Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Friday, December 12, 2014

Mặc dân khốn đốn, nhà nước vẫn vung ngoại tệ mua hàng Trung Quốc

Mặc dân khốn đốn, nhà nước vẫn vung ngoại tệ mua hàng Trung Quốc

11.12.2014, HÀ NỘI (NV) - Trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khoảng 13.5 tỉ Mỹ kim nhưng Việt Nam đã phải chi khoảng 40 tỉ Mỹ kim để nhập đủ thứ từ Trung Quốc.

So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng hơn 22%. Ðáng nói là trong 11 tháng qua, Việt Nam đã chi hàng tỉ Mỹ kim để nhập cảng từ Trung Quốc những mặt hàng mà Việt Nam vốn không hề thiếu.



Một nông dân ở xã Ðạ Ròn, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng, mang cà chua ông trồng đổ ra đường vì không có người mua. Tình trạng này xảy ra nhiều nơi với đủ loại rau trái, trong khi Việt Nam chi khoảng 350 triệu Mỹ kim để nhập cảng rau trái của Trung Quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Chẳng hạn Việt Nam đã chi 340 triệu Mỹ kim để nhập rau trái từ Trung Quốc, đồng thời chi thêm 400 triệu Mỹ kim để nhập cảng thủy sản từ Trung Quốc. Ðáng lưu ý là trong danh mục hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc có cả... gạo, dù Việt Nam là quốc gia xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới. Trong 11 tháng qua, Việt Nam đã chi đến 800 triệu Mỹ kim để nhập cảng gạo của Trung Quốc.

Cần nhắc lại rằng, trong 11 tháng vừa qua, nông dân Việt Nam tiếp tục khốn khó vì không bán được nông sản. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng giá lúa thấp hơn giá thành vẫn xảy ra vào thời điểm thu hoạch, thành ra thảm trạng càng được mùa càng khánh kiệt vì tiền bán lúa không đủ bù các loại chi phí vẫn tiếp diễn. Ðể cứu nông dân, chính quyền Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỉ nhằm trợ giá.

Tương tự, nông dân trồng rau trái ở nhiều vùng cũng phá sản vì rau trái không có người mua. Nhiều nơi, rau trái đành đổ bỏ hoặc cho trâu bò ăn.

Cũng trong 11 tháng vừa qua, Việt Nam đã chi hơn 750 triệu Mỹ kim để nhập khoai mì và các sản phẩm làm từ khoai mì của Trung Quốc. Trong khi đó, phong trào “người cày bỏ ruộng” vẫn lan rộng tại miền Bắc và phía Bắc miền Trung của Việt Nam vì nông dân không thể sống được nhờ trồng trọt.

Tuy nhiên, nguyên liệu, phụ liệu do Trung Quốc sản xuất vẫn dẫn đầu trong số các mặt hàng mà Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam.

Tuy năm nay là năm mà quan hệ Việt-Trung trở thành căng thẳng chưa từng thấy kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ song kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2013.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ 2004, song trong quan hệ thương mại Việt-Trung, Việt Nam luôn lãnh phần thua thiệt. Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu Mỹ kim hồi 2001, thành 16 tỷ Mỹ kim vào năm 2012 và nhập siêu càng ngày càng lớn.

Theo thống kê, từ 2010 đến nay, kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc chiếm từ 25%-28% tổng kim ngạch nhập cảng hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, 60% là hàng hóa trung gian, 20% là máy móc thiết bị và 20% còn lại là hàng tiêu dùng.

Hàng hóa trung gian của Trung Quốc mà Việt Nam nhập cảng không phải chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc đặt tại Việt Nam, mà còn là nguồn nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng giúp các doanh nghiệp của Việt Nam duy trì hoạt động.

Cũng vì vậy, các chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu Trung Quốc ngưng xuất cảng những nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu đó, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ tê liệt. Kinh tế Việt Nam sẽ suy sụp, bởi đã bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc. Ðó cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo rằng, Trung Quốc có thể dùng việc cắt đứt quan hệ kinh tế-thương mại để gây áp lực chính trị với chính quyền Việt Nam.

Bên cạnh những cảnh báo về khả năng kinh tế suy sụp do lệ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu của Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cảnh báo thêm về hiểm họa tiềm ẩn do phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc khi có quá nhiều dự án, công trình tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Tuy công nghệ Trung Quốc nổi tiếng vì lạc hậu, hoạt động không ổn định, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu nên sức cạnh cạnh tranh của sản phẩm thấp, chưa kể còn gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt môi sinh, song phần lớn dự án, công trình như nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, bauxite,... các dự án hạ tầng liên quan cảng, đường sắt trên cao,... tại Việt Nam vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện bằng công nghệ Trung Quốc. (G.Ð)



Khoảng một trăm cô dâu Việt mất tích ở Hà Bắc, Trung Quốc



Buc xuc voi tour du lich mua ban phu nu Viet Nam
Một đường dây bán "cô dâu Việt" sang Trung Quốc bị xét xử tại Tây Ninh hôm 28/5/2013.



Đăng ngày 11-12-2014

Khoảng một trăm cô dâu Việt mất tích ở Hà Bắc, Trung Quốc

media
Hình minh họa. http://allianceantitrafic.org

Công an Trung Quốc đang tìm kiếm khoảng một trăm cô dâu trẻ tuổi người Việt bỗng dưng mất tích sau khi làm lễ cưới với những người đàn ông độc thân Trung Quốc sống ở nông thôn, theo báo chí chính thức hôm nay 11/12/2014.

Tờ China Daily cho rằng đây là một vụ « lừa đảo » quy mô do một băng nhóm có tổ chức chặt chẽ tiến hành. Mỗi người đàn ông độc thân Trung Quốc phải nộp ít nhất 13.000 euro nếu cuộc môi giới hôn nhân thành công.

Sự mất cân bằng giới tính nam nữ và hiện tượng người nông thôn đổ xô lên thành thị khiến dịch vụ môi giới hôn nhân với các nước Đông Nam Á ăn nên làm ra. Đặc biệt là tại Việt Nam, nhiều nông dân Trung Quốc đã « mua » được vợ Việt thông qua các người mai mối.

Vụ một trăm cô dâu mất tích nói trên xảy ra ở thị trấn Cù Châu (Quzhou) thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei). « Bà mai » Ngô Mỹ Ngọc (Wu Meiyu), một người gốc Việt lấy chồng Trung Quốc và đã cư ngụ tại đây từ 20 năm qua, đòi chi phí 100.000 nhân dân tệ (13.000 euro) cho mỗi cuộc môi giới hôn nhân. Bà mối này đã biến mất vào cuối tháng 11 cùng với khoảng 100 cô dâu Việt đã được những người chồng tương lai coi mắt hồi đầu năm.

China Daily dẫn lời một viên chức địa phương, cho rằng đây là một mạng lưới có tổ chức : « Với các phương tiện liên lạc mới, các cô dâu này có thể dễ dàng bỏ trốn cùng một lúc ».

Theo thống kê chính thức, tại Trung Quốc cứ mỗi 118 bé trai sinh ra thì chỉ có 100 bé gái. Những người đàn ông độc thân ở thôn quê phải dành dụm tiền bạc để cưới được vợ, và có thể phải chi ra đến 400.000 nhân dân tệ cho một cô vợ. Số tiền này ngoài tầm tay với của nhiều người, thế nên các vụ « mua bán cô dâu » quốc tế nở rộ, và thường mang dáng dấp của các vụ buôn người.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Wednesday, December 10, 2014

Chỉ thu hồi, kiểm điểm là xong ư?

Chỉ thu hồi, kiểm điểm là xong ư?

Trần Văn Truyền
BùiTín’sblog:

Phải hơn một năm trời vụ nhà cửa mờ ám của ông cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền mới được kết luận một cách nửa vời và gượng gạo.

Ban kiểm tra trung ương đảng lẽ ra phải là cơ quan năng động nhất chống tham nhũng, quan liêu, hối lộ, ăn cắp tài sản của nhân dân, nhưng trên thực tế nó lại là cơ quan an nhàn nhất, ù lỳ nhất, bất động nhất. Nó làm gương xấu cho cơ quan tổng thanh tra chính phủ.

Nó từng nhắm mắt làm ngơ khi ủy viên bộ chính trị Tô Huy Rứa , nhân danh Trưởng Ban Tổ chức TW đảng quyết định đưa cô con gái rượu của mình là Tô Linh Hương
mới 24 tuổi tốt nghiệp ngành báo chí lên làm Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đòan xây dựng VINACONEX chuyên lo chuyện xây dựng cầu đường, nhà cửa, bị báo chí nêu lên và phản đối gay gắt. Sau 2 tháng, ông Rứa phải muối mặt cho cô con gái rút lui lặng lẽ, với sự đồng lõa của Ban kiểm tra TƯ đảng. Lẽ ra đây là vụ điển hình vi phạm nặng nề nhất 19 điều nghiêm cấm đảng viên, dùng quyền lực trong đảng để kiếm lợi riêng cho người thân trong gia đình. Vụ này phải xử lý tăng nặng gấp bội vì lẽ ra Trưởng ban Tổ chức phải là người gương mẫu nhất, chặt chẽ nhất trong việc chọn đúng nhân tài cho đất nước. Ở cương vị ấy ông Rứa sẽ phá nát đảng khi chọn người theo lợi ích riêng. Nay lại chính Tô Huy Rứa cùng 5 tay phó ban do chính ông ta tuyển lựa, sẽ tuyển chọn tòan thể ban chấp hành TƯ đảng khóa XII sắp đến, rồi đưa ra bộ chính trị thông qua. Thật ra ông ta đúng lẽ ra đã phải bị khai trừ khỏi bộ chính trị, mất chức trưởng Ban Tổ chức từ khi phạm kỷ luật trắng trợn trơ trẽn đến thế. Ở một nước dân chủ, ông ta có thể vào tù về tội lợi dụng quyền thế.

Nay vụ 4 ngôi nhà của ông Trần Văn Truyền đã làm lộ rõ sự tham lam vô độ, vô vàn kẽ hở của chế độ độc đảng, các quan chức tha hồ rộng rãi với nhau, giúp nhau vơ vét nhà, đất, của cải bất chấp luật của nhà nước, kỷ luật của đảng. Trả lại, thu hồi là xong ư ? Sao lại giản dị như thế được. Đây là một vụ án, đương sự phải giải trình từ đâu mà ra lắm tiền của đến thế ? mua bán với ai ? những gì ? Tiền lương bao nhiêu ? Và nhà nước, đảng phải kết luận. Ông Truyền ký vội gần 60 quyết định phong chức lên lương cho cán bộ dưới quyền trước khi nghỉ hưu là chuyện gì ? hối mại quyền lực ư ? Phải giải trình đầy đủ. Không thể im lặng cho qua, xúy xóa được.

Theo báo Người cao tuổi ông phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh cũng chiếm hữu 2 nhà 5 tầng, 1 nhà 114 mét vuông, 1 nhà 248 mét vuông, thêm 1800 mét vuông đất trị giá 18 tỷ, không giải trình rõ căn nguyên, nhưng vẫn được ông Tổng thanh tra chính phủ Hùynh Phong Tranh và ông phó tổng Trần Đức Lượng chằm chằm bênh vực là ‘đã kê khai đúng theo quy định của pháp luật’. Cả một bày sâu bự bênh che nhau. Báo Người cao tuổi cũng dẫn ra 2 quan chức Bến tre Trần Công Nghĩa (Bảy Hòang) cựu phó chủ tịch tỉnh có ngôi nhà lầu bán 7 tỷ và Hùynh Văn Be (Ba Hùng) nguyên ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy cũng có khu nhà nghỉ mát cực rộng mà dân quanh vùng coi là tài sản bất minh, nhóm cầm quyền tư túi chia chác cho nhau, rất cần kiểm sát và thanh tra.  

Tướng Nguyễn Quốc Thước còn yêu cầu Tỉnh ủy Bến Tre, Thành ủy Sài gòn, đảng ủy Quân khu IX phải kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm lỏng lẻo trong vụ Trần Văn Truyền, rồi mở rộng sang các vụ khác.

Luật sư Trần Quốc Thuận ở trong nước công khai yêu cầu 16 ủy viên bộ chính trị phải gương mẫu kê khai minh bạch và giải trình rõ ràng tài sản của mình. Đây là một yêu cầu chính đáng của tòan dân, vì chống tham nhũng là nghĩa vụ của mọi công dân, lãnh đạo phải đi trước và làm gương. Có như vậy mới làm cho người dân tin.

Đã có nhiều mạng của blogger tự do như mạng TTXVA – Thông tấn xã Vàng Anh nói đền cái sân sau của ông Nguyễn Sinh Hùng, cùng cô em ruột Nguyễn Hồng Phương, thành một cặp tỷ phú đỏ đôla lọai bự nhất nước, sao Ban kiểm tra TW lại bỏ qua ?  Chẵng lẽ có những nhân vật không ai dám động đến ? Cả xã hội thấy rất rõ từ khi nắm Vụ Trưởng Kho bạc (1988), rồi thứ trưởng Tài chính (1990), rồi Bộ trưởng tài chính, rồi phó thủ tướng đặc trách tài chính-tiền tệ-ngân hàng, ông Nguyễn Sinh Hùng ngày càng giàu có, hống hách, muốn gì được nấy, nay cầm đầu ngành lập pháp, tự coi là mạnh thế nhất, còn tự tin sẽ là Vua, trở thành chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư vào dịp Đại hội XII tới. Nếu ông Nguyễn Sinh Hùng ngay thẳng trong sạch, bị vu cáo,  hãy chứng minh cho tòan dân được rõ. Có thật do ông tiếp tay mà cô em quý đã gần thành tỷ phú đôla đất Việt ?
Vụ Nguyễn Sinh Hùng lớn gấp trăm lần vụ Trần Văn Truyền, vì là kẻ nắm tiền, ngân sách, nắm chặt 2 vòi ngọai tệ ODA và FDI, suốt 25 năm trời ông Hùng đã tự tay cắt xén chia cho đảng CS không biết bao nhiêu tiền bạc, và đồng thời tư túi vun vén cho 2 anh em ruột nhà ông một ‘đế chế tài phiệt’, một gia tài vô kể, không khác gì những Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng …  bên Trung Quốc. Một tay biển thủ chuyên nghiệp ở trên đỉnh chóp bu quyền lực. Có gì tai quái hơn ? Mà vẫn tại vị, còn hống hách.

Ở Trung quốc, theo mạng Weibo (21/11) họ ‘diệt hổ đập ruồi, săn sói tháo chạy’, thu về cho công quỹ hàng vài trăm tỷ đôla cùng vô vàn nhà cửa, biệt thự, vàng bạc châu báu. Trong ngôi nhà của thượng tướng Tư Tài Hậu, ủy viên quân ủy TW có những khối tiền mặt phải chở trong 12 chiếc xe tải mới hết, chưa kể 10 kilô vàng ròng ; Trong ngôi nhà của giám đốc sở máy nước Bắc Đới Hà, tỉnh Hà bắc Mã Tiêu Cầm tịch thu được 100 triệu Nhân dân tệ tiền mặt và 37 kilô vàng. Chỉ trong 2 năm, Ban kiểm tra và thanh tra đảng đã kỷ luật 74.000 đảng viên về tội tham nhũng, từ đảng viên đến cán bộ cao cấp. nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, có cả ủy viên TW đảng, Ủy viên bộ chính trị, cả Ủy viên ban thường vụ bộ chính trị. Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi đảng, có thể bị tử hình.

Bộ máy Kiểm tra, Giám sát, Thanh tra, Kiểm sát, Tòa án của đảng và nhà nước VN cần giật mình, tỉnh giấc ngủ quá lâu và quá sâu, lập lại trật tự và luật pháp đã bỏ lỏng hầu như tê liệt. Đây là đề tài bị bỏ qua trong cuộc họp quốc hội vừa qua, cần bàn kỹ trong cuộc họp TW đảng trong tháng cuối năm, mở đường cho việc chuẩn bị thiết thực cho Đại hội XII đang đến gần.

Bùi Tín


Mỹ kêu gọi VN thả blogger Nguyễn Quang Lập 'ngay lập tức'


Thứ Tư, 10/12/2014

Tin tức / Việt Nam

Mỹ kêu gọi VN thả blogger Nguyễn Quang Lập 'ngay lập tức'

Giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Khoa nghiên cứu Châu Á và Quốc tế Đại học Hong Kong
Giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Khoa nghiên cứu Châu Á và Quốc tế Đại học Hong Kong
  •  
  •  
  •  

Tin liên hệ

09.12.2014

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội mới gửi cho VOA Việt Ngữ một thông cáo, trong đó viết rằng “chính phủ Hoa Kỳ thực sự quan ngại về vụ bắt giữ các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ”.

Tuyên bố có đoạn: “Tin cho hay, họ bị bắt vì đăng tải các bài viết chỉ trích các chính sách và hành động của nhà nước trên mạng. Chính phủ Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam thả các cá nhân này ngay lập tức và cho phép mọi người dân Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị, cả trên không gian ảo cũng như trong đời thực”.

Theo nhận định của chính phủ Mỹ, những vụ bắt giữ như thế này “làm tổn hại tới các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền”.

“Việt Nam cần phải bảo đảm rằng các luật lệ và hành động của mình phù hợp với các nghĩa vụ đó,” thông cáo viết.
Ông Nguyễn Quang Lập, chủ trang blog Quê Choa, bị bắt tại nhà riêng ở TP HCM hôm 6/12, nhưng không rõ về tội gì.

Trong thông cáo ngắn đăng tải trên mạng, Bộ Công an Việt Nam cho biết “đã bắt quả tang, ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự” đối với ông Lập và “đang tiếp tục điều tra làm rõ”.

Việc bắt giữ nhà văn là thành viên của nhiều tổ chức văn hóa thuộc nhà nước xảy ra một tuần sau khi một blogger khác, ông Hồng Lê Thọ, chủ trang blog ‘Người Lót Gạch’, cũng bị bắt giam để điều tra về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo điều 258 Bộ Luật hình sự.

Tiến sỹ Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, tại Đại học Thành thị Hong Kong, cho VOA Việt Ngữ biết, vừa qua, ông từng hy vọng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam “dần dần có tiến bộ” nên thấy “khó hiểu động thái của chính quyền Việt Nam hiện nay”.
Ông nói với VOA Việt Ngữ bằng tiếng Việt:

“Nó làm cho mình rất là thắc mắc, nhất là ngay sau một giai đoạn quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã có tiến bộ nhất định, và ngay trong quá trình [Việt Nam] cố gắng hoàn thành TPP chẳng hạn. Có những chuyện như thế này là một cái rất là khó hiểu một cách logic. Chúng ta thì cũng như nhau hết, tức là phải đoán mãi mới hiểu là làm sao có những chuyện như thế này.  

Có thể có những sự khác biệt về quan niệm trong giới lãnh đạo của Việt Nam. Hy vọng là trong một thời gian ngắn, thì hai người này cùng một số tù nhân lương tâm khác sẽ được thả để Việt Nam thực sự có tiến bộ trong hồ sơ nhân quyền như mọi người chờ đợi”.

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Bảo vệ Ký giả Quốc tế cũng đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam “thả ngay và vô điều kiện” cho blogger Nguyễn Quang Lập.

Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam “chấm dứt việc sử dụng các đe dọa pháp lý để bịt miệng các blogger độc lập” cũng như “bảo vệ quyền tự do báo chí ghi trong hiến pháp”.

Một nguồn tin cho biết, vợ ông Lập hôm nay, 9/12, đã lần đầu tiên được vào thăm chồng kể từ khi ông bị bắt.

Trong một bài viết đăng tải trên mạng, nhà văn Phạm Thị Hoài, hiện sống tại Berlin, Đức, viết, xin trích: “Con thuyền của anh Lập, dập dìu sóng vỗ khi nào, là một con thuyền lẻ loi. Lật bởi sự tồi tệ của thể chế chính trị. Chìm bởi sự đơn độc của chính nó giữa vài ba con thuyền đơn độc khác. Đắm bởi sự bạc bẽo của phần lớn chúng ta”.

Việt Nam bấy lâu nay vẫn tuyên bố không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ bắt những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền luôn phản bác tuyên bố này.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Nguyễn Quang Lập: Một con thuyền

 

Nguyễn Quang Lập: Một con thuyền

Nhà văn Phạm Thị Hoài
·         9 tháng 12 2014

Năm ngoái, anh Lập đề nghị tôi đứng tên phụ trách Quê Choa. Đó là thời điểm Nghị định 72 chuẩn bị có hiệu lực. Quê Choa đã tự điều chỉnh, như nhiều lần trước đó. Lúc chỉ đăng bài của chính Bọ. Lúc tạm đóng phần bình luận của độc giả, rồi mở lại, rồi đóng hẳn. Lúc thêm chế độ đánh giá bài, rồi lại bỏ. Lúc tạm dừng đăng bài, chỉ điểm tin từ báo chí nhà nước và một số hãng tin lớn quốc tế. Lần này, chủ trang thận trọng kèm lời ghi xuất xứ: “Bài của tác giả gửi Quê Choa” và tin cậy vào sự ủng hộ của bạn bè.

Trang của anh, ngoài nội dung thông tin, còn có thể coi là một hàn thử biểu đo thời tiết chính trị ở Việt Nam. Thời tiết thoáng đãng hơn, không khí cởi mở hơn, Quê Choa xông pha hơn, đăng lại cả bài của những tác giả bị nhà nước Việt Nam khóa chặt trong danh sách đen. Mây mù bắt đầu kéo lên, Quê Choa nhẹ nhàng lui lại một bước, hai bước, có khi cả ba bước. Anh Lập là tất cả, chỉ trừ cực đoan.
Tôi thật sự thấy vinh dự, nhưng đã từ chối. Quê Choa sẽ không còn là nó, nếu do một người khác điều hành, nhất là điều hành từ hải ngoại, dù chỉ trên danh nghĩa. Thành công của trang tin này gắn với chủ nhân của nó, một nhà văn nổi tiếng, sống trong nước, có một sự nghiệp sáng tác thuộc hàng đầu trong văn chương đương đại nước nhà.
Tác phẩm của anh đứng trong dòng chính. Sách của anh bán chạy. Kịch của anh đắt hàng. Anh viết sinh động, hóm hỉnh, thiên về hướng dân dã mộc mạc, gần đây pha đậm chất khẩu văn tếu táo, vốn không phải sở thích lâu dài của tôi, song ở những trang xuất sắc nhất tôi có cảm giác rằng các mẩu kí ức vụn của anh về những mảnh đời đen trắng trong cái thời màu xám của chúng ta có thể diễn đạt nhiều hơn bao nhiêu nhận định, phân tích, nghiên cứu, tuyên ngôn hùng biện…


Nếu tôi không nhầm, anh cũng là đảng viên và giao du thân mật với một số nhân vật trong chính quyền. Một chức quan văn kha khá trong vô số các hiệp hội văn học nghệ thuật ở Việt Nam là chuyện trong tầm tay, ở đó anh hoàn toàn có thể trở thành một Mạc Ngôn trừ đi phần huyễn giác huyền ảo thêm vào phần hài hước, một lúc nào đó cũng trúng cơ cấu Giải thưởng Nhà nước rồi bước vào sách giáo khoa, thêm vài giải thưởng trong khu vực nữa là mãn nguyện một sự nghiệp. 

Nhưng ngay từ đầu, trong những buổi trò chuyện đầy cảm hứng ở thời Đổi Mới hai mươi lăm năm trước, tôi đã nhận ra không lầm rằng anh sẽ chẳng bao giờ trở thành một quan chức văn nghệ, dù chỉ quan chức hờ chờ phát biểu lấy lệ và sổ hưu. Anh trở thành một blogger.


Chuyển Quê Choa sang Berlin thì vô nghĩa, dù hai phần ba người Việt ở đây nói giọng bọ, tôi đùa. Chuyển Ba Đình sang Boston hợp lí hơn, giới quý tộc đỏ – hoặc đã chuyển màu huyết dụ – nhập hộ khẩu ở duyên hải miền Đông Hoa Kỳ ngày càng đông đảo. Nhưng giọng người bạn cách nửa vòng trái đất thì đầy lo ngại. 

Chỉ cần nó phạt hành chính, hôm nay vài chục triệu, ngày mai vài chục triệu, mình viết văn chứ có buôn cổ phiếu đâu. Rồi nó gọi lên gọi xuống, mình chân tay người ngợm thế này, đứng lên ngồi xuống còn vất vả, rồi làm khổ cả gia đình… Tôi gợi ý, thuê máy chủ bên này, kĩ thuật viên bên này, lỡ có sự cố gì thì Quê Choa vẫn tồn tại.

Song lại nhận ra rằng đề nghị đó cũng vô nghĩa nốt. Quê Choa gắn với bọ Lập. Không có tác nhân hội tụ là anh, Quê Choa chỉ còn là cái xác trên một server an toàn. Tôi bảo, trăm triệu thì không có ngay, chứ chục triệu chẳng lẽ mấy trăm ngàn độc giả của anh không góp được để trả tiền phạt? Rồi cũng lại nhận ra, đó là chuyện không tưởng. 

Chúng ta có thể chờ đợi tất cả ở người Việt – và ở đây đang nói đến những người còn quan tâm đến thế sự thời cuộc -, chỉ trừ sự đóng góp cụ thể và bền bỉ về tài chính. Tất cả, dù chia rẽ trong mọi quan điểm, đều đồng thuận trong tinh thần hưởng thụ miễn phí. Tự do, dân chủ, nhà nước duy pháp quyền là những thứ rất tốn kém. 

Vấn đề đầu tiên của một nền báo chí độc lập cho Việt Nam là tiền đâu. Chừng nào còn né tránh nó, chúng ta còn giầm chân trong giới hạn cuối cùng mà những thành tựu thiện nguyện và tài tử có thể đạt tới. talawas trước kia đã đi hết giới hạn đó.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (bên trái ngoài cùng) được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.
Phương án này, phương án kia. Song chúng tôi biết rằng cuối cùng vẫn không có gì khác. Anh biết rằng tôi không thể nhận lời. Tôi biết rằng anh không thể không tiếp tục. Ừ, để mình tính, dám làm thì dám chịu, hi vọng tình hình khá lên, anh Lập kết thúc vụ âm mưu xuyên biên giới, giọng thì cười nhưng người thì không.

Tình hình có vẻ khá lên, với sự ra đời liên tiếp trong một thời gian ngắn của Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam và trang Văn Việt, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và trang Việt Nam Thời báo. 

Cũng liên tiếp trong một thời gian ngắn, các nhà báo và nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và một số người khác được trả tự do trước thời hạn. Quê Choa dường như bình an. Anh Lập còn tuyên bố rút hẳn khỏi tất cả các hội văn nghệ mà anh là thành viên, để tập trung vào trang blog đã trở thành địa chỉ truy cập hàng đầu của báo chí tự do, làm một cá nhân độc lập, một “người lái đò nhỏ chở con thuyền sự thật”, vẫn ôn hòa và thận trọng như xưa.

Gần hai tháng nay, tôi để ý thấy Quê Choa chủ yếu đăng lại tin từ báo chí nhà nước và các hãng tin quốc tế, thỉnh thoảng có bài từ các blogger và Facebooker danh tiếng, song là những người không hề bị coi là persona non grata đối với chính quyền.


Từ khi blogger Hồng Lê Thọ bị bắt, Quê Choa càng kiềm chế hơn. Song điều duy nhất có thể đoán trước ở một chế độ chuyên chế là sự không thể đoán trước của nó, kể cả sự sụp đổ. Và điểm tích cực duy nhất, nếu có thể dùng từ này, trong sự kiện anh Lập bị bắt, là nhận thức – vâng, nhận thức miễn phí cho tất cả, chỉ rất đắt cho anh và gia đình – rằng mọi bí quyết để an toàn tương đối trong một nhà nước chuyên chế là tuyệt đối vô nghĩa.

Chúng ta lại đoán già đoán non vì sao người này bị bắt, người kia không. Chúng ta lại lần mò ranh giới an toàn giữa một bãi mìn. Chúng ta lại đi tìm tín hiệu từ những hộp đen.

 Chúng ta lại nghe ngóng thế cuộc trên thượng tầng quyền lực. Chúng ta lại đổ tất cả lên đầu Trung Quốc và đặt tất cả hi vọng vào Hoa Kỳ. Chúng ta lại cảm thán, bằng cả văn vần, về một con người đầy khí phách vừa lâm nạn. Và tất nhiên chúng ta cầu cho anh bình an.

Vâng, bình an, nghe mà phát điên, nhưng chúng ta vẫn không thôi nói như thế. Điều duy nhất chúng ta không làm là những hành động cụ thể, ở quy mô đủ rộng để có một tác động thực. 

Hàng trăm nghìn độc giả của anh sẽ quen rất nhanh khoảng trống anh để lại trên không gian ảo, như hàng trăm nghìn độc giả của Anh Ba Sàm.

Con thuyền của anh Lập, dập dìu sóng vỗ khi nào, là một con thuyền lẻ loi. Lật bởi sự tồi tệ của thể chế chính trị. Chìm bởi sự đơn độc của chính nó giữa vài ba con thuyền đơn độc khác. Đắm bởi sự bạc bẽo của phần lớn chúng ta.

Bài viết đã được đăng trên blog của nhà văn Phạm Thị Hoài và được tác giả đồng ý đăng lại trên BBC.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Tuesday, December 9, 2014

Một hệ thống mua quan bán chức lên đến hơn 5 tỉ đô la


Đăng ngày 08-12-2014

Một hệ thống mua quan bán chức lên đến hơn 5 tỉ đô la

media
Tướng 2 sao Trung Quốc Cốc Tuấn Sơn.

Tuần báo Phượng Hoàng của Hồng Kông hôm nay 08/12/2014 đưa ra thông tin mới về Trung tướng Cốc Tuấn Sơn (Gu Junshan), bị cách chức năm 2012 và truy tố tội tham nhũng. Mạng lưới của viên tướng hai sao này đã tóm thâu một số tiền bất chính khổng lồ khoảng 5 tỉ đô la Mỹ.

Tuần báo Phoenix, thuộc hệ thống truyền hình cùng tên có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Hoa lục cho biết, tướng Cốc Tuấn Sơn là một nhân vật rất mê vàng nhất là các tượng Phật bằng vàng, mặc dù ông không chê vàng thỏi mà hàng trăm sĩ quan đã lo lót để được thăng tiến.

Khi đến phiên mình, thì Cốc Tuấn Sơn đã chất đầy vàng thỏi trong một chiếc xe Mercedes và trao chìa khóa cho ông tướng cấp trên.
Một nguồn tin từ ban điều tra tiết lộ với báo Phượng Hoàng là bản thân Cốc Tuấn Sơn đạt được những gì ông ta muốn nhờ biết hào phóng lót tay. Bị truy tố về tội bán cấp bậc cho hàng trăm sĩ quan Giải phóng quân Trung Quốc, Cốc Tuấn Sơn đang chờ ngày ra tòa án quân sự.

Mạng lưới tham nhũng của viên tướng một thời làm Phó Tổng cục Hậu cần đã thu tóm ít nhất 5 tỉ đôla. Bản thân Cốc Tuấn Sơn bỏ túi riêng ít nhất 100 triệu đôla, theo báo Phoenix.

Vụ tai tiếng Cốc Tuấn Sơn dẫn đến việc cách chức một viên tướng khác là Từ Tài Hậu, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Viên tướng này bị đảng Cộng sản khai trừ và đang chờ ngày ra tòa án quân sự.
Thật ra hai viên tướng này chỉ là kẻ thừa hành. Một nhân vật bí ẩn mà báo Hồng Kông gọi là X mới thật sự là kẻ chỉ đạo.

Sinh năm 1956 trong một gia đình nông dân ở Hà Nam, Cốc Tuấn Sơn vào lính năm 17 tuổi. Không có tài năng đặc biệt nhưng biết cách làm hài lòng sĩ quan, Cốc Tuấn Sơn theo chân bố vợ là Trương Long Hải leo dần các cấp trong quân đội, trở thành sĩ quan và đến năm 2003 thăng thiếu tướng. Năm 2011, vài tháng trước khi tai tiếng tham ô bùng nổ ông được gắn thêm một sao.

Quốc hội “mổ xẻ” về PHONG TƯỚNG

Sau giải phóng miền Nam có 36 tướng nhưng đánh tan nhiều đế quốc. Nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến?
Sáng 6/11, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
           Nhiều Đại biểu đề nghị xem xét lại vì hiện nay phong tướng quá nhiều.

Tướng là để cho tác chiến, không phải cho kinh doanh
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề cập tới đề xuất phong hàm Thượng tướng cho Chính ủy Học viện Quốc phòng, hay Thiếu tướng cho một số khoa thuộc học viện và nêu quan điểm: "Đối với học viện, như các nhà trường, cái người ta cần là các chức danh liên quan đến Giáo sư, Tiến sĩ, chứ không phải là hàm cấp tướng. Hàm cấp tướng cũng cần, nhưng không phải tuyệt đối. Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải là Ủy viên Bộ trính chị.

Vì vậy, không nhất thiết phải quy định dạy cũng phải cấp tướng ở đây. Ở trường cần những người có kiến thức cao về an ninh quốc phòng, có kỹ năng sư phạm tốt. Tôi nghĩ người ta tôn trọng trên cương vị ông là Giáo sư giảng dạy vấn đề này".
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, ở các trường cần hàm Giáo sư, Tiến sĩ chứ không phải tướng. Những đơn vị đó cần rà soát lại xem cho phù hợp, nếu làm được sẽ giảm được tướng.
                                                                         "Tâm tư tướng" !

Ông Thuyền chia sẻ: "Có người hỏi tôi vì sao chúng ta phong tướng nhiều thế? Tôi hỏi bác căn cứ vào đâu để nói nhiều hay ít? Bác ấy nói là sau giải phóng miền Nam, chúng ta có 36 tướng, mà chúng ta đánh tan mấy đế quốc lớn. Vậy thì nhu cầu phong tướng của ta là gì? 

Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn? Bác ấy nói là nếu chúng ta cần tăng cường sức mạnh quân đội thì có thể phong gấp 10 lần ngày xưa tức là 360 tướng thì quân đội mạnh gấp 10 gần?".

Cũng theo Đại biểu Thuyền, phong nhiều tướng chưa chắc đã được người dân đồng tình.

"Sức mạnh của quân đội cơ bản do lòng dân, chứ còn phong nhiều tướng quá thì thực sự là người dân chưa đồng tình. Các đồng chí giải quyết thế nào đó để khi chúng tôi là Đại biểu về giải thích cho cử tri thông suốt. Tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc cái đó. Xác định phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, yêu cầu xây dựng quân đội, còn nếu xác định phong tướng để giải quyết chế độ chính sách thì nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm thì tốt hơn.

Trước đây nghe đến tướng là khủng khiếp lắm. Tôi ngày xưa đi bộ đội nghe đến Thiếu tá là ghê gớm lắm rồi… Vì vậy, tôi cho rằng cần phải cân nhắc để giới hạn việc phong tướng để nhân dân đồng tình, còn phong nhiều quá thì dân không yên tâm lắm".

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng nêu quan điểm, không phong tướng với các đơn vị kinh tế, sản xuất kinh doanh.

"Đối với các đơn vị kinh tế, có thể phong người đứng đầu cấp đại tá là được. Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh", nói.

Không phong Tướng, anh em tâm tư
Trước những ý kiến về mức trần với các trường kỹ thuật quân sự, hậu cầu, quân y, sĩ quan lục quân, Học viện Chính trị… nên là Thiếu tướng, ông Phùng Quanh Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng cho hay: “Chúng tôi đã thảo luận nhiều, xin phép giữ trần hiện hành đã thực hiện mấy chục năm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính uỷ.
Học viện Kỹ thuật Quân sự đào tạo kỹ sư cho toàn quân, cả dân sự, nghiên cứu khoa học nên đề nghị cho giữ. Cả toàn quân chỉ có trường này to nhất. Học viện Hậu cần trước đây là 3 trường sỹ quan, trung cấp hậu cần, giờ là ba trong một. Như vậy có từ lâu rồi, giờ hạ xuống, anh em rất tâm tư.
Học viện quân y cũng đào tạo bác sĩ quân y cho toàn quân, vừa đào tạo vừa nghiên cứu khoa học vừa điều trị. Trong học viện có 2 bệnh viện 103 và Viện bỏng Quốc gia của nhà nước giao cho quân đội, trường trung cấp quân y cũng nằm trong học viện.

Trường Sỹ quan lục quân lâu rồi trần cao nhất là Trung tướng. Sếp là tư lệnh quân đoàn, xuống làm hiệu trưởng, đào tạo sỹ quan cấp trung đội, đại đội, trung đoàn. Trường có lúc 18-20 tiểu đoàn học viên, 500 học viên sỹ quan. Số lượng lớn, sau này đưa Phó Tư lệnh binh chủng, quân đoàn, binh chủng, sư trưởng về làm hiệu phó khó sắp xếp”

Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến không đồng tình với đề nghị phong hàm Thiếu tướng cho Chủ nhiệm Khoa Mác-LêNin và Chủ nhiệm Khoa Quân chủng; Phong hàm Thượng tướng với Giám đốc Học viện Quốc phòng. 

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quang Thanh cho rằng: “Quá trình thẩm định có ý kiến cho rằng giảm xuống Đại tá, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép để lại là Thiếu tướng tôi cho là rất mừng. Ban soạn thảo rất tâm tư, tôi trình mà Quốc hội không bấm nút hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. 

Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác-Lê Nin không quan trọng à? Khoa khác quan trọng thế khoa này thì sao, hay là anh có vấn đề gì, rất là khó các đồng chí ạ".

Diễn giải thêm về Khoa Quân Chủng, ông Thanh cho hay, trước đây có Khoa Phòng không, Khoa Hải quân, Khoa Pháo Binh, Khoa Công Binh, Khoa Đặc công... bây giờ tất cả nhập thành Khoa Quân Chủng.

“Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có mỗi Chủ nhiệm khoa trước đây là Thiếu tướng bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm các đồng chí ạ”, ông Thanh bày tỏ.
N.Q/GDVN
 


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Monday, December 8, 2014

Giá Dầu Lửa Lao Dốc Và Tương Lai Của Cộng Sản Việt Nam

Giá Dầu Lửa Lao Dốc Và Tương Lai Của Cộng Sản Việt Nam
Huỳnh Ngọc Tuấn 
December 6, 20140 Bình Luận
  
Người ta nói dầu mỏ là mặt hàng chiến lược, nếu giá dầu lên- xuống ở biên độ lớn sẽ ảnh hưởng đến diện mạo toàn cầu, thay đổi cấu trúc an ninh khu vực và thế giới. Một số những nhà phân tích chiến lược còn cho rằng chính dầu mỏ đã tạo nên và gìn giữ một số nền độc tài ở Trung Đông, Nga và điều này đúng cả với CSVN.

Thời gian gần đây giá dầu thô lao dốc đã hình thành một tương quan chiến lược mới giúp một số quốc gia mạnh lên và đẩy một số quốc gia khác xuống khủng hoảng, chúng ta điểm qua một vài trường hợp:

Với nước Nga:
Xuất khẩu dầu thô thu về cho Nga một số tiền khổng lồ, việc dầu lao dốc khiến nước Nga mất 140  tỷ usd mỗi năm, trước đây số tiền này chế độ độc tài của Vladimir Putin đã dùng nó để trang trải cho chế độ an sinh xã hội Nga , duy trì và phát triển bộ máy đàn áp- khủng bố, đầu tư cho công nghiệp quốc phòng giúp Nga có phương tiện làm mưa làm gió tại châu Âu, đe dọa hòa bình thế giới, tiếp tay củng cố các chế độ độc tài khác hình thành một “liên minh” của các nhà nước toàn trị bất hảo. 

Giá dầu mỏ lao dốc Nga sẽ mất đi một nguồn lực khổng lồ mà nền kinh tế Nga không thể bù đắp, chế độ của Putin sẽ lâm vào khủng hoảng không lối thoát  và người dân Nga sẽ rút lại sự ủng hộ của mình đã dành cho Putin, sự ra đi của Putin trong những năm tới là khó tránh được vì nước Nga và người dân Nga cần có một nhà lãnh đạo mới để hòa giải với Mỹ và Phương Tây hy vọng nhận được đầu tư và sự hợp tác kinh tế của hai nền Dân chủ này khôi phục lại kinh tế Nga.

Với Trung cộng:
Giá dầu thô giảm giúp Trung cộng tiết kiệm được một số tiền khổng lồ, làm hàng hóa Trung cộng rẻ hơn và tính cạnh tranh sẽ mạnh hơn nữa.

 Trung cộng có thêm nguồn lực để tiếp tục với tốc độ phát triển cao, nền kinh tế của Trung cộng sẽ có thêm cơ hội đuổi kịp Hoa kỳ rút ngắn thời gian đưa Trung cộng trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Với sức mạnh kinh tế vũ bão, Trung cộng sẽ có nhiều tiền để đầu tư vào quân sự, biến quân đội Trung cộng vốn đã mạnh trở nên đáng sợ hơn nhiều, giới “diều hâu” và dân tộc chủ nghĩa sẽ càng hãnh tiến hơn, tham vọng thống trị thế giới sẽ “thôi thúc” hơn tạo nên nguy cơ phiêu lưu quân sự lớn hơn.

Tham vọng bá chủ của Trung cộng sẽ đẩy tình hình biển Đông vào thế đối đầu không những đối với các nước trong khu vực mà còn đối với quyền lợi của Mỹ -Nhật- Úc. Nhưng Việt nam vẫn là quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng nhất nếu Trung cộng mạnh lên, đây là thách thức đối với nhà cầm quyền CSVN vốn chủ trương “lấy đại cục làm trọng” giữa hai chế độ CS..!?

Chiều hướng giá dầu lao dốc không thể đảo ngược trong vòng vài thập niên tới vì sự xuất hiện của công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến của Hoa kỳ.

Với Cộng sản Việt nam:
-CSVN xuất khẩu mỗi năm từ 15 triệu đến 20 triệu tấn dầu thô, mỗi tấn dầu là 7 thùng như vậy tương đương với 120 triệu thùng , nếu CSVN mất đi 50 usd cho một thùng như hiện nay (giá dầu thô từ 115$ rơi xuống 65$) thì CSVN sẽ mất 6 tỷ Mỹ kim một năm, nếu giá dầu tiếp tục rơi xuống ngưỡng 40$ như dự báo của các chuyên gia thì CSVN sẽ mất 9 tỷ usd một năm.

Nguồn thuế từ kim nghạch nhập khẩu xăng dầu thành phẩm cũng mất đi một nữa trong số 38%-  khoảng hai tỷ usd nữa.

Đây là một số tiền khổng lồ dùng để trả lương cho guồng máy cai trị và đàn áp của CSVN, mất nguồn lực này CSVN bị “mất máu” nghiêm trọng, chúng ta thử phân tích một số hệ lụy trông thấy của vấn đề này.

Mặt Nguồn Nhân Lực
Số tiền khổng lồ từ xuất khẩu dầu thô và thuế nhập xăng dầu đã mang lại cho chế độ CSVN nguồn lực lớn về nhân lực cũng như “uy tín” vì trong số 3 triệu đảng viên CS và gia đình cộng với những thành phần ăn theo đang phục vụ chế độ làm cho số người nhận được bổng lộc từ nguồn thu dầu mỏ lên đến  vài chục triệu người.

CSVN  dùng số tiền khổng lồ này để nuôi quân đội, công an, các hội đoàn vệ tinh của đảng CS và một lực lương ăn theo đông đảo. Trong cái lực lượng ăn theo đó là đội ngủ những tên lưu manh bất hảo nhận lương từ công an VC để đàn áp nhân dân và phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt nam.

Những cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lược diễn ra ở Saigon , Hà nội và một số nơi khác bị đàn áp và dập tắc từ trong trứng nước bởi một lực lượng công an mật chỉ đạo và được đám đông những tên đầu gấu thực hiện.

CSVN còn dùng các hội đoàn như Đoàn Thanh niên CS Hồ chí Minh để lập rào chắn ngăn chận biểu tình, hay như ở Công viên Lý Thái Tổ – Hà nội CSVN huy động một lực lượng đông đảo những người  lớn tuổi nhãy múa trên công viên để choáng chổ không cho người biểu tình yêu nước tập họp.

CSVN còn dùng công an và  đầu gấu để khủng bố, đánh đập những nhà dân chủ làm cho nhiều người bị trọng thương.
Mới đây nhất là việc CSVN thuê côn đồ tấn công bằng gạch đá, trứng thối vào nhà thờ Hội Thánh Tin Lành Mennonite ở tỉnh Bình Dương…hay những vụ tấn công vào gia đình các nhà Dân chủ như Huỳnh ngọc Tuấn, Bùi thị Minh Hằng và trước đây là nhà ông Hoàng Minh Chính, Trần Khải Thanh Thủy..v.v..
Không có tiền chi trả, CSVN sẽ không thể huy động lực lượng này.

Mất “Niềm Tin”
Với gia đình và thân tộc của 3 triệu đảng viên CS và thành phần ăn theo: CSVN cũng sẽ bị thành phần này xa lánh vì chẳng còn được lợi lộc bao nhiêu khi gắn bó, ủng hộ đảng CS. Đây là thành phần nòng cốt về chính trị của đảng CSVN, giúp CSVN phô trương thanh thế với xã hội và là nền tảng của quyền lực..

Việc phát triển đảng viên mới và trẻ trong thời gian tới sẽ không thực hiện được khi đảng CSVN đã mất đi tính “hấp dẫn” vì không có tiền để trả cho những thành phần này hậu hỉnh như trước đây.
Những Hội đoàn vệ tinh của đảng CS như Phụ nữ, Thanh niên, Người cao tuổi, hội Cựu quân nhân, Hội Nông Dân, hội đồng hương các tỉnh cũng sẽ không còn nhận được tiền tài trợ cho hoạt động nên sẽ dẫn đến tình trạng “ế như chợ chiều” trong sinh hoạt hội và từng bước rất nhanh đi vào tê liệt trống rổng…

Còn đối với Công an và giới lãnh đạo trong Quân đội, nếu không có bổng lộc hậu hĩnh để mua lòng trung thành với đảng CS thì rất nhiều người trong hai lực lượng này sẽ “xem xét” lại thái độ đối với đảng CS, vì những thành phần này không hề có lý tưởng gì, họ phục vụ vì quyền lợi bản thân và gia tộc. Ít nhất là sự “nhiệt tình cống hiến” sẽ giảm đi rõ rệt..!!

Từ trước đến nay chế độ cs VN giữ được chiếc ghế quyền lực là nhờ vào những  lực lượng này. An nguy của chế độ trông cậy vào họ, nhưng csVN phải chịu một áp lực lớn là phải có nguồn tiền khổng lồ để nuôi sống cái lực lượng bảo vệ đảng này.
Số tiền hơn 10  tỷ usd hàng năm từ dầu mỏ được tung vào thị trường để nuôi sống cả một hệ thống gồm Địa ốc, giải trí, hàng tiêu dùng, dịch vụ, an sinh cho những phần tử thân chế độ  v..v ..

Mất nguồn tiền này thị trường địa ốc sẽ khó tránh được sụp đổ, thị trường sản xuất và bán lẽ cũng lao đao, quỹ lương và an sinh dành cho cán bộ đảng viên và  bọn ăn theo bị khủng hoảng, kéo theo đó là nguồn thuế từ các doanh nghiệp cũng giảm, dịch vụ đình đốn, cả nền kinh tế của VC sẽ lâm nguy.

Điều quan trọng hơn là nếu không có tiền csVN sẽ không tập hợp được lực lượng, không mua được lòng “trung thành” của đảng viên cùng gia đình chúng và những phần tử ăn theo đông đảo. Lực lượng bảo vệ đảng sẽ tan rã và đảng CS sẽ phải đơn độc đối mặt với sự phản kháng của người dân.

Theo cảm nghiệm của tôi từ năm 1975 đến năm 1995 đất nước Việt nam bị chìm trong khủng hoảng, đói nghèo. Người dân không có cơm ăn, không có áo mặc, không có thuốc men, xà phòng tắm và kem đánh răng lúc đó là những hàng hóa “xa xỉ” , cả nước như lũ ăn mày trong “Cái Bang” nên lúc đó 90% người dân VN có ý thức chống Cộng mãnh liệt.

Sau khi Đông Âu và Liên xô sụp đổ đảng CSVN lâm vào khủng hoảng , số đảng viên bỏ đảng tăng lên bất thường, việc phát triển đảng viên mới không thực hiện được, nhưng từ khi CSVN thực hiện “đổi mới” kinh tế và bắt lại quan hệ với Trung cộng sau Hội nghị Thành Đô rồi hội nhập thế giới nhờ Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận nên giải quyết được khủng hoảng kinh tế cộng với giá dầu thô tăng vọt CSVN trở nên giàu có và số người xin vào đảng tăng lên, số người ủng hộ chế độ cũng tăng vì thành phần ăn theo đảng này đánh hơi thấy đảng CSVN “có tương lai” và có khả năng ban phát lợi lộc cho họ.

Tình hình hiện nay sẽ bị đảo ngược trong một hai năm tới.
Mất nguồn thu từ dầu mỏ , ngày tàn của chế độ CSVN có thể nhìn thấy..

Huỳnh ngọc Tuấn
05/12/2014

Hỏa Bốc Lên Đầu Khi Dầu Sụt Giá

Hỏa Bốc Lên Đầu Khi Dầu Sụt Giá

Nợ xấu, nợ công - Đường cùng của kinh tế Việt Nam





image





Preview by Yahoo





Khi dầu tăng giá, chiến tranh dễ tàn phá. Ngược lại cũng thế, hãy hỏi Gorbachev!

Khi dân Mỹ đang nhồi thịt gà cho bữa tiệc Tạ Ơn vào buổi tối thì mặt trời thức giấc sớm hơn ở bên kia bán cầu: tổ chức OPEC của các nước xuất cảng dầu thô vừa kết thúc hội nghị tại Vienna trong cùng ngày Thứ Năm – với tiếng thở dài. Không thể giảm số cung để giữ giá được. Tin loan ra là giá dầu lại sụt trên các thị trường, lần đầu tiên tụt đáy bảy chục một thùng kể từ ba năm nay.Và sẽ còn tụt nữa trong nhiều năm tới.

Cùng với tin đó về hội nghị của OPEC, người ta biết thêm rằng ông trùm Igor Sechin, một thủ lãnh có ảnh hưởng trong đám cận thần của Tổng thống Vladimir Putin, đã thất bại trong chuyến du thuyết trước khi có hội nghị OPEC. Là Tổng quản trị của tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosnef, Sechin đi vận động các thành viên OPEC cùng nhau tiết giảm số cung để nâng giá dầu mà chuyện không thành. Buồn ơi chào mi.

Hãy nói về nguyên do sụt giá đã.
Đầu tiên là chuyện cung cầu. Số dầu cung cấp trên thế giới hiện cao hơn số cầu đến triệu thùng một ngày. Nói về dầu thô, người ta dùng khái niệm “nhật lượng” là sản lượng trong một ngày. Số tiêu thụ của toàn cầu hiện ở mức 92 triệu thùng mà nhật lượng của các nước sản xuất lại cao hơn một triệu thùng, và giá dầu lại có mức đàn hồi (co giãn) rất cao nên giá sụt mạnh hơn sự chênh lệch cung cầu.
Cũng về mặt cung, nhật lượng của Mỹ là gần chín triệu thùng (tính đến cuối Tháng 10) nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật mới, là gạn đá phiến ra dầu (shale-oil). Ngoài ra, dù Libya có loạn cũng đã bơm thêm dầu, từ 200 ngàn thùng nay đã 900 ngàn. Xứ Iraq chưa êm thì cũng ráo riết bơm dầu để đạt nhật lượng kỷ lục là ba triệu 300 ngàn thùng. Cả thế giới cứ nói đến nguy cơ khủng hoảng vì tổ chức khủng bố ISIL tại Syria và Iraq, nhưng quân khủng bố cũng cần bơm dầu để bán.

Trong khi đó, số cầu trên thế giới lại giảm. Từ nhiều năm rồi, các nền kinh tế Bắc Mỹ đều đã cải tiến hiệu suất – là tiêu thụ ít hơn cho cùng một sản lượng. Mà kinh tế Trung Quốc và Âu Châu lại có dấu hiệu trì trệ. Lần thứ ba trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đánh sụt dự báo tăng trưởng toàn cầu, và qua năm tới thì tình hình chưa mấy khả quan.

Người ta có thể nghĩ rằng yếu tố cung cầu ấy chỉ có tính cách ngắn hạn và giá dầu lại vượt trần là trăm đô la một thùng sau khi sụt mất ba chục bạc. Trên lý thuyết, khi giá dầu hạ là người tiêu thụ tiết kiệm được tiền và xài vào việc khác nên sẽ kích thích kinh tế và làm tăng số cầu. Và cũng trên lý thuyết thì khi giá hạ, các doang nghiệp sản xuất bị mất lời nên sẽ điều chỉnh sản lượng và làm giảm số cung. Nhưng đấy là lý thuyết.

Về thực tế, số cầu tại Bắc Mỹ tiếp tục giảm và sẽ giảm nữa nhờ hiệu suất tiêu thụ và các loại năng lượng điền thế. Kinh tế Âu Châu chưa ra khỏi suy trầm mà cũng có chiều hướng cải tiến hiệu suất tiêu thụ. Còn Trung Quốc thì sẽ đi vào chu kỳ suy thoái, có khi còn bị khủng hoảng.

Trong lúc đó, các nước dầu hỏa Trung Đông như Libya, Iraq hay Iran đều cần tiền và ra sức bơm dầu. Riêng có Saudi Arabia thì đã trường vốn, có tiền, lại mưu toan giữ giá dầu thật thấp để chi phối sản lượng của các doanh nghiệp Mỹ đã tốn tiền đầu tư vào kỹ thuật đá phiến.

Vì vậy mà cung vẫn cao hơn cầu trong nhiều năm tới và giá dầu khó trở lại trăm bạc một thùng. Lại còn có thể sụt dưới mức sáu chục là ít.
Khi một sản phẩm sụt giá thì xứ nào tiêu thụ sẽ có lời và các nước sản xuất sẽ lỗ. Kinh tế học gọi đó là “tái phân lợi tức”, từ người bán sang người mua. Nhưng dầu thô là sản phẩm có tính chất chiến lược cho nên ảnh hưởng về giá cả cũng có kích thước chính trị.

Trước hết, các quốc gia chỉ sống bằng khu vực năng lượng chứ không có sản phẩm nào khác thì sẽ vất vả. Đó là trường hợp của Liên bang Nga, một xứ lạc hậu về kinh tế với sản lượng Vodka và võ khí rất khó bù lỗ cho ngành dầu khí. Nếu dầu thô mà sụt dưới 90 bạc là ngân sách sẽ lủng và chính trường chung quanh Putin sẽ lủng củng. Putin có thể ngang nhiên làm thịt Ukraine trước sự bất lực và hậm hực của các nước Tây phương, nhưng lại bị thị trường trừng phạt còn nặng hơn chính trường Âu Mỹ!

Cũng vì vậy mà Putin đã cố tình quậy nát Trung Đông, cho cậu bé Barack Obama cầm lon nước đi chữa lửa, để giữ giá dầu trên cái ngưỡng trăm bạc. Dù nước Nga chẳng là thành viên của OPEC, Putin vẫn cố gửi Sechin qua Vienna tiếp xúc với Saudi Arabia, Venezuela và Mexico để kêu gọi các nước xuất cảng hãm vòi sản xuất, mà không xong. Lý do là nhiều nước OPEC cùng thấy rằng chính Putin cũng chẳng thể hãm vòi của các giếng dầu ở Tây Bá Lợi Á.

Nhìn trong trường kỳ, người ta không quên là trong một phần tư thế kỷ, từ 1975 đến năm 2000, là giá dầu thô chỉ ở mức 12 tới 40 đô la một thùng mà thôi. Trong khoảng thời gian đó, sau khi Michael Gorbachev lên lãnh đạo Liên bang Xô viết, giá dầu còn sụt mạnh vào cuối năm 1985 khi Saudi Arabia mở vòi bơm…

Hai năm sau là Liên Xô cạn vốn. Hai năm suy sụp kinh tế sau đó mới góp phần làm cho chế độ tan tành.

2014 DEC 2 Russia vs US 300
Người ta cứ nghĩ rằng khi dầu thô lên giá, xứ nào cũng cố gắng bảo đảm nguồn cung cấp và vì vậy mà chiến tranh càng dễ bùng nổ. Nhưng khi dầu thô sụt giá trong nhiều năm liền, là trường hợp ngày nay, thế giới cũng rất dễ bị khủng hoảng. Gorbachev đã thấy điều đó.Xin hãy ngồi xem.Nhưng chính là trong kịch bản ấy ta mới nhớ đến kế hoạch của Putin khi chạy qua bán năng lượng cho Trung Quốc.

Putin đã tưởng rằng khôn và độc khi nhận tiền dầu bằng đồng bạc của Tầu thay vì đô la Mỹ. Nào ngờ dầu thô sụt giá và đồng Nguyên sẽ mất giá nữa trong trận chiến hối đoái sắp tới. Trong khi đô la cứ lặng lẽ lên giá một cách đáng ghét. Kết quả là Nga thu về một đồng tiền mất giá trong khi vẫn phải trang trải các khoản nhập cảng khác bằng tiền Mỹ.Rõ là hỏa bốc lên đầu khi dầu thô sụt giá!

Nguyễn Xuân Nghĩa



Featured Post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

My Blog List