Cuối cùng đảng
Búa Liềm vẫn giữ nguyên đặc tính Búa Liềm: Trên bảo dưới nghe, đứa nào cãi coi
chừng đi mò tôm! Ðại Hội XII đảng Cộng Sản Việt Nam đã bầu tất cả các ứng cử
viên do Bộ Chính Trị đưa ra, gạt bỏ tất cả những người mà các đại biểu đề nghị
tại chỗ.
Ðại hội trong suốt mấy ngày không bàn cãi sôi nổi chuyện gì về
tương lai đất nước, bảo vệ chủ quyền, sửa đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện giáo dục,
y tế, vân vân. Tất cả năng lực và thời giờ của hơn 1,500 con người được dành
vào việc chia ghế. Một truyền thống lâu đời của đảng Cộng Sản vẫn còn được bảo
tồn! Thống Chế Stalin chắc hẳn phải hài lòng.
Nhiều quan sát viên ngoại quốc bàn tán rằng Ðại Hội XII khác các
đại hội trước của đảng Cộng Sản, vì thấy hai phe đấu đá nhau gay go suốt mấy năm
và kéo dài tới giờ phút chót. Nghĩ thế là chỉ thấy bề ngoài. Trong lịch sử đảng
Cộng Sản những cuộc đấu đá gay go vẫn diễn ra thường xuyên. Như khi Hồ Chí Minh
tìm cách loại bỏ phe cánh của Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập để đưa đám
đàn em mình vào. Khi Lê Duẩn hạ thủ Võ Nguyên Giáp. Khi Lê Ðức Thọ phá đám buộc
Trường Chinh phải lui. Ðại Hội XII có bề ngoài khác trước vì ngày nay có các
phương tiện truyền thông mới.
Những cú đấm cú đá trước đây diễn ra trong phòng
kín, được che đậy vì đảng kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông. Bây
giờ thông tin bùng nổ, cảnh ô nhục bị phơi bày trước công chúng, đảng Cộng Sản
hiện nguyên hình là nhóm người tranh giành xôi thịt trâng tráo nhất thế giới!
Trong phòng họp đại hội, hàng chữ lớn nhất trên bồn hoa nghênh
ngang nêu ra bốn khẩu hiệu: Ðoàn Kết, Dân Chủ, Kỷ Cương, Ðổi Mới. Hai khẩu hiệu
Ðoàn Kết và Kỷ Cương bảo đảm tinh thần Búa Liềm vẫn được bảo vệ. Ðổi Mới là
khẩu hiệu không thể thiếu, nó giải thích tại sao một đảng Mác-Lênin lại làm ăn
theo lối tư bản. Hai chữ Dân Chủ bẽ bàng, vì cho nói, cho đề cử, nhưng cuối
cùng không nên trò trống nào hết! Tấn hài kịch được blogger Huỳnh Ngọc Chênh
gọi là một “trò hề quốc sự.”
Trò hề Dân Chủ khiến
nhiều quan sát viên ngay tình suy đoán lầm từ lúc đầu. Dựa vào những gì đã thấy
mấy năm qua, ai cũng tin rằng Nguyễn Tấn Dũng sẽ qua mặt Nguyễn Phú Trọng.
Dũng đã nắm quyền suốt 10 năm, chia chác lợi lộc kinh tế cho các
đàn em, cho nên đã được đa số Trung Ương Ðảng tín nhiệm trong tất cả các lần bỏ
phiếu trước đây. Dũng đã phong cho hàng loạt tướng công an và quân đội. Phe
đảng của Dũng đã được ăn chia đầy đủ qua các doanh nghiệp nhà nước.
Dũng sẽ chiếm thế thượng phong trong hội nghị Trung Ương Ðảng, do đó, trong cả đại hội.
Dũng sẽ chiếm thế thượng phong trong hội nghị Trung Ương Ðảng, do đó, trong cả đại hội.
Nhưng Dũng đã thất bại ngay trong hội nghị thứ 14. Vì Nguyễn Phú Trọng
nắm đằng chuôi, với Quyết định số 244-QÐ/TW về “Quy chế bầu cử trong Ðảng” do
Trọng ký năm 2014. Cái chuôi trong quyết định này là “Ở các hội nghị của Ban
Chấp Hành Trung Ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Bí Thư
không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính Trị đề cử; không được ứng
cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính Trị.” Mà
trong Bộ Chính Trị, Trọng chiếm được đa số. Sau hội nghị 14, Dũng bị gạt ra,
Trọng vẫn còn vì được miễn không bị giới hạn tuổi.
Nhưng các nhà quan sát vẫn tiếp tục phỏng đoán. Họ thấy rằng Trung
Ương Ðảng dành cho các đại biểu trong đại hội quyền đề nghị các ứng cử viên mới,
ngoài danh sách áp đặt! Nếu vậy thì Dũng vẫn có cơ đảo ngược tình hình: Các đại
biểu dự đại hội, trên nguyên tắc có quyền tối cao, có thể dùng lá phiếu quyết
định cho Dũng ở lại. Và họ đã thi hành quyền đề nghị ứng cử viên mới, có 36
người được đưa thêm vào danh sách bầu chọn. Nghe có vẻ dân chủ lắm.
Cuối cùng, Trọng thắng, trên 50% đại biểu “đồng ý cho Dũng rút
lui” sau khi được đề cử. Hơn nữa, tất cả ứng cử viên được đề cử tại chỗ trên sàn
đại hội đều rớt. Còn tất cả 220 người do Bộ Chính Trị đề nghị đều lọt vào Ban
Chấp Hành Trung Ương mới. Kỷ Cương và Ðoàn Kết là như thế. Kỷ Cương tức là trên
bảo dưới nghe. Ðoàn Kết là đoàn kết với kẻ đang nắm Kỷ Cương, đứa nào không
đồng ý sẽ bị kết tội “mất đoàn kết.” Huỳnh Ngọc Chênh có lý, đúng là một “trò
hề quốc sự.”
Nhưng lý do nào khiến cho hơn 1,500 đại biểu bỏ phiếu theo bài bản
của Nguyễn Phú Trọng? Có phải vì suốt mấy ngày họ đã nhìn mãi khẩu hiệu Kỷ
Cương và Ðoàn Kết hay không?
Chắc không phải. Những cán bộ Cộng Sản đã uốn lưng leo lên đến
những cái ghế đại biểu đều biết “khẩu hiệu chỉ là khẩu hiệu,” nghĩa là chỉ ở cái
miệng. Các khẩu hiệu xưa nay vẫn chỉ dùng để bịp dân. Không ai đem khẩu hiệu ra
đổi lấy được nhà lầu, xe hơi xịn, vợ con có dịp chuyển tiền tính kế lập nghiệp
lâu dài ở ngoại quốc. Các lãnh tụ lớn nhỏ đều biết quyền lợi cá nhân là trên
hết. Thế mới là “Ðổi Mới!”
Ðảng Cộng Sản đã chuyển mình trong 30 năm qua từ khi đảng “đổi
mới,” không phải chờ tới năm 2016 mới bắt đầu chuyển. Luật chơi trong đảng đã thay
đổi đúng tinh thần kinh tế tư bản: Ðồng tiền là động cơ quyết định.
Trong đám 175 ủy viên Trung Ương khóa 11, nhiều người đã được
Nguyễn Tấn Dũng chia chác no nê. Sao không ai đóng vai Lê Lai liều mình cứu đồng
chí Ếch? Nhưng chúng ta biết cán bộ Cộng Sản vốn vô ơn, bất nghĩa, có hương hồn
bà Nguyễn Thị Năm làm chứng.
Họ biết rằng nếu Nguyễn Tấn Dũng đã ban phát được
các quyền cướp đất cho các bí thư tỉnh, huyện, quyền biển thủ các giám đốc xí
nghiệp và ngân hàng quốc doanh, quyền bắt cóc cho công an, quyền bán đất quân
đội cho các ông tướng khác, thì bất cứ người nào lên ngồi vào chỗ của Dũng cũng
làm được y như vậy, cho 180 ủy viên khóa 12.
Nhân sự đổi nhưng guồng máy vẫn
còn nguyên. Yếu tố quan trọng nhất không phải là Dũng còn hay mất. Quan trọng
nhất, là “Ðảng còn thì mình còn.” Nhật lệnh của đám
công an cũng là điều tâm niệm của các cấp ủy từ trên xuống dưới.
Dựa trên tiêu
chuẩn “Ðảng còn thì mình còn,” Nguyễn Phú Trọng có vẻ bảo đảm “Ðảng còn” nhiều
hơn Nguyễn Tấn Dũng. Ðó là lý do những đàn em cũ của Dũng cũng líu ríu theo Kỷ
Cương và Ðoàn Kết với Trọng.
Nhiều lý do khiến người ta lo Nguyễn Tấn Dũng có thể làm mất đảng.
Họ không lo Dũng sẽ cố ý giảm vai trò của đảng đối với nhà nước, sẽ thay đổi
chế độ, hay dám điên rồ giải tán đảng.
Nhưng điều đáng lo là Dũng sẽ làm cho
đảng yếu dần dần, như đã thấy. Trong một năm đấu đá để gạt Nguyễn Phú Trọng,
Nguyễn Tấn Dũng không dùng các món võ chính truyền Cộng Sản mà lại vận dụng thứ
vũ khí tư bản. Dũng dùng các phương tiện truyền thông mới tìm cách gây ảnh
hưởng trên dư luận bên ngoài. Dũng tung ra các đòn tấn công từ Nguyễn Bá Thanh
đến Phùng Quang Thanh, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, vân vân, qua mạng
lưới Internet.
Ở các nước tư bản thì các đảng chính trị mới lo vận động dư luận
của dân, chế độ Cộng Sản mà dùng con dao hai lưỡi đó thì sẽ có ngày tự đứt tay,
chặt chân mình!
Khi anh vận dụng dân chúng ngoài đảng, có nghĩa là anh đề cao tầm quan
trọng của dư luận. Anh muốn dựa vào đám thường dân hơn là dựa vào quyền hành
tuyệt đối của đảng. Vô hình trung, anh khiến người ta nghĩ uy quyền của đảng
đang yếu dần, một điều mà đảng phải lo che giấu. Anh lại khuyến khích dư luận
bên ngoài cho dân chúng nó tưởng bở, nhất là đám trẻ có học quen dùng Internet,
chúng nó hăng hái phấn khích hơn, muốn bày tỏ ý kiến hơn.
Hành động đó trái
ngược với chủ thuyết Lênin, chỉ làm hại uy thế đảng. Khi vận dụng dư luận anh
còn phơi bày những cái xấu xa nhơ bẩn bên trong cho bên ngoài thấy, trực tiếp
bôi nhọ mặt đảng. Ðó là một điều khiến các đàn em của Nguyễn Tấn Dũng phải lo
lắng.
Một sai lầm khác của Dũng là muốn đóng vai người hùng. Dũng tuyên
bố: “Ðảng bảo làm gì thì tôi làm, chính tôi không xin chức tước địa vị nào cả”
để tự xóa bỏ tất cả các tội lỗi tham ô, nhũng lạm, những vụ mất hàng tỷ đô la
trong xí nghiệp quốc doanh. Ðó là một lối thách thức: “Ðảng có dám làm gì tôi
không?
Có giỏi thì cách chức tôi đi?” Chưa thấy một lãnh tụ Cộng Sản nào dám
thách đố đảng như vậy. Cũng là một cách khác làm giảm uy thế của đảng. Sau thời
Lê Duẩn, đảng Cộng Sản không chấp nhận bất cứ một lãnh tụ nào nổi bật lên. Anh
nổi bật lên tức là anh làm hình ảnh của đảng xuống thấp! Toàn thể các cán bộ
chỉ lo kiếm chác trong cơn đổi mới kinh tế hỗn độn, họ cần một tổng bí thư chỉ
biết ăn no ngủ kỹ như Nông Ðức Mạnh.
Ðừng làm gì khiến cho con thuyền tròng trành, sóng có thể lật
thuyền! Hãy để yên cho người ta làm ăn!
Ðiều đáng lo nhất đối với các cấp ủy Cộng Sản là Nguyễn Tấn Dũng
đã nhiều lần nói xỏ xiên, chửi xéo Trung Cộng! Từ hội nghị Thành Ðô đến nay,
Cộng Sản Việt Nam vẫn tâm niệm rằng vận mệnh đảng gắn liền với Trung Cộng. Phải
dựa vào các “đồng chí anh em,” vú nuôi rút bầu sữa thì chết. Nguyễn Văn Linh,
Lê Khả Phiêu đã để lại di sản khẩu hiệu “Trung Cộng còn thì Ðảng còn.” Chưa nói
đến quân sự, riêng mặt kinh tế không thôi, rời khỏi vòng tay Trung Cộng là chết
cả lũ.
Cho nên nhiều người thấy theo Nguyễn Tấn Dũng hơi nguy hiểm, còn
đi với Nguyễn Phú Trọng có thể an toàn. Trọng giống Nông Ðức Mạnh hơn.
Những phân tích trên đây tạm giải thích tại sao nhiều người sẵn
sàng bỏ Dũng theo Trọng. Nhưng tâm lý đó cũng không đủ để bảo đảm họ một lòng ủng
hộ Nguyễn Phú Trọng đánh bại Nguyễn Tấn Dũng. Cách giải thích này còn dựa trên
giả thiết là Nguyễn Phú Trọng đủ khôn ngoan thuyết phục được kỳ họp thứ 14 của
Trung Ương Ðảng, khiến họ xoay chiều, đổi chủ soái. Ðiều này cũng không đáng
tin.
Chắc phải có một nguyên nhân thầm kín khác khiến đại đa số trong đại hội
quyết tâm bỏ Dũng theo Trọng. Vì trước đó, ai cũng đánh cá rằng Nguyễn Tấn Dũng
đã nắm trong tay hầu hết các ủy viên trung ương. Nguyên nhân thầm kín này là
gì?
Ông Nguyễn Phú Trọng đã được dân Hà Nội phong danh hiệu “Trọng
Lú.” Liệu ông có tính toán được hết những nước cờ mới dùng đánh Nguyễn Tấn Dũng
hay không? Có lẽ ông Nguyễn Sinh Hùng nắm trong tay câu trả lời. Ông Hùng là
người sau cùng đi gặp Tập Cận Bình trước đại hội đảng. Ông là người đủ thẩm
quyền biết ý kiến của các “đồng chí anh em,” như thế nào. Chỉ cần “các chú” nói
rành mạch một câu, khẳng định một lời, chắc chắn thông điệp đó sẽ được các đại
biểu suy đi nghĩ lại. Ðảng còn thì mình còn, đúng rồi. Nhưng nếu mất “các chú”
thì liệu Ðảng có còn không? Cuối cùng, chỉ nên tuân hành, “cung kính bất như
phụng mệnh,” cho nó an toàn. Trọng Lú nhưng các chú thì “khôn,” vì các chú luôn
nắm dao đằng chuôi.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.