Nông dân sau 40 năm thống nhất đất nước
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-01-27
2015-01-27
Người nông dân việt Nam luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất
AFP
Your browser does not
support the audio element.
Hai phần ba dân số 90
triệu của Việt Nam sống trong khu vực nông thôn đã góp phần vào kim ngạch xuất
khẩu nông lâm thủy sản 31 tỷ USD năm 2014. Bốn mươi năm sau khi thống nhất đất
nước, nông dân Việt Nam đã hưởng được thành tựu gì và có mức sống như thế nào.
Người trồng lúa không
sống nhờ cây lúa
Sau ngày 30/4/1975 và
đất nước thống nhất về pháp lý một năm sau đó, Việt Nam đã trải qua một giai
đoạn chìm đắm và bế tắc trong chế độ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đặc trưng
xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn đó xã hội chịu cảnh đói nghèo với thực tế
ngăn sông cấm chợ khắp nơi. Cuộc đổi mới lịch sử cuối thập niên 1980 đã giúp
Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực phải nhập khẩu hạt mì, bo bo ăn thay cơm, đã
nhanh chóng tự túc lương thực rồi có dư gạo để xuất khẩu.
Tuy vậy, có một thực tế
là ở Việt Nam người trồng lúa không sống được với cây lúa. Trong khu vực sản
xuất lúa gạo nơi qui tụ nhiều nông dân nhất trên cả nước, người nông dân vùng
đồng bằng sông Cửu Long được tiếng là có cuộc sống dễ thở nhất thì đời sống của
họ ra sao? Anh Tư Phương hiện nay 33 tuổi, khởi nghiệp làm ruộng từ 2006 kể cho
chúng tôi câu chuyện bản thân:
Sống cũng được nhưng nói
thiệt là cũng đi làm thêm để dư ra chút xíu, làm công ty thêm rồi phụ ở nhà làm
lúa thêm nữa mới đắp đổi được. Tôi làm công ty tới vụ thì đi về làm lúa, làm
xong rồi trở lại công ty
Anh Tư Phương (nông dân)
“Cha mẹ để lại cho tôi
là con trai út 8 công ruộng tầm 3 thước, Đông Xuân thì lời một công khoảng 3
triệu, Hè Thu khoảng 1 triệu ngoài, Thu Đông cũng vậy hơn 1 triệu. Sống cũng
được nhưng nói thiệt là cũng đi làm thêm để dư ra chút xíu, làm công ty thêm
rồi phụ ở nhà làm lúa thêm nữa mới đắp đổi được. Tôi làm công ty tới vụ thì đi
về làm lúa, làm xong rồi trở lại công ty. Tôi làm công ty cá ba sa vợ tôi cũng
vậy, mỗi khi tới vụ lúa thì xin nghỉ một tuần lễ gặt xong sạ lại rồi thì đi làm
công ty. Nếu thấy lúa bệnh thì xin nghỉ một ngày về xịt thuốc. Đi làm sáng đi
chiều về chứ không ở lại công ty, từ nhà đến công ty khoảng 10 cây số.”
Mơ ước của anh Phương là
làm sao để vài năm nữa có đủ tiền mua thêm ruộng vì ngày nay làm ruộng đã đỡ
vất vả hơn. Ở vùng anh máy móc đã làm thay nhiều công đoạn cho người nông dân.
Theo như lời kể của anh
Tư Phương ở đồng bằng sông Cửu Long, thu nhập từ 8 công ruộng làm lúa mỗi năm 3
vụ được tổng cộng khoảng 40 triệu cho gia đình gồm hai vợ chồng hai đứa con.
Nếu chia đầu người thì mỗi người trong nhà anh Phương chỉ được 10 triệu
đồng/người/một năm vị chi bình quân đầu người hơn 840.000đ một tháng tương
đương khoảng 40 USD. Con số này khác xa với mức thu nhập bình quân đầu người
năm 2013 của Việt Nam là 1.960 USD hay khoảng 150 USD/tháng mà Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng rất tự hào.
Đó cũng là lý do hai vợ
chồng anh Phương đều phải đi làm ở công ty chế biến thủy sản; phần làm ruộng là
để khỏi lo cái ăn, đi làm công ty để bù đắp các chi phí khác trong cuộc sống
hàng ngày. Câu chuyện của gia đình Tư Phương có thể xem là một thí dụ điển hình
cho tình cảnh của người nông dân Việt Nam.
Nhược điểm của nền nông
nghiệp VN
Đất nước thống nhất đã
40 năm và hơn 25 năm sau đổi mới thành tựu của nông nghiệp-nông thôn-nông dân
đạt được những gì? TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý
Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
Đặc biệt nền nông nghiệp
Việt Nam chưa phát triển được công nghiệp gia công chế biến là làm tăng thêm
giá trị gia tăng và ngân hàng khoa học công nghệ cũng như công nghệ chế biến
xuất khẩu chưa kế nối được với nhau
TS Lê Đăng Doanh
“ Về Nông nghiệp đã có
sự cải thiện rất đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam năm 1993 là vào khoảng 58%
thì bây giờ có thể giảm xuống còn độ 18%-19% với tiêu chuẩn 2 đô la một đầu
người một ngày. Như vậy là có sự cải thiện, nếu về nông thôn Việt Nam sẽ thấy
phần lớn làng xóm ở Việt Nam đã có đường ô tô chạy đến nơi, đã có điện, điện
thoại và Internet, đã có trường học, trạm y tế …Tuy vậy mức giảm nghèo ở nông
thôn chậm hơn ở thành thị, thứ hai nữa là đời sống của người nông dân chậm được
cải thiện bởi vì tỷ lệ đất trên đầu người nông dân ở Việt Nam quá thấp. Hơn nữa
người nông dân chịu quá nhiều rủi ro, tủi ro của sâu bệnh, rủi ro của thời tiết
và đặc biệt là rủi ro thị trường; nay thì giá cà phê tăng lên ngày mai lại giảm
đi, giá cao su cũng biến động.
TS Lê Đăng Doanh nhấn
mạnh tới những khiếm khuyết của nền nông nghiệp Việt Nam mà ông cho cần phải
cải cách.
Ông nói:
“Đặc biệt nền nông
nghiệp Việt Nam chưa phát triển được công nghiệp gia công chế biến là làm tăng
thêm giá trị gia tăng và ngân hàng khoa học công nghệ cũng như công nghệ chế
biến xuất khẩu chưa kế nối được với nhau thì sắp tới đây trong công cuộc hội
nhập nông nghiệp Việt Nam cũng cần phải tái cơ cấu và phát triển thành những
doanh nghiệp nông nghiệp có những doanh nghiệp với qui mô khoảng vài ngàn
héc-ta để có thể áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ khí hóa và kết hợp
được với ngân hàng với các Viện khoa học và với các doanh nghiệp chế biến và
xuất khẩu thì lúc bấy giờ Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển một nền
nông nghiệp phồn vinh.”
Đó là sự đánh giá của
chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đối với thành tựu và cả những nhược điểm của
nền nông nghiệp Việt Nam sau một phần tư thế kỷ đổi mới.
Ông Nguyễn Minh Nhị là
một đảng viên trung kiên từ nông dân trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An
Giang. Khi về hưu năm 2004 ông Nguyễn minh Nhị cũng trở về với cuộc sống ở Nông
thôn. Hiểu rõ đồng ruộng và từng ở trong cương vị quản lý nhà nước, trả lời câu
hỏi 40 năm sau thống nhất và hơn 25 năm sau cuộc đổi mới thành tựu phát triển
nông nghiệp và phúc lợi của nông dân có tương ứng với khoảng thời gian dài như
vậy hay không?
ông Nguyễn Minh Nhị nhận định:
Người nông dân giàu
nghèo thì phải qua sản phẩm họ làm ra, sản phẩm đó phải bán được giá mà điều
này thì phải qua người khác chứ không phải qua nhà nước, nói cách khác qua các
doanh nghiệp. Vai trò các DN chỗ này chưa thể hiện nổi bật cho nên người nông
dân coi như tự bơi
ông Nguyễn Minh Nhị
“Thành quả đó tương ứng
với chiều dài thời gian nhưng chỉ tương ứng về số lượng chứ chất lượng thì
chưa. Các chính sách trực tiếp đối với người nông dân thì tương đối nhiều và rõ
ràng nhưng đó là cái trực tiếp còn cái gián tiếp thì chưa đúng mức, tức là
người nông dân giàu nghèo thì phải qua sản phẩm họ làm ra, sản phẩm đó phải bán
được giá mà điều này thì phải qua người khác chứ không phải qua nhà nước, nói
cách khác qua các doanh nghiệp. Vai trò các doanh nghiệp chỗ này chưa thể hiện
nổi bật cho nên người nông dân coi như tự bơi.
Cho nên mới có tình hình trồng
cây gì nuôi con gì tức là nông dân bị lúng túng.”
Như lời TS Lê Đăng Doanh
nhận định, mức độ giảm nghèo của nông thôn chậm hơn thành thị và mức sống của
nông dân cũng chậm cải thiện.
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, khoảng cách giàu
nghèo giữa nông thôn và thành thị càng ngày càng lớn hơn rất nhiều. Nếu Đảng và
Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa thì phải
chăng họ đã thất bại trong chủ trương bảo vệ đời sống của người nghèo mà đặc
biệt là nông dân. Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị nhận định:
“Thất bại tôi chưa nói
tới nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Cái khoảng cách giàu nghèo nó
có những chỉ dấu báo động là mình phải quan tâm chứ còn so với nhiều nước thì
chưa thành vấn đề gì lớn lắm. Nhưng mà nếu bây giờ chưa nhìn ra vấn đề này để
mà chấn chỉnh thì sắp tới mức độ giãn ra còn lớn nữa. Bởi vì vấn đề hội nhập
càng sâu mà giải quyết không đồng bộ thì vấn đề phức tạp sẽ lớn hơn.”
Tuy nhà nước luôn tự hào
về các thành tích xuất khẩu nông lâm thủy sản và riêng mặt hàng gạo mỗi năm
xuất khẩu trên dưới 6 triệu tấn gạo trong những năm gần đây. Tuy nhiên nhược
điểm của Việt Nam trong điều hành nền kinh tế đưa tới việc xuất khẩu được 3 tỷ
USD gạo thì lại phải bỏ hơn 4 tỷ USD nhập khẩu bắp, đậu nành và nguyên liệu
khác để làm thức ăn chăn nuôi. Một nghịch lý mà Ông Trương Tấn Sang Chủ tịch
Nước đã ví von “Xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng túi rỗng”.
Trong khi các chuyên gia
kinh tế cho rằng vấn đề quyền tư hữu, qui mô đồng ruộng nhỏ bé là những cản trở
cho sự phát triển nền nông nghiệp bền vững và phồn vinh, thì ông Nguyễn Minh
Nhị cho rằng không hẳn như vậy. Theo lời ông, vấn đề đó có ảnh hưởng nhưng chủ
yếu về tâm lý là chính, thực tế hiện nay có nông dân làm chủ cả trăm héc-ta đất
qua hình thức nhiều người đứng tên, địa phương biết rõ nhưng không cản trở. Cựu
Chủ tịch An Giang phát biểu:
Phải cấu trúc lại mô
hình quản lý ngành nông nghiệp tức là một người chịu trách nhiệm, vừa qua thiếu
cái này cho nên khi thực hiện chính sách luật pháp hay đặc biệt trong tổ chức
sản xuất thì gặp nhiều trục trặc
Cựu Chủ tịch An Giang
“
Nó có ảnh hưởng nhưng không nhiều bởi vì có nhiều nước, vùng lãnh thổ như Nhật
Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, đất của người không có nhiều, qui mô hộ cá thể cũng
không lớn. Nhưng cái tổ chức của người ta nó tốt, nó liên kết được chiều ngang
là khối lượng mà còn liên kết chiều dọc tức là làm tăng giá trị của sản phẩm
lên. Cho nên đất ít đất nhiều không phải là vấn đề lớn mà vấn đề là tổ chức sản
xuất. Tổ chức sản xuất ở Việt Nam vừa qua chưa bảo đảm được hai yếu tố đó.”
Cựu Chủ tịch An Giang
Nguyễn Minh Nhị cho rằng Việt Nam phải làm sao thay đổi được mô hình quản lý và
tổ chức lại sản xuất thì mới có thể phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
và có ích lợi cho người nông dân.
Ông nói:
“Từ
trước tới giờ tôi hay nói nhiều là phải cấu trúc lại mô hình quản lý ngành nông
nghiệp tức là một người chịu trách nhiệm, vừa qua thiếu cái này cho nên khi
thực hiện chính sách luật pháp hay đặc biệt trong tổ chức sản xuất thì gặp
nhiều trục trặc. Bởi vì nói gì thì cũng không biết đó là ai, ai là người đầu
tiên chịu trách nhiệm và đó là người cuối cùng chịu trách nhiệm. Sắp tới nếu
không thực hiện được cái này thì nó cũng không thể phát triển được.”
Vấn đề một người chịu
trách nhiệm trong mô hình quản lý và sản xuất nông nghiệp mới nghe thật giản
dị, nhưng nó hàm chứa bên trong sự thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Bởi
vì từ khi thống nhất đất nước đến nay, Việt Nam thực hiện chế độ trách nhiệm
tập thể, nếu một chính sách đường lối nào bị thất bại thì đó là trách nhiệm tập
thể mà không có nhà lãnh đạo nào nhận trách nhiệm cá nhân.
Sau 40 năm thống nhất và
hơn 25 năm thực hiện đổi mới, có nhiều chỉ dấu cho thấy Đại hội Đảng khóa 12
vào năm 2016 có thể quyết định đổi mới lần thứ 2 trong lịch sử. Tuy vậy, cựu
Chủ tịch tỉnh An Giang nói rằng ông không thấy có hy vọng gì cho nền nông
nghiệp Việt Nam vì theo ông đổi mới là một quá trình liên tục, thời gian vừa
qua dài như vậy nhưng chưa có gì mới. Như vậy tính liên tục chưa được bảo đảm
cho nên ông không thấy phấn khởi.