Những cái chết "lạ" của Việt kiều khi về thăm quê - Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=171828&zoneid=2&fb_action_ids=677919592236064&fb_action_types=og.likes&fb_ref=.Uhlh7xHpQmd.like&fb_source=other_multiline&action_object_map=%5B510124205741469%5D&action_type_map=%5B%22og.likes%22%5D&action_ref_map=%5B%22.Uhlh7xHpQmd.like%22%5D#.Uhouzru9KSO
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Chỉ riêng trong Tháng Bảy, 2013, có ít nhất 4 người Việt ở hải ngoại về thăm Việt Nam, và chết tại đây do đủ mọi nguyên nhân.
Có người bị chết chỉ bởi vài câu cãi nhau. Có người bị chết vì kẻ cướp. Có người chết do tai bay vạ gió. Và có người chết mà không biết lý do rõ ràng.
Điểm lại một số những bất trắc mà những người này gặp phải khi quay về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, cuối cùng dẫn đến những cái chết tức tưởi, để lại bao nỗi hoài nghi trong lòng người ở lại, để thấy rằng, những ai khi quay về Việt Nam cần chuẩn bị trước tâm lý đương đầu với chuyện “điều gì cũng có thể xảy ra.”
“Đến giờ này tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Tại sao Phương cũng đi nhậu với Vince mà Phương không bị gì? Tại sao Phương lại không đưa em tôi vào bệnh viện?” Sharon nói qua điện thoại.
Sharon nói thêm một cách chán nản, “Luật bên đó không giống ở đây. Hình như họ chỉ làm có lệ, hồ sơ chứng tử chỉ có một tờ giấy, trong khi ở Mỹ thì cả một xấp giấy dày ghi đầy đủ chi tiết. Mình yêu cầu công an điều tra nhưng họ không có ý giúp đỡ thì mình cũng không biết làm gì hơn. Gia đình cũng đã gửi thư đến Tổng Lãnh Sự Mỹ, họ gửi về Việt Nam nhưng cũng không thấy ai trả lời gì hết.”
Lý do mà Việt Kiều Pháp 36 tuổi, Liêm Quốc Vinh, bị tước đi mạng sống vào ngày 19 Tháng Bảy, 2013 khi về thăm quê hương, đơn giản chỉ là “cãi nhau trong lúc nhậu.” Theo báo Pháp Luật, anh Vinh đến thuê phòng tại nhà nghỉ Thanh Hoa ở Vũng Tàu để ở trọ. “Thấy một nhóm vài nhân viên của nhà nghỉ đang ngồi nhậu, anh Vinh cũng tham gia vô.”
Rượu vào lời ra, anh Vinh lời qua tiếng lại cùng một nhân viên của nhà nghỉ. Khi anh Vinh rời khỏi nhà trọ, người thanh niên kia đuổi theo “dùng dao bấm đâm anh Vinh.”
Dù đã cố sức gọi điện thoại cho người nhà đến chở đi cấp cứu, nhưng mọi chuyện đã muộn màng.
Bà Trần Thị Minh, Việt kiều Mỹ, sinh năm 1964, khi quyết định trở về Sài Gòn để bán căn nhà ở Gò Vấp có lẽ cũng không bao giờ ngờ đó là chuyến đi định mệnh của mình.
Bà Minh được thân nhân phát hiện chết trong nhà vệ sinh vào sáng ngày 31 Tháng Bảy, 2013, sau 19 ngày trở về quê nhà, trên người “đang mặc đồ thể thao, nằm ngửa, đầu quay vào tường và trên người có nhiều vết thương.” Công an nghi đây là “vụ án giết người, cướp tài sản.”
Trong khi đó, một Việt Kiều Hồng Kông, bà Trần Thị Thu Hương, chấm dứt cuộc sống của mình ở tuổi 42 vào ngày 8 Tháng Giêng, 2013, chỉ vì lý do “muốn xóa đi một vết sẹo trên mặt.”
Đi tìm cái đẹp ở thẩm mỹ viện Linh Nhung - Hà Nội nhưng đâu ai ngờ Thu Hương lại bị chết trong lúc chụp thuốc mê.
Và làm sao có thể hình dung được cảnh bà Hồ Mộng Điệp, 55 tuổi, cũng một Việt Kiều từ Mỹ về Sài Gòn ăn Tết Nguyên Đán cùng gia đình, lại có thể chết cháy một cách đau đớn ngay trong ngôi nhà của em gái mình, chỉ mới sau một ngày về nước?
Theo báo VNExpress, trưa ngày 25 Tháng Giêng, 2013, trong lúc bà Điệp ngồi ăn cơm mừng ngày hội ngộ ở tầng trệt cùng con cháu thì lầu 3 của ngôi nhà bốc cháy.
Trong khi mọi người chạy ra ngoài thì bà Điệp lại chạy ngược lên lầu 2 để lấy giấy tờ tùy thân. Đây chính là lý do khiến bà Điệp tử vong do ngạt khói.
Tuy nhiên, trong số những cái chết “có lý do” thì có lẽ cái chết của Việt kiều Mỹ Nguyễn Hữu Nhơn vào ngày 27 Tháng Bảy vừa qua là cái chết “lãng nhất trên đời.”
Ông Nhơn về thăm gia đình 2 tháng, phần lớn thời gian ông ở Sài Gòn. Khi chỉ còn vài ngày nữa là quay trở lại Mỹ, ông Nhơn về Biên Hòa-Đồng Nai thăm gia đình thì gặp nạn.
Một chiếc nồi hơi được chế tạo để hấp bánh tráng cách nhà ông Nhơn ở 7 căn, phát nổ. Phần lõm của chiếc nồi bay vút lên cao theo hình chữ C rồi rớt xuống xuyên qua mái tôn căn nhà ông Nhơn đang trú ngụ, trúng ngay xuống đầu ông, trong lúc ông đang đứng nghe điện thoại dưới hiên nhà!
Mặc dù được gia đình đưa đi cấp cứu, người Việt kiều này tử vong trước khi đến bệnh viên do vết thương đầu quá nặng.
Dẫu biết rằng sống chết có số, nhưng chết như thế này thì quả là hy hữu.
Những cái chết không thể hiểu
Bên cạnh những cái chết mà thân nhân người quá cố biết được lý do mất mát để có thể an ủi lòng, thì cũng có những Việt Kiều về nước và không bao giờ còn có cơ hội sống tiếp trong cuộc đời, nhưng lý do vì sao thì không ai biết một cách rõ ràng.
Quay ngược thời gian, trong cùng Tháng Tư, 2012 có hai Việt Kiều Mỹ chết chưa rõ nguyên nhân.
Người chết vào tối ngày 12 Tháng Tư là ông Nguyễn Tăng Thẩm (có báo ghi là Nguyễn Văn Thẩm), 65 tuổi. Ông Thẩm được nhân viên khách sạn A. Trình ở Thuận An-Bình Dương phát hiện “chết tự khi nào” trong phòng. Nhiều người chỉ biết là chiều hôm đó ông Thẩm đi đâu đó rồi trở về khách sạn bằng taxi.
Trong khi đó, Việt kiều Trần Văn Lạc, 58 tuổi, được phát hiện chết ngay tại nhà người tình của ông vào trưa ngày 15 Tháng Tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cho đến nay cũng chưa ai nói về lý do vì sao ông Lạc qua đời.
Nhưng gây ồn ào và hoang mang nhất cho nhiều người là cái chết của cô Cathy Huỳnh, 26 tuổi, Việt kiều Canada và người bạn Mỹ đi cùng cô tên là Kari Bowerman, 27 tuổi.
Sở dĩ cái chết không rõ lý do của hai cô gái trẻ này được biết nhiều là bởi đài CNN nhập cuộc bằng bài viết “Mysterious tourist deaths in Asia prompt poison probe.”
Cathy và Kari cùng dạy tiếng Anh ở Nam Hàn và họ bay sang Nha Trang nghỉ Hè vào ngày 29 Tháng Bảy, 2012. Nhưng tối ngày hôm sau, cả hai đều được đưa vào bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng “ói mửa, khó thở, và có dấu hiệu mất nước trầm trọng.”
Khoảng 3 giờ đồng hồ sau khi vào bệnh viện, cô Kari qua đời.
Cathy được cho về. Tuy nhiên, hai ngày sau đó, Cathy cũng “nhắm mắt xuôi tay.”
Gia đình và bạn bè của cô Kari Bowerman, cư dân tiểu bang Wisconsin, nêu ra giả thiết là hai cô có thể chết vì trúng chất độc của thuốc trừ sâu.
Trả lời phỏng vấn của đài CNN, cô Jennifer Jaques, chị của Kari cho biết, “Thật là ác mộng khi cố đi tìm thông tin về cái chết của em tôi. Không có báo cáo của bệnh viện. Không có báo cáo của công an. Không có cái gì hết. Bất cứ điều gì đã xảy ra cho em tôi, tôi muốn chắc là nó không xảy ra cho ai khác hết.”
Bà Huỳnh Thị Hương, mẹ của Cathy Huỳnh, từ Ontario, Canada bay về Việt Nam lo hậu sự cho con gái, tỏ ra tức giận khi phát biểu với báo chí, “Tôi thật sự tức giận về sự vô trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện. Con tôi chết bởi nó không nhận được sự chăm sóc, điều trị cần thiết khi được đưa vào bệnh viện.”
Do không nhận được lời giải thích nào từ nhà cầm quyền Việt Nam hay từ các giới chức lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, gia đình và bạn bè của cô Kari Bowerman đã phát động chiến dịch viết thư để yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ mở cuộc điều tra.
Theo báo Dân Trí, ngày 14 Tháng Tám, 2012, tức hai tuần sau khi Kari qua đời, mẫu bệnh phẩm của cô mới được gửi ra Hà Nội để xét nghiệm tại Viện Pháp Y Trung Ương. Và kết luận cuối cùng là nguyên nhân dẫn đến tử vong của cô Kari Bowerman là “suy hô hấp tuần hoàn cấp do hậu quả của phù não.”
Trường hợp Cathy Huỳnh, theo đề nghị của gia đình và Tổng Lãnh Sự Quán Canada, thi thể cô được bàn giao nguyên vẹn cho gia đình đưa về Ontario mai táng, không qua thủ tục mổ khám nghiệm tử thi.
Mới đây nhất là cái chết của anh Vince Nguyễn Xuân Cảnh, 30 tuổi, một Việt kiều sống tại San Jose, miền bắc California, cũng khiến nhiều người quan tâm, nhất là khi câu chuyện này được báo San Jose Mercury News tường thuật.
Theo lời kể của cô Sharon Nguyễn Mỹ Dung, chị ruột của Vince thì anh về Sài Gòn đi dạy kèm Anh Văn tại trường Anh Ngữ ILA từ cuối Hè 2012 và dự trù trở về San Jose vào Tháng Tám, 2013.
Thế nhưng, ngày 1 Tháng Bảy, 2013, gia đình Sharon bàng hoàng nhận được tin người con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em đã qua đời tại Sài Gòn.
Nói chuyện với phóng viên Người Việt, cô Sharon cho biết lý do cái chết của em trai cô được ghi trong hồ sơ tại bệnh viện Pháp-Việt là “phù phổi cấp” và “họ cũng nói thêm là Vince qua đời vì chứng tim đột tử do thân thể chứa quá nhiều chất lỏng không tống ra ngoài được.”
Tuy nhiên, đến giờ phút này, dù Vince đã được gia đình đưa xác về chôn cất tại San Jose, nhưng cô Sharon vẫn cảm thấy cái chết của người em trai duy nhất trong gia đình “có quá nhiều bí ẩn”.
Những gì mà thân nhân của Vince Nguyễn được biết là: chiều ngày tối Chủ Nhật, 30 Tháng Sáu, 2013, Vince cùng người bạn thân ở Sài Gòn tên Nguyễn Chấn Phương đi ăn uống và sau đó rủ nhau đến quán nhậu sang trọng Banana Pub and Restaurant ở Quận 7 để uống rượu.
Tối đó, Phương đưa Vince, trong tình trạng say xỉn, về nhà mình ở Phú Mỹ Hưng để nghỉ ngơi.
Tại đây, Vince đã trải qua một đêm ói mửa, tiểu tiện và đi cầu không ngừng.
Khoảng 9 giờ sáng sáng ngày hôm sau, 1 Tháng Bảy, Phương đưa Vince vào một nhà trọ và để Vince ở đó, dù anh “vẫn còn say xỉn, không tỉnh táo để tự mình đi đứng được.”
Nhân viên nhà trọ cho biết người Việt kiều này đã mua rất nhiều nước uống từ quầy tiếp tân và yêu cầu mang đến tận phòng.
Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, nhân viên nhà trọ báo cho Phương biết “họ để ý thấy Vince bất động và cơ thể bị lạnh.”
Phương quay trở lại nhà trọ đưa Vince vào bệnh viện.
Sau 40 phút làm “hồi sức cấp cứu”, bệnh viện tuyên bố Vince Nguyễn Xuân Cảnh đã chết.ù đã từng trở về Việt Nam hai lần vào năm 2000 và 2012, nhưng sau lần trở lại Sài Gòn để đưa xác em trai mình sang Mỹ vào đầu Tháng Bảy vừa qua, cô Sharon Nguyễn Mỹ Dung, 38 tuổi, cho rằng “Tôi không bao giờ còn muốn trở về Việt Nam nữa.”
Một người bạn thời trung học của Cathy Huỳnh, người được Sở Tư Pháp Khánh Hòa cấp giấy chứng tử với nguyên nhân chết là “Choáng không hồi phục chưa rõ nguyên nhân”, tên Jetty Lý, nói với đài CNN rằng, “Tôi thiết nghĩ ít nhất chúng ta cũng cần phải để cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra… để có thể khi đứa con trai hay con gái của một ai đó nói rằng chúng trở về South Asia, thì đó sẽ không phải là lời chia tay vĩnh biệt.”
--- |
Jetty Lý, nói với đài CNN rằng, “Tôi thiết nghĩ ít nhất chúng ta cũng cần phải để cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra… để có thể khi đứa con trai hay con gái của một ai đó nói rằng chúng trở về South Asia, thì đó sẽ không phải là lời chia tay vĩnh biệt.”
ReplyDelete