Giá dầu sụt ảnh hưởng tài chính VN?
- 23
tháng 12 2015
Giá dầu thế giới đã sụt giảm liên tục trong mấy tuần đầu tháng 12
và ở mức thấp kỷ lục trong vòng bảy năm qua, với giá dầu thô Tây Texas ở mức
37.65 USD/ thùng, trong khi dầu thô Brent giảm còn 40.73 USD/ thùng.
Vậy liệu dự toán Ngân sách Nhà nước của Việt Nam, vốn đưa ra nguồn
thu từ dầu thô năm 2015 đạt 93 tỉ đồng với giá dầu thô xấp xỉ 100 USD/thùng, sẽ
bị ảnh hưởng như thế nào và liệu con số bội chi năm 2015 sẽ lên hơn mức dự toán?
Có phải nguyên nhân chính dẫn tới việc bội chi tăng là do giá dầu thô giảm
mạnh trên thị trường Quốc tế hay không?
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt hôm 10/12/2015, Phó giáo sư Học
viện Tài chính, ông Đinh Trọng Thịnh, cho biết con số bội chi năm 2015 sẽ
vượt hơn mức 5% một chút, tuy nhiên nguyên nhân chính không phải do giá dầu
thô giảm, trong khi nhà báo kiêm nhà nghiên cứu kinh tế, ông Phan Thế Hải, lại
cho rằng giá dầu thô giảm đóng góp rất nhiều vào con số bội chi năm nay.
Ảnh hưởng dự toán tài chính?
Trong bản báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm
2015 do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đưa ra, “mặc dù thu từ dầu thô giảm
nhưng được bù đắp bởi thu nội địa nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 đạt
927,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so cùng kỳ 2014.”
Phó giáo sư Đinh Trọng Thịnh giải thích: “Mức sụt giảm giá dầu thô
hiện nay không phải là con số lớn cho nguồn thu ngân sách trong năm nay. Giá
dầu sụt giảm lại được bù đắp bằng việc một số mỏ dầu ở Việt Nam tăng khai
thác và trong kế hoạch sắp tới một số mỏ dầu có chi phí đắt có thể sẽ giảm sản
lượng khai thác. Trong năm 2015, sụt giảm trong tổng giá trị bán dầu thô không
đáng kể, không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước năm nay.”
Nguyên nhân chính dẫn đến việc bội chi tăng năm nay không phải
là do giá dầu thô giảm vì trong kế hoạch điều chỉnh ngân sách cũng có điều
chỉnh đối với giá bán dầu thô khoảng từ 50 USD đến 60 USD/thùng, ông Thịnh giải
thích thêm.
Với thực tế hiện nay bội chi ngân sách nhà nước được tính toán
theo cách lấy số chi rồi từ đó đặt ra những nguồn thu để đáp ứng, theo ông
Thịnh cho biết, "vì vậy bội chi ngân sách là một khoản được xác định
xảy ra hàng năm và thông thường rơi vào khoảng 5% và dẫn đến việc vay nợ công,
vay nợ nước ngoài và trong nước tăng lên để có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư phát
triển hạ tầng và một số ngành nghề lĩnh vực cần thiết của nền kinh tế."
Tuy nhiên, theo bản báo cáo cân đối thu chi ngân sách Nhà nước
2015 được đăng tải trên trang thông tin của Bộ tài chính Việt Nam, trong chín
tháng đầu năm số bội chi so với GDP là 4.9% trong khi đó dự toán bội chi so
với GDP là 5% cho cả năm 2015.
"Việt Nam dựa rất lớn vào các nguồn thu từ dầu mỏ. Nguồn thu
dầu mỏ đóng góp khoảng 30% ngân sách nhà nước. Việc giá dầu thô giảm dẫn đến
nguồn thu bị thâm hụt nhiều. Làm ảnh hưởng nguồn thu ngân sách khoảng 10%,”
theo ông Phan Thế Hải, nhà báo kiêm nhà nghiên cứu kinh tế.
"Việc giá dầu thô giảm trên thế giới khiến một số ngành sản
xuất giảm giá thành và mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các doanh nghiệp. Tuy
nhiên các hoạch toán minh bạch để nộp ngân sách nhà nước chưa được nhiều, nên nguồn
thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng.
“Ngoài ra việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng làm nguồn thu xuất
nhập khẩu bị giảm đi. Bên cạnh đó việc tăng chi nhiều mặt như chi phúc lợi
xã hội, đầu tư hạ tầng dẫn đến việc bội chi tăng hơn so với dự toán,"
ông Hải nói.
Giải pháp
Phó giáo sư Thịnh đưa ra gợi ý “Vấn đề quan trọng nhất là khi lập
kế hoạch ngân sách, Chính phủ nên lấy nguồn thu và khả năng thu để từ đó xác
định chi tiêu của mình trong phạm vi nguồn thu. Chỉ có như vậy mới làm giảm thấp
được nợ công, nợ vay trong nước và nợ vay nước ngoài. Nếu như xác định năm nào
cũng có bội chi ngân sách và lấy cái chi để đặt ra nguồn thu thì dẫn đến
việc nợ công sẽ tiếp tục tăng lên.”
Ngân hàng thế giơí cho biết mức huy động GDP từ Chính phủ Việt
Nam đang giảm từ 27% xuống còn 21% và đây cũng là một trong những vấn đề mà
một số nhà kinh tế cho rằng cần phải tăng nguồn thu từ nền kinh tế đối với
ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên trên một phương diện nào đó, giáo sư Thịnh ủng hộ
quan điểm của Chính phủ Việt Nam là: “Trước hết phải nuôi dưỡng nguồn thu và
chúng ta phải tìm cách bù đắp thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính,
tăng cường tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư
công.”
“Nếu chúng ta tăng thu thuế, sẽ làm giảm chất lượng đời sống của
người dân nói chung và làm tác động xấu đến đầu tư kinh doanh và khả năng tích
lũy của các tư nhân nói riêng,” ông Thịnh nói thêm.
‘Lợi ích nhóm gây hậu quả rất lớn’
- 14
tháng 12 2015
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói các “sai phạm” lên tới 10 tỷ USD trong 5 năm và lợi ích nhóm ngày càng tinh vi.
Bình luận này được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả
lời trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” vào tối hôm 13/12.
“Trong thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2011-2015, ngành thanh
tra đã cố gắng để chấn chỉnh các hoạt động kinh tế-xã hội, đề xuất cơ chế chính
sách cho phù hợp tình hình thực tế nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
“Toàn ngành đã thanh tra trên 40.000 cuộc thanh tra, trên 830.000
cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 212.000 tỷ đồng vi
phạm và chuyển cơ quan điều tra,” ông Tranh được báo Thanh Tra dẫn lời.
“Thứ nhất, khi phát hiện vi phạm thì có một nhóm dù ở những cương
vị khác nhau nhưng câu kết chặt chẽ để tạo thành nhóm, tiêu cực và tham nhũng lấy
tiền và tài sản của nhà nước.
“Thứ hai, trong điều kiện của một đơn vị, cơ quan cũng có một nhóm
người sử dụng tiền và tài sản của nhà nước không đúng mục đích, lấy phúc lợi
của cơ quan chia nhau để vụ lợi cho mình.
“Thứ ba, trong hoạt động ngân hàng, trong báo cáo năm 2015, của
thanh tra Ngân hàng Nhà nước thì trong hoạt động ngân hàng cũng có biểu hiện
lợi ích nhóm, câu kết nhau để làm thất thoát tiền, tài sản của nhà nước.
"Có thể nói rằng, lợi ích nhóm hiện nay thể hiện rất tinh vi,
mang lại hậu quả cũng rất lớn,” ông Tranh nói thêm.
Phản hồi trước báo cáo của các cơ quan thanh tra Thành phố HCM và
Hà Nội mới đây cho biết “không phát hiện trường hợp nào tham nhũng”, Tổng Thanh
tra Chính phủ nói Thanh tra TP Hà Nội trong 9 tháng năm 2015 đã chuyển cơ quan
điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm và Thanh tra TPHCM chuyển 4 vụ việc.
Tuy nhiên ông Tranh mô tả việc “xác định tội danh tham nhũng” theo
quy định của pháp luật thì “chỉ khi nào tòa án phán quyết tội danh đó, thì mới
gọi là tội danh tham nhũng”.
“Do đó đối với ngành thanh tra chức năng chúng tôi thanh tra khi
có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi chuyển cơ quan điều tra để cơ quan
điều tra làm rõ, và chuyển truy tố, cơ quan xét xử,” ông Tranh giải thích thêm.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành một chỉ thị về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Chỉ thị này được ra đời vì điều được
mô tả là "Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc, vụ án
tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa
nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp."
Đã có sự chồng chéo về các cơ quan phòng chống tham nhũng giữa
Đảng và Chính phủ và trong nỗ lực chuyển vai trò "đầu tàu" chống tham
nhũng từ Thủ tướng Dũng sang Tổng Bí thư Trọng, Ban nội chính Trung ương đã
được thành lập.
Có một số "đại án" được khởi tố và mang ra điều tra, đặc
biệt trong giai đoạn ông Nguyễn Bá Thanh phụ trách ban này.
Tuy nhiên nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm là giáo sư Carl
Thayer trong một cuộc phỏng vấn với BBC nói Việt Nam không
thể chống nổi tham nhũng.
Ông Thayer nói sứ mệnh này là bất khả thi "chừng nào không có
một cơ quan độc lập và có quyền lực, độc lập về hành pháp, tòa án, công an, độc
lập về báo chí tường thuật về những vụ việc tham nhũng.
"Vì những yếu tố đó không tồn tại nên chống tham nhũng có quá
nhiều động cơ chính trị," ông Thayer bình luận.
Được biết Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã ký quyết
định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ căn cứ trên các
ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thanh tra năm 2016.
“Theo quyết định này, vào năm 2016 Thanh tra Chính phủ sẽ tiến
hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của 23 cơ quan đơn vị, tỉnh thành trong cả
nước. Cụ thể ở khối tài chính ngân hàng, tập đoàn là Ngân hàng Ngoại thương
Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán TP Hà Nội và
TP.HCM, Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam,” truyền thông
trong nước đưa tin.
"Ba bộ sẽ được thanh tra vào năm 2016 là Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT,
Bộ NN&PTNT, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra về việc thực hiện
chức trách nhiệm vụ liên quan được giao trong lĩnh vực của mình.
"Cũng theo quyết định này, 11 tỉnh, thành sẽ thanh tra vào
năm 2016 là Lào Cai, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Quảng
Trị, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu với nội dung thanh tra
tập tra tập trung vào quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, xây dựng cơ bản,
khai thác khoáng sản, mua sắm tài sản công, công tác tiếp dân, khiếu nại, tố
cáo và phòng, chống tham nhũng," báo Thanh Tra đưa tin.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.