Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Sunday, February 16, 2014

XIN ĐỪNG QUÊN NHỮNG MẢNH ĐỜI TẬN TUYỆT TẠI PHAN THIẾT


--
Kính Chuyển
MG

XIN ĐỪNG QUÊN
NHỮNG MẢNH ĐỜI TẬN TUYỆT TẠI PHAN THIẾT
                                                                                                                                                    MƯỚNG GIANG


            Xưa nay ai cũng nói quê tôi là chốn rừng tiền biển bạc, điều này không ngoa chút nào, trước ngày 30-4-1975. Thật vậy, biển Bình Thuận là một kho tàng vô giá dưới làn nước xanh, đó là chưa kể tới tiềm năng của dầu lửa, khí đốt và những tiền vàng, cổ vật chứa trong hằng trăm thuyền buôn cùng tàu chiến của quân phiệt Nhật bổn, bị máy bay Mỹ và Ðồng Minh đánh chìm trong biển Ðông, từ Mũi Dinh (Cà Ná) vào tới Mũi Phước Hải (Phước Tuy). Nhờ khí hậu ấm áp quanh năm, nên vùng biển này có trữ lượng lớn nhất nước, với đủ loại tôm cá, loài giáp xác nhuyễn thể, cũng như loài “ Cá Ngừ ăn sống “ đắt giá nhất hiện nay. Ven bờ biển có 5 huyện và đảo Phú Quý có nhiều tàu thuyền đánh cá với trọng tải rất lớn, thêm vào đó là các ngư cảng hải cảng thuận lợi, tối tân như Long Hương, Phan Rí Cửa, La Gi. Riêng ngư hải cảng Cồn Chà Phan Thiết, tọa lạc ngay trên cửa sông Mường Mán phường Ðức Thắng, đươc xây dựng qui mô và lớn nhất, trong 9 ngư-hải cảng của khu vực miền Ðông, vì đây là cửa ngỏ ra biển của các tỉnh nam cao nguyên Trung Phần như Quảng Ðức, Tuyên Ðức, Lâm Ðồng và Phươc Long.

            Ngoài ra nhờ không còn Việt Cộng nằm vùng, Việt gian mang mặt nạ ẩn trốn trong chính quyền và trường học.., phá hoại đường sá cầu cống, khủng bố ám sát pháo kích đặt mìn,giết hại dân lành, nên vấn đề đi lại trong tỉnh dễ dàng hơn trước, tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển, kể cả các vùng xưa là hang ổ, mật khu, căn cứ của giặc như Hàm Tân, Ðức Linh, Rạng, Hòn Rơm, Bình Thạnh.. Như vậy nhìn vào sự phát triển to lớn vừa kể, cộng thêm phường phố lầu cao nhà đẹp, một số thượng lưu Bình Thuận đi tham quan, du lịch, dự hội ngộ trường, ở nước ngoài hơn đi chợ,  nên chắc chắn ai cũng nghĩ rằng “ Bình Thuận ngày nay giàu to, người Phan Thiết rất no cơm ấm áo “.  Bằng chứng là báo chí trong cũng như ngoài nước, kể cả Việt kiều nườm nượp đổ về Hòn Rơm-Mũi Né du lịch. Khách khứa nhiều tới nổi,khiến cho công ty du lịch AV Travel ở Little Sài Gòn một dạo, phải “ kén chọn khách “ để bán vé, đặt chỗ. Điều này cho thấy, chắc Bình Thuận Phan Thiết ngày nay “ giàu sang hạnh phúc quá cở “.

             Hởi ôi ! đó chỉ là mặt trái của biển đời, bởi vì  “ Bình Thuận-Phan Thiết “ quê tôi ngày nay, không phải chỉ có cảnh giàu sang phú quý của cán đảng và thân nhân Việt kiều, ở thị thành  hay chốn thiên đàng hạ giới, nhất dạ đế vương tại các khu dành cho dịch vụ du lịch của đảng,tại  Rạng, Mũi Né, Hòn Rơm, Bình Thạnh…Nhưng quê tôi đâu phải chỉ có thế, mà khắp tỉnh còn rất nhiều cảnh đời tận tuyệt,  trong đói nghèo, bệnh tật tại các làng chài xóm biển, khu tập trung dân chúng bị đuổi nhà, những ngõ hẹp quanh co của người lao động. Nhưng kinh dị nhất, thê thảm vô cùng, đúng nghĩa là địa ngục trong thiên đàng xã nghĩa  “ Ðó là cảnh những người vô gia cư, phần lớn thuộc thành phần quân, công, cán cảnh, thương binh quả phụ VNCH nghèo tới mức phải sống chung với NÚI RÁC BÌNH TÚ “, cạnh phi trường Phan Thiết, một thế giới “ vô sản chuyên chính “ mà chắc chắn cho vàng, du khách cũng như Việt kiều và nhiều nhiều người khác, ngàn đời, mãn kiếp vẫn không bao giờ dám bén mãng tới đây, dù chỉ trong phút giây ngắn ngủi, thì nói chi tới đó để ghi chép, chụp hình, đem ra hải ngoại phổ biến trên đặc san “ hội ái hữu tỉnh, trường “. Thật khó tin được, nếu chẳng thấy tận mắt, nghe lọt tai người trong cuộc kể chuyện đời nghèo. Vì vậy cũng đừng thắc mắc là tại sao lúc này, vẫn còn có nhiều người, kể cả nam nử cán bộ đảng cao cấp ăn no, giàu to, mấy chục năm theo VC, giữ vững ngọn lửa chủ nghĩa Mác-Lê-Mao-Hồ, thế vẫn tìm đủ mọi cách, kể cả việc “ mua bán chồng vợ giả “, để được ra sống tại hải ngoại, cho an toàn núi tiền, đã vét được của đồng bào từ sau ngày 1-5-1975.

1-Thiên Ðàng Và Ðịa Ngục Tại Bình Thuận :

            Rạng-Mũi Né-Hòn Rơm.hiện nay không còn là mốt “ thời thượng “ như mất năm trước đây, mà đã bị thế giới xếp chung với “ Nha Trang “ là những bãi biển không còn an toàn về vệ sinh..” dù trước đây là một trong những vùng du lịch được nhiều người trong và ngoài nước ưa thích nhất, vì thiên nhiên nói chung chưa bị bàn tay con người tàn phá. Trước tháng 10-1995, thật sự ít ai kể cả người trong tỉnh và dân Phan Thiết để ý tới vùng này. Phần vì đường sá đi lại nguy hiểm khó khăn do cát biển phía ngoài và cát động bên trong xâm thực, khiến cho đường đã nhỏ, xấu lại càng tồi tệ với hằng hà lớp lớp ổ voi ổ trâu, nên ít ai mò tới chốn này làm gì. Hơn nửa Rạng, Mũi Né xưa nay chỉ là những làng đánh cá nhỏ trong tỉnh, so với các nơi khác như Long Hương, Phan Rí Cửa, Hàm Tân, La Gi..

            Nhưng rồi cơ hội vàng ròng có thể nói là từ trên trời rớt xuống, khi mấy “  khoa học gia “  của xả nghĩa, bỗng dưng la hét trên đài và báo chí nhà nước, rằng là “ Nhật Thực Toàn Phần “ sẽ xảy ra đầy đủ nhất tại Mũi Né vào tháng 10-1995, trên đường đi của Mặt Trời, từ Tây Ninh tới Phan Thiết. Thế là người cả nước tin đảng, kéo nhau tới “ chốn khỉ ho cò gáy “ để chụp hình quay phim. Nhưng tiếc thay, lần đó đảng đoán mò, nhật thực không xảy ra tại Tà Dôn-Mũi Né, mà là ở tít trên thị xã Bảo Lộc, cách Phan Thiết hằng trăm cây số. Tuy nhiên cũng nhờ lần đó mà đảng VC Bình Thuận nghĩ tới cái dải đất dài 20 km, chạy dọc theo biển, bên kia là những đồi cát vàng đỏ nổi tiếng giống như sa mạc, vì lượng mưa hằng năm quá ít. Rồi năm 1996. Mũi Né lại có thêm một kỳ tích, khi một bà Việt kiều mang tiền về mở một làng nghĩ mát dã chiến tai Hòn Rơm. Do trên du khách muốn tới chốn này, đương nhiên phải đi trên con đường độc đạo “ Phan Thiết-Lầu Ông Hoàng-Rạng-Mũi Né “ Lúc đó, đường chưa mở tới Hòn Rơm, nên du khách phải sử dụng xe “ Vùng Vịnh “ chạy trên cát khoảng 6-7 km, để tới Suối Hồng-Hòn Rơm, cửa ngỏ năm xưa Bắc Việt dùng tiếp tế cho bộ đội VC trong mật khu Lê Hồng Phong,suốt thời kỳ chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai (1945-1975).

            Cũng từ đó, sau lần hốt đậm vào tháng 10-1995 đảng quyết tâm làm ăn lớn, đem đất đai trong tỉnh làm vốn thế chấp liên doanh, làm ăn với Tây,Tàu, Mỹ kể luôn Saddam Hussein lúc chưa bị Mỹ hạ bệ, để có tiền đầu tư, làm đẹp lại vùng biển mặn, vốn đã bị đảng vơ vét cạn tàu ráo máng, sau ngày cưỡng chiếm được Bình Thuận 19-4-1975. Thế là con đường quan lộ xa xưa từ thời nhà Nguyễn, làm dọc theo bờ biển từ Cà-Ná, Bình Thạnh, La Gàn, Duồng, Phan Rí Cửa, qua sông Lũy, tới Bình Nhơn, Hòa Thắng, Mũi Né, Phan Thiết, Kê Gà, La Gi, Cù Mi nối liền Long Hải, Vũng Tàu, chạy song song với quốc lộ 1, được trùng tu và mở rộng. Riêng tại khu vực quân Hải Long, qua vốn Tây, Tàu, Ðại Hàn, Iraq và Việt kiều, đã có trên 10 “ Resort “ được xây dựng, thượng vàng hạ cám, từ bình dân sàn gỗ lều bạt, cho tới loại cao cấp xây tường lợp ngói, có máy lạnh, truyền hình màu và cảnh nhất dạ đế vương,muốn gì có nấy, miễn có đủ đô sòng phẳng. Du khách trong và ngoài nước, mục đích tới đây chỉ để nghĩ ngơi, tắm biển và thưởng thức các loại đặc sản của Bình Thuận như Dông, cua ghẹ, ốc hương , mực một nắng, cá đuối nấu cà ri và chụp hình cảnh đẹp của thiên nhiên trong vùng..

            Nhộn nhịp nhất trong cảnh thiên đàng hạ giới, phải nói là Phố Tây thuộc Khu 1 của xã Thiện Khánh cũ (Hàm Tiến-Rạng), vì nơi này ngoài tư bản đỏ, cán đảng, Việt kiều lui tới với túi tiền rổn rảng. Còn lại chỉ là người ngoại quốc từ mọi nơi trên thế giới đổ về. Khủng khiếp thật, vì chỉ trên một đọan đường 3 km ngắn ngủi, khiến cho ta như sống lại cảnh, khi còn quân đội Ðồng Minh và Hoa Kỳ tại Ba Ngòi, Cam Ranh, Nha Trang, Long Bình.. qua các Bar Bum, Sờ Nách Me Mẽo của thời nào, nay tái diễn tại các nơi chốn mang tên Trăng Thu, Good Morning, Hotdoc, Nhà Rừng, Hoa Kiều, Hoàn Vũ, Chuồn Chuồn..

            Ngoài ra còn có các Resort ở Mũi Né, Phan Thiết, được gọi là “ con cá ngựa “ bên bờ biển xanh. Một khách sạn lớn khác có tên Resort Sea-Horse mở cửa năm 2002, chiếm một diện tích rộng 2,5ha với 10 khu biệt thự, gồm 40 phòng theo tiêu chuẩn các khách sạn quốc tế., trong đó có 6 phòng V.I.P. Bên trong có nhà hàng, bán đủ đồ Tây-Tàu-Ta cũng như các đặc sản Bình Thuận và hồ bơi nước ngọt, dành cho khách không thích tắm biển.

            Nhưng đây chỉ là cảnh thiên đàng hạ giới của những người giàu có trong nước hay Việt kiều mới được đổi đời đầu thai trở lại sau chuyến vượt biển thành công hay tới cõi thiên đàng bằng máy bay qua các diện. Họ từ mọi nơi về vung tiền qua cửa sổ, vừa để trả thù đời ngày trưóc, vừa học đòi làm trưởng giả phong lưu, chụp hình đem ra hải ngoại hù chết thiên hạ, qua cung cách sang trọng của mình.

            .Vì du khách chỉ ở phía bên này cánh của thiên đàng, nên đâu có thấy những gì buồn thảm, đắng cay, đớn đau, nhục hận, đối với phận nghèo dù cho ai cũng là người sống tại Phan Thiết. Cái tận tuyệt “ chó má của đời “ là cùng lúc người Việt kiều tị nạn Việt cộng có tiền, nằm nghe biển hát, để hỏi mai này ta lại du lịch tiếp ở đâu ? thì chính trong cái không gian kế cận, rất gần, rất buồn và rất nhiều nước mắt, đã có không it những người Bình Thuận-Phan Thiết, cũng đứng nhìn biển, nhưng không phải để nghe hát, mà coi thử có thể ra khơi được hay không, để kiếm gạo sống tiếp cho một ngày ! .

            Sự đời buồn thật, nghèo hèn ở sát bên không ai thèm nhắc tới, có tiền có thế như các cán đảng hiện nay, thì báo chí đảng đài thổi rùm beng tận mây xanh qua tận Mỹ. Ðúng vậy, có lúa thì mới mượn được gạo. Cũng như không nhà cửa, ruộng đất, thì đố ai dám cho mượn tiền để đổi đời ? Ðó là hoàn cảnh của những người vô gia cư đang sống trong địa ngục rác, rất gần thiên đàng hạ giới Hòn Rơm-Mũi Né, như các du khách Việt kiều đã viết.

             Khách từ Sài Gòn ra hay ở Mũi Né-Hòn Rơm di ngược lại, tới “ Chợ Chòm Hỏm Bia Ðài “ nằm trên đường Trần Quý Cáp phường Ðức Long, sát ngả ba còn được gọi là Cổng Chữ Y. Tại đây có một con đường rẽ lên khu mã lan, quân y viện Ðoàn Mạnh Hoạch, bến tàu Kim Hải và phi trường Phan Thiết (Căng Esépic), vì nơi này trước đây có trường Thể Dục Thê Thao Ðông Dương, do thực dân Pháp lập. Gọi là đường chứ thực sự đây là con lộ đau khổ của cuộc đời, vì hằng ngày làm chúng nhân cho những cuộc đưa ma sinh ly tử biệt. Con đường chỉ có một ít nhựa ở giữa còn lại toàn cát sõi, nên khiến cho bộ hành di bằng gì cũng phải ê chề, đó là chưa nói tới mây bụi ngút trời. Cũng không trách được đường vì nó đã quá tuổi, lại không được đảng để ý tới. Tuy nhiên không phải vì vậy mà đường heo hút như trước tháng 4-1975.

            Sau năm 1990, CSVN kiệt quệ về kinh tế, lại thêm mất hẳn nguồn viện trợ từ Liên Xô, Ðông Âu và Trung Cộng. Để cứu đảng, VC phải mở cửa rước tư bản vào. Ðây cũng là dịp ngàn năm giúp các nạn nhân Phan Thiết bị đảng bắt đi kinh tế mới Ðức Linh từ năm 1977, tháo cũi thoát tù, rủ nhau chạy về quê củ. Nhưng hầu hết nhà của nạn nhân không còn, vì vậy họ rủ nhau lên mã lạn, san mồ người chết để dựng tạm túp lều để ở. Từ đó một xóm nhà lá được hoàn thành chớp nhoáng từ cổng chữ Y, chạy lên gần tới Bình Tú. Nhiều quán bên đường được dựng lên, kế cận những mã vôi chưa bị đập. Ở đây ngoài cái mùi xú uế thường trực, cát gió, còn thêm sự đau khổ của khói đen cuồn cuộn được thải ra từ hai nhà máy ran hạt điều, ở gần Xóm Câu kế Ấp Kim Hải về phía bờ biển. Trên cái nền cũ của hai ngôi trường “ Thể Dục và Ðào Tạo Cán Bộ Thể Thao Ðông Dương “ năm nào, ngày nay giống như “ Lầu Ông Hoàng “ bên Phú Hài, chỉ còn địa danh được nhắc nhớ trong chữ nghĩa mà thôi.

             Dốc Căng có cao độ trên 63 m so với mặt biển, nên đứng ở đây có thể nhìn khắp Phan Thiết, tới tận Lầu ông Hoàng, Mũi Né, nơi được Việt kiều về hưởng lạc, trả thù dân tộc, xưng tụng là thiên đường “ Ha. Uy Di “.Vùng này trước tháng 4-1975 là phi trường dã chiến của Tiểu Khu Bình Thuận, nhưng máy bay của Air VN cũng có thể đáp. Ngoài ra do ở độ cao lại nằm sát biển, nên khí hậu thật tốt. Vì vậy Cục Quân Y/QLVNCH đã chọn để xây cất QYV Ðoàn Mạnh Hoạch, Ðơn vị tử thủ tới giờ phút cuối cùng, khi có lệnh di tản tối 18-4-1974.

             Theo đồng bào tại thành phố Phan Thiết, thì vùng này được báo động là ô nhiệm không còn thuốc chữa. Khắp một diện tích rộng lớn trước kia trong phi trường, từ doanh trại cũ của Tiểu Ðoàn 1/43 đầu dốc Căng, cho tới Trung tâm Huấn Luyện Nghĩa Quân/BT ở cuối phi đạo, sau này được VC niêm yết là “ Khu Vực Quốc Phòng “, hoàn toàn bị “ công ty quốc doanh nước mắm Bình Thuận “ trưng dụng làm sân phơi xác mắm, cá đuối, cá heo.. khiến cho mùi thối bay tới trời xanh. Nhưng việc này thì mắc mớ gì tới VC, Việt kiều , ma chỉ tội nghiệp cho hằng trăm gia đình nghèo cực của Phan Thiết mà phần lớn là TPB, QPCN/VNCH không nhà cửa, vô gia cư, phải sống mòn mõi tại đây. Ðể hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ, từng giây phút hít bụi đường, khói nhà máy hạt điều, mùi thối của xác mắm và thảm nhất là đống rác cao như lăng Ba Ðình ở Bình Tú.

            Ðây chắc không phải là “ hòa hợp hòa giải, sống chung hòa bình và nối vòng tay lớn “  mà là sự  “ sống chung bi thãm chết người “ của những mảnh đời không còn lối thoát để lựa chọn. Vì vậy đã có không biết bao nhiêu nạn nhân vô gia cư, sống túp lều giấy bồi ở đây, chết tức tưởi, không phải vì hậu chứng chất độc màu da cam, mà bị ngộ độc thức ăn, bị bệnh dịch tả do ruồi nhặng mang mầm bệnh từ núi rác, sân xác mắm và hơi mã mới cũng gần đó.

2- Bãi Rác Bình Tú : Thiên Ðường “ Hạ Giới “ của Bình Thuận .
           
            Bãi rác tại Bình Tú không ai biết có tự bao giờ, vì vùng này trước tháng 4-1975 là khu vực định cư của Việt kiều Kampuchia hồi hương, do linh mục Joe Delvelin dẫn đắt về. Sau ngày VNCH bị CS Bắc Việt cưởng chiếm, LM Joe lại tình nguyện qua giúp đỡ thuyền nhân VN tại trại tị nạn Sông Khai Thái Lan, cho tới lúc quá già yếu, mới về Hoa Kỳ và qua đời tại quê nhà ở Utah.

            Bãi rác có diện tích chừng 10 mẫu tây, là địa điểm hẵng ngày, để Ðội Vệ Sinh của Công Ty Công Trình Ðô Thị, gom hơn 193 m3 rác các loại, cả thành phố Phan Thiết, mang về đây đổ. Bãi rác hiện đã quá tãi, cao như đồi nhỏ, tuy là nằm trong kế hoạch di dời giải toả nhưng chỉ nói trên công văn buổi họp, còn thực tế thì rác cứ tiếp tục tới hằng ngày. Cũng tại đây, ngoài các công nhân vệ sinh vì đồng lương phải tơi, còn có hằng trăm mạng sống, già trẻ nam nữ, luôn hiện diện quanh nuí rác, để bươi xới, vét vơ, lượm kiếm, không bỏ sót một thứ gì, kể cả thức ăn dang dỡ, để mà sống. Khắp nơi hằng hà lớp lớp lều được mọc quanh núi rác, phần lớn núp dưới bóng mát những cây bạch đàn. Ðây cũng là chỗ nương thân , núp mưa tranh nắng, chốn ăn nơi ngủ của các gia đình, gồm vộ chồng con cái sống bằng nghề bươi rác kiếm đồ cũng như nhặt rác mục, bán cho các chủ nông trại trái cây như thanh long, kể cả ruộng lúa. Mỗi một phân khối rác mục, giá bán từ 20-30 ngàn tiền Hồ, trong khi một đô la Mỹ đổi gần 20.000 tiên VC.

            Nhưng muốn kiếm cho được một phân khối rác làm phân bón, vợ chồng con cái phải lao động cực lực, từ sáng sớm cho tới khi mặt trời khuất núi, để vừa bươi, vừa lựa, rồi còn phải sàng sảy cho sạch mới đủ tiêu chuẩn lấy tiền. Cái khổ thể xác đối với người nghèo Bình Thuận-Phan Thiết đời nào cũng vậy, nên rất là thường. Những nổi cơ cực này, chắc chắn không hề xảy ra trước tháng 4-1975 ở Phan Thiết, dù đã “ bị kềm kệp, mất tự do dân chủ, bị cấm đạo, bắt lính..”  theo sách vở của đảng và VC nằm vùng trong làng báo Sài Gòn thuở trước viết.

             Sau khi cả nước và Bình Thuận trở thành thiên đàng hạ giới, thì người dân Phan Thiết, miền quê hương rừng tiền biển bạc năm nào, vừa lao động chết xác, lại phải chịu đựng thở hít mùi hôi thúi của rác rến, cái nóng miền biển thấm vào rác ủ dưới đất lâu ngày, nhập vào da thịt, tóc óc con người thành nỗi buồn thiên cổ, không biết đâu mà kêu cứu cho đỡ khổ. Tất cả đã chạy rồi. Tất cả cùng trở lại với kinh nghiêm bóc lột học được từ Tây Tàu, Mỹ Nhật. Lần này “  Quốc- Cộng hợp tác kinh doanh “ trên xác Mẹ VN và thân phận con người nhược tiểu cô độc, thì đồng bào không chết hay bị thương mới là chuyện lạ. Ðời phân đôi ngã thời nào cũng vậy, con của Ba Tàu, Hàm Hộ, Quan Quyền thượng lưu trí thức, thì sớm hay muộn, thành đạt giàu có là chuyện đương nhiên. Còn người nghèo Xóm Biển, Dân Cầy, Lao Ðộng muôn đời, dù có chạy theo Tây Tàu , Quốc Gia hay VC, cũng phải chịu số phận hẳm hiu. Ðó là định luật của trời, ai biểu chúng ta sinh ra trong phận người nghèo, nên dù muốn hay không, cũng phải ráng làm những nghề bần cùng, cái nghề chỉ có tại các thiên đàng xã nghĩa siêu việt mà thôi.
           
            Ban trưa trên bãi rác Bình Tú thường có gió lồng lộng. Nhưng gió biển chỉ mát và trong veo tại các nơi chốn nghỉ hè, ăn chơi dành cho kẻ sang giàu tại khu du lịch Ðồi Dương, Vĩnh Thủy, Phú Hài, Rạng, Mũi Né, Hòn Rơm, Suối Tiên, Suối Hồng..và trong các khách sạn sang trọng mọc khắp Phan Thiết, Bình Thuận. Chứ gió tại đây chỉ chứa mùi xú uế của rác thúi mà thôi. Trên bãi rác Bình Tú còn có chuyện lạ khác, là mọi người khi ăn cơm phải chun trong mùng vì Mặt Trận “ ruồi nhặng “ trong chớp nhoáng đã đánh hơi cá khô, nước mắm,.từ trong “ Mật Khu bãi rác “ ào tới bu đen phía ngoài, làm cho ai chưa quen, phải sởn óc, vở mật vì khí thế đấu tranh  của sâu bọ, cướp cơm của người nghèo.

            Tất cả những ngườì sống tại đây đều vô gia cư, thuộc đủ mọi thành phần cư ngụ khắp nước, chứ không riêng gì dân Phan Thiết. Trong số này, có rất nhiều anh em Thương Phế Binh cũ. Họ sống thiếu thốn trăm bề và dựng lều ở khắp nơi, trên mồ người chết, trong bãi rác, bằng những vật liệu nhẹ kiếm được như tre nứa, giấy nhựa, thùng carton. Riêng nước uống cũng phải mua một đôi/1000 tiền Hồ, tận hồ nước ngọt của Năm Kiên, cách xa bãi rác non cây số. Do đồng tiền kiếm được quá ít ỏi, mà vật chất thì cứ leo thang theo mức độ Việt kiều về quê du hí, nên những xác ma sống trẻ già tại bãi Bình Tú phải làm luôn đêm.

             Có chứng kiến tận mắt cảnh đời về đêm, từ những ánh lửa đốt bằng vỏ xe, soi sáng những thân ma trơi, bò trên đống rác kiếm sống, mới thấy thù hận bọn Việt gian nầm vùng năm nào, đã tiếp tay với đế quốc đệ tam cọng sản, đâm sau lưng người lính VNCH, khiến cho dân chúng ngày nay ở lại chịu khổ nhục lầm than trăm bề. Hởi ơi chỉ vì miếng ăn bình thường, mà phận nghèo phải “ Bán Mặt Cho Rác Ruồi, Bán Lưng Cho Nắng Trời “, để đổi lấy mười mấy ngàn đồng tiền Hồ, bằng mồ hôi máu mắt, bằng đắng cay cưc nhọc. Ấy vậy mà những kẻ sống trong bước đường cùng này, lại phải “ ÐÓNG THUẾ “, nghe thật lạ và chói tai, nhưng nếu không phải chính miệng nạn nhân bãi rác kể, thì đố ai tin nổi. Ðó là sự thật, theo luật đảng, mỗi ông chủ bươi rác, phải đóng cho Nhà Nước qua cái gọi là “ công ty công trình đô thị “, mỗi đầu người/mỗi tháng “ 5 m3 phân đã làm sạch “.

            Bình Thuận muôn đời là vậy, chẳng khác gì loài Dông hiền lành tội nghiệp, cứ phải ẩn mình trong cát, nhẫn nhục để mà sống. Bởi vậy những ai có dịp trở lại quê nhà, hãy một lần thử đi vào những ngõ ngách làng nghèo, xóm biển hay bậm môi bịt mũi, chạy lên trên bãi rác Bình Tú, để một lần ngắn ngủi thương cho người ở lại lầm than.

            Trước cảnh đồng khô, biển cạn, đa số người Bình Thuận ba trăm năm bán dần đất đai nhà cửa của tổ tiên cho cán cộng, Việt kiều và đi vào ngỏ cụt. Bài học từ đỉnh cao của bi hài kịch “ giật hụi “ năm nào tại Phan Thiết, làm mọi người hầu hết phải ói máu. Tất cả phát xuất từ hai ổ hụi lớn nhất trong tỉnh, mà đầu sỏ “ là bọn cán bộ cao cấp VC , lãnh đạo tỉnh, tòa án và ngành công an “. Ðó là Thái Ngọc An-Trần Thị Lý, là băng hụi Diễm Phương của vợ chồng Phan Thị Xuân Phương-Lê Minh Quang và Thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Phan Thiết tên Trần Thị Tuyết “ cầm đầu. Nhưng đó là những người có tiền, nhắm mắt cầu thêm may mắn nên bị gạt. Còn những kẻ vô gia cư cùng đường, thì chỉ có bãi rác mới thích hợp, vì ở đó không có ai kể cả Việt kiều về nước làm ăn buôn bán, cũng đâu có thèm bén mảng tới tranh dành, làm phiền họ.
           
            Phan Thiét-Bình Thuận ngày nay đã đổi mới và do bọn VC con cầm quyền. Bọn này qua cố vấn của Tây Tàu-Nhật Hàn, cùng với Việt Kiều muôn phương về làm ăn hợp tac, nên quỷ quyệt táo bạo, việc gì cũng dám làm, kể cả bán nước, miễn có tiền là được. Nên về Phan Thiết mà chỉ quẩn quanh nơi chốn ăn chơi, du lịch, thì thà là ở Sài Gòn, Ðà Lạt, Hà Nội còn hơn. Cái hiện tượng sống ngày nào hay ngày đó, làm cho Phan Thiết thêm xô bồ dù đảng cố che đậy nhưng giấy sao gói được lửa, còn dân chúng thì bất cần. Thực tế phũ phàng làm cho hầu hết đều như già trước tuổi. Họ nay là những nhân chứng bất đắc dĩ của nhửng trang lịch sử mở ra hay khép lại không báo trước.

            Đồng bào cả nước ngày nay sống lầm than đến thế, vậy mà có ai ở hải ngoại vì chút từ tâm dấn thân lo cho họ, với hy vọng góp một chút lòng cho những mảnh đời tận tuyệt. Nhưng hởi ôi ! đời đâu có tha cho bất cứ ai, nên “ càng làm thì càng bị chụp “ là chỉ lường gạt đồng hương để lấy tiền chia nhau xài, về nước xây nhà cửa mới .. cho dù số tiền xin được của muôn phương không hế dính tới bất cứ một xu hào của những người phê phán, trong đó không thiếu những đỉnh cao trong xã hội Hoa Kỳ.

            Rốt cục kẻ đau khổ vẫn là những mảnh đời tận tuyệt đang quằn quại trong địa ngục VN.

Từ Xóm Cồn Hạ uy Di
Chạp 2013

MƯỜNG GIANG

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List