Hệ quả khi
TPP bị Thượng viện Mỹ cản trở?
·
13 tháng 5 2015
Thượng viện Mỹ hôm 12/5 vừa bỏ
phiếu chống lại việc thảo luận dự luật đàm phán nhanh (TPA), lẽ ra cho phép
Tổng thống Barack Obama xúc tiến nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng, trong
đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trả lời BBC
ngày 13/5, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, từ California, nói quyết định
của Thượng viện Mỹ là 'thất bại nhỏ của Tổng thống Barack Obama' và là
"thất bại lớn" của nước Mỹ.
Ông cũng cho
rằng Hoa Kỳ đang đối mặt với "mâu thuẫn nội bộ" và "không có tầm
nhìn chiến lược".
Dự luật, vốn lẽ
ra cho phép chính phủ Tổng thống Barack Obama sớm chốt lại đàm phán TPP với
nhiều quốc gia châu Á, nhận được 52 phiếu thuận, 45 phiếu chống.
Dự luật cần đủ
60 phiếu thuận để vượt qua được vòng bỏ phiếu ở Thượng viện để đưa ra thảo luận
tại Quốc hội.
BBC: Ông có thể giải thích rõ hơn về TPA và nguyên nhân dẫn đến
quyết định của Thượng viện Hoa Kỳ hôm 12/5?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ năm 1974 thì
Hoa Kỳ có một đạo luật cho phép bên hành pháp thảo luận đàm phán về các hiệp
ước thương mại theo thủ tục nhanh gọn.
Sau khi đàm
phán xong trọn gói thì mới trình cho Quốc hội, thay vì để cho Quốc hội kiểm
soát và xem xét từng chút một trong tiến trình đàm phán.
Điều ngạc nhiên
là người ta cho là dự luật sẽ gặp khó khăn ở phía Hạ, vì phải đạt được ủng hộ
từ đa số, tức là 218 dân biểu.
Một số đảng
viên Cộng hòa thì họ đồng ý với nguyên tắc tự do thương mại, nhưng không muốn
trao quá nhiều quyền cho Tổng thống Barack Obama vì ông đã sử dụng quyền hành
pháp trong một số lĩnh vực khác.
Vì vậy, nhiều
người cho rằng trở ngại là sẽ từ phía Hạ viện.
Nhưng Thượng
viện bất ngờ kèm vào dự luật đó 3, 4 điều kiện khác nhau và cuối cùng thì TPA
bên Thượng viện không đạt được 60 phiếu và bị bác.
Đây là thất bại
trước mắt là cho Tổng thống Barack Obama. Ngay cả lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng
không ngờ phía Dân chủ gài vào các thủ tục lắt léo như vậy.
Điều này làm
đình hoãn việc thảo luận dự luật TPA. Và nếu khai thông được TPA thì mới khai
thông được TPP.
Có thể trong
vài ngày tới tại Hoa Kỳ sẽ có những trận đánh tương tự trong nội bộ của phe
Cộng hòa lẫn Dân chủ tại Thượng viện.
Nhìn toàn cảnh
thì người ta thấy là hiệp ước TPP rất quan trọng cho Hoa Kỳ và 11 quốc gia đã
tham gia thảo luận hơn 20 vòng đàm phán và sắp sửa kết thúc.
Thế nhưng nội
bộ nước Mỹ lại cãi nhau vì những lý do cục bộ, làm người ta thấy nước Mỹ không
lãnh đạo được nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề lớn.
Trong khi đó
Trung Quốc cũng có một dự án tương tự và kêu gọi 15 quốc gia tham gia với họ.
Đây là thất bại
nhỏ của ông Barack Obama, nhưng là thất bại lớn của nước Mỹ.
Rõ ràng là nước
Mỹ không có một tầm nhìn chiến lược.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Mỗi từng nhóm
có các lý do cục bộ của họ để bảo vệ cử tri, những người bỏ phiếu cho họ và bảo
vệ cho việc tái tranh cử cho tương lai chứ không nhìn xa.
Ông Obama đã
gọi điện thoại từng người một, vận động trong suốt tuần qua mà vẫn không xong.
Nội bộ Đảng Dân
chủ có những chuyện phân hóa như vậy, vì mỗi người chỉ nhìn thấy khía cạnh của
mình.
Người ta cho
rằng hiệp định như vậy sẽ dẫn đến việc gia tăng các khoản đầu tư ra ngoài, làm
người Mỹ mất công ăn việc làm.
Đó là nhìn nhận
sai về kinh tế thuần túy.
Nước Mỹ đầu tư
ra nước ngoài nhiều nhất và cũng nhận đầu tư từ nước ngoài nhiều nhất.
Đa số đầu tư
của Mỹ ra nước ngoài không phải đi tìm nhân công rẻ ở các nước nghèo mà là ở
những nước như Nhật Bản, vốn có môi trường đầu tư thông thoáng, có thị trường
phát triển.
Các hãng Hàn
Quốc hay Nhật Bản khi đầu tư vào Hoa Kỳ cũng không đi tìm nhân công rẻ nên lý
luận đó là sai và phản tiến hóa.
Nước Mỹ không
có tầm nhìn lớn và không giải quyết được vấn đề khá chiến lược.
Trong khi đó,
Hoa Kỳ cũng yêu cầu Việt Nam phải thay đổi về điều kiện lao động, vấn đề nhân
quyền và công đoàn tự do.
Thế nhưng chính
thay đổi từ Đảng Dân chủ đang làm cho những đòi hỏi đó trở nên vô nghĩa.
BBC: Trở lại vấn đề Việt Nam. Trong một phát biểu gần đây ông Obama
đã nói Việt Nam sẽ bị loại khỏi TPP nếu không đáp ứng được các yêu cầu được quy
định, trong đó có công đoàn tự do. Ông nghĩ như thế nào về khả năng đáp ứng từ
phía Việt Nam?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là rất
khó.
Có thể họ sẽ
thoái thác, đưa ra một số điều kiện như khi thương thuyết để gia nhập Tổ chức
Thương mại Thế giới, xin hoãn ít lâu và tìm cách luồn lách.
Giờ đây khi
thấy Hoa Kỳ gặp khó khăn trở ngại trong nội bộ về TPA để đi đến TPP thì tôi cho
rằng những thành phần bảo thủ ở Hà Nội đang thấy rất mừng.
BBC: Ông có
nghĩ TPP có thể được chốt lại trong năm nay như nhiều giới chuyên gia đã nhận
định?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Nước Mỹ đang
gặp nhiều khó khăn bên trong và chưa có được sự nhất trí.
Ngay sau khi
nhìn thấy sáng kiến của 4 nước ban đầu thì Tổng thống Bush đã chụp lấy và khai
thác ngay. Trong khi đó, ông Obama do dự suốt 9 tháng sau khi nhậm chức mới
thấy được lợi ích của nó để bắt đầu thúc đẩy.
Ông Obama đã
đặt ra tiêu chí là năm 2010-2011, vậy mà giờ đến 2015 rồi vẫn không thành.
Cái quan trọng
nhất là gây thất vọng cho phía Nhật Bản, là một đối tác lớn và có nhiều ảnh
hưởng về kinh tế tại vùng Đông Á.
Không hiểu từ
giờ tới cuối năm họ có giải quyết được vấn đề đó hay không.
Ông Obama muốn
là 20/5 đã có thể đưa TPA ra thảo luận và thông qua tại cả Thượng viện và Hạ
viện.
Tôi cho rằng hy
vọng này sẽ bất thành vì nơi dễ là Thượng viện mà còn có trục trặc, thì huống
hồ Hạ viện.
Thế nên có thể
tiêu chí hoàn tất TPP trong năm nay theo tôi là sẽ tiếp tục bị đình hoãn, và
điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự và quyền lợi của nước Mỹ.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.