Việt Nam: Đề nghị tịch thu nhà đất của ông Trần Văn Truyền
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị tịch thu nhà
đất của ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ - DR
Các bất động sản có giá
trị lớn của ông Trần Văn Truyền, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra
Chính phủ Việt Nam đã bị đề nghị tịch thu, theo kết luận công bố hôm nay
21/11/2014 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là lần đầu tiên một quan chức
cao cấp bị yêu cầu tịch biên tài sản, trong khi lâu nay đảng Cộng sản Việt Nam
vẫn bị chỉ trích là dung dưỡng cho nạn tham nhũng.
Theo thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần
Văn Truyền « có một số vi phạm về chính sách nhà đất » trong khi còn đương chức
và cả khi về nghỉ hưu.
Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ (2007-2011) đã gian dối khi hai
lần thụ hưởng ưu đãi về chính sách nhà đất trong hai năm 2002 và 2003. Cụ thể,
ông đã xin mua một căn nhà có diện tích khá lớn ở Bến Tre, đã được Nhà nước bỏ
tiền tu bổ trên 400 triệu đồng, cam kết rằng chưa được cấp đất. Trong khi đó
ông đã xây nhà trên một thửa đất được cấp cũng tại tỉnh Bến Tre, có diện tích
thực tế gần gấp đôi so với trên giấy tờ.
Tại Saigon, ông Trần Văn Truyền khai « hoàn cảnh khó khăn về nhà ở
» để thuê và sau đó xin mua căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, nhưng
sau đó để cho người khác cư ngụ và bán hàng. Điều đáng nói là trong thời điểm
ông làm đơn xin mua căn nhà trên, vợ ông đang đứng tên một căn nhà được tặng
tại quận 9, và con gái ông sở hữu một căn nhà khác tại khu căn hộ cao cấp Hùng
Vương ở quận 5.
Bên cạnh đó, ba năm sau khi nghỉ hưu ông mới chịu trả lại căn nhà
công vụ ở Hà Nội khi bị phát hiện. Dư luận cũng phê phán việc các con ông Trần
Văn Truyền mua gom trên 24.000 mét vuông đất ở Bến Tre, xây dựng một biệt thự
có diện tích lên đến trên 1.200 mét vuông. Nghi vấn cũng được đặt ra quanh việc
ông được người thừa kế của mẹ nuôi tặng một biệt thự trên 500 mét vuông ở quận
9.
Qua việc kiểm tra sáu trường hợp nhà đất nói trên, Ủy ban Kiểm tra
Trung ương yêu cầu ông Trần Văn Truyền và các tổ chức, cá nhân liên quan phải
kiểm điểm trách nhiệm. Đồng thời chỉ đạo thu hồi các thửa đất và căn nhà có
được trái với quy định của pháp luật.
Được biết trong báo cáo gần đây do người kế nhiệm của ông Truyền
là Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh công bố, thì chỉ phát hiện được
có 5 vụ sai phạm trong gần một triệu trường hợp cán bộ kê khai tài sản cá nhân
năm 2013.
Trong số các quan chức cao cấp bị báo chí và dư luận tố cáo có
khối tài sản khổng lồ có thể kể ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra Chính phủ
; Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban tỉnh Bình Dương…Động thái nghiêm khắc bất ngờ
trên đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm người ta liên tưởng đến chiến dịch
« đả hổ, diệt ruồi » của Tập Cận Bình ở Trung Quốc ; đặc biệt là ngay trước Hội
nghị trung ương Đảng Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Một nền báo chí tự do
cho Việt Nam: Bài viết gây xôn xao dư luận
Tin liên hệ
22.11.2014
Trong bài viết đăng trên tờ the New York Times hôm 19 tháng 11,
nguyên Tổng Biên Tập báo Thanh Niên kêu gọi một nền báo chí tự do cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Khế nói đã đến lúc chính phủ Việt Nam phải cho phép truyền
thông hoạt động tự do, và đó là điều kiện thiết yếu để Việt Nam có thể tiếp tục
nỗ lực cởi trói kinh tế và chính trị. Ông cảnh báo rằng có làm như vậy, Đảng
Cộng sản Việt Nam mới lấy lại được niềm tin của nhân dân hầu có thể sống còn.
Bài viết này đã gây xôn
xao dư luận cả trong lẫn ngoài nước.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt,
một nhà đấu tranh cho dân chủ đang sống ở Hoa Kỳ, người đã thành lập Diễn Đàn
Dân chủ, một tờ báo chui vào năm 1990, nhận định về bài báo này như sau:
“Bài báo này tôi nghĩ,
ra rất là đúng lúc, cái vấn đề tự do báo chí đáng nhẽ ra phải được đặt ra lâu
rồi. Một cái tiếng nói như Nguyễn Công Khế không đủ để tạo thêm được cái niềm
tin. Bây giờ có cởi trói cho tự do báo chí, thì tôi nghĩ là cái niềm tin cũng
không chắc đã lấy lại đươc, trừ phi có những cái hành động mạnh mẽ hơn nữa, may
ra thì Đảng Cộng sản còn có hy vọng là tồn tại được ở trong nền chính trị Việt
Nam trong những thập niên tới.”
Từ trong nước, nhà báo
độc lập từng lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi tự do ngôn luận và tự do báo chí, ông
Nguyễn Khắc Toàn từng bị tù đầy vì lập trường kiên cường của ông ủng hộ dân
chủ, tự do và một chế độ đa nguyên, cho biết ý kiến về bài báo của ông Nguyễn
Công Khế:
“Tôi rất hoan nghênh cái
lập trường của anh Nguyễn Công Khế đã công khai đòi nhà nước, đòi Đảng Cộng sản
Việt Nam phải thực hiện trước mắt là cái quyền tự do báo chí cho xã hội Việt
Nam. Thì đây là một cái đòi hỏi rất chính đáng và rất cần thiết. Tiếng nói của
anh ấy đã góp phần vào công cuộc đấu tranh đòi tự do hoá ở Việt Nam, trong đó
có một cái quyền rất căn bản của xã hội và của nhân dân Việt Nam, đó là cái
quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.”
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn
đồng ý với quan điểm với ông Khế rằng đã có một số thay đổi lớn trong giới
truyền thông Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, và nhà nước Việt Nam đang mất
dần sự kiểm soát đối với giới truyền thông. Ông nói:
“Cái sự quản lý, cái sự
kiểm soát, cái sự kìm kẹp của bộ máy nhà nuớc, bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam mà
đứng đầu là Ban Tuyên giáo, đã quá lỗi thời và lạc hậu, cho nên những gì mà anh
Nguyễn Công Khế đã làm việc, đã đứng trong cái hệ thống truyền thông quốc doanh
này và anh ấy đã nói là hoàn toàn chính xác.”
Trong bài viết đăng trên báo New York Times, ông Nguyễn Công Khế nói
tự do báo chí, tự do ngôn luận là tốt cho đất nước và cũng tốt cho chế độ,
nhưng giới quan sát trong và ngoài Việt Nam tin rằng chế độ cầm quyền toàn trị
của Cộng sản Việt Nam khó có thể sống chung với tự do báo chí. Giáo sư Đoàn
Viết Hoạt cho biết:
“Tôi nghĩ rằng phải có
một bản Hiến Pháp hoàn toàn mới, mà không những vậy mà còn phải có một tiến
trình để đi đến một bản Hiến Pháp mới, và cái tiến trình ấy nó đòi hỏi một cái
quốc hội khác, một cái quốc hội lập hiến. Mà quốc hội lập hiến chỉ có thể xảy
ra khi ta có một cuộc bầu cử thật sự tự do và đa đảng. Do đó tôi nghĩ rằng phải
thay đổi chế độ thì chúng ta mới có thể có được một nền tự do trong đó có tự do
báo chí. ”
Ông Nguyễn Khắc Toàn
nói:
“Đảng Cộng sản và chế độ
toàn trị mà Đảng đang duy trì không thể sống chung được với cái nền tự do báo
chí, cũng như là tôn trọng các quyền con người thực sự ở đất nước này.”
Là một đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam, và trong hơn hai thập niên đã từng đứng đầu tờ báo có số
lượng độc giả lớn nhất nước, ông Nguyễn Công Khế là một nhân vật từng có ảnh
hưởng rất lớn. Liệu ông có gặp khó khăn như những nhà đấu tranh cho các quyền
dân chủ và tự do báo chí? Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn chia sẻ quan điểm của ông về
phản ứng có thể có từ phía chính quyền Việt Nam:
“Tôi tin chắc rằng hiện
nay ban Tuyên giáo ở trung ương và Bộ Chính trị Việt Nam và bộ máy kiểm soát,
kìm kẹp truyền thông của nhà nước là hiện nay rất bối rối. Đàn áp Nguyễn Công
Khế, bịt miệng Nguyễn Công Khế, bắt Nguyễn Công Khế… thì bối cảnh ngày nay
không cho phép làm những chuyện đó, nhất là Nguyễn Công Khế là một đảng viên
Cộng sản từng đứng đầu một tờ báo tương đối có uy tín trong nước, có số lượng
độc giả rất lớn ở trong và ở ngoài nước.”
Ông Nguyễn Khắc Toàn là
một cựu chiến binh và cũng là phóng viên tự do, ông từng bị tù đày vì đã đấu
tranh để dân chủ hoá đất nước và đòi các quyền tự do, trong đó có tự do báo
chí. Cùng với luật sư Lê thị Công Nhân, ông là người đồng sáng lập Công đoàn
Việt Nam độc lập để bênh vực và bảo vệ quyền lợi cho những người lao động ở
trong nước.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt
là một nhà đấu tranh để dân chủ hoá Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ, ông cũng là
một trong những nhà đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền,
và tự do báo chí, từng bị cầm tù lâu năm ở Việt Nam vì những hoạt động của ông.
Ông được phóng thích và sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình từ năm 1998.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.