Công
lý 'Con ruồi Tân Hiệp Phát'
Luật sư Hà Nguyễn
VOA tiếng Việt
Thứ ba, 05/01/2016
Chiều 18/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã kết án anh Võ Văn Minh 7 năm tù về “Tội cưỡng đoạt tài sản” (Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản) quy định tại Điều 135 Bộ Luật hình sự. Theo Tòa án vụ án diễn biến như sau.
Ngày 03/12/2014, Võ Văn Minh khi bán hàng ăn phát hiện có con ruồi trong một chai Number 1, sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát. Hai ngày sau, Minh gọi điện cho Tân Hiệp Phát và yêu cầu công ty này đưa cho Minh 1 tỷ đồng để đổi lấy chai Number 1 chứa ruồi và việc Minh không khiếu kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, không đăng trên báo chí thông tin về chai Number 1 chứa ruồi và không in 5000 tở rơi có cùng thông tin. Tân Hiệp Phát đã ba lần cử nhân viên của mình đến gặp Minh để nói rõ “chủ trương của Công ty không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm có lỗi” và đề xuất tặng Minh một số sản phẩm của Công ty thay lời cảm ơn và xin nhận lại chai Number 1 chứa ruồi. Minh vẫn yêu cầu Tân Hiệp Phát giao tiền nhưng giảm số tiền từ 1 tỷ đồng xuống 600 triệu đồng và cuối cùng 500 triệu đồng. Ngày 23/1/2015 Tân Hiệp Phát đã tố cáo Minh với công an tỉnh Tiền Giang. Ngày 27/1/2015, Tân Hiệp Phát giao 500 triệu đồng cho Minh và khi Minh nhận tiền của công ty này thì bị công an tỉnh Tiền Giang “bắt quả tang”!
Có luật sư cho rằng anh Minh không phạm tội vì “công ty không phải là người” nên không thể có chuyện Tân Hiệp Phát bị uy hiếp tinh thần. Thế nhưng người viết bài này khẳng định “công ty là người”.
Thực vậy, công ty là “pháp nhân” hay “người pháp lý” (dịch từ tiếng Anh “legal person” dùng để chỉ công ty nói riêng, tổ chức nói chung) vì thỏa mãn các điều kiện của pháp nhân được quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự (Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi: 1. Được thành lập hợp pháp; 2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập). Cũng cần nói thêm rằng “pháp nhân” tương phản với “thể nhân” (dịch từ tiếng Anh “physical person”) để chỉ “người bằng xương bằng thịt”
Vả lại, nếu cho rằng tổ chức nói chung, công ty nói riêng, không phải là “người” thì không lẽ pháp luật bó tay trước tổ chức nào đó đe dọa cá nhân hay tổ chức khác nhằm lấy tài sản của họ?
Do đó, để xác định anh Minh vô tội thì trước hết phải chứng minh được Tân Hiệp Phát không ở trong tình trạng bị uy hiếp tinh thần khi đưa 500 triệu đồng cho anh Minh để đổi lấy chai Number 1 chứa ruồi cùng việc anh Minh giữ kín thông tin này.
Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại phiên tòa, Tổng giám đốc Trần Ngọc Bích trình bày: “Trước những hành vi đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp của anh Minh, chúng tôi buộc phải nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp, xử lý” và nói rõ là bà gửi đơn tố cáo đến công an vào ngày 23/1/2015, tức 4 ngày trước khi đưa tiền cho anh Minh dẫn đến việc anh Minh bị bắt. Trước đó, bà Trần Uyên Phương, phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cũng đã thừa nhận: “Khi nhận thấy sự việc có thể đi quá xa và mục đích của anh Minh sẽ là gây tổn hại đến uy tín của Tân Hiệp Phát nên chúng tôi buộc lòng phải báo cơ quan chức năng can thiệp. Và sau đó mọi việc đi theo tiến trình của pháp luật”. Ngay Hội đồng xét xử cũng khẳng định: “Cty Tân Hiệp Phát lo sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín nên phải tố giác tội phạm”.
Lẽ đương nhiên sau khi tố cáo anh Minh với công an, Tân Hiệp Phát “nhất cử nhất động” trong liên hệ với anh Minh phải làm theo chỉ đạo của công an. Điều này có nghĩa việc Tân Hiệp Phát đưa tiền cũng như lập biên bản giao tiền cho anh Minh dẫn tới việc công an “bắt quả tang” anh Minh “cưỡng đoạt tài sản” của công ty này là do công an dàn dựng. Chính công an tỉnh Tiền Giang đã thừa nhận sự thật này khi tuyên bố với báo chí rằng sau khi nhận được tin báo của Tân Hiệp Phát, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) đã chỉ đạo lực lượng Trinh sát tiến hành xác minh và “áp dụng biện pháp nghiệp vụ với Võ Văn Minh”.
Việc điều tra viên Trần Trí Tâm là người nhận đơn tố cáo của Tân Hiệp Phát (ngày 23/1/2015) lại chính là người “bắt quả tang” anh Minh nhận tiền của Tân Hiệp Phát (27/1/2015) và tiếp đó được phân công làm điều tra viên chính vụ anh Minh “cưỡng đoạt tài sản” của Tân Hiệp Phát (ngày 4/2/2015) cũng như việc cơ quan điều tra cho người bảo vệ quyền lợi của Tân Hiệp Phát là Luật sư Nguyễn Minh Hoàng tham gia hỏi cung anh Minh – hành vi xâm phạm trắng trợn Luật tố tụng hình sự vì Luật này không cho phép luật sư của nguyên đơn tham dự hỏi cung, chứ đừng nói trực tiếp hỏi cung bị can – càng cho thấy việc anh Minh bị bắt hoàn toàn không phải tình cờ mà là kết quả của việc anh bị “sập bẫy” do công an gài.
Như vậy, Tân Hiệp Phát một khi đã tố cáo anh Minh với công an và hơn thế nữa, tích cực tham gia đưa anh Minh vào “bẫy” do công an gài thì rõ ràng công ty này rất có ý thức về việc chai Number 1 chứa ruồi mà anh Minh đang nắm giữ trước sau cũng sẽ được công luận biết, sớm thì do chính công an thông tin, muộn thì qua xét xử tại tòa, tức công ty này không hề lo sợ thương hiệu, uy tín của mình vì thế bị ảnh hưởng. Trên thực tế, ngay chiều ngày 5/2/2015, tức chỉ 6 ngày sau bắt anh Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thông tin cho báo chí về bắt tạm giam anh Minh để làm rõ hành vi “cưỡng đoạt tài sản” Tân Hiệp Phát của anh Minh.
Tóm lại, Tân Hiệp Phát tố cáo anh Minh với công an là nhằm “trừng trị” anh này đã “dám” đòi công ty này nhiều tiền chuộc chứ không hề do lo sợ thương hiệu, uy tín của mình sẽ bị ảnh hưởng, đồng nghĩa không có việc công ty này bị anh Minh “uy hiếp tinh thần” khi đưa tiền cho anh Minh. Mà Tân Hiệp Phát đã không bị anh Minh “uy hiếp tinh thần” thì việc anh Minh nhận tiền từ Tân Hiệp Phát đương nhiên không cấu thành “Tội cưỡng đoạt tài sản”.
Không chỉ thế - người viết bài này khẳng định - ngay cả trong trường hợp Tân Hiệp Phát không báo công an về hành vi của anh Minh mà vẫn đưa 500 triệu đồng cho anh Minh để đổi lấy chai Number 1 chứa ruồi cùng sự im lặng của anh Minh thì hành vi của anh Minh cũng không phải là “cưỡng đoạt tài sản”.
Điều 25 Bộ Luật dân sự bảo vệ quyền nhân thân (bí mật đời tư, hình ảnh cá nhân…). Do đó, đòi người khác đưa tiền hay tài sản khác để đổi lấy việc không công bố thông tin về nhân thân của cá nhân đó đương nhiên là trái luật pháp và do đó cấu thành hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Ngược lại, pháp luật không cấm công bố thông tin về tổ chức, tức có hoạt động liên quan đến cuộc sống của cộng đồng, của xã hội, trừ thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước. Do đó thương lượng về việc một tổ chức đưa tiền hoặc tài sản khác để đổi lấy việc không công bố thông tin có thật nhưng bất lợi (không mang tính tội phạm) cho tổ chức đó là hoàn toàn hợp pháp. Lẽ dĩ nhiên, tổ chức đó không buộc mua lại thông tin. Trong trường hợp đồng ý mua lại thông tin, tổ chức đó có thể thương lượng về giá với người nắm giữ thông tin. Nói cách khác, một khi pháp luật thừa nhận quyền thương lượng giữa các đương sự thì không thể có yếu tố hình sự trong đó.
Vậy “thương lượng” có được áp dụng cho anh Minh và Tân Hiệp Phát?
Trước hết theo Khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức) thì anh Minh là người tiêu dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Điều luật này cho thấy Viện kiểm sát khi nói “anh Minh chỉ là người mua chai Number 1 rồi bán lại nên không phải là người tiêu dùng và vì vậy không chịu điều chỉnh bởi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” không chỉ là nói bừa mà còn là “gậy ông đập lưng ông”!
Vẫn Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 31 quy định: “1/ Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm; 2/ Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu”.
Như vậy anh Minh với tư cách người tiêu dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát hoàn toàn có quyền thương lượng với công ty này về việc công ty này mua lại chai Number 1 chứa ruồi cũng như sự im lặng của anh Minh về sản phẩm này. Tóm lại, hành vi của anh Minh là hoàn toàn hợp pháp. Mà đã là hợp pháp thì kể cả anh Minh đòi Tân Hiệp Phát số tiền lớn hơn 500 triệu đồng bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là “thuận mua, vừa bán”, là hành vi dân sự. Trên thực tế, Tân Hiệp Phát đã thương lượng với anh Minh cả thảy ba lần.
Kết luận lại, việc bắt giam và rồi kết án tù anh Minh về “Tội cưỡng đoạt tài sản” là hoàn toàn trái pháp luật không chỉ vì Tân Hiệp Phát khi đưa tiền cho anh Minh không hề trong tình trạng “tinh thần bị uy hiếp” mà nhất là vì anh Minh đưa ra yêu cầu tiền nong với Tân Hiệp Phát chỉ là thực hiện quyền thương lượng của người tiêu dùng được pháp luật công nhận. Tình tiết sau đây của phiên tòa càng chứng tỏ anh Minh đã bị bắt và bỏ tù oan.
Khi được Hội đồng xét xử hỏi liệu công ty có bị ảnh hưởng sau khi vụ việc được nêu trên báo chí, tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Ngọc Bích cho biết doanh số giảm sút, thiệt hại có thể lên tới vài ngàn tỷ đồng do người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của công ty này. Trả lời tiếp câu hỏi “Vậy công ty có yêu cầu bồi thường không?” của Hội đồng xét xử, bà Bích nói rằng công ty thiệt hại rất lớn nhưng anh Minh cũng gánh chịu hậu quả nặng nề nên công ty không yêu cầu bồi thường và xin xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo.
Như vậy Tân Hiệp Phát cũng như Hội đồng xét xử khẳng định anh Minh đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho Tân Hiệp Phát. Thế nhưng cả Tân Hiệp Phát lẫn Hội đồng xét xử đều biết rất rõ rằng thông tin về sản phẩm Number 1 chứa ruồi của Tân Hiệp Phát đăng trên báo chí là do Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Tiền Giang và tiếp đó do chính Tân Hiệp Phát bằng “Thông báo chính thức về vụ việc con ruồi” rồi Viện kiểm sát và cuối cùng Tòa án tỉnh Tiền Giang cung cấp, nhất là trong bối cảnh anh Minh đã bị bắt giam. Do đó việc Tân Hiệp Phát không yêu cầu anh Minh bồi thường thiệt hại cũng như Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm này của Tân Hiệp Phát không gì khác hơn là “gắp lửa bỏ tay người”, quyết vẽ nên một Võ Văn Minh “tội phạm” cho bằng được!
Điều đáng lưu ý là chỉ tính từ 2009 đến nay đã có hàng chục sự cố được báo chí đưa tin liên quan đến sản phẩm Tân Hiệp Phát không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng (chứa ruồi, dán, lông và các dị vật khác, đóng cợn, nguyên liệu quá hạn sử dụng…) và đây cũng không phải là lần đầu tiên Tân Hiệp Phát báo công an bắt người đòi tiền chuộc sản phẩm không đảm bảo vệ sinh của công ty này để rồi ít nhất có 2 người trong số đó đã bị kết án tù về cùng “Tội cưỡng đoạt tài sản” như anh Minh.
Để khắc phục công lý đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang bóp méo một cách nghiêm trọng trong vụ “con ruồi Tân Hiệp Phát” dẫn đến anh Võ Văn Minh bị tù oan, có ba điều tối thiểu sau đây Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao cần phải làm.
Một là, trả tự do ngay lập tức cho anh Võ Văn Minh do anh Minh không phạm “Tội cướng đoạt tài sản” đồng thời xin lỗi và bồi thường cho anh Minh do anh Minh đã bị bắt giam và bỏ tù trái pháp luật cũng như đề nghị tòa án có thẩm quyền hủy án tù và xin lỗi, bồi thường cho tất cả những người bị kết án tù do bị công an phối hợp với Tân Hiệp Phát “gài bẫy” tương tự như anh Minh.
Hai là, truy cứu các cá nhân tại Công an và Viện kiểm sát tỉnh Tiền Giang về “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” quy định tại Điều 293 Bộ Luật hình sự do đã bắt giam và truy tố anh Võ Văn Minh.
Ba là, truy cứu Hội đồng xét xử Tòa án tỉnh Tiền Giang về “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự do đã kết án tù trái pháp luật anh Võ Văn Minh.
Về phía Tân Hiệp Phát mà đại diện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Quí Thanh và Tổng giám đốc Trần Ngọc Bích, dù chưa phải hầu tòa do là đồng phạm với công an trong việc “hình sự hóa” tất cả những ai thực hiện quyền thương lượng về bồi thường sản phẩm độc hại của công ty thì ngay từ bây giờ đã nhận được “bản án” nghiêm khắc nhất, tương xứng với hành xử bất chấp tính mạng, sức khỏe cộng đồng, theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” của Tân Hiệp Phát khi mọi sản phẩm của công ty này bị người tiêu dùng Việt Nam đồng loạt quay lưng.
Bóng tối của đêm
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
2016-01-05
2016-01-05
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Một nhân viên bán hàng
cho hãng CocaCola đang giao nước giải khát cho các đại lý ở Saigon. Ảnh minh
họa.
AFP photo
Anh bạn có cái quán nước nho nhỏ ở tít vùng ngoại ô Sài Gòn, mới đây
kể rằng có khách ghé vào, vừa kéo ghế ngồi vừa kêu nước “cho cái gì uống đi,
cái gì cũng được miễn không phải là đồ của Tân Hiệp Phát”.
Ở cái quán bé tẹo ấy, chưa có đến 5 cái bàn, khoảng hai tuần nay
đã tiếp nhận loại thông điệp xã hội dân sự ấy không phải một lần rồi thôi. Đi
xa hơn nữa, cũng có những người bán hàng đã bị lời nhắc của khách hàng làm thức
tỉnh, về một dòng chảy đang lớn dần, trong việc không nên dùng sản phẩm của Tân
Hiệp Phát. Thái độ từ chối của người dân ngày càng rộng không phải vì tin tức
các loại nước của công ty này bị cặn, bị lỗi, mà rõ là một cách bày tỏ rất
quyết liệt: Không muốn chung sống cùng một xã hội với loại thương hiệu với cách
ứng xử khuất tất.
Trong lịch sử Việt Nam từ hơn 40 năm nay, người Việt chỉ chứng
kiến hai lần phong trào tẩy chay hàng hoá ở mức độ toàn quốc. Đó là cuộc tẩy chay
hàng bột ngọt Vedan bởi nhà máy của công ty này làm ô nhiễm sông Thị Vải, Đồng
Nai, vào năm 2010. Lúc đó, sự nổi giận của đám đông vì số phận của một con
sông. Còn lần thứ hai này, người ta chứng kiến phong trào kêu gọi tẩy chay toàn
dân với một thương hiệu, bùng phát từ cách chà đạp số phận của một con người.
Xét về ý thức công dân và thái độ trách nhiệm xã hội, rõ ràng có
một bước tiến lớn trong cái nhìn của đám đông. Sự kiện Vedan bắt nguồn từ các
bài báo điều tra và mọi người dễ dàng cùng chung một trận tuyến đối diện với
Vedan – mà sai lầm của công ty đã thấy rõ. Còn với sự kiện con ruồi của
sản phẩm Tân Hiệp Phát, rõ ràng là người dân ngày càng tinh tế hơn, thấu đáo
hơn, bất chấp sự kiện được công ty dàn ra bằng cái vỏ bọc án hình sự và một mặt
trận bồi bút tìm mọi cách nói ngược nói xuôi theo chiều của đồng tiền xoay,
khiến từng không ít người phân vân.
Chống lại những kẻ to lớn hơn mình và nhiều tiền của, luôn là đề
tài muôn thuở của của thế gian – như một sự thách thức sự thật và lẽ phải – mà
kết quả không phải lúc nào cũng có hậu. Ngay cả cách thể hiện quyền lực muốn
nhấn chìm người mua hàng trong sự kiêu ngạo và tàn nhẫn của Tân Hiệp Phát, vẫn
có những luật sư, bồi bút lên giọng bảo vệ kẻ ác trước những người từng phát
hiện sản phẩm hư hỏng của công ty này. Có ít nhất 3 khách hàng của Tân Hiệp
Phát đã lao đao, chết đứng chết ngồi trước anh Võ Văn Minh (một người ở Đồng
Nai và 2 người ở Tp.HCM), với cùng một thủ thuật. Từ năm 2011, công lý đã
chìm ngập trong màu nước ngọt có ruồi, cho đến khi tin tức về các nạn nhân lan
trên các trang mạng xã hội.
Không may mắn như Vedan, sự kiện Tân Hiệp Phát bẫy người tiêu dùng
phát hiện sản phẩm lỗi của mình, được ghi lại khá chi tiết trên Wikipedia, bách
khoa toàn thư điện tử với đủ các chi tiết, bao gồm phương thức giải quyết khủng
hoảng qua cách đổi tên công ty thành Number One. Lưu danh muôn đời.
“Giờ thì còn tệ hơn, công ty này nói phạt những nơi mua hàng của
họ, phát hiện sản phẩm lỗi, lấy lý do là các nơi ấy bảo quản sản phẩm của họ không
đúng”, anh bạn có cái quán nhỏ tẹo ấy nói, “thôi giã từ luôn cho khỏi phiền”.
Chắc rồi Wikipedia sẽ có thêm tình tiết độc đáo này cho thương hiệu nước giải
khát cung đình hoá học ấy, bởi việc tự rửa mặt, bằng cách gây hấn với khách
hàng và người phân phối cho mình. Câu chuyện này minh chứng rõ một điều: rõ
ràng khi có nhiều tiền, không có nghĩa là kèm thêm trí thông minh.
Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở đây, là một công ty có lối giải quyết khủng
hoảng vừa quái gở, vừa ngu ngốc như vậy, sao lại được ủng hộ tuyệt đối dù mắc
sai lầm từ nhiều năm nay bởi báo chí, thậm chí bởi các quan chức hớn hở ra mặt,
cùng nhịp bước đều?
Cây bút điều tra Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, mới đây có nhắc về
một bài báo cũ, liên quan chuyện công ty Tân Hiệp Phát nhập hàng chục tấn “hoá
chất cung đình” quá hạn từ năm 2009, nhưng rồi sau đó mọi thứ chìm dần một cách
bí hiểm. Thậm chí một cán bộ C15, tức C46 (Cục CSĐT về quản lý kinh tế và chức
vụ thuộc Bộ Công An) đang theo sát vụ này đã “được” chuyển công tác về Cục
phòng chống ma tuý.
Một cây viết điều tra khác, từng làm cho một tờ báo điện tử lớn,
kể rằng anh cũng từng đưa bài nói về khuất tất của Tân Hiệp Phát vào năm 2009,
có kèm cả tư liệu của công an C49 (Cục cảnh sát môi trường), thế nhưng những
người lãnh đạo bỏ bài viết ấy, sau khi nhận lời mời một chuyến tham quan “hữu
nghị” công ty Tân Hiệp Phát. Tất cả những gì cần cảnh báo cho người dân Việt,
cuối cùng đã được thay bằng tuyên bố vui vẻ của một lãnh đạo tờ báo sau khi
tham quan đi về “nhà máy to lắm, phải đi bằng ô tô mới hết”.
Thấy được sự âm u của đêm là một chuyện, nhưng thấy được cả bóng
tối của đêm thì không dễ. Con ruồi và bẫy rập thì không khó nhìn thấy, nhưng trong
bóng tối của đêm, làm sao để thấy ai đã giao tặng cho luật sư Tân Hiệp Phát
biên bản điều tra của công an với anh Võ Văn Minh, mà điều ấy là bất hợp pháp?
Làm sao nhìn xuyên được qua bóng tối của đêm để hiểu được vì sao có những bài
báo lên giọng nói tẩy chay không uống nước cung đình hoá học ấy là ngu dại! Bóng
tối nào của đêm đủ sức nuôi dưỡng loại luật sư văng tục, tuyên bố trên trang
mạnh cá nhân của mình rằng hàng triệu người Việt Nam có thể sẽ ngồi tù vì dám
hưởng ứng phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát?
Ngay nơi này, trên đất nước này, sự thật và lẽ phải mỗi ngày đang
bị thách thức không ngừng. Không chỉ có đêm tối đang phủ vây công lý và con người
Việt Nam, mà chập chùng bóng tối sau đêm cũng đang chực chờ dùng thế và lực của
mình để sẵn sàng xoá nhòa mọi ý nghĩa của lương tâm và lẽ phải.
Trên tờ Huffington Post, số tháng 11/2015, có ghi lại một bài nói chuyện
của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Khi nhìn thấy rất nhiều người khóc và cầu nguyện
sau vụ khủng bố tại Ba Lê, Pháp, ông đã nói rằng “con người không thể chỉ cầu
nguyện để thoát khỏi kẻ ác”. Người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng từng đoạt
giải Nobel Hoà Bình năm 1989 nhấn mạnh rằng “khủng bố – cái ác do chính con
người tạo ra, vậy thì hãy hành động chứ cầu nguyện thì không đủ. Tự con người
phải tìm cách giải quyết nó chứ không thể đòi hỏi Thượng đế can thiệp”.
Tân Hiệp Phát lớn lên trên đất Việt, được nuôi lớn bằng sức mạnh
tiêu thụ của người dân Việt. Nếu nơi đó không thể đồng hành cùng đồng bào mình
phát triển bình ái, mà âm mưu dựa dẫm vào bóng tối của thế lực và tiền của để
chà đạp con người, thì chúng ta – những cá nhân nhỏ bé – sẽ phải cùng đứng lại
để đòi hỏi một kết cục khác. Chúng ta không thể mong chờ một ai khác.
Tân Hiệp Phát chỉ là một ví dụ khởi đầu trên con đường đất nước đi
đến tương lai. Mai đây có thể sẽ còn có những tập đoàn khác, mang theo những
chỉ dấu của chaebol kiểu Hàn Quốc hay mafia kinh tế kiểu Phương Tây, lớn lên
trên quê hương này cùng những bóng tối trong đêm. Nhưng hôm nay chúng ta lại có
thêm một kinh nghiệm: bất luận thế nào con người Việt Nam không thể bị chà đạp
mãi, dù chỉ là một cá nhân rất nhỏ nhoi.
*Nội
dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.