Trận chiến ngoại tệ sắp tới
Việt
Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-11-26
2014-11-26
- In trang
này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Đồng Yên Nhật và Nhân Dân Tệ Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước
đây.
Trong khi đồng Mỹ Kim
cứ lên giá liên tục so với các ngoại tệ chính yếu khác thì đồng Yen của nền
kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới là Nhật Bản lại sụt giá mạnh và còn có thể
sụt nữa. Vì sao lại như vậy và hậu quả cho các nền kinh tế khác trên thế giới sẽ
là gì? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu nguyên do và ảnh hưởng của sự chuyển động ấy
qua phần phân tích cùa chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý thính giả
theo dõi cách Việt Long nêu vấn đề như sau đây.
Thế giới sẽ gặp biến
động về ngoại hối
Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Cách đây một tháng, khi Quỹ Tiền tệ
Quốc tế IMF đưa ra một dự báo bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu, thì trên
diễn đàn này ông nói đến việc Mỹ Kim lên giá so với các ngoại tệ khác và nhấn
mạnh là thế giới sẽ gặp nhiều biến động về ngoại hối. Từ mấy ngày qua, người ta
lại thấy đồng Yen của Nhật sụt giá mạnh so với tiền Mỹ và nhiều loại ngoại tệ
khác. Nhật Bản có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ ba của thế giới sau Hoa Kỳ và
Trung Quốc và là một quốc gia xuất cảng rất mạnh. Khi tiền Nhật sụt giá như vậy
thì ảnh hưởng sẽ ra sao cho các nền kinh tế khác? Chúng tôi nêu vấn đề trong
mục đích tìm hiểu về những biến động ngoại hối mà ông đã nhắc đến từ tháng
trước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng hôm Thứ Ba 17 vừa qua, Thủ tướng Nhật là ông Shinzo
Abe loan báo quyết định giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14
tháng tới. Việc ấy xảy ra sau khi có thống kê xác nhận kinh tế Nhật lại bị suy
trầm nữa trong Quý Ba vừa kết thúc vào Tháng Chín. Trước đó, vào ngày 31 Tháng
10, Ngân hàng Trung ương Nhật cũng quyết định sẽ lại bơm thêm tiền theo phương
pháp gọi là "gia tăng mức lưu hoạt có hạn định" hay
"quantitative easing" gọi tắt là QE với số lượng cực lớn, dự trù là
tương đương với hơn 700 tỷ đô la mỗi năm, cho đến khi kinh tế ra khỏi suy trầm
hoặc lạm phát lên tới 2% thì mới ngưng.
Khi đồng Yen mất giá
thì hàng hóa của Nhật lại trở thành rẻ hơn, tức là dễ xuất khẩu hơn, nên sẽ gây
sức ép cho các nền kinh tế sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như kinh tế Đức và Trung
Quốc.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Những biến cố dồn dập
ấy giải thích vì sao tiền Nhật mất giá so với các ngoại tệ khác như Mỹ Kim hay
đồng Euro của Âu Châu. Nếu nhìn trong dài hạn thì việc đồng Yen mất giá là sự
chuyển động dễ hiểu với hậu quả có thể là một trận chiến về ngoại tệ giữa các nền
kinh tế lớn trên thế giới khiến nhiều quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, sẽ lâm
vào khó khăn trong các năm tới.
Việt Long: Chúng ta lần lượt tìm hiểu hiện tượng này để phần nào
thấy trước được biến động ấy. Trước hết, xin ông nói về kinh tế Nhật và những
lý do khiến tiền Nhật sẽ còn mất giá nữa.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhật Bản có vấn đề trường kỳ là nạn dân số sút giảm với tỷ
trọng rất lớn của người cao niên lớn tuổi – mà người ta gọi là nạn lão hóa dân
số. Lý do sâu xa này khiến mức tiêu thụ sút giảm và hàng họ mất giá. Trong khi
đó, vì mở ra làm ăn với toàn cầu, kinh tế Nhật vẫn có ưu điểm là nơi đầu tư ổn
định khiến thiên hạ trút tiền mua đồng Yen để tìm cơ hội kiếm lời trên thị
trường Nhật.
Kết hợp hai chuyện 1) dân số và tiêu thụ giảm khiến kinh tế bị nạn
giảm phát – disinflation – và 2) nội tệ lên giá dẫn tới hiện
tượng giá cả trong nước sụt đều làm người dân càng tiết kiệm và đình hoãn chi
tiêu để chờ khi giá hạ hơn nữa. Hoàn cảnh éo le ấy khiến các doanh nghiệp Nhật
bị điêu đứng. Đầu tư giảm vì mức lời sụt dẫn tới việc cắt lương và mở ra vòng
xoáy lẩn quẩn: lương hạ càng đánh sụt mức tiêu thụ và làm kinh tế đình trệ.
Sự chuyền động lớn này
giải thích vì sao kinh tế Nhật bị suy trầm liên tục từ hai thập niên đã qua.
Thế rồi, chiếm đa số áp đảo sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2012, Chính quyền của
Thủ tướng Abe mới áp dụng chánh sách cải cách táo bạo, được gọi là Abemomics,
nhắm vào ba hướng gọi là "ba mũi tên". Thứ nhất là cố tình gây lạm
phát qua biện pháp tăng chi để bơm tiền vào kinh tế theo cái ý khuyến khích dân
chúng hãy mua ngay đi kẻo mai này hàng lên giá. Thứ hai là cải tiến môi trường
kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bằng cách giảm thuế doanh
nghiệp, khi đó thuộc loại cao nhất địa cầu. Thứ ba là cải tổ toàn bộ cơ chế
kinh tế, xã hội và chính trị Nhật để tìm sức bật mới....
Việc tăng chi chưa có
kết quả thì Ngân hàng Trung ương Nhật áp dụng biện pháp tăng mức lưu hoạt, tức
là bơm thêm tiền vào kinh tế, với một số lượng tương đối cao gấp đôi Hoa Kỳ. Vì
thế mà tiền Nhật mới mất giá. Khi đồng Yen mất giá thì hàng hóa của Nhật lại
trở thành rẻ hơn, tức là dễ xuất khẩu hơn, nên sẽ gây sức ép cho các nền kinh
tế sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như kinh tế Đức và Trung Quốc.
Đồng đôla Mỹ và euro Âu
Châu. AFP PHOTO.
Việt Long: Xin được hỏi ông một câu là vì biện pháp tăng chi ngân
sách, Nhật Bản hiện mắc nợ nhiều nhất, có thể lên tới 250% tổng sản lượng kinh
tế. Thưa ông, đấy không là một vấn đề sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đấy là một vấn đề, nhất là khi ta nhớ đến khoản tiền
lời phải thanh toán, có khi chiếm một tỷ trọng lớn của các khoản chi ngân sách
như nếu phân lời đi vay mà lên tới 2% thì tiền lời sẽ lên tới 80% của số tổng
thu về thuế khóa.
Nhưng, có một thực tế
văn hóa và tâm lý mà mình nên chú ý. Khoản công trái rất cao của Nhật có hai
đặc tính. Thứ nhất, tuyệt đại đa số là "nội trái", được yết giá bằng
đồng Yen, tức là "Nhật nợ Nhật" chứ không nợ ngoại quốc. Thứ hai, chủ
nợ của đa số các khoản nợ ấy lại là Ngân hàng Trung ương Nhật, nghĩa là chủ nợ
cũng là chủ nhà in giấy bạc và nhờ vậy có quyền quyết định về phân lời cao thấp
khi bơm tiền ra. Vì thế, thị trường tài chánh Nhật vẫn ổn định và không bị giao
động nặng - trong khi dân Nhật bấm bụng bảo nhau cho nhà nước vay tiền trong
tinh thần liên đới gọi là "rau cháo có nhau". Khi Trung Quốc càng tỏ
vẻ hung hăng đe dọa quyền lợi của Nhật thì người dân Nhật lại càng chịu đựng và
hậu thuẫn chính quyền để cố gắng vượt khó khăn kinh tế. Bây giờ ta mới nói đến
chuyện ngoại hối là hối suất đồng Yen....
Nguy cơ suy sụp
Việt Long: Như ông vừa trình bày thì có phải chăng là việc tiền
Nhật mất giá là một hiện tượng có những lý do sâu xa và lâu dài hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là câu chuyện còn rắc rối hơn vậy nếu ta nhìn trong trường
kỳ.
Khoảng 40 năm trước,
có lúc tiền Nhật quả thật là quá rẻ mà nhiều người đã quên mất rồi vì phải hơn
300 đồng Yen mới ăn một Mỹ Kim. Khi kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm vào các
năm 2008-2009 và tiền Mỹ mất giá thì là lúc đồng Yen lên giá, một đô la chưa ăn
được 80 Yen vào năm 2011. Nó chỉ bắt đầu sụt vào cuối năm 2012, rồi dập dình cả
năm 2013 qua tới 2014 ở mức trăm đồng ăn một Mỹ Kim. Bây giờ mới sụt mạnh và
còn sụt nữa, có thể tới 150 hay thậm chí 200 đồng vào một hai năm tới. Nhưng so
với cái giá 300 hay 350 vào những năm 1970-1975 thì vẫn chỉ bằng phân nửa mà
thôi.
Việt Long: Thưa về lâu dài thì ý nghĩa sẽ ra sao?
Nhìn trong lâu dài thì
điều ấy có nghĩa là gì? Là trong khoảng 40 năm, có lúc tiền Nhật tăng giá gấp
bốn so với đô la và doanh nghiệp Nhật bị thất thế khi cạnh tranh với doanh
nghiệp Hoa Kỳ hay với thiên hạ. Họ phải tìm lợi thế bằng cách khác, chứ không
nhờ tiền rẻ mà dễ bán hàng hơn.
Một cách chậm rãi, thế
giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách cứ tưởng như bất ngờ và ngoài khối
công nghiệp hóa.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Việt Long: Bây giờ ta mới nhìn qua xứ khác. Thưa ông, đồng Yen mà
mất giá như vậy thì hậu quả sẽ là thế nào với các nước khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin lấy một thí dụ nổi bật nhất là nền kinh tế đứng
sau nước Nhật và cũng lệ thuộc mạnh vào xuất khẩu, đó là kinh tế Đức. Sau đó
mới tới Nam Hàn và Trung Quốc.
Trong giai đoạn khó
khăn sau vụ Tổng suy trầm thì doanh nghiệp Nhật bị mất sức cạnh tranh so với
doanh nghiệp Đức, coí thể là mất tới hơn một phần ba trong các năm 2010 đến
2012. Thí dụ như tại Mỹ này thì ta thấy xe hơi của Đức bán chạy hơn xe Nhật.
Ngoài lợi thế từ chuyện tiền Nhật lên giá, ta không quên rằng khi đó
Trung Quốc dốc sức đầu tư vào khu vực nội địa là xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu
đường và gia cư địa ốc hơn là xuất khẩu. Nhờ vậy mà Đức trở thành đầu máy cứu
vãn cả khối Euro.
Bây giờ, cả hai lợi thế ấy của kinh tế Đức đều hết vì tiền
Nhật mất giá và kinh tế Trung Quốc co cụm, mất khả năng nhập khẩu. Khi kinh tế
Đức cũng suy trầm như người ta bắt đầu thấy từ tháng trước thì cả Âu Châu sẽ
lâm nạn, nhất là khi các nước phải chấp hành chính sách cải tổ hệ thống ngân
hàng theo yêu cầu của Hội đồng Ổn định Tài chính.
Việt Long: Phải chăng vì vậy mà hồi nãy ông mới nói đến một trận
chiến ngoại tệ giữa các quốc gia khi tiền Nhật sụt giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là Ngân hàng trung ương của Âu Châu có phản ứng
bơm thêm tiền khiến đồng Euro sẽ mất giá. Nam Hàn cũng vừa có động thái hạ lãi
suất, y như trường hợp của Trung Quốc. Ít ai nói ra cái chữ dễ sợ là một trận
chiến về ngoại tệ nhưng sự thật thì xứ nào cũng kích thích kinh tế qua các biện
pháp tiền tệ hay tín dụng với hậu quả là làm giảm tỷ giá đồng bạc so với các
ngoại tệ khác. Các nước Á châu hiện lâm vào hoàn cảnh đó.
Khốn nỗi, người ta
không thể xuất khẩu lên cung trăng để phục hồi kinh tế mà phải bán hàng cho
nhau. Khi kinh tế trì trệ thì các nước nhập khẩu ít hơn và xứ nào sống nhờ xuất
khẩu sẽ bị hại nhất vì dù có làm giảm giá đồng bạc thì cũng chưa thoát hiểm mà
còn phải trả hóa đơn cao hơn khi mua hàng xứ khác với đồng tiền mất giá. Đấy
cũng là bài toán nan giải cho ngân hàng trung ương của Việt Nam.
Một cách chậm rãi, thế
giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách cứ tưởng như bất ngờ và ngoài khối
công nghiệp hóa, có chín nền kinh tế lớn bị nhiều bất trắc nhất, đó là Trung
Quốc, Liên bang Nga, Brazil, Chile, Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Turkey và Nam
Phi. Ngoại lệ duy nhất vẫn là Hoa Kỳ dù tiền Mỹ lên giá, và hôm qua Thứ Ba 25,
bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều chỉnh đà tăng trưởng theo hướng cao hơn.
Việt Long: Ông vừa nói đến sự kiện là "một cách chậm rãi, thế
giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách bất ngờ". Cách đây hơn một
năm, trong dịp phân tích Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ bảy tại Hà Nội,
ông có nói đến hiện tượng mà các nhà vật lý gọi là "cát truồi", nghĩa
là một cách chậm rãi người ta cứ lặng lẽ tích lũy thêm những yếu tố thất quân
bình cho tới khi có sự sụp đổ bất ngờ. Phải chăng, chúng ta đang chứng kiến một
hiện tượng đó khi các nước đều cố hạ giá đồng bạc để thoát hiểm mà rốt cuộc lại
kéo nhau vào khủng hoảng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng cái gọi là trật tự kinh tế chính trị của các
nước là điều gì đó vô cùng phức tạp vì là kết quả của nhiều động thái khác
nhau.
Về trường hợp Việt Nam
thì tờ World Affairs vừa có bài bút ký khá dài của nhà báo
Michael Totten với đề tựa rất lạ, đó là "Phải chăng đã đến ngày tàn của
đảng Cộng sản Việt Nam"? Ra khỏi chuyện Việt Nam thì ta nhớ tới kế hoạch
Nga bán năng lượng cho Tầu. Họ tưởng khôn khi nhận tiền bằng đồng Nguyên của
Tầu thay vì đô la Mỹ. Nào ngờ dầu thô sụt giá và đồng Nguyên sẽ còn mất giá nữa
trong trận chiến ngoại hối sắp tới trong khi đô la lên giá. Kết quả là Nga thu
về đồng bạc mất giá trong khi vẫn phải trang trải các khoản nhập khẩu khác bằng
tiền Mỹ. Tức là Tổng thống Vladimir Putin có thể hoành hành tại Ukraine và cùng
Trung Quốc thì coi thường Hoa Kỳ chứ đang bị thiệt cả hai đầu. Những chuyện như
vậy đang chậm rãi xảy ra trước mắt chúng ta mà ít ai chịu để ý!
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo này.
Ngân sách Nhà nước VN: Xài cho hết?
·
8 giờ trước
Nếu phá vỡ thói
quen “xài cho kỳ hết” ngân sách nhà nước, Việt Nam có thể tiết kiệm được rất
nhiều, theo ý kiến của một đại biểu quốc hội trong phiên họp hôm 25/11.
Đại biểu Trương
Trọng Nghĩa được VNExpress dẫn lời nói, tâm
lý xin ngân sách năm sau cao hơn năm trước có ở hầu hết các ngành, địa phương.
“Sự thật có nơi
năm nay chỉ cần chi 80 đồng là đủ, nhưng đã xin được 100 đồng rồi nên phải cố
tiêu hết. Vì lo rằng tiêu không hết thì năm sau sẽ bị cắt,” luật sư Trương
Trọng Nghĩa nói.
Ông cũng đề
nghị đưa ra quy định nếu địa phương có nhu cầu cấp thiết thì dù không tiêu hết
ngân sách năm nay năm sau vẫn có thể được cấp nhiều hơn.
Một số đại biểu
khác cũng nêu ra các vấn đề về kỷ luật chi tiêu ngân sách nhà nước, nợ công và
các khoản vay của nhà nước.
Tiêu xài 'tùy tiện'
Trong phiên họp
hôm 29/10, đại biểu Trần Du Lịch gọi cách sử dụng ngân sách ở Việt Nam là
"tùy tiện" và “ăn nhậu vô tội vạ rồi vẫn quyết toán được”, trang VTCtrích lời.
Một chuyên gia
của Ngân hàng Thế giới, World Bank, gần đây viết choVietnamnet về
năm khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam kiểm soát chi tiêu và vay nợ quốc gia được
tốt hơn.
Trong đó, khuyến nghị đầu tiên mà ông Habib Rab đưa ra
là nâng cao minh bạch ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình để
người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến.
Khuyến nghị thứ hai của ông Rab liên quan tới vấn đề
kỷ luật trong việc thực hiện kế hoạch chi tiêu; thứ ba là lập ngân sách trung
hạn, được cập nhật hàng năm, "phù hợp với các Kế hoạch phát triển kinh tế
xã hội và gắn kết với Kế hoạch đầu tư trung hạn", do hiện nay các kế hoạch
chi tiêu ngân sách nhà nước được đặt ra cho 5 năm.
Ông Rab cho rằng toàn bộ báo cáo các hoạt động của khu
vực công cần được tổng hợp để cả chính phủ và người dân có được cái nhìn
toàn cảnh về chính sách tài khóa.
Ngoài ra, khuyến nghị thứ năm là hình thành cơ chế tổng thể về
vay nợ của chính quyền điạ phương do theo chính sách hiện nay,
“ngân sách địa phương không được phép bội chi, và “toàn bộ nợ của địa phương
được xử lý ngoài ngân sách nhà nước”, chuyên gia của World Bank viết.
Báo Thanh Niên hôm 25/11 đưa
tin về một khảo sát gần đây của Oxfam và một số cơ quan của Quốc hội về kỳ sửa
đổi luật ngân sách nhà nước cho thấy không có nhiều người dân biết và hiểu về
vấn đề này.
Cuộc khảo sát
kết luận rằng, đa phần người dân, dù ở nông thôn hay thành thị đều muốn biết
ngân sách nhà nước được chi, thu như thế nào, và việc công khai ngân sách nhà
nước cần được thực hiện sao cho dễ hiểu nhất, dễ tiếp cận được nhất.
Các vấn đề về
ngân sách nhà nước đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận trong tuần từ
24/11/2014.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.