Tẩy chay hàng Trung Quốc : Cần phải tỉnh táo và ứng xử có trách nhiệm
Ngoài phong trào biểu tình, người Việt Nam còn kêu gọi tẩy chay hàng Trung
Quốc - Reuters
Trọng Thành
Trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ đang dâng cao tại Việt Nam lên án nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan đặt tại vùng đặc quyền kinh tế quốc gia từ đầu tháng 5/2014, tại nhiều nơi người tiêu dùng tẩy chay
hàng Trung Quốc, cơ sở kinh doanh từ chối phục vụ người Trung Quốc, hội doanh nghiệp kêu gọi không làm ăn với Trung Quốc.
Hành động như vậy có đúng không,
có nên không ? Như thế nào là một ứng xử tỉnh táo và có trách
nhiệm trong hoàn cảnh này ? Vai trò của xã hội dân sự và trách nhiệm của Nhà nước ra sao trong
tình huống xung đột này ? ... RFI đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội).
|
RFI : Thưa ông, ít ngày gần đây tại Việt Nam trước hành động mới của Trung Quốc tại Biển Đông, rất nhiều người quyết định tẩy chay hàng Trung
Quốc, có cả những nơi từ chối dịch vụ cho người Trung Quốc… Xin ông cho biết nhận định của ông ?
TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, trong lúc người dân rất là bị xúc cảm như thế này, thì chuyện tẩy chay hàng Trung
Quốc là một trong những quyền rất quan trọng của người sử dụng và quyền tẩy chay là quyền hợp pháp của mỗi người tiêu dùng. Tôi
nghĩ là nếu rất đông người Việt Nam thực hiện cái quyền đấy của mình, thì nó có
thể là một áp lực không nhỏ đối với phía Trung Quốc.
Còn việc không cung cấp dịch vụ cho khách Trung
Quốc, thì tôi nghĩ đấy cũng là một quyền của người kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ rằng hành xử ấy sẽ không hay gì cả. Bởi vì nó mang tính
phân biệt đối xử, và thật sự nó sẽ không có lợi gì về rất nhiều mặt.
Nói tóm lại, về việc tẩy chay hàng hóa, đứng về phía người tiêu dùng, đấy là điều tôi ủng hộ, còn việc tẩy chay cung cấp dịch vụ cho khách Trung Quốc thì tôi nghĩ
không nên làm.
|
RFI : Xin
ông nói rõ thêm ý này ?
TS Nguyễn Quang A : Việc phân biệt giữa khách hàng này với khách hàng kia,
có sự bất đối xứng giữa người bán và người mua. Người bán về nguyên tắc không nên phân
biệt đối xử các khách hàng với nhau, vì việc phân biệt đối xử ấy có thể làm hình ảnh của bản thân doanh nghiệp ấy, của bản thân cộng đồng ấy không được đẹp. Còn về phía quyền của người mua hàng, người tiêu dùng lại không bị ràng buộc ở khía cạnh đó, như đối với nhà cung cấp dịch vụ.
RFI : Còn về hành động của một số hiệp hội doanh nghiệp kêu gọi không làm ăn với Trung Quốc chẳng hạn, như ở Đà Nẵng mới đây ?
TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng quyền lựa chọn là của từng người tiêu dùng, quyền kinh doanh là của từng doanh nghiệp, quyết định của họ như thế nào là quyền tự chủ của họ. Nhưng một hiệp hội, với tư cách là một hiệp hội, kêu gọi tẩy chay làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc, tôi nghĩ rằng đấy là một suy nghĩ hết sức là thiển cận.
Tôi nghĩ rằng bất luận trong trường hợp nào, mình phải phân biệt rất rõ nhà cầm quyền Trung Quốc và các doanh
nghiệp Trung Quốc, và người dân Trung Quốc.
Tôi nghĩ chúng
ta thậm chí phải tăng cường hơn nữa, thúc đẩy quan hệ làm ăn hai bên
cùng có lợi với các doanh nghiệp Trung Quốc, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và sự đoàn kết với người dân Trung Quốc. Bởi vì chỉ có như thế chúng ta mới không bị cái xúc cảm nó làm lu mờ sự sáng suốt đi.
|
Tôi nghĩ rằng, tôi hy vọng rằng chính phủ Việt Nam sẽ không có chủ trương tẩy chay như từng cá nhân hay từng doanh nghiệp. Nhưng một hiệp hội hoặc một vài thành viên doanh nghiệp của mình làm việc đó, thì tôi nghĩ rằng, đó là việc mà họ nên suy nghĩ kỹ lại một chút.
Bởi vì, tôi chỉ nói thế này thôi. Như vậy là gì, là các
doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp Nhật, doanh nghiệp Indonesia chẳng hạn, các ông ấy bảo là nếu tôi làm việc với các ông Đà Nẵng, nhỡ quan hệ với chính phủ tôi nó xẩy ra trục trặc thì các ông lại vận động tẩy chay làm việc thì rất là nguy hiểm. Cho nên, cần phân biệt rất rạch ròi, giữa người dân với người dân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp, cho đến một cộng đồng quốc gia với một cộng đồng quốc gia. Những mức độ đó phải phân biệt rất rõ ràng.
Lẽ ra họ phải ngấm ngầm bảo nhau, bởi vì lúc mà người dân đang ở trong trạng thái bị xúc cảm như thế này, mà hô hào chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc thì nó có thể không hợp với thời điểm… Bởi vì cái việc thúc đẩy hợp tác kinh doanh sẽ phục vụ cho tình hữu nghị, nó phục vụ cho tình đoàn kết, nó phục vụ cho mối quan hệ lâu bền, bình đẳng giữa hai dân tộc. Ít ra đấy là suy nghĩ của tôi.
RFI : Thưa ông, ông nói về chuyện bình đẳng về quan hệ giữa hai dân tộc, đặc biệt là về mặt kinh tế, thương mại, tuy nhiên, hiện nay trong việc buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam bị nhập siêu. Một số người cho rằng với cơ hội này, tức là làn sóng tẩy chay trong người tiêu dùng Việt Nam, thì cũng là
lúc các nhà kinh doanh phải cố lên để có thể tự túc được các hàng hóa ở trong nước, không phải phụ thuộc vào Trung Quốc nữa. Ông nhận định thế nào về điều này ?
TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ chắc chắn nó có tác động như thế. Bởi vì dẫu sao chăng nữa việc tiêu thụ sản phẩm, tiêu thụ dịch vụ phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý của khách hàng. Và
đúng là trong trường hợp như thế này, thì có thể một phần nào đó cải thiện bớt sự mất cân đối trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Nhưng mà tôi nghĩ, có thể câu nói sau đây của tôi sẽ có nhiều người ném đá.
Thực sự, nếu xét về quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, xét về địa lý của Trung Quốc với Việt Nam, thì tỷ trọng thương mại, tỷ trọng đầu tư của Trung Quốc có lẽ phải lớn hơn nhiều. Và như thế, nếu đi xem kỹ hơn, sâu hơn vào cơ cấu của các mặt hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc hay xuất sang Trung Quốc, thì bức tranh không đến nỗi xám như là nhiều người nhìn vào con số tổng hợp về nhập siêu. Bởi vì những con số đó là rất quan trọng, nhưng chỉ phản ánh cái bề mặt của vấn đề mà thôi. Còn xét sâu vào thì tình hình không đến nỗi tối tăm như vậy.
RFI : Phải chăng gánh nặng nhập siêu chủ yếu đến từ khu vực mà một số chuyên gia gọi là « công nghiệp đầu nguồn », mà Trung Quốc trúng thầu từ Nhà nước Việt Nam ?
TS Nguyễn Quang A : Cái đó đúng một phần. Chắc chắn những máy móc, công
nghệ mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc về để xây dựng đường sá, nhà máy nhiệt điện, nhà máy bô xít trên Tây Nguyên… đóng góp đáng
kể vào chuyện nhập siêu. Nhưng nếu xét tất tần tật các khoản đó, nó cũng chỉ chiếm khoảng chưa đến 10% của tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
40% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là các mặt hàng linh phụ kiện điện tử, điện thoại di động, một phần lớn nữa là nguyên vật liệu để làm hàng dệt may và da
giày... Và nếu nhìn kỹ vào cái đấy thì phần lớn của các khoản nhập khẩu đấy là nhập khẩu nội bộ của các công ty đa quốc gia. Sở dĩ được tính cho Việt Nam và Trung Quốc là vì có xuất xứ từ Trung Quốc và từ Việt Nam mà thôi.
Cho nên nói cách khác, nếu nhìn sâu hơn nữa, thì bức tranh thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không đến nỗi xám như con số chỉ ra. Và bức tranh thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU không đến nỗi sáng sủa như những con số chỉ ra bởi vì một phần rất lớn hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, từ các công ty Nhật họ nhập từ các công ty Nhật từ Trung Quốc, rồi họ làm hàng ở Việt Nam để bán đi khắp thế giới, cũng tương tự như thế với Hàn Quốc, và có thể một phần của EU.
RFI : Về việc hàng Trung Quốc áp đảo Việt Nam, về chuyện này ông Chủ
tịch Hiệp
hội các siêu thị Hà Nội trả lời báo chí trong nước, có đưa ra nhận định rằng điều đáng buồn là : nếu có tẩy chay hàng Trung Quốc, thì bản thân một nơi như chợ Đồng Xuân chẳng hạn, sẽ không có đủ hàng để cung cấp cho người Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về thực tế đó ?
TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ đây là một thực tế, và các doanh nghiệp Việt Nam phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa. Đang trong lúc mà tâm lý khách hàng không chuộng hàng Trung Quốc nữa, người ta thích mua hàng Việt Nam hơn, dẫu hàng Việt Nam có đắt hơn một chút.
|
Các doanh nghiệp phải tận dụng thời cơ này để cải thiện năng lực sản xuất, công nghệ của mình, chứ không phải là tận dụng cơ hội này để kiếm lời và ngoài ra
không làm gì khác, thì sức cạnh tranh của họ chẳng bao giờ được cải thiện cả. Và đến một lúc, khi cái tâm
lý có tính chất nhất thời đó trôi qua, thì bức tranh ảm đạm về phía các doanh nghiệp Việt Nam vẫn như cũ.
Thực sự đây là một cơ hội rất hiếm hoi cho các
doanh nghiệp Việt Nam để vươn lên.
RFI : Bên cạnh vấn đề này, hiện tượng chưa từng có mới đây, như ông biết, tại Bình Dương, trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của công nhân, nhiều xí nghiệp Trung Quốc và nước ngoài đã bị đốt phá… Câu hỏi một số người đặt ra là, cũng như trong vấn đề trên, phải chăng việc Nhà nước ức chế các hoạt động của xã hội dân sự (nói chung), khiến khi các phản ứng bất mãn khi bùng lên thì thành không kiểm soát được ? Và phải chăng như vậy, cần phải xuất hiện nhiều tổ chức của xã hội dân sự, để ra đời được các định hướng tốt đúng, để phản ứng được trước các tình huống như bây giờ, khi con người bị xúc cảm lôi kéo nhiều, mà thiếu định hướng tỉnh táo, ông nghĩ
như thế nào về nhìn nhận này ?
TS Nguyễn Quang A : Người công nhân của Việt Nam, tôi rất tiếc là, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nói là họ là « đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam », nhưng thực sự họ đã biến công nhân Việt Nam thành vô sản lưu manh, vì họ không quan tâm đến người công nhân, họ bảo vệ lợi ích của giới chủ, không cho các công đoàn độc lập hoạt động. Công nhân
không được ai bảo vệ.
Lẽ ra công nhân phải là lực lượng được tổ chức rất chặt chẽ, thì đảng Cộng sản lại chỉ thông qua hệ thống công đoàn của họ, để quản công nhân chặt chẽ, chứ không phải để công nhân tự tổ chức chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của mình. Nên tôi
nghĩ rằng, đa nguyên hóa nghiệp đoàn là việc khẩn cấp, và những nhà lãnh đạo Việt Nam không chấp nhận chuyện đó, thì họ là những người làm hại rất lớn cho dân tộc này.
|
Các công đoàn độc lập hay các tổ chức xã hội dân sự khác cũng có thể đóng vai trò rất hiệu quả vào việc nâng cao trình độ, nâng cao ý thức công dân của công nhân, trong
trường hợp như thế không những bảo đảm đời sống, bảo đảm quyền lợi cho họ, mà còn tạo ra những cơ chế, những công cụ để có thể giải quyết những xung đột có thể bùng phát. Rất đáng tiếc việc đó đã không được làm.
Các xung đột xã hội luôn luôn tồn tại. Chỉ có xã hội bị diệt vong rồi mới không có xung đột thôi. Tạo nên các cơ chế, các công cụ để làm sao những xung đột ấy được giải quyết một cách êm dịu. Đấy mới chính là công việc của Nhà nước, Nhà nước phải tạo ra các khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ, thậm chí giúp các tổ chức như vậy đào tạo người, để giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội mà Nhà nước sẽ không thể làm được.
RFI : Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.