Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Thursday, May 15, 2014

SỰ U TỐI CỦA LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN VIỆT NAM


     SỰ U TỐI CỦA LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN VIỆT NAM

Đi tìm sinh lộ, chấm dứt “tử lộ” cho dân tộc Việt Nam


Từ ngày Lénine cướp chính quyền ở Nga năm 1917 tới nay là được 96 gần 100 năm. Trong thời gian đó, biết bao biến cố lịch sử đã xẩy ra trên thế giới : Nếu không kể Đại Chiến thứ Nhất ( 1917 – 1918), thì chắc chắn phải kể Đại Chiến thứ Nhì (1939 – 1945), Chiến tranh Lạnh ( 1945 – 1991), bao nhiêu chế độ và đế quốc đã sụp đổ, trong đó gần nhất có đế quốc cộng sản Liên sô, đế quốc Pháp, đế quốc Anh, và rất nhiều biến cố chính trị quân sự khác.
Nhìn lại quá khứ để xác định hiện tại và một cách rất tương đối để tiên đoán tương lai, trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ nhìn và đánh giá tài cán của lãnh đạo 2 chế độ cộng sản trong 4 chế độ còn lại là Việt Nam và Bắc Hàn, đặc biệt là cộng sản Việt Nam, liên quan trực tiếp đến chính bản thân và dân tộc tôi.

Ngày hôm nay chúng ta nhìn thấy ghê tởm hình ảnh của giới lãnh đạo Bắc Hàn, tối tăm, ngu muội, đưa một đứa con nít miệng còn hôi sữa lên hàng « thiên tài về quân sự, về chiến lược », « vị lãnh đạo anh minh, sáng suốt của dân tộc », giới lãnh đạo thì ăn tiêu phủ phê, đường phố nào có hình của Kim nhật Thành, Kim chánh Nhất, thì được chiếu sáng rực rỡ ; trong khi đó thì dân chết đói, kỹ nghệ không đủ điện dùng. 

Đó là hình ảnh được chiếu lớn, rọi sáng ra bên ngoài của Bắc Hàn, chứ thực ra hình ảnh của Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện nay cũng không kém : quan quyền, tiêu tiền vứt qua cửa xổ, trong khi đó thì dân chạy ăn từng bữa ; trường học, thiếu ngân sách, nhưng giới cầm quyền bỏ bao nhiêu tiền để duy trì xác ướp của Hồ chí Minh, lăng Hồ là một cái gì quái dị, kiến trúc đông phương không ra đông phương, tây phương không ra tây phương, nhố nhăng, kịch cỡm, tối tăm chẳng khác nào đầu óc giới lãnh đạo.

Ngày xưa người ta nói đến nạn diệt chủng của Polpot bên Căm bốt, nhưng người ta quên đi những trại cải tạo, vùng kinh tế mới của Việt cộng và cũng quên đi cộng sản Việt nam là thầy của cộng sản Polpot :  2 người thành lập ra cộng sản Polpot không ai hơn là Lê Duẫn và Lê đức Thọ, khi 2 ông này đặc trách vấn đề miền Nam Việt Nam của đảng cộng sản.

Nếu nói tới tài cán, thì là tài cán vặt, «  khôn nhà dại chợ « , « ác với dân và ngu với giặc « , như người dân Việt hiện nay thường nói, thực ra chữ tôi muốn dùng, là sự u tối : u tối từ Hồ chí Minh cho tới ngày hôm nay với Nguyễn phú Trọng, nhất là về đường lối chính trị ngoại giao lâu dài.

I )  Một nhà chính khách đã nói : «  Lịch sử nhân loại có nhiều trang sử đau thương và đẫm máu. Nhưng trang sử đau thương và đẫm máu nhất là trang sử cộng sản. »

Từ đó người ta cũng có thể nói :
«  Lịch sử Việt nam có nhiều trang sử đau thương và đẫm máu. Nhưng trang sử đau thương và đẫm máu nhất vẫn là trang sử cộng sản. »

Thật vậy, từ ngày Hồ chí Minh nổi lên cướp chính quyền năm 1945 tới nay, đất nước không ngừng bị lệ thuộc ngoại bang, dân Việt lúc nào cũng bị đau khổ.
Họ Hồ và giới lãnh đạo không coi đất Việt và dân Việt là cứu cánh, và dùng chủ thuyết hay ngoại bang như phương tiện để phục vụ, mà ngược lại, lại dùng chủ thuyết hay ngoại bang như cứu cánh, và dùng đất Việt, dân Việt như phương tiện để phục vụ ngoại bang hay chủ thuyết ngoại bang.

Để có một thí dụ dễ hiểu trong lịch sử cận đại, xin nhắc đến De Gaulle, người mà tôi cũng không có cảm tình, vì là người đầu tiên chủ trương và thực hiện chế độ thuộc địa sau Đệ Nhị thế Chiến. Không ai chối cãi được rằng nếu không có Hoa Kỳ, không có cuộc đổ bộ tháng 6/1944, ở Normandi, thì không có De Gaulle và không có giải phóng nước Pháp. De Gaulle đã nhờ đến Hoa kỳ như phương tiện, nhưng sau đó nghĩ đến độc lập và hạnh phúc của dân Pháp, mà sau này, có lúc De Gaulle chống cả Hoa kỳ như việc rút khỏi khối Bắc Đại Tây Dương năm 1967, cứu cánh của ông là độc lập xứ Pháp và dân tộc Pháp, chứ không phải ý thức hệ nhập cảng từ bên ngoài và ngoại bang.

Ngược lại Hồ chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam thì khác.
Chưa có một lãnh đạo quốc gia nào thản nhiên tuyên bố như Hồ chí Minh : «  Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Staline và Mao nghĩ hộ. »
Tiếp đến con cháu, tiêu biểu là Lê Duẫn, cũng ngang nhiên tuyên bố :
«  Chúng tôi đánh đây là đánh cho Liên sô và Trung cộng. »

Ngày hôm nay thì giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn tôn thờ Hồ chính Minh, Lê Duẫn. Hiến pháp hiện hành của họ vẫn có câu :
«  Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam lấy lý thuyết Mác Lê và tư tưởng Hồ chí Minh làm nền tảng cho chế độ. »
Quả là một sự u muội cho tới ngày hôm nay.  



I I ) Sự u muội đầu tiên không phải là của riêng giới lãnh đạo cộng sản Việt nam mà cả giới lãnh đạo cộng sản Tàu và cả giới lãnh đạo cộng sản Nga, bắt đầu bởi Lénine, là lao đầu theo Mác, một chủ thuyết đã bị các dân tộc Âu châu chối bỏ.

Một câu hỏi đến với nhiều người là tại sao lý thuyết của Marx, được khai sinh từ Âu châu, hơn nữa, Marx lại cho rằng lý thuyết của mình chỉ có thể thực hiện tại những nước kỹ nghệ tân tiến này, mà lại không thành công ở châu Âu ?
Để trả lời câu hỏi này có rất nhiều nguyên do, tôi xin tạm sơ lược một vài cái chính :

Nếu nói thật sâu xa, thì truyền thống chống những người vô thần, ngụy biện, đạo đức giả, đồng thời nêu cao giá trị chân thiện mỹ ( trọng sự thật, trọng điều tốt lành, yêu cái đẹp), trọng con người, đã có từ lâu trong những sách tôn giáo, triết lý, đông lẫn tây, xa xưa của nhân loại :
«  Hắn tự ru ngủ bằng một lý thuyết đơn giản, ngụy biện, sai lầm và phản sự thật. Hắn tự khoác vào người một bộ áo đạo đức giả, nhưng bản chất thật của hắn thì vô cùng gian manh, giảo quyệt và ác ôn côn đồ. Hắn đã hạ thấp hình ảnh tốt đẹp và cao thượng của con người xuống hàng cầm thú, rắn rết và bò sát. » (1)
Ngày hôm nay suy ngẫm, áp dụng câu này cho lý thuyết vô thần của Marx và những người cộng sản quả không sai.

Nếu gần, thì người Âu châu đã hiểu ngay từ lúc đầu lý thuyết của Marx chỉ là không tưởng, không có một tý gì là khoa học. Nhà đại văn hào Pháp, ông Victor Hugo ( 1802 – 1885), có thể nói là người đồng thời với Karl Marx (1818 – 1883), có nói :
«  Bắt con đại bàng làm con chim chích, buộc con thiên nga làm con vịt trời, bỏ tất cả mọi thứ, mọi người vào một giỏ, rồi xóc, để có cái gì cũng như nhau, ai cũng như ai. Đó là cộng sản. Và đó cũng là điều mà tôi không thích. »
Ông Pierre Joseph Proudhon (1809 – 1865), người đã từng bút chiến với Marx, sau cùng cũng đi đến kết luận : «  Nếu lý thuyết của Marx được áp dụng thì nó sẽ trở thành con sán lãi, hút hết máu mủ của dân. » Ngày hôm nay, qua kinh nghiệm cộng sản, người ta mới thấy lời tiên tri của Proudhon là có lý. 

Không cần lý luận dài dòng, chúng ta chỉ cần nhìn vào những nước cộng sản, với 2 chính quyền : đảng cộng sản và chính quyền chính thức, cả hai đều ăn lương do thuế đóng của dân.

Đảng cộng sản, đó chính là con sán lãi.

Ngay cả quê quán nước Đức, vùng Trèves, nơi sinh quán của Marx, có dựng một tượng đài của Marx, nhưng dưới có câu : «  Nơi đây là sinh quán của Karl Marx, nhưng nơi đây không chấp nhận tư tưởng của ông. »

Những người Đức như ông Ferdinand Lassalle ( 1825 – 1864), người biết rất rõ Marx, người thành lập ra đảng Dân chủ Xã hội Đức năm 1863, mà dân Đức vừa kỷ niệm ngày thứ 150 năm thành lập, những ông như Karl Kautski ( 1854 – 1938), ông Edouard Bernstein ( 1850 – 1932), lý thuyết gia của đảng Dân chủ xã hội Đức, đã chứng minh lý thuyết của Marx không có khoa học và người ta không cần phải làm cách mạng bạo động như Marx chủ trương để cải thiện xã hội và đời sống thợ thuyền.

Thật vậy, quan sát xã hội Đức trong thời thế kỷ 19, nhất là bắt đầu từ giữa thế kỷ, Bernstein nhận thấy xã hội Đức tiến triển rất mạnh, nhưng không chia thành 2 giai cấp như Marx chủ trương. Đồng ý có giai cấp chủ và thợ, nhưng ở giữa có giai cấp trung lưu, phần lớn phát xuất từ con cái những thợ thuyền, chịu khó học hỏi và chịu khó làm việc. Nước Đức tiến được là nhờ giai tầng này.

Từ đó Bernstein cho rằng lý thuyết của Marx không khoa học vì không theo đúng biến chuyển và thực tế xã hội. Thêm vào đó, ông chủ trương không cần phải làm cách mạng bạo động để thay đổi xã hội, mà người ta có thể tranh đấu qua nghị trường, trong khuôn khổ một chính thể đại nghị, tôn trọng quyền tự do bầu cử, lập hội của dân.

Không nói đâu xa, những người gần Marx nhất là con rể và con gái ông : con rể Paul Lafargue thì bỏ đi theo chủ nghĩa vô trị ( anarchisme), để Marx phải than : «  Tôi hi vọng rằng Lafargue là người cuối cùng theo chủ nghĩa vô trị « ;  còn con gái thì bỏ lý thuyết của ông trở về với đạo của tổ tông là Do thái giáo. Chúng ta đừng quên rằng Karl Marx là gốc người Do Thái. Tổ tông của ông đã bao đời làm mục sư Do thái ở vùng Trèves.

Đối với Á châu, tiêu biểu là nước Tàu và Việt nam, thì đã từ lâu nước Việt có một truyền thống văn hóa  tôn trọng tinh thần qua quan niệm tam giáo đồng qui và có thể nói sau này là tứ giáo đồng qui : Phật, Lão, Khổng, Thiên chúa.
Quan niệm triết học về con người và về vũ trụ khác hẳn quan niệm duy vật của Marx. Con người là do 2 yếu tố vật chất và tinh thần tạo thành, sống hài hòa cùng vũ trụ và đồng loại, khác hẳn quan niệm vật chất và đấu tranh giai cấp của Marx.

Câu : «  Hữu vô tương sinh, âm dương tương hòa, cao thấp tương hình, dài ngắn tương khuynh «  ( Có và không sinh ra lẫn nhau, âm và dương hòa hợp với nhau, cao và thấp bổ xung hình thể cho nhau, dài và ngắn bổ túc khuynh hướng cùng nhau), nói lên sự khác biệt rất lớn với quan niệm duy vật biện chứng của Marx, theo đó vạn vật kình chống lẫn nhau qua hiện tượng Đề - Phản Đề - Tổng Đề, cái này chống cái kia, tiêu hủy cái kia để cho ra cái khác.

Một nhà nghiên cứu về cái biến của Kinh dịch và của Biện chứng pháp đã đi đến kết luận là đi từ quan niệm âm dương, Kinh dịch đi đến 8 quẻ chính, rồi biến thành 64 quẻ rồi không biết bao nhiêu khả thế biến đổi khác ; trong khi đó Biện chứng pháp chỉ có 2 khả thế biến đổi ; nên đã đi đến kết luận rằng khả thế biến đổi của Kinh dịch phong phú nhiều hơn khả thế biến đổi của Biện chứng pháp.
Chỉ tiếc những người theo cộng sản, theo biện chứng pháp không nhìn thấy sự việc này.

Tuy nhiên chính lý thuyết duy vật biện chứng, duy vật sử quan của Marx nhập cảng vào Á châu cũng rất trễ. Có thể nói là vào đầu thế kỷ 20, đúng ra là vào những năm 20 của thế kỷ này.

Thật vậy, sau khi cướp được chính quyền năm 1917, sau 2 năm nội chiến, trong thời gian này, Lénine lập ra Đệ Tam quốc tế cộng sản, năm 1919, lúc đầu cũng nghĩ như Marx, đó là cách mạng tất yếu cộng sản sẽ xẩy ra ở những nước kỹ nghệ Âu châu, nhưng những cuộc nổi dậy do đảng cộng sản đứng đằng sau như ở Hung gia lợi, năm 1918 ; và cuộc nổi dậy của phong trào Spartakus, với sự trợ giúp của đảng cộng sản ở bên Đức, đều thất bại.

Từ đó Lénine nghĩ việc xuất cảng cách mạng sang các nước Á châu. Năm 1923, Lénine họp Đại hội Đệ Tam quốc tế cộng sản, lần cuối cùng trước khi chết, có tuyên bố :
«  Cách mạng cộng sản sẽ đi qua cửa ngõ Tân đề ly (Ấn độ), Bắc kinh ( Tàu), rồi mới tới Paris ( Pháp) và Luân đôn ( Anh ) ».
Rồi Lénine ký hiệp ước thân thiện với Tôn dật Tiên cũng vào cùng năm 1923. Tuy nhiên trước đó Lénine đã cho người đi gặp một số nhà tranh đấu của Tàu và Việt nam, để dụ họ đi vào Đệ Tam quốc tế cộng sản.
Trở về việc tại sao Lénine cướp quyền được ở Nga, rồi chúng ta nói đến lý thuyết cộng sản với Á châu sau.

Thực ra cái mà những người cộng sản sau này cho rằng là ngày «  Cách mạng cộng sản «, tháng 10 năm 1917, với sự tham gia của dân và thợ thuyền là sai. Đây là một cuộc đảo chánh, chữ mà chính Léon Trotski, tác giả  của cuộc này đã dùng. Ông viết : «  Sau một đêm ngủ, sáng hôm sau, dân thành Moscou bừng tỉnh dậy, thấy bộ mặt của thành phố mình đã thay đổi. Cuộc đảo chánh làm cho 7 người chết và 50 người bị thương. »

Thực vậy, nếu xét tình hình chính trị, xã hội Nga lúc bấy giờ, thì chưa chín mùi để có một cuộc cách mạng cộng sản, như Marx nghĩ, vì 70% còn thuộc về nông dân chỉ không đầy 20% thuộc về kỹ nghệ, phần còn lại thuộc ngành dịch vụ. Thêm vào đó, trong đảng Xã hội, Thợ thuyền Nga, phe cánh của Lénine ở trong tình trạng thiểu số ( Bolcheviks).

Tuy nhiên Lénine đã cướp được chính quyền là nhờ ở ngoại quốc, nhờ Bộ Tham Mưu Đức. Tại sao như vậy ?

Câu của Đức Đạt Lai Lạt ma, khi ngài thuyết pháp ở Hambourg, Đức, làm cho chúng ta suy ngẫm không riêng về sự cướp chính quyền của Lénine mà tất cả những chế độ cộng sản từ Âu sang Á :

«  Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, sinh xôi nẩy nở trong rác rưởi của cuộc đời. »

Lénine lợi dụng thời kỳ « hoang tàn «  sắp sau Đệ Nhất Thế Chiến (1914 -1917). Vào lúc đó, nước Đức  đang phải đương đầu với 2 mặt trận lớn : mặt trận phía đông bắc với Nga, dưới thời Nga hoàng Nicolas I I, mặt trận phía tây nam với Pháp, mặt trận này quan trọng hơn, vì 2 nước chính của trận chiến này là Đức và Pháp. Lợi dụng tình thế, Lénine đang sống ở bên Thụy sĩ, liền tuyên bố : «  Hòa bình bằng bất cứ giá nào, ngay dù phải nhượng đất để có hòa bình và có quyền. »

Chính vì vậy mà Bộ Tham Mưu Đức lúc đó đã liên lạc với Lénine, đưa từ Thụy sĩ về nước, giúp tiền bạc và cướp chính quyền.

Câu nói của Đức Đạt lai Lạt ma không những đúng với Lénine mà còn đúng với những chế độ cộng sản khác ở Đông Âu và Á châu. Những chế độ cộng sản từ đông Âu tới Á là đều được dựng lên trong sự hoang tàn của Đệ Nhị Thế Chiến (1939 -1945), với sự giúp đỡ của ngoại bang, đó là Liên sô lúc bấy giờ.

I I I ) Việc cướp chính quyền của Hồ chí Minh và đảng Cộng sản

Ở điểm này, đảng cộng sản Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lợi dụng «  sư hoang tàn «  của Đệ Nhị thế Chiến, họ Hồ và đảng cộng sản, được sự giúp đỡ và chỉ đạo của Liên sô đã lợi dụng một cuộc biểu tình của công chức Hà nội đòi tăng lương, trà trộn vào đám người biểu tình, trưng cờ cộng sản lên, lúc đầu cướp một vài công sở như tòa đô chính, sau đó đến cướp chính quyền vào ngày 19/8 /1945, mà sau này những người cộng sản bảo rằng đó là «  Cách mạng cộng sản «  với sự tham gia của dân và thợ thuyền. 

Đây cũng là một cuộc đảo chính, không hơn không kém, như Lénine, thực ra là Trotski, đã làm ở Nga.

Tiếp theo là ngày 2/9, họ Hồ đọc tuyên ngôn ở quãng trường Ba đình, Hà nội, mà những người cộng sản gọi là «  Tuyên ngôn Độc lập « . Thực ra từ ngày này Hồ chí Minh và đảng cộng sản đã đưa Việt Nam vào gông cùm cộng sản, biến cuộc chiến chống Pháp thành cuộc tranh hùng tư bản - cộng sản, đưa dân Việt vào vòng trầm luân, mà hậu quả tai hại còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.

Ở điểm này có người cho rằng họ Hồ là người ái quốc, không cộng sản, nhưng điều này hoàn toàn sai.

Thật vậy, con người là gì ?

Nếu không là tổng số những điều hắn suy nghĩ và hành động.

Nếu chúng ta xét tổng số những điều họ Hồ đã suy nghĩ và hành động, thì Hồ chí Minh là con người cộng sản hơn là quốc gia, vì khi phải cân nhắc quyết định giữa hai hành động có lợi cho quốc gia hay có lợi cho cộng sản, hại đến quốc gia, thì họ Hồ ngả về phía cộng sản.

Như trên đã nói, Lénine sau khi cướp được chính quyền, sau nội chiến và sau những cuộc nổi dậy thất bại ở Hung gia Lợi, ở Đức, Lénine tìm cách xuất cảng «  Cách mạng cộng sản » sang những nước thuộc địa, trong đó có Tàu và Việt nam.
Lénine có cho những tay em của mình đi khắp thế giới để tuyển chọn người theo và truyền bá tư tưởng cộng sản. Họ Hồ đã gặp và đi theo tức khắc, qua lời tự thuật của mình, trong quyển Những Mẩu truyện về cuộc đời Hồ Chủ tịch, tác giả là Trần dân Tiến, nhưng chính thực là họ Hồ.

Họ Hồ mê lý thuyết Mác và Lénine đến nỗi khi cầm được quyển Lénine viết về Vấn đề Dân tộc và Thuộc địa ( Sur les Questions nationales et coloniales), thì đã cảm động đến rơi nước mắt. Sau đó có sang Liên sô, lúc Lénine đã chết rồi, thì rất lấy làm tiếc không được gặp mặt Lénine. Điều này chứng tỏ tư tưởng và hành động của họ Hồ là cộng sản.

Sau đó được Đệ tam quốc tế cộng sản huấn luyện và cho về cướp chính quyền ở Việt nam. Họ Hồ thấy dân tộc Việt không thích cộng sản, đã giải tán đảng Cộng sản, thành lập đảng Lao động, nhưng bên trong vẫn do hội Nghiên cứu lý thuyết Mác xít cầm đầu.

Đây là một hành động lừa dối dân Việt.
Một người lừa dối dân sao có thể được gọi là quốc gia dân tộc ?

Hơn thế nữa họ Hồ còn sang Pháp, họp hội nghị Fontainebleau và ký với Pháp Hiệp ước sơ bộ, chấp nhận cho Pháp trở lại Việt Nam.

Đây là một hành động không những phản lại dân tộc và độc hại về cả 2 phía : Phía Pháp muốn dùng bàn tay Cộng sản chỉ điểm để tiêu diệt những thành phần quốc gia, vì từ trước người Pháp bị chống đối ở khắp nơi, từ Nguyễn thiện Thuật đến Phan đình Phùng, từ phong trào Cần Vương đến phong trào Đông du của cụ Phan bội Châu, nay hợp tác với cộng sản, nhờ cộng sản chỉ điểm, tiêu diệt hết thành phần quốc gia, rồi sau đó tiêu diệt thành phần cộng sản. Như thế thì nền cai trị của Pháp sẽ ổn đình. Về phía cộng sản, thì nghĩ rằng dùng tay người Pháp giết những phần tử quốc gia, sau đó loại Pháp, thì sẽ thực hiện dễ dàng việc cộng sản hóa toàn vùng Đông Dương ( Việt Miên Lào).

Thật ra đây là chiến thuật mà họ Hồ được chỉ bảo bởi Staline, vì vào thời kỳ bắt đầu Đệ Nhị Thế Chiến, Staline đã ký một Hiệp ước Thân thiện với Hitler, được mệnh danh là Hìệp ước thân thiện Đức Liên sô  ( Pacte germano – sovietique), năm 1939.

Hơn thế nữa, trong thời gian họ Hồ vắng mặt ở Việt Nam, thì Võ nguyên Giáp, lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ, đã tìm cách vu oan cho Việt nam quốc dân đảng, cho công an tấn cộng trụ sở của Việt Nam quốc dân đảng ở Hà nội, bắt các đảng viên, trói lại và buộc cục đá thả xuống sông gần đó. 

Việc này những người Việt Nam quốc dân đảng, ngay cả những người Hà nội thời đó và những người lưu tâm tới tình hình Việt nam lúc bấy giờ biết rất rõ.

Đấy là chưa nói đến hành động của Võ nguyên Giáp trước đó là con nuôi của trùm mật thám Pháp Marty. Việc này do chính Lê Duẫn và Lê đức Thọ tiết lộ, vào lúc có vụ tranh quyền giữa 2 phe Giáp và Duẫn-Thọ.

Họ Hồ không thể nào là người quốc gia khi tuyên bố, vào dịp Đại Hội I I, đảng Lao động, họp ở vùng biên giới Việt Hoa, năm 1951, trước báo chí quốc tế và quốc nội : «  Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Staline và Mao nghĩ hộ. »

2) Họ Hồ không thể là người quốc gia khi nghe lời Staline và Mao phát động chiến dịch «  Cải cách ruộng đất » bắt đầu từ năm 1951 và tiếp tục vào năm 1956.

Vào năm 1950, họ Hồ đi thăm viếng Liên sô. Chỉ cần qua 2 câu nói của Staline «  Việc cải cách ruộng đất của Việt nam đi tới đâu rồi ? » và « Đồng chí Mao được đặc trách lo về vấn đề Việt nam « , thế là họ Hồ răm rắp nghe lời Mao, theo chỉ thị của Staline, về thực hiện ngay từ cuối năm 1951, đầu 1952 cuộc «  Cải cách ruộng đất « , «  những vùng cộng sản kiểm soát như Cao bằng, Lạng sơn, Thanh hóa. Những người ngày xưa đã từng đổ xương máu, công sức cho đảng cộng sản, nay cũng bị đưa ra đấu tố.

Theo chỉ thị của Tàu, mỗi vùng phải đưa ra 5% dân số bị đấu tố, mặc dầu Việt Nam, nhất là miền Bắc, thành phần « địa chủ « , chiếm không đầy một phần ngàn.

3) Họ Hồ không có một tý gì là nghĩ đến quốc gia dân tộc khi gửi cả triệu thành niên nam nữ vào nam, bắt đầu một cuộc chiến huynh đệ tương tàn

Binh thư Tôn tử có những câu :
 « Đem quân phơi dãi lâu, thì khoản tiêu dùng trong nước không đủ. », «  Việc binh kéo dài mà nước có lợi, chưa từng có vậy. »

«  Việc binh như lửa. Dùng lửa lâu ngày sẽ có hại vào thân. »

Ở đây không riêng gì cộng sản Việt Nam, mà có thể nói tất cả những người cộng sản, ngay từ Lénine, Trotski chủ trương nội chiến và kéo dài nội chiến để «  nhận chìm « ( noyer) tất cả những mâu thuẫn nội bộ. Như Trotski chủ trương « Cách mạng thường trực « ( la Révolution permanante), Mao chủ trương «  Chiến tranh lâu dài «  ( la Guerre prolongée), rồi Trường Chinh bắt chước, sao chép, tóm gọn lại, với quyển sách «  Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi », thì cũng thế.

Những con người trên giỏi, nếu có, thì chỉ giỏi về chiến thuật chứ không giỏi về chiến lược.

Sự khác biệt giữa chiến thuật và chiến lược, đó là nhà chiến lược, có cái nhìn tổng quát, xa và chính trị hơn, tìm sự thắng rồi mới chiến ; trong khi nhà chiến thuật có cái nhìn cục bộ, ngắn hạn, tìm chiến trước tiên, rồi sau mới tìm thắng. Nhà chiến lược nghĩ đến cái lợi cái hại lâu dài, nghĩ đến quyền lợi của quốc gia, dân tộc, đến mạng sống của người lính ; trong khi đó nhà chiến thuật chỉ nghĩ đến cái thắng, hi sinh mạng sống của người lính, mặc quyền lợi quốc gia, dân tộc.

Theo Tôn tử :
«  Cho nên người giỏi dùng binh, đuổi quân của người mà không phải chiến. hạ thành của người mà không phải đánh. Hủy nước của người mà không phải lâu….. Tất phải lấy sự toàn thắng để tranh thiên hạ, cho nên không nhụt binh mà được toàn lợi, ấy là cái phép mưu công đó. » ( Tôn Ngô Binh Pháp – Ngô văn Triện dịch – trang 56, 57, 58).
Nhìn trong lịch sử dài dòng của nhân loại, chúng ta thấy những người như Văn Vương, Vũ Vương, Abraham Lincolt, vua quan nhà Trần là những nhà chiến lược.
Văn Vương, Vũ Vương của Tàu vào thế kỷ thứ 12 trước công nguyên, đã biết dồn tất cả mâu thuẫn quốc gia vào một trận chiến để giải quyết tất cả cùng một lúc trong một trận chiến lược. Vua quan nhà Trần, vào thế kỷ thứ 13, đã biết chấm dứt tất cả những mâu thuẫn nội bộ trước  và sau khi ba lần đánh đuổi quân Nguyên. Abraham Lincolt, đã chấm dứt tất cả những mâu thuẫn nội bộ sau khi chiến thắng nội chiến.

Cũng theo Tôn Tử :
« Ấy cho nên trăm trận đánh, trăm trận được, không phải là người giỏi trong những người giỏi. Không đánh mà làm khuất phục được quân người, ấy là người giỏi trong những người giỏi.”

Trở về gần hơn với Chiến tranh Lạnh, kéo dài gần nửa thế kỷ từ cuối Đệ Nhị Thế chiến 1945 cho tới khi Liên sô sụp đổ 1991, chúng ta phải thẳng thắn công nhận rằng chiến thắng này không có tiếng vang lừng lẫy, có lẽ những người chiến thắng không muốn như vậy hay vì một lý do nào khác, nhưng đây là một chiến thắng của “những người giỏi trong những người giỏi.”

Trở về với Việt Nam, việc gửi quân vào miền Nam để thôn tính sau này, nhiều người chỉ đổ lỗi cho Lê Duẫn và Lê đức Thọ. Nhưng thực sự thì tất cả những người trong bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1954 cho tới sau cuộc chiến, mãi đến năm 1978, 1979, đều là những người đồng lõa, bắt đầu từ Hồ chí Minh.

Thật vậy, ngay sau vừa ký Hiệp định Genève năm 1954, cộng sản đã tính việc xâm chiếm miền Nam bằng cách để những cán bộ ở lại và chôn dấu võ khí, mà theo tinh thần hiệp định thì phải rút tất cả về Bắc.

Vào năm 1959, Hồ chí Minh và Bộ Chính trị đã cho thành lập sư đoàn 5/59, do đại tá Võ Bâm, đi dọc theo trường sơn để thành lập đường mòn Hồ chí Minh. Ông Bâm đã lấy làm hãnh diện tuyên bố ngay trên đài truyền hình Pháp, trong một chương trình nói về đường mòn này, ngay sau ngày 30/4/1975. Ông hãnh diện tuyên bố: “Được lệnh của Bác và Bộ Chính trị, chúng tôi có nhiệm vụ thành lập đường Hồ chí Minh. Chúng tôi lấy phương châm: “ Khó khăn nào cũng phải vượt qua. Lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu .” “

Rồi liền sau đó năm 1960, thì cộng sản thành lập ra Mặt trận giải phóng miền Nam.
  

4) Họ Hồ đã là một kẻ bán nước khi ra lệnh cho Phạm văn Đồng ký công hàm 1958, trả lời chính thức thư của Chu ân Lai, một cách gián tiếp, dâng những quần đảo của Việt Nam cho Trung Cộng. Chúng ta nên nhớ là vua Trần nhân Tôn có tuyên bố : «  Những kẻ nào dâng đất và biển cho ngoại bang, dù chỉ là một tấc đất,  thì là kẻ bán nước, xứng đáng tội chu di cửu tộc. »

Trong bức thư, đề ngày 14/9/1958, trả lời Chu ân Lai, “Tổng lý Quốc Vụ Viện nước Cộng hòa nhân dân Trung quốc”, Phạm văn Đồng có viết: “ Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, quyết định về hải phận của Trung quốc “. 

Chúng ta nên nhớ là bức thư của Chu ân Lai có đính kèm một bản đồ vẽ, theo đó hải phận của họ là hình lưỡi bò chữ U chiếm tới 75% Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam, chỉ chừa lại chưa tới ¼ cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonésia và Việt Nam.

Thế mà giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam bắt đầu bởi Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng v.v…, u mê dám tán thành quyết định trên.
Quả là một hành động bán nước.

Thực ra, hành động để cho ngoại bang xâm lấn đất đai Việt Nam vào thời Hồ, từ lúc cướp chính quyền năm 1945 cho tới khi chết năm 1969, không chỉ có công hàm của Phạm văn Đồng, mà Trung cộng xâm lấn đất Việt nam từ năm 1950, khi họ sửa đường xe lửa ở biên giới Việt Hoa, họ đã tự tiện dời những cột mốc phân chia ranh giới về phía nam, có hại cho ta. 

Lúc đó chính báo cộng sản, tờ Nhân dân có phản đối. Nhưng cũng chỉ phản đối cho có lệ. Như hiện nay tàu Trung cộng bắn giết ngư phủ Việt Nam ngay trong hải phận Việt Nam, nhưng cộng sản Việt cũng chỉ phản đối cho có lệ, và còn hèn hạ đó là không dám nêu tên tàu Trung cộng, mà nói tàu lạ.

5) Họ Hồ lại càng không quốc gia dân tộc khi chết thì mơ ước đi gặp «  Các cụ Mác Lê « , không nghĩ đến việc gặp những anh hùng liệt sĩ Việt Nam. Và hơn thế nữa trước đó vào năm 1946, khi viếng đền thờ Đức Trần Hưng Đạo mà dân Việt đã tôn lên thành Thánh, trái lại họ Hồ làm một bài thơ gọi Đức Thánh trần là Bác.

Trong di chúc mà họ Hồ để lại và được công bố chính thức bởi đảng cộng sản, người ta có thấy câu nói họ Hồ nghĩ đến việc đi « gặp các cụ Các Mác, cụ Lenin « , mà không thấy nói đến việc đi gặp các bậc anh hùng liệt sĩ Việt Nam.
Ở đây thì họ Hồ kêu Karl Marx, Lénine bằng cụ.

 Nhưng trước đó, khi mới cướp được chính quyền, Hồ chí Minh có đi viếng đền đức Trần hưng Đạo mà dân Việt tôn lên là thánh vì đã 3 lần đánh thắng quân Mông cổ, một quân đội hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, chiến thắng từ Á sang Âu. Họ Hồ có làm một bài thơ như sau/

Cũng cờ, cũng kiếm cũng anh hùng
Tôi Bác chung nhau nợ núi sông
Bác đưa một xứ qua nô lệ
Tôi dẫn 5 châu tới đại đồng
Bác có anh linh cười một tiếng
Mừng tôi cách mạng đã thành công. 

Trở về vấn đề chủ thuyết cộng sản với Á châu. Có người bảo rằng Á châu không có những sĩ phu trí thức chống cộng sản vào đầu thế kỷ 20.
Điều này sai. Á châu cũng có rất nhiều. Nhưng trong giới hạn bài này tôi chỉ nêu lên hai nhân vật tiêu biểu là cụ Phan bội châu và Tướng Tưởng giới Thạch.

Cụ Phan bội Châu ( 1867 – 1940) :
Có nhiều người cộng sản cho rằng cụ Phan là người thích cộng sản, đưa ra những bằng cớ là tại nhà cụ ở Huế có treo hình Lénine. Nhưng người ta không thấy hình nhà cụ có hình Lénine, chỉ là lời nói của một vài người bảo rằng đã thăm cụ, thấy, rồi nói vậy. 

Tuy nhiên bằng chứng rõ rằng cụ không thích cộng sản là cụ, sau khi  bị bắt ở Tàu, rồi đưa về an trí ở Huế, mà có giả thuyết cho rằng đó là sự toa rập giữa Hồ chí Minh và người Pháp, cụ có cộng tác với tờ báo Tiếng dân của cụ Huỳnh thúc Kháng, một tờ báo chống chủ thuyết cộng sản mà ngày nay ai cũng có thể tìm thấy trong thư viện. 

Hơn thế nữa, khi cụ được những người của Đệ tam Quốc tế dụ cụ theo cộng sản, nhưng cụ đã tìm cách từ chối khéo, và tuyên bố : « Tôi chẳng duy vật, cũng không duy tâm.

 Tôi chỉ duy dân « , mà một người đồ đệ của cụ là Lý đông A, đã thành lập ra đảng Duy dân,  lập chiến khu để vừa chống Pháp, vừa chống cộng sản, sau đó bị cộng sản bao vây, rồi bị mất tích.

Tưởng giới Thạch ( 1887 – 1975) :
Một tướng lãnh, một quốc khách của Tàu, lúc đầu theo Tôn dật Tiên, Trung hoa quốc dân đảng. Được họ Tôn cử sang bên Liên sô học. Nhưng ông không ở bên đó lâu, mà lại trở về nước. Người ta hỏi ông : « Tạị sao Tướng quân không ở bên đó để học ? »
« Tôi không có gì để học ở bên đó. » Một lúc sau ông tiếp :
« Một con người không có xương sống thì suốt đời chỉ bò và nằm. Xương sống của một xã hội là giai tầng trí thức và trung lưu. Nay cộng sản chủ trương tiêu diệt hai giai tầng này, thì xã hội cộng sản không thể đứng lên được. Vì vậy nên tôi không có gì học ở bên đó. »

Chính vì vậy mà sau khi họ Tôn chết năm 1925, rồi họ Tưởng lên nắm quyền ở Tàu, năm 1927, đã chủ trương tiêu diệt cộng sản qua cuộc bắc phạt. Tiếc rằng sau đó lại có chiến tranh với Nhật và Thế Chiến thứ Nhì, nhưng họ Tưởng vẫn chủ trương tiêu diệt cộng sản là ưu tiên.

 Ông nói : «  Nhật như bệnh ngoài da, sẽ thua, vì Nhật sẽ thua Đại Chiến. Nhưng cộng sản là bệnh trong xương tủy.Phải trừ bệnh trong xương tủy trước. »

Đây là một điều làm người ta hiểu lầm ông vào lúc bấy giờ cho rằng ông không phải là người yêu nước ; và cũng là một lý do chính khiến ông thua cộng sản. Chúng đã dùng nhãn hiệu «  quốc gia dân tộc « , nhưng bên trong lại chủ trương «  Vô gia đình, vô quốc gia, vô tôn giáo. », «  Trí phú hào đào tận gốc, trốc tận ngọn. »
Ngày hôm nay, người ta mới nhận thấy họ Tưởng thật có lý và nhìn xa trông rộng.
         
I V )  Giới lãnh đạo CS VN, bắt đầu từ Hồ, tới Lê Duẫn, khác với những nước cộng sản bị chia đôi như Hàn quốc, Đức quốc, đã u mê, cuồng điên xua quân vào đánh miền Nam. Họ là những kẻ bị các nước cộng sản đàn anh Nga, Tàu xúi dục, lâm vào cảnh «  Con nít bị xúi ăn cứt gà «, nhưng vẫn tự cho mình là « Đỉnh cao trí tuệ ». Họ hành xử man dại đối với đồng bào ruột thịt của mình, thế mà vẫn cho mình là « Đỉnh cao của văn minh nhân loại. «

Hồ chí Minh đã vậy. Còn Lê Duẫn thế nào ? Có sáng suốt như người cộng sản tâng bốc « Ông trăm nến «, sáng như trăm ngọn nến. Có phải thế không ?
Một con người mà đã từng tuyên bố : «  Chúng tôi đánh đây là đánh cho Liên Sô và Trung cộng « , con người này thứ nhất là coi thường dân Việt và đất nước Việt. Nhưng sau đó lại chửi Trung cộng hết lời. Những báo chí ngay của cộng sản vào cuối năm 70, suốt thời kỳ 80 đã chứng tỏ rõ ràng điều đó.

Không những vậy, bám chân Liên sô, nhưng u muội không biết Liên sô sắp sụp đổ. Chúng ta cứ lấy những biến cố lịch sử để minh chứng :
Ngày 30/4/1975, cộng sản Việt nam hồ hởi ăn mừng chiến thắng, đến nỗi Phạm văn Đồng tuyên bố : «  Hôm nay chúng ta giải phóng Sài gòn, ngày mai chúng ta giải phóng Hoa thịnh Đốn. «  Họ u mê đến nổi chỉ 3 tháng sau, Liên sô, đồng minh chính của họ, Brejnev, người mà họ tin tưởng, bắt buộc phải ký hiệp định Helsinki, ngày 1/8/1975, về an ninh Âu châu, một cách gián tiếp công nhận chiến lược tấn công tư bản của mình thất bại. 

Một tướng Liên sô, người phản đối hiệp định này đã tuyên bố : «  Với hiệp định Helsinski, phòng tuyến của chúng ta đã bị chọc thủng. » (1)

Và chỉ có một thời gian sau thì Liên sô sụp đổ. Người sáng suốt, « Ông trăm nến «  có nhìn thấy và tiên đoán được việc này hay không ?
Hay chỉ biết nghe lời quốc tế, ngoại bang, hi sinh quyền lợi quốc gia, dân tộc.

V )  Sự u mê cứ tiếp tục, với Nguyễn văn Linh qua Hội Nghị Thành đô năm 1990, với Lê khả Phiêu với 2 Hiệp ước 1999 và 2000, với Nông đức Mạnh qua vấn đề Bô xít

Ông «  Trăm ngọn nến « u mê Lê Duẫn không nhìn thấy viễn tượng sụp đổ của Liên sô, cứ bám đít cho tơi cùng và lớn tiếng chửi Trung cộng, rồi ông chết vào năm 1986, đế quốc Liên sô bắt đầu sụp đổ với Ba lan năm 1989, rồi Roumani, Đông Đức và cuối cùng là Liên sô cuối năm 1990. 

Vì bản chất là «  Căn tính nô lệ « , giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam vội vã đi thần phục Trung cộng qua Hội nghị Thành đô tháng 9/1990. 

Chính ra sau khi Liên sô sụp đổ, giới lãnh đạo này mà sáng suốt thì đây là một dịp ngàn vàng để tuyên bố mình độc lập với tất cả mọi quốc gia trên trường quốc tế. Nhưng họ không làm như vậy, lục tục đi tới Thành Đô.

Hội nghị Thành Đô 1990 là một nỗi nhục không bao giờ xóa được trong lịch sử Việt Nam. Phía Trung cộng bỉ mặt Cộng sản Việt Nam bằng cách không cho đi bằng đường hàng không và không tiếp ở thủ đô, mà là ở một quận lỵ tỉnh Tứ Xuyên. Đặng tiểu Bình hứa sẽ gặp phái đoàn, nhưng sau đó không thèm gặp, mà còn tuyên bố : «  Cộng sản Việt Nam là phường ăn cháo đái bát. Tôi không thèm gặp những con người ăn cháo đái bát này. »

Về Hội nghị Thành Đô, nhiều người đổ lỗi cho mình Lê đức Thọ. Nhưng không phải vậy, đây cả là một tập đoàn, bắt đầu từ Nguyễn văn Linh, Tổng bí thư Đảng, Đỗ Mười, Thủ tướng, Phạm văn Đồng cựu Thủ tướng, Cố vấn v.v…
Theo nguồn tin bán chính thức, nhưng đáng tin cậy, thì khi bắt đầu Hội nghị, 

Đỗ Mười tuyên bố trước, quên hết những lời chửi thậm tệ Trung quốc trước đây, bằng cách tưng bốc Trung quốc và đề nghị Trung quốc đứng ra lãnh đạo các nước cộng sản còn lại, một hình thức Cộng sản Việt Nam chấp nhận sự bảo hộ của Trung quốc. 

Giang trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung quốc, trên lý thuyết từ chối, nhưng trên thực tế chấp nhận nguyên tắc này.
Và sự đô hộ của Trung quốc bắt đầu từ đây.

Thật vậy, sự u mê của giới lãnh đạo cộng sản Việt nam vẫn tiếp tục với Lê khả Phiêu khi ông ký 2 Hiệp ức năm 1999, dâng cho Trung cộng cả gần 1000 km2 về đất liền, vùng biên giới, trong đó có thác Bản dốc và ải Nam quan mà từ xưa tới nay lịch sử Việt vẫn viết : «  Nước Việt Nam bắt đầu từ ải Nam quan tới mũi Cà mâu . » Và Hiệp ước năm 2 000 dâng cho Trung cộng cả chục ngàn cây số vùng biển.

Rồi vẫn không ngừng với Nông đức Mạnh, qua những hiệp ước cho thuê rừng, nhượng cho Trung cộng khai thác bô xít ở vùng cao nguyên Trung phần, xương sống về vấn đề địa lý chiến lược của Việt Nam.

Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bỏ biết bao cơ hội trong lịch sử để đưa đất nước đến độc lập thực sự.
Không những vậy còn lún sâu vào đô hộ của Trung quốc.
Hãy tỉnh giấc ! Đừng u mê nữa !

Ngày hôm nay, trước một thách thức lịch sử quan trọng, đó là gia nhập Hiệp hội Thương Mại xuyên Thái bình dương, để làm cho Việt Nam bớt lệ thuộc kinh tế Trung cộng, để cán cân thương mại không phải lúc nào phần thất thâu cũng về phía Việt Nam, để tránh cho Việt Nam tiếp tục thành một nơi tiêu thụ hàng phế thải của Trung cộng, bị tẩy chay khắp thế giới, ngõ hầu đưa Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, để loại bớt dần sự tụt hậu kinh tế, lệ thuộc nước láng giềng.

«  Hiểm về đức, chứ không hiểm về thành quách » ( Ngô Khởi). Người xưa đã nói.
Đức đây là nói giới lãnh đạo phải nghĩ đến dân, đến tiền đồ của quốc gia dân tộc, thay vì chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân và đảng đoàn.

Một khi cái đức đã xuống dốc, thì dù có xây vạn trường thành, vòng trong vòng ngoài, như thời nhà Minh ( 1368 - 1663), mất đức, thối nát, hoạn quan hoành hành, tham nhũng hối lộ ngay từ bên trong, ở ngay triều đình, thì rồi chế độ cũng sụp đổ.

Hãy nhìn sự sụp đổ của đế quốc cộng sản Liên sô gần đây.
Nhiều người đổ lỗi cho Mikhail Gorbatchev. Nhưng không phải vậy.

Trước khi chết Lionev Brejnev đã phải than :
«  Xã hội chủ nghĩa gì mà 1/3 xe chạy ngoài đường là ăn cắp essence của công ; 1/3 bằng cấp là giả ; công chức đến sở làm việc là đến cho có mặt, sau đó là đi làm việc riêng tư hay đi coi hát ! »

Nhìn quá khứ để suy ngẫm hiện tại và tương lai :
Hai chế độ cộng sản còn lại là Trung cộng và Việt cộng cũng đang mắc vào tiến trình sụp đổ của Liên sô.

Lịch sử biến chuyển như thế nào : đường thẳng, đường cong, đường tròn hay đường trôn ốc.. ?

Tất cả những thứ đó chỉ là tưởng tượng và suy diễn : Thâu tóm tiến trình lịch sử của cả một nhân loại trong một phương trình toán học, rồi vẽ đường biểu diễn, nếu không nói là ấu trĩ, thì quá là giản tiện, quá tưởng tượng và tiếp tục suy diễn trong tưởng tượng. Biết bao ẩn số cho vừa. Trong khi thì ẩn số của phương trình toán học lại rất giới hạn.

Thực tế cho ta thấy lịch sử nhiều khi lập lại.
Sự sụp đổ của Trung cộng, Việt cộng trong tương lai chỉ là sự lập lại của Liên sô.

Ngày nào còn giới lãnh đạo cộng sản u tối, mê muội, hoặc vì trình độ thấp kém, hoặc vì quá tin tưởng vào một chủ thuyết, mà theo Nietszch : «  Sự tin tưởng thái quá vào một chủ thuyết là kẻ thù lớn nhất của chân lý và sự thật ; và đồng thời còn là một sự lừa đảo «, thì ngày đó đất nước Việt, dân tộc Việt còn đắm chìm trong lệ thuộc ngoại bang, trong đau khổ. 

Đất nước đó, dân tộc đó chỉ là phương tiện cho mộng bành trướng bắc phương, giới lãnh đạo này chỉ là những thái thú của thời Tần Hán khi xưa.

Dân tộc Việt, mọi giai tầng, hãy ghi nhớ điều này. Hãy can đảm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, đòi lại quyền có một cuộc sống độc lập cho dân tộc, đất nước; tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc cho chính bản thân mình ! (1)

                             Paris ngày 15/11/2013

                                 Chu chi Nam

(1)            Xin xem thêm những bài về cộng sản, bài Chiến tranh Lạnh, trên : http://perso.orange.fr/chuchinam/


No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List