Phỏng vấn Luật sư Lê Công Định:
“hàng ngàn vụ kiện sắp tới nhắm vào Formosa sẽ là vấn đề an ninh nghiêm trọng
và tồi tệ nhất của nhà cầm quyền từ trước đến nay”
"Tôi
cũng như tất cả mọi người dân đều ngạc nhiên vì cho đến giờ quan chức Chính phủ
và các bộ ngành liên quan vẫn ung dung tự tại trong chiếc ghế của mình, bất kể
những yếu kém chuyên môn, hành động vô trách nhiệm và vi phạm pháp luật rõ ràng
mà toàn dân đều trông thấy như thế. Đất nước này thật lạ!" - Lê Công Định.
*
Phạm
Thanh Nghiên (Danlambao) - Phạm Thanh Nghiên đã có dịp gửi đến quý độc giả hai bài phỏng
vấn với hai vị khách mời là Luật sư Đào Tăng Dực (Công lý
nào cho nạn nhân Formosa?) và Nhạc sĩ Tuấn Khanh (“Hãy
chọn cho mình một thái độ chính xác trước thời cuộc”). Vị
khách mời tiếp theo trong loạt bài phỏng vấn liên quan đến tập đoàn xả thải Formosa
là Luật sư Lê Công Định, một cựu TNLT.
Luật sư Lê Công Định từng bị kết kết án 5 năm tù
giam, 3 năm quản chế chỉ vì cổ võ và đấu tranh cho tự do, nhân quyền và dân chủ
tại Việt Nam.
Trước khi bị bắt, Lê Công Định là thành viên của
Đoàn luật sư Sài Gòn, thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, thành viên hội đồng
đại diện cho Việt Nam - Hiệp hội Luật sư châu Á -Thái Bình Dương... Ông từng
đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như: giảng dạy về luật Việt Nam cho sinh viên quốc
tế trong chương trình trao đổi giữa khoa luật đại học Cần Thơ và ĐH
Pantheon-Assas (Paris), luật sư thành viên Công ty DC Lawyers, phó chủ nhiệm
Đoàn luật sư thành phố.
Đây là lần thứ hai Phạm Thanh Nghiên may mắn
được phỏng vấn Luật sư Lê Công Định.
Phạm Thanh Nghiên: Xin chào Luật sư Lê Công Định! Lần trước chúng ta đã có dịp cùng
nhau trao đổi về Thông tư 13/2016 của Bộ Công an. Cảm ơn luật sư đã dành thời
gian cho tôi để nói về một vấn đề thời sự mà công luận đang rất quan tâm.
Thưa luật sư, cuối cùng thì gần ba tháng kể từ khi thảm họa môi
trường xảy ra, sau nhiều lần trì hoãn trả lời công luận, “chính phủ” đã phải
thừa nhận nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là do Công ty Formosa
Hà Tĩnh gây ra. Với hậu quả nghiêm trọng của nó, vụ việc lẽ ra phải được giải
quyết trên cơ sở luật pháp. Tuy nhiên, như chúng ta theo dõi, cách xử lý của
“chính phủ” dường như không bình thường và không tuân thủ quy trình luật định.
Công luận vì vậy đã nghi ngờ, thậm chí lên án về những khuất tất ẩn sau đó.
Vậy theo luật sư, sự việc phải được giải quyết như thế nào mới
đúng thủ tục pháp lý?
Luật sư Lê Công Định: Khi xảy ra một hành vi có dấu hiệu phạm pháp, việc điều tra xác
minh thuộc về một cơ quan chuyên trách thuộc ngành hành pháp. Trong thảm họa
môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ - cơ quan hành pháp - đã ủy quyền cho
hai bộ phận trực thuộc mình là Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an tiến hành
điều tra nguyên nhân và xác minh thủ phạm. Do tính chất nghiêm trọng của thảm
hoạ này, chắc chắn thủ tục điều tra không chỉ dừng ở cấp độ xem xét xử phạt vi
phạm hành chính đơn thuần, mà xa hơn phải khởi tố vụ án theo thủ tục tố tụng
hình sự.
Tất nhiên, theo Bộ Luật Hình Sự hiện hành, pháp
nhân thương mại như Formosa không phải chịu trách nhiệm hình sự để bị khởi tố
bị can, nhưng hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị khởi tố vụ án
để Tòa án xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.
Không hiểu vì sao nhà cầm quyền lại bỏ qua thủ
tục tố tụng hình sự lẽ ra phải được khởi động một cách đương nhiên này? Kế
tiếp, nếu tuân thủ đúng thủ tục tố tụng hình sự hiện hành tại Việt Nam, sau khi
có kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm
sát xem cần thiết hay không truy tố hành vi phạm pháp ra trước Toà án. Sau đó,
căn cứ vào kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện Kiểm sát
và yêu cầu của các nạn nhân về bồi thường thiệt hại, chỉ Toà án - cơ quan tư
pháp - mới có quyền xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.
Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong 84 ngày kể
từ khi xảy ra thảm hoạ cho thấy Chính phủ đã bỏ qua tất cả trình tự luật định
cần thiết để tự mình điều tra và kết luận điều tra, qua đó tự mình xác định
thiệt hại mà hoàn toàn không tạo điều kiện cho các nạn nhân thảm hoạ chính thức
yêu cầu đòi bồi thường, rồi cũng tự mình làm việc riêng với Formosa để giải
quyết sự việc và dễ dàng chấp nhận mức giá bồi thường 500 triệu USD mà Formosa
đề xuất.
Phạm Thanh Nghiên: Dựa vào đâu để đưa ra mức đền bù thiệt hại là 500 triệu USD? So
với thiệt hại thực tế đã xảy ra con số này có đủ để khắc phục những hậu quả mà
thảm họa này mang lại?
Luật sư Lê Công Định: Để ấn định mức bồi thường thiệt hại, trên phương diện pháp lý,
Tòa án luôn dựa vào kết quả thẩm định thiệt hại thực tế một cách độc lập. Các
thiệt hại có thể bao gồm như sau: thiệt hại môi trường biển nói riêng, môi
trường sinh thái nói chung và môi trường sinh hoạt cụ thể của ngư dân và các
doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến biển tại những địa phương chịu ảnh hưởng
của thảm hoạ, cùng những thiệt hại về sinh mạng và thương tật lâu dài của con
người khi bơi lặn và ăn hải sản trong vùng biển có liên quan. Cho đến này Chính
phủ vẫn giữ thái độ im lặng, không công bố cách tính từng hạng mục thiệt hại và
giá trị thiệt hại tương ứng bằng tiền, để hiểu vì sao Chính phủ chấp nhận con
số 500 triệu USD.
Như tôi đã nói, trên phương diện pháp lý, mọi
con số bồi thường dù lớn hay nhỏ, chẵn hay lẻ, đều phải có cơ sở pháp lý và
khoa học chính xác của nó, mà cơ quan phân xử, thủ phạm và nạn nhân đều phải
cân nhắc thận trọng.
Phạm Thanh Nghiên: Vậy thì công dân Việt Nam, cụ thể là những ngư dân bị ảnh hưởng
trực tiếp từ thảm họa này có thể kiện Formosa không? Xin luật sư cho biết họ
phải thực hiện những trình tự luật định cần thiết nào?
Luật sư Lê Công Định: Chính phủ chưa bao giờ được các nạn nhân của thảm họa môi trường
ủy quyền chính thức hoặc trao quyền công nhiên theo luật định để thương lượng
với Formosa về tiền bồi thường. Trách nhiệm luật định của Chính phủ chỉ dừng
lại ở việc điều tra nguyên nhân thảm họa và tạo điều kiện để chính nạn nhân
khởi kiện Formosa trước Tòa án.
Về việc đòi bồi thường thiệt hại, các nạn nhân
có thể khởi kiện Formosa theo thủ tục tố tụng dân sự trước Tòa án Nhân dân tỉnh
Hà Tĩnh. Họ có thể thu thập các chứng cứ về thiệt hại kinh tế, tổn hại sức khỏe
và tổn hại tinh thần làm cơ sở cho đơn khởi kiện của mình. Thông thường trong
một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại, việc chứng minh lỗi và hành vi vi phạm
pháp luật của bị đơn có mối liên hệ nhân quả với thiệt hại của nạn nhân là vấn
đề khó khăn và thuộc nghĩa vụ của nguyên đơn. Điều may mắn là trong trường hợp
này, Formosa - bị đơn tương lai - đã chính thức nhận lỗi và xin lỗi, nên nghĩa
vụ chứng minh của các nguyên đơn sẽ giảm nhẹ hơn.
Phạm Thanh Nghiên: Luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành dường như không cho phép
kiện tập thể, như vậy có ảnh hưởng gì đến vụ kiện sắp tới của các nạn nhân khi
chúng ta biết số người bị thiệt hại thực tế có thể lên đến hàng ngàn?
Luật sư Lê Công Định: Nhà cầm quyền Việt Nam sở dĩ không cho phép kiện tập thể là vì họ
sợ hãi tình trạng dân oan càng gia tăng, khiến có thể dẫn đến những vụ khiếu
kiện đông người. Trong vụ kiện Formosa sắp tới, nếu mỗi nạn nhân nộp một đơn
khởi kiện, sẽ có hàng ngàn vụ kiện đồng thời của hàng ngàn nạn nhân. Điều này
luật pháp không ngăn cấm và hoàn toàn có thể tiến hành ngay. Hàng ngàn vụ kiện
tiến hành đồng thời chắc chắn làm tê liệt hoạt động của Tòa án Nhân dân Hà
Tĩnh. Trước đây nhà cầm quyền tưởng rằng cấm kiện tập thể thì sẽ dễ kiểm soát
an ninh hơn. Song tôi tin rằng hàng ngàn vụ kiện sắp tới nhắm vào Formosa sẽ là
vấn đề an ninh nghiêm trọng và tồi tệ nhất của nhà cầm quyền từ trước đến nay.
Cái này người ta gọi là “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”!
Phạm Thanh Nghiên: Một điều nữa công luận cũng rất quan tâm, đó là sau những gì đã
xảy ra, chẳng lẽ ngoài Formosa, không một tập thể hay cá nhân nào trong Chính
phủ phải chịu trách nhiệm hay sao? Ý tôi muốn hỏi nhìn từ góc độ pháp lý?
Luật sư Lê Công Định: Để xảy ra thảm họa môi trường nghiêm trọng này không chỉ Formosa
mà thôi, trên hết và trước hết chính là sự thiếu sót nghiêm trọng trách nhiệm
quản lý của các quan chức Việt Nam, cụ thể là Bộ Tài nguyên Môi trường và Chính
phủ. Nhận định chủ quan khi cấp phép xả thải và sau đó thiếu giám sát quy trình
xả thải của Formosa chắc chắn thuộc về Bộ Tài nguyên Môi trường. Mặt khác, kể
từ lần đầu tiên phát hiện tình trạng cá chết hàng loạt vào ngày 6/4/2016, Chính
phủ đã quá yếu kém trong việc xử lý khủng hoảng, khiến mức độ ô nhiễm môi
trường leo thang trở thành thảm họa như chúng ta thấy sau 3 tháng, bất chấp
công luận đầy phẫn nộ của toàn dân. Và thay cho việc khắc phục nhanh chóng hậu
quả thiệt hại, chúng ta không thấy Chính phủ hành động gì ngoài việc cố tình
bưng bít thông tin, đàn áp người biểu tình phản đối Formosa, dùng truyền thông
đánh lạc hướng dư luận và làm sai lệch thông tin về thảm họa này, v.v...
Tôi cũng như tất cả mọi người dân đều ngạc nhiên
vì cho đến giờ quan chức Chính phủ và các bộ ngành liên quan vẫn ung dung tự
tại trong chiếc ghế của mình, bất kể những yếu kém chuyên môn, hành động vô
trách nhiệm và vi phạm pháp luật rõ ràng mà toàn dân đều trông thấy như thế.
Đất nước này thật lạ!
Phạm Thanh Nghiên: Cảm ơn Luật sư Lê Công Định! Hy vọng, mọi nỗ lực của người dân
Việt Nam, nhất là của những nạn nhân trực tiếp, bị ảnh hưởng bởi việc xả thải
của Formosa sẽ đạt được kết quả. Nói như Nhạc sĩ Tuấn Khanh: “Cần phải hành
động để công lý trên đất nước này phải có giá trị như một niềm hy vọng của
người dân Việt Nam vào tương lai mới”.
10.07.2016
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.