40
Năm vươn lên từ nước mắt
29.04.2015, WESTMINSTER (NV) – Đó là tựa đề bộ phim do Trần Nhật Phong,
một ký giả ở miền Nam California, tổng hợp và thực hiện. Phim do ABNC LLC sản
xuất và được trình chiếu trên các hệ thống truyền thông của người Việt hải ngoại.
Bấm vào để xem phim
Bộ phim dài hơn 95 phút ghi lại hành trình 40 năm của cộng đồng người
Viêt hải ngoại, vươn lên từ nước mắt, vươn lên từ khổ đau, vươn lên từ mất mát.
40 năm trước họ rời Việt Nam bằng hay bàn tay trắng, và rồi 40 năm
sau vươn lên bằng chính khát vọng của mình.
Từ những bãi đất trống, vườn dâu, vườn cam bãi rác, họ xây dựng
thành những khu thương mại sầm uất, những ngôi chùa nguy nga, những nhà thờ tráng
lệ.
40 năm hình thành một xã hội cộng đồng trong xã hội rộng lớn của Hoa
kỳ, họ vẫn không ngừng tranh đấu, không ngừng làm việc, để thế hệ sau có thể hãnh
diện rằng, ông cha họ đã có công xây dựng mảnh đất ly hương trở thành vùng đất
hứa, vùng đất mà họ khẳng định là "quê hương". (KN)
#40 NĂM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC NHƯNG KHÔNG THỐNG NHẤT ĐƯỢC LÒNG
DÂN....
Đã 40 năm ăn mừng là quá đủ rồi. Chúng ta đâu phải thắng Tây, thắng
Tàu đâu mà đã 40 năm đã qua, chúng ta vẫn nổi mãi hồi kèn lạc điệu để tự ca
ngợi cái chiến công xưa cũ khi thắng người anh em phía bên kia trận tuyến.
Mà Than ôi! Đó lại là những người anh em đồng bào máu đỏ da vàng của
mình. Đó cũng là người Việt Nam, nói tiếng Việt và cùng lớn lên trong tiếng hời
ru, điệu hò tiếng hát của ông bà tổ tiên chung với chúng ta.
Và họ chiến đấu cũng giống như chúng ta chỉ để bảo vệ mảnh đất hình
chữ S này giống như chúng ta. Nếu có một người thắng cuộc thì cũng có một người
thua cuộc.
Một người hò reo thắng lợi thì một người nghiến răng căm hận. Một
người nâng ly mừng thì một người lặng lẽ rơi nước mắt...
40 năm là gần một đời người và đó là khoảng thời gian mà hận thù với
người anh em bên kia trận tuyến phải quên đi. Phải quên đi để hòa giải, và chỉ
có quên đi thì mới có hòa hợp dân tộc.
Đó là thời gian mà tiếng reo hò chiến thắng phải nhạt dần nhường chỗ
cho tiếng khóc than thua thiệt bởi lẽ qui luật muôn đời là tiếng hò reo mừng chiến
thắng chỉ có giới hạn nhưng nỗi đau buồn là vĩnh viễn.
Đó là khoảng thời gian đủ để một nửa dân tộc phải thấy là lố bịch
vô cảm khi mừng vui trước một nửa kia buồn tủi nghiến răng khóc hận.
Và đất nước ta mãi mãi có một người mừng chiến thắng thì mãi mãi sẽ
một người thân như cha, mẹ, vợ con ông bà phải tủi hổ, rồi những đứa con, cháu
chắt ta sẽ mãi mãi có kẻ thắng người thua ngay chỉ trong một gia đình. Đất nước
cứ chia rẽ Quốc Lễ với Quốc Hận đến muôn đời sao...
Giờ đây thì thắng thua còn ý nghĩa gì nữa khi đã 40 năm qua thì đất
nước vẫn là nghèo, khi nỗi mừng chiến thắng đã cạn nhưng nỗi đau thì vẫn còn nguyên
vẹn và không ngừng rỉ máu. Diễu binh, bắn pháo hoa ăn mừng chiến thắng mãi thì
có hòa giải và có hợp lòng toàn dân tộc Việt Nam bất kể chính kiến không...
Thống nhất đất nước mà không thống nhất lòng dân thì có gì để đáng
tự hào mãi. Chúng ta chẳng được gì hết khi giờ này còn tổ chức mừng vui lễ hội,
để cho một nửa dân tộc mừng vui vì đã xát muối vào lòng một nửa dân tộc còn lại
như đã làm suốt 40 năm qua.
Chúng ta biết hòa hợp hòa giải dân tộc là mệnh lệnh của thời đại,
chậm ngày nào là tụt hậu ngày ấy.
Vậy chúng ta mong chi điều thiêng liêng ấy khi cứ đến ngày này lại
ăn mừng vào chiến công xưa như một kẻ chỉ biết ăn mày vào quá khứ, giống như con
thằn lằn ăn đuôi để sống….
FB Nhà văn Mai Tú Ân
40 Năm Nhìn lại Công Cuộc Đấu Tranh Cho Tự Do, Dân Chủ Việt Nam
Đặng Vũ Chấn
Cùng tác giả:
- Ai đứng sau các vụ bạo động nhân danh công nhân
chống Tàu?
- Thấy gì từ hai cú lừa đầu năm
- Anh em ông Đoàn Văn Vươn có giết người và coi
thường luật pháp không?
Có thể nói trong suốt 40 năm qua kể từ khi VNCH thất thủ vào ngày
30-4-75, công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ đã khởi đi từ ngày đó, và không
hề ngưng nghỉ đứt đoạn, dù có lúc thăng lúc trầm. Nhìn lại tiến trình đấu tranh
trong suốt thời gian này, ta có thể chia ra làm ba thời kỳ:
1/ Từ 1975 đến 1989: Thời kỳ kháng cự với ý chí phục quốc.
2/ Từ 1990 đến 2005: Đấu tranh chính trị áp lực từ bên ngoài vào,
bên trong nhen nhúm lên và mở ra sự liên kết trong ngoài.
3/ Từ 2006 đến nay: Trong ngoài đồng hành cùng công khai đấu tranh
bất bạo động với sự đâm chồi của xã hội dân sự.
Bài này xin tổng lược tiến trình đấu tranh qua các thời kỳ trên.
Thời Kỳ 1975-1989: Kháng Cự Quật Cường
Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam vào tháng tư 1975, CSVN đã thống nhất
toàn thể đất nước dưới một chế độ khắt khe toàn trị. Dưới chế độ như thế, những
ai không cam chịu bị khuất phục chỉ có một trong hai con đường để chọn: hoặc
tìm cách vượt thoát tìm tự do, hoặc tìm cách chiến đấu để từ kháng cự để sống
còn, rồi tiến lên phục quốc giải phóng đất nước khỏi gông cùm CS.
Cho nên đây là thời kỳ mà những cuộc vượt biên vượt biển của người
Việt đã thành một cao trào đánh động lòng cảm phục và thương cảm của thế giới
tự do và đồng thời trở thành vấn nạn của thế giới, khi các quốc gia đệ tam phải
tìm cách giải quyết làn sóng tỵ nạn.
Có thể nói trước đó chưa có một xứ nào đang bị CS thống trị lại
xẩy ra hiện tượng vượt biển hàng loạt như nước Việt, với những con thuyền mong
manh quá tải, bất chấp hiểm nguy giông bão, hải tặc cướp hiếp, gây ấn tượng
mạnh mẽ trên dư luận truyền thông quốc tế.
Dù hình ảnh có vẻ tiêu cực, là một phong trào trốn chạy khỏi CS,
nhưng thực chất đây cũng là một hình thức kháng cự, biểu lộ trước dư luận quốc
tế sự quyết tâm dũng cảm không chấp nhận CS, phá đi cái hình ảnh mà CSVN ra sức
tuyên truyền rằng họ chiến thắng vì là bên chính nghĩa được toàn dân tin tưởng
để giải phóng dân tộc.
Nhưng đa số đồng bào ở lại cũng không phải hoàn toàn chịu khuất
phục. Nhiều người dân trong nước đã thể hiện tinh thần kháng cự bằng cách kín
đáo bất hợp tác với và thậm chí phá hỏng tiến trình đi lên XHCN, như làm thịt
trâu bò để khỏi xung vào hợp tác xã, làm việc cầm chừng lấy lệ cho những chỉ
tiêu báo cáo đạt được chỉ là báo cáo láo, trốn thuế, câu điện chùa để khỏi trả
tiền cho nhà nước, mánh mung hủ hoá cán bộ VC v.v...
Song song đó, có những hình thái kháng cự tích cực hơn. Ngay sau
khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, không phải toàn bộ quân lực
VNCH rã đám. Có những toán quân nhỏ không chấp nhận buông súng đã rút vào rừng
lẩn tránh thành lập những ổ kháng cự, để tìm cách sống còn, kháng chiến phục
quốc.
Những ổ kháng cự này là những hạt nhân đầu tiên tạo sự nối kết các
thành phần quân dân cán chính và tu sĩ tôn giáo không chấp nhận đầu hàng CS. Từ
đó nhiều lực lượng kháng cự ra đời rải rác tại nhiều nơi trong Nam như Lực
Lượng Liên Tôn, Mặt Trận Kháng Chiến Miền Tây, Lực Lượng Kháng Chiến Tả Ngạn
Cửu Long Giang, Lực Lượng Phục Quốc Đồng Bò, Lực Lượng Kháng Chiến Vùng Thất
Sơn, Lực Lượng Thanh Long v.v...
Cùng lúc đó tại Hải Ngoại, nhiều tổ chức tìm cách đưa người về lại
trong nước để kháng chiến như Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải
Phóng VN của các ông Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh,Trần Văn Bá, Chí Nguyện Đoàn Hải
Ngoại Phục Quốc của ông Võ Đại Tôn, Phục Hưng, Người Việt Tự Do, Lực Lượng Quân
Dân Hải Ngoại, 3 tổ chức sau này là tiền thân kết hợp nên Mặt Trận Quốc Gia
Thống Nhất Giải Phóng VN do đô đốc Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, quy tụ được nhiều
lực lượng kháng cự ở trong nước.
Có thể nói khi mà CSVN hoàn toàn kiểm soát được mọi mặt của xã
hội, và cai trị một cách khắc nghiệt trong khung cảnh của chiến tranh lạnh, mọi
hình thức đối kháng đối đầu đều là những đấu tranh sinh tử một mất một còn, cho
nên khó có sự lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh võ trang kết hợp với đấu tranh
chính trị.
Mặc dù các nỗ lực kháng cự đã gặp rất nhiều khó khăn với kết quả
không mấy sáng sủa khi một số người lãnh đạo của các lực lượng này lần lượt hy
sinh như bị bắt (ông Võ Đại Tôn, nhóm Nhà thờ Vinh Sơn), bị xử tử (anh Trần Văn
Bá, ông Lê Quốc Quân, Tu sĩ Hồ Thái Bạch) hoặc phải tuẫn tiết (Tướng Hoàng Cơ
Minh).
Tuy thế, chính những hy sinh kể trên đã góp phần nung nấu tinh
thần kháng cộng khiến ngọn lửa đấu tranh vẫn không hề bị dập tắt và chuyển sang
thời kỳ kế tiếp. Nói cách khác, ngọn lửa chống cộng tiếp tục duy trì và lan tỏa
ở trong và ngoài nước hiện nay chính là nhờ những hy sinh cao cả của những
người đã vị quốc vong thân trong thời kỳ kháng cự, phục quốc đầy gian lao này.
Thời Kỳ 1990-2005: Liên Kết Trong Ngoài
Sự sụp đổ của CS Đông Âu đã thổi lên một làn gió và hy vọng mới
cho công cuộc đấu tranh. Trước đó vào cuối thập niên 80, do bản chất của nền
kinh tế XHCN, do sự thụ động bất hợp tác của người dân trong nước, do sự mất
mát một bộ phận lớn tinh hoa tài năng, chất xám của dân tộc qua những đợt tù
cải tạo, đánh phá tư sản thành công, đợt sóng vượt biên vượt biển cộng với sự
cấm vận phong toả kinh tế của Mỹ và một số đồng minh Mỹ, và sự tiếp tục o ép
của ông chủ cũ Bắc Kinh, Hà Nội đã không thể không học theo Liên Xô để “đổi mới”,
nới lỏng dây trói, tìm cách mở cửa ra thế giới bên ngoài để cứu vãn nền kinh tế
đang kiệt quệ. Nhưng đồng thời để bảo vệ sự sống còn của mình, khỏi theo vết xe
sụp đổ của Thầy Liên Xô, Hà Nội lại quay đầu về khấu tấu chủ cũ Bắc Kinh qua
Hội Nghị Thành Đô vào năm 1990.
Sự mở cửa ra bên ngoài và nới lỏng dây trói trên, khiến các xu
hướng bất đồng với Đảng CS ở trong nước có chút khoảng trống để ngọ nguậy. Bắt
đầu có những tiếng nói đơn lẻ cất lên, mới đầu từ rón rén, rồi mạnh dạn thẳng
thừng hơn như bài Chia Tay Ý Thức Hệ của ông Hà Sĩ Phu, dần dần đến những nhóm
như Cao Trào Nhân Bản của BS Nguyễn Đan Quế, Diễn Đàn Tự Do của GS Đoàn Viết
Hoạt, Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ với ông Nguyễn Đình Huy
v.v...
Ngay cả trong hàng ngũ CS các tiếng nói bất đồng cũng nổi lên như
Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ của Nguyễn Hộ.... Những tiếng nói đối kháng càng ngày
càng công khai lộ diện nhiều hơn sau khi những tin tức v/v Hà Nội nhượng đất
nhượng biển cho Bắc Kinh bị rò rỉ tiết lộ khiến dân Việt lo âu về viễn cảnh Bắc
thuộc một lần nữa.
Song song đó, với niềm lạc quan mới từ sự tan rã của chủ nghĩa CS,
ở hải ngoại ta thấy nở rộ lên những phong trào, tổ chức, cá nhân cùng xuất hiện
để tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Càng ngày càng nhiều tổ chức cộng đồng
Việt Nam tỵ nạn được thành lập ở khắp các nơi có đông người Việt tỵ nạn góp
phần xây dựng một phòng tuyến người Việt Tự Do vững chắc, xiển dương lá cờ vàng
tự do, ngăn chặn những nỗ lực xâm nhập vào cộng đồng tỵ nạn của CS, chặn đánh
những khuôn mặt hay phái đoàn đại diện chế độ CS đi ra công cán nước ngoài. Các
nỗ lực ngoại vận và quốc tế vận bắt đầu khởi sắc hơn để tố cáo trước công luận
quốc tế về những vi phạm nhân quyền của CSVN.
Trong thời kỳ này, sự liên lạc trong ngoài bắt đầu dễ dàng hơn.
Cho nên người Việt hải ngoại đã có thể mở ra những chiến dịch chuyển lửa và tin
tức đấu tranh về trong nước, góp phần làm soi mòn sự bưng bít thông tin của chế
độ CS, động viên tinh thần người trong nước. Các tổ chức đấu tranh chính trị ở
hải ngoại như Liên Minh VN Tự Do, Thông Luận, v.v... bắt đầu với tới trong
nước, tìm cách giao lưu với giới đối kháng quốc nội. Từ đó một trận thế liên
kết trong ngoài bắt đầu được hình thành.
Tuy thế, bộ máy áp chế của chế độ Hà Nội vẫn còn mạnh nên các
thành phần đối kháng trong nước đã bị trù dập, bắt bớ, vô hiệu hoá gần hết.
Nhưng thay vì làm nản lòng người yêu nước hay dập tắt được ngọn lửa đấu tranh,
những bắt bớ trù dập trên càng làm cho các tổ chức đấu tranh và cộng đồng tỵ
nạn hải ngoại thấy mình phải nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ những người bị trù dập trong
nước về mặt ngoại vận, tinh thần cũng như vật chất.
Trong tinh thần đó, cuối năm 2004, Đảng Việt Tân công khai hoá từ
sau vỏ bọc MTQGTNGPVN để chuẩn bị cho giai đoạn tới, chuyển lực về địa bàn quốc
nội để đồng cam cộng khổ với người trong nước trực diện với CSVN, khai thông
ranh giới đấu tranh trong ngoài.
Thời Kỳ 2006 - Đến Nay:
Thời kỳ này được khai phá bởi Tuyên ngôn của Khối 8406 vào ngày
8-4-2006, nhân dịp Hà Nội chuẩn bị cho Hội Nghị APEC là lúc mà chế độ Hà Nội
phải giữ bộ mặt cởi mở tôn trọng nhân quyền trước truyền thông và các phái đoàn
quốc tế. Đây là một tuyên ngôn mạnh mẽ nhất từ trước đến nay ở trong nước lên
án CSVN, đòi thay đổi chế độ. Và từ đó những hoạt động đấu tranh trong nước
được nâng cấp công khai, dù có bị trù dập, chứ không còn rụt rè lén lút như trước.
Những đặc điểm của thời kỳ này là:
1- Sự bộc phát của mạng internet và mạng xã hội đã xoá đi ranh
giới địa dư trong ngoài và khiến chế độ mất đi khả năng kiểm soát thông tin.
2- Các đảng chính trị công khai xuất hiện trong nước dù chỉ là
trong thời gian ngắn trước khi bộ phận lãnh đạo bị vô hiệu hoá trong tù (Thăng
Tiến, Lạc Hồng, Dân Chủ Thế Kỷ 21....)
3- Đấu tranh bất bạo động là một phương pháp đấu tranh phổ quát
được hầu hết người đấu tranh chấp nhận và áp dụng với những lối đánh sáng tạo
đẩy cầm quyền vào những thế khó xử tiến thoái lưỡng nan.
4- Sự tung hứng chan hoà giữa giới đấu tranh ở hải ngoại và giới
đấu tranh trong nước. Người hải ngoại ra vào trong nước hiện diện sát cánh cùng
bà con quốc nội, người trong nước ra hải ngoại làm ngoại vận và quốc tế vận,
các nhóm, tổ chức đấu tranh như Việt Tân, khối 8406, Con Đường Việt Nam, VOICE
v,v... hoạt động minh danh tại cả hai địa bàn trong và ngoài nước.
5- Sự xuất hiện của truyền thông lề trái hay lề dân để cạnh tranh
với truyền thông của Đảng và dần dần đang nắm thế chủ động đẩy bộ máy tuyên
truyền của Đảng vào thế bị động, phản ứng, chạy theo chống đỡ, nói xuôi.
6- Sự ra đời và dần dần phát triển của một xã hội dân sự độc lập
với nhà nước qua sự xuất hiện nhiều nhóm đa dạng hoạt động trên nhiều phương
diện sở thích khác nhau. Đặc biệt là các đoàn thể xã hội dân sự này đang tạo
thế liên kết và cùng nhau lên tiếng về những vấn đề của đất nước.
7- Sự xuất hiện càng ngày càng nhiều những khuôn mặt đấu tranh
mới, nhất là sau mỗi đợt trù dập của nhà cầm quyền CS. Trong thời kỳ trước,
phong trào đấu tranh thường chìm đi một thời gian như để bảo toàn lực lượng,
dành thì giờ hồi phục. Thời kỳ này những đợt trù dập ngược lại càng kích thích
phong trào đấu tranh đi lên tới nữa, với khuynh hướng tập trung tranh đấu cho
quyền lập hội, tự do thông tin, và tụ họp để dọn đường cho giai đoạn kết.
Có thể nói thời kỳ hiện nay là thời kỳ tăng tốc đấu tranh. Những
biến chuyển từ 2006 đến nay càng ngày càng dồn dập, số lượng các động thái
thoát độc tài trong 4, 5 năm trở lại bằng toàn thể những hoạt động đối kháng
trong 30, 40 năm qua. Không những thế, chất lượng của các nỗ lực đấu tranh càng
ngày càng cao, hiệu quả hơn, qua những lối đánh sáng tạo trong đấu tranh phi
bạo lực, làm chế độ độc tài hoàn toàn mất khả năng toàn trị tuyệt đối như xưa,
nhiều khi phải lúng túng bị động, phải có bước lùi trước sức ép của người Việt
trong ngoài.
*
Trải qua ba thời kỳ đấu tranh từ những nỗ lực kháng cự đơn lẻ của
từng người, từng nhóm sau năm 1975, cho đến những kết hợp rộng rãi trong và
ngoài nước, để hỗ trợ nhau tạo thành những sức ép đáng kể lên chế độ độc tài Hà
Nội, giờ đây chúng ta có thể khẳng định rằng phong trào đấu tranh tại Việt Nam
sẽ chỉ ngày một lớn mạnh mà thôi.
Với cái đà này, ta sẽ không ngạc nhiên khi một ngày gần đây thấy
công cuộc đấu tranh đang bước vào giai đoạn kết thúc lúc mà đại đa số quần
chúng nhân dân đã hoàn toàn hết sợ, xuống đường đông đảo giành lấy quyền làm
chủ thực sự cuộc sống và xã hội của chính mình.
40 năm với CS đã là quá đủ. Đã đến lúc lịch sử cần phải sang
trang!
Đặng Vũ Chấn
28/4/2015
28/4/2015