Ngành luyện
kim kêu gọi G7 có biện pháp trước thép giá rẻ Trung Quốc
Một xưởng sản xuất thép tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Ảnh chụp ngày 02/08/2012. REUTERS/Stringer/File Photo
Mười hai liên đoàn ngành luyện kim của nhiều nước hôm 25/05/2016
đã kêu gọi các nước nhóm G7 họp tại Nhật Bản ngăn trở việc nhập khẩu thép Trung
Quốc giá rẻ, tạo cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường thế giới.
Trong các thư ngỏ được công bố hôm qua, mười hai liên đoàn các nhà
luyện kim của nhiều nước đã kêu gọi các lãnh đạo G7 bàn bạc các biện pháp đối
phó với những nước không tôn trọng các quy tắc của kinh tế thị trường, đặc biệt
là Trung Quốc, và có hành động chống lại nạn sản xuất thừa trong ngành thép.
Các nhà sản xuất thép đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá thép sụt
giảm mạnh, vì Châu Âu và Hoa Kỳ nhập khẩu ồ ạt thép Trung Quốc; bên cạnh đó là
nhu cầu về thép cũng giảm hẳn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Hồi tháng
3/2016, tập đoàn Tata Steel đã phải loan báo ngưng mọi hoạt động sản xuất trên
đất Anh vì thua lỗ nặng nề.
Ông Axel Eggert, tổng giám đốc Liên đoàn thép châu Âu (Eurofer) tố
cáo Trung Quốc chính là gốc rễ vấn đề, vì sản xuất đến 50% tổng lượng thép thế
giới năm 2015, trong khi tỉ lệ này năm 2000 chỉ là 15%. Phía Bắc Kinh lâu nay
vẫn cho rằng mình đã bị cáo buộc sai lạc bởi các quốc gia chủ trương bảo hộ. Chính
phủ Mỹ cho biết các lãnh đạo G7 sẽ nêu ra các phương cách để giảm bớt hiện
tượng sản xuất thừa trong công nghiệp thế giới, nhất là tình trạng thép thặng
dư quá nhiều hiện nay.
Hôm 12/5, Nghị viện châu Âu đã phủ quyết với đa số phiếu việc Liên
Hiệp Châu Âu công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, Liên
minh công nghiệp châu Âu (AEGIS Europe) cũng gởi thư cho các lãnh đạo Liên Hiệp
Châu Âu và Anh, Pháp, Đức, Ý yêu cầu chống lại « đòi
hỏi không chính đáng của Trung Quốc muốn được coi là nền kinh tế thị trường ».
Thép không rỉ Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế chống phá giá nặng nề
Bộ Thương Mại Trung Quốc hôm qua đã áp thuế chống phá giá lên thép
không rỉ nhập khẩu từ năm nước châu Á, trong đó Trung Quốc bị đánh thuế nặng
nhất. Thuế chống phá giá đánh vào thép không rỉ Trung Quốc lên đến 210%,
cộng vào đó là thuế chống trợ giá, ở mức từ 39 đến 241%. Mức thuế chống phá giá
đánh vào Trung Quốc thay thế cho thuế tạm tính 256% hồi tháng 12/2015.
Các mức thuế chống phá giá từ 3% đến 92% cũng được áp đặt đối với thép
không rỉ của Hàn Quốc, Ý, Ấn Độ và Đài Loan, còn thuế chống trợ giá cũng được
áp dụng cho các nước này trừ Đài Loan.
Bộ Thương Mại Trung Quốc cho rằng quyết định của Hoa Kỳ là « phi
lý », sẽ ảnh hưởng đến việc hợp tác giữa hai nước. « Trung
Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để có được việc đối xử bình đẳng, bảo
vệ quyền lợi doanh nghiệp » - bộ này tuyên bố, nhưng không cho biết
cụ thể.
Tuần trước Washington cũng đã nâng mức thuế hải quan đánh vào thép
cán lạnh của Trung Quốc lên đến 522%. Các cường quốc phương Tây lên án Bắc
Kinh đã tràn ngập thị trường với các loại thép giá rẻ hơn cả giá thành, để tống
khứ số thép thừa do nhu cầu nội địa giảm mạnh.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.