TPP và
diễn biến dân chủ hóa Việt Nam
© Đỗ Thái Nhiên
Ngày 12 tháng 11 năm 2015, Văn Phòng Đại Diện Thương Mãi Hoa Kỳ đã
công bố văn bản Hiệp Định TPP (Trans-Pacific Strategic Economic
Partnership Agreement-viết tắt TPP) Hiệp định này hình thành bởi mười hai quốc
gia: Malaysia, Singapore, Brunei, Nhật Bản, Úc, Tân Tây Lan, Chile, Peru, Mexico,
Canada, Việt Nam và Hoa Kỳ. TPP bao gồm 30 chương và những thỏa thuân riêng
giữa các quốc gia trong TPP.
Đây là một hiệp định rất lớn và rất mới của thế kỷ
21. Bài viết này diễn tả mối quan hệ giữa TPP và diễn biến dân chủ hóa Việt Nam
theo bốn tiết mục sau đây:
1) Bản thể của TPP: TPP là gì ?
2) Nhận thức của TPP: TPP ra đời bởi những nhận định nào?
3) Phương pháp luận của TPP: Bằng cách nào con người có thể biến
cam kết TPP
thành hành động cụ thể?
4) TPP và diễn biến dân chủ hóa Việt Nam
A. BẢN THỂ CỦA TPP
Ngày 20 tháng 5, năm 2015, trước đông đảo công nhân tại nhà máy Boeing
thuộc tiểu bang Washington, nhận xét về TPP, ông John Kerry, Ngoại Trưởng Hoa
Kỳ, tuyên bố:
“TPP không phải là thỏa thuận thương mãi kiểu thời ông bà chúng ta.
Nó không phải là hiệp định thương mãi thời cha mẹ chúng ta. Thậm chí cũng không
phải là hiệp định thương mãi thời anh chị chúng ta. Đây là một thực thể mới,
rất mới, và cuối cùng đây là một hiệp định của thế kỷ thứ 21.”
Do đâu TPP có được danh hiệu “Hiệp định của thế kỷ thứ 21” ?
Ngày 24/02/1848 bằng vào “Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản”, Karl Marx
mạnh mẽ xác quyết cá nhân giàu bóc lột cá nhân nghèo là đại họa của loài người.
Năm 1958, học giả Tibor Mende hoàn tất tác phẩm “Entre La Peur Et L’Espoir”
(Paris, Editions du Seuil, 1958. Dịch giả Tam Ích(XXX) “Nên Kinh Sợ Hay Nên Hy
Vọng”, Phủ Quốc Vụ Khanh/ĐTVH xb 1972, Saigon). Tibor Mende là tác giả đầu tiên
nêu bật tư tưởng: Tình trạng chênh lệch trầm trọng về mức sống giữa quốc gia
giàu và quốc gia nghèo mới chính là nỗi lo sợ của thế giới.
Tháng 11, năm 2015, mười hai quốc gia trong TPP đã đồng thuận trên
quan điểm rằng:
Tại quốc gia nghèo:
1) Giá phí tổn sản xuất, nhất là công thợ, rất thấp,
2) Mặt hàng thương mãi nghèo nàn cả về phẩm lẫn lượng,
3) Mãi lực của giới tiêu thụ cực kỳ yếu kém.
Ba yếu tố trọng tâm vừa nêu làm cho giao dịch thương mãi giữa quốc
gia nghèo (đa số) và quốc gia giàu ngày càng khô héo và bế tắc. Muốn cho hàng
hóa lưu thông đều đặn và phong phú trên khắp thế giới, con người cần
phải thâu ngắn khoảng cách về mức sống giữa quốc gia giàu và quốc gia
nghèo. Thâu ngắn ở đây xin được hiểu là toàn cầu hóa, công bằng hóa không chỉ
riêng kinh tế-thương mãi mà còn phải hợp lý hóa toàn bộ đời sống của loài người
trên mọi lãnh vực.
Đó là sử quan, là động lực hối thúc lịch sử chuyển động.
Đó chính là bản thể của TPP.
B. NHẬN THỨC CỦA TPP
Nhận thức của TPP là công việc khảo sát về các mối liên hệ giữa
những suy nghĩ của con người và sự ra đời của TPP. Với chủ đề “Diễn
biến dân chủ hóa Việt Nam”, bài viết này xin giới hạn tiết mục nhận thức của
TPP trong câu hỏi: do những mong muốn gì Hoa Kỳ và CSVN gặp nhau trong TPP?
1) Hoa Kỳ muốn gì? Hoa Kỳ có (4) điều muốn:
a) TPP thương mãi công bằng: Toàn cầu hóa đời sống của thế giới. Thâu ngắn khoảng cách về
mức sống giữa quốc gia nghèo và quốc gia giàu. Từ đó, hàng hóa của Hoa Kỳ cũng
như của các quốc gia thành viên TPP lưu thông dễ dàng và phong phú trên khắp
thế giới. Nâng mức sống của các xã hội tức là nâng đồng bộ đời sống vật chất
(kinh tế) lẫn đời sống tinh thần (nhân quyền). Tinh thần và vật chất là hai mặt
không thể tách rời của một bàn tay. Nâng mức sống như vừa kể chính là đề cao
tính công bằng trong hoạt động thương mãi của xã hội quốc tế. Nhớ rằng công
bằng là thành tố trội yếu của nhân quyền.
b) TPP: tôn trọng nhân quyền là kỹ thuật xây dựng thương mãi thịnh
vượng.
Thực hiện chi tiết và tích cực điều muốn (a) nói ở trên, nhân
quyền sẽ được tôn trọng toàn phần. Nhân quyền không còn là ý niệm của đạo đức chính
trị. Nhân quyền hiển nhiên trở thành công cụ xây dựng guồng máy kinh tế tài
chánh công bằng, thịnh vượng và ổn định. Lúc này nhân quyền là thần dược hóa
giải độc tài và các loại khủng bố chống loài người.
c) TPP là gạch nối chặt chẽ và bền bỉ giữa kinh tế và quốc phòng.
Ở đâu có quyền lợi tài chánh lớn lao, ở đó có lực lượng quốc phòng
hùng hậu nhằm bảo vệ khối tài chánh quan trọng kia. Đó là quan hệ tất yếu giữa
kinh tế và quốc phòng. Người Việt Nam gọi là “đồng tiền liền khúc ruột”. Khúc
ruột là ý chí bảo vệ đồng tiền bằng sức mạnh quốc phòng.
Ông Brad Glosserman, giám đốc Diễn Đàn Thái Bình Dương, một tổ
chức nghiên cứu an ninh ở Hawai, nhận định rằng: “Những gì TPP làm là trói
buộc và nối kết Hoa Kỳ một cách chặt chẽ hơn nữa với các nước trong
khu vực và mối quan hệ quân sự của Hoa Kỳ là nhằm tới mục tiêu làm cho các nước
đồng minh tin chắc là Hoa Kỳ bị ràng buộc với họ, và những địch thủ của Hoa Kỳ
biết chắc là một vụ tấn công nhằm vào các nước đó (thành viên của TPP) sẽ được
coi là một vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ.” (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ
VOA.20.5.2015)
d) TPP là xu thế, là mệnh lệnh của lịch sử loài người.
TPP không hề là một sáng tác tư tưởng của Hoa Kỳ hay của bất kỳ
quốc gia nào. TPP là một khám phá về quy luật sống hằng cửu của loài người trên
địa bàn kinh tế quốc phòng nói riêng, văn minh nhân bản nói chung. Hiện tại,
Trung Quốc là quốc gia hàng đầu vẫn mải mê thực hiện những tác vụ thương mãi
bóc lột. Như vậy TPP mặc nhiên loại bỏ Trung Quốc ra khỏi sân chơi kinh tế tân
kỳ theo đúng xu thế của lịch sử loài người. Đây là tác động loại bỏ hòa bình
nhất, hữu hiệu nhất. Loại bỏ để cải tạo. Cuối cùng, trong tương lai không xa,
vì nhu cầu tồn tại của chính Trung Quốc, Trung Quốc sẽ hoạt động thương
mãi theo đúng luật chơi của TPP.
2) CSVN muốn gì? CSVN có hai điều muốn
a) CSVN muốn mãi mãi bám lấy bang giao Việt Cộng-Trung Cộng để
thực hiện tội ác tham ô bất tận.
Không phải Việt Nam không có khả năng xây dựng một nền kinh tế tự chủ.
Do lòng tham ô và độc ác bất tận, CSVN đã sản sinh ra tại Việt Nam một guồng
máy kinh tế lệ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc: Kinh tế gia công. Chỉ có làm ăn
với Trung Quốc, CSVN mới giàu to qua kiểu dành cho người Tàu độc quyền trúng
thầu theo thủ tục “bì thư chạy dưới gầm bàn”, thủ tục “lại quả”… Kế đó là bán
biển, bán rừng, bán luôn cả đất trên những yếu khu quân sự và bán buôn tất cả
những gì có thể giúp cho Việt Cộng và Trung Cộng béo mập trong hũ gạo Viêt Nam.
b) CSVN muốn vào TPP để hạ cánh an toàn và để được bảo vệ bởi cái
dù quốc phòng của Mỹ.
Tâm lý tham ô và độc ác của CSVN như đã nói ở trên hiện bị đe dọa
bởi hai tình huống:
– Tội ác của CSVN đối với quần chúng Việt Nam cao như núi, lớn như
rừng. CSVN không thể không bị lịch sử trừng phạt.
– Trung Quốc sinh ra và nuôi dưỡng CSVN. Sau 30.4.1975, CSVN theo Liên
Xô, chống lại Trung Quốc. Tháng 2/1979 chiến tranh Việt-Hoa diễn ra. Hận thù
này chỉ được giải trừ chừng nào CSVN chết dưới lưỡi kiếm của Trung Quốc.
Nhằm đương đầu với những tai họa từ Trung Quốc hoặc từ quần chúng Việt
Nam, CSVN một mặt tiếp tục đàn áp thế lực chống đối để kéo dài cuộc tham ô, mặt
khác, chuẩn bị những bước đi cần thiết để vào TPP, tức là để vừa “hạ cánh an toàn”
vừa “thoát Trung” .
Vào TPP, CSVN được tiếng đã giúp Việt Nam thoát Trung, đồng thời,
được bảo vệ bởi cái dù quốc phòng của Mỹ (xin xem 1c, mục B).
C. PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA TPP
1) Bằng cách nào TPP nâng cao mức sống của một xã hội?
Thương mãi công bằng là hoạt động thương mãi trong đó hàng hóa của
các bên giao thương đều được lưu thông dễ dàng, phong phú và ổn
định. Muốn vậy, mức sống của quốc gia nghèo cần phải nâng cao. Số thống kê cho thấy
Việt Nam có 53 triệu công nhân, chiếm 60% tổng dân số. Đây là thành phần chủ
lực của xã hội. Nâng cao mức sống của xã hội tức là nâng cao mức
sống của thành phần chủ lực vừa kể như một động tác kích hoạt bài toán nhân.
Với sự hỗ trợ của TPP, công nhân sẽ kéo mức sống của chính họ và của toàn xã
hội lên cao. Điều này giải thích lý do tại sao TPP gồm 30 chương, chương 19 là
chương dành riêng chỉ để nói về quyền của người lao động. Hai mươi chín (29)
chương còn lại là những chương viết chi tiết về vô số tác vụ kinh tế – thương
mãi công bằng và những tố tụng cần thiết để giải quyết tranh chấp.
2) Làm thế nào để CSVN không thể chỉ thụ hưởng quyền lợi của TPP,
nhưng lại tránh né thực thi nghĩa vụ do TPP qui định?
Hiệp định TPP là thỏa thuận của 12 quốc gia TPP. Thỏa thuận kia
qui định rõ ràng và chi tiết quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi thành viên TPP trong
việc xây dựng, bảo vệ và phát triển một hệ thống thương mãi quốc tế công bằng
và thịnh vượng. Trong trường hợp quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của một hay nhiều
quốc gia thành viên bị vi phạm thì mọi tranh tụng sẽ được phân xử theo “Chương
28: Giải Quyết Tranh Chấp”.
Như vậy, những thỏa thuận trong TPP là luật cam kết
của TPP. Chương 28 là luật tố tụng của TPP. Nhìn về mặt phương pháp pháp lý,
TPP là một sản phẩm của luật pháp quốc tế hoàn hảo trên cả hai địa bàn: cam kết
và tố tụng. Với cấu trúc pháp lý tinh vi và thích nghi như vừa kể của TPP, CSVN
hoàn toàn không có khả năng “ăn bánh, không trả tiền”.
Mặt khác, CSVN vốn nổi tiếng là thủ phạm bất tín hàng đầu trong
những cam kết quốc tế. Nhằm tránh mọi bất tín có thể xảy ra, bên lề TPP, Hoa kỳ
còn thực hiện với CSVN các thỏa thuận riêng như sau:
1) Việt Nam cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập. Công
đoàn độc lập có quyền đình công vì lý do: tiền lương, giờ làm việc, quyền và điều
kiện làm việc.
2) Công đoàn độc lập không bị buộc phải gia nhập Liên đoàn lao
động của chính quyền CSVN.
3) Công đoàn độc lập có quyền liên kết với nhau và có quyền tìm sự
hỗ trợ của các tổ chức lao động quốc tế: American Federation of Labor-Congress
of Industrial Organizations (AFL-CIO)
4) Một ủy ban ba chuyên viên lao động gồm Hoa Kỳ, Việt Nam và
Tổ chức lao động quốc tế. Ủy ban này chuyên trách theo dõi những tuân hành của Việt
Nam về quyền của người lao động.
5) Việt Nam cam kết sửa đổi luật pháp Việt Nam sao cho phù hợp với
luật TPP, nếu xảy ra mâu thuẫn về luật pháp giữa Việt Nam và TPP.
6) Kể từ ngày TPP có hiệu lực, Việt Nam có thời hạn 5 năm để thực
thi nghiêm chỉnh những cam kết về quyền của người lao động. Nếu Việt Nam có dấu
hiệu không nghiêm chỉnh, quá hạn 5 năm vừa kể, Hoa Kỳ sẽ từ chối cung
ứng cho Việt Nam những quyền lợi thương mãi như đã qui định trong TPP.
D. TPP VÀ DIễN BIẾN DÂN CHỦ HÓA ViỆT NAM
Từ bản thể, nhận thức và phương pháp của TPP, chúng ta nhận ra
ngay những tác động sau đây của TPP đối với diễn biến dân chủ hóa Viêt Nam:
1) Từ khi ra đời, CSVN vẫn tự nhận “đảng CS là đảng của giai cấp
công nhân”. Ngày nay sau thất bại của “kinh tế quốc doanh”, thất bại của “kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, dưới áp lực của TPP, CSVN bắt buộc
phải cởi trói cho công nhân. Công nhân ly khai khỏi đảng bằng cách
tự do thành lập và gia nhập công đoàn độc lập. Tự do liên kết với các tổ chức
lao động quốc tế để dành lại trọn vẹn quyền sống và quyền làm việc của người
lao động. Thái độ “dành lại” vừa kể là sự mặc nhiên xác nhận: kiểu tự xưng
“đảng CS là đảng của giai cấp công nhân” là một tiếm danh, một phi chính danh,
phi chính nghĩa.
2) Mục tiêu hàng đầu của TPP là nâng mức sống của xã hội Việt Nam
lên cao. Mức sống của xã hội không thể nâng cao nếu xã hội đó đang bị nhận chìm
trong tham nhũng. Muốn vậy TPP phải mạnh mẽ triệt tiêu tham nhũng, triệt tiêu
mọi cơ hội phát triển của những nhóm lợi ích (ký sinh của CSVN). Từ đó quyền
lực tài chánh của CSVN suy yếu kéo theo suy yếu quyền lực chính trị.
3) Về tự do kinh doanh, TPP đòi hỏi tư doanh phải được nhanh chóng
nâng lên ngang tầm với doanh nghiệp nhà nước. Thế lực tài chánh của tư nhân lên
cao, ngoài sự chi phối của CSVN, là cơ hội để tư nhân củng cố uy thế chính trị.
Trong hoàn cảnh này, xã hội dân sự được vững vàng phát triển theo đúng nhu cầu
vận hành của quốc gia.
4) Mức sống của công nhân Mỹ và công nhân Việt Nam có chênh lệch
quá xa. Điều này làm cho giao dịch thương mãi giữa Mỹ và Việt Nam trở nên không
công bằng. Do vậy các tổ chức lao động Mỹ, vì quyền lợi của công nhân Hoa Kỳ,
sẽ vận dụng toàn lực trong việc hỗ trợ công nhân Việt Nam đòi hỏi CSVN nhanh
chóng và tích cực thực hiện thỏa thuận TPP. Sự hợp tác giữa công đoàn độc lập
Việt Nam và các nghiệp đoàn lao động Mỹ sẽ là một lực đẩy cực mạnh giúp đời
sống của công nhân Việt Nam được tiến gần với mức sống của công nhân Mỹ cả về
kinh tế lẫn quyền làm công nhân, quyền làm người. Lực đẩy này còn là đôi tay
bằng thép trong việc mở rộng cánh cửa dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.
5) Mười hai (12) quốc gia trong TPP cùng cam kết sẽ xây dựng và
phát triển một hệ thống thương mãi công bằng và thịnh vượng. Điều này có nghĩa
là mỗi thành viên TPP phải là một xã hội công bằng và có mức sống ngang
tầm với các quốc gia đồng ước. Xã hội công bằng không là gì khác hơn là xã hội
thượng tôn nhân quyền. Nhân quyền là quả tim của dân chủ. Việt Nam thực thi
trọn vẹn TPP, Việt Nam phải là xã hội dân chủ nhân quyền.
Năm nhận định trình bày ở trên là năm thao tác tuyệt đối hòa bình
có công dụng tháo gỡ một cách từ từ và nhẹ nhàng mọi nanh vuốt của chế độ độc
tài – tham ô Hà Nội. Dân chủ nhân quyền là hệ quả tất yếu của TPP. CSVN có thừa
khôn ngoan để nhận ra kịch bản “diễn biến hòa bình” nằm bên trong hiệp định
TPP. Tuy nhiên, giữa hai ngả đường, hoặc: chết dưới lưỡi kiếm của Trung Quốc về
tội “phản Trung 1979”, hoặc “thoát Trung” qua cửa ngõ TPP, CSVN không thể không
chọn TPP.
© Đỗ Thái Nhiên
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.