Khi tư bản tài chính rút
chạy
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân
Nghĩa, RFA
2013-08-28
2013-08-28
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đi ngang qua những lá cờ
của các nước tham dự Hội nghị các bộ trưởng G20 tại Moscow vào ngày 20/7/2013
AFP photo
Năm năm trước, khi Hoa
Kỳ và Âu Châu bị khủng hoảng tài chính, toàn cầu bị Tổng suy trầm, các biện
pháp cấp cứu khiến lãi suất và đồng tiền Âu Mỹ mất giá. Khi ấy, dòng tư bản
chảy về nơi có lợi hơn, đó là các nước đang phát triển. Ngày nay, tình hình lại
đảo ngược khi kinh tế các nước đang phát triển đều có dấu hiệu suy giảm và khối
công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật lại hồi phục khiến tư bản tài chính rút khỏi các thị
trường đang lên và gây ra nhiều chấn động quốc tế. Chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa sẽ phân tích hậu quả của sự chuyển động ngược này trong
chương trình chuyên đề của Diễn đàn Kinh tế.
Mỹ đổi hướng đầu tư
...
Vũ
Hoàng: Xin kính chào ông
Nghĩa. Thưa ông, cuối Tháng Bảy vừa qua, tiết mục chuyên đề của chúng ta đã
giải thích vì sao mà các nền kinh tế "đang lên" sẽ lại xuống. Kỳ này,
vào cuối Tháng Tám, ta sẽ tìm hiểu tiếp về hậu quả gần xa của sự đảo chiều này
vì cùng lúc đó, dấu hiệu phục hồi tại Hoa Kỳ khiến ngân hàng trung ương Mỹ nêu
ý kiến là sẽ giảm dần mức độ bơm tiền kích thích kinh tế làm lãi suất dài hạn
và phân lời trái phiếu tại Mỹ tăng vọt. Chủ trương đó của Hoa Kỳ làm nhiều đồng
bạc trên thế giới mất giá và còn gây bối rối cho lãnh đạo Trung Quốc qua một
chi tiết nhỏ mà có thể phản ảnh một sự lúng túng rất lớn. Đó là hôm Thứ Ba 27,
lãnh đạo tài chính và ngân hàng Bắc Kinh yêu cầu ngân hàng trung ương Mỹ xem
xét kỹ thời điểm và cường độ thu hút lại lượng tiền bơm vào kinh tế để khỏi gây
thiệt hại cho các nền kinh tế đang phát triển. Nói cách khác, vì sao một quyết
định của Mỹ lại làm Bắc Kinh giật mình như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng nhìn trong toàn cảnh của một địa cầu hình tròn
và luồng giao dịch liên tục của hàng hóa và tư bản giữa các nước thì những xoay
chuyển hay thăng giáng trị giá tài sản là điều thường xuyên và tất nhiên. Vì thế,
khi thấy có lợi trong nhất thời vì tài sản của xứ khác trút vào thị trường của
mình để kiếm lời thì cũng nên chuẩn bị cái ngày mà dòng tài sản ấy sẽ chảy đi
nơi khác và để lại nhiều hậu quả bất lợi. Đó là một nguyên tắc chung.
Về phản ứng của Bắc
Kinh, thì Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Dịch Cương của Trung Quốc đã sợ nạn rút vốn về Mỹ sau khi Ngân hàng Trung
ương Hoa Kỳ nói đến việc "vuốt nhọn" chính sách tiền tệ, là giảm dần
và có thể hút lại lượng tiền đã bơm ra. Khi kinh tế Mỹ hồi phục và có nền móng
vững chắc hơn, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ quả nhiên là gây
hậu quả toàn cầu nên mới làm Trung Quốc và nhiều xứ khác hốt hoảng. Qua câu
chuyện này, ta thấy ra vài điều đáng chú ý và chẳng nên quên.
Khi kinh tế Mỹ hồi
phục và có nền móng vững chắc hơn, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ tại Hoa
Kỳ quả nhiên là gây hậu quả toàn cầu nên mới làm Trung Quốc và nhiều xứ khác
hốt hoảng.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ
Hoàng: Thưa ông, những
điều ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Trong nhiều năm liền, khi khối công nghiệp hóa bị suy trầm và bơm tiền kích
thích làm đồng bạc mất giá, các nước kết án là họ gây chiến tranh ngoại hối và
cạnh tranh nhờ tiền rẻ làm hàng hóa dễ bán hơn. Khi kinh tế đã khá hơn và Hoa
Kỳ cần điều chỉnh thì lại bị phê phán là làm đồng tiền xứ khác mất giá và được
yêu cầu là phải suy xét thận trọng. Đâm ra, ngược với quan điểm của nhiều người
trong năm năm liền, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế chứ không hề lụn bại để
Trung Quốc sẽ qua mặt trong dăm ba năm. Điều phũ phàng ấy có nghĩa là thủ đô
Washington, chứ không phải Bắc Kinh hay một nơi nào khác, vẫn là trung tâm mà
các quyết định về tài chính và ngân hàng tất nhiên gây hậu quả cả tốt lẫn xấu
cho xứ khác.
Vũ
Hoàng: Nói về hậu quả,
chúng ta có thể liên tưởng đến một tiền lệ vào năm 1997, khi luồng tư bản như
thủy triều rút khỏi Đông Á khiến nhiều quốc gia bị khủng hoảng. Thưa ông, có
thể nào mà lần này chúng ta lại thấy tái diễn chuyện ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ tương lai không nhất thiết là lịch sử tái diễn,
nhưng trào lưu thăng giáng kinh tế thì vẫn vận hành theo một quy luật chung và
cho ta nhiều bài học có ý nghĩa. Chúng ta hãy nhắc lại chuyện đó, so sánh với
chuyện nay, may ra thì thấy được vài bài học. Thứ nhất, vụ khủng hoảng 1997
xuất phát từ sự hồ hởi sảng của nhiều nước Á Châu.
Khi ấy, cả thế giới
nói đến phép lạ kinh tế của tám nước gọi là "tân hưng" của Đông Á.
Năm tháng trước khi khủng hoảng bùng nổ, vào đầu năm 1997, báo chí, các định
chế tài chính hay học giả quốc tế còn ngợi ca các nước này. Số là sau khi Liên
Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, luồng tư bản tài chính thật sự
được giải phóng đã lưu thông tự do hơn. Sự lạc quan chung đi cùng nỗ lực chuyển
theo quy luật thị trường của Trung Quốc rồi Ấn Độ, khiến các nước Đông Á đi
trước đã có một lượng tư bản dồi dào để đạt mức tăng trưởng cao.
Khi ấy rồi, người ta
đánh giá sai ảnh hưởng của Hoa Kỳ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu nâng lãi
suất từ năm 1994. Trong một năm, lãi suất Mỹ đã tăng gấp đôi khiến Mỹ kim lên
giá mạnh từ năm 1995. Nhiều quốc gia đã giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ như một
cái neo thì bị đứt neo và phải phá giá để tự cứu nguy. Vụ khủng hoảng 1997 mở
ra từ đó.
... xứ khác bị ảnh
hưởng
Một nhà đầu tư Trung
Quốc nhìn vào giá cổ phiếu (màu đỏ cho giá tăng và màu xanh lá cây cho giá
giảm) tại một nhà môi giới chứng khoán tại Thiên Tân, Trung Quốc hôm 09/8/2012.
AFP photo
Vũ
Hoàng: Ông nhắc lại
chuyện cũ nên thính giả của chúng ta có thể rút tỉa được bài học cho chuyện
mới. Đó là khi kinh tế phát đạt nhờ tư bản xứ khác trút vào xứ mình, các nước
tân hưng Đông Á nghĩ là họ tạo ra phép lạ vì lãnh đạo của họ cả tin vào sự
tường thuật của báo chí. Cũng vậy, năm 2008, vì lãi suất quá thấp tại Hoa Kỳ,
tư bản Âu Mỹ mới trút vào các nước tân hưng để kiếm lời cao hơn, dư luận liền
ngợi ca các nền kinh tế đang lên, điển hình là nhóm BRIC của bốn nước Brazil,
Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, và nói đến ngày tàn của khối công nghiệp hoá. Kết
cuộc thì các nền kinh tế gọi là "đang lên" đã lại xuống và bây giờ thì
họ sợ lãi suất sẽ tăng tại Hoa Kỳ khiến tư bản triệt thoái làm hối suất đồng
bạc của nhiều nước đều sụt mạnh. Thưa ông, kết luận cần rút tỉa ở đây là những
gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong tình trạng đảo chiều này, chúng ta thấy ra vài sự
thật.
Thứ nhất, lời phát
biểu hay biên bản buổi họp kỳ trước của Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng của Ngân
hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể gây biến động trên các thị trường tài chính toàn
cầu. Vì vậy, mình nên theo dõi tin tức và cả những tranh luận rất xa vời về
chính sách, ngân sách hay nhân sự tại Mỹ. Thứ hai, khi biến động xảy ra trên
thị trường chứng phiếu và ngoại hối, xứ nào mà có sẵn nhược điểm bên trong thì
bị tai họa nặng nhất. Nhược điểm ấy là bội chi ngân sách, lạm phát, nhập siêu
quá cao nên cán cân thanh toán bị hụt, dự trữ ngoại tệ bị hao mòn, ngân hàng
mắc nợ xấu, v.v...
Khi kinh tế thịnh đạt
thì lãnh đạo xứ nào cũng nghĩ rằng đấy là công lao thành tích của họ. Tới khi
thủy triều của tư bản tài chính lại bắt đầu rút thì hối suất đồng bạc bị sụt,
là trường hợp của Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Turkey và nhiều xứ khác. Xứ nào có
sẵn nhược điểm nội tại, do mình tự gây ra mà không thấy, thì rất khó ứng phó
với biến động này. Thí dụ như họ khó phá giá đồng bạc, nâng lãi suất, tăng chi
và đắp vốn cho ngân hàng vì biện pháp nào cũng có thể là liều thuốc để bệnh.
Nhược điểm nặng nhất là luật lệ mờ ám và lãnh đạo tham ô thì gây hậu quả tai
hại nhất, là các đại gia sẽ tẩu tán tài sản để tránh bị thiệt hại bên trong và
để kiếm lời ở bên ngoài!
Vũ
Hoàng: Thưa ông, so với
lần trước thì lần này tình hình có khác gì không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: So với lần lạc quan hồ hởi 20 năm trước rồi bị khủng hoảng 16
năm trước, tôi nghĩ rằng có nhiều khác biệt cả xấu lẫn tốt.
Lần trước, Đông Á bị
khủng hoảng khi giá dầu thô còn ở mức 28 đến 35 đô la một thùng và chi phí năng
lượng chưa là gánh nặng quá lớn của cán cân mậu dịch. Lần này, dầu thô đã vượt
trăm đồng, chưa kể biến động sắp tới tại Trung Đông, nên các nước phải nhập
xăng dầu sẽ bị khốn đốn hơn với cán cân mậu dịch và vãng lai.
Lần trước, Trung Quốc
và Việt Nam chỉ bị gián tiếp vì chưa vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, lần
này, họ bị trực tiếp vì buôn bán giao dịch với bên ngoài nhiều hơn.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Lần trước, Trung Quốc
và Việt Nam chỉ bị gián tiếp vì chưa vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, lần
này, họ bị trực tiếp vì buôn bán giao dịch với bên ngoài nhiều hơn. Chưa kể là
Trung Quốc đang thoái trào và có quá nhiều nhược điểm bên trong. Nhưng ngược
lại, lần này khu vực Đông Á lại có Nhật Bản với khả năng can thiệp khá hơn và
có phương tiện tài chính phần nào bù đắp vào phần rút vốn của Hoa Kỳ. Nói chung
thì sóng gió mới cũng tạo ra cơ hội mới nếu mình nhìn ra viễn ảnh lâu dài. Và
lần này, cơ hội là nhân khi Trung Quốc lao đao và thiên hạ điêu đứng thì nhiều
nước có thể vượt lên rất mạnh.
Vũ
Hoàng: Chúng ta đi qua
viễn ảnh dài của sự chuyển động này. Thưa ông, các nước đang phát triển mà bị
điêu đứng như ngày nay thì có thể làm gì để hy vọng vượt lên như ông vừa nói?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ việc đầu tiên là tránh đổ lỗi cho thiên hạ hay
cho thị trường!
Lần trước, khi khủng hoảng
Đông Á xảy ra năm 1997, một số quốc gia lâm nạn bèn rút tỉa bài học và cố không
tái diễn sai lầm đã dẫn tới khủng hoảng. Trong số này có Nam Hàn là xuất sắc
hơn cả sau khi mang cái nhục là phải nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế tung tiền cấp cứu.
Nhiều xứ khác có học bài mà lại chóng quên và lạc quan tếu nên ngày nay cũng
gặp khó khăn, như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia và Phillipines. Nhưng dù sao
họ chưa nguy như Brazil, Turkey hay Ấn Độ là một xứ đã cải tổ mà sau lại trì
hoãn và bị lạm phát lẫn tham ô lan rộng nên khó thoát hiểm.
Xuất phát từ kinh
nghiệm đó, điều thứ hai nên nhớ lần này là các nước tân hưng chưa thể tự túc
phát triển mà vẫn tùy vào thị trường Âu-Mỹ nên sẽ bị khá nhiều khó khăn trong
năm năm tới. Nhưng đây chính là cơ hội tiến hành cải cách. Trong ngắn hạn là
một hai năm thì phải vừa chống đỡ sóng gió bên ngoài, vừa rà soát lại những yếu
kém bên trong để cải tổ cơ chế. Khi cải tổ thì đừng quên kỷ luật của chi tiêu
và nếu có tiếp nhận đầu tư thì để phát triển qua các dự án có giá trị kinh
doanh và kinh tế, chứ không để trám vào thiếu hụt ngoại tệ của mình.
Vũ
Hoàng: Từ những bài học
đó, thưa ông, chúng ta có thể kết luận những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để kết luận, tôi nghĩ rằng bài học quan trọng nhất của ngần ấy
biến động là kinh tế có thể tăng trưởng nhưng cũng dễ gây ra thất quân bình nên
mới phải điều chỉnh. Tiến trình điều chỉnh ấy là hiện tượng bình thường và liên
tục. Nếu tư bản ào ạt đổ vào nước ta thì nên nghĩ đến ngày có thể rút, để khi
tiếp nhận thì sử dụng một cách tối hảo. Từ "tối hảo" này vẫn được sử
dụng trước đây ở trong Nam, hàm nghĩa là đạt tối đa lợi ích với tối thiểu rủi
ro hay phí tổn. Chuyện thứ hai là nếu kinh tế sa sút thì điều ấy có nghĩa là
lương bổng bị sụt và đồng bạc mất giá, nhưng nếu tích cực khai thác điều bất
lợi này như một ưu thế cạnh tranh về sau thì quốc gia lâm nạn phải trước tiên
chấn chỉnh lại cơ chế tài chính và sản xuất và chuẩn bị đầu máy cho phục hồi là
các doanh nghiệp. Nói chung là khi phải lùi thì đã nghĩ đến bước tiến và nếu bị
sức ép thì nên chuẩn bị sức bật cho đúng hướng.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa
về cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.