Người dân chết vì “Đúng quy trình”
Mặc Lâm, RFA
2016-10-17
2016-10-17
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Nhà cửa, ruộng
vườn chìm trong biển nước vì xả lũ.
Courtesy of NLĐ
Lũ lụt ba tỉnh
miền Trung năm nay được xem là khủng khiếp ngay cả nếu so với trận lụt năm
2010. Thiệt hại nhân mạng tài sản người dân quá lớn không có gì bù đắp nổi và
báo chí đã lần ra nguyên nhân làm cho thiên tai lớn hơn chính là quy trình xả
lũ của thủy điện Hố Hô nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
“Đúng quy trình”
Vài năm nay cụm từ “Đúng quy trình” luôn được cán bộ các cấp mang
ra thanh minh cho việc sai trái của cơ quan hay cá nhân. Từ phân bố nguồn nhân
sự của Bộ Nội vụ cho tới sai phạm chết người trong ngành Y tế, hay lỗi kỹ thuật
của một công trình xây dựng, cứ mang cụm từ này ra là dư luận không còn cách
nào phản biện.
Trong trận lũ ngày 14 tháng 10 năm nay, câu “Đúng quy trình” lại
được công ty Hố Ba mang ra che chở cho sai phạm của mình sau khi thủy điện Hố
Hô làm cho cả huyện Hương Khê của Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Đã có 20 người
chết, 9 người mất tích cùng hàng chục ngàn căn nhà chìm dưới nước. Tài sản
người dân trôi theo nước ra biển và bản thân họ ngay sau khi lũ rút đi vẫn
không biết đâu là nhà để trở về.
Ông Vũ Mạnh Hùng Giám đốc thủy điện Hố Hô khi bị truy vấn đã trả
lời là mọi cuộc xả nước đều đúng quy trình bởi đã thông báo cho các xã chung quanh
để họ có thời gian di dời hay tránh lụt.
Tuy nhiên ông Lê Ngọc Huấn, chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã
mạnh mẽ phản bác, đáng ra khi đài truyền thanh báo áp thấp nhiệt đới thì thủy điện
phải xả trước vài ngày, đợi đến khi mưa về mới xả thì làm sao mà đúng quy
trình? Theo ông Huấn, việc điều tiết xả lũ của thuỷ điện Hố Hô vào đêm 14 tháng
10 huyện không nhận được thông báo bằng văn bản để cảnh báo cho người dân biết.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh một người sống trong vùng lũ
cho biết nhận xét của ông về cụm từ “Đúng quy trình” này:
“Bao giờ thì người ta cũng trả lời là đúng quy trình nhưng mà giám
đốc của công ty thủy điện Hố Hô đã có một câu họ trả lời hớ, đó là theo quy
định của Bộ Công thương thì khi mực nước lên cao trình 700 thì mới được xả,
nhưng tại thời diểm Hố Hô xả thì chính giám đốc công ty Hố Hô thừa nhận là chưa
tới cao trình 700.
Họ cũng nói Bộ Công thương ra quy định như vậy là sai họ sẽ kiến nghị
sửa! Đấy là cái thứ nhất. Thứ hai, đúng là có cả văn bản thông báo được coi là
quy trình nhưng nó vô nghĩa vì anh để văn bản ấy một cách quan liêu cho vài
lãnh đạo trong thời gian mà người ta đang vẫy vùng trong lũ. Điện và thông tin
không có làm sao người ta thông báo đến toàn dân được cho nên trước hết nói gì
thì nói sự thiệt hại khủng khiếp như vừa rồi của Hà Tĩnh chắc chắn thủy điện Hố
Hô không thể nào đứng ngoài trách nhiệm của mình được”.
Thảm họa xả lũ
Nhà báo Hoàng Đức cũng cho biết những gì mà đồng nghiệp của anh
chia sẻ:
“Theo như bạn bè đồng nghiệp của tôi thông tin thì Quảng Bình Quảng
Trị bị rất nặng. Ở Hà Tĩnh Hương Khê người ta nói hơn 100 năm nay mới có một
trận lụt như thế. Vì thế này, nó có lý do của nó do họ xả nước từ hồ Hố Hô, nó
ngấm ngầm nó xả cho nên dẫn đến cái chuyện là quá bất ngờ chỉ trong vòng 30
phút mà nước từ 1 mét dâng lên 2 mét rưỡi, rất là kinh khủng đặc biệt vùng
Hương Khê dân chúng cực kỳ lao đao”.
Linh mục Trần Chính Trực quản xứ nhà thờ giáo xứ Tân Hội, xã Đồng Hóa,
huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho chúng tôi biết về những gì đang xảy ra tại
Tuyên Hóa:
“Bảy giáo xứ của cha thuộc huyện Tuyên Hóa mà tính đến sáng ngày hôm
nay thì khoảng 6.000 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, 5 người chết rồi riêng giáo xứ
của cha thì có 170 ngôi nhà bị nhấn chìm hoàn toàn. Trôi bò trôi trâu nước vào
phân nửa cái nhà 50% thì rất nhiều còn nhấn chìm luôn thì khoảng 200 nhà. Của
cải như cái xoong cái nồi, vật dụng trong gia đình nó trôi hết, phương tiện như
honda không đi được.
Điện thì cắt mấy ngày rồi, không có điện không có nước không có lương
thực cho nên từ ngày hôm qua đến nay cha phải đi cứu trợ lương thực như mì tôm
và lương khô nước sạch cho họ ăn. Họ ăn mì tôm sống ăn khô như vậy. Cha phát
mỗi nhà một thùng để ăn tạm trong mấy ngày. Nước nó bao vây cắt đứt tất cả chỉ
đi bằng thuyền mới được”.
Thủy điện luôn là đề tài không chấm dứt của báo chí không phải tới
khi nó gây hại người ta mới nói tới nhưng ngay từ lúc dự án bắt đầu cho đến lúc
khởi động có không biết bao nhiêu là vấn đề xảy ra cho nguồn điện mà nhà nước
rất cần này.
Phá hoại môi trường sống của người dân bằng cách di dời họ ra khỏi
nơi quen sinh sống nhiều chục năm. Khi mùa nắng thì giữ nước để phát điện bất
kể khô hạn bên dưới hạ du của người nông dân. Mùa mưa thì xả lũ khi thấy lượng
nước lên cao mà không cần theo quy định của Bộ Công thương về mức nước phải
tuân thủ.
Những điều mà thủy điện gây ra trên khắp cả dải đất miền Trung
không còn là dự báo nữa mà nó đã hiện thực và khó chối cãi những di hại mà thủy
điện mang tới cho người dân.
Sau khi nhận được tin xã lũ gây tai họa của thủy điện Hố Hô, Bộ
công thương đã cử một nhóm chuyên viên điều tra đến để rà soát lại cái “quy trình”
mà ông Vũ Mạnh Hùng tuyên bố. Nhà báo Nguyễn Quang Vinh cho biết:
“Bộ trưởng Bộ Công thương chiều tối muộn ngày hôm qua đã quyết định
thành lập ngay tổ kiểm tra chứng tỏ Bộ trường đã nhìn thấy một sự bất thường
nên mới cho kiểm tra gấp như vậy. Lãnh đạo Tỉnh, Huyện, Xã ở đấy đã khẳng định
một cách chắc chắn rồi. Đời thủa nào Chủ tịch Huyện gọi cho công ty yêu cầu
dừng lại cho chúng tôi vài tiếng thôi để cho dân đi, bởi vì đang dêm mà anh, mà
họ cũng không dừng họ chỉ hăm hăm bảo vệ công trình của họ mà họ bất cần số
phận người dân.
Một lãnh đạo huyện kêu gào anh dừng cho tôi vài tiếng thôi để dân có
thời gian di dời, đủ thời gian trèo lên mái nhà, đủ thời gian để gìn giữ trâu
bò nhưng họ vẫn không chấp thuận mà vẫn tiếp tục xả. Chẳng ai mà xả một lượng
nước khổng lồ như vậy 1.800m3 một giây. Ầm ầm như vậy từ 5 giờ chiều cho tới
khuya thì còn gì nữa?”
Tai họa nào cũng để lại hậu hoạn cho người dân. Trước hoàn cảnh
dầu sôi lửa bỏng của người bị nạn chính quyền địa phương không có cách nào khác
khi có quá ít phương tiện ứng cứu trong tay. Một vài chiếc ca nô không thể bao
quát một vùng trời nước mênh mông trắng xóa hàng ngàn cây số vuông. Nhà báo
Hoàng Đức cho biết:
“Chẳng có một biện pháp gì cả gần như người dân người ta tự cứu mình
là chính. Người ta leo lên các quả đồi, những mỏm đá hay chạy ra đường Hồ Chí
Minh để lánh nạn, còn chính quyền thật ra họ cũng bất lực muốn làm nhưng chả
làm được đâu, nó cũng bó tay thôi chả làm được gì đâu”.
Người dân bây giờ đã qua cơn khủng hoảng điều họ cần là gầy dựng
lại những gì mà cơn lũ đã cuốn trôi. Báo chí xác định nhà nước nếu không đủ sức
trợ giúp toàn bộ cho họ lần này thì cũng phải giải quyết tới gốc căn bệnh “Đúng
quy trình” nếu không những trận xả lũ khác trong tương lai vẫn lại xảy ra và
nguy cơ người chết, tài sản tiêu tan rồi sẽ được lập lại.
Bài học xương máu về thủy điện
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-10-14
2016-10-14
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Hiện trường lòng
hồ thủy điện Sông Bung 2 sau khi ống dẫn nước bị vỡ sáng 14/9/2016.
00:00/00:00
Sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 hồi tháng Chín khiến
người dân hoang mang trong lúc Bộ Công Thương cho tiến hành điều tra còn lãnh
đạo Quảng Nam thì nhìn nhận đây là bài học xương máu.
Tại buổi họp hôm 10 tháng Mười vừa qua, liên quan đến việc vận
hành liên hồ chứa nước trong mùa lũ của các nhà máy thủy điện trên lưu
vực Vu Gia-Thu Bồn, phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam là ông Lê Trí Thanh nói rằng sự
cố sông Bung 2 là một bài học xương máu.
Phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa Vật Lý
Ứng Dụng thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, nhận định:
Bài học xương máu về cái gì ? Thực ra mà nói đường ống đấy bị vỡ là
vấn đề khi xả lũ là anh làm chưa đúng qui trình. Khi ngăn đập thì thường người
ta xây dựng các công trình đường ống xả lũ và đường ống dẫn dòng phải hoàn
thành tốt trước mùa mưa. Ở miền Trung mình phải tích nước vào mùa mưa vì các
mùa khác không có nước. Cho nên phải xây dựng đường ống thật hoàn chỉnh rồi
phải đảm bảo kiểm tra tất tật về mặt công trình rồi thì khi ấy mới có quyền
tích nước.
Tôi nghĩ phát biểu của ông đấy chắc chỉ liên quan đến vấn đề là đập
thủy điện đó tích nước không đúng. Khi đắp đập bao giờ cũng phải có những kênh
thoát nước nhưng mà cuối cùng, khi mùa mưa rồi, thì công trình của anh chưa
hoàn chỉnh, anh phải vội vã, cái đấy mình cho là cái sai lầm nhất.
Bài học quan trọng thứ hai, vẫn lời phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều,
là nghiên cứu điều tích nước trong vấn đề xả lũ và tháo nước:
Trong hệ thống bậc thang thì tháo lũ phải có qui trình, bậc trên tháo
lũ như thế nào để thả xuống bậc dưới và bậc dưới nữa. Vấn đề giám sát đấy là
phải chú trọng thường xuyên luôn. Phải có nghiên cứu và điều tiết để không ảnh
hưởng đến cuộc sống người dân, không ảnh hưởng đến ngập, lụt. Một qui trình
chặc chẽ thì bao giờ cũng đảm bảo tốt và không có vấn đề gì.
Sự có thủy điện hay gặp là không dự báo tốt được mức độ mưa rơi xuống
hay mức độ nước ở thượng nguồn về. Cho nên cứ khi nào mà nước quá nhiều,
gặp nguy hiểm thì anh xả bừa. Nếu có khoa học là anh phải biết dự báo
được nước lũ sẽ về như thế nào để không gây nguy hại mà cũng không thể ép mình
xả lũ một cách đột ngột. Đấy là bài toán tương đối khó trong khoa học nhưng mà
phải làm được.
Nhưng trong miền Trung thì toàn thủy điện nhỏ, dung tích chứa nước
lại ít cho nên khi lũ về thường người ta phải xả gấp, đấy là nhược điểm.
- Ông Vũ Trọng Hồng
- Ông Vũ Trọng Hồng
Tại buổi họp ngày 10 tháng Mười, phó chủ tịch Quảng Nam Lê Thí
Tranh cũng yêu cầu các đơn vị là, từ sự cố Sông Bung 2, phải lưu ý kiểm
tra các cửa van, vận hành thử máy móc cũng như các trang thiết bị như hệ thống
loa, còi cảnh báo. Bên cạnh đó, phải tiến hành kiểm tra mốc cảnh báo lũ, nghiên
cứu tăng dày các cột mốc và bổ sung trạm đo mưa, phối hợp lập bản đồ ngập lụt
vùng hạ du vân vân...
Lưu vực Vu Gia-Thu Bồn của Quảng Nam có 42 dự án thủy điện đã phê duyệt
với tổng công suất trên 1.600 MW, có 10 dự án thủy điện bậc thang mà 7 công
trình đã đi vào hoạt động và 3 công trình đang được xây dựng. Ngoài ra còn có
32 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong đó 10 công trình đã phát điện.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, từng
giám sát việc thi công dự án thủy điện Trị An, giải thích thủy điện bậc thang ở
Quảng Nam chủ yếu dùng để phát điện chứ không có nguồn nước để tưới cho hạ lưu,
vì thế nó ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước ở hạ lưu. Ông nói có thể vì
thế mà lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới phát biểu rằng đây là bài học
xương máu vì chính họ đồng ý với dự án thủy điện này.
Vừa qua chuyện Sông Bung 2 không phải do thủy điện xả lũ xuống mà do
lũ ở thượng nguồn đang đổ về, công trình đang giai đoạn sửa chữa cho
nên cánh cửa đóng cái ống thoát nước nó bật ra, nước trôi xuống hạ
lưu ngập các xóm. Cái này chính là do thi công, cửa đó là cửa nhân tạo, ống
lại thi công chưa tốt cho nên nó bị vỡ.
Qui định của nhà nước là anh phải có qui trình xả lũ được duyệt và
muốn xả lũ thì phải thông báo cho hạ du. Cũng có những trường hợp lũ đến gấp
quá, để bảo vệ đập thì họ cứ thế họ xả không kịp báo, chứng tỏ khi làm thủy điện
bậc thang thì phải quan tâm tại vì lũ ở bậc trên xả xuống đập dưới thường
người ta phải rất cẩn trọng, cách nhau bao nhiêu cây số thì mới có bậc thang,
để khi lũ trên kia xả và báo thì phía dưới này đỡ được.
Nhược điểm ở Quảng Nam
Vấn đề ở Quảng Nam là các bậc thang thủy điện gần nhau quá, độ dốc
của sông quá cao, lũ lại mạnh nên không thể báo kịp:
Đấy là cái họ rút ra bài học, việc họ đồng ý phê duyệt mà không biết
rằng khi lũ xả như vậy có thể gây nguy hiểm cho hạ du. Đấy là cái ý mà Quảng
Nam muốn nói thôi chứ thật ra cũng chưa có trường hợp xả lũ lớn nào mà chết
người.
Tại buổi họp, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du của đập thủy
điện bậc thang đối với 12 hồ chứa, mà Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã
kiểm tra, thẩm định trước khi chuyển qua Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, được cho là bảo
đảm an toàn.
Ngoài ra, việc vận hành giữa các hồ chứa, việc phối hợp giữa các
đơn vị quản lý công trình thủy điện, hệ thống camera theo dõi mực nước xả tràn
cũng được đánh giá là tốt.
Việt Nam có hai hệ thống thủy điện bậc thang qui mô, miền Bắc
là Sơn La-Hòa Bình, miền Trung là Quảng Nam. Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi Vũ Trọng
Hồng:
Việt Nam là nước thu nhập thấp, giờ mới bắt đầu thu nhập trung bình,
nguồn tiền để có thể làm những loại năng lượng điện khác như nhiệt điện, điện
mặt trời, điện gió là chưa đủ. Nguồn thủy điện rẻ nhất đồng thời là nguồn
thủy điện sạch cho nên Việt Nam buộc phải phát triển.
Vì muốn có nguồn năng lượng nhanh và rẻ cho nên gần như đồng loạt các
dòng sông đều xây dựng thủy điện, chính điều này mới gặp phải những chuyện
chẳng hạn như Sông Bung 2. Có thể nói với những thủy điện lớn ở miền Bắc như
Hòa Bình-Sơn La thì qui trình rất chặt, xa nhau hàng mấy chục cây số, có hẳn
qui trình điều tiết liên hồ chưa để báo cho nhau.
Nói thật không có cái gì mà tăng được nguồn năng lượng dễ và nhanh
như thủy điện, cho nên thủy điện vẫn là cứu cánh của người Việt mình bây giờ.
- PGSTS Cao Đình Triều
- PGSTS Cao Đình Triều
Nhưng trong miền Trung thì toàn thủy điện nhỏ, dung tích chứa nước
lại ít cho nên khi lũ về thường người ta phải xả gấp, đấy là nhược điểm. Đúng
ra miền Trung phát triển vội như vậy thì lại vấp cái lũ về nó lớn. Thứ hai là
đến mùa khô, vì thủy điện phải tích nước nên vấp phải cái là muốn chống hạn lại
không có nước. Cái này hiện nay nhà nước đang rút kinh nghiệm và đang phê duyệt
mốt số dự án nhỏ không cho phát triển nữa ở miền Trung.
Đối với phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa
Vật Lý Ứng Dụng, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, thủy điện là cứu
cánh của Việt Nam:
Chúng ta cần có năng lượng để phát triển và chỉ có duy nhất thủy điện
là cái Việt Nam phải tận dụng. Nói thật không có cái gì mà tăng được nguồn năng
lượng dễ và nhanh như thủy điện, cho nên thủy điện vẫn là cứu cánh của người
Việt mình bây giờ.
Được biết quốc hội Việt Nam từng loại bỏ khoảng 400 dự án thủy
điện trên toàn quốc và hiện tại cũng đang xem xét để loại thêm nhiều dự án thủy
điện nhỏ ở miền Trung.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.