Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






http://1.bp.blogspot.com/-H2UASSKYcOk/UJml_6fpwuI/AAAAAAAA0Q8/ThhrjwncSGc/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Wednesday, September 30, 2015

Chính sách ngoại giao của tổng thống Obama đối với Á châu

Chính sách ngoại giao của tổng thống Obama đối với Á châu

**Trần Bình Nam** phóng dịch
(VNC) Lời giới thiệu: Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 này của ông Chủ tịch Nước Trung quốc Tập Cận Bình, tạp chí Foreign Affairs  (số Tháng 9 & 10, 2015) trích một phần trong cuốn sách “The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power” của giáo sư Thomas J. Christensen  chuyên giảng dạy khoa “Chính trị thế giới về Hòa bình và Chiến tranh”  (World Politics of Peace and War) tại đại học Princeton. Giáo sư Christensen còn là Phụ tá Bộ trưởng bộ Ngọai giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á sự vụ từ năm 2006 đến 2008.

Bài trích của giáo sư Christensen được Foreign Affairs trình bày dưới tựa đề: Obama and Asia: Confronting the China Challenge
******************************
Trung quốc trổi dậy tạo ra hai câu hỏi: làm thế nào để Trung quốc không đe dọa sự ổn định trong vùng Á châu - Thái bình dương và quan trọng hơn là để Trung quốc đóng góp vào việc ổn định thế giới. Về quân sự Trung quốc chưa sánh được với Hoa Kỳ, nhưng cũng đủ  mạnh để đe dọa lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Á châu –Thái bình dương. Và tuy Trung quốc còn đang phát triển và có nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết bàn tay Trung quốc cũng không thể thiếu đối với các vấn đề chung như sự lan truyền vũ khí nguyên tử, khí hậu toàn cầu và vấn đề tài chánh thế giới.

 Vào cuối nhiệm kỳ 2 của tổng thống Bush, quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ có vẻ êm êm. Qua thời tổng thống Obama, có thêm vài tiến bộ trong quan hệ của hai nước, nhưng nói chung hiện nay quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ căng thẳng hơn hồi năm 2009. Điều này không có nghĩa vì chính quyền Obama vụng về, mà chính yếu do Trung quốc tạo ra nhiều hơn. Sau khi giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008 một cách gọn gàng hơn các nước Tây phương (Hoa Kỳ và Âu châu) Trung quốc tự tin và do đó trở nên khó chơi hơn trước. Và chính quyền Obama đã làm những gì cần làm để cho quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ dù có căng thẳng cũng vẫn ở trong mức độ giải quyết được. Chính quyền tới (2017- 2020) dù là Dân chủ hay Cộng hòa vẫn đối điện với hai vấn đề căn bản trên đối với Trung quốc và do đó sự nghiên cứu về chính sách của tổng thống Obama đối với Á châu là một nhu cầu cần thiết để hoạch định các đối sách mới.
**
Như đã nói, sau khi vuợt qua khủng hỏang kinh tế toàn cầu cuối thập niên 2008 Trung quốc trở nên tự tin hơn, nhưng Trung quốc vẫn không khỏi lo ngại nền kinh tế đặt nặng vào xuất khẩu và bơm vốn vào mạch kinh tế quốc gia cũng không phải là một chính sách lâu dài và đang tạo bất ổn trong xã hội. Nhu cầu làm thế nào để vừa phát triển nhanh mà vẫn duy trì được sự ổn định buộc các nhà lãnh đạo Trung quốc luôn luôn điều chỉnh chính sách kinh tế và quốc phòng. Nhu cầu này buộc Trung quốc biểu lộ chủ quyền và sức mạnh quốc gia bằng những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông và trở nên thiếu uyển chuyển  trong các vấn đề quốc tế như giúp ổn định kinh tế thế giới, giải quyết vấn nạn thời tiết, biện pháp trừng phạt các quốc gia bất trị và kiểm soát sự lan tràn vũ khí nguyên tử.

Đứng trước một quốc gia như vậy, tổng thống Obama vẫn tạo được thành quả là tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Á châu. Nhưng tổng thống Obama đã để hở lưng ở những nơi quan yếu khác trên thế giới (TBN: “Assad phải đi” nhưng Addsad cũng chẳng đi; “Syria xử dụng vũ khí hóa học là bước qua lằn gạch đỏ” nhưng qua lằn gạch đỏ rồi cũng chắng thấy tổng thống Obama động tĩnh gì). Không tin vào lời của ông Obama, Trung quốc càng dè dặt trong sự hợp tác với Hoa Kỳ.

Trong suốt nhiệm kỳ 1 của tổng thống Obama, Hoa Kỳ nói nhiều đến chính sách xoay trục (pivot, có nghĩa trở lại) về Á châu trong khi đang rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan. Nhưng danh từ “xoay trục về Á châu”  có vẻ cường điệu vì trên thực tế Hoa Kỳ chưa bao giờ rời khỏi Á châu – Thái bình dương. Các chuyển dịch quân sự như gởi thêm tàu ngầm đến đảo Guam, gởi khu trục cơ F-22 đến Nhật, gởi tàu tuần duyên trang bị vũ khí nặng đến Singapore, ký Thỏa ước thương mãi với Nam Hàn, và vận động Thỏa ước mậu dịch TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement) gồm các nước ven Thái bình dương (nhưng không mời Trung quốc) đều được bắt đầu từ chính quyền George W. Bush. Tổng thống Obama đã thêm vào các chính sách trên một số hoạt động tích cực như gởi nhiều sứ giả (ngoại giao, quốc phòng) đến thăm các nước Á châu – Thái bình dương, giúp cởi bỏ chế độ quân phiệt tại Miến Điện, ký vào Thỏa ước giao hảo và hợp tác Đông Á (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia – văn kiện này là văn kiện khai sinh ra Hiệp hội ASEAN), tham gia các buổi họp thượng đỉnh các nước Đông Á (East Asia Summit) và  Diễn Đàn ASEAN (Asean Regional Forum) biến hai tổ chức này thành những diễn đàn thực chất bàn về các vấn đề an ninh và ổn định địa phương.

Tuy nhiên các điều Hoa Kỳ đã làm được  trong 7 năm qua không cần phải đặt trong chính sách “pivot” làm Trung quốc khó chịu nghĩ rằng Hoa Kỳ có dụng ý bao vây mình.  Đối với chính sách xoay trục các nước Đông Á vừa yên tâm vừa lo lắng. Lo vì Hoa Kỳ không dấu diếm sự kiện là Hoa Kỳ hiện không có khả năng đương đầu hai mặt trận lớn trên thế giới một lúc. Dựa hẵn vào Hoa Kỳ thì khi Hoa Kỳ vì nhu cầu mặt trận khác quan trọng hơn quay lưng đi thì ai bảo vệ mình. Thấy cái chính sách pivot “chênh vênh” gần đây Hoa Kỳ điều chỉnh dần và gọi là “rebalance” (chính sách tái cân bằng) . Pivot là nghiên hẵn về một phía, rebalance là có tới có lui.

Về chữ nghĩa trong văn bản thỏa thuận nhau, Hoa Kỳ còn hái thêm một bất lợi khác. Tháng 11 năm 2009 khi tổng thống Obama công du Trung quốc, Hoa Kỳ ký với Trung quốc một thông cáo chung cam kết tôn trọng quyền lợi bình thường của nhau. Nhưng có một khoản ghi: “Hai bên đồng ý tôn trọng quyền lợi cốt lõi của nhau là tối quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc” (nguyên văn: The two sides agreed that respecting each other’s core interests is extremely important to ensure steady progress in US-China relations). Trung quốc từng tuyên bố quyền lợi cốt lõi của Trung quốc là (1) sự độc quyền cai trị đất nước của đảng Cộng sản Trung quốc và (2) sự vẹn toàn lãnh thổ và lãnh thổ đối với Trung quốc ngoài lục địa còn gồm Đài Loan, đảo Doaoyu (tên Nhật là Senkaku) và Hoàng Sa, Trường Sa trong biển Đông. Dựa trên điều khoản thỏa thuận đó mỗi lần Hoa Kỳ đòi cởi mở chính trị tại Trung quốc hay lên tiếng bàn về Biển Đông là Trung quốc mang điều khỏa thỏa thuận kia ra để tố cáo Hoa Kỳ không tôn trọng cam kết .

Sau khi đắc cử, tổng thống Obama cho Trung quốc cái cảm tưởng là sẽ mềm mỏng hơn đối với Trung quốc. Nhưng qua năm 2010 sau khi Hoa Kỳ tiếp tục các chính sách bình thường như bán vũ khí cho Đài Loan, lên tiếng tố cáo Trung quốc không tôn trọng quyền tự do trên mạng toàn cầu (internet freedom) và dự tính tiếp đức Đạt Lai Lạt ma tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Trung quốc thất vọng và trở nên cứng rắn đối với Hoa Kỳ.

Hiện nay quan hệ Hoa Kỳ-Trung quốc căng thẳng hơn đầu năm 2009 nhưng tình hình này do Trung quốc tạo ra hơn là do Hoa Kỳ. Năm 2010 khi Bắc Hàn hai lần gây sự với Nam Hàn gây thương vong cho binh sĩ và thường dân Nam Hàn, Trung quốc bênh vực Bắc Hàn tố cáo Hoa Kỳ và Nam Hàn là nguyên nhân của khủng hoảng. Kết quả của vụ việc này là làm cho quan hệ giữa  Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn trở nên khắng khít hơn, như hợp tác tình báo và tập trận chung trong Hoàng Hải. Thấy bất lợi Trung quốc lùi bước và cuối năm đã khuyên Bắc Hàn thận trọng.

Tháng 7 năm 2010 tại Hội nghị Điễn đàn địa phương ASEAN (ASEAN Regional Forum)  ở  Hà Nội khi bà bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton  tuyên bố rằng Hoa Kỳ không thiên về bên nào trong việc đòi hỏi chủ quyền các hải đảo trên biển Đông, nhưng bà yêu cầu các bên giải quyết các khác biệt trong tinh thần hòa bình và phải dựa các đòi hỏi của mình căn cứ trên Luật Biển. Bà yêu cầu các nước Á châu hợp tác và tìm một thỏa thuận chung trong cách ứng xử. Lập trường của Hoa Kỳ được các nước tham dự trong đó có Việt Nam nhất loạt ủng hộ đã làm cho Trung quốc cảm thấy bị cô lập và ông bộ trưởng ngoại giao Trung quốc đã phản ứng một cách giận dữ làm cho các nước Đông Á ngao ngán và thấy có nhu cầu xích lại với nhau và xích lại gần Hoa Kỳ hơn.

Tháng 9, quan hệ Trung quốc-Nhật bản  căng thẳng sau khi Nhật bắt giữ  một thuyền trưởng đánh cá Trung quốc cho là đánh cá trái phép trong vùng đảo Senkaku. Trung quốc định làm dữ, và Hoa Kỳ cảnh giác Trung quốc bằng cách tái xác nhận lập trường của Hoa Kỳ tuy không đứng về bên nào về quyền sở hữu, nhưng xác nhận Nhật đang quản lý hành chánh đảo Senkaku, và Điều 5 của bản Thỏa ước An ninh Hoa Kỳ-Nhật được áp dụng (TBN: Điều 5 của thỏa ước an ninh ràng buộc Hoa Kỳ bảo vệ Nhật nếu Trung quốc tấn công Nhật bản. 

Mấy năm sau khi chính phủ Nhật mua lại của tư nhân (Nhật) một số đảo nhỏ chung quanh, Trung quốc làm dữ cho dân chúng lục địa biểu tình phản đối, tăng cường hoạt động của Không quân và Hải quân trong vùng và thiết lập một vùng trời cấm bay tự do gọi là Air Defense Identificaion Zone  (ADIZ)  phủ lên toàn bộ vùng tranh chấp. Hoa Kỳ không đếm xỉa đến quyết định của Trung quốc và cho máy bay B-52 bay qua vùng ADIZ để bày tỏ thái độ. Trung quốc êm rơ. Tình hình mới làm cho Nhật Bản thấy có nhu cầu hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và căng thẳng chung quanh Senkaku được lắng xuống. (TBN: xem tài liệu dịch thuật số 74 http://www.tranbinhnam.com/story/BanCoTayThaiBinhDuong.html)

Đối với Philippines và Việt Nam, Trung quốc không nhường nhịn như đối với Nhật. Trung quốc đơn phương chiếm bãi đá ngầm Scarborough, và năm 2012 thành lập khu quản trị hành chánh để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield.

Và mới nhất là việc xây đắp quy mô biến một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm thành những căn cứ quân sự. Tháng 5/2015 tại hội nghị Shangri-La ở Singapore, ông Ashton Carter, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo và yêu cầu Trung quốc chấm dứt ngay những cuộc xây đắp không có thiện chí hòa bình đó.

Trước thái độ  “bắt nạt lân bang” của Trung quốc, Hoa Kỳ đã kiên định lập trường  bảo vệ sự “tự do di chuyển” trong vùng trời và vùng biển trong Biển Đông và làm cho các nước Đông Nam Á an tâm phối hợp nhau để chống lại áp lực của Trung quốc .
**
Về quan hệ quốc tế liên quan đến sự kiểm soát sự phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, Trung quốc không tỏ ra sốt sắng, lấy lý do Hoa Kỳ đã không tôn trọng thỏa thuận với Gaddafi và khi ông ta chịu hủy bỏ chương trình nguyên tử  thì cuối cùng bị lật đổ và giết chết. Trung quốc tỏ ý không muốn can thiệp áp lực Bắc Hàn ngưng sản xuất vũ khí vì Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ không có chính sách nào bảo đảm an ninh cho lãnh tụ Kim Jong-un.  Đó là lý do Trung quốc tăng viện trợ kinh tế để Bắc Hàn có thể đỡ đòn trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ.  Riêng đối với quan hệ với Bắc và Nam Hàn, Tập Cận Bình có vẻ muốn kềm chế Bắc Hàn hơn thời Hồ Cẩm Đào.

Từ năm 2006 đến 2008 Trung quốc hợp tác với Liên hiệp quốc vận động Bắc Hàn ngưng các chương trình  nguyên tử, nhưng vào năm cuối cùng của chính quyền Bush, cuộc thương thuyết bất thành. Những năm đầu tổng thống Obama cứ để tình hình yên ắng như vậy. Mãi đến đầu năm 2012 tổng thống Obama mới đưa ra những điều kiện dễ dàng hơn để tiếp nối nối cuộc thương thuyết. Nỗ lực này tuy không thành, nhưng ít nhất tổng thống Obama đã tỏ ra mềm dẽo để qua đó cải thiện quan hệ với Trung quốc.

Đối với Iran, Obama tăng cường sức ép. Điều này làm Trung quốc khó chịu và phản ứng bằng cách tăng mậu dịch và mua nhiều dầu hỏa của Iran. Các nước Âu châu cũng có nhu cầu mua dầu của Iran và kết quả Iran không bị  sức ép đủ để phải ký với Hoa Kỳ và Âu châu một thỏa ước nguyên tử với điều kiện của Hoa Kỳ và Âu châu, là chương trình nguyên tử của Iran phải nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Nguyên tử  năng quốc tế.

Khoảng cuối thập niên 2000, Trung quốc thay đổi chính sách “không can thiệp” vào chuyện nội bộ của các nước khác. Năm 2006 và 2007 Trung quốc đã áp lực Soudan chấp nhận để một lực lượng Liên hiệp quốc đến duy trì hòa bình tại Darfur, và lần đầu tiên Trung quốc gởi một đơn vị tham gia lực lượng này. Sau đó, năm 2009 Trung quốc gởi một hải đội đến giữ gìn an ninh thủy vận trong Vịnh Aden chống hải tặc. Sự hợp tác của Trung quốc đối với chính quyền Obama rõ nét nhất khi vào đầu năm 2011 tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc Trung quốc bỏ phiếu thuận đưa Lybia ra tòa án quốc tế về vụ tàn sát những người tham dự cuộc nổi dậy mùa Xuân Arập chống Gaddafi. Nhưng sau đó Trung quốc thất vọng khi NATO đã giúp thành phần nổi dậy bắt và giết Gaddafi .

Trong lĩnh vực kiểm soát độ nóng của khí quyển, Trung quốc sốt sắng hợp tác hơn. Năm 2014 tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Á châu – Thái bình dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APAC), có sự tham dự của tổng thống Obama và Tập Cận Bình, Trung quốc đồng ý giảm dần và (có thể) sẽ chấm dứt thải khí nhà kiếng vào khí quyển vào năm 2030. Đồng thời Trung quốc hứa tiến hành ngay việc sản xuất 20% điện lực bằng nhiên liệu không thải khí. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cắt 26% khí nhà kiếng (so với mức đã thải ra năm 2005) vào năm 2026. Thỏa ước này mang lại nhiều hy vọng cho hội nghị quốc tế về khí hậu vào cuối năm nay tại Paris. Còn nhớ  tại hội nghị quốc tế về khí hậu năm 2009 tại Copennagen, Trung quốc đã không hợp tác và mọi cuộc thảo luận đều không đi tới đâu.
**
Dựa vào thành quả và thất bại của chính quyền Obama, chính quyền Hoa Kỳ (sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016) rút được bài học gì khi đối tác với Trung quốc để giải quyết các vấn đề quốc tế?

Tại Á châu Hoa Kỳ cần tăng cường sự hiện diện quân sự thế nào để Trung quốc không thấy mình bị bao vây. Và trước khi tiếp cận Trung quốc về một vấn đề quan trọng địa phương hay quốc tế, Hoa Kỳ cần vận động sự ủng hộ của đồng minh trước. Trung quốc rất nhạy cảm khi phải chọn một thái độ làm mất lòng các nước có thể trở thành bạn .

Điều quan trọng là Hoa Kỳ cần nhận dạng Trung quốc đúng hình thù của nó: một cường quốc, nhiều tự  ái quốc gia, đang phát triển với nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết. Hoa Kỳ cần đo lường đúng mức giới hạn nào thì Trung quốc có thể chịu đựng được. Và trái lại Trung quốc cần phải hiểu giới hạn kiên nhẫn của Hoa Kỳ (TBN: Việc Trung quốc tiếp tục xây dựng thêm phi đạo và nới rộng các căn cứ trên các đảo nhỏ và mỏm đá ngầm trong vùng Trường Sa, như các không ảnh tiết lộ ngày 15/9 vừa qua cho thấy - mặc dù trước đó hứa sẽ ngưng - là một thách thức quan trọng đối với Hoa Kỳ.)

Trong bối cảnh quân sự và ngoại giao hôm nay tại Á châu – Thái bình dương cũng như  trách nhiệm của Hoa Kỳ và Trung quốc trước các vấn đề thế giới, một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung quốc và Hoa Kỳ là điều khả dĩ khó xẩy ra trong một tương lại gần (TBN: nhưng “gần bao nhiêu” lại là chuyện khó đoán của tương lai)./.
Trần Bình Nam phóng dịch
Sept . 21, 2015

Ðừng nghe những gì Tập Cận Bình nói

25.09.2015 - Ngô Nhân Dụng
Ðọc câu tựa đề trên đây, quý vị biết ngay còn một vế thứ hai: Mà hãy nhìn kỹ những gì Tập Cận Bình làm. Trước khi sang thăm Mỹ chuyến này, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết bài trả lời nhật báo Wall Street Journal, trong đó có một đoạn giải thích tại sao Trung Cộng xây phi trường trên các hòn đảo nhân tạo vùng Trường Sa, mà người Tàu gọi là Nam Sa. Ngay câu đầu tiên Tập Cận Bình viết trả lời bài phỏng vấn đã nói một điều gian dối trắng trợn: “Từ thời xưa Nam Sa đã thuộc địa phận Trung Quốc; theo các bằng chứng lịch sử và luật pháp.”

Nếu chính quyền Cộng Sản Việt Nam có can đảm và thực lòng yêu nước, họ phải bắt lấy lời khẳng định này mà thách đố đảng Cộng Sản Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế, hai bên cùng đưa ra những bằng chứng lịch sử và pháp lý, mời các luật gia và sử gia thế giới cùng phán đoán xem Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quốc gia nào. Bằng chứng pháp lý gần nhất là hiệp định chấm dứt cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khi Nhật Bản chấp nhận từ bỏ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nga Xô đề nghị trao các quần đảo này cho chính phủ Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, đề nghị này đã bị bác bỏ với tỷ số 46/3. Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam lúc đó là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố các quần đảo trên thuộc chủ quyền nước Việt Nam, và không một quốc gia nào phản đối. Bằng chứng lịch sử hiển nhiên nhất là hai lần quân đội Trung Cộng đã tấn công và đánh chiếm Hoàng Sa (năm 1974) và đảo Gạc Ma (Trường Sa, năm 1988).

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có bổn phận trưng ra khắp thế giới những sự thật trên đây, để cho thế giới thấy Tập Cận Bình nói những lời dối trá không biết ngượng.

Trong bài phỏng vấn của Wall Street Journal, Tập Cận Bình còn nói rằng: “Việc xây dựng và tu bổ những tiện nghi trên một số đảo và đá san hô có đóng quân trong quần đảo Nam Sa không nhằm gây ảnh hưởng hoặc nhắm vào một quốc gia nào cả,... Các cơ sở này dựng lên để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các nhân viên hàng hải người Trung Hoa, cung cấp các dịch vụ và tiện ích công cộng cho cộng đồng quốc tế, và bảo vệ an ninh cùng quyền tự do hải hành trong biển Nam Trung Hoa tốt đẹp hơn.” Tất nhiên, cả thế giới không ai tin những lời ngụy biện mơ hồ này. Những phi trường, pháo đài, căn cứ quân sự mà Trung Cộng mới xây dựng không hề bảo vệ mà còn “đe dọa an ninh và quyền tự do hải hành.” Bằng cớ là quân lính Trung Cộng đã đe dọa các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam từ hai chục năm nay, trước khi xây các căn cứ đó.

Cả thế giới không ai ngây thơ tin vào những lời gian trá mà Tập Cận Bình mới nói. Cũng không ai tin khi Tập Cận Bình cam kết trước các doanh nhân Mỹ, để mời các công ty sang hoạt động ở Trung Quốc nhiều hơn. Một mối lo của các công ty sống nhờ phát minh, sáng chế là các sáng kiến kỹ thuật của họ bị ăn cắp. Tập Cận Bình đã bảo đảm với họ: “Chính phủ Trung Quốc không làm công việc ăn trộm trong thương mại, cũng không khuyến khích hoặc hỗ trợ ai làm việc đó.” Có ai tin vào lời hứa hẹn “không ăn cắp” của Tập Cận Bình hay không?

Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã truy tố năm công dân Trung Cộng về tội “ăn cắp bằng kỹ thuật tin học” (hacking) ít nhất ba cơ sở thương mại ở Mỹ: Công ty Westinghouse Electric, công ty khai mỏ Alcoa, và cả một tổ chức lao động: Công đoàn Quốc tế Công nhân Dịch vụ. Cơ quan Ðiều tra Liên bang (FBI) đã thiết lập một mạng chuyên thông tin và nạn gián điệp kinh tế, trong đó Trung Quốc là trọng tâm. Người Tàu sử dụng nhiều kỹ thuật ăn cắp: Ðiều tra về nhân viên các công ty Mỹ, xem có thể mua chuộc hay dọa nạt ai, dùng các mạng giao tế LinkedIn hay Facebook trong công việc điều tra và tuyển mộ này, và chụp hình bên trong các cơ sở thương mại không được bảo vệ.

Ngay lúc Tập Cận Bình mới đặt chân trên đất Mỹ được hai ngày, ngày 24 tháng 9, 2015, nhật báo Wall Street Journal loan tin một bản báo cáo mới đã công bố đích danh một tin tặc, mang tên Ge Xing (có thể là Cá Tính, một biệt hiệu vô nghĩa). Báo cáo này do các công ty làm việc cho Bộ Quốc Phòng Mỹ về an ninh tin học soạn (dưới tên gọi chung, ThreatConnect and Defense Group). Ðiều đặc biệt là bản báo cáo có các khám phá mới, cho biết tay ăn trộm tin học Ge Xing làm việc cho Ðơn vị 78020 thuộc ngành tình báo quân đội Trung Quốc. Hoạt động tin tặc của Ðơn vị 78020 mang một mật danh là Naikon, nhắm vào các nước vùng Ðông Nam Á như Cambodia, Indonesia, Malaysia, the Philippines, Thailand và Singapore. Naikon đã đột nhập các máy computer và mạng lưới tin học để thu lượm các tin tức quân sự, ngoại giao, kinh tế, tại các nước trên. Bản báo cáo không nhắc đến tên Việt Nam như một mục tiêu tấn công của Naikon, có thể vì ở Việt Nam quân đội Trung Cộng có những phương pháp rẻ tiền hơn, không cần đến kỹ thuật tin tặc.

Ngày Thứ Sáu, 25 tháng 9, hai ông Obama và Tập Cận Bình đều lên tiếng hai nước cam kết không dùng tin tặc tấn công và ăn cắp lẫn nhau, nhưng không ai có thể tin lời ông Tập Cận Bình. Ở nước Mỹ, theo pháp luật, ông Obama không thể ra lệnh cho các công ty tư nhân, từ lớn đến nhỏ. Nhưng ở nước Tàu, Tập Cận Bình có quyền ra lệnh cho tất cả một tỷ người, không những nhân viên chính phủ và quân đội mà còn tất cả các công ty tư nhân nữa. Chủ tịch một công ty tư nhân, Shuanghui (Song Hội) với số bán thịt heo hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm, thú nhận rằng “Bộ Chính Trị là hội đồng quản trị tối cao” của tất cả các công ty!
Trong số các nhà kinh doanh gặp ông Tập Cận Bình ở Seattle có các người lãnh đạo các công ty nổi tiếng đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm, gồm có Boeing, Microsoft, General Motors hay Apple.

Năm ngoái, công ty Boeing biết họ là một nạn nhân khi Bộ Tư Pháp Mỹ loan báo đã bắt một người Trung Hoa tên là Stephen Su, làm việc ở Canada, đã ăn trộm các tài liệu về thiết kế máy bay C-17 để chuyển cho chính phủ Trung Cộng. Stephen Su cũng ăn trộm các dữ liệu từ công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Năm nay, Bill Gates đã tiếp ông bà Tập Cận Bình trong biệt thự của mình, cũng như năm 2006 đã tiếp Hồ Cẩm Ðào; mặc dù các tin tặc của chính phủ Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách đột nhập mạng phòng thủ của Microsoft. Tháng 5 năm nay, Bộ Tư Pháp Mỹ cũng truy tố sáu công dân Trung Cộng ăn cắp các tài liệu về sáng chế máy iPhone của Apple. Xa hơn, năm 2012, hai kỹ sư gốc Hoa làm cho của hãng General Motors bị bắt vì ăn trộm các kỹ thuật làm xe hơi hybrid vừa chạy điện vừa chạy xăng để bán cho công ty xe hơi Chery bên Tàu. Các công ty đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm phải kể thêm Google, DuPont, Dow Chemical, Goldman Sachs.

Trung Cộng là chính quyền làm công việc ăn cắp tin học với quy mô lớn nhất thế giới; nhưng các công ty Mỹ vẫn tiếp tục làm ăn với họ, vì mối lợi rất lớn. Việc đề phòng, bảo vệ các bí mật thương mại, kinh tế, kỹ thuật là việc họ phải làm thường xuyên, dù có khách hàng Trung Cộng hay không. Chính phủ Mỹ cũng có bổn phận bảo vệ an ninh cho các công ty Mỹ, với bất cứ nước thù hay bạn nào. Tính chung, các công ty trong danh sách S&P 500 mỗi năm thu được 170 tỷ Mỹ kim trong thị trường Trung Quốc. Các công ty như Qualcomm, Intel (tin học), Yum Brands (quán ăn) Wynn Resorts (du lịch, sòng bài) thu lợi ở Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nơi khác. Hãng thông tin kinh tế Bloomberg cho biết trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tập Cận Bình, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ mua tổng cộng 38 tỷ Mỹ kim các máy bay của Boeing. Với những mối hàng như vậy, Boeing đã nhắm mắt bỏ qua những vụ trộm cắp vặt, như kỹ thuật làm chiếc máy bay C-17!

Ðầu năm 2015 vụ ăn trộm nổi tiếng nhất được tiết lộ nhắm vào là nhân viên làm việc cho chính phủ Mỹ, với 21 triệu hồ sơ cá nhân bị mất cắp. Mỹ đã tố giác bàn tay Cộng Sản Trung Hoa trong vụ ăn cắp này. Lúc đầu Bắc Kinh nhất định chối cãi, như họ vẫn thường làm. Nhưng trước những lời đe dọa trừng phạt kinh tế, và để xoa dịu tình thế trước khi Tập Cận Bình công du, họ đã chịu nhượng bộ và ngồi xuống thảo luận. Chính quyền Mỹ đợi sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình, sau những lời tuyên bố long trọng “không ăn cắp lẫn nhau” của hai nguyên thủ quốc gia, sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể hơn vào nghị trình. Tòa Bạch Ốc có thể chính thức đưa ra trước những biện pháp có thể thi hành để trừng phạt kinh tế, nếu Bắc Kinh không cam kết làm theo các biện pháp an ninh chung.
Ðối với những tay nói dối không biết ngượng và ăn cắp chuyên nghiệp, phải bày tỏ thái độ cương quyết, không nhượng bộ. Ðó là cách chính quyền Obama đối phó với nạn tin do Trung Cộng chủ mưu. Trước các lời dối trá về Trường Sa và Hoàng Sa, Cộng Sản Việt Nam phải chọn thái độ cương quyết như vậy, nếu không sẽ chịu tội trước lịch sử.
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

My Blog List