Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Tuesday, October 1, 2013

Bốn trăm triệu có tương xứng với mạng sống của hàng chục ngàn dân?


 

  


 Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 23.9.2013

 

 

                               Bốn trăm triệu có tương xứng

                      với mạng sống của hàng chục ngàn dân?

                                                                                                                                     Văn Quang

 

Bạn đọc đã biết về những cảnh khốn khổ của người dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thuỷ và xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Như tôi đã tường thuật trong bài trước, Công ty thuốc trừ sâu của Công ty CP Nicotex Thanh Thái thải chất độc ra môi trường khiến cho hàng ngàn người dân mắc đủ thứ bệnh từ ung thư, suy giảm thần kinh, dị dạng, đẻ non, sẩy thai… Chỉ mới thống kê ở một xã Yên Lâm, huyện Yên Định, từ tháng 7/1997 đến nay, toàn xã có 957 trường hợp mắc bệnh các loại, trong đó có hàng trăm người bị bệnh ung thư. Ngay bây giờ chưa thể thống kê hết được những bệnh tật mà người dân các xã lân cận đã đang và sẽ còn phải gánh chịu và những tác hại khủng khiếp cùng hậu quả khôn lường cho cả một vùng đất rộng lớn có hảng trăm ngàn nông dân cư ngụ từ đời này qua đời khác.

 

                                           

                                                 Không kể phụ nữ hay đàn ông họ đều ra canh gác hiện trường

Một quyết định xúc phạm tới người dân

Vậy mà trong môt quyết định mới nhất ngày 18-9- 2013 vừa qua, Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định QĐ số 3253 xử phạt vi phạm hành chính 421.150.00 đồng đối với Cty CP Nicotex Thanh Thái vì đã có 10 hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. UBND Thanh Hóa đã giao cho CA tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở KHoa học công nghệ, Chi cục bảo vệ thực vật giám sát việc khai quật của công ty, xác định rõ chủng loại, khối lượng, thời gian chôn lấp để củng cố hồ sơ xem xét việc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Tôi không cần phải liệt kê toàn bộ 10 vi phạm, hay đúng hơn phải gọi đúng tên là 10 tội ác, của công ty Nicotex Thanh Thái này, bạn đọc đã biết quá rõ trong bài tuần trước tôi đã tường thuật cùng những thông tin nhan nhản trên các trang báo mạng trong và ngoài nước.

Điều đáng ngạc nhiên hay đúng ra đáng “kinh ngạc” ở đây là số tiền phạt hơn bốn trăm triệu mà UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định. Dù chỉ là quyết định ban đầu và còn phải chờ những chứng cớ để người dân có thể kiện đòi bồi thường, nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà Ủy Ban Nhân Dân Thanh Hóa ra một mức phạt ban đầu “kỳ quái” như thế? Không lẽ hơn bốn trăm triệu đó tương xứng với tính mạng của hàng chục ngàn người dân và những thiệt hại khác về môi trường, về hậu quả lâu dài của nó? Phạt kiểu này, không chỉ người dân Thanh Hóa mà người dân VN nào cũng đều cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Chính vì vậy nên tôi không thể không viết tiếp về vấn đề này.

Phạt như gãi ngứa

Có thể đây là biện pháp “chữa cháy” mà nhiều cơ quan đang áp dụng mỗi khi bị chỉ trích, bị lên án vì một vấn đề nào đó. UBND Thanh Hóa bây giờ mới nghe được tiếng khóc than của người dân thấu đến trời xanh, làm xúc động đến lương tâm nhân loại. Các quan đành tìm cách đưa ra một thứ “hình phạt tượng trưng” để che đỡ búa rìu dư luận đang chĩa thẳng về phia mình rồi… tính sau?

Phạt như thế thà đừng phạt, người dân còn đỡ tức, đỡ tủi hơn. Thử hỏi bốn trăm triệu giữa thời đại này ở VN có đủ tiền chữa cho một người mắc bệnh vì hóa chất không? Có nhiều gia đình đã bán cả gia sản đi để chữa bệnh cho một người. Số tiền đó còn hơn cả bốn trăm triệu của các ông trong UBND tỉnh phạt Cty gây ra hàng loạt tội ác. Một người dân đã nói thẳng thừng:

- Ban Trương Văn Thuận có địa chỉ kulypho@yahoo.com  viết: “Sai phạm như vậy mà chỉ bị phạt 420 triệu, giống như...gãi ngứa”.

Vâng, đó là nhận định thật nhất, đúng nhất của người dân. Rồi đây dư luận sẽ còn phán xét tiếp về cái quyết định này và người ta chờ đợi công lý được thực thị một cách sòng phẳng, công khai.

Người Việt ở mọi nơi xót xa trước tình cảnh của người dân ở VN

Trong ngày nay 19-9-2013, tôi nhận được vài cái “meo” của bạn bè ở khắp nơi, trong đó có một cái “meo” của một người quen thường gọi tôi bằng “uncle” thân mật, đề cập đến cái quy định của UBND Thanh Hóa. Bài viết không có dấu và pha lẫn tiếng Anh chứng tỏ “tác giả” đã ở Mỹ khá lâu. Tôi để nguyên văn cho đúng “nguyên bản” và tin rằng bạn đọc thừa sức hiểu lá thư ngắn đồng cảm với người dân trong nước như thế nào.

Hi Uncle Quang,

 

Em da doc bai cua uncle " tai sao dan toi kho the nay" em tim hieu them tren mang thi thay kinh khung qua that la impossible !!! Em mac du dang song o My van thay out of my mind va rat la feel so sorry thi huong ho nhung nguoi vn trong nuoc, theo em vu nay rat nghiem trong vi no thuc su la mot terrible national catastrophe vay ma ho chi co bi phat hon 400 trieu dong tien Vn. It is a joke !!!. good God , that khong hieu noi vi result cua no se khong bao gio khac phuc duoc ma neu co thi chac phai mat nhieu thoi gian va tien bac (tinh len toi hang tram trieu dollar la it)

 

Khong hieu tai sao nguoi o trong nuoc lai co the ignore vu nay nhi ? ho khong concern sao ,? O ben My vu dau loang o tieu bang Louisiana , lam cho tom chet , ngu dan ( co rat nhieu nguoi vn khong phai la My) khong co tom de danh bat nua vay ma chinh quyen phai lo den bu cho su thiet hai cua ho (du chi la nhung nguoi di dan tu nuoc khac qua) ma den bu rat nhieu cho nhieu nguoi. Thay buon cho dan VN qua, chinh nguoi viet giet chet nguoi viet. Em chi noi briefly cho Uncle biet de thay la su nguy hiem va nhan tam cua vu nay nhu the nao thoi needless to say  Uncle , they are not human any more that is exactly what I really think about.

Chuc Uncle va gia dinh vui manh, dac biet la Uncle suc khoe-  NGA LUONG”

Thưa bạn, đó là tình cảm và sự phẫn nộ của những người VN ở nước ngoài dù rất lâu năm. Những câu hỏi của bạn NGA LUONG thật đau lòng: “khong hieu tai sao nguoi o trong nuoc lai co the ignore vu nay nhi ? ho khong concern sao ,?”. Thật ra trong câu hỏi đã có câu trả lời. “thay buon cho dan VN qua, chinh nguoi viet giet chet nguoi viet”. Còn gì đau đớn hơn?

Báo cáo kiểu giết người

Lá thư đã đặt vấn đề về trách nhiệm của những “cơ quan chức năng” chịu trách nhiệm về môi trường và đời sống nông thôn. Từ bao năm nay họ làm gì trước những vi phạm trắng trợn của công ty kia? Xin nêu rõ hơn:

Ông Nguyễn Văn Chỉ, Phó chủ tịch UBND xã Yên Lâm (huyện Yên Định) cũng “tố” công ty này gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân địa phương. Đồng thời ông thẳng thắn nêu rõ:

“Trong các cuộc họp thôn, xã người dân liên tục phản ánh và xã cũng đã báo cáo bằng văn bản lên huyện, tỉnh. Thời gian đó các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã về lấy mẫu, kiểm tra môi trường, và họ chỉ kết luận 'có ảnh hưởng nhưng chưa đến mức nguy hại'.

Chính những cái báo cáo kiểu này đã giết dần giết mòn từ con người đến sinh vật và cảnh quan của địa phương. Mỗi lần đoàn kiểm tra về, không biết ban Giám đốc của công ty Thanh Thái đã đón tiếp, chiêu đãi như thế nào? Điều này chỉ có các quan biết với nhau. Lương tâm là thứ người ngoài không nhìn thấy được, nhưng người ta cảm nhận rất dễ dàng. Và cho đến nay, cơ quan điều tra vẫn có thể căn cứ trên những biên bản kiểm tra đó để tìm ra những tòng phạm. Nói cho đúng hơn, tòng phạm này còn nặng tội hơn tội phạm. Tất cả những khuất tất ấy phải được làm rõ ràng. Bà con nông dân khổ lắm rồi, đừng làm họ khổ thêm nữa.

Ngày đêm vẫn phải cánh gác ở cổng Công ty

Người dân lo lắng Cty Nicotex sẽ lén lút chở những thùng hóa chất đã bị khám phá, nên cùng nhau lấp lều trại ngay trước công ty canh giữ ngày đêm, đến nay đã gần 1 tháng, cho đến khi tôi viết bài này, họ vẫn còn phải canh giữ. Không hiểu tại sao các cơ quan được gọi là an ninh của địa phương đó vẫn thản nhiên “án binh bất động”, mặc cho người dân canh gác?

                                            

                                                                  Không kể phụ nữ hay đàn ông họ đều ra canh gác hiện trường

Lẽ ra các cơ quan an ninh phải vào cuộc ngay, trong đó có việc “bảo vệ hiện trường”. Vậy cái bộ phận gọi là dân phòng để làm gì? Trong khi người dân, ngay như nơi tôi đang sống, hàng tháng cũng phải đóng góp một số tiền gọi là “tiền dân phòng”. Chẳng lẽ chỉ để “phòng dân” chứ không “phòng địch”?

Cảnh người dân phải tự canh gác đó diễn ra hàng ngày, hàng đêm trước mắt những cơ quan “vì dân, do dân”. Các ông làm ơn hãy nhìn cho rõ người dân của chính làng quê các ông đang khổ sở thế này đây.

Ngày đi gặt, tối đi canh

Mặc dù đang trong mùa gặt song người dân các xã quanh khu vực của Cty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) đã phải bỏ cả đồng ruộng để thay nhau trông coi hiện trường. Thậm chí, có người bị hóa chất ảnh hưởng nhưng vẫn quyết tâm “bám trụ”. Từ hôm khai quật những chỗ chôn lấp thuốc sâu trong Cty Nicotex Thanh Thái thì cũng là lúc những người dân “bảo vệ hiện trường” phải bỏ hết chuyện riêng của gia đình để ăn, ngủ tại lều lán.

                                          

                                                                                                          “Ngủ ngày, canh đêm”

Những người dân đang ngày đêm canh gác hiện trường không phải là của một tổ chức nào đó, mà họ chỉ là những người dân bình thường. Ngày nào cũng có cả vài chục người dân túc trực ở đây, tự giác thay phiên nhau trực để còn làm ruộng.

Cứ sáng sớm, trong căn lều chừng 6m2, ông Nguyễn Văn Đồng, thôn Bái Nạp lầm bầm như cầu nguyện: “Chỉ mong cho các cấp chính quyền xử lý nhanh vụ này để người dân chúng tôi đỡ khổ”. Nhưng lời cầu nguyện của ông chẳng bao giờ thấu được đến các cấp gọi là “chính quyền” ở đây.

Sở dĩ ông mong như vậy bởi nhà ông có tới 6 sào ruộng, mấy ngày hôm nay đang là mùa gặt nhưng ông không giúp được gì cho gia đình. Vợ con phải nai lưng ra làm đêm làm hôm, giá lúa lại thấp, nếu không mang hết sức ra làm chắc chắn năm nay sẽ lỗ vốn lớn, lại đói thôi. (Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong một bài khác).

Ông còn chỉ tay vào anh Lê Đình Hợp đang ngủ say sưa. Ông kể: “Vợ nó đi gặt từ hôm qua đến giờ mà chưa có người thồ lúa về. Hôm qua nghe nói mất thùng phuy trong nhà máy, nên mấy anh em phải thức trắng đêm. Giờ nó mới chợp mắt được một tí. Lát nữa vợ nó ra thay ca cho nó về thồ lúa đó”.

Trời về đêm càng lạnh, họ chỉ đắp hờ chiếc chăn mỏng. Đáng sợ hơn là đàn muỗi rừng đang “khát” máu, chúng bay vo vo xung quanh. Đêm đói, mì tôm sống là món ăn “độc nhất vô nhị” của người dân bám trụ được ở nơi đây. Ông Đồng cho biết: “Tiền mua nước, mua mỳ tôm cũng là do người dân chúng tôi chung nhau lại...”.

Đổi tính mạng của mình để cứu sống cho hàng ngàn người

Tiếp xúc với mùi thuốc sâu 24/24h trong suốt hơn 20 ngày qua, nhưng những người trực ở đây họ không hề có áo quần áo bảo hộ lao động hay thậm chí một cái khẩu trang. Họ bảo: “Giờ chúng tôi đã quá quen với mùi thuốc rồi, những ngày qua không biết bao nhiêu thứ mùi hóa chất hít vào trong người. Chắc giờ đi khám không mang trong người một tá bệnh mới là chuyện lạ”.

Ở đây, dường như ngày nào cũng thấy anh Đoàn Văn Hoàng có mặt. Không kể ngày hay đêm, anh đều đến để quyết “phanh phui sự thật”. Anh nói, phải trực cho đến khi cơ quan chức năng làm rõ sự việc mới thôi. Giọng anh Hoàng đầy phẫn nộ:

Giờ mẹ tôi đang mang trong mình căn bệnh ung thư, chỉ nằm một chỗ chờ chết. Chính công ty này là nguyên nhân dẫn đến cho dân làng chúng tôi có số người mắc bệnh ung thư nhiều vô kể. Chúng tôi không thể đang tâm nhìn những người của công ty nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật như vậy được”.

Anh Hoàng còn cho biết, chỉ có ở đây mới cảm nhận được nỗi khổ của người dân mà Cty Nicotex Thanh Thái mang lại. Mùi hôi nồng nặc nhất là vào buổi đêm. Khoảng thời gian nửa đêm về sáng khi sương trời xuống, mùi thuốc sâu càng trở nên khó chịu.

Có những hôm mấy anh em đang ngủ, mùi thuốc sâu từ trong nhà máy bay ra hôi quá mà chúng tôi phải bật dậy lấy áo nhúng nước đắp lên mặt rồi mới nằm tiếp được”.

Khổ nhất vẫn là những hôm trời mưa, anh em đi “tuần” trong khuôn viên nhà máy, mùi thuốc sâu bốc lên không thể thở nổi. Nước mưa tràn xuống những hố chôn hóa chất chảy lênh láng ra ngoài.

"Chúng tôi đi trực bị đủ loại hóa chất độc hại ngấm vào quần áo, những nút ngứa nổi lên từng đám khắp người".

Anh Hoàng vén ống quần lên để lộ những mụn mẩn đỏ loang lổ nổi to như hạt ngô. Anh bảo: “Từ ngày tôi trực ở đây, người bắt đầu nổi “nút”. Nhất là những ngày mưa, những “nút” này ngứa không thể chịu được. Dù biết trực ở đây tiềm ẩn nhiều bệnh tật. Nhưng chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình để cứu sống cho hàng ngàn người dân đang sống quanh khu vực công ty này”.

Chị Lê Thị Hạnh (thôn Hành Chính, xã Yên Lâm) chồng cũng mới chết cách đây 5 tháng do mắc phải bệnh ung thư phổi. Quá phẫn uất trước việc làm quái ác của Cty Nicotex Thanh Thái, hằng ngày chị Hạnh vẫn lên đây cùng bà con để bám sát hiện trường.

Chị cho biết: “Do tiếp xúc với quá nhiều mùi hóa chất của công ty mà giờ người tôi đã nổi mụn khắp nơi. Hiện lên rõ nhất là đôi tay, các ngón đã bóc vẩy sần sùi như da cóc”.

                                          

                                                                            Mụn nhọt nổi khắp người

Đã vài tuần trôi qua. Ngày cũng như đêm. Căn lều tuềnh toàng được dựng tạm giữa núi rừng heo hút làm 'trụ sở canh gác' không lúc nào thiếu bóng người. 

Người dân nói, họ sẽ sẵn sàng chịu khó, chịu khổ để quyết tâm phanh phui sự thật... Và trong cuộc 'chiến đấu' này, họ như những 'chiến binh' thực sự... Nhưng họ đang rất cô đơn, rất thiếu thốn, rất cực khổ mà chẳng ai thèm đoái hoài đến. Có lẽ các cơ quan dân phòng, các nhân viên của những cái “ủy ban nhân dân, vì dân, do dân” cũng sợ mùi thuốc hóa chất, sợ bị lây bệnh nên đánh bài “lờ” coi như “không thấy, không nghe không biết” cho nó yên thân.

Dân bỏ làng, ong bỏ tổ vì hóa chất

Liên quan tới việc Cty Nicotex Thanh Thái gây ô nhiễm trầm trọng, ông Nguyễn Văn Chỉ cho biết, Cty Nicotex Thanh Thái khi thành lập mới đi vào hoạt động được khoảng 3 tháng thì nơi đây đã có những biểu hiện bất thường về không khí. 

                                          

                                           Ông Nguyễn Văn Chỉ, Phó chủ tịch UBND xã Yên Lâm (huyện Yên Định)

                                           cũng “tố” công ty này gây ô nhiễm môi trường.

Đơn cử là việc trước đây toàn xã Yên Lâm có tới hơn 60% số gia đình dân nuôi ong lấy mật, và đó cũng là nguồn thu chính của bà con mang lại kinh tế cao ngoài đồng ruộng.

Tuy nhiên, từ khi nhà máy đi vào hoạt động thì cũng là lúc đàn ong của những gia đình nuôi ong sát khu vực công ty bị chết và bỏ đàn. Ông Chỉ nói:

“Ban đầu người dân cứ nghĩ do không có thức ăn cho chúng, hay vì lý do nào đó nên ong mới bỏ đi. Cho đến khi những nhà nuôi ong nhiều nhất xã cũng chỉ còn lại ít thùng thì người ta mới nghi ngờ đến việc môi trường bị ô nhiễm”.

“Trong khoảng 7-10 năm trở lại đây môi trường trong xã ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều nhà dân sống sát nhà máy có những hôm đi ngủ còn phải đeo khẩu trang. Bệnh đau đầu, khó thở và các bệnh ngoài da thì xảy ra như cơm bữa”.

Ông Lê Xuân Riêu, người nuôi ong nhiều nhất ở đây cho biết, gia đình ông trước đây nuôi hơn 40 đàn ong, mỗi đàn ong mỗi năm được khoảng 20 chai mật, thu nhập khoảng từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây đàn ong của ông dần dần bị chết hết, đến nay chỉ còn vỏn vẹn 9 đàn, mỗi năm may lắm được 2 chai mật.

Bỏ làng đi nơi khác

Xã Yên Lâm có 10 thôn, trong đó có 3 thôn giáp nhà máy gồm: Cao Khánh, Hành Chính và Thắng Long. Trong đó thôn Hành Chính được coi là bị ảnh hưởng nặng nhất, khiến một số gia đình dân phải bỏ nhà, bỏ đất đi nơi khác sinh sống.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, trưởng thôn Hành Chính cho biết, từ khi Cty Nicotex Thanh Thái về đây cũng là lúc đời sống, kinh tế của người dân bị đảo lộn. Nhất là mùi hôi từ hóa chất trong công ty phát ra khiến người dân không thể chịu được.

Đã có nhiều gia đình phải bỏ nhà, di cư đi nơi khác sinh sống, điển hình như: gia đình bà Nguyễn Thị Hội (chuyển ra Ninh Bình); gia đình bà Trịnh Thị Phúc (chuyển sang huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa); gia đình bà Phạm Thị Vân…đã dời đi nơi khác.

Sông, suối hết sạch tôm cá

Trước đây Hón Sỏi (thôn Thắng Long) được coi là nguồn tài nguyên tôm, cá vô tận của người dân nơi đây. Hón Sỏi có mạch nước ngầm chảy từ trong khe núi ra nên quanh năm không bao giờ hết nước, do vậy tôm, cá ở đây rất nhiều.

Người dân thôn Thắng Long sống dựa vào nông nghiệp, ngoài chăn nuôi được con gà, con vịt thì Hón Sỏi là nguồn thức ăn tươi sống cho người dân. 

                                          

                                                    Hòn Sỏi bây giờ đến con cá bằng ngón tay cũng không còn

Anh Đoàn Văn Hoàng, nhà sống gần Hón Sỏi cho biết, trước đây từ đời ông bà của anh đã đánh bắt cá ở Hón Sỏi này. Và khi lớn lên, anh cũng là người trực tiếp đánh bắt cá ở đây. Anh than vãn: “Khoảng 10 năm trở về trước, cá ở Hón Sỏi nhiều vô kể. Tôi chỉ mang một tay lưới ra đây thả xuống chưa đầy một tiếng đồng hồ là bắt được cả yến (mười ký) cá trắm, cá chép. Nhưng đến bây giờ một con cá mán to như hai đầu ngón tay cũng không còn”.

                                           

                   Hàng ngày người dân ở các xã gần Cty Nicotex Thanh Thái vẫn tụ tập chờ đợi công lý đến với mình.

 

Chính vì lẽ sống còn của bà con mà người dân trở thành những “chiến binh” tự canh gác tang vật. Họ vẫn đơn độc lắm. Không lẽ các cơ quan an ninh, dân phòng cứ khoanh tay đứng nhìn người dân điêu đứng xoay trở mọi bề như nhìn một trò múa rối mua vui sao?

Văn Quang

 

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

My Blog List