Nỗi mặc cảm và bạo lực tràn lan
Viết từ Sài Gòn
2015-11-18
2015-11-18
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Con người trở nên dữ tợn bởi con người
đã quá sợ hãi. Con người trở nên bạo lực và man rợ bởi chưa bao giờ con người
trở nên mặc cảm như hiện tại. Chính nỗi mặc cảm và sợ hãi đã làm cho con người
không còn nghĩ được gì khác ngoài bạo lực.
Và đáng sợ nhất là chúng ta đang sống trong một đất nước mà nỗi
mặc cảm và sự sợ hãi đã chi phối từng tế bào, chi phối từ người dân thấp cổ bé
miệng cho đến hệ thống chóp bu chính trị. Và đằng sau sự mặc cảm, nỗi sợ hãi
này sẽ là gì?
Để giải quyết câu hỏi trên, thiết nghĩ cũng nên đặt lại câu hỏi:
Vì sao người Việt, nhất là giới trẻ trở nên dữ tợn? Vì sao người Việt sống mặc
cảm nặng nề? Và vì sao nói rằng hệ thống công quyền Việt Nam là một hệ thống
mặc cảm?
Trước tiên, phải nhìn thấy vấn đề tuổi trẻ Việt Nam trở nên dữ tợn
là vấn đề có thật. Tuổi trẻ Việt Nam ở đây xin hiểu là đa phần, là xu hướng
chung của giới trẻ chứ không phải là toàn bộ tuổi trẻ Việt Nam đều dữ tợn.
Nhưng số đông với tính hiếu chiến, sẵn sàng xông vào đánh nhau vì một lý do
thậm chí không phải là lý do đang là chuyện khá hot của tuổi trẻ bây giờ.
Và phải nói cho chính xác chuyện này nữa, phần đông, rất đông tuổi
trẻ Việt Nam sợ công an. Sợ chứ không phải nể, bởi họ luôn biết rằng đụng phải
công an thì nguy cơ chết chóc, nguy hiểm cho tính mạng là thấy trước mắt, chính
vì vậy họ sợ phải đụng đến công an.
Và hầu như số đông tuổi trẻ không bao giờ quan tâm đến chính trị, thậm
chí không quan tâm cả nghệ thuật, văn chương. Vấn đề quan tâm lớn nhất
của họ là làm sao để có tiền, dể mua chiếc điện thoại xịn, mua chiếc xe xịn,
khá nữa thì mua miếng đất để dành. Chỉ có tuổi trẻ mới dám bất chấp luân lý,
đạo đức để đứng ra cho vay nặng lãi, làm cò, bảo kê quán xá…
Điều này, dù muốn hay không muốn thì nó vẫn lột tả được cái xã hội
mà những người trẻ đang sống. Một xã hội mang đậm bản chất mông muội, không có
phương hướng bởi xã hội không tôn trọng pháp luật, không có pháp luật để tôn
trọng, mạnh ai nấy lấn, mạnh ai nấy thắng, cá lớn nuốt cá bé.
Gần thì ông hàng xóm đông con uy hiếp bà hàng xóm góa bụa bằng
cách này hay cách khác, lấn ông hàng xóm yếu thế hơn mình bằng kiểu này kiểu nọ.
Xa hơn một chút thì chính cái kẻ mạnh trong xóm đó lại bị một kẻ khác mạnh hơn
uy hiếp.
Những tay bảo kê, cho vay nặng lãi, sa tặc, lâm tặc và các loại
tặc khác chỉ uy hiếp được những kẻ yếu để kiếm ăn, bù vào, bọn họ lại bị công
an uy hiếp để kiếm ăn trên chính sự liều lĩnh của họ.
Trên một chút, các sếp công an lại uy hiếp đám lính lác, hằng năm
cấp dưới phải chung chi, quà cáp cho cấp trên… Thế rồi cấp trên lại chung chi,
quà cáp cho cấp trên nữa, cứ thế mà chung lên, chung mãi đến chóng mặt.
Bởi chung qui không có một điểm chung để nhìn, không có một hệ
thống nguyên tắc chung để tuân thủ. Ví dụ như khi con người biết tôn trọng pháp
luật bởi trên đất nước của họ có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, có những qui
chuẩn đạo đức đã được luật hóa và có những nguyên tắc hành xử nhằm giữ
những giá định đạo đức thông qua pháp luật…
Có như vậy thì người ta sẽ không hành xử tùy tiện bởi người ta tin
vào đạo đức, pháp luật và căn cứ trên đó để hành xử. Giả sử một người nào đó bị
xâm hại bản thân, họ tin rằng pháp luật sẽ mang lại sự công bằng cho họ và họ
nhờ đến tòa án, công an, chính quyền, bởi đây là những người mang lại sự công
bằng và an ninh cho họ.
Nhưng, ở Việt Nam, nhờ đến chính quyền bất kì việc gì còn khổ
hơn nhờ những kẻ ăn vạ. Chuyện bé xé cho to để vòi vĩnh. Chuyện cần gấp nhưng gọi
điện thoại báo khẩn từ thứ bảy mà đến thứ hai mới thấy ló mặt đến để phán vài
câu không đâu vào đâu. Riêng chủ nhật thì bọn họ đã tính toán để mà ăn phía nào
cho dày, đè phía nào cho nặng.
Công an cũng vậy, đụng đến họ thì tốn tiền gấp bội so với thuê
giang hồ đến giải quyết, giang hồ giải quyết vừa nhanh, vừa gọn mà lại không mè
nheo lâu dài như công an. Ví dụ như có người bị kẻ khác uy hiếp, anh/chị ta chỉ
cần nhờ một tay giang hồ đủ máu mặt đến để hoặc là cho kẻ ăn hiếp kia một bài
học, hoặc là đe nạt kẻ cậy mạnh hiếp yếu. Gã giang hồ này làm rất nhanh gọn,
nói rõ giá tiền trước khi làm hoặc trong trường hợp gấp quá thì gã làm trước
tính tiền sau nhưng giá cũng không bao giờ bằng nửa giá phải chung chi cho công
an. Đó là sự thật.
Với kiểu sống không có pháp luật, kẻ mạnh hiếp người yếu, quan
chức hiếp dân đen đã tồn tại quá lâu trên đất nước này đã đẩy người dân đến chỗ
sợ hãi tột cùng và mặc cảm tột cùng. Khi con người rơi vào trạng thái mặc cảm
và sợ hãi tột cùng, phản ứng rất tự nhiên sẽ là tự phát huy bản năng cắn xé để
tồn tại. Bất kì chuyện gì cũng đều được nói chuyện bằng bạo lực, bởi chỉ có bạo
lực mạnh nhất mới tồn tại được trong xã hội đầy rẫy bạo lực.
Và hình ảnh những đứa trẻ bạo lực đường phố, học sinh bạo lực học đường,
người lớn bạo lực với bất chấp chung quanh dòm ngó, công an bạo lực với người
biểu tình… Mọi thứ đều có nguy cơ biến thành bạo lực và chết chóc… Điều này chỉ
cho thấy rằng xã hội Việt Nam đã rơi vào trạng thái mặc cảm đến tận gốc rễ.
Kẻ mặc cảm nặng nề nhất trong xã hội này không phải là người dân
thấp cổ bé miệng mà chính là hệ thống chóp bu quyền lực trung ương đảng Cộng sản
Việt Nam. Nếu nhìn bề ngoài họ sang trọng, hùng dũng bao nhiêu thì bên trong
của họ lại chứa nỗi sợ hãi và mặc cảm từ nhiều phía. Họ thừa mặc cảm bởi tự
thấy khả năng cũng như kiến thức của họ đã quá lạc hậu, không đuổi kịp thế giới
tiến bộ, đặc biệt là không đuổi kịp tuổi trẻ.
Họ sợ hãi bởi vì xét về căn để, họ không có gì đủ mạnh để lãnh
đạo đất nước ngoài sự cố chấp và khư khư những thứ lý thuyết mù mờ mà bản thân
họ cũng không đủ tin cậy, khư khư ôm một cái xác chết để thần thánh hóa, để tự
ma mị lẫn nhau mà cùng hưởng lộc, chia chác quyền lực. Nhưng họ cũng quá biết
là họ không hề có quyền lực thực sự trong lòng nhân dân, quyền lực là do họ tự
dựng lên và tự ép nhân dân vào chỗ phải nghe, phải tin, phải sùng bái họ.
Và trên hết là họ vẫn là những con người nhược tiểu so với đàn
anh Cộng sản Trung Quốc, họ vừa phải trí trá với phương Tây để tồn tại, lại vừa
phải khúm núm với đàn anh Trung Quốc để giữ độc tài, họ chưa bao giờ là một chủ
thể độc lập. Chính vì không bao giờ có được độc lập nên họ chưa bao giờ đối xử
một cách độc lập cũng như để cho ai đó có được độc lập. Đó là một thứ hiệu ứng
dây chuyền trong tâm lý mặc cảm. Càng mặc cảm, người ta càng đối xử lạnh
nhạt, tệ hại và tàn nhẫn với nhau!
Với một đất nước luôn nặng tâm lý nhược tiểu và mặc cảm, từ hệ
thống lãnh đạo trung ương xuống địa phương, từ quan chức cho đến thường dân, từ
kẻ giang hồ cho đến trí thức đều mang nặng nỗi mặc cảm như vậy thì e rằng khó
mà tiến bộ được. Nếu không muốn nói đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ tự hủy hoại
lẫn nhau, kẻ ngoại xâm không cần tốn viên đạn nào vẫn có được một lãnh thổ
trống trơn, lạnh lùng và chết chóc.
Đây là chuyện chắc chắn phải xảy ra nếu như chế độ Cộng sản độc
tài tiếp tục tồn tại và con người tiếp tục quằn quại trong vũng lầy bạo lực, mặc
cảm và nhược tiểu như đang thấy!
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.