Chiến dịch dài hơi hay chỉ xoa
dịu?
·
23 tháng 11 2014
Vụ xử lý sai
phạm với cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam về vi phạm chính sách nhà, đất
là tiến bộ của Đảng Cộng sản, nhưng chưa rõ liệu sẽ chỉ dừng lại như biện pháp
xoa dịu dư luận hay không.
Đó là quan điểm
của một số nhà quan sát nói với BBC hôm 22/11/2014 nhân việc cựu Ủy viên Trung
ương Đảng, ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ (2007-2011) vừa bị Ủy
ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản khẳng định mắc khuyết điểm.
Ông Truyền bị
buộc phải trả lại nhà, đất mà khi còn đương chức, ông đã xin cấp không đúng chế
độ.
Từ Hà Nội, Tiến
sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói
với BBC đây là một "tiến bộ đáng ghi nhận". Ông nói Đảng cần công
khai, minh bạch hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng để "lấy lại được
uy tín".
Theo nhà phân
tích này, chính việc công khai, minh bạch trong chống tham nhũng của quan chức
sẽ có tác động tốt với vị thế của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Ông nói:
"Theo tôi nếu làm như vậy mới làm cho Đảng lấy lại được uy tín của mình và
thể hiện tinh thần đấu tranh và đổi mới của Đảng, và tôi nghĩ rằng đây sẽ là
một phép thử rất quan trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam."
"Còn việc
có đả hổ, diệt ruồi hay không, thì cho tới nay, chưa thấy có dấu hiệu gì. Bởi
vì mới đây, ông Tổng Bí thư mới nhấn mạnh rằng ném chuột phải tránh để vỡ bình,
tránh để vỡ đồ quý."
'Chưa phải sâu chúa?'
Ông Trần Văn Truyền, dùng từ
như của ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước, thì có lẽ là một con sâu nhỏ, chứ
chưa phải là một bầy sâu và cũng càng chưa phải là một sâu chúa
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập, nói với BBC đây chưa phải là dấu hiệu của một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, dài hơi vì đối tượng mới chỉ là một quan chức đã về hưu, mà ông gọi là 'sâu nhỏ'.
Ông Dũng nói:
"Chiến dịch dài hơi chỉ có thể xảy ra mà nhắm vào đối tượng là quan chức
đương chức, còn thực ra với những quan chức mà đã về hưu thì gần như không có ý
nghĩa gì cả.
"Theo tôi
nhận xét, thì đó không phải là một đường dây dài hơi, một đường dây mà có thể
dẫn tới các quan chức cấp lớn."
"Trung Quốc
người ta giải quyết vấn đề như Từ Tài Hậu hay là Chu Vĩnh Khang, và đó là những
con hổ cực lớn. Còn ở Việt Nam nói về ông Trần Văn Truyền, dùng từ như của ông
Trương Tấn Sang Chủ tịch nước, thì có lẽ là một con sâu nhỏ, chứ chưa phải là
một bầy sâu và cũng càng chưa phải là một sâu chúa."
Cũng hôm thứ
Bảy, bà Lê Hiền Đức, một công dân từng được giải thưởng của Tổ chức Minh bạch
Quốc tế về chống tham nhũng, nói với BBC bà tin rằng đây chỉ là "thí
tốt".
Theo bà, nếu
chính quyền thực lòng hồi đáp, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các quan
chức, thì nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn có thể sẽ được phát giác.
Nói là không công khai tài sản
lên, vì tài sản đó coi như là tài liệu bí mật. Ai mà đụng đến tài liệu đó, coi
như là bị lộ bí mật, bị truy tố về hình sự chứ không phải đơn giản
"Bây giờ
không đưa một trường hợp nào ra, thì sẽ rùm beng lên, căng thẳng, cho nên tốt
nhất chuyện này bây giờ đã vỡ lở, thì thôi hy sinh, thí tốt, tức là bỏ đi một
hai người để làm dịu dư luận."
'Tài liệu bí mật'
Hôm 22/11, Luật
sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn
nói với BBC một trong các nguyên nhân chính đằng sau vấn nạn tham nhũng chức
vụ.
Nguyên Phó Chủ
nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội nói:
"Nói là
không công khai tài sản, vì tài sản đó coi như là tài liệu bí mật. Ai mà đụng
đến tài liệu đó, coi như là bị lộ bí mật, bị truy tố về hình sự chứ không phải
đơn giản. Cho nên chuyện đó một là bí mật.
"Còn thứ
hai, câu chuyện nguyên tắc lớn nhất là không công khai. Không công khai thì
người ta cứ khai rồi người ta giấu vào trong hộc bàn, thì ai biết? Cho nên vấn
đề những người đương chức, đương quyền, người ta ngại chức quyền, thì người ta
không khơi ra.
"Theo quy
định mới, thì công khai ra hết, nhưng tôi muốn nói là công khai, thì phải công
khai cho toàn dân biết, thì công khai mới có giá trị."
Nói chung là các ông ấy có nhiều nơi, chứ
không phải là một nơi, ví dụ một cán bộ như tôi biết ngay ở Hà Nội cũng có mấy
nhà, rồi trong Sài Gòn, rồi tỉnh nọ tỉnh kia.
Bà Lê Hiền Đức
nói với BBC bà đã nghe phản ánh về các dấu hiệu vi phạm của ông Trần Văn Truyền
từ trước khi các thông tin xuất hiện chính thức hơn trên báo chí, truyền thông
Việt Nam.
Bà cho rằng
nhiều đơn thư được chuyển lên các cấp cao kể cả Trung ương Đảng để khiếu nại,
tố cáo, phản ánh v.v... đã không được phản hồi, xem xét, xử lý kịp thời, do đó
nhiều vụ tương tự hoặc nghiêm trọng hơn trường hợp của ông Truyền vẫn còn tồn
tại.
Phản ánh về
tình trạng nhiều quan chức có 'quá nhiều nhà cửa, dinh cơ, tài sản', bà nói:
"Nói chung
là các ông ấy có nhiều nơi, chứ không phải là một nơi, ví dụ một cán bộ như tôi
biết ngay ở Hà Nội cũng có mấy nhà, rồi trong Sài Gòn, rồi tỉnh nọ tỉnh
kia."
'Cần tự do báo chí'
Hôm 22/11,
blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên nói với BBC, ở
Việt Nam, nhiều thông tin về tham nhũng chỉ tồn tại dưới hình thức tin đồn, khó
kiểm chứng.
Ông nói:
"Tôi cũng nghe tin đồn là có nhiều người có nhiều nhà nhiều cửa, một số
ông ở cấp nhỏ nhỏ tôi biết được thì nhà cửa cũng một vài cái. Nhưng những ông
lớn, tôi không tiếp cận nên tôi không biết, toàn nghe tin đồn thôi."
Không tự do báo chí mà cho
quyền tiếp cận thông tin càng nguy hiểm, chẳng lợi ích gì hết, người ta sử dụng
cái đó vô chuyện bè phái
"Thực ra
nếu có quyền tiếp cận thông tin, mà không có tự do báo chí thì cái tiếp cận
thông tin cũng chẳng có lợi ích gì. Tôi đã từng biết những tờ báo, người ta có
được thông tin, người ta sử dụng thông tin đó ra để người ta gây áp lực, người
ta làm tiền những kẻ liên quan thông tin.
"Không tự
do báo chí mà cho quyền tiếp cận thông tin càng nguy hiểm, chẳng lợi ích gì
hết, người ta sử dụng cái đó vô chuyện bè phái. Cho nên trước hết phải tự do
báo chí trước đã rồi mới tính tới chuyện này, chuyện khác," blogger nói.
Truyền thông ở
Việt Nam cuối tuần tiếp tục phản ánh về vụ ông Trần Văn Truyền. Tờ báo điện tử
của Đài tiếng nói Việt Nam hôm thứ Bảy cho hay: "ông Trần Văn Truyền đề
nghị đóng thêm nghĩa vụ tài chính để mua lại căn nhà số 105, Nguyễn Trọng Tuyển
nhưng TP Hồ Chí Minh không đồng ý."
Báo Tuổi Trẻ
thì dẫn lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp,
nói: "Sự việc của ông Truyền càng hối thúc chúng ta nhìn lại toàn bộ nền
công chức, công vụ, từ việc đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, kiểm soát quyền
lực."
Ông Trần Văn Truyền muốn mua lại căn nhà ở TP
HCM
Ông Trần Văn
Truyền đề nghị đóng thêm nghĩa vụ
tài chính để mua lại căn nhà số 105, Nguyễn Trọng Tuyển nhưng TP HCM không đồng
ý và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư.
Trao đổi với báo
Người Lao Động sáng nay, ông Võ Văn Thưởng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP
HCM, cho biết trước khi có kết luận của UB Kiểm tra TƯ đối với ông Trần Văn
Truyền (nguyên ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Tổng
Thanh tra Chính phủ), Thường trực Thành ủy đã có chủ trương giao cho Ban Cán sự
Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục thu hồi căn
nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận và tiến hành kiểm điểm
các tổ chức, cá nhân liên quan.
Về việc này, Chủ tịch
UBND TP HCM Lê Hoàng Quân khẳng định UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng
liên quan ra quyết định thu hồi căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển. Hiện Sở Xây
dựng và công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP
đang tiến hành các thủ tục để thu hồi căn nhà trên.
Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, ông Trần Văn Truyền có đề nghị đóng thêm nghĩa vụ tài chính để mua lại căn nhà số 105, Nguyễn Trọng Tuyển nhưng TP không đồng ý và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư.
Đối với việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển theo yêu cầu của Ban Bí thư, UBND TP HCM đã chỉ đạo rà soát, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân và tập thể liên quan để triển khai kiểm điểm theo đúng quy trình trách nhiệm.
Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, ông Trần Văn Truyền có đề nghị đóng thêm nghĩa vụ tài chính để mua lại căn nhà số 105, Nguyễn Trọng Tuyển nhưng TP không đồng ý và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư.
Đối với việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển theo yêu cầu của Ban Bí thư, UBND TP HCM đã chỉ đạo rà soát, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân và tập thể liên quan để triển khai kiểm điểm theo đúng quy trình trách nhiệm.
Theo Người Lao
Động
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.