Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Friday, October 2, 2015

Đôi lời về lời kêu gọi “góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm”

 

Đôi lời về lời kêu gọi “góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm”

Hạ Đình Nguyên

Một người bạn có hảo ý, bảo tôi hãy viết bài “góp ý” cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tôi thưa, tôi không đủ sức, không đủ chữ nghĩa để đọc nổi các cái văn kiện ấy, nói chi tới góp ý.

Nói thế, chứ sau đó, tôi cũng cố đọc thử, xem mình có khá gì hơn không. Và quả nhiên, vẫn không khá hơn, không hiểu cái nội dung đích thị là nói gì, hoa cả mắt! Về mặt hình thức thì hiểu được, nó vẫn giống như lâu nay. Nói theo cách dân gian, nội dung của Dự thảo là nói “nước đôi”, nói “hàng hai” như chân đi chữ bát, tức nửa nọ nửa kia. Còn nói theo cách bác học cho sang mà lãnh đạo hay dùng, thì là “biện chứng”.
Chỉ xin lướt qua một đôi điều muốn nói.

Thư của Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM mời Nhân dân thành phố góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X, như mọi khi, vẫn luôn mở đầu bằng hai ý lớn, rất “biện chứng” với nhau, như nêu “trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng không ít khó khăn, thách”. Phải kê lên như vậy để làm đà cho bối cảnh mà các thành tựu sẽ được nổi bật. Nội dung bên trong thì dùng biểu cảm bằng nhiều trạng từ, tính từ, mà các từ này thì không có định lượng, vừa không có tư tưởng mới, lại mô tả theo cách mơ hồ nhưng có dụng ý, làm cho người đọc trở nên lúng túng.

Thí dụ Thư kêu gọi “tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực”. Một loạt từ ngữ kêu vang đó mặc định là cái đã có rồi, như một khẳng định, nhiều ít không biết, nội dung của nó ra sao, nay không bàn cãi, chỉ cần tiếp tục phát huy…, tức là áp đặt người nghe trên một tiền đề có sẵn. Cái ăn gian là nó nằm ẩn trong từ tiếp tục, để rồi được phủ thêm lên một lớp màu sặc sỡ của một loạt mỹ từ nối đuôi nhau xuất hiện: “truyền thống cách mạng”, “đoàn kết”, “năng động”, “sáng tạo”, “đồng lòng”, “chung sức”, “huy động mọi nguồn lực”…, những từ ngữ bỗng chốc chết khô, không còn hồn vía nữa, dù có vẻ kích thích nhưng thực ra không tác động được gì nơi người nghe, mà chỉ có hoang mang thêm.
Nếu dừng lại từng khái niệm và thử hỏi, “truyền thống cách mạng” là gì? Đoàn kết có hay không? Năng động, sáng tạo hay ù lì, giáo điều trơ trụi… để mà tiếp tục? Và chết nỗi, cứ thế mà nó nhảy qua các hố thẳm của từ ngữ, gồng gân lao thẳng tới để… phát huy cái nội hàm mà thực chất rất ì ạch – đang nằm gọn trong cái truyền thống cách mạng quay lòng vòng đang rất tội nghiệp, ít nhất là trong 40 năm qua! 

Tự ngợi ca mình để động viên mình cũng là thói thường của người yếm thế. Hoặc: “tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo của nhân dân”. Lại tiếp tục mở ra cái mênh mông mơ hồ khó hiểu của một nền dân chủ được gọi là gấp vạn lần người ta, và cái trí tuệ được Đảng đúc thành khuôn, mà trong đó nhân dân thoải mái sáng tạo. Ai là chủ thể của hành động mở rộng? 

Ở đây, Đảng đứng vai trò chủ nhân, cầm chìa khóa mở rộng hay thu hẹp để ban phát cái dân chủ cho nhân dân. Dân gian có câu đơn giản để chỉ sự hồ đồ, là “cả vú lấp miệng em”.

Truyền thống cách mạng, nó là gì nhỉ? Cách mạng là gì, mà nó đã trở nên truyền thống, và có thật hay không? Lịch sử Việt Nam được ghi là 4.000 năm, trong đó có 1000 năm là bị Tàu đô hộ, sau đó cũng bị Tàu và một số nước khác đô hộ từng thời kỳ. Và cuối cùng thì Việt Nam, đến ngày nay, cũng “tạm gọi” là giành được độc lập, dù tình huống cũng khá bấp bênh. Vậy nếu mạnh miệng cũng gọi được, là truyền thống chống giặc giữ nước, chứ chưa thể gọi là cách mạng.

Thật ra không chỉ Việt Nam ta mới có truyền thống đó. Bao nhiêu quốc gia, chứ không phải riêng ta, đều có cái truyền thống giữ nước. Từ cách mạng, trong 70 năm qua khiến cho người dân – có thể là trên phạm vi toàn thế giới – liên tưởng đến vũ khí, bạo lực, lật đổ, sự chết chóc, hy sinh, đau khổ, nghèo đói và các khát vọng…; cách mạng gần như đồng nghĩa với chiến tranh. 

Từ cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên sử dụng rất xa ý nghĩa về sự nghĩ mới, làm mới, quan trọng nhất là mặt tư tưởng và đạt được tiến bộ xã hội. Nhưng có đáng tự hào về sự triền miên đánh giặc giữ nước hay không? Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, hy sinh bao nhiêu xương máu trong 70 năm để rồi Việt Nam vẫn là “một đất nước không chịu phát triển (như lời nhận xét rất hài hước của một số chuyên gia nước ngoài, qua lời thuật của bà Phạm Chi Lan), đứng chót bảng xếp hạng Đông Nam Á!

Truyền thống cách mạng” trong Dự thảo cũng bao gồm cả: “đoàn kết, năng động, sáng tạo, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực”. Đó không phải là tư tưởng, mà là ước mong đã hóa thành lời khoa trương, rõ hơn chút nữa, là cổ vũ, tuyên truyền để thúc đẩy hành động. Lịch sử Việt Nam cho thấy hành vi/ý thức đó chưa chắc đã là truyền thống. Tính đoàn kết dân tộc là rất yếu ớt, hoặc tệ hại đến thảm thiết. Có dòng máu đỏ yêu nước thì cũng luôn có dòng máu đen bán nước/theo giặc, chảy song song theo chiều dài lịch sử. Mỗi triều đại sau một thời gian tạm hưng thịnh, được kết thúc bởi một nhóm vua quan hãnh tiến, tự mãn, cùng với sự suy đồi trụy lạc, bởi sự chia rẽ chứ không đoàn kết, bởi sự ù lì chứ không năng động, bởi tư tưởng giáo điều lệ thuộc chứ không phải sáng tạo tự chủ. 

Sự đồng lòng chung sức chỉ huy động được sức mạnh và đem lại hiệu quả đáng kể chỉ khi bộ máy cầm quyền có chính nghĩa, và làm sáng tỏ được chính nghĩa đó với nhân dân. Phải thừa nhận đó là sự thật khách quan của quá khứ và nhất là hiện tại. Không thể nói càn, không mà nói có, ít mà nói nhiều. Phải nhìn thẳng vào cái nhược điểm vốn có của dân tộc, và nó đang diễn ra. Phải dạy sự thật này trong các bậc học của nền giáo dục.

 Dù không thể làm điều này với bộ máy cầm quyền, thì ít ra phải làm cho thế hệ sau có nhận thức đúng đắn hơn, và có tư cách hơn, để hiểu thế nào là cách mạng. Làm mới thì không thể thờ cái cũ đã chứng tỏ sự lạc hậu cả trăm năm. Nếu không, cho dù cả vú lấp miệng em – mà vú không có sữa – đứa bé vẫn khóc. Một người mẹ vô lương và dốt, hẳn sẽ bạo hành với đứa con mình. Và nhân dân dù thế nào, cũng không thể xem như đứa trẻ nằm nôi, vì nhân dân là một thực thể có sức mạnh bền vững và cả sự bao dung.

Thế lực cầm quyền có thể từ sự không thật lòng, đã bước sang nhiều dối trá, mà lắm khi là không tự nhận ra.

Trong Thư có trích câu: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong. Ý của tác giả câu này hẳn là không nhằm đổ mọi cái khó lên đầu dân, để gánh chịu các thứ bất cập, gọi là suy thoái của giới cầm quyền; nhưng ngày nay câu này có thể dùng để bày tỏ sự tin vào dân và cả để mị dân. Suy thoái, chia rẽ, hỗn loạn, thụ động, ù lì, mất sức sống trong xã hội, là phản ánh hình bóng của nhà cầm quyền, là cái đỉnh cao lộn ngược của trí tuệ, năng lực và lương tâm, nó là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân, sau 40 năm được quản lý và trui rèn theo khuôn mẫu của Đảng Cộng sản.

Dự thảo viết: “[X]ây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực; xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình; giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế – xã hội, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Người đọc chắc chắn sẽ không có ý kiến gì về một loạt từ ngữ loại thảm đỏ này: “trong sạch”, “vững mạnh”, “huy động mọi nguồn lực”, “văn minh”, “hiện đại, “nghĩa tình”, “vai trò đầu tàu”, “sớm trở thành”, và cuối cùng là “trung tâm lớn […] của Đông Nam Á. Có ai không bằng lòng với các từ ngữ trên? Không ai, vì nó rất trơn tru và quá lộng lẫy. Cứ ráng sức thổi cho các cuồng vọng bay cao.

Tôi chỉ xin phàn nàn một chữ thôi: “nghĩa tình”. Tôi nghe như là lời sướt mướt của một em gái nào đó, hay một chị lãng mạn nào đó chấp bút văn kiện này? Đây là văn kiện của Đảng, nói về Đảng, cái nghĩa tình này cũng thuộc về Đảng, mà Đảng là một tập thể đông đảo mấy triệu con người ta, lãnh đạo toàn diện, họ mà nghĩa tình với nhau thôi, thì người dân sẽ sống ra sao? Nhân dân chỉ mong ai nấy cùng tuân theo một chữ pháp quyền. Bởi cái nghĩa tình / tình nghĩa, tình tang cũng cùng một loại, đều không có quy chuẩn về định lượng, thước đo, mà từ đó có thể dắt dây ra nhiều thứ khác. Một là nó trong sáng trong chỗ riêng tư (thì nó chẳng vấy tới ai), hai là nó không ở lại trong cõi riêng tư mà cũng chẳng trong sáng. 

Liệu rằng, do đó mà nó phát huy thêm cái “nhạt phai lý tưởng, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống” như Đảng đã tự thừa nhận? Hoặc có một cách hiểu khác về lời kêu gọi nghĩa tình trong nội bộ, là hãy tha thứ, nương nhẹ, ém nhẹm cho nhau về cái tham nhũng và các loại suy đồi hiện nay trong Đảng? Tôi cho rằng cái từ nghĩa tình ấy rơi không trúng chỗ, nên nghĩa của nó ở dưới mức bình dân (có thể gọi là “cải lương”, là “sến” theo cách dùng mỉa mai của Sài Gòn cũ). Cần gạch bỏ, đừng lưu luyến!

Và một từ ngữ nữa, xuất hiện ở cuối Phần Thứ Nhất: Kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố, cũng đáng cho là điển hình: “an dân. Nó cực kỳ mới vì nó quá cũ, đã không từng dùng đến trong suốt 70 năm qua, từ khi Đảng ra đời. Bởi an dân thì làm sao thúc đẩy được hận thù giai cấp, và đấu tranh cải tạo tư sản công thương nghiệp, làm sao trấn áp được các yêu cầu của dân chúng, dưới cái mệnh đề gọi là “thế lực thù địch” hiện nay? Hay để cho an dân thì phải dùng bạo lực trấn áp?

An dân không phải là một lời nói suông, dễ dùng theo cách hời hợt, mượn hồn xưa để tạo ra một ảo giác nhằm trấn an và che lấp những bất mãn và bức xúc của người dân. An dân phải là một chính sách cụ thể và chân thực, không thể nói chơi, hoặc theo kiểu làm văn mẫu. Trước hết nó không thể tước quyền sở hữu đất đai của người dân đang lao động và sinh sống trên đó, bằng cách chuyền tay cho từng nhóm người “thống nhất quản lý” dưới các hình thức nhân danh. Các quyền căn bản và đầy đủ khác của người dân phải được khẳng định và được luật pháp bảo vệ, không còn bị đe dọa bởi các loại côn đồ như Chí Phèo, hoặc loại cán bộ mánh lới như Bá Kiến. Muốn an dân nhưng dân có an được không, khi họ đã biến thành dân oan ở mọi lãnh vực? Ngay cả học trò cũng có thể gọi là học trò oan của một nền giáo dục mà Lịch sử sau này sẽ vô cùng xấu hổ và ân hận.

Trong hai mục đầu của Phần Thứ Nhất – (Kết quả đạt đượcHạn chế, yếu kém) – thì mục sau nói lại những đề mục của mục trước nhưng ý thì trái ngược nhưng ý thì trái ngược, dường như cái sau phủ định cái trước. Cái khéo của người viết là chỉ phủ định một phần thôi, để nếu làm bài toán trừ thì hiệu số thành tích/thành tựu vẫn là rất lớn. 

Thí dụ: Tăng trưởng kinh tế […] chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng”, “chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập chưa cao”, “tiềm năng, lợi thế chưa được huy động và khai thác hiệu quả”, “chất lượng giáo dục – đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế”, “khoa học – công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội”, “phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của Vùng và cả nước”, “công tác giáo dục chính trị tư tưởng và cơ chế, phương thức quản lý chưa đủ mạnh để tăng sức đề kháng chống lại sự xâm lăng văn hóa; chưa đẩy lùi được sản phẩm phi văn hóa, độc hại diễn biến rất phức tạp, đang tấn công vào đạo đức, lối sống trong xã hội, nhất là thanh – thiếu niên”, “việc giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa lớn chưa đạt chuyển biến căn bản”, “cải cách tư pháp chưa đồng bộ ở một số lĩnh vực; trình độ, năng lực nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, “việc triển khai thực hiện một số chương trình nhánh của Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn chậm, chưa sát hợp với tình hình thực tế”… 

Tóm lại, tất cả yêu cầu của lịch sử và cuộc sống đều có thành tích hết, chỉ thiếu chút đỉnh. Chỉ là “chưa” thôi, nhưng “sẽ”. Hãy cứ tin vào Đảng ở thì tương lai tưng bừng tươi sáng. Quần chúng hiểu rõ sao được một loại ngôn ngữ sáng tạo của một thời đại có nhiều sản phẩm làm bằng chất dẻo, với nhiều tiếng “chưa” vang lên như một điệp khúc của sự giằng co giữa xoa dịu và hứa hẹn, nửa thật, nửa mánh.
Cái ngôn ngữ ấy được “tiếp tục phát huy” trong suốt Phần Thứ Hai: Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thành phố, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố giai đoạn 2015 – 2020 khi Dự thảo nêu lên những con số chỉ tiêu cụ thể của từng lãnh vực. Đó dĩ nhiên là những con số “niềm tin và hy vọng”!

Viết Nghị quyết, hay Báo cáo chính trị, không dễ, phải có nghề mới đựợc, là phải nằm trong cái lò luyện kinh một thời gian! Trước hết, phải đắm mình trong thế giới từ ngữ phong phú, nhất là tính từ, vì tính từ thì không có định lượng, lại giàu hình ảnh. Lại nữa, phải có nghệ thuật làm mờ ranh giới về thời gian. Quá khứ được lồng vào hiện tại, hiện tại được bắt cầu nối qua tương lai, và tương lai phủ lại bóng quá khứ; nó gợi lên cái thành tích đã có, đang có, được gắn liền với cái thành tích hứa hẹn sẽ có. Và cứ thế, “bóng đêm lồng bóng trà mi chập chùng”. Nó phải có khả năng phủ kín liền mạch các nhiệm kỳ, tạo được cảm giác cân đối và êm ái. 

Vì thời gian là liên tục, như gió vậy, đâu dễ chém đứt thành từng mảnh, từng đoạn như các ông thầy chém gió tay mơ!
Văn phong của Dự thảo là cả một nghệ thuật về một cách viết văn kiện rất an toàn, tiến thoái đều được, như trong cái mơ hồ của bóng đêm thì dễ ứng phó vậy. Ví dụ, nói về đổi mới, thì phải lấy cái thành tích đổi mới của 30 năm quá khứ – vốn đã phai mờ, và dù rất vất vả – trùm lên cái thành tích hiện tiền, vốn quá ít ỏi của nhiệm kỳ 5 năm sắp qua, đồng thời chồm luôn qua cái hứa hẹn mơ hồ của tương lai gần ở nhiệm kỳ tới. Nó kéo dài liền một mạch hoa ngữ, mà người đọc nhất thời khó phân biệt, chỉ thấy hiện lên một bức tranh đẹp – tuy màu sắc có hỗn độn – một tấm thảm “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Người đọc thường dân, hoa mắt là cái chắc!

Đọc các văn bản Dự thảo thấy nó đều được viết ra rất chặt chẽ, công phu, và hay ho, không sai đâu được – theo cái cách trên – nhưng để hiểu rõ nó thì hẳn là không! Tôi nói với ông bạn, thể loại văn kiện kiểu này còn, tức là Đảng ta còn. Đảng ta còn thì văn kiện kiểu này còn (1). Lí do là vì nó không thể khác. Nó bị cầm tù trong hệ thống. 

Tôi còn ngại một lẽ nữa: Dù họ họp báo, đưa lời kêu gọi “góp ý tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm”, nhưng tôi còn nhớ như in, ngày nào họ bảo – như một lời đe dọa lạnh lùng về cái việc mà mình biểu tình chống bọn Tàu dạo nọ: “Hãy để cho Đảng lo!”, thế xong! Còn nữa, vụ góp ý cho dự thảo Hiến pháp “không vùng cấm”, mà sau đó lại có câu nói đã được ghi nhớ đặc biệt: “Góp ý như thếkhông suy thoái thì… là… gì…!” của ông Tổng, với cái giọng đay nghiến kéo dài của một bà mẹ chồng cay nghiệt, và đòi “xử lý” ngon ơ! Phản đối Tàu là cái chuyện rất rõ nhé, chứ còn chuyện tiến lên, tiến vào cái chủ nghĩa sương mù này thì phức tạp hơn, mà cũng chẳng thấy đường đi tới đâu. Xứ của ta là vùng nhiệt đới, nắng sáng mưa chiều là chuyện của trời, nhưng con người thì cũng dễ cảm lạnh với thời tiết…

Tôi đi chơi loanh quanh, cũng có gặp đồng bào chiến sĩ, đương chức hoặc về hưu, nhưng chẳng nghe ai bàn bạc gì về chuyện góp ý Dự thảo cả. Tôi cho đó là thái độ rất lạnh lùng và vô trách nhiệm với “Tổ quốc thân yêu”. Song họ bảo, lo gì, rồi sẽ có hàng tỉ tiền với các bản góp ý in sẵn, Tổ dân phố mang xuống phát đến tận nhà, còn được hướng dẫn tha hồ mà điền vào những chỗ chấm chấm… Sau đó, ở trên sẽ có con số thống kê thu được là hàng mấy mươi triệu ý kiến đồng tình của nhân dân, chiếm chừng 1/3 dân số, trừ trẻ em và các bà bận đi đẻ.

Tôi cũng tin, trước sau gì thì Dự thảo cũng sẽ thành hiện thực như ý muốn, dù có góp ý thế nào. Chỉ còn biết hoan hô thôi!

Lại nữa, vì vô tư nên mình không biết, bọn suy thoái lý tưởng, biến chất đạo đức, lối sống – vốn là dòng họ của thế lực thù địch – nghe như từ trong các Dự thảo ùn ùn xuất hiện, xông ra phá rối nhà nước ta đủ kiểu, đáng lo hơn cả bọn Bành trướng. Thế mới biết cái nội thù là ghê hơn. Nhưng vừa qua đã có giải pháp thích đáng. Cứ tống cái thế lực thù địch ấy sang Mỹ là xong, từng bước biến nước Mỹ thành nơi chứa bọn suy thoái biến chất, kể cả 17.000 học trò tạm thời di tản chiến thuật để tị nạn giáo dục. 

Thế là bà Tạ Phong Tần vừa được khuyên nhủ, đã nối gót theo ông Tổng qua đó tham quan, tuy rằng cách tham quan có khác, nhưng ai cũng có cái vẻ vang của mình, và ít nhiều thổn thức với những xúc cảm khác nhau. Cũng tạm ổn, giải quyết từng bước một, từng người một, lo chi sẽ có ngày đất nước “sạch bóng quân thù”!

Dự thảo 12 lần nhắc đến cụm từ “trong sạch, vững mạnh”. Đáng chú ý là chỉ một lần cụm từ này dùng cho nền hành chính, một lần cho lực lượng vũ trang, công an. Còn 10 lần là cho Đảng và gần như tất cả đều là kế hoạch xây dựng, nghĩa chỉ là mơ ước. Thế thì, chỉ còn cách: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!”.
Đảng, giờ đây trở thành cái “hạt nhỏ nhất”, nó tinh ròng, chứa đầy năng lượng, và là thành phần căn bản nhất trong cấu tạo vật chất mà khoa học lượng tử vừa tìm thấy. Hạt ấy được các nhà khoa học thế giới đặt tên là Hạt của Chúa, còn chính nhà bác học tìm ra nó, thì gọi là Hạt Chết Tiệt (2)
Lẽ nào chỉ còn lại ở đất nước này, toàn là “Hạt của Chúa” hay là “Hạt Chết Tiệt”?
20/9/2015
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.
–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
(1) Phỏng cách nói của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.
(2) Hạt Chết Tiệt: Năm 1993, nhà vật lý đoạt giải Nobel Leon Max Lederman cùng với nhà văn chuyên vết về khoa học  Dick Teresi, xuất bản một cuốn sách phổ biến khoa học về hạt Higgs, đặt tên là The Goddamn Particle (Hạt Chết Tiệt). Nhưng nhà xuất bản thuyết phục Lederman rút ngắn thành The God Particle (thường được dịch là Hạt của Chúa)… “Hạt God” chẳng dính líu gì đến Chúa cả.
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

My Blog List