NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CUỘC CHIẾN
SỐNG CÒN
Tô Văn Trường
“Chính các yếu tố chủ quan nội tại làm cho năng suất lao động ở
Việt Nam rất thấp và ngày càng bị các nước có cùng xuất phát điểm bỏ xa. Đó là
thể chế chính trị và kinh tế hiện nay làm cho số đông doanh nghiệp chọn con
đường làm giàu dựa chủ yếu vào các mối quan hệ thông qua các nhóm lợi ích bất
chính, không có động lực và thiếu điều kiện để phát triển bằng nâng cao trình
độ công nghệ và quản lý (là những yếu tố quyết định tăng năng suất lao động).
Điều này được thể hiện trong câu nói của dân gian : nhất hậu duệ, nhì quan hệ,
ba tiền tệ, còn trí tuệ ở cuối cùng”.
T.V.T.
Không
phải chỉ các nhà khoa học đạt giải Nobel mới hiểu và chứng minh một cách định
lượng rằng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá sức mạnh của
bất kỳ một nền kinh tế nào mà ngay cả mấy người khai sinh ra lý thuyết về Chủ
nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản như Marx, Engels, hay Lenin cũng đã tốn nhiều
giấy mực để chứng minh điều đó.
Vậy mà chúng ta, những kẻ dường như tôn thờ chủ thuyết Marx-Lenin
và quyết phấn đấu cho một nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” xem ra nói
thì nhiều mà làm chẳng được mấy để đưa nền kinh tế thoát khỏi vũng lầy “năng
suất lao động thấp” so với phần còn lại của thế giới.
Có rất nhiều nguyên nhân biện minh cho thực trạng tệ hại này. Việc
mổ xẻ, phân tích các nguyên nhân đó nhất là các nguyên nhân chủ quan là rất cần
thiết để chúng ta có thể lột xác trên con đường hội nhập để tranh thủ những cơ
hội một đi không trở lại.
Tình hình chung
Thực tế, chỉ so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động ở nước ta chỉ bằng 1/5 so
với Malaysia và 1/15 so với Singapore. Ở Việt nam hễ nói đến năng suất lao động, nhiều chuyên gia
thường đánh giá phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều
sâu, sử dụng công nghệ cao, tăng trưởng xanh và đổi mới quản trị (thể chế).
Khó khăn lớn nhất là thống kê về lao động trong từng khu vực thể
chế như các loại doanh nghiệp nhà nước, các công ty dịch vụ độc quyền nhà nước
(sự nghiệp), các hoạt động hành chính vẫn không được công bố rõ ràng, chính xác
nên khó lòng tính toán và đánh giá đúng về năng xuất lao động ở Việt Nam. Nguồn
của Niên giám thống kê
thì tù mù, dường như chỉ thoả mãn cho các mong muốn chính trị nên dựa vào đó
thì chỉ có phán đoán sai.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng mơ hồ, không rõ ràng vì ngay cả định nghĩa
của ILO cũng không phù hợp với một nước đang phát triển như Việt Nam. Thí dụ
chỉ tự làm 1 giờ trong tuần điều tra là coi như có việc làm là không hợp lý khi
mà nông dân chỉ cần vác cuốc ra đồng 1 giờ là được coi không thất nghiệp.
Ở Việt nam dân số vàng vào năm 2007 nhưng chỉ đến năm 2011 đã giao
thoa, đến 2030 sẽ cân bằng già trẻ. Đến năm 2035 Việt nam thuộc loại dân số
già. Nhật Bản còn khốn khổ về dân số già, chắc đến lượt Việt Nam thì khó khăn
chưa biết đến như thế nào!
Giảm tỷ lệ dân ở tuổi lao động sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát
triển kinh tế vì kinh tế phát triển dựa vào hai nhân tố: tăng dân số hoặc tăng
năng suất lao động.
Vì sao năng suất lao động Việt Nam thấp?
Để đánh giá chính xác năng suất lao động thấp phải khảo sát nghiên
cứu một cách định lượng thì mới có thể biết rõ đâu là nguyên nhân chính và từ
đó mới đưa ra được chính sách. Tuy vậy, năng suất nói chung bị ảnh hưởng bởi
các yế;u tố sau:
Thứ nhất là tri thức và tay nghề của lao động. Giáo dục nói chung
có thể nâng tri thức nhưng tay nghề thì cần giáo dục nghề nghiệp. Cái này thì
Việt Nam thiếu, các trường dạy nghề thay vì được phát triển thì biến thành các
đại học dạy tri thức chung. Vì vậy mà có nạn thừa thầy, thiếu thợ, mà nhiều
nơi, thầy cũng không ra thầy, thợ không ra thợ.
Thứ hai là công cụ, nói chung là máy móc và kỹ thuật tiên tiến.
Cái này Việt Nam cũng thiếu vì Việt Nam chủ yếu nhập công cụ, máy móc lạc hậu
từ Trung Quốc, sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và lao động và lại hay
hỏng hóc nên giá thành đắt. Ngay mới đây, vụ mua 600 toa xe do Trung Quốc đào
thải thì làm sao có được năng suất lao động cao? Hàn Quốc chủ yếu nhập kỹ thuật
và đòi chuyển giao công nghệ và hạn chế FDI để nắm được công nghệ. Trung Quốc
cũng theo học như Hàn Quốc nhưng mở rộng cho FDI vào một số ngành nghề. Việt
Nam thì chủ yếu dựa vào FDI mà trung gian thực hiện (thắng thầu hay quản lý) là
Trung Quốc.
Thứ ba là thể chế ảnh hưởng có tính chất quyết định đến năng suất
lao động. Trung Quốc và Việt nam dựa vào doanh nghiệp nhà nước, còn Hàn Quốc
dựa vào tư nhân. Hệ thống quản trị ở nước ta vừa yếu kém, vừa tham nhũng có
tính phổ biến.
Thứ tư là chính sách với công nhân cũng là yếu tố quyết định liên quan
đến năng suất lao động. Trả lương quá thấp thì chỉ thu hút được lao động không
chuyên. Xung đột với quản lý và đình công làm giảm sản lượng và tăng giá thành.
Số lượng đình công ở Việt Nam ngày càng nhiều.
Giải
pháp
Trong qúa trình hội nhập và nhập hội, tác động rất lớn đến năng
suất lao động. Việt Nam không thể là một kẻ lập dị trong một thế giới văn minh
phát triển. Muốn vậy, vẫn là muôn thuở, phải luôn tự “nhìn lại mình và vượt lên
chính mình”. Hội nhập là thay đổi sao cho dân tộc không còn tách rời với cộng
đồng thế giới, và cộng đồng này cũng không thể hờ hững với Việt Nam.
Năng suất lao động là do các yếu tố như điều kiện tự nhiên và mô
hình thể chế đem lại. Về mô hình thể chế thì quá rõ khi so sánh trước và sau chính
sách Đổi mới. Hiện trạng ngày nay bộ máy cồng kềnh gồm Đảng, chính quyền và các
tổ chức đoàn thể xã hội ngốn đến 35% thu ngân sách là rào cản tăng năng suất
lao động. Chỉ có cải cách thể chế để tạo động lực cho nền kinh tế mới nâng cao
được năng suất lao động.
Nếu “mổ xẻ” theo công thức tính năng suất lao động là tỷ lệ giữa
GDP với số lao động thì suốt 30 năm đổi mới, Việt Nam mới chỉ giảm được con số
70% lao động nông nghiệp xuống 46% như hiện nay. Trong khi đó, các nước tiên
tiến số lao động nông nghiệp chỉ khoảng 5%. Như vậy, số nông nhàn ở Việt nam
quá lớn, giải pháp phải làm sao rút xuống con số lao động nông nghiệp chỉ
khoảng 16% trong vòng 10 – 15 năm tới.
Năng suất lao động ở nông nghiệp nói chung là rất thấp vì số lao
động dư thừa. Cho nên muốn tăng năng suất lao động của xã hội nói chung thì phải
mở rộng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Và khi tính năng suất lao động thì phải
loại trừ hoạt động hành chính và sự nghiệp (vì không thể tính bằng cách lấy GDP
chia cho số lao động hay giờ lao động được).
Để có năng suất lao động cao, phải chú ý đúng mức tới trình độ đội
ngũ lao động trí thức và các chủ đầu tư vì họ là người hoạch định và tổ chức
thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách.
Lỗ hổng hiện nay là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn khoảng 1000 đang
phấn đấu giảm xuống khoảng 400 doanh nghiệp và đẩy mạnh doanh nghiệp tư nhân
lên con số hơn 500 nghìn. Nan giải còn đến 55 nghìn đơn vị sự nghiệp (2 triệu
người) ăn lương nhà nước. Trong khí đó hệ thống bảo hiểm y tế mới đạt khoảng
75% (chỉ có 10% là tự nguyện) cho nên nhà nước vẫn phải hỗ trợ đặc biệt cho các
hộ nghèo vv…
Bộ máy hưởng lương nhà nước quá lớn, chồng chéo chức năng nhiệm
vụ, không chỉ là gánh nặng về ngân sách, mà còn, trong rất nhiều trường hợp, còn
là đi ngược lại sự phát triển, cản trở phát triển.
Muốn có năng suất lao động cao, không còn cách nào khác là phải
thay đổi nhận thức và thể chế xã hội, kết hợp thay đổi thói quen văn hoá “làng
chài” có từ nghìn năm của người Việt đang càn trở sự phát triển.
Thay cho lời kết
Năng suất lao động là cái nút bấm quyết định làm bật dậy toàn bộ
nền kinh tế quốc dân. Để cái nút bấm này làm được chức năng của nó, phải có một
hệ thống và một mạng liên kết từ chỗ thiết kế cho cái nút bấm này ra đời và đưa
nó vận hành được trong cuộc sống.
Chính các yếu tố chủ quan nội tại làm cho năng suất lao động ở
Việt Nam rất thấp và ngày càng bị các nước có cùng xuất phát điểm bỏ xa. Đó là
thể chế chính trị và kinh tế hiện nay làm cho số đông doanh nghiệp chọn con
đường làm giàu dựa chủ yếu vào các mối quan hệ thông qua các nhóm lợi ích bất
chính, không có động lực và thiếu điều kiện để phát triển bằng nâng cao trình
độ công nghệ và quản lý (là những yếu tố quyết định tăng năng suất lao động).
Điều này được thể hiện trong câu nói của dân
gian : nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, còn trí tuệ ở cuối cùng.
Chỉ còn khoảng 20 năm nữa là chúng ta hết những thuận lợi của “cơ
cấu dân số vàng”, chúng ta cũng sẽ mất luôn những ưu đãi do việc ký kết những
hiệp định kinh tế mang lại. Và nếu không có đột phá về chính trị và kinh tế, về
cơ cấu, phương thức lao động mà trước hết là phải thủ tiêu triệt để tệ tham
nhũng, cơ hội của các nhóm lợi ích để tạo động lực cho tăng năng suất lao động
thì khẩu hiệu ‘nhanh chóng công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại” mà Đại
hội Đảng khóa 12 đưa ra, mãi mãi chỉ là “khẩu hiệu”, hay nói cách khác Việt nam
là nước không chịu phát triển.
T.V.T.
Tác giả gửi
BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.