TẠP CHÍ KINH TẾ
Biến động tài chính Trung Quốc, những triệu chứng tiên báo đáng ngại
Thanh Hà, Nguyễn Xuân Nghĩa
Bảng thông tin tại thị trường chứng khoán Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh chụp ngày 11/01/2016)REUTERS/China Daily
Biến động tài chính Trung Quốc, những triệu chứng tiên báo đáng ngại
Thanh Hà, Nguyễn Xuân Nghĩa
Bảng thông tin tại thị trường chứng khoán Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh chụp ngày 11/01/2016)REUTERS/China Daily
Sau khi đã mất gần 10% trong tuần đầu tiên năm 2016, thị trường
tài chính Thượng Hải và Thẩm Quyến tiếp tục đổ dốc. Ngân hàng Trung ương Trung
Quốc sau khi phá giá đồng tiền, lại nâng giá nhân dân tệ, với hy vọng tạm xua
tan viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến tiền tệ. Những quyết định « trống đánh xuôi kèn thổi ngược »
của các giới chức tài chính càng gây hoang mang.
Trong tuần lễ đầu của năm 2016, Trung Quốc đã hai lần phải đóng
cửa thị trường chứng khoán trước khi kết thúc phiên giao dịch, khi chỉ số của Thượng
Hải và Thẩm Quyến giảm quá ngưỡng 7 %. Thế nhưng biện pháp « cúp cầu chì » này,
được ban hành từ mùa hè 2015, đã không đủ sức trấn an các cổ đông và giới đầu
tư. Để đến giữa tuần, Bắc Kinh bãi bỏ biện pháp đóng cửa các sàn chứng khoán
một cách cưỡng ép.
Lại cũng trong tuần lễ đầu tiên của năm mới, Ngân hàng trung ương
Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ thêm 0,51 %- và đây là lần thứ 8
trong năm Bắc Kinh sử dụng biện pháp này. Đồng tiền Trung Quốc rơi xuống mức
thấp nhất so với đô la kể từ tháng 3/2011. Nhưng chỉ vài ngày sau Trung Quốc
lại nâng giá nhân dân tệ.
Cả hai biện pháp nói trên – đóng cửa cưỡng ép thị trường tài chính
và thao túng tỷ giá hối đoái, đều không giúp hai sàn chứng khoán Thượng Hải và
Thẩm Quyến lấy lại được cân bằng.
Kèm theo đó, thị trường tài chính từ Hồng Kông đến Tokyo, Seoul
đều tụt giá khoảng 2%. Các nước Châu Á lo ngại, nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá
đồng nhân dân tệ, thì từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và kể cả các đối tác thương mại
nhỏ hơn trong vùng cũng sẽ phải phá giá đơn vị tiền tệ theo gương Trung Quốc để
bảo đảm được mức xuất khẩu.
Vì muốn xua tan lo ngại từ phía các nước láng giềng, Bắc Kinh
trong hai ngày 9 và 11/01/2016 đã vội vàng tăng giá nhân dân tệ trở lại. Nhưng
không còn một ai nghi ngờ về những ý đồ của Trung Quốc. Mọi người chuẩn bị tinh
thần một « cuộc chiến tiền
tệ » sẽ sớm mở ra.
Nhưng trước khi đề cập đến vấn đề « chiến tranh tiền tệ », ban Việt ngữ RFI
đã đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về các biện pháp « chữa cháy » được gọi
là « cúp cầu chì »
mà các giới chức tài chính Trung Quốc đã đề ra từ khủng hoảng hồi mùa hè 2015
với hy vọng bình ổn được các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Tường lửa chống hỏa hoạn chứng khoán không còn hiệu quả ?
RFI : Xin
kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm nay chúng ta lại tiếp tục
nói về Trung Quốc, về những biến động tài chính tại nền kinh tế lớn thứ 2 toàn
cầu. Thưa anh, Bắc Kinh đã dùng những biện pháp « không tự nhiên » để kiểm soát các hoạt
động tài chính. Thế nhưng mà các biện pháp đó đều phản tác dụng. Vậy xin anh
giải thích một cách dễ hiểu những biện pháp «
cúp cầu chì » của Trung Quốc gồm những gì và vì sao, chúng đã bị
hủy bỏ chỉ sau có sau 4 ngày áp dụng đầu năm 2016 ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi gọi đó là “
cho nổ cầu chì ”. Áp dụng quy luật vật lý là khi dòng điện quá tải
thì có thể làm cháy hệ thống cung cấp điện nên người ta cho điện chạy qua một
cầu nối bằng chì. Nếu điện quá nóng thì cầu chì bị chảy và điện hết chạy nên hệ
thống khỏi bị cháy. Đây là biện pháp an toàn để phòng ngừa hỏa hoạn.
Trở lại chuyện Trung Quốc, hồi tháng 7/2015 đã có vụ sụt giá cổ
phiếu hơn 40%, trị giá khoảng năm ngàn tỷ đô la. Khi ấy, Hội đồng Kiểm soát
Chứng khoán Bắc Kinh có hàng loạt biện pháp chống đỡ như vừa bơm thêm tiền vào trị
trường vừa cấm các nhà đầu tư thuộc loại
" đại gia " có trên 5% cổ phần của doanh nghiệp và giới
điều hành các doanh nghiệp yết giá trên thị trường không được bán cổ phiếu cho
đến ngày 08/01/2016. Thật ra, thị trường cổ phiếu Trung Quốc trên hai sàn
Thượng Hải và Thẩm Quyến cũng đã có sẵn một cầu chì là nếu giá sụt quá 10% thì
tự động tắt máy, ngưng giao dịch.
Thế rồi, vào ngày 01/01/2016 Bắc Kinh lập thêm một cầu chì khác là
cho tắt điện nếu giá sụt quá 5%. Nào ngờ là khi thị trường mở cửa hôm Thứ Hai
04/01/2016 thì giới đầu tư lớn nhỏ gì cũng bán tháo để rút vốn bỏ chạy khiến
giá sụt 7% và cầu chỉ nổ. Hôm đó Trung Quốc phải đóng cửa sàn chứng khoán
Thượng Hải sớm hơn dự kiến. Rồi, tới ngày hôm sau, thị trường vừa mở có 10 phút
đã mất giá 5% nên bị ngưng giao dịch trong 15 phút. Khi bật lại thì có 5 phút
giá lại sụt thêm, tổng cộng mất 7%, nên họ dẹp luôn thị trường hôm đó ! Trung
Quốc vừa đạt kỷ lục là có ngày giao dịch chứng khoán ngắn nhất thế giới, chưa đầy
30 phút, kể cả 15 phút ngừng chơi vì nổ cầu chì. Thật ra hôm đó, khách chỉ mua
bán trong có 780 giây thôi!
Suy đi tính lại thì giới hữu trách cho rằng chính biện pháp an
toàn ở mức 5% mới làm giới đầu tư e ngại nên chiều Thứ Năm mồng 07/09/2016 các
giới chức tài chính Trung Quốc thu hồi biện pháp này. Nhưng ta đừng quên rằng
vẫn còn cầu chì 10% kia ! Riêng tôi còn dự đoán là cổ phiếu xứ này có thể mất
thêm sáu, bảy phần trăm nữa trong những tuần tới.
Lo ngại khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá của đồng tiền
RFI : Vì
sao giới đầu tư lại e ngại và gây thiệt hại như vậy khi mà các đại gia có trên
5% phần vốn vẫn chưa được phép bán ra trước ngày mùng tám Tháng Giêng ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Sau những biến động và hốt hoảng trong có mươi phút bốc khói
người ta mới tìm hiểu thêm và biết được vài ba chuyện, một cách bán chính thức.
Thứ nhất, ngày 05/01/2016, giới đầu tư được lệnh miệng rằng hạn kỳ
cấm bán là mùng tám Tháng Giêng sẽ được triển hạn, kéo dài. Tức là sau mùng tám
vẫn có lệnh cấm bán. Điều ấy khiến nhà đầu tư càng thêm lo sợ và bán được ít
nhiều gì thì cứ bán.
Chuyện thứ hai là Ngân hàng Trung ương đã lặng lẽ phá giá đồng
yuan-nhân dân tệ -còn được gọi là đồng nguyên thêm 0,51% trong ngày.
Tôi nghĩ chính là yếu tố hối đoái hay ngoại hối ấy mới gây hốt
hoảng cho thị trường vì trước đấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cố trấn an
thị trường rằng Bắc Kinh có chính sách hối đoái ổn định khi giàng đồng tiền của
mình vào một rổ ngoại tệ có 13 đồng bạc khác nhau.
Thực tế thì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được giao dịch trên
hai trị trường “ nội ” và
“ ngoại ” khác nhau. «
Nội » là mua bán bên trong, ngoại là buôn bán với các thị trường
khác bên ngoài qua cửa Hồng Kông trong kế hoạch quốc tế hóa vị trí của đồng
nhân dân tệ. Thế rồi, người ta thấy đồng tiền Trung Quốc sụt giá 1,5% trên thị trường
nội và 1,7% trên thị trường ngoại. Sai biệt giữa hai thị trường đó đã mở rộng
đến mức kỷ lục. Điều ấy có nghĩa là giới đầu tư quốc tế dự đoán rằng đồng nhân
dân tệ trên thị trường ngoại sẽ còn sụt giá nữa.
Hốt hoảng vì khả năng đối phó kém cỏi của Bắc Kinh
RFI : Phải
chăng là giới lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh đang dọ dẫm và khả năng quản lý rất
tệ của họ lại càng gây thêm lo ngại cho các thị trường trên thế giới ? Hậu quả
sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi thấy có hai vấn đề trong này. Thứ nhất là khả năng quản lý,
thứ hai là thực lực kinh tế. Về khả năng quản lý, người ta thấy ra bốn vấn đề.
Đầu tiên là dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã tập trung trách nhiệm kinh
tế vào tay mình và còn muốn trực tiếp can thiệp thay vì phân quyền cho nhân vật
lãnh đạo đứng thứ hai là là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Các cơ quan hữu trách như
Hội đồng Chứng khoán, Ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý ngoại hối lại
không có hành động phối hợp.
Điều ấy mới giải thích vấn đề thứ hai là Bắc Kinh có chính sách
dời đổi, co giật và mâu thuẫn. Thí dụ như việc đặt thêm một cầu chì quá hẹp và
đột ngột phá giá đồng bạc.
Vấn đề thứ ba là dùng bộ máy hành chính can thiệp vào một thị trường
thật ra chưa có luật lệ hay quy củ rõ rệt. Điển hình là biện pháp ngoại hối trên
thị trường giao dịch đồng nhân dân tệ - tức đồng nguyên ở hải ngọai nhằm phát
huy vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng bạc theo kỳ hạn của Qũy Tiền tệ Quốc tế.
Với hậu quả ngược là nhà nước càng chạy theo thị trường này thì đồng tiền Trung
Quốc trên thị trường ngoại càng tuột ra khỏi tầm tay của họ.
Vấn đề thứ tư là Bắc Kinh không biết cách truyền đạt thông tin hay
giải thích cho thị trường biết là họ muốn gì. Dù là hôm cuối tuần vừa qua, giới
quản lý thị trường ngọai hối trấn an thế giới rằng hệ thống tài chính của Trung
Quốc cơ bản là ổn định và lành mạnh, nhưng không ai tin là giới lãnh đạo Bắc
Kinh nắm vững tình hình thực tế, hoặc tệ hơn vậy, Bắc Kinh bị cho là còn muốn
che giấu điều gì đó nguy ngập hơn.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
RFI : Vẫn
nói về khả năng quản lý và thông tin như anh vừa phân tích, xin anh nêu cho vài
thí dụ cụ thể.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Hôm mồng 05/01/2016, khi thị trường sụt giá thì Bộ Thương Mại cho
hay là trong 11 tháng đầu năm 2015, đầu tư ngoại quốc vào thị trường Trung Quốc
đã đạt mức kỷ lục là 126 tỷ đô la.Cùng ngày, Hội đồng Kiểm soát Chứng khoán lại
gia hạn cấm bán cổ phiếu sau ngày 08/01/2016 như vừa nói.
Song song, thống kê nhà nước cho biết năm 2016 hơn 600 tỷ đô la đã
ra khỏi thị trường nội địa và dự trữ ngoại tệ sụt mất 513 tỷ đô la.
Mâu thuẫn ở đây là vì sao đầu tư vào Trung Quốc tăng mà lượng tư
bản tẩu tán ra ngòai cũng tăng ? Những con số trái ngược ấy càng gây hoài nghi
cho thị trường, nên thị trường chứng khoán vừa mở cửa là thiên hạ " bỏ chạy ",
hoặc giới đầu tư hối đoái tiếp tục bán tháo đồng nhân dân tệ vì chờ đợi giá
thấp hơn và hậu quả sẽ bào mỏng kho dự trữ để ứng phó với nhiều sức ép còn nguy
ngâp hơn.
Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc bị « bào mỏng »
RFI : Đấy
là về khả năng quản lý, còn về thực lực kinh tế thì sao, thưa anh ? Nhiều nhà
quan sát quốc tế cho rằng với trị giá là 6.000 tỷ đô la, thị trường cổ phiếu có
suy sụp thì cũng chẳng gây hậu qủa kinh tế quá tai hại cho Trung Quốc. Nhưng
biện pháp liên hệ đến tỷ giá đồng nhân dân tệ và sự kiện dự trữ ngoại tệ của
Bắc Kinh đã bị hao hụt nặng mới có hậu qủa trầm trọng hơn. Hậu quả ấy là gì ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Chúng ta được biết dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm 108 tỷ
nội trong tháng 12/2015. Chiều hướng ấy tiếp tục cùng nhịp độ tẩu tán tư bản ra
khỏi thị trường Hoa lục và sẽ là bài toán nan giải cho Bắc Kinh.
Nói về thực lực thì từ năm nay trở đi, đà tăng trưởng sản xuất của
Trung Quốc sẽ giảm, và kinh tế xứ này đi vào chu kỳ suy trầm, không thể đạt mức
6,5% như chỉ tiêu vừa công bố. Trong khi ấy thất nghiệp lại bắt đầu tăng, với
hậu quả xã hội và chính trị rất nghiêm trọng.
Vì vậy, Bắc Kinh sẽ lại phải bơm tín dụng kích thích kinh tế dù
núi nợ chất đống từ nạn tổng suy trầm năm 2008 đã vượt quá 280% của GDP. Theo
đà này thì trong năm 2016, họ sẽ phải bơm thêm một lượng tiền tương đương với
từ hơn 5.000 tỷ đến gần 6.000 tỷ đô la.
Cùng với biện pháp bơm tiền chưa chắc đã công hiệu, Bắc Kinh sẽ
còn phải hạ lãi suất làm đồng tiền Trung Quốc càng mất giá và tư bản càng tháo
chạy. Lãnh đạo Trung Quốc có thể muốn giảm giá đồng nhân dân tệ một cách chậm
rãi, tiệm tiến nhưng biến động thị trường có thể khiến họ tuột tay như đã tuột
tay trên thị trường cổ phiếu vào tuần qua.
Sóng thần tài chính Trung Quốc 2016 còn nguy hơn cơn bãi tiền tệ
2008 ?
RFI : Nếu
Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng bạc – trong giả thuyết lý tưởng là một cách tiệm
tiến, có trật tự như vậy - thì liệu ta có thể gọi là một biện pháp lũng đoạn
hối đoái hay chăng và liệu thế giới có chứng kiến một trận chiến ngoại tệ giữa
các nước hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Thật ra, do yêu cầu của kinh tế nội địa, quốc gia nào cũng có biện pháp ảnh hưởng đến giá trị hay hối suất đồng bạc của mình, hoặc là qua việc cắt lãi suất tới sàn như Hoa Kỳ đã thi hành từ năm 2008 đến năm 2015, hay là qua việc bơm tiền theo phương pháp “ quantitative easing ”, như Ngân hàng Trung ương Âu châu, Nhật Bản đang áp dụng và Hoa Kỳ đã áp dụng từ 2008 đến 2013.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Thật ra, do yêu cầu của kinh tế nội địa, quốc gia nào cũng có biện pháp ảnh hưởng đến giá trị hay hối suất đồng bạc của mình, hoặc là qua việc cắt lãi suất tới sàn như Hoa Kỳ đã thi hành từ năm 2008 đến năm 2015, hay là qua việc bơm tiền theo phương pháp “ quantitative easing ”, như Ngân hàng Trung ương Âu châu, Nhật Bản đang áp dụng và Hoa Kỳ đã áp dụng từ 2008 đến 2013.
Trung Quốc cũng sẽ đi vào chu kỳ ấy và tất nhiên là điều ấy từ một
nền kinh tế có sản lượng đứng hạng nhì thế giới sẽ gây ra nhiều biến động.
Nhưng khó đoán hơn cả là những biến động ấy có khi lại là hậu quả bất lường mà chính
Bắc Kinh không dự trù nổi khi cứ phản ứng một cách lụp chụp với sự hốt hoảng.
Người ta cứ lầm tưởng rằng Bắc Kinh có những mục tiêu trường kỳ và
làm gì cũng đắn đo suy nghĩ. Sự thật lại chẳng như vậy như cả thế giới đã thấy
tuần qua.
Sau cùng, hậu quả đáng ngại nhất cho thế giới không chỉ có khả
năng quản trị rất kém hay thực lực đối phó có hạn khi dự trữ ngoại tệ của Trung
Quốc bị bào mỏng trong khi doanh nghiệp có thể vỡ nợ dây chuyền. Hậu quả là uy
tín chính trị của một đảng độc quyền có đầy tham vọng cả an ninh lẫn kinh tế
trong một quốc gia có quá nhiều dị biệt về nhận thức lẫn lợi tức và có sức ly
tâm rất mạnh.
Biến cố tuần qua tại Trung Quốc có thể báo hiệu nhiều thay đổi
chính trị và gây chấn động tài chánh còn nặng hơn những gì chúng ta đã thấy vào
năm 2008.
__
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.