TẠP CHÍ KHOA HỌC
Ô nhiễm môi trường: Trí thông minh nhân loại
lâm nguy?
Chì, bisphenol A, PFCs (perfluorocarbon dùng
trong công nghiệp)… Phải chăng những loại hóa chất gây ô nhiễm đang làm xói mòn
trí khôn con người? Nhiều dấu hiệu cho thấy sự gia tăng đáng ngại các chứng rối
loạn tự kỷ và hành vi đều có liên hệ với các loại chất độc hại này. Chúng làm
tổn hại sự phát triển não bộ, có thể làm giảm khả năng nhận thức của những thế
hệ tương lai và có những tác động nặng nề lên nền kinh tế và xã hội sau này.
Vào khoảng cuối năm 2014 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng
ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Diseas Control & Prevention American)
công bố các kết quả thống kê cho thấy sự phổ biến chứng bệnh tự kỷ tại Mỹ có
tốc độ tăng nhanh đáng ngại.
Theo báo cáo của CDC, trong hai mươi năm gần đây
chứng tự kỷ tăng gần như theo hàm số mũ. Năm 1975, tỷ lệ trẻ mắc chứng rối loạn
tự kỷ là 1/5000. Hai mươi năm sau, năm 1995, số trẻ mắc chứng bệnh trên tăng
gấp mười lần đạt tỷ lệ 1/500. Nhưng đến năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn là 1/68, so
với trước đó hai năm (2012) là 1/88, tăng thêm 30%.
Di
truyền không phải là nguyên nhân duy nhất
Thống kê của CDC còn cho thấy rõ 40% số ca được phát hiện có chỉ
số thông minh IQ dưới 70 điểm. Ngoài chứng tự kỷ, nhiều chứng bệnh khác có liên
quan đến rối loạn tâm thần và hành vi cũng tăng theo trong những năm gần đây
như chứng tăng động và rối loạn tập trung. Năm 2003, Trung tâm Kiểm soát và Phòng
ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính có khoảng 7,8% trẻ trong độ tuổi 4-17 mắc các
chứng bệnh trên. Nhưng đến năm 2007 tỷ lệ trên là 9,5% và 11% trong năm 2011.
Nhìn chung tại Mỹ ước tính cứ 6 em thì có một trẻ mắc các chứng rối loạn về
phát triển có liên quan đến não hay một cơ quan nào đó.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao lại có sự gia tăng đột biến như vậy? Đâu là
nguyên nhân của “dịch bệnh” trên? Và Hệ quả nào cho kinh tế-xã hội? Trong một
số báo đăng vào đầu tháng 12/2014 vừa qua, với hàng tựa báo động “Ô nhiễm: Trí não lâm nguy”,
nhật báo Le Monde của Pháp đã cố gắng giải thích các câu hỏi vừa nêu. Tờ báo
trích giải thích của các nhà khoa học cho rằng tần số rối loạn tâm thần và hành
vi tăng nhanh phần lớn là kết quả của hiện tượng con người bị phơi nhiễm nhiều loại
hóa chất ô nhiễm phát tán trong môi trường, nhất là đối với phụ nữ mang thai và
trẻ nhỏ. Đây cũng là một trong những đề tài trọng tâm xuất hiện khá nhiều trên
các tạp chí khoa học uy tín trong những năm gần đây.
Nhà sinh học người Pháp, bà Barbara Demeneix- Giám đốc Viện Quản
lý, Phát triển và Đa dạng phân tử, trực thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc
gia, Pháp giải thích rõ – : “Tần số chứng tự kỷ được phát hiện
trong những năm gần đây tăng nhanh đến mức người ta không thể chỉ quy cho một
mình yếu tố di truyền và không thể bỏ qua yếu tố môi trường. Đương nhiên, một
phần mức tăng đó có thể được giải thích là do nhờ vào các chẩn đoán và thông
tin tốt nhất từ các y bác sĩ và gia đình, nhưng phần lớn mức tăng còn lại là do
những yếu tố khác”.
Hóa chất gây ô nhiễm: tác nhân chính gây rối loạn phát triển não
bộ
Trong tác phẩm Losing Our Minds, nhà sinh học Pháp nêu rõ một
trong những nguyên nhân chính của sự tăng đột biến đó là do sự tăng sinh các
phân tử tổng hợp – những chất có khả năng hoạt động giao thoa với chức năng của
tuyến giáp.
Hầu hết các nhà khoa học đều biết rõ là tuyến giáp có một vai trò
chính yếu trong quá trình phát triển não: đó là chức năng điều chỉnh cách biểu
thị những gien kiểm soát quá trình hình thành những bộ phận não phức tạp như vỏ
não hay hồi hải mã. Dĩ nhiên, không phải chất nào cũng bị cho là làm tăng rủi
ro mắc chứng tự kỷ, nhưng chúng đều có khả năng làm sai lệch hành vi hay khả
năng nhận thức của trẻ nhỏ khi còn ở giai đoạn bào thai hay giai đoạn đầu đời.
Công trình nghiên cứu của Barbara Demeneix được nhiều đồng nghiệp
quốc tế đánh giá cao. Bởi vì bà đã tập hợp được khá đầy đủ các dữ liệu để chứng
minh rằng “tất cả những chất gây rối loạn nội tiết tố, cũng như
kim loại nặng đều có thể gây nhiễu hành chức của tuyến giáp bằng nhiều tiến
trình”, theo nhận xét của nhà sinh học người Mỹ Ana Soto, giáo sư
trường đại học Tufts tại Boston, Hoa Kỳ.
Ví dụ, các hợp chất brom có thể ức chế tuyến
giáp hấp thụ i-ốt, dẫn đến việc cơ quan này sản xuất ra hóc-môn ít hơn. Các
phân tử clo có thể cản trở việc phân phối i-ốt đến các mô. Hay như thủy ngân hạn chế các chức năng của những enzyme có thể sản xuất ra chính
những hóc-môn này… Khi một phụ nữ mang thai bị phơi nhiễm, chắc chắn bào thai
cũng bị nhiễm theo. Và như vậy rủi ro lớn nhất là quá trình hình thành não của
thai nhi sẽ không được thực hiện một cách tối đa.
Do đó, để hạn chế các tác dụng của những hóa chất độc hại này và
nhằm đảm bảo cho tuyến giáp được hoạt động tốt, Barbara Demeneix nhấn mạnh đến
tầm quan trọng của việc bổ sung thêm i-ốt cho phụ nữ mang thai – vốn dĩ hoàn
toàn thiếu trong muối biển.
Sự
thờ ơ của các nhà quản lý
Vấn đề đặt ra những loại hóa chất có thể gây nhiễu các tiến trình
đó thì nhiều vô kể. Bà giải thích: “Các nhà hóa học lạm dụng các chất phenol. Họ thêm vào đó các nhóm hóa chất có gốc clo, flo, brôm chẳng hạn. Do hóc-môn tuyến giáp có chứa i-ốt, cũng
là một nhóm hóa học. Kết quả là chúng ta đưa ra thị trường cả một núi hóa chất
tổng hợp, những chất rất giống với hóc-môn tuyến giáp”.
Theo đánh giá chung của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về rối
loạn nội tiết tố, các xét nghiệm được thực hiện nhằm dò tìm và đưa ra các qui định
quản lý các loại hóa chất gây tổn hại đến sức khỏe con người là chưa đầy đủ.
Ông Philippe Grandjean - giáo sư về y học môi trường, trường đại học Havard và
đại học Đan Mạch, là một trong những người tiên phong trong các nghiên cứu về
tác hại của ô nhiễm lên não bộ trong giai đoạn đang phát triển.
Trả lời phỏng
vấn báo Le Monde, ông phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của các nhà công
nghiệp và quản lý hiện nay:
“Các loại chất này đương nhiên không được thử nghiệm kỹ
càng về các tác động của chúng lên sự phát triển của não trước khi đưa ra thị
trường. Ngày nay các nhà công nghiệp và các nhà chức trách nói với chúng ta là
chẳng có vấn đề nghiêm trọng về nhiễm độc thần kinh phát triển với các loại sản
phẩm đang lưu hành. Rằng chúng ta cần phải kiên nhẫn 10 hay 20 năm nữa để có đủ
bằng chứng chắc chắn cho từng loại sản phẩm, trước khi tìm cách giúp người dân
tránh bị phơi nhiễm. Điều này quả là vô đạo đức mà cũng không phù hợp. Họ đang
đặt trí khôn của những thế hệ sau trong tình trạng lâm nguy. Những thế hệ thật
sự rất cần đến trí khôn này để biết cách làm thế nào vượt qua tất cả những vấn
đề mà chúng ta để lại cho con cháu”.
Ô
nhiễm làm xói mòn trí khôn nhân loại?
Tuy nhiên, theo bà Barbara Demeneix, mức tăng đột biến các chứng
rối loạn liên quan đến thần kinh chỉ mới là bề nổi của cả một vấn đề khác rộng lớn
hơn nhiều: Sự xói mòn khả năng nhận thức của các thế hệ tương lai, hệ quả của
tình trạng phơi nhiễm thường xuyên và ngày càng nhiều trước các loại kim loại
nặng và hóa chất tổng hợp.
Về điểm này, Giáo sư Philippe Grandjean cũng đồng quan điểm với
nhà sinh học Pháp. Nhưng theo giáo sư khó khăn lớn nhất để có thể thuyết phục
các nhà quản lý đưa ra các qui định kiểm soát là thiếu các bằng chứng khoa học
trực tiếp:
“Chúng tôi biết rằng chì, thủy ngân, một số loại chất ô
nhiễm hữu cơ, một số loại thuốc trừ sâu và dung môi có tác dụng làm giảm chỉ số
thông minh IQ ở trẻ nhỏ. Điều này là chắc chắn rồi và hiện đang diễn ra. Trên
bình diện dân số, có nhiều chỉ số cho thấy có sự gia tăng các hiện tượng tự kỷ,
giảm tập trung và tăng động. Nhưng về hai điểm sau cùng, bồi thẩm đoàn lúc nào
cũng bàn cãi.
Chúng
tôi có các bằng chứng gián tiếp, chủ yếu từ các nghiên cứu trên động vật, nhưng
lại không có bằng chứng trực tiếp và quyết định. Do đó là những bằng chứng khó
có thể có được trên bình diện một nhóm người. Như vậy chúng ta cần các bằng
chứng ở cấp độ nào để mà hành động trên một vấn đề quan trọng đến như vậy? Theo
tôi, tôi cho rằng các hóa chất đó có tham gia vào căn bệnh tự kỷ và tăng động
là hoàn toàn có thể và chấp nhận được ”.
Thiệt
hại to lớn cho kinh tế
Như vậy ô nhiễm sẽ có những hậu quả ra sao lên nền kinh tế- xã hội
trong dài hạn? Để có thể đo lường các tác hại do ô nhiễm gây ra, các nhà khoa học
đã tìm cách tính số điểm chỉ số thông minh IQ bị mất và qui chúng thành số
thiệt hại về mặt kinh tế. Bằng cách so sánh giữa hai nhóm bị phơi nhiễm và
không bị phơi nhiễm, các nhà dịch tễ học có thể tính ra được con số IQ bị thất
thoát theo từng mức độ phơi nhiễm. Lấy chì làm ví dụ, các tính toán khoa học
cho thấy cứ mỗi mức 10 μg chì trong một lít máu tương đương với việc mất một
điểm chỉ số thông minh IQ.
Tiếp đến, các khảo cứu về thai nhi của một nhóm mẫu có thể cho
phép rút ra tỷ lệ phơi nhiễm bình quân. Ví dụ, chỉ cần giảm mất 5 điểm IQ trung
bình thì số thần đồng trong xã hội bị giảm đến 60%. Mặt khác, nó còn làm tăng thêm
50% số cá thể bị thiểu năng tâm thần, cần một sự hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt.
Vào tháng 04/2012, David Bellinger đưa ra những ước tính về tổng
số điểm IQ bị thất thoát trong số 25,5 triệu trẻ em Mỹ dưới 6 tuổi , được công
bố trên tờ Environmental Health Perspectives (EHP). Theo khảo sát của ông, nhóm
trẻ bị phơi nhiễm chì (chủ yếu qua các loại sơn) bị mất tổng cộng khoảng 22
triệu điểm IQ so với cùng nhóm mẫu không bị phơi nhiễm. Còn nhóm bị nhiễm các
loại thuốc trừ sâu hữu cơ mất 16 triệu điểm. Riêng về phần những trẻ bị nhiễm
thủy ngân, có nguồn gốc chính từ hải sản, tổng số điểm IQ bị bốc hơi là 1,5
triệu.
Tin là có một sự liên hệ giữa khả năng nhận thức của cá thể, trình
độ học vấn và mức thu nhập, các nhà kinh tế học còn ước tính được mức hao hụt
kinh tế do hiện tượng xói mòn chỉ số thông minh. Tại Hoa Kỳ, dựa vào mô hình toán
học do Joel Schwartz phát triển vào năm 1994 và được giới nghiên cứu về sức
khỏe cộng đồng sử dụng rộng rãi, các nhà khoa học tính ra rằng ở một cá nhân,
cứ một điểm IQ bị giảm đi tương đương với 19000 đô-la bị thất thu trong suốt
cuộc đời. Như vậy, đối với nhóm trẻ bị phơi nhiễm chì, mỗi năm kinh tế Hoa Kỳ
thiệt hại đến hơn 50 tỷ đô-la.
Tại Pháp, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra cho thấy chỉ riêng với
phơi nhiễm thủy ngân cũng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế mỗi năm từ 8-9 tỷ
euro. Con số thiệt hại đó còn ấn tượng hơn nữa tại các nước đang phát triển. Nghiên
cứu của ông Leo Trasande thuộc trường đại học New York, công bố vào năm 2013
trên Environnmental Health Perspective cho thấy chỉ riêng với phơi nhiễm chì,
thiệt hại về chỉ số thông minh quy đổi sang năng suất kinh tế, hằng năm Châu
Phi mất 135 tỷ đô-la, Châu Mỹ La-tinh 142 tỷ và nhất là Châu Á mất đến 700 tỷ.
Tuy nhiên, cách tính theo phương pháp Schwartz cũng gây ra nhiều
tranh cãi. Nhà dịch tễ học người Pháp Denis Zmirou-Navrier thuộc EHESP (Ecole
des hautes etudes en sante publique) cho rằng phương pháp này đã không tính đến
yếu tố một số nền kinh tế nhọc nhằn thu hút lực lượng lao động tay nghề cao.
Nói tóm lại, việc nâng cao trình độ học vấn cũng chưa hẳn đảm bảo là sẽ có mức
thu nhập cao.
Gánh nặng xã hội
Không chỉ thiệt hại về kinh tế, phơi nhiễm hóa chất độc hại còn có
những hậu quả nặng nề cho xã hội. Ngoài việc làm giảm chỉ số IQ, một số loại
chất độc còn có thể gây ra nhiều tổn thất khác cho con người. Giáo sư Philippe Grandjean
và đồng nghiệp Hoa kỳ, giáo sư Philippe Landrigan (Mount Sinai School of
Medicine, New York), đã có những cảnh báo trên tạp chí khoa học Lancet
Neurology như sau:
“Hành vi chống xã hội, tội phạm gia tăng hay bùng nổ bạo
lực dường như là kết quả của việc phơi nhiễm các loại độc tố thần kinh ngay từ
đầu đời. Hệ quả là cần rất nhiều đến các dịch vụ giáo dục đặc biệt, nhiều trại
giáo huấn hay trại tù hơn nữa. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ tội phạm giết người đã giảm đi rất nhiều kể từ
khi từ bỏ loại xăng chứa chì trong 20 năm qua. Điều này xác chứng cho ý kiến nhiễm
chì sớm là yếu tố quyết định mạnh mẽ lên hành vi trong những năm về sau”.
Trong viễn cảnh không mấy sáng sủa đó, vào tháng 10/2014, Tổ chức
Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) đã kêu gọi thực hiện nhiều loại thử nghiệm
mới có khả năng sàng lọc tốt hơn các loại phân tử hoạt động giao thoa với tuyến
giáp. Đây được cho là một ưu tiên cao nhất cần phải đạt được. Bởi vì, điều đó
không chỉ liên quan đến trí khôn của những thế hệ tương lai mà còn là cả một
vấn đề sức khỏe cộng đồng theo nghĩa rộng.
Để kết thúc, chúng tôi xin trích lại
lời nhận định của nhà sinh học Pháp Barbara Demeneix như sau:
“Các nhà dịch tễ học nhận thấy từ rất lâu là trong cùng
một tầng lớp xã hội, những người có chỉ số thông minh cao sống thọ hơn. Bởi vì
theo lý thuyết nguồn gốc phát triển bệnh tật, sức khỏe chúng ta lệ thuộc một
phần vào cách thức các mô của chúng ta đã được phát triển trong giai đoạn bào
thai. Do đó, khả năng nhận thức rất có thể được xem là một kiểu dấu hiệu phơi nhiễm
trong giai đoạn bào thai và trong suốt thời gian ấu thơ với các tác nhân hóa
học. Vì vậy, Bị phơi nhiễm ít cũng có thể có nghĩa là có một chỉ số IQ cao và
đồng thời ít dễ mắc các bệnh không lây nhiễm hơn”.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.