Việt Nam 2017 : PetroVietnam làm rúng động chính trường
Có thể nói là chưa bao giờ chiến dịch chống tham nhũng trong giới
lãnh đạo Việt Nam diễn ác liệt như trong năm 2017 này, trong bối cảnh đấu đá nộ
bộ vẫn rất gay gắt. Chưa hết rúng động về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ
Berlin đem về Việt Nam vào tháng 7, chính trường Việt Nam lại nóng thêm với vụ
bắt giữ ông Đinh La Thăng, một đương kim ủy viên trung ương Đảng, ngày
08/12/2017. Ông Thăng bị bắt với tội danh «
Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng » và một
số tội danh khác.
Cả hai nhân vật này đều là những cựu lãnh đạo của ngành dầu khí.
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp Dầu
khí Việt Nam (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam),
còn ông Đinh La Thăng, trước khi làm bí thư thành ủy Sài Gòn đã từng là Chủ
tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam. Cả hai đều liên quan đến vụ góp vốn 800 tỷ
đồng của PetroVietnam vào Ngân Hàng Đại Dương Ocean Bank. Riêng ông Trịnh Xuân
Thanh sẽ bị đưa ra xử vào đầu năm 2018. Cùng với ông Thanh và ông Thăng, hàng
loạt quan chức cao cấp khác trong ngành dầu khí và ngân hàng cũng đã bị bắt vì
tội tham nhũng trong năm 2017.
Vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng đã được báo chí quốc tế đặc biệt chú
ý. Hãng tin Reuters ngày 11/12 đã có bài viết tựa đề « What's behind Vietnam's
corruption crackdown? » (Đằng sau chiến dịch chống tham nhũng là gì ?)
Theo nhận định của Reuters, những vụ bắt giữ này cho thấy đang có
một nỗ lực phối hợp nhằm bài trừ nạn tham nhũng khiến đảng ngày càng mất uy
tín. Nhưng chiến dịch chống tham nhũng này cũng giúp cho tổng bí thư đảng
Nguyễn Phú Trọng củng cố thêm vị thế, sau khi đã giành chiến thắng trong cuộc
đấu đá tranh giành quyền lực với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm ngoái.
Cho dù có nhân vật nào cao cấp hơn bị bắt giữ hay không, ông Trọng đã nắm chắc
thế thượng phong từ đây cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Ngay cả sau thời
điểm đó, phe Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ tiếp tục duy trì thế áp đảo trên
chính trường Việt Nam.
Nhân đây, hãng tin Reuters nhắc lại rằng, mặc dù bề ngoài có vẻ
đoàn kết nhất trí, nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều bất đồng về đủ
mọi vấn đề, từ nhịp độ cải tổ cho đến chính sách đối ngoại nhằm giữ thế cân bằng
của Việt Nam giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc khác.
Theo Reuters, điểm đặc trưng nhất của ban lãnh đạo hiện nay là họ
bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng bằng việc gắn chặt với bộ máy an ninh.
Đó là một sự thay đổi về phong cách lãnh đạo so với thời Nguyễn Tấn Dũng, khi
mà một số nhân vật đã tự thân nổi bật lên và tỏ những dấu hiệu sẳn sàng mở cửa
chính trị.
Chiến dịch bắt bớ các quan chức tham nhũng có ảnh hưởng gì đến
tiến trình cải tổ và tư nhân hóa ở Việt Nam hay không ?
Theo Reuters, cho dù chiến dịch trấn áp tham nhũng sẽ củng cố
quyền lực chính trị của đảng, nhưng ban lãnh đạo hiện nay sẽ vẫn giữ nguyên tốc
độ cải tổ như chính phủ trước. Tuy vậy, do ngân sách Nhà nước ngày càng bị thâm
thủng, chính phủ Hà Nội đang buộc phải đẩy nhanh tiến trình « thoái vốn », tức
là bán cổ phần các tập đoàn Nhà nước « hấp dẫn » nhất như Sabeco hay Vinamilk.
Trang mạng Asia Times ngày 13/12/2017 cũng đã có một bài nhận định
về vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, tựa đề « What the arrest of a top official
says about Vietnamese politics » (Vụ bắt giữ một quan chức cao cấp nói lên điều
gì về chính trị Việt Nam). Tác giả bài viết là ông Đoàn Xuân Lộc, một nhà
nghiên cứu hiện làm việc tại Anh Quốc.
Theo ông Đoàn Xuân Lộc, sau khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt
Nam vào tháng 5/2017 khai trừ ông Đinh La Thăng ra khỏi Bộ Chính Trị, đồng thời
cách chức bí thư thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh, sự nghiệp chính trị của ngôi
sao đang lên này coi như tiêu tan và vụ bắt giữ ông Thăng phần nào chẳng có gì đáng
ngạc nhiên.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, vụ này vẫn thu hút nhiều chú ý
và gây ra nhiều lời đồn đoán, bởi vì đây là lần đầu tiên một thành viên của cơ
quan ra quyết định cao nhất của đảng (và của Việt Nam) bị truy tố công khai vì
sai phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng.
Giống như vụ Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài ở Trung Quốc, cũng là hai
ủy viên Bộ Chính trị, người ta cho rằng cuộc điều tra hình sự nhắm ông Đinh La
Thăng là có động cơ chính trị. Hai cựu bí thư Trùng Khánh bị coi là đối thủ
chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi cựu bí thư Thành phố Hồ Chí Minh
là đồng minh thân thiết của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được coi
như một đối thủ của ông Trọng.
Một trong những tội mà ông Thăng bị cáo buộc là « cố ý làm trái
quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng » và « lợi
dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại » khoảng 40 triệu
đô la Mỹ trong thời gian làm chủ tịch Hội đồng Quản trị PetroVietnam, công ty,
trong giai đoạn 2009-11.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ, tại sao một vi phạm nghiêm trọng như vậy lại
không được phát hiện sớm và những cáo buộc đã được đưa ra trước đó? Tại sao một
quan chức có những sai phạm như vậy được đề bạt lên lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận
Tải năm 2011, lên tới Bộ Chính Trị quan trọng và sau đó nắm chức bí thư thành
ủy Thành Phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, vào năm 2016 ?
Trong một quốc gia minh bạch và dân chủ hơn, ông Thăng lẽ ra đã
không thể có những vi phạm như vậy và nếu có, thì ông đã bị ngăn chận hoặc bị
truy tố sớm hơn nhiều.
Theo cái nhìn của ông Đoàn Xuân Lộc, nạn tham nhũng quy mô lớn,
sâu rộng và các vấn đề liên quan khác, chẳng hạn như nạn gia đình trị và quản
lý yếu kém về kinh tế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp Nhà nước, sẽ không thể
bị hạn chế đáng kể, chưa nói đến chuyện bị ngăn chận, trừ phi Việt Nam thực
hiện các cải cách triệt để về chính trị và thể chế.
Nhưng nạn tham nhũng ở Việt Nam sâu rộng như thế nào ? Trong bài
viết tựa đề « How deep is Vietnam’s rot ? » (Sự thối nát sâu rộng đến mức nào ?),
đăng trên trang Asia Times ngày 05/12, tức là trước vụ bắt giữ ông Đinh La
Thăng, nhà báo Davit Hutt nhắc lại vụ Trịnh Xuân Thanh và trích lời giáo sư
Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc đại học New South Wales của Úc,
cho rằng các vụ xét xử những quan chức cao cấp và những bản án nặng nề chính là
nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng trước nạn tham nhũng.
Nhưng các nhà phân tích cũng nghi ngờ động cơ chính trị của vụ
này, một phần là do sự thất sủng của ông Đinh La Thăng, một đồng minh thân cận
của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một số người nghĩ rằng ông Trọng nay tiến
hành thanh trừng những tay chân thân tín của ông Dũng.
Cũng theo Davit Hutt, một lý do khác giải thích cho chiến dịch
chống tham nhũng ngày càng quyết liệt của ông Nguyễn Phú Trọng đó là tương lai
của đảng Cộng sản Việt Nam. Nạn tham nhũng, quản lý kém cõi và biển thủ trong
các tập đoàn Nhà nước đã gây rất nhiều tổn hại cho ngân sách nhà nước. Theo một
báo cáo của Uỷ ban Pháp luật Quốc Hội đệ trình vào tháng trước, trong một thập
niên qua, ít nhất 2,6 tỷ đôla đã bị thất thoát, một con số có lẽ thấp hơn thực
tế, nếu chỉ dựa trên những số liệu được tiết lộ qua những vụ án gần đây.
Hiện giờ, Hà Nội đang cố huy động nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ
tầng lớn, rất cần thiết để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao. Tính chính đáng
của đảng Cộng Sản Việt Nam, vốn không phải là từ lá phiếu của người dân, phụ
thuộc phần lớn vào mức tăng trưởng tiếp tục cao.
Vấn đề là theo David Hutt, cho tới nay, nỗ lực của chính phủ nhằm
chống tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước và khu vực nhà nước vẫn rất
hạn chế, nhất là trong việc thu hồi số tiền thất thoát do tham nhũng. Trong số
2,6 tỷ đôla thất thoát trong một thập niên qua, chỉ có 8% được thu hồi, theo
báo các của Uỷ Ban Pháp Luật Quốc Hội.
Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của chính quyền Việt Nam cũng
chính là nhằm khôi phục thanh danh của khu vực kinh tế nhà nước, một điều rất
cần thiết để tiến trình « thoái vốn » các tập đoàn nhà nước thành công và các
doanh nghiệp nhà nước thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
Nhưng theo giáo sư Carl Thayer, các bản án có tác động rất ít đến
nạn tham nhũng ở Việt Nam, bởi vì nguyên nhân sâu xa của nó là sự quản lý kém
cõi : thiếu hệ thống kiểm toán độc lập, thiếu một nền tư pháp không bị ảnh
hưởng chính trị. Theo giáo sư Thayer : « Cú sốc của các bản án sẽ phai dần theo
thời gian ».
Trong năm 2017, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam với Đức lại trở
nên căng thẳng như thế kể từ khi chính phủ Berlin tố cáo mật vụ của Hà Nội, với
sự trợ giúp của sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
đem về nước.
Đây là một vụ bắt cóc mà báo chí Đức mô tả là không khác hgì vào
thời Chiến tranh lạnh. Berlin đã đòi Hà Nội xin lỗi, nhưng phía Việt Nam vẫn
bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định ông Thanh đã « tự nguyện » trở về đầu thú nhà chức
trách.
Theo hãng tin Đức PDA ngày 04/12, các luật sư của Trịnh Xuân Thanh
xem thân chủ của họ là « nạn nhân của đấu đá quyền lực trong đảng Cộng sản Việt
Nam ». Khi còn ở Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tị nạn chính trị, cho
nên các luật sư của ông tin chắc là ông không hề tự nguyện trở về nước. DPA
cũng bày tỏ mối quan ngại về khả năng ông Trịnh Xuân Thanh lãnh án tử hình.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.