Liên
Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
kính
chuyển để giới thiệu cùng bạn đọc và quý diễn đàn
----------------------------------------------
Chủ Nhật, ngày 08 tháng 6 năm 2014
Phạm Hồng Sơn
Cùng chia sẻ một nghịch cảnh hình
như khiến người ta trở nên tin cậy nhau hơn. Trước đây, khi có dịp sống trong một
căn buồng kín với một số người thuộc lớp người bị gạt ra lề xã hội, tôi đã được
họ bộc bạch nhiều tâm tư, trong đó có cả những ngón nghề đặc biệt. Có một anh từng
hành nghề bất hảo ở chợ Đồng Xuân đã tâm sự cả những ngón cướp đồ.
Anh ta nói làm ăn trước những năm
1990, tức trước khi “đổi mới”, khó hơn bây giờ nhiều, bao giờ cũng phải có ít
nhất hai người. Khi phát hiện ra “con mồi”, một người sẽ phải tiếp cận làm động
tác giả để làm con mồi mất cảnh giác hoặc gây chú ý lạc hướng, còn kẻ kia sẽ ra
tay hành động. Anh ta bảo, thời đó làm ăn “thu nhập” vừa hẻo, vừa rất nguy hiểm
vì người dân xung quanh thường phản ứng rất mạnh, không thờ ơ như bây giờ, nhiều
người sẵn sàng bỏ cả cửa hàng để đuổi bắt hoặc đón đánh kẻ hành sự.
Có những “vụ”, anh ta nói, phải
thêm tiết mục giúp người bị nạn. Đấy là sau khi đồng bọn giật đồ rồi thì các đồng
bọn khác phải xúm ngay đến hỏi thăm nạn nhân hoặc cùng hô hoán, tỏ vẻ bức xúc,
chia sẻ, vỗ về nạn nhân thậm chí cùng lao đi đuổi bắt nhưng kỳ thực là nhằm cản
đường, che chắn cho đồng bọn, khống chế, xoa dịu nạn nhân và cả những người muốn
giúp đỡ thực sự, không để cho đồng bọn bị tóm hay bị nện. Anh ta bảo tiết mục
giúp đỡ đó đôi khi cũng phiền phức và chả thú vị gì vì nhiều lần lại làm cho
dân chúng đến đông quá và có khi lại phải ở lại lâu hơn để nhận lời cảm ơn và hầu
chuyện, trong khi thực bụng chỉ muốn biến cho nhan h. Những nhân vật
vào vai “giúp đỡ” thường phải diện quần áo và bộ dạng càng nghiêm chỉnh càng tốt
và có cả phương án, nếu người dân bắt được kẻ hành sự thì phải xúm ngay vào “bắt
cùng” để đánh tháo, kể cả việc phải xuống tay ngay với những ai có thực tâm bắt
giữ đồng bọn.
Thực ra câu chuyện lưu manh vặt
trên đây không xa lạ với nhiều người.
Nhưng câu chuyện này có một chi tiết đáng
nói về sinh học. Cơ thể con người bình thường khi gặp một sự cố bất ưng, hiểm
nguy, bị xúc phạm, bị đe dọa, bị chấn thương, nồng độ chất Adrenaline trong máu
tự động tăng lên rất nhan h. Chất Adrenaline có tác dụng làm tăng
chuyển hóa, tăng nhịp tim, nhịp thở,… nói chung là giúp cơ thể gia tăng khả
năng chịu đựng, làm mạnh thêm dũng khí, sự táo bạo, tính quyết đoán. Vì vậy đã
có trường hợp người ta cần làm cho một người bị chấn thương nặng sống sót bằng
cách làm người đó tức bực lên để gia tăng Adrenaline hầu giúp người bị nạn chịu
được đau đớn, nếu không sẽ có khả năng bị chết vì sốc do đau trước khi tới được
nơi cấp cứu.
Quay lại câu chuyện giang hồ kể
trên. Trò giúp đỡ, xoa dịu của mấy anh thảo khấu đó có một tác dụng ngược với
trường hợp cứu người bị chấn thương vừa kể, tức làm giảm Adrenaline – đối tượng
tự nhiên sẽ trở nên hòa hoãn, an tâm hơn tức nhụt khí đi một cách tự nhiên – rất
có lợi cho kẻ bất hảo.
Nhìn vào vấn đề Trung Cộng xâm lấn
trong vài năm qua, chúng ta có thể thấy chính quyền Việt Nam cũng làm nhiều việc
“giúp đỡ” như câu chuyện kể trên. Họ đã cho tổ chức nhiều hoạt động, rất đa dạng,
từ trong nước ra ngoài nước, từ hội thảo, triển lãm, thành lập chính quyền cho
Hoàng Sa, kêu gọi đóng góp “sỏi đá”, lập quĩ cho tới việc hỏi thăm ngư dân, lên
án Trung Cộng hay thậm chí chuẩn bị kiện Trung Cộng, v.v. Nhưng điều cốt lõi nhất
là phải tôn trọng quyền dân, thay đổi nền chính trị theo hướng phi độc tài – những
yếu tố nền tảng bậc nhất để chống Trung Cộng trước mắt cũng như lâu dài – thì
chưa bao giờ chính quyền này tỏ ra muốn thực hiện, tương tự như mấy anh giang hồ
đóng kịch kể trên, họ chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng, xoa dịu dư luận, ngăn
chặn người công chính và (vô hình chung) làm giảm Adrenaline của xã hội.
Tọa đàm “Làm sao để thoát Trung” [i]ngày 05/06/2014 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và
Kỹ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội, theo tôi, cũng thuộc một dạng hoạt động
giống như tiết mục “giúp đỡ” kể trên.
Cách đây không lâu, tôi có tiếp xúc
với một số anh em làm trong ngành công an và quân đội ở cấp không cao lắm,
nhưng không một ai mơ hồ về ác tâm của Trung Cộng, chỉ có điều mọi người tỏ ra
bế tắc và chán nản, rồi nói “Thôi im đi cho nó lành, anh ạ!”
Như vậy, tôi tin rằng vấn đề phải rời
xa Trung Cộng không còn là vấn đề khó nhận ra hay còn khó về mặt lý luận nữa.
Thực tế cuộc sống đường phố hàng ngày cũng quá đủ để cho những người như các bà
nội trợ, các chị osin đều trả lời: Phải thoát Trung Cộng!
Còn cách thoát sự kiểm soát, ảnh hưởng
xấu của Trung Cộng, đây là vấn đề phức tạp hơn, cũng không phải quá khó để tìm
ra những giải pháp tối ưu nếu bất cứ ai muốn thoát thực sự. Dĩ nhiên, các hoạt
động nghiên cứu, lý luận và các sự kiện nhằm duy trì, gia tăng chú ý của công
luận luôn luôn cần thiết. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, một hoạt động nhằm mục
đích “thoát Trung” mà lại được thực hiện ngay trong khuôn khổ kiểm soát, từ địa
điểm cho tới sự bảo trợ, của chính “người bạn vàng” của Trung Cộng, và lại được
khai mạc bởi quí ông “lạc quan vô tận”, thì sao có thể
có động cơ ngay chính được, nói gì đến việc thoát khỏi Trung hay Cộng.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến vết thương trên đầu của Luật sư Nguyễn Văn Đài vẫn còn
chưa mọc đủ tóc và vết thương phẫu thuật đầu gối của chị Trần Thị Nga vẫn
chưa cắt chỉ, với các vết đụng dập tím bầm. Và còn bao người khác suốt
Trung Nam Bắc vẫn đang bị rình rập ngày đêm hoặc ăn đòn bất cứ lúc nào. Lý do?
Nói lại thì đau lòng thêm. Nhưng cần phải nhớ lại những cú đánh đó đã diễn
ra ngay tại Hà Nội, chỉ cách số nhà 53 Nguyễn Du không xa lắm và không phải do
bàn tay của người Tàu. Những đòn thù đó diễn ra ngay lúc cả cái tổ hợp giàn
khoan khổng lồ của Trung Cộng đang chễm chệ khuấy đảo biển Việt Nam.
Tôi có cảm tưởng một số những nhà
hoạt động xã hội hiện nay cả tin đến mức như những chú chim hồn nhiên mới bị nhốt
vào một ngôi nhà lớn, cứ thấy vệt sáng “dân chủ”, “nhân quyền”, “Hoàng Sa”,
“Trường Sa”, “thoát Trung”,… là lao tới, không biết đó là khung trời thật hay
chỉ là bầu trời vẽ, khung kính cửa sổ hay một lối thoát dẫn sang một cái lồng
khác.
Nhưng đó chưa hẳn là những hệ lụy
thâm sâu nhất.
Vào cuối câu chuyện trong buồng kể
trên, anh giang hồ cho biết sau này người dân cũng nhận ra những trò đóng kịch
“giúp đỡ” đó, nhưng lạ là người dân cứ dần dần lảng tránh rồi thờ ơ trước những
tiếng kêu “Ối, cướp, cướp!”. Anh ta bảo, sau năm 1990, phần vì công an kém
“hăng” hơn trước, chỉ những gì có “màu”, nhiều “màu” thì họ mới để tâm, phần vì
dân “sợ bị lẫn với chúng tôi” hoặc “lớ xớ quá là chúng tôi ục cho bỏ mẹ!”. Cả
căn buồng lặng băng.
Khi lòng tốt của con người bị hắt hủi,
nghi ngờ hay lừa gạt người ta đều cảm thấy nhói lên trong lòng. Trọng Lang, tác
giả của thiên phóng sự đặc sắc Hà Nội lầm than vào những năm 30 của thế
kỷ trước, cũng đã trải nghiệm cảm xúc này. Một lần ra chợ Đồng Xuân, Trọng Lang
gặp hai đứa trẻ lang thang:
“Chúng nhướng lông mày lên, chớp
mắt rất thong thả, rồi thở dài; chỉ trong một giây đồng hồ, cái đói âm thầm hiện
dưới những nét đau đớn, ngây thơ…
Tôi lại gần chúng nó, để vào tay thằng bé lớn nhất một hào bạc:
-
Các em đói?
Nó mỉm cười như đứng trước cái kẹo của một thày đội cảnh sát, nhìn đồng hào
mà nói:
-
Bịa!
Cả hai đứa nắm tay nhau, âu yếm nhìn nhau, rồi âu yếm quàng vai rắt nhau
quay đi.
Thằng bé nhất còn quái cổ nói với tôi rằng:
-
Bác đùa làm gì thế?
Tôi hiểu lắm: cũng như con chó bị đòn nhiều quá đều ngờ vực sự vuốt ve, âu
yếm, chúng nó hai con “người ngay” ấy, sợ cả đến tấm lòng tử tế của loài người.” (sic)[ii]
Dân Việt suốt từ năm 1945 đến nay
cũng đã phải “ăn đòn” không ít, từ Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, rồi
Bù giá vào lương, Cải tạo công thương, Z30,…, đã gặp phải quá nhiều đồ giả, từ
giả bằng, giả người, giả lời, giả quốc hội, giả tòa án, giả yêu nước..., và
đang bị tràn ngập hàng giả, hàng nhái Made in China, không, đã thành Made in
PRC rồi[iii]. Nhưng, những dấu hiệu như tọa đàm trên đây
cho thấy dân ta chưa hẳn đã có sự thận trọng cần thiết như hai đứa trẻ của Trọng
Lang.
Và một điều khác cũng không kém phần
đáng sợ: niềm tin ít ỏi vào cái thật, người thật của chúng ta có thể sẽ cạn, những
nhà hoạt động nghiêm túc có năng lực có uy tín của chúng ta vốn đã hiếm có thể
sẽ không còn.○
[i] Có thể xem thêm một số tường thuật khác về tọa đàm này: (1), (2) nhưng đã bị xóa, xin xem ở đây.
[ii] Trọng Lang, Trong làng “chạy”, báo Ngày Nay, năm
1935, trích lại trong Phóng sự Việt Nam 1932-1945, Tập 3, Nxb Văn học,
2000, tr.553-554.
[iii] PRC viết tắt của People’s Republic of China – Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa. Nhiều sản phẩm sản xuất ở Trung Cộng đã dùng chữ Made in
PRC thay cho Made in China.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.