Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Friday, February 28, 2014

Những Khác Biệt Văn Hóa Đông-Tây


On Monday, 24 February 2014 9:20 PM, Binh Dao <> wrote:


 
Những Khác Biệt Văn Hóa Đông-Tây

Do bối cảnh địa lý, kinh tế, văn minh, triết lý và ảnh hưởng tôn giáo khác nhau, mỗi xã hội có một nền văn hóa khác nhau. Một nền văn hóa có thể thích hợp cho nước này nhưng chưa hẳn tốt lành cho xứ khác. Chẳng hạn, chuyện phụ nữ khỏa thân, phô diễn da thịt quá mức có thể rất đẹp, rất nghệ thuật đối với Tây Phương nhưng vô cùng độc hại đối với các quốc gia Hồi Giáo và gây khó chịu cho các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Đông Phương. Chuyện con cái bình đẳng với cha mẹ, lý luận tay đôi với cha mẹ có thể rất bình thường ở Âu-Mỹ , nhưng gây “shock” cho phụ huynh ở các quốc gia Á Châu.

Nếu như những tập quán, lề thói cư xử, những giao tiếp, ăn mặc, phô diễn thân thể như thế cứ nằm yên ở một chỗ thì chẳng có gì đáng nói, vì “Đèn ai nhà nấy rạng.” Thế nhưng thế giới ngày hôm nay quá nhỏ mà phương tiện truyền thông lại nhanh. 

Một cái váy ngắn, một kiểu ăn mặc hở hang, một kiểu xâm trổ trên thân hình của cô ca sĩ nào đó có thể chỉ một tiếng đồng hồ sau đã trở thành thời trang nóng bỏng thu hút hàng triệu cô gái trên thế giới. Rồi một cử chỉ, động tác, ăn mặc, có thể rất nhố nhăng của một ca sĩ nhạc Rap, nhạc Pop nào đó, trong nhấp nháy đã trở thành “mốt” cho hàng triệu, hàng triệu thanh niên trên thế giới bắt chước theo. Tệ nạn thanh niên, thiếu nữ du đãng vẽ bậy lên tường đang là một căn bệnh bất trị tại Âu- Mỹ, nếu du nhập vào Việt Nam sẽ là một thảm họa vì “đã nghèo lại mắc cái eo.”

Về vấn đề xung đột văn hóa, đối với lớp người di dân, đang sống ở quê hương bỗng nhiên phải lưu lạc nơi xứ lạ quê người văn hóa hoàn toàn khác biệt, là chuyện đau khổ. Cha mẹ thì vẫn giữ nề nếp cũ, trong khi con cái thay đổi hòan tòan. Từ cái ăn đến cái mặc, đầu tóc, ngôn ngữ, cách sống, cách đi đứng, cách nói chuyện, cách suy nghĩ, cách làm việc v.v..đều khác với cha mẹ, từ đó mà tạo ra xung đột văn hóa. Có con cái, mà chúng nó nói tiếng nước người với mình, theo văn hóa xứ người thì chẳng khác nào một ông “Mỹ con”, một “bà đầm nhỏ” sống trong gia đình!

Bài viết này chỉ là sự sưu tầm vụn vặt một số khác biệt về văn hóa và được trình bày dưới dạng đối chiếu, không phê phán…để chúng ta cùng suy nghĩ xem có thể rút ra được bài học gì  không?

Sau đây là một số khác bịệt:
1)      Tây Phương: Hở hang thân thể, vẽ tranh, phơi bày, tạc tương đàn ông đàn bà khỏa là đưa ra cái đẹp để mọi người chiêm ngưỡng. Đông Phương: Thân thể đàn ông, đàn bà là kín đáo. Phô bày thân  hình đàn bà, đàn ông lõa thể là xúc phạm đến thuần phong mỹ tục và làm giảm giá trị của con người - nhất là đối với đàn bà. Hình phạt lõa thể là hình phạt ô nhục nhất.

2)      Tây Phương: Đàn ông, đàn bà gặp nhau ôm hôn để bày tỏ tình cảm thân thương, quý trọng. Đông Phương: Đàn ông, đàn bà gặp nhau thì vái chào, nghiêng mình, sau này thì bắt tay chứ không có ôm hôn. Ôm hôn chỉ dành cho các cặp tình nhân, vợ chồng và bày tỏ một cách kín đáo.

3)      Tây Phương: Có thể để cả giày, gác chân lên bàn để tiếp khách, tiếp bạn bạn. Các ông tổng thống Mỹ thường gác chân lên bàn trong các phiên họp với cố vấn thân cận tại Tòa Bạch Ốc để chứng tỏ mình là cấp chỉ huy “boss, chef”. Đông Phương: Tiếp bạn, tiếp khác là hình thức bày tỏ sự quý trọng bạn cũng như khách. Các cụ ngày xưa hết sức nghiêm chỉnh khi đón tiếp bạn.
4)      Tây Phương: Trong Lễ Halloween ở Hoa Kỳ, ma quỷ, hình đầu trâu mặt ngựa, phù thủy, cướp biển, quái vật miệng đầy máu, được đàn ông, đàn bà, trẻ em mặc vào để đi xin kẹo, rước trong các trường học. Còn trong nhà, ngòai sân giăng đầy mạng nhện giả, tiếng ma hú, cú kêu, mèo gào v.v…. Đông Phương: Ma quỷ, quái vật, hình đầu trâu mặt ngựa, hình người mặt thú là biểu tượng của những gì gớm ghê khiến người ta sợ hãi và tạo ra những cơn ác mộng cho nên bất hạnh lắm mới phải chứng kiến những hình thù quái dị này. Không biết có phải vì thế mà Tây Phương, thuốc an thần tiêu thụ đã lên tới số lượng khủng kiếp chăng?

5)      Tây Phương: Chỉ tổ chức tiệc sinh nhật vì chết rồi còn gì vui thú nữa mà kỷ niệm. Cho nên đối với Tây Phương không có chuyện cúng giỗ cha mẹ, tưởng nhớ ngày qua đời của ông bà, cha mẹ. Đông Phương: Kỷ niệm ngày giỗ (ngày qua đời) của ông bà, cha mẹ để nhớ lại cội nguồn, anh chị em có dịp quây quần, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ rất thân thương đã mất. Đối với người Việt Nam , nghèo quá mà không làm giỗ cha mẹ mình, ngày 30 Tết không nhang khói rước ông bà là nỗi bất hạnh lớn. Thờ cúng tổ tiên là văn hóa lớn của Việt Nam .

6)      Tây Phương: Trẻ em ở Hoa Kỳ, mình gặp nó mà không chào nó trước thì nó cũng chẳng chào mình vì…mọi người đều bình đẳng, con nít, người lớn, cụ già đều ngang nhau. Đông Phương: Người Việt Nam mình,  khi gặp cô, dì, chú, bác, cụ già, các bậc trưởng thượng thì lên tiếng chào hỏi trước để chứng tỏ mình là con nhà có giáo dục.

7)      Tây Phương: Người ta tặng quà mình, chẳng hạn như trong tiệc sinh nhật thì mình mở ra ngay và khoe cho mọi người biết. Đông Phương: Nguời ta tặng quà thì để đó như món đồ quý giá, trưng bày, khi nào khách hoặc bạn về mới mở ra.

8)      Tây Phương: Thăm viếng láng giềng, bạn bè, ngay cả con cái cũng phải báo trước, nếu không họ sẽ vô cùng khó chịu và không tiếp mình. Vào buổi tối nếu vào sân, vườn nhà người ta mà không báo trước có thê bị bắn chết vì tội “xâm nhập gia cư bất hợp pháp” dù là trẻ con đi xin kẹp trong dịp Lễ Halloween.  Đông Phương: Khách tới chơi là quý, không nề hà chi cả.

9)      Tây Phương: Thấy người ta té xỉu, ngã xuống thì cứ để đó, dù là học sinh trong trường…và chỉ gọi điện thọai cấp cứu. Nếu không sẽ bị gia đình họ thưa kiện vì mình không phải là chuyên viên cứu cấp có bằng cấp. Đông Phương: Người Việt Nam , nhất là quý bà, thấy ai ngã ra bất tỉnh thì xúm lại cạo gió, giật tóc, xoa bóp v.v.. để cấp cứu vì không nỡ quay mặt làm ngơ.

10)  Tây Phương: Thư từ của con cái gửi tới cha mẹ không được mở ra xem vì đây là chuyện riêng tư của chúng nó. Mở thư của chúng nó, nó sẽ cự nự mình ngay.  Đông Phương: Cha mẹ có thể mở ra xem rồi sau đó đưa lại cho con cái.

11)  Tây Phương: Quần áo lót của phụ nữ được phơi bày như là một nét đẹp của văn hóa, nghệ thuật. Đông Phương: Quần áo lót của phụ nữ không tiêu biểu cho văn hóa mà tiêu biểu cho dục tính.
12)  Tây Phương: Quốc kỳ có thể được may hoặc in trên đồ lót, sú-chiêng của phụ nữ và được coi đó như nét đẹp của tự do. Thậm chí Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ còn cho phép đốt cờ vì đó là biểu tượng của “tự do tư tưởng”. Đông Phương: Đây là chuyện xỉ nhục quốc kỳ của quốc gia. Quốc kỳ phải được trưng bày, treo ở chỗ trang trọng. Nếu có chống đối thì xuống đuờng biểu tình, la hét, đốt phá chứ không thể đốt cờ của quốc gia.
13)  Tây Phương: Khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giáo dục con em ở nhà trường. Quyền hạn của phụ huynh rất lớn. Chuyện phụ huynh học sinh ở Mỹ đưa nhà trường và thầy/cô ra tòa là chuyện thường. Đông Phương: Người Việt Nam theo luân lý Khổng-Mạnh, tin tưởng và giao phó việc giáo dục con em mình cho nhà trường và thầy/cô, quý trọng thầy cô. Trong các dip lễ, Tết thường đem quà biếu thày/cô, dù ở Hoa Kỳ cũng vậy. Cho nên chuyện kiện cáo nhà trường và thầy/cô là chuyện bất đắc dĩ.

14)  Tây Phương: Tập cho con cái tính tự lập, khuyến khích chúng nó đi làm thêm ngay trong lúc còn đi học để có tiền tiêu xài riêng. Đông Phương: Con cái đang đi học mà phải đi làm là chuyện bất hạnh. Đối với nhà giàu thì đây là chuyện xỉ nhục. Bổn phận của cha mẹ là lo cho con cái thật đầy đủ, không thiếu một thứ gì cả.

15)  Tây Phương:  Con cái tới tuổi trưởng thành, cha mẹ hết trách nhiệm. Đông Phương: Người
Việt mình suốt đời lo cho con, rồi cháu nội, cháu ngọai. Vui thì có vui, nhưng khổ thì cũng thật khổ.

16)  Tây Phương: Tinh thần đóng góp thiện nguyện rất cao. Đông Phương: Lo cho thân nhân, bà con họ hàng mình trước: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
17)  Tây Phương: Cái gì xấu xa cần phơi bày cho công luận biết để sửa chữa. Đông Phương: “Tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Tố cáo cái xấu của ai trước dư luận đôi khi bị coi là ác độc, nhỏ nhen, cho nên đa số đều an phận thủ thường.
18)   Tây Phương: Động một chút là kiện, cái gì cũng có thể lôi nhau ra tòa…để cho rõ trắng đen, để kẻ xấu không dám tái phạm, để làm đẹp xã hội, để công lý sáng tỏ. Đông Phương: “Vô phúc đáo tụng đình” cho nên sợ, ngại kiện cáo để tránh tốn kém, giữ hòa khí, đỡ nhức đầu vì thù oán…cho nên cái xấu cứ tồn tại mãi, công lý không sáng tỏ.

19)  Tây Phương: Đàn bà gây chuyện tai tiếng (scandal) náo lọan xã hội sau đó viết hồi ký hoặc lên talkshow kiếm bạc triệu vì người Tây Phương thích tò mò, do đó mà luân thường đảo ngược, xã hội suy đồi. Đông Phương: Đàn bà khi đã gây xì-căng-đan như thế, tự thấy hổ thẹn, không dám công khai xuất hiện cho nên xã hội bớt nhố nhăng.

20)  Tây Phương: Ca sĩ, nhạc sĩ, đào hát, tài tử ci-nê, kiểu mẫu thời trang, talkshow host, cầu thủ bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ, quyền anh…được coi như những “thần tượng” được triệu triệu người tôn thờ, bắt chước. Đông Phương: Coi tất cả những thứ trên đều chỉ là thú giải trí “Thưa rằng tiện kỹ xá chi” (Kiều) không tiêu biểu cho tri thức, đạo đức, gương hy sinh, đời sống văn hóa, hạnh phúc gia đình v..v..
21)  Tây Phương: Trong các dịp lễ lớn như Năm Mới, cấp chỉ huy, chẳng hạn như hiệu trưởng, gửi thiệp chúc Tân Niên, kèm theo một món quà nho nhỏ cho thư ký, nhân viên tòan trường...như một hình thức cám ơn nhân viên dưới quyền đã giúp đỡ mình chu tòan trách nhiệm trong năm. Tại Hoa Kỳ, nhận quà biều là một thình thức tham nhũng có thể bị truy tố. Đông Phương: Trong các dịp lễ, Tết, thôi nôi, đầy tháng con “xếp”, nhân viên phải đem quà biếu cấp trên để bày tỏ lòng trung thành và kính trọng. Quà càng to, càng quý giá càng tốt.

22)  Tây Phương: Buổi trưa, làm cùng sở, rủ nhau đi ăn, mỗi người tự động trả tiền phần ăn của mình. Nếu cả nhóm cùng tổ chức tiệc đãi một người nào đó thì phí tổn chia đều. Đông Phương: Mình mời người ta đi ăn thì mình phải móc túi trả tiền, cho nên Việt Nam có danh từ “khổ chủ”.
23)  Tây Phương: Đem khuyết tật của người khác ra làm đề tài chế riễu là ác độc và thiếu văn hóa. Người khuyết tật ở Hoa Kỳ được quý trọng và hưởng nhiều đặc ân. Đông Phương: Đem khuyết tật của người khác ra chế riễu không bị công luận lên án và nhiều khi coi đó là chuyện vui đùa. Câu tục ngữ do các thầy tướng đặt ra, “Những người ti hí mắt lươn. Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người” sai và ác độc bởi vì nhiều người mắt to đẹp cũng “trộm cắp và buôn chồng người” như thường.

24)  Tây Phương: Mở miệng nói “xin lỗi” là chuyện rất thường. Chẳng hạn mình vừa bước vào cửa một nhà hàng nào đó, vô tình chạm phải một người khác- chưa biết lỗi về ai- có khi cả hai người đều lên tiếng xin lỗi “I am sorry!”. Xin lỗi là hành vi nhận lỗi về mình để tiến tới hòa giải, vui vẻ và không chạm tự ái người ta. Đông Phương: Khi xin lỗi thì “cái tôi” của mình nhỏ bé đi và bị tổn thương, nhất là xin lỗi trước công luận. Đối với Đông Phương, xin lỗi, có khi là sự nhục nhã. Tại Hoa Kỳ, nhiều chính trị gia phạm lỗi gì đó, cứ biện minh mãi, cuối cùng phải xin lỗi, khi đó mới được dân chúng bỏ qua. Xin lỗi là hành vi can đảm.

25)  Tây Phương: “Cám ơn” là câu nói rất phổ thông của xã hội. Vợ tặng chồng một món quà, chồng nói cám ơn. Con cái biếu cha mẹ cái gì, cha mẹ nói cám ơn. Vào nhà hàng, hầu bàn đưa đồ ăn ra, khách nói cám ơn. Vào siêu thị mua hàng, khách trả tiền xong, người tính tiền nói cám ơn. Lên thang máy, người ta nhích qua một bên cho mình đứng, mình nói cám ơn. Học trò nộp bài đúng hẹn cho thầy/cô, thầy/cô nói cám ơn. Chỗ nào, lúc nào cũng cần lời nói “cám ơn” cho thuận thảo, vui vẻ. Đông Phương: Hình như tiết kiệm lời nói “cám ơn”. Vào các siêu thị của người Việt ở Mỹ (thực ra là của người Tàu) cũng ít nghe thấy tiếng “cám ơn”. Không phải Đông Phương không biết ơn, nhưng văn hóa Đông Phương ít lộ ra ở bên ngòai mà dấu kín ở bên trong. Người ngọai quốc sống ở Việt Nam lâu rồi cũng hiểu mà thông cảm.

26)  Tây Phương: Ảnh hưởng bởi văn hóa thuần lý trí (Cái gì cũng phải hợp lý). Họ rất lịch sự, kiên nhẫn nhưng không nhường nhịn.  Đụng tới quyền lợi của họ thì biết tay họ ngay. Cách đây không lâu, một ông chánh án ở Nữu Ước đã kiện đòi bồi thường 1 triệu đô-la chỉ vì chủ nhân một tiệm Dry Clean (Giặt Sấy Khô) người Đại Hàn, đã làm mất bộ quần áo của ông. Đông Phương: Ảnh hưởng bởi giáo lý “Từ Bi, Hỷ Xả” do đó thường nhẫn nhục, chịu đựng dù có thiệt thòi.

27)  Tây Phương: Thảo luận thẳng thắn. Già trẻ, lớn bé đều ngang nhau. Không dùng lý trí để thảo luận thẳng thắn thì không giải quyết được vấn đề. Đông Phương: Phải biết kính trên, nhường dưới. Người già có thành tích, công trạng - nói sai lớp trẻ cũng phải nghe. Nếu không nghe thì bị gán cho là “vô lễ”, nặng hơn là “vô giáo dục”. Câu nói thông thường để trấn áp giới trẻ là, “Lúc tao là ông này, ông nọ…thì chúng mày còn mặc quần thủng đít”.
28)  Tây Phương: Trong phim ảnh, đàn bà đưa tay tát đàn ông là chuyện “nhỏ” và đàn bà có quyền làm điều đó. Ngược lại, đàn ông không được đánh đàn bà dù là đánh bằng một bông hồng. Đông Phương: Đàn bà đưa tay tát đàn ông là đàn bà hung dữ. Đàn bà biểu tượng của “hiền mẫu” cần phải nhu thuận.

29)  Tây Phương: Thời giờ đối với Tây Phương rất quý cho nên có câu “Thời giờ là vàng bạc”. Trong thương trường thì giờ lại còn quý gấp bội. Hẹn hò phải đúng giờ. Họp hành phải đúng giờ và kết thúc đúng giờ. Giờ nào nghỉ là nghỉ. Giờ nào tái nhóm, là tái nhóm, không có chuyện lộn xộn. Trễ giờ, không tôn trọng giờ giấc là bày tỏ cho người khác thấy tính không tin cậy của mình. Đông Phương: Hình như thời giờ thừa thãi và co dãn cho nên có danh từ “giờ cao-su”. Tiệc cưới đề 6 giờ mãi 8 giờ mới khai mạc vì đa số khách đến trễ. Hẹn 10 giờ sáng, 12 giờ mới tới, làm bạn bè, khách hàng, người hùn hạp méo mặt. Thực tế đối với Đông Phương, một năm chỉ xử dụng được nửa số giờ. Một trăm năm chỉ xử dụng được có 50 năm tổng số giờ. Có thể vì thế mà Đông Phương chậm tiến so với Tây Phương chăng? Ấy là chưa kể ăn uống, nhậu nhẹt lu bù và ngày nay thêm ”thảm họa “ hát Karaokê, chơi Games.

30)  Tây Phương: Mặc quần áo rách, nhất là quần Jean rách đùi, rách đầu gối, rách gấu quần v.v..đang là kiểu cọ thịnh hành ở Âu-Mỹ. Quần áo rách giả tạo này rất đắt tiền vì nhà sản xuất phải thuê người xé mấy đầu gối, gấu quần sao cho nó rách một cách tự nhiên. Đông Phương: Quần áo rách chứng tỏ gia đình nghèo. Mặc quần áo rách là điều xấu hổ vô cùng. Trong văn chương để mô tả một người nghèo khổ, như ăn mày chẳng hạn đều có câu “ăn mặc rách rưới”. Ngày xưa tại Miền Trung và Miền Bắc, một bà bán rau, bán bún ngòai chợ khi đi ra ngòai cũng mặc áo dài tươm tất. Quần áo tươm tất biểu tỏ tư cách của con người “Y phục xứng kỳ đức.”

31)  Tây Phương: Không coi ai thông minh hơn ai, không coi ai ngu dốt hơn ai. Nếu được huấn luyện, học hành đàng hoàng, tất cả đều thông minh. Không được học hành, không được huấn luyện thì ai cũng ngu dốt cả. Do đó tại Hoa Kỳ chẳng hạn, thật lạ lùng và xúc phạm nếu có ai cất tiếng mắng mỏ người khác “Đồ ngu !” Cô giáo/thầy giáo mắng mỏ học sinh như vậy sẽ bị khiển trách và có khi bị đuổi việc vì xúc phạm tới học sinh và vi phạm thiên chức của nhà giáo. Đông Phương: Quan niệm rằng mỗi người có số mệnh, do sinh vào giờ tốt nào đó thì thông minh. Rủi sinh vào giờ xấu nào đó thì ngu dốt và ngu dốt suốt đời. Cho nên người có học một chút thì coi thường người ít học. Trong văn học sử, chúng thấy ngày xưa rất nhiều nhà Nho kiêu hãnh vì cái học của mình và khinh bạc người ít học.

32)  Tây Phương: Đặc biệt tại Hoa Kỳ, cần phải nói về mình, về thành tích của mình càng nhiều càng tốt để người ta tin tưởng. Ra ứng cử tổng thống thì phải nói “Tôi có đầy đủ khả năng để giải quyết những vấn đề của đất nước. Tôi chính là sự chọn lựa tốt nhất (the right choice) của đồng bào lúc này.” Ra ứng cử tổng thống mà khiêm tốn nói rằng “Tôi tài hèn sức mọn, đồng bào bỏ phiếu cho tôi thì tôi cám ơn.” thì báo chí sẽ cười ầm lên và nói rằng, “ Ông tài hèn sức mọn thế thì ông nên về đuổi gà cho vợ, xin để người khác làm tổng thống!” Đông Phương: Phải thật khiên tốn. Không nên nói về mình mà phải để người khác ca ngợi mình. Ca ngợi mình là hành vi lố bịch nhất theo câu ngạn ngữ “Cái tôi đáng ghét”.

33)  Tây Phương: Chủ nghĩa cá nhân là tối thắng. Cái “Tôi” là nhất. Sở thích của tôi là tuyệt đối, gia đình, cha mẹ, làng nước, luật pháp không thể can thiệp. Chẳng hạn như một bà Mỹ đã nuôi một con khỉ dã nhân (Chimpanzee) để bầu bạn, tắm chung, ngủ chung với nó, khiến nó nổi ghen, tấn công một bà bạn khi bà này đến thăm mà hai người ôm hôn để chào mừng nhau. Trong các trường học Mỹ câu biểu ngữ “ I am unique” (Tôi là độc nhất) trang trọng treo khắp nơi để khuyến khích học sinh phát triển mọi khả năng của “Cái Tôi”. Đông Phương: Không hủy diệt, ngăn cấm “Cái Tôi” nhưng “Cái Tôi” đôi khi phải nhường bước cho giá trị chung của gia đình, cộng đồng, làng nước, không ngòai mục đích tạo sự “hòa thuận” trong xã hội. Các nhà tư tưởng Đông Phương cho rằng “lọan” phát xuất từ “một người” rồi lan ra ngòai xã hội, chứ không bao giờ có chuyện “thiên hạ đại loạn” trước. Chính vì thế mà Đông Phương lấy Tu Thân làm gốc chứ chưa hẳn lấy Pháp Trị làm gốc.

34)  Tây Phương: Tình cảm được bộc lộ thả cửa, đôi khi cuồng lọan. Đông Phương: Phải ý nhị, đằm thắm, vừa vừa phai phải theo câu tục ngữ “Thoang thoảng hoa nhài thơm lâu”. Quá cuồng nhiệt có thể bị coi như tâm tính bất bình thường.
35)  Tây Phương: Dùng “body language” như nhún vai, nhăn mặt, bĩu môi, lấy tay chỉ vào mặt (khán giả hoặc người đối thọai) là chuyện bình thường. Đông Phương: Nhún vai, bĩu môi, lấy tay chỉ vào mặt người ta v.v.. được coi như khiếm nhã, vô lễ…có thể đưa tới ẩu đả. 
36)  Tây Phương: Nhiều “kịch tính” chẳng hạn như ở Mỹ, cái gì cũng “Great!” (Ngon, hay, giỏi), “Wonderful!” (tuyệt, tuyệt vời), khen cho vừa lòng người. Đông Phương: Khen không đúng chỗ có khi bị coi là mỉa mai người ta. 

37)  Tây Phương: Tinh thần trách nhiệm rất cao. Mình lãnh đạo một đất nước, cộng đồng, cơ quan, đoàn thể…thành công thì mình hưởng, thất bại mình phải chịu chứ không thể đổ lỗi cho ai. Đông Phương: Hay biện minh, đổ thừa tại Trời, tại số, và cả trăm thứ tại, bị khác. Khó khăn trong việc nhận lãnh trách nhiệm.
38)  Tây Phương: Sẵn sàng quên đi quá khứ nhất là quá khứ đau buồn để hướng về tương lai. Đông Phương: Sống với quá khứ, ôm chặt lấy quá khứ.

39)  Tây Phương: Không thù dai. Sau khi tòa án đã quyết định, công lý đã sáng tỏ thì dù oan trái thế nào cũng bỏ qua và không còn thù oán nữa. Sau những ngày tranh cử bầm dập, kể cả chơi đòn bẩn, ứng cứ viên tổng thống thất cử đọc diễn văn thừa nhận mình thua và chúc mừng người thắng cử, đồng thời vì quyền lợi của đất nước, cam kết hợp tác với tân tổng thống. Đông Phương: Thù dai. Thù truyền từ đời này sang đời khác. Còn đối thủ chính trị thì không thể đội trời chung. Cứ thử nhìn vào Thái Lan, Ai Cập, Pakistan, Venezuela thì thấy rõ, dù các nước này đã có một nền chính trị dân chủ khá lâu đời. Tại những xứ này, nếu không đồng ý thì xuống đường biểu tình lật đổ chứ không để cho người ta làm hết nhiệm kỳ như Mỹ, Nhật Bản,Âu Châu.

40)  Tây Phương: Ai làm người nấy chịu. Chuyện nào ra chuyện nấy. Người ta làm hư xe của mình thì tập trung vào chuyện “hư xe” không đem chuyện gia đình, đời tư của người ta ra nói. Đông Phương: Nhất là người Việt Nam mình, con phạm lỗi đem bố mẹ ra chửi. Người ta viết một bài báo không vừa ý mình liền đem đời tư của người ta ra bêu riếu, rồi chụp cho một cái mũ. Chụp mũ đang là căn bệnh lan tràn, bất trị ở hải ngọai.

41)  Tây Phương: Coi việc đi xin tiền là “chuyện tự nhiên”.Ai, tổ chức nào xin được nhiều tiền, tôn giáo nào quyên góp được nhiều tiền đều được ca ngợi là giỏi và thành công. Ứng cử viên tổng thống nào quyên được nhiều tiền chắc chắn sẽ đắc cử  tổng thống. Cho nên nghệ thuật xin tiền của Tây Phương thật “thần sầu”. Ở Mỹ, nếu bạn thương hại, góp tiền cho một tổ chức cứu giúp người bại liệt chẳng hạn, thì chỉ tháng sau sẽ có cả chục thư xin tiền của các tổ chức thiện nguyện khác gửi tới bạn. Cả hội Linh Cứu Hỏa, Cảnh Sát Thành Phố cũng gửi thư xin tiền, chưa kể các hội nổi tiếng như Ân Xá Quốc Tế, Hội Hồng Thập Tự, Bác Sĩ Không Biên Giới…làm bạn điên đầu. Đông Phương: Coi việc đi xin xỏ là xấu hổ cho nên nếu có đi xin thì cũng nói “tùy hỉ” chứ không mạnh bạo và dạn dĩ như Tây Phương. Có lẽ vì thế mà Tây Phương muôn đời mạnh hơn Đông Phương vì họ thành công trong việc thu gom tiền bạc của thiên hạ. Câu nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thật đúng.  

Tạm Kết Luận:
Trong một xã hội ngưng đọng, “bế quan tỏa cảng” thì không có giao lưu văn hóa. Khi đã không có giao lưu văn hóa thì ảnh hưởng ngọai lai rất ít, do đó không có xung đột văn hóa. Trong một xã hội bị ngọai bang đô hộ, hoặc giao tiếp rộng rãi với thế giới như ngày hôm nay, thì thế nào cũng có xung đột văn hóa. Nông thôn ít bị ảnh hương bởi những nền văn hóa ngọai lai. Thành phần sống tại đô thị, thành phần cộng tác hoặc làm ăn buôn bán với người ngọai quốc hoặc được hưởng đặc ân của ngọai bang trong thời kỳ nô lệ, thường nhanh chóng chạy theo văn hóa mới. Ngày nay thành phần du-học-sinh sẽ là thành phần du nhập văn hóa mới khi trở về đất nước. Hơn thế nữa, với cuộc cách mạng tin học và truyền thông, Internet sẽ là một phương tiện đưa văn hóa mới vào từng ngõ ngách, từng căn nhà, thậm chí ngay cả buồng ngủ của chúng ta nhanh nhất. Chỉ cần bật máy điện tử lên thì mọi hình ảnh xấu tốt trên tòan thế giới sẽ hiện ra trước mắt và dĩ nhiên tác động tới người xem.

Bắt chước cái xấu thì rất dễ và rất nhanh, nhưng bắt chước cái tốt thì rất khó. Chẳng hạn một cô gái cư ngụ ở một thành phố tại Việt Nam có thể bắt chước một kiểu áo cưới, kiểu tóc xanh xanh đỏ đỏ, kiểu áo hở ngực ở Cali rất nhanh. Nhưng cô gái này không hiểu được và không biết rằng, thanh niên thiếu nữ sống ở Cali muốn vuơn lên phải học hành vất vả, vừa đi học vừa đi làm. Bù đầu với thi cử. Ra trường đi kiếm job (công việc) bở hơi tai. 

Có khi phải làm việc tại một tiểu bang xa xôi. Khi có lợi tức rồi thì phải trả nợ tiền vay lúc đi học (student loan), rồi phải trả hằng trăm thứ tiền nào… tiền nhà, tiền xe, bảo hiểm xe cộ, tiền ăn, điện thọai, quần áo, bảo hiểm sức khỏe, thuế lợi tức rất cao, rồi phải giúp đỡ cha mẹ, gửi tiền về giúp ông bà nội/ngọai còn ở Việt Nam. Rồi mỗi năm phải học thêm để kiến thức không lạc hậu và cố gắng hội nhập với xã hội (mainstream) mà không mất bản sắc. Liệu cô gái ở Việt Nam này có bắt chước được những đức tính tốt đó để phấn đấu vươn lên ngay trong xã hội của mình không?

Bắt chước không phải là chuyện xấu. Cho tới năm 1870 Nhật Bản vẫn còn lạc hậu như Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam, nhờ có tinh thần học hỏi rồi bắt chước mà vươn lên địa vị cường quốc. Nhưng trước khi bắt chước hãy suy nghĩ câu tục ngữ ông bà để lại: Thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào. Thấy người ta ăn mía, vác sào mà nhai. Điều này có nghĩa là phải chọn lọc trước khi bắt chước. Thế nhưng không phải ai cũng có sự chọn lọc. Mà chọn lọc như thế nào? Nói đến đây thì câu chuyện lan rộng ra lãnh vực giáo dục.

 Chúng ta cần giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục bản thân và cần nhìn thấy những tấm guơng tốt trong xã hội. Ngòai ra, sự đóng góp của tôn giáo cũng rất quan trọng cho văn hóa của một dân tộc. 

Để tạo sự hiểu biết rộng rãi về vấn đề này, các đại học, các câu lạc bộ thanh niên v.v..cần tổ chức những buổi hội luận truyền hình, thảo luận nghiêm chỉnh về những xung đột, khác biệt văn hóa. Những buổi hội luận này nên tổ chức trên căn bản “ trình bày thẳng thắn”, chứ không phải là một “phiên tòa” để lên án, công kích những cái gì mà mình cho rằng xấu hoặc mình không đồng ý. Muốn thế thì tham luận đoàn của cả hai phía phải có quyền trình bày quan điểm của mình. Và chủ tọa đòan chỉ đúc kết mọi ý kiến chứ không đưa ra một kết luận nào- tức không bênh, không chống – không ngòai mục đích để mọi người cùng suy nghĩ. Đó là lối tác động tâm lý, tạo nhận thức và chuyển hóa từ từ mà Hoa Kỳ thường áp dụng.

Sau hết, đây là một đề tài to lớn cần sự đóng góp của nhiều giới có quan tâm. Chúng ta nên nhớ rằng, khác biệt văn hóa đưa tới xung đột văn hóa, xung đột văn hóa đưa tới chia rẽ, ngay trong gia đình cũng mất hạnh phúc. Nếu khác biệt văn hóa có nguồn gốc tôn giáo có thể đưa tới bạo động. Hiện nay tại các quốc gia Hồi Giáo, hay tại các quốc gia Ky Tô Giáo có người Hồi Giáo sinh sống, đang có những xung đột văn hóa mà những giá trị văn hóa này phát xuất từ những tín điều. Riêng tại Hoa Kỳ, chính những công dân của đất nước này nhưng là tín đồ Hồi Giáo, đã có những hành vi khủng bố hoặc chạy ra nước ngòai, gia nhập các tổ chức khủng bố rồi kêu gọi giết hại đồng đội và người Mỹ, dù Hồi Giáo được tự do phát triển tại Hoa Kỳ. 

Cho nên tự do tôn giáo chưa chắc đã đưa tới hòa đông tôn giáo. Lịch sử cho thấy tôn giáo cực đoan tạo ra tín đồ cuồng tín với văn hóa khắt khe. Nếu họ là thiểu số, họ sẽ sống như một “ốc đảo” trong cộng đồng dân tộc. Tôn giáo tốt lành, cởi mở tạo ra văn hóa hiền hòa, dung dị và có thể hòa nhập với bất cứ xã hội nào. Cái khó của một cộng đồng là làm thế nào du nhập cái mới để đất nước tiến lên mà không mất bản sắc. Xã hội nào cũng phải tiến lên nhưng cái nào tốt? Cái nào xấu? Cái nào độc hại? Cái nào nên bắt chước... là cả một vấn đề nhức đầu trong bối cảnh tòan cầu hóa như ngày nay.
Đào Văn Bình   
( California Tháng 9, 2010)



Kết Quả Vụ Thầy Đánh Trò
    
Cô Tư Sài Gòn   
       alt
Câu chuyện tới hôm nay là hạ màn, đúng ra là có kết quả phân xử từ cấp Sở.

Bản tin VietnamNet ghi rằng:

“Sáng nay, 24/2, Sở GD - ĐT tỉnh Bình Định đã thống nhất hình thức kỷ luật giáo viên Trần Anh Tuấn bằng hình thức sa thải. Học sinh Nguyễn Thanh Long, người có hành vi đánh trả lại thầy, nhận cảnh cáo và Nguyễn Phúc Nghĩa nhận mức kỷ luật khiển trách.

Chiều 17/2/2014, trên trang chia sẻ thông tin Youtube xuất hiện clip ghi lại cảnh một thầy giáo trẻ tát liên tiếp vào mặt 2 học sinh.

Sau đó, sự việc được xác định xảy ra trong giờ học môn Hóa học ngày 20/1 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Cụ thể, giáo viên trong clip là Trần Anh Tuấn đã tát liên tiếp vào đầu và mặt 2 học sinh Nguyễn Phúc Nghĩa và Nguyễn Thanh Long. Bức xúc quá nên em Long lên gối đánh trả lại thầy giáo.”(ngưng trích)

Bản tin báo Tuổi Trẻ cho nhiều chi tiết hơn, qua bài tưạ đề “Thầy trò đánh nhau: sa thải thầy, cảnh cáo, khiển trách trò.”

Bản tin kể:

“Sáng 24-2, Sở GĐ-ĐT Bình Định đã họp với Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ (Tây Sơn, Bình Định) và thống nhất hình thức kỷ luật: sa thải giáo viên Trần Anh Tuấn, người tát hai học sinh N.P.N, N.T.L (lớp 11A1) và bị đánh lại.

Sở GD-ĐT Bình Định yêu cầu hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ lập thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên Trần Anh Tuấn theo Bộ luật Lao động.

Trước đó, trước Hội đồng kỷ luật Trường THPT Nguyễn Huệ, giáo viên Trần Anh Tuấn, kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật sa thải và hội đồng kỷ luật bỏ phiếu, thống nhất với hình thức kỷ luật này.

HS N.P.N. kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và hội đồng kỷ luật bỏ phiếu, thống nhất hình thức kỷ luật khiển trách. HS N.T.L kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật bị đuổi học có thời hạn; hội đồng kỷ luật bỏ phiếu, thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo...

...Sau sự cố xảy ra, gia đình thầy giáo Trần Anh Tuấn đã xin phép nhà trường đưa thầy Tuấn về quê ở huyện Tuy Phước để lánh nạn trước dư luận.

Một số giáo viên dạy cùng trường cho biết sau sự việc đáng tiếc xảy ra, thầy Tuấn có lúc rơi vào trạng thái suy sụp, có biểu hiện trầm cảm, gia đình và đồng nghiệp rất lo lắng.”(ngưng trích)

Cần ghi nhận rằng thầy giáo mới 23 tuổi, nghĩa là cũng còn quá trẻ, xốc nổi. Lỗi của Thầy tất nhiên là có, nhưng lẽ ra trường hay Sở phải có một cẩm nang ứng phó với các trường hợp học trò quậy phá.

Bản tin VOV qua bài phỏng vấn “Sa thải thầy giáo đánh trò: Nỗi lòng người trong cuộc” đã ghi nhận:

“Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi tìm về gia đình em Nguyễn Phúc Nghĩa, một trong 2 học sinh bị thầy giáo Trần Anh Tuấn đánh trên bục giảng. Mấy ngày qua, Nghĩa tránh gặp mọi người, mặc dù nhớ lớp nhưng không dám đi học.

Nghĩa tâm sự: “Em rất ân hận. Khi chưa xảy ra sự việc, thầy Tuấn là người hiền lành, nhiệt tình. Bây giờ, em chỉ mong thầy Tuấn tiếp tục giảng dạy để em được đến lớp, nghe thầy giảng bài…”.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên, cha của Nghĩa cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, các bạn trong lớp liên tục nhắn tin, gọi điện mắng Nghĩa, cho rằng tại em mà lớp, trường mang tiếng xấu, thầy Tuấn bị kỷ luật. Bản thân ông Nguyên cũng rất bức xúc khi biết thông tin Nghĩa bị thầy Tuấn đánh trong giờ học. Nhưng sau khi tiếp xúc, nghe lời xin lỗi chân thành từ thầy Tuấn, ông cùng gia đình đã bỏ qua cho thầy và cũng chỉ mong muốn Ban Giám hiệu nhà trường có hình thức kỷ luật thấu tình đạt lý để thầy Tuấn tiếp tục dạy học.

Hành vi đánh học trò ngay trên bục giảng của thầy giáo trẻ Trần Anh Tuấn là rất đáng trách. Tuy nhiên, với một thầy giáo trẻ, chưa đầy 5 tháng đứng trên bục giảng vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Vì thế, mọi người cũng nên có độ lượng, bao dung đối với thầy. Nhiều phụ huynh và cả Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ - Quách Nguyễn Huyền Trân vẫn mong muốn mọi người cho thầy Tuấn một cơ hội sửa sai lầm, tự đứng dậy từ chính chỗ vấp ngã.”(ngưng trích)

Xử làm sao cho cận nhân tình nơi chỗ này? Quyết tâm đẩy thầy giaó này về làm ruộng?

Nhiều học sinh khác đã khóc, khi chia tay thầy. Bạn có thể vào trang http://www.youtube.com/ và gõ chữ “thầy giáo đánh học trò: Học sinh khóc lóc giữ thầy ở lại” sẽ thấy băng hình khi thầy chia tay các học trò được cho là ở một lớp khác, cùng trường.

Phần giải thích có đoạn viết:

“Trong clip, các học sinh lớp 10A9 đều rất lưu luyến thầy giáo Trần Anh Tuấn, thậm chí đã có những lúc thầy Tuấn cố gắng xách cặp ra khỏi cửa nhưng vẫn bị các em học sinh này chạy ra chặn lại, có em còn kéo tay thầy ờ lại không cho về. Biết là sẽ không giữ được thầy ở lại, nhiều học sinh đã khóc và nói "chúng em cảm ơn thầy".

Hình ảnh trong clip có vẻ đó là buổi dạy cuối cùng của thầy Tuấn học cũng có thể là lúc lên lớp để chia tay các em học sinh trước khi về quê. Biết không thể đi khỏi lớp, thầy Tuấn bèn cho các em vào lớp và dặn dò, quang cảnh trong lớp buồn và không ai nói với ai câu nào, thậm chí một số học sinh nam còn gục mặt xuống bàn khóc...”(ngưng trích)

Than ôi, chỉ một cơn nóng giận mà vô số chuyện phiền não xảy ra. Thế nên, nhà Phật mới nói, cơn giận là ngọn lửa đốt cả rừng công đức.


Vợ chồng Dân oan Nguyễn Thị Tâm bị kết án 11 năm tù giam



Bà Nguyễn Thị Tâm và con gái trong một lần đến phòng Công lý và Hòa bình tại DCCT Sài Gòn

VRNs (25.02.2014) – Sài Gòn - Sáng nay, ngày 25.02.2014, vợ chồng Dân oan Nguyễn Thị Tâm bị kết án tổng cộng bản án 11 năm tù giam với tội danh “cố ý gây thương tích” ở khoản 3, Điều 114 Bộ luật Hình sự và bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Bá Tuyên số tiền 71 triệu đồng, trong phiên tòa sơ thẩm, tại tòa án Nhân dân huyện Bù Đăng, Bình Phước. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Tâm bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam và ông Ngô Văn Huynh, chồng bà Tâm cũng bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam trong phiên tòa không có luật sư tham gia bào chữa.

Blogger Hoàng Vi, hay Blogger An Đổ Nguyễn có mặt trong phiên tòa này cho biết, “họ yêu cầu hủy toàn bộ hồ sơ vụ án vì họ bị oan sai và yêu cầu thẩm định lại hồ sơ thương tích của người bị hại. Họ làm giấy yêu cầu luật sư bào chữa và nhờ văn phòng Công lý và Hòa Bình, DCCT Sài Gòn giúp đỡ.”

Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, 11 tuổi, con gái của Dân oan Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “nhìn bố mẹ con yếu lắm. Bố mẹ con dặn con cố gắng học giỏi, đợi bố mẹ về. Trong tòa án chỉ có một vài người thân của con thôi.”

Trong khi đó, bà Tâm đã từng quả quyết với VRNs, chính quyền địa phương và cán bộ huyện Bù Đăng đã bao che cho “chủ nợ”, là ông Nguyễn Bá Tuyên và cấu kết với chủ nợ để đẩy gia đình bà vào nỗi oan khiên, tù tội.

Blogger Hoàng Vi tường thuật từ bên trong phiên tòa: “Bà Nguyễn Thị Tâm yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên Nguyễn Khắc Thanh vì lý do bị đánh đập, ép cung trong lúc giam giữ và tự ý sửa đổi hồ sơ kết luận điều tra. Hội đồng xét xử bác bỏ yêu cầu của bà Tâm và cắt ngang những lời nói của bà.

Ông Huynh và bà Tâm không được tranh luận trước tòa án, bị chủ tọa cắt lời.

Bà Tâm và ông Huynh yêu cầu hủy hồ sơ vụ án, đề nghị thẩm định lại chấn thương với người bị hại là Nguyễn Bá Tuyên.”

Blogger Hoàng Vi bình luận: “Điều đặc biệt là VKS đã không đưa ra được nhân chứng và vật chứng của vụ án cũng như không đưa ra giấy chứng nhận thuơng tích là của cơ quan nào giám định.”

Blogger Hoàng Vi với em Ngô Thị Cẩm Hiếu
Tóm tắt sự việc của Dân oan Nguyễn Thị Tâm

Dân oan Nguyễn Thị Tâm ngụ tại thôn 2, xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Gia đình bà có diện tích đất khoảng 3.0 ha, đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên đất có trồng cây điều năm 1999 và xen cây cà phê, tiêu, cao su.

Từ năm 2005 – 2009, bà Tâm có vay tiền của ông Nguyễn Bá Ngọ, ông Nguyễn Bá Tuyên, ông Nguyễn Hữu Lực, ông Lê Văn Hải và ông Di Văn Giáo với tổng số tiền hơn 70 triệu VNĐ, với lãi suất 5%/ tháng. Việc gia đình bà Tâm vay tiền của 5 người có tên nêu trên đều có Giấy thỏa thuận viết tay, “Giấy vay nợ bà Tâm không giữ mà do người cho vay giữ” (Trích trang 1 và 2 “Kết luận số 09/KL-CT.UBND ngày 8/7/2010 của UBND huyện Bù Đăng ngày 8/7/2010 (“Kết luận của UBND Huyện”).)

Theo Hồ sơ của Vp Công lý và Hòa Bình cung cấp cho thấy, từ giao dịch dân sự gia đình bà bị các cán bộ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước làm cho mất đất, gây thiệt hại tài sản, gây thương tích… và các cán bộ đi theo “chủ nợ”, là ông Nguyễn Bá Tuyên để bảo vệ cho hành vi “xiết nợ”. Đó là sự cấu kết của các cán bộ và “chủ nợ” đẩy gia đình bà vào nỗi oan khuất.

Trong hồ sơ kêu oan của gia đình bà Tâm cho biết, chính cách hành xử trái pháp luật, thiếu trách nhiệm, áp dụng sai pháp luật, bất tuân kết luận của cấp trên… của chính những người có quyền tại địa phương, CA xã, huyện… dẫn đến những vi phạm pháp luật càng ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại quyền và lợi ích chính đáng công dân, cụ thể chính gia đình bà Tâm.

Vụ việc- theo tư vấn của CA- được nhanh chóng đưa ra Tòa án dân sự xét xử, Tòa buộc bà Tâm trả nợ (lẽ đương nhiên). Bà Tâm bức xúc về việc bị chủ nợ Nguyễn Bá Tuyên chiếm giữ và phá hoại tài sản… chưa xử lý, chưa bồi thường, bù trừ… nên bà Tâm không chịu thi hành án trả nợ. Cũng nhanh chóng không kém, Cơ quan Thi hành án đã tiến hành kê biên, bán đấu giá… cho chủ nợ và, tổ chức cưỡng chế đất đai và tài sản của gia đình bà. Gia đình bà Tâm kiên quyết căn ngan… nhưng bị phía “chủ nợ” đánh trọng thương… Kết quả, gia đình bà Tâm mất đất, trở thành Dân oan. Chồng bà – ông Ngô Văn Huynh “được công an” mời lên xã và bắt giam từ ngày 4.7.2013.

Bà Tâm bị công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bắt giam hồi ngày 03.09.2013, mặc cho đứa con thơ dại của bà mới hơn 11 tuổi kêu oan “Mẹ con bị các chú công an còng tay bắt đi rồi. Con sẽ đòi các chú công an thả ba mẹ con ra”.

Bà Tâm đã từng tố cáo ông Nguyễn Bá Hưng, Phó Chủ tịch MTTQVN xã và là anh ruột của ông Nguyễn Bá Tuyên, đã “lấy dấu Ban Quản lý thôn đóng vào Giấy vay tiền của bà Tâm, trong khi bà Tâm vay tiền không có mặt ông Tâm [ông Huynh, chồng bà Tâm]” (Nội dung được UBND Tỉnh kết luận là tố cáo đúng tại Thông báo số 276/UBND-TD ngày 7/2/2012). Và từ cơ sở Giấy vay tiền – có dấu của thôn – CA gọi là “thỏa thuận hợp đồng”… để không khởi tố hình sự vụ án chiếm đoạt, phá hủy tài sản… Và kéo theo một loạt hành vi sai phạm khác. Hành vi được kết luận là chủ nợ đến đất của bà Tâm “đo đạc, cắm ranh, tỉa cành, chặt cây, làm cỏ, làm bồn cà phê…”, “giữ tài sản…” của bà Tâm, đều có “cán bộ” đi theo bảo vệ.



Các tin liên quan đến Dân oan Nguyễn Thị Tâm


No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

My Blog List