Giải pháp nào
cho các tập đoàn nhà nước?
Luật sư Ngô Ngọc Trai Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Hà Nội
- 2
tháng 9 2016
Chính phủ Việt Nam đang tính toán cho ra đời một Ủy ban giám sát
quản lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước.
Tuy vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản Ủy ban này sẽ
có vai trò giám sát hoặc quản lý khối tài sản của doanh nghiệp nhà nước mà trị
giá lên đến một vài trăm tỷ USD.
Lý do cho sự ra đời của Ủy ban này là tình trạng làm ăn thua lỗ
bết bát của một số doanh nghiệp nhà nước mà nguyên nhân thường được nhắc đến là
năng lực quản lý yếu kém và tình trạng đầu tư dàn trải đa ngành.
Doanh nghiệp nhà nước lâu nay cũng bị cho là cỗ máy tiêu ngốn
lượng lớn nguồn tài chính nhưng lại tạo ra tỷ lệ lợi nhuận thấp.
Những ưu đãi về đất đai, thuế và các chế độ chính sách khác tạo ra
sự bất bình đẳng đối với khối doanh nghiệp tư nhân, làm giảm đi thuộc tính cạnh
tranh của nền kinh tế thị trường.
Chaebol của Hàn Quốc
Các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam được xem là áp dụng
theo mô hình các tập đoàn Chaebol của Hàn Quốc. Đó là một hệ thống các doanh
nghiệp có mối liên kết chặt chẽ về quản lý và vốn. Trong đó doanh nghiệp mẹ đầu
tư tài chính thành lập ra doanh nghiệp con và tất cả đều tập trung phụ trợ cho
một hoặc một vài ngành nghề kinh doanh chính.
Áp dụng theo mô hình Chaebol nhưng xem ra các tập đoàn kinh tế nhà
nước của Việt Nam chưa tìm ra được thành công. Đến nay người ta vẫn đang loay
hoay cân nhắc một giải pháp quản lý mới đối với khối tài sản của vài chục hoặc
cả trăm doanh nghiệp nhà nước mà tổng giá trị cũng chỉ cỡ bằng một Chaebol là
tập đoàn Samsung mà thôi.
So sánh như thế để thấy một khối lượng tài sản quá lớn không phải
là khó khăn cho quản lý, vì nhiều công ty lớn trên thế giới có tài sản còn lớn
hơn nhiều.
Cho nên cái cần nghiên cứu là cách thức quản lý và những gì ẩn sâu
bên trong cái cỗ máy mô hình doanh nghiệp mà một đằng nó đem lại thành công còn
đằng kia đem đến thất bại.
Lật ngược lại lịch sử hình thành các Chaebol thì thấy, đây là các
tập đoàn kinh tế tư nhân chứ không phải của nhà nước, và sự thành công của
chúng có dấu ấn lớn của người lãnh đạo chính phủ là Tổng thống Park Chung Hee.
Khi mới lên nắm quyền đầu những năm 1960 Tổng thống Park đã bắt
một loạt lãnh đạo các tập đoàn kinh tế với cáo buộc lũng đoạn kinh tế quốc gia.
Nhưng sau đó ông đã thay đổi quan điểm, thương lượng với đám tài phiệt, thả họ
ra cho phép họ tiếp tục làm kinh tế nhưng phải theo định hướng tầm nhìn của
Park về một nền kinh tế định hướng công nghiệp.
Suốt thời gian làm tổng thống ông Park đã dành nhiều ưu tiên ưu
đãi cho các tập đoàn, ông là người bảo trợ cho các tập đoàn, khuyến khích họ
đầu tư vào công nghiệp, chấp nhận thử và sai, bảo vệ họ trước các thất bại.
Nhưng ông Park cũng nghiêm khắc sẵn sàng loại bỏ và cho phá sản
những tập đoàn thua lỗ không có tương lai. Là một quân nhân đảo chính nắm
quyền, Tổng thống Park muốn tìm kiếm tính chính danh và sự ủng hộ của dân chúng
qua các thành tựu kinh tế.
Park có lẽ là lãnh đạo đầu tiên áp dụng các chính sách mời gọi đầu
tư, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Là một người lính từng phục vụ cho quân
đội Nhật ông thấy được trình độ khoa học kỹ thuật to lớn của người Nhật.
Trước thế chiến II Nhật đã sản xuất được những tàu khu trục, pháo
hạm, xe tăng, máy bay chiến đấu với trình độ mà người Hàn lúc đó không thể nào
làm được. Cho nên hơn ai hết Park nhìn ra được vấn đề.
Đặc biệt lúc đó sau chiến tranh Nhật Bản lại phát triển một chủ
thuyết phát triển khu vực có tên là đàn nhạn bay, theo đó thì con chim bay đầu
sẽ tạo ra lực đẩy giúp cho các con bay sau.
Đại loại như Nhật Bản là đầu tàu, thông qua chính sách đầu tư chuyển
giao công nghệ, công nghiệp phụ trợ sẽ kéo các nền kinh tế các nước khác đi
lên.
Nền kinh tế của Hàn Quốc được hưởng lợi từ bối cảnh phát triển
kinh tế khu vực của Nhật Bản. Ngoài ra là đợt bùng nổ xây dựng ở Trung Đông do
các nước này có được nguồn lợi nhuận dồi dào từ dầu mỏ từ đó phát sinh nhu cầu
xây dựng công trình.
Các công ty xây dựng của Hàn như Hyundai đã được chính phủ hỗ trợ
kiếm hợp đồng xây dựng và đem lại lợi lớn cho nền kinh tế, nguồn ngoại tệ dồi
dào lại tạo đà cho phát triển kinh tế trong nước.
Đó là những bối cảnh quốc tế và khu vực đã giúp cho thành công của
các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc. Song cũng phải nhìn lại tự bản thân Tổng thống
Park và các tập đoàn đã làm nhiều việc đúng đắn hợp lý khiến cho việc phát
triển là có thể với nền tảng vững chắc.
Tinh thần làm việc
Có một điểm chi tiết khác biệt giữa các doanh nghiệp thua lỗ và
bất kỳ doanh nghiệp làm ăn thành công nào, đó là vấn đề tinh thần làm việc của người
lao động.
Không nhìn ra điểm chi tiết khác biệt này, thì dù cho có lập ra
thêm Ủy ban giám sát thì cũng không thể chống đỡ lại thất bại do hàng vạn con
người chỉ biết thu vén cá nhân và thờ ơ phá hoại công cuộc chung.
Để tạo ra thành công cho các Chaebol và nền kinh tế Hàn Quốc, Tổng
thống Park đã luôn coi trọng tinh thần làm việc cái mà ông học hỏi được từ
người Nhật.
Park đã thiết lập và luôn giữ vững sợi dây truyền dẫn về tầm nhìn
và nhiệt huyết lao động hăng say tới bộ máy chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn và
cuối cùng là tới từng người lao động. Đó là giá trị phần hồn ẩn sâu bên trong
cỗ máy doanh nghiệp mà chính nó tạo ra sự khác biệt đem đến thành công cho các
Chaebol và nền kinh tế Hàn Quốc.
Trong khi đó, một sợi dây truyền dẫn khát vọng và tầm nhìn giữa
người lãnh đạo và bộ máy thực thi là cái chưa bao giờ có ở Chính phủ và các
doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
Các lãnh đạo Chaebol dành hết tâm huyết cho tập đoàn vì đó là
con đẻ của họ, đó là danh dự uy tín của họ, còn lãnh đạo tập đoàn ở Việt Nam
là cán bộ công chức được cắt cử chỉ định, làm hết nhiệm kỳ thì người khác thay,
với cái tâm thế lao động như thế liệu hỏi kết quả sẽ ra sao?
Một ví dụ về sợi dây truyền dẫn là Tổng thống Park Chung Hee đã đề
ra những mục tiêu cụ thể cho các Chaebol như phải lắp ráp được ô tô, phải thiết
kế được mẫu mã ô tô, phải chế tạo được động cơ ô tô. Qua đội ngũ thư ký ông
giám sát chặt chẽ việc thực hiện, dần dần các Chaebol đã tiếp nhận được công
nghệ ô tô.
Trong khi ở Việt Nam thì chính phủ cũng yêu cầu nâng cao tỷ lệ
nội địa hóa này nọ, nhưng thiếu sự quan tâm giám sát chặt chẽ và động lực thúc
đẩy dẫn đến thất bại. Mà vì quản lý yếu kém khiến các tập đoàn kinh tế đầu tư
dàn trải, chi tiêu không bị kiểm soát dẫn đến thua lỗ thất thoát mà ngân sách
chung bị ảnh hưởng còn cán bộ đơn vị thì hưởng lợi.
Một ví dụ khác cho thấy tinh thần làm việc sẽ đem đến kết quả ra
sao, đó là các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam lâu nay có nhiệm vụ thực hiện
các chính sách an sinh xã hội, là một công cụ để chính phủ thực hiện các chính
sách kinh tế xã hội.
Đây là cái cớ để lãnh đạo doanh nghiệp thì vin vào bao biện cho
những yếu kém thua lỗ còn người lao động thì nghĩ rằng dù cho doanh nghiệp thua
lỗ thì ngân sách nhà nước vẫn phải bù vào để duy trì công ăn việc làm cho người
lao động.
Chính cái nguyên nhân kép như vậy đã tạo ra hiệu quả năng suất
thấp của doanh nghiệp nhà nước, cái không thể tồn tại ở các doanh nghiệp tư
nhân.
Ở doanh nghiệp tư nhân người lao động dễ dàng bị sa thải khi không
có tinh thần làm việc hoặc làm không đạt chỉ tiêu đề ra chứ đừng nói gì đến các
hành vi ăn cắp của công.
Ở doanh nghiệp tư nhân người ta còn thúc đẩy phát triển văn hóa
doanh nghiệp với các chế độ khen thưởng và cơ chế thăng tiến cán bộ, khiến cho người
lao động gắn kết và tìm được sự thành công chung gắn liền với sự thành công của
doanh nghiệp. Ở Việt Nam có tập đoàn tư nhân như Vincom đã bước đầu phần nào đã
làm được việc như vậy.
Qua đó cho thấy một sự thôi thúc về khát vọng và tầm nhìn, truyền
dẫn động lực từ người lãnh đạo đến toàn bộ máy, đó là yếu tố quan trọng để
doanh nghiệp thành công và đó chính là vấn đề của năng lực lãnh đạo.
Cho nên khi nhìn lại thì thấy các Chaebol của Hàn Quốc và các tập
đoàn nhà nước của Việt Nam, tuy mô hình cỗ máy tưởng như giống nhau nhưng lại
khác nhau về nhiều điểm chi tiết ẩn sâu mà chính nó đã tạo ra khác biệt về kết
quả hoạt động.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của người viết,
giám đốc công ty luật Công Chính ở Hà Nội.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.