại Điều 135 Bộ Luật hình sự. Theo Tòa án vụ án diễn biến như sau.


Ngày 03/12/2014, Võ Văn Minh khi bán hàng ăn phát hiện có con ruồi trong một chai Number 1, sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát. Hai ngày sau, Minh gọi điện cho Tân Hiệp Phát và yêu cầu công ty này đưa cho Minh 1 tỷ đồng để đổi lấy chai Number 1 chứa ruồi và việc Minh không khiếu kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, không đăng trên báo chí thông tin về chai Number 1 chứa ruồi và không in 5000 tở rơi có cùng thông tin. Tân Hiệp Phát đã ba lần cử nhân viên của mình đến gặp Minh để nói rõ “chủ trương của Công ty không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm có lỗi” và đề xuất tặng Minh một số sản phẩm của Công ty thay lời cảm ơn và xin nhận lại chai Number 1 chứa ruồi. Minh vẫn yêu cầu Tân Hiệp Phát giao tiền nhưng giảm số tiền từ 1 tỷ đồng xuống 600 triệu đồng và cuối cùng 500 triệu đồng. Ngày 23/1/2015 Tân Hiệp Phát đã tố cáo Minh với công an tỉnh Tiền Giang. Ngày 27/1/2015, Tân Hiệp Phát giao 500 triệu đồng cho Minh và khi Minh nhận tiền của công ty này thì bị công an tỉnh Tiền Giang “bắt quả tang”!

Có luật sư cho rằng anh Minh không phạm tội vì “công ty không phải là người” nên không thể có chuyện Tân Hiệp Phát bị uy hiếp tinh thần. Thế nhưng người viết bài này khẳng định “công ty là người”.

Thực vậy, công ty là “pháp nhân” hay “người pháp lý” (dịch từ tiếng Anh “legal person” dùng để chỉ công ty nói riêng, tổ chức nói chung) vì thỏa mãn các điều kiện của pháp nhân được quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự (Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi: 1. Được thành lập hợp pháp; 2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập). Cũng cần nói thêm rằng “pháp nhân” tương phản với “thể nhân” (dịch từ tiếng Anh “physical person”) để chỉ “người bằng xương bằng thịt”

Vả lại, nếu cho rằng tổ chức nói chung, công ty nói riêng, không phải là “người” thì không lẽ pháp luật bó tay trước tổ chức nào đó đe dọa cá nhân hay tổ chức khác nhằm lấy tài sản của họ?

Do đó, để xác định anh Minh vô tội thì trước hết phải chứng minh được Tân Hiệp Phát không ở trong tình trạng bị uy hiếp tinh thần khi đưa 500 triệu đồng cho anh Minh để đổi lấy chai Number 1 chứa ruồi cùng việc anh Minh giữ kín thông tin này.

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại phiên tòa, Tổng giám đốc Trần Ngọc Bích trình bày: “Trước những hành vi đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp của anh Minh, chúng tôi buộc phải nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp, xử lý” và nói rõ là bà gửi đơn tố cáo đến công an vào ngày 23/1/2015, tức 4 ngày trước khi đưa tiền cho anh Minh dẫn đến việc anh Minh bị bắt. Trước đó, bà Trần Uyên Phương, phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cũng đã thừa nhận: “Khi nhận thấy sự việc có thể đi quá xa và mục đích của anh Minh sẽ là gây tổn hại đến uy tín của Tân Hiệp Phát nên chúng tôi buộc lòng phải báo cơ quan chức năng can thiệp. Và sau đó mọi việc đi theo tiến trình của pháp luật”. Ngay Hội đồng xét xử cũng khẳng định: “Cty Tân Hiệp Phát lo sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín nên phải tố giác tội phạm”.

Lẽ đương nhiên sau khi tố cáo anh Minh với công an, Tân Hiệp Phát “nhất cử nhất động” trong liên hệ với anh Minh phải làm theo chỉ đạo của công an. Điều này có nghĩa việc Tân Hiệp Phát đưa tiền cũng như lập biên bản giao tiền cho anh Minh dẫn tới việc công an “bắt quả tang” anh Minh “cưỡng đoạt tài sản” của công ty này là do công an dàn dựng. Chính công an tỉnh Tiền Giang đã thừa nhận sự thật này khi tuyên bố với báo chí rằng sau khi nhận được tin báo của Tân Hiệp Phát, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) đã chỉ đạo lực lượng Trinh sát tiến hành xác minh và “áp dụng biện pháp nghiệp vụ với Võ Văn Minh”.

Việc điều tra viên
Trần Trí Tâm là người nhận đơn tố cáo của Tân Hiệp Phát (ngày 23/1/2015) lại chính là người “bắt quả tang” anh Minh nhận tiền của Tân Hiệp Phát (27/1/2015) và tiếp đó được phân công làm điều tra viên chính vụ anh Minh “cưỡng đoạt tài sản” của Tân Hiệp Phát (ngày 4/2/2015) cũng như việc cơ quan điều tra cho người bảo vệ quyền lợi của Tân Hiệp Phát là Luật sư Nguyễn Minh Hoàng tham gia hỏi cung anh Minh – hành vi xâm phạm trắng trợn Luật tố tụng hình sự vì Luật này không cho phép luật sư của nguyên đơn tham dự hỏi cung, chứ đừng nói trực tiếp hỏi cung bị can – càng cho thấy việc anh Minh bị bắt hoàn toàn không phải tình cờ mà là kết quả của việc anh bị “sập bẫy” do công an gài.

Như vậy, Tân Hiệp Phát một khi đã tố cáo anh Minh với công an và hơn thế nữa, tích cực tham gia đưa anh Minh vào “bẫy” do công an gài thì rõ ràng công ty này rất có ý thức về việc chai Number 1 chứa ruồi mà anh Minh đang nắm giữ trước sau cũng sẽ được công luận biết, sớm thì do chính công an thông tin, muộn thì qua xét xử tại tòa, tức công ty này không hề lo sợ thương hiệu, uy tín của mình vì thế bị ảnh hưởng. Trên thực tế, ngay chiều ngày 5/2/2015, tức chỉ 6 ngày sau bắt anh Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thông tin cho báo chí về bắt tạm giam anh Minh để làm rõ hành vi “cưỡng đoạt tài sản” Tân Hiệp Phát của anh Minh.

Tóm lại, Tân Hiệp Phát tố cáo anh Minh với công an là nhằm “trừng trị” anh này đã “dám” đòi công ty này nhiều tiền chuộc chứ không hề do lo sợ thương hiệu, uy tín của mình sẽ bị ảnh hưởng, đồng nghĩa không có việc công ty này bị anh Minh “uy hiếp tinh thần” khi đưa tiền cho anh Minh. Mà Tân Hiệp Phát đã không bị anh Minh “uy hiếp tinh thần” thì việc anh Minh nhận tiền từ Tân Hiệp Phát đương nhiên không cấu thành “Tội cưỡng đoạt tài sản”.

Không chỉ thế - người viết bài này khẳng định - ngay cả trong trường hợp Tân Hiệp Phát không báo công an về hành vi của anh Minh mà vẫn đưa 500 triệu đồng cho anh Minh để đổi lấy chai Number 1 chứa ruồi cùng sự im lặng của anh Minh thì hành vi của anh Minh cũng không phải là “cưỡng đoạt tài sản”.

Điều 25 Bộ Luật dân sự bảo vệ quyền nhân thân (bí mật đời tư, hình ảnh cá nhân…). Do đó, đòi người khác đưa tiền hay tài sản khác để đổi lấy việc không công bố thông tin về nhân thân của cá nhân đó đương nhiên là trái luật pháp và do đó cấu thành hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Ngược lại, pháp luật không cấm công bố thông tin về tổ chức, tức có hoạt động liên quan đến cuộc sống của cộng đồng, của xã hội, trừ thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước. Do đó thương lượng về việc một tổ chức đưa tiền hoặc tài sản khác để đổi lấy việc không công bố thông tin có thật nhưng bất lợi (không mang tính tội phạm) cho tổ chức đó là hoàn toàn hợp pháp. Lẽ dĩ nhiên, tổ chức đó không buộc mua lại thông tin. Trong trường hợp đồng ý mua lại thông tin, tổ chức đó có thể thương lượng về giá với người nắm giữ thông tin. Nói cách khác, một khi pháp luật thừa nhận quyền thương lượng giữa các đương sự thì không thể có yếu tố hình sự trong đó.

Vậy “thương lượng” có được áp dụng cho anh Minh và Tân Hiệp Phát?

Trước hết theo Khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức) thì anh Minh là người tiêu dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Điều luật này cho thấy Viện kiểm sát khi nói “anh Minh chỉ là người mua chai Number 1 rồi bán lại nên không phải là người tiêu dùng và vì vậy không chịu điều chỉnh bởi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” không chỉ là nói bừa mà còn là “gậy ông đập lưng ông”!

Vẫn Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 31 quy định: “1/ Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm; 2/ Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

Như vậy anh Minh với tư cách người tiêu dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát hoàn toàn có quyền thương lượng với công ty này về việc công ty này mua lại chai Number 1 chứa ruồi cũng như sự im lặng của anh Minh về sản phẩm này. Tóm lại, hành vi của anh Minh là hoàn toàn hợp pháp. Mà đã là hợp pháp thì kể cả anh Minh đòi Tân Hiệp Phát số tiền lớn hơn 500 triệu đồng bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là “thuận mua, vừa bán”, là hành vi dân sự. Trên thực tế, Tân Hiệp Phát đã thương lượng với anh Minh cả thảy ba lần.

Kết luận lại, việc bắt giam và rồi kết án tù anh Minh về “Tội cưỡng đoạt tài sản” là hoàn toàn trái pháp luật không chỉ vì Tân Hiệp Phát khi đưa tiền cho anh Minh không hề trong tình trạng “tinh thần bị uy hiếp” mà nhất là vì anh Minh đưa ra yêu cầu tiền nong với Tân Hiệp Phát chỉ là thực hiện quyền thương lượng của người tiêu dùng được pháp luật công nhận. Tình tiết sau đây của phiên tòa càng chứng tỏ anh Minh đã bị bắt và bỏ tù oan.

Khi được Hội đồng xét xử hỏi liệu công ty có bị ảnh hưởng sau khi vụ việc được nêu trên báo chí, tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Ngọc Bích cho biết doanh số giảm sút, thiệt hại có thể lên tới vài ngàn tỷ đồng do người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của công ty này. Trả lời tiếp câu hỏi “Vậy công ty có yêu cầu bồi thường không?” của Hội đồng xét xử, bà Bích nói rằng công ty thiệt hại rất lớn nhưng anh Minh cũng gánh chịu hậu quả nặng nề nên công ty không yêu cầu bồi thường và xin xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo.

Như vậy Tân Hiệp Phát cũng như Hội đồng xét xử khẳng định anh Minh đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho Tân Hiệp Phát. Thế nhưng cả Tân Hiệp Phát lẫn Hội đồng xét xử đều biết rất rõ rằng thông tin về sản phẩm Number 1 chứa ruồi của Tân Hiệp Phát đăng trên báo chí là do Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Tiền Giang và tiếp đó do chính Tân Hiệp Phát bằng “Thông báo chính thức về vụ việc con ruồi” rồi Viện kiểm sát và cuối cùng Tòa án tỉnh Tiền Giang cung cấp, nhất là trong bối cảnh anh Minh đã bị bắt giam. Do đó việc Tân Hiệp Phát không yêu cầu anh Minh bồi thường thiệt hại cũng như Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm này của Tân Hiệp Phát không gì khác hơn là “gắp lửa bỏ tay người”, quyết vẽ nên một Võ Văn Minh “tội phạm” cho bằng được!

Điều đáng lưu ý là chỉ tính từ 2009 đến nay đã có hàng chục sự cố được báo chí đưa tin liên quan đến sản phẩm Tân Hiệp Phát không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng (chứa ruồi, dán, lông và các dị vật khác, đóng cợn, nguyên liệu quá hạn sử dụng…) và đây cũng không phải là lần đầu tiên Tân Hiệp Phát báo công an bắt người đòi tiền chuộc sản phẩm không đảm bảo vệ sinh của công ty này để rồi ít nhất có 2 người trong số đó đã bị kết án tù về cùng “Tội cưỡng đoạt tài sản” như anh Minh.

Để khắc phục công lý đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang bóp méo một cách nghiêm trọng trong vụ “con ruồi Tân Hiệp Phát” dẫn đến anh Võ Văn Minh bị tù oan, có ba điều tối thiểu sau đây Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao cần phải làm.

Một là, trả tự do ngay lập tức cho anh Võ Văn Minh do anh Minh không phạm “Tội cướng đoạt tài sản” đồng thời xin lỗi và bồi thường cho anh Minh do anh Minh đã bị bắt giam và bỏ tù trái pháp luật cũng như đề nghị tòa án có thẩm quyền hủy án tù và xin lỗi, bồi thường cho tất cả những người bị kết án tù do bị công an phối hợp với Tân Hiệp Phát “gài bẫy” tương tự như anh Minh.

Hai là, truy cứu các cá nhân tại Công an và Viện kiểm sát tỉnh Tiền Giang về “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” quy định tại Điều 293 Bộ Luật hình sự do đã bắt giam và truy tố anh Võ Văn Minh.

Ba là, truy cứu Hội đồng xét xử Tòa án tỉnh Tiền Giang về “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự do đã kết án tù trái pháp luật anh Võ Văn Minh.

Về phía Tân Hiệp Phát mà đại diện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Quí Thanh và Tổng giám đốc Trần Ngọc Bích, dù chưa phải hầu tòa do là đồng phạm với công an trong việc “hình sự hóa” tất cả những ai thực hiện quyền thương lượng về bồi thường sản phẩm độc hại của công ty thì ngay từ bây giờ đã nhận được “bản án” nghiêm khắc nhất, tương xứng với hành xử bất chấp tính mạng, sức khỏe cộng đồng, theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” của Tân Hiệp Phát khi mọi sản phẩm của công ty này bị người tiêu dùng Việt Nam đồng loạt quay lưng.

Bóng tối của đêm

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
2016-01-05
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
043_dpa-pa_59026877-620
Một nhân viên bán hàng cho hãng CocaCola đang giao nước giải khát cho các đại lý ở Saigon. Ảnh minh họa.
AFP photo
Anh bạn có cái quán nước nho nhỏ ở tít vùng ngoại ô Sài Gòn, mới đây kể rằng có khách ghé vào, vừa kéo ghế ngồi vừa kêu nước “cho cái gì uống đi, cái gì cũng được miễn không phải là đồ của Tân Hiệp Phát”.

Ở cái quán bé tẹo ấy, chưa có đến 5 cái bàn, khoảng hai tuần nay đã tiếp nhận loại thông điệp xã hội dân sự ấy không phải một lần rồi thôi. Đi xa hơn nữa, cũng có những người bán hàng đã bị lời nhắc của khách hàng làm thức tỉnh, về một dòng chảy đang lớn dần, trong việc không nên dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Thái độ từ chối của người dân ngày càng rộng không phải vì tin tức các loại nước của công ty này bị cặn, bị lỗi, mà rõ là một cách bày tỏ rất quyết liệt: Không muốn chung sống cùng một xã hội với loại thương hiệu với cách ứng xử khuất tất.

Trong lịch sử Việt Nam từ hơn 40 năm nay, người Việt chỉ chứng kiến hai lần phong trào tẩy chay hàng hoá ở mức độ toàn quốc. Đó là cuộc tẩy chay hàng bột ngọt Vedan bởi nhà máy của công ty này làm ô nhiễm sông Thị Vải, Đồng Nai, vào năm 2010. Lúc đó, sự nổi giận của đám đông vì số phận của một con sông. Còn lần thứ hai này, người ta chứng kiến phong trào kêu gọi tẩy chay toàn dân với một thương hiệu, bùng phát từ cách chà đạp số phận của một con người.

Xét về ý thức công dân và thái độ trách nhiệm xã hội, rõ ràng có một bước tiến lớn trong cái nhìn của đám đông. Sự kiện Vedan bắt nguồn từ các bài báo điều tra và mọi người dễ dàng cùng chung một trận tuyến đối diện với Vedan – mà sai lầm của công ty đã thấy rõ. Còn với sự kiện con ruồi của sản phẩm Tân Hiệp Phát, rõ ràng là người dân ngày càng tinh tế hơn, thấu đáo hơn, bất chấp sự kiện được công ty dàn ra bằng cái vỏ bọc án hình sự và một mặt trận bồi bút tìm mọi cách nói ngược nói xuôi theo chiều của đồng tiền xoay, khiến từng không ít người phân vân.

Chống lại những kẻ to lớn hơn mình và nhiều tiền của, luôn là đề tài muôn thuở của của thế gian – như một sự thách thức sự thật và lẽ phải – mà kết quả không phải lúc nào cũng có hậu. Ngay cả cách thể hiện quyền lực muốn nhấn chìm người mua hàng trong sự kiêu ngạo và tàn nhẫn của Tân Hiệp Phát, vẫn có những luật sư, bồi bút lên giọng bảo vệ kẻ ác trước những người từng phát hiện sản phẩm hư hỏng của công ty này. Có ít nhất 3 khách hàng của Tân Hiệp Phát đã lao đao, chết đứng chết ngồi trước anh Võ Văn Minh (một người ở Đồng Nai và 2 người ở Tp.HCM), với cùng một thủ thuật. Từ năm 2011, công lý đã chìm ngập trong màu nước ngọt có ruồi, cho đến khi tin tức về các nạn nhân lan trên các trang mạng xã hội.

Không may mắn như Vedan, sự kiện Tân Hiệp Phát bẫy người tiêu dùng phát hiện sản phẩm lỗi của mình, được ghi lại khá chi tiết trên Wikipedia, bách khoa toàn thư điện tử với đủ các chi tiết, bao gồm phương thức giải quyết khủng hoảng qua cách đổi tên công ty thành Number One. Lưu danh muôn đời.
“Giờ thì còn tệ hơn, công ty này nói phạt những nơi mua hàng của họ, phát hiện sản phẩm lỗi, lấy lý do là các nơi ấy bảo quản sản phẩm của họ không đúng”, anh bạn có cái quán nhỏ tẹo ấy nói, “thôi giã từ luôn cho khỏi phiền”.

 Chắc rồi Wikipedia sẽ có thêm tình tiết độc đáo này cho thương hiệu nước giải khát cung đình hoá học ấy, bởi việc tự rửa mặt, bằng cách gây hấn với khách hàng và người phân phối cho mình. Câu chuyện này minh chứng rõ một điều: rõ ràng khi có nhiều tiền, không có nghĩa là kèm thêm trí thông minh.

Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở đây, là một công ty có lối giải quyết khủng hoảng vừa quái gở, vừa ngu ngốc như vậy, sao lại được ủng hộ tuyệt đối dù mắc sai lầm từ nhiều năm nay bởi báo chí, thậm chí bởi các quan chức hớn hở ra mặt, cùng nhịp bước đều?
Cây bút điều tra Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, mới đây có nhắc về một bài báo cũ, liên quan chuyện công ty Tân Hiệp Phát nhập hàng chục tấn “hoá chất cung đình” quá hạn từ năm 2009, nhưng rồi sau đó mọi thứ chìm dần một cách bí hiểm. Thậm chí một cán bộ C15, tức C46 (Cục CSĐT về quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Bộ Công An) đang theo sát vụ này đã “được” chuyển công tác về Cục phòng chống ma tuý.
Một cây viết điều tra khác, từng làm cho một tờ báo điện tử lớn, kể rằng anh cũng từng đưa bài nói về khuất tất của Tân Hiệp Phát vào năm 2009, có kèm cả tư liệu của công an C49 (Cục cảnh sát môi trường), thế nhưng những người lãnh đạo bỏ bài viết ấy, sau khi nhận lời mời một chuyến tham quan “hữu nghị” công ty Tân Hiệp Phát. Tất cả những gì cần cảnh báo cho người dân Việt, cuối cùng đã được thay bằng tuyên bố vui vẻ của một lãnh đạo tờ báo sau khi tham quan đi về “nhà máy to lắm, phải đi bằng ô tô mới hết”.

Thấy được sự âm u của đêm là một chuyện, nhưng thấy được cả bóng tối của đêm thì không dễ. Con ruồi và bẫy rập thì không khó nhìn thấy, nhưng trong bóng tối của đêm, làm sao để thấy ai đã giao tặng cho luật sư Tân Hiệp Phát biên bản điều tra của công an với anh Võ Văn Minh, mà điều ấy là bất hợp pháp? Làm sao nhìn xuyên được qua bóng tối của đêm để hiểu được vì sao có những bài báo lên giọng nói tẩy chay không uống nước cung đình hoá học ấy là ngu dại! Bóng tối nào của đêm đủ sức nuôi dưỡng loại luật sư văng tục, tuyên bố trên trang mạnh cá nhân của mình rằng hàng triệu người Việt Nam có thể sẽ ngồi tù vì dám hưởng ứng phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát?

Ngay nơi này, trên đất nước này, sự thật và lẽ phải mỗi ngày đang bị thách thức không ngừng. Không chỉ có đêm tối đang phủ vây công lý và con người Việt Nam, mà chập chùng bóng tối sau đêm cũng đang chực chờ dùng thế và lực của mình để sẵn sàng xoá nhòa mọi ý nghĩa của lương tâm và lẽ phải.
Trên tờ Huffington Post, số tháng 11/2015, có ghi lại một bài nói chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Khi nhìn thấy rất nhiều người khóc và cầu nguyện sau vụ khủng bố tại Ba Lê, Pháp, ông đã nói rằng “con người không thể chỉ cầu nguyện để thoát khỏi kẻ ác”. Người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng từng đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 1989 nhấn mạnh rằng “khủng bố – cái ác do chính con người tạo ra, vậy thì hãy hành động chứ cầu nguyện thì không đủ. Tự con người phải tìm cách giải quyết nó chứ không thể đòi hỏi Thượng đế can thiệp”.
Tân Hiệp Phát lớn lên trên đất Việt, được nuôi lớn bằng sức mạnh tiêu thụ của người dân Việt. Nếu nơi đó không thể đồng hành cùng đồng bào mình phát triển bình ái, mà âm mưu dựa dẫm vào bóng tối của thế lực và tiền của để chà đạp con người, thì chúng ta – những cá nhân nhỏ bé – sẽ phải cùng đứng lại để đòi hỏi một kết cục khác. Chúng ta không thể mong chờ một ai khác.

Tân Hiệp Phát chỉ là một ví dụ khởi đầu trên con đường đất nước đi đến tương lai. Mai đây có thể sẽ còn có những tập đoàn khác, mang theo những chỉ dấu của chaebol kiểu Hàn Quốc hay mafia kinh tế kiểu Phương Tây, lớn lên trên quê hương này cùng những bóng tối trong đêm. Nhưng hôm nay chúng ta lại có thêm một kinh nghiệm: bất luận thế nào con người Việt Nam không thể bị chà đạp mãi, dù chỉ là một cá nhân rất nhỏ nhoi.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/11/2024

My Blog List