Số phận ‘những cánh tay nối dài của đảng’ sẽ
ra sao?
Phạm Chí Dũng
Trong lịch sử trung thành thực hiện nhiệm vụ “cánh tay nối dài của
đảng”, chưa bao giờ các tổ chức chính trị – xã hội một thời vang bóng lại phải
chịu cảnh rã rượi thân xác và bị công luận đồng thanh lên án như vào lúc này,
khi dự thảo luật về hội bất thần ngoặt sang hướng “hết tiền” vào những tháng
cuối năm 2016.
Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam – 6 tổ chức chính trị xã hội ấy – đang phải
đối mặt với không chỉ luật về hội mà cay đắng hơn cả là câu hỏi “tiền đâu”.
“Vô tích sự”
Trong khi Giáo Sư Nguyễn Đình Cống – một tiếng nói bất đồng ở Hà
Nội – nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
thì một cựu quan chức cấp sở ở Sài Gòn cũng nói công khai trong một cuộc họp là
có thể giải tán Đoàn Thanh niên Cộng sản.
“Vô tích sự” và “phản cảm” là từ mà ngày càng nhiều người bức bối
để trực chỉ vào một số “cánh tay nối dài của đảng”. Nhưng xem ra, đó còn là từ
ngữ dễ chịu. Khó chịu hơn nhiều là những nghi ngờ về tính khuất tất quá lâu năm
trong các tổ chức này trong cơ chế hoàn toàn khép kín về tiêu xài ngân sách mà
do đó là “nuốt” tiền đóng thuế của dân.
Chỉ đến năm 2016, báo chí mới “vô tình” phát hiện là hàng năm, ngân sách đã phải vung đến 14,000 tỷ
đồng cho các tổ chức chính trị – xã hội. Nhưng sau đó, con số này đã trở nên quá nhỏ bé khi xuất hiện một
đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1.7% GDP
của cả nước, tức là tương đương với hơn 71,000 tỷ đồng.
Trong thực tế, một trong những nguồn lực lớn nhất mà các tổ chức
quần chúng công sử dụng là các khoản chi cho nguồn nhân lực. Theo Tổng cục
Thống kê, vào năm 2012 Việt Nam có 246,144 người
làm việc cho 34,378 cơ sở của tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội được
nhà nước đãi ngộ theo chế độ.
Số cán bộ, công chức làm việc cho các tổ chức chính trị, đoàn thể,
xã hội được nhà nước trả lương chiếm 7.2% nhân lực làm việc cho nhà nước và
1.1% tổng lực lượng lao động xã hội. Nếu tính cả số cán bộ không chuyên trách ở
cấp xã, phường, thôn, xóm (hoạt động trong các tổ chức quần chúng công cấp cơ
sở), tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên
chế và không có biên chế) ước tính vào khoảng 337,981 người.
Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam bức bối: đã đến lúc các tổ
chức chính trị – xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ.
“Phản cảm”
Nhiều người đánh giá rằng so với nguồn kinh phí rất lớn nhận được
hàng năm từ bầu sữa nhà nước, công sức và hiệu quả của các tổ chức chính trị –
xã hội trên bỏ ra là hoàn toàn bất tương xứng. Còn nếu nhìn từ góc độ ngân sách
được cấu tạo bằng tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn nước ngoài mà các đời
dân chúng phải nai lưng gánh chịu, sự thể còn trở nên tàn nhẫn hơn nhiều.
Cho đến nay, “thành tích” lớn nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
là giúp đảng cầm quyền ngăn chặn và loại hầu hết các ứng cử viên độc lập, mà
bằng chứng sống động nhất đã hiện hình trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng
Năm, chủ yếu qua những màn đấu tố thô bạo không khác mấy so với thời cải cách
ruộng đất cách đây đến bảy chục năm: số người tự ứng cử lọt vào Quốc hội đã
giảm đi phân nửa so với những kỳ bầu cử Quốc hội trước đó. Cũng trong cuộc bầu cử Quốc hội này, thậm chí tỷ
lệ người ngoài đảng đã rớt xuống chỉ còn khoảng 4%, so với “10% theo tiêu chí”.
Một bằng chứng sống sượng khác: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hầu
như không chia sẻ với bất kỳ tổ chức và nhân vật tôn giáo nào khác thể hiện
tiếng nói và hành dộng khác với chủ ý độc trị của đảng cầm quyền. Thậm chí
ngược lại, giới lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tự nguyện biến thành
cánh tay đắc lực giúp cho đảng bóp nghẹt hơn quyền tự do tôn giáo của người dân
– được hiến định qua các Hiến pháp nhưng còn lâu mới được khẳng định trong một
văn bản luật về tôn giáo.
Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng trở nên vô
tích sự và phản cảm không kém. Từ khi có Luật Lao động, tổ chức này đã chưa hề
chủ động tổ chức một cuộc đình công hoặc lãn công nào cho công nhân, bất chấp
vô số khó khăn và bất công trùm phủ lên đầu lớp công nhân vừa nghèo vừa đói
cùng hàng ngàn cuộc đình công tự phát của công nhân nổ ra hàng năm.
Không những không hỗ trợ công nhân, Tổng liên đoàn Lao động Việt
Nam lại nối thêm một cánh tay giúp công an ngăn chặn đình công. Trong một số
trường hợp, công nhân còn phát hiện chính cán bộ công đoàn làm công tác chỉ
điểm để “khoanh vùng đối tượng” và sau đó là bắt bớ tống giam những công nhân
khởi xướng đình công.
Từ rất nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng
đương nhiên trở thành một khâu trung gian hưởng ít nhất 2% trên tổng quỹ lương
doanh nghiệp. Số tiền không nhỏ này, cộng với khoản ngân sách mập mạp hàng năm,
đã biến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành một gã trọc phú ngồi mát ăn bát
vàng.
Hầu như tương tự, một tổ chức chính trị – xã hội khác là Hội Nông dân Việt Nam đã không hề lên tiếng
trước cảnh nạn hàng triệu nông dân bị mất đất, bị cướp đất và chịu rủi ro về
những bất công đất đai. Trong bối cảnh nạn
trưng thu đất đai quá bất công vọt lên từ 10-20 lần, thậm chí hàng trăm lần
giữa giá bán lẻ ra thị trường và giá bồi thường mỗi mét vuông đất cho nông dân,
Hội Nông dân Việt Nam đã trở thành một trong những tổ chức chính trị – xã hội
“khiếm thính” và “khiếm thị” nhất, bất chấp không khí tang tóc của lớp nông dân
bị bần cùng hóa tuyệt đối đè nặng trên mọi vùng đất nước.
Còn với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam, hai tổ chức này chỉ chuyên chú tổ chức công tác “vận động”
những người mang tinh thần phản kháng Trung Quốc không đi biểu tình với lý do
“đã có đảng và nhà nước lo”. Thậm
chí, một số cán bộ đoàn – được dư luận xã hội nhận dạng – còn trở thành những
nhân viên công an không sắc phục khi theo dõi, tiếp tay cho công an bắt bớ
người dân yêu nước…
“Ra đường”
Dự luật về Hội đang mở ra cơ hội để giảm bớt phần nào cảnh tàn
nhẫn trên. Ngay cả một số chuyên gia nhà nước cũng đang đòi phải đưa cả 6 tổ
chức chính trị – xã hội trên vào danh sách hội đoàn phải chịu sự điều chỉnh của
luật về hội. Cụ thể hơn, các tổ chức này sẽ không còn được giữ những đặc quyền
và đặc lợi như trước. Chi tiết hơn, những tổ chức này sẽ phải chịu sự giám sát
của luật pháp, đặc biệt về thu chi tài chính. Và chưa phải hết, ngân sách chỉ
chi cho hội đoàn những khoản liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ chính trị” mà nhà
nước giao phó, còn không có nhiệm vụ thì tự mà lo thân.
Ngân sách khốn quẫn đang bị siết lại nhanh chóng và bầu sữa dành
cho các tổ chức chính trị – xã hội cũng cạn kiệt nhanh không kém. Từ năm 2014
và sau đó, ngân sách chi cho các tổ chức hội đoàn nhà nước đã giảm hẳn, nhiều
khả năng chỉ còn khoảng một nửa cho những tổ chức hội đoàn lớn, trong khi khá
nhiều tổ chức hội đoàn nhỏ đã gần như biến mất nguồn chi ngân sách vào năm
2016. Đây cũng là “hoàn cảnh” của ngân sách quốc gia khi phải trả nợ quốc tế
đến $20 tỷ vào năm 2015 và ít nhất $12 tỷ vào năm 2016.
Và sang đầu năm 2017, Chính phủ Việt Nam lại phải tiếp tục trả nợ
nước ngoài vài chục tỷ đô la, ngân sách sẽ lấy đâu ra tiền dù đã phải thoái vốn
tại hàng chục “con bò sữa?” Trong tình cảnh đảng còn không đủ tiền để lo lắng
cho tương lai “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn
thiện ở Việt Nam hay không”, làm sao các tổ chức hội đoàn sinh ra chỉ để “ăn
chơi nhảy múa” lại có phần?
“Nhất thể hóa” – một chủ trương “gom gọn” một số cơ quan đảng với
cơ quan chính quyền, đồng thời tiết giảm đến mức tối thiểu kinh phí cấp cho các
tổ chức hội đoàn – đó là cách giúp cho đảng có thêm tiền để tiêu xài trong hoàn
cảnh bức bách.
Số phận những “cánh tay nối dài của đảng” cũng bởi thế sẽ không
còn thể nào trở về thời hoàng kim đặc quyền đặc lợi như trước đây. Một cách tự
nhiên mà chẳng cần tác động nào từ phản ứng của người dân và phong trào đấu
tranh dân chủ nhân quyền trong nước, nhiều hội đoàn nhà nước sẽ phải tự giải
thể vì hết kinh phí hoạt động, nhiều quan chức hội đoàn sẽ phải “ra đường”, còn
sáu hội đoàn chính trị – xã hội lớn nhất của đảng cũng chẳng thể kỳ vọng “chết
trên núi tiền” như trước kia, cho dù không phải chịu sự điều chỉnh của luật về
hội.
Để đương nhiên, tiếng nói phản biện chủ yếu cho quyền dân sẽ phải
dần chuyển sang khối xã hội dân sự độc lập và truyền thông tự do không chịu ý
chỉ của nhà cầm quyền.
P.C.D.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.