Vài chuyện bên lề cuộc diễn binh Bắc Kinh ngày 3 tháng 9
Ngô Văn
Cùng tác giả:
- Trung Quốc gay gắt lên án Bạch thư Quốc Phòng
2015 của Nhật
- Diễn binh 2015 ở Bắc Kinh
- Bắc Kinh rất lo ngại về mối quan hệ Việt Nhật
hiện nay
Sau một loạt tin tức, hình ảnh, phóng sự rồi đến không biết bao
nhiêu bài bình luận, xã thuyết ca tụng cuộc đại thành công của buổi lễ diễn
binh ở Bắc Kinh ngày 3 tháng 9 trên hệ thống truyền thông lề phải của Trung
quốc, thì cũng ngay buổi chiều hôm đó đến lượt phía lề trái lên tiếng về buổi
diễn binh này.
Trước hết, trên mạng xã hội Sina Weibo nhiều người cùng đặt ra một
câu hỏi tại sao khi đứng trên xe đi ngang các đoàn quân, Chủ tịch Tập Cận Bình
đã đưa tay trái lên chào theo kiểu nhà binh, tại sao không là tay phải như tất
cả các vị tiền nhiệm của ông Tập, hay là ông Tập là người thuận tay trái nên
chào như thế cho tiện chứ câu nệ gì vào cái chuyện tay trái, tay phải làm gì
cho mệt.
Vì hình ảnh trên trang mạng Weibo là hình thật lấy từ màn hình TV
trực tiếp buổi lễ diễn binh và bên cạnh hình ảnh đó không có đả kích nào đối
với ông Tập, nên những câu hỏi nêu trên vẫn còn được để yên trên mạng Weibo.
Truyền thông nhà nước đã lên tiếng giải thích rằng đó chỉ là một cử chỉ đơn
thuần để chào đoàn quân mà thôi.
Có lẽ nhận thấy lời giải thích này không ổn, nên ngay sau đó
truyền thông nhà nước còn mượn một câu “Cát sự thượng tả, hung sự hữu” của Lão
Tử để giải thích thêm. Theo tập tục ngày xưa ở Trung quốc thì những người trị
nước an dân thích hướng bên trái, chỉ khi nào chiến tranh mới thích bên phải.
Chào bằng tay trái là không thích dùng vũ lực. Sự giải thích này quá ư là hàm
hồ, nên cư dân mạng ở Hoa lục nhảy vào luận chiến mỗi lúc mỗi đông, khiến Ban
Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc phải ra lịnh cấm không cho trang
mạng Weibo đăng tải những gì liên quan đến chuyện chào tay trái hay tay phải
nữa.
Thêm một chuyện khác nữa là trong đoàn quân diễn binh có 17 nước
gởi quân đến tham dự.
Điều này đã được báo đài lề phải của Bắc Kinh ca tụng hết
lời, và cuối cùng kết thúc bằng một câu: “Hãy mở mắt mà nhìn đoàn diễn binh
hoành tráng có sự tham gia của quân đội 17 quốc gia khác thì đố ai có thể cô
lập Trung quốc được”. Đám dư luận viên thì lên tiếng xỉ vả các quốc gia như Mỹ,
Anh, Pháp, v.v... không gởi quân đến tham gia diễn binh. Luận điệu của các dư
luận viên Trung Quốc cho rằng, lẽ ra những nước vừa kể phải gởi quân đến diễn
binh ăn mừng chiến thắng, nhưng họ không gửi vì bây giờ những nước đó đã gia
nhập phe trục Nhật-Đức-Ý để chống lại Trung quốc, nhưng không đời nào mà nhân
dân Trung quốc khuất phục trước bọn chúng; và rằng, nhân dân Trung quốc cám ơn
các quốc gia gởi quân tham gia diễn binh, còn những nước được mời mà không gởi
quân đến tham gia thì phải nhớ tên cho kỹ.
Bắc Triều Tiên là nước nhận rất nhiều viện trợ của Trung quốc, thế
nhưng vào phút chót Bình Nhưỡng đã không gởi quân đến tham gia diễn binh theo
như đã hứa. Đám dư luận viên cay cú đề nghị từ nay về sau Trung quốc đừng cho
Bắc Triều Tiên thêm xu nào nữa.
Các mạng lề trái liệt kê 17 nước đã gởi quân tham dự diễn binh
theo thứ tự A, B, C là Afghanistan, Belarus, Cambodia, Cuba, Egypt, Fiji,
Kazakhstan, Kyryz, Laos, Mexico, Mongo, Pakistan, Russia, Serbia, Tajikistan,
Vanuatu và Venexuela; cùng với lời bàn rằng, ngoại trừ Nga, 16 quốc gia còn lại
đều là nước nhỏ và nghèo. Trong thế chiến thứ hai các nước đó không đánh nhau
với Nhật, nhưng nay gởi quân đến diễn binh ăn mừng chung 70 năm chiến thắng
phát-xít Nhật, mục đích của những nước đó là muốn nhận thêm tiền viện trợ của
Trung quốc mà thôi.
Gọi là đoàn quân cho oai, chứ Afghanistan chỉ gởi 3 binh sĩ, Fiji
và Vanuatu thì đông hơn một chút, mỗi nước được 7 người. Nếu có một lời khen
nhà nước về cuộc diễn binh này thì đó là đã làm cho bầu trời Bắc Kinh quang
đãng, ít bị ô nhiễm hơn mọi ngày một chút, nhờ vào việc cấm xe cộ lưu thông, cấm
các nhà máy phun khói, nhưng sau đó thì mọi chuyện trở lại như cũ.
Theo các chuyên gia theo dõi về hoạt động Internet ở Hoa lục thì
cư dân mạng ở nước này ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc đưa ý kiến của
mình lên trang mạng xã hội, để không bị nhà nước bắt và cũng khó mà bắt rút các
ý kiến đó xuống. Nếu gọi đây là một cuộc đấu trí của cư dân mạng trước một nhà
nước Cộng sản độc tài Trung quốc thì cũng không sai.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.