Công ty Đài Loan ở VN 'bị phóng hỏa'
Cập nhật: 11:27 GMT - thứ tư, 14 tháng 5, 2014
Cuộc biểu tình của công nhân Việt Nam đã biến thành bạo loạn, tàn phá rất nhiều công ty Đài Loan tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai vào đêm qua và đầu giờ sáng ngày hôm nay, ông Trần Bách Tú (Chen Bor-show), Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho BBC Tiếng Việt biết.
"Một số công ty, nhà máy đã bị phóng hỏa, và một số khác bị những người bạo loạn cướp phá. Những người bạo loạn phá phách mọi thứ, họ gào thét, đập vỡ cửa sổ, xông vào lấy hết đồ đạc. Mọi người có cảm giác tình hình rất xấu," ông Trần nói.
'Đài Loan thiệt hại lớn'
"Sáng nay tôi tới tỉnh Bình Dương, gặp gỡ các lãnh đạo công ty Đài Loan và tới một số khu công nghiệp để chứng kiến những gì xảy ra. Trên thực tế có thể thấy tình hình rất tệ. Vào lúc này không ai có thể nói được mức độ thiệt hại là bao nhiêu, nhưng con số sẽ là rất lớn."
"Có một nhà máy thậm chí còn quá sợ hãi, không dám quay lại để ước đoán mức thiệt hại của mình. Cá nhân tôi đã chứng kiến có những nhà máy bị thiêu rụi hoặc bị phá hủy."
"Người Đài Loan đang rất lo sợ, tính chuyện rút hết về Đài Loan," ông
Trần nói thêm.
"Người Đài Loan đang rất lo sợ, tính chuyện rút hết về Đài Loan....Vào lúc này không ai có thể nói được mức độ thiệt hại là bao nhiêu, nhưng con số sẽ là rất lớn."
Trần Bách Tú, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh
Ông Trần cũng cho bết tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai không có nhiều các công ty thuộc chủ Trung Quốc mà hầu hết các nhà đầu tư là tới từ Đài Loan.
Cuộc biểu tình ban đầu nhắm vào các cơ sở thuộc chủ sở hữu Trung Quốc, nhưng sau lan ra diện rộng với tin nói cả các công ty nước khác, kể cả của người Việt cũng bị tấn công.
Tòa Đại sứ Bắc Kinh tại Hà Nội từ chối bình luận về những diễn biến trên, nhưng cho BBC Tiếng Việt biết họ đang có một "nhóm công tác nhắm giải quyết vấn đề tại chỗ".
Phóng viên BBC Tiếng Trung Lâm Nam Sâm (James Lin) từ Đài Bắc tường thuật Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, ông Lâm Vĩnh Lạc (David Lin) cho
báo chí hay vào sáng 14/5 rằng theo thông tin của họ thì “tại cuộc biểu tình của người Việt Nam ở tỉnh Bình Dương, có chừng hai vạn người tham gia và khoảng hai nghìn công an viên đã không kiềm chế được họ. Chỉ sau khi quân đội được điều vào thì tình hình mới được ổn định.”
Phóng viên của BBC Tiếng Trung tại Đài Bắc cũng cho hay, giới chức Đài Loan nói “Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á mà doanh nghiệp Đài Loan đầu tư nhiều vốn nhất. Chỉ đến cuối năm 2012, kim
ngạch đầu tư tại Việt Nam từ Đài Loan là 2,7 tỷ USD, là nước đứng thứ nhì, sau Nhật Bản”.
Nhà máy của các công ty Đài Loan ở Việt Nam đã tạm ngừng hoạt động, mà theo ông Trần Bách Tú "thực ra không phải là ngưng hoạt động, mà nói chính xác ra là bị phá hủy, không thể hoạt động được".
Một người quốc tịch Đài Loan bị thương nhẹ và hơn 200 người khác lánh nạn tại một khách sạn phía nam Bình Dương, ông Trần nói.
Đập phá tràn lan
“Những công nhân này không lựa ra quốc tịch của của các nhà máy,”
trang tin Bloomberg dẫn lời ông Bob Hsu, Quản lý trưởng của công ty Great
Super Enterprise Ltd., vốn phải đóng cửa các nhà máy dệt may ở phía nam tỉnh Đồng Nai, nói.
"Người biểu tình chỉ nhìn vào biển tên của công ty có “ký tự bằng tiếng Trung. Đó bao gồm cả tên nhà xưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc.”
“Tôi đã đề nghị cảnh sát địa phương bảo vệ công nhân,” ông Hsu nói tại TP HCM hôm 14/5.
“Chúng tôi đã đưa nhân viên ra khỏi khu vực. Vì lo lắng, tôi đã phải xóa tất cả ký tự tiếng Trung trên logo.”
Theo trang Bloomberg, ông Raymond Wu, chuyên gia tư vấn kinh doanh ở Đài Bắc nhận định nếu vụ bạo động nhằm vào các công ty Đài Loan không được xử lý sớm thì sẽ gây những hệ quả lâu dài.
“Sự việc trên rất đáng ngạc nhiên. Chúng tôi hi vọng đó chỉ là ngoại lệ và sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý đầu tư của không chỉ các doanh nghiệp Đài Loan mà còn
các quốc gia khác,” ông Wu
nói.
Có khoảng hơn 1.000 công ty
Đài Loan hoạt động trong khu vực nói trên và các hãng hàng
không đang điều máy bay lớn hơn để đưa các công dân Đài
Loan về nước, theo Bloomberg.
'Không ai vận động'
Một công nhân đến từ Thanh Hóa đi biểu tình ở Sài Gòn nói 'muốn chung sức đấu tranh chống Trung Quốc'
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Một công nhân tham gia vào cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nói với BBC rằng anh ‘chỉ muốn góp sức với mọi người để đấu tranh với Trung Quốc thôi’.
Trao với BBC Việt ngữ khi đang trên đường biểu tình cùng với các đồng nghiệp của mình ở huyện Bình Tân, phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh, một công nhân có tên là Hoàng Đình Thái nói hành động của anh là ‘tự ý của bản thân’ và ‘không có ai kêu gọi, vận động’.
“Chiều nay (14/5) tôi mới tham gia (biểu tình) do được nghỉ làm,” anh nói.
“Bây giờ nước mất nhà tan thì công việc đâu mà làm nữa,” anh nói thêm, “Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam thì chúng tôi mới làm lại.”
Anh Thái năm nay 37 tuổi, quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, và hiện đang là công nhân của Công ty giày Pou Yuen thuộc sở hữu của Đài Loan đóng tại Quận Bình Tân.
Khi được hỏi lý do vì sao lần này có nhiều công nhân cũng xuống đường giống như anh, người công nhân này nói: “Lần này cả thế giới ủng hộ mình thì mình đâu có gì phải sợ nó để cho nó leo thang như vậy đâu.”
Khi được hỏi có sợ việc biểu tình ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bản thân hay không,
anh cho biết: “Tất nhiên mình đã xác định nghỉ việc rồi thì phải tính đến việc khác nếu như công việc (biểu tình) cứ kéo dài.”
“Tất nhiên cũng sợ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình thì sao không sợ?” anh nói và ở nhà ‘bà xã lại cổ vũ thêm không sợ chồng mất việc’.
Về hành động bạo động của một số người trong cuộc biểu tình ở Bình Dương, anh cho rằng ‘người ta làm như thế là sai’.
“Cái việc đấy của những người trên đấy. Có biểu tình đình công thế thôi chứ đừng đụng đến bất cứ tài sản gì vì ít nhất tài sản đó là của Việt Nam mình chứ không phải của nước ngoài.”
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.