Tính Ra GDP Để Làm Gì?
Mặc Lâm & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-06-17
2015-06-17
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Ảnh minh họa
Khi lãnh đạo một quốc gia đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là 7% hay 6,5%
thì điều ấy có nghĩa là gì? Sâu xa hơn vậy, khái niệm Tổng sản lượng Kinh tế
hay Tổng sản phẩm Xã hội, hoặc GDP là gì? Diễn đàn Kinh tế tìm giải đáp cho các
câu hỏi đó qua phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.
Mặc Lâm: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông,
cách đây mấy tháng, trong phiên họp của Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc
Cường đã đề ra hai mục tiêu là duy trì mức tăng trưởng bền vững vào khoảng 7%
và giải quyết gánh nợ quá lớn của nền kinh tế. Cách đây ít ngày, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam cũng nói đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay
sẽ là 6,5%. Khi có những tuyên bố như vậy thì người ta nên nghĩ sao? Và đi sâu
hơn vào vấn đề thì tăng trưởng là gì, làm sao đo lường được mức tăng trưởng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lần lượt đi vào vấn đề để tìm giải đáp cụ thể cho mấy
câu hỏi này.
- Nói về tình hình Trung Quốc khi tuần trước chúng ta đã nêu câu
hỏi về sự mạnh yếu của kinh tế xứ này thì mình nên nhớ vài chuyện trong bối cảnh.
Trung Quốc đang có một vấn đề nghiêm trọng là gánh nợ quá cao của cả quốc gia.
Theo các nguồn thẩm định đáng tin cậy thì kinh tế Trung Quốc đang mắc nợ từ 250% đến 282% của Tổng sản
lượng GDP. Nếu ta chấp nhận ước
tính phổ thông của các định chế quốc tế thì tính đến cuối năm ngoái, Tổng sản
lượng của Trung Quốc ở khoảng hơn chín ngàn tỷ đô la, tức là xứ này có thể mắc nợ từ 22 ngàn 500 tỷ đến 25 ngàn 400 tỷ đô
la.
- Chi tiết thứ hai đáng chú ý là gánh nợ của Trung Quốc đã tăng
vọt và ngày càng nặng hơn trong mươi năm vừa qua. Giới kinh tế có một phép tính
dễ nhớ là đếm thử xem kinh tế phải bơm thêm bao nhiêu tiền về tín dụng, hoặc
vay thêm bao nhiêu tiền, để tạo thêm một đơn vị sản xuất.
Như Trung Quốc phải bơm thêm bốn đồng vào
kinh tế thì sản lượng mới tăng thêm được một đồng. Khi Thủ tướng Bắc Kinh đề ra chỉ tiêu
tăng trưởng là 7% thì điều ấy có nghĩa là sản lượng kinh tế sẽ tăng thêm được
630 tỷ đô la. Muốn như vậy, họ phải bơm thêm gần ba ngàn tỷ tiền nợ. Với đà vay
mượn quá cao như hiện nay, gánh nợ của Trung Quốc có thể sẽ nhân đôi trong bảy
tám năm nữa thì mới duy trì được đà tăng trưởng 7%. Như vậy, làm sao giải quyết
mục tiêu giảm nợ được?
Đó là một số liệu tạm về lượng tài sản hay sản lượng mà mình tạo
ra. Không có một cái cân đo lường dù lệch lạc thì mình vẫn chẳng biết được kết
quả lao động là gì...con số GDP ấy cũng có ích để so sánh một nền KT trong hai
thời điểm khác nhau, hoặc hai nền kinh tế trong cùng một khoảng thời gian nhất
định
Nguyễn-Xuân Nghĩa
...Đó là một số liệu tạm về lượng tài sản hay sản lượng mà mình
tạo ra. Không có một cái cân đo lường dù lệch lạc thì mình vẫn chẳng biết được
kết quả lao động là gì...con số GDP ấy cũng có ích để so sánh một nền kinh tế
trong hai thời điểm khác nhau, hoặc hai nền kinh tế trong cùng một khoảng thời
gian nhất định
- Kết luận ở đây là Thủ tướng Bắc Kinh đưa ra một chiến lược mâu thuẫn
và hai mục tiêu bất khả. Trường hợp Việt Nam cũng không khác, khi lãnh đạo đưa
ra một con số và treo lên đó nhiều hy vọng mà chẳng biết làm sao có thể đạt mục
tiêu hay chỉ tiêu được đề ra.
Mặc Lâm: Nếu vậy thì chúng ta có thể tìm đến câu hỏi
“tăng trưởng là gì”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta tạm mường tượng ra một hình ảnh đơn giản sau đây cho
dễ hiểu.
- Ta có một nhà máy sản xuất, một khu vực kinh tế hay một quốc
gia. Trong một khoảng thời gian nhất định, như một năm, một quý hay một ngày, mình
đưa vào đó một số nhập lượng hay tài sản như nguyên nhiên vật liệu và công sức
con người, v.v… thì ở đầu ra sẽ có một số xuất lượng.
- Khi xuất lượng ở đầu ra trị giá cao hơn nhập lượng ở đầu vào thì
ta có gia tăng sản xuất hay tái sản. Ngược lại, nếu xuất lượng thấp hơn nhập
lượng thì ta không có sản xuất mà chỉ có sản nhập!
- Sai số hay sự khác biệt giữa xuất lượng và nhập lượng sẽ cho ta
con số tăng trưởng. Tổng số tăng trưởng của quốc gia hay một khu vực kinh tế
trong một thời khoảng nào đó được gọi là GDP, là Tổng sản lượng Nội địa hay
Tổng sản phẩm Xã hội.
Nếu so sánh GDP trong thời gian từ năm này qua năm khác,
hay trong không gian từ xứ này qua xứ khác, thì mình có đà tăng trưởng, giả dụ
là 7% hay 6,5%, là giá trị tài sản lên xuống đến cỡ nào. Vấn đề ở đây nằm ở chữ
“giá trị” hay cách tính trị giá của nhập lượng và xuất lượng. Nếu cách tính đó
thiếu chính xác - thí dụ như làm sao đo được sự ô nhiễm môi sinh trong chu
trình sản xuất để tính thành tiền? - thì con số sản lượng, tăng trưởng hay GDP
cũng thiếu chính xác. Tức là không đáng tin.
Một lò sản xuất thép xuất khẩu ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc
của Trung Quốc, ngày 11 Tháng 10, 2014. AFP
Mặc Lâm: Thưa ông, xét như vậy thì quả thật là vấn đề
quá rắc rối vì ta phải đếm ra từng loại nhập lượng như nguyên liệu, nhiên liệu,
hay công sức con người được đo bằng tiền lương lao động chẳng hạn, rồi mới cho
mỗi nhập lượng này một trị giá thì sau cùng mới có con số về GDP. Mà số liệu
này lại tùy thuộc vào quá nhiều yếu tố sai lạc như cách đếm và cách tính giá,
nếu vậy thì tại sao người ta vẫn cần tính ra và nói đến GDP?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Câu hỏi rất hay vì
cho thấy là ta nên thận trọng khi sử dụng số liệu này.
- Với tất cả những khiếm khuyết trong cách đếm và cách tính, người
ta vẫn cần con số GDP. Thứ nhất, đó là một số liệu tạm về lượng tài sản hay sản
lượng mà mình tạo ra. Không có một cái cân đo lường dù lệch lạc thì mình vẫn
chẳng biết được kết quả lao động là gì. Thứ hai, con số GDP ấy cũng có ích để
so sánh một nền kinh tế trong hai thời điểm khác nhau, hoặc hai nền kinh tế
trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Việc so sánh này mới thật sự là quan
trọng.
Mặc Lâm: Nhưng thưa ông, nếu có sự sai lệch trong cách
tính ra số liệu mà mình gọi là GDP thì việc so sánh ấy có còn giá trị hướng dẫn
gì không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Thưa là vẫn có giá
trị. Thí dụ như khi ta tính ra Tổng sản lượng của kinh tế Trung Quốc vào năm
2015 và so sánh với số liệu đó vào năm ngoái. Cho dù cách tính có thể sai nhưng
nếu cái “sai” của năm nay và năm ngoái cứ nguyên như vậy thì mình vẫn có thể so
được.
- Vấn đề xảy ra là trong hệ thống thu thập thống kê của Trung Quốc
người ta thường xuyên thấy có sai lệch giữa số liệu của các cơ quan kiểm kê từ
trung ương tới các chi nhánh địa phương và con số báo cáo của chính quyền địa
phương trình lên trên. Thông thường, báo cáo về sản lượng của các địa phương
luôn luôn cao hơn con số từ các phủ bộ của trung ương.
Khi tính gộp lại thì
Tổng sản lượng toàn quốc luôn luôn cao hơn con số của Cục Thống kê Quốc gia.
- Lý do giải thích ở đây nằm trong hệ thống chính trị. Các đảng
viên cán bộ ở địa phương không chịu trách nhiệm với người dân ở dưới mà thăng quan
tiến chức là nhờ thượng cấp ở trên, cho nên khi báo cáo lên trên họ có xu hướng
tô hồng và lên mỗi cấp lại nống thêm một hệ số tô hồng với kết quả tổng hợp là
một con số quá cao.
Vì vậy, người ta rất khó cải tiến bộ máy thống kê của một
xứ độc tài cho khả tín hơn nếu không cải cách chính trị. Sau cùng thì người ta
phải tạm đo bằng cách khác và tìm ra một phần sự thật. Chẳng hạn như đà tăng
trưởng không thể cao như vậy trong khi sản lượng điện than tiêu thụ lại giảm,
là chuyện rất thường xảy ra tại Trung Quốc.
Nói cho cùng, nền dân chủ không là một thể chế vẹn toàn nhưng vẫn
ít tệ nhất vì nhờ đó mà xã hội tránh được sai lầm và nếu có sai thì còn có người
sửa. Trong một chế độ độc tài thì chẳng ai được làm trọng tài độc lập để vạch
ra cái sai và khủng hoảng kinh tế thường dẫn tới khủng hoảng chính trị
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Mặc Lâm: Có phải đấy là nguyên nhân khiến cho thế giới không đánh giá cao
chỉ tiêu kinh tế của các nước độc tài hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ có ba lý do trong hiện tượng gọi là “không đáng
tin” này.
- Thứ nhất là cách thu thập thống kê thiếu chính xác. Thứ hai là
khi đề ra chỉ tiêu, họ chỉ khích lệ cấp dưới báo cáo láo để vượt chỉ tiêu. Thứ
ba là dù nhà nước cứ nắm lấy quyền quản lý kinh tế một cách duy ý chí, họ không
thật sự chi phối được tất cả.
Thí dụ như lãnh đạo Bắc Kinh đòi giảm nợ mà cứ
duy trì đà tăng trưởng 7% thì họ vẫn duy ý chí và phủ nhận quy luật khách quan
của kinh tế. Nếu muốn giảm nợ thì phải chịu một đà tăng trưởng thấp hơn, có khi
chỉ 3-4% để sau dăm ba năm thì sẽ có nền móng lành mạnh hơn. Nhưng nếu vẫn muốn
có 7% tăng trưởng mà không chấn chỉnh hệ thống tín dụng và ngân hàng thì chỉ
chất thêm nợ và tất yếu bị khủng hoảng, tức là lao cỗ xe xuống vực cho lẹ hơn!
- Vì những nguyên nhân nói trên, các nước công nghiệp hóa không có
cái lệ đặt ra chỉ tiêu cho cả nước, dù trong nước, từng doanh nghiệp đều lặng
lẽ tính ra chỉ tiêu của quý sau, của năm tới. Đấy là một sự khác biệt quan
trọng về tư duy và dẫn đến khác biệt về phương thức quản lý.
Mặc Lâm: Thưa ông, hồi nãy ông có nói đến hình ảnh của
một cái cân lệch với hàm ý là nếu dùng cái cân lệch ấy để đo cùng một vật trong
hai thời điểm thì việc so sánh ấy vẫn có giá trị. Các nước có cách nào điều
chỉnh cái cân lệch ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa. - Các quốc gia văn minh đều ý thức được những khiếm khuyết của
việc đo lường nên thường xuyên cải sửa và không tự cột mình vào một cái cân
lệch. Khi họ điều chỉnh theo một phương pháp mới thì cũng tính ngược lại kết
quả đã qua để có cùng một nền tảng so sánh cho thuần nhất hơn.
Nhưng quan trọng
hơn cả là trong hệ thống dân chủ thì người đo đếm hoặc thu thập thống kê là một
pháp nhân độc lập, lợi tức hay chức phận của họ không tùy thuộc vào cách cân
đo. Nói cho cùng, nền dân chủ không là một thể chế vẹn toàn nhưng vẫn ít tệ
nhất vì nhờ đó mà xã hội tránh được sai lầm và nếu có sai thì còn có người sửa.
Trong một chế độ độc tài thì chẳng ai được làm trọng tài độc lập để vạch ra cái
sai và khủng hoảng kinh tế thường dẫn tới khủng hoảng chính trị nên lãnh đạo
càng không muốn cải sửa thì khủng hoảng càng dễ xảy ra.
Mặc Lâm: Câu hỏi sau cùng, hơi chuyên môn một chút, là
khi ông nói đến tổng số tài sản phụ trội dược tạo thêm trong một chu trình sản
xuất. Thưa ông, người ta có cách nào so sánh lượng tài sản của hai quốc gia
trong cùng một thời điểm không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi chuyên môn này rất xác đáng vì cho chúng ta một cách
nhìn khác.
- Thí dụ như khi tính rằng sản lượng GDP của Hoa Kỳ vào năm 2014
là khoảng 17 ngàn tỷ đô la và của Trung Quốc cùng năm đó thì mình có thể nói là
kinh tế Mỹ giàu gần gấp hai kinh tế Tầu.
Nhưng nếu đo tổng số tài sản của tư nhân
tại hai nước thì mình có con số khác. Của dân Mỹ là gần 43 ngàn tỷ, của dân Tầu
thì chỉ được chưa đầy năm ngàn tỷ, tức là chỉ bằng một phần chín mà thôi. Vì
vậy khi cứ nghe người ta nói rằng kinh tế Trung Quốc đã hoặc sắp bắt kịp kinh
tế Hoa Kỳ thì ta nên nhìn lại. Nếu cứ tin vào đó mà suy ngẫm về sức nặng chính
trị thì còn sai lầm nữa.
Mặc Lâm: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.