Vào đảng không vì lý tưởng
Lê Diễn Ðức
Cuộc bắt giữ và điều tra về tội danh tham nhũng đối với Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng Công An Trung Quốc và ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, được xem là “con hổ” cao cấp nhất của lãnh đạo Trung Quốc đang được tiến hành.
Chu Vĩnh Khang từng phụ trách quỹ tài chính “phòng chống và đấu tranh lại các thế lực thù địch từ bên trong và bên ngoài Trung Quốc,” với 700 tỷ Nhân Dân Tệ (khoảng 114 tỷ USD), lớn hơn cả quỹ dành cho quốc phòng.
Tạp chí Tài Kinh Tế ngày 29 tháng 7 lại đưa tin Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang, bị cơ quan công tố thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, cũng bắt giữ vì dính líu đến các hoạt động kinh doanh trái phép.
Khi còn là Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, Ðảng Cộng Sản Trung Quốc (ÐCSTQ) chỉ là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm cần phải được “trong sạch hóa.”
Ông Tập cho rằng, những tệ nạn trong đảng cầm quyền suốt hơn 63 năm tại Trung Quốc là “thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên” với những mức độ khác nhau và làm mất uy tín trong dân chúng.
Theo AFP, tất cả những chức vụ quan trọng tại Trung Quốc, từ cấp thấp nhất đến cấp lãnh đạo, từ trong chính quyền đến lãnh vực kinh tế, xí nghiệp, đều nằm trong tay các đảng viên. Ông Tập Cận Bình lo ngại rằng đảng cộng sản đã biến thành nơi chia chác quyền lợi. Vào đảng là để có cơ hội vinh thân phì gia, chứ không phải vì lý tưởng hay mục đích cao đẹp phụng sự đất nước và nhân dân.
“Nhiều người gia nhập đảng không phải vì Chủ Nghĩa Mác hay để nỗ lực xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Hoa, hoặc là để chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng cho chính nghĩa cộng sản, mà họ vào đảng vì được hưởng đặc quyền đặc lợi cá nhân,” Tập Cận Bình nói.
Trong bài “Những người cộng sản ở Trung Nam Hải ngập trong xa hoa,” Leo Lewis (trên tờ Polska The Times) viết rằng, “Những nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã quên lý tưởng cộng sản, họ chỉ nghĩ duy nhất tới quyền lực, và nhờ nó họ đã rất nhanh chóng kiếm được tài sản khổng lồ.”
Trả lời tạp chí “Newsweek” ngày 24 tháng 11, 2011, Richard McGregor, cựu trưởng văn phòng tờ “Finiacial Times” tại Bắc Kinh nhận định:
“Trung Quốc hiện nay là một quốc gia tham nhũng. Tuy nhiên, ở mức nhỏ hơn, ví dụ, so với Indonesia thời Suharto, nơi mà lợi nhuận bất hợp pháp của giai cấp thống trị là nguyên tắc duy nhất của sự vận hành hệ thống và vì thế tất cả bị lật ngược. Tại Trung Quốc, tham nhũng đang được kiểm soát. Ðang có một thứ thuế kiểu như trên doanh thu cho mỗi giao dịch - mức thông thường của nó ở khoảng 10%. Tham nhũng cho phép phân phối một phần giàu có trong giới cầm quyền, là một loại keo để kết giữ hệ thống hiện có. Các nhân vật ở đỉnh quyền lực thường có lương thấp, nhưng núi tiền xung quanh họ không thể tưởng tượng nổi, và được vun bồi với vận tốc cực lớn.”
Richard McGregor nói thêm:
“Những người bị bắt vì tham nhũng, về cơ bản thuộc hai loại: hoặc họ là những người thua cuộc trong cuộc tranh giành quyền lực tại địa phương, hoặc lòng tham của họ quá đáng tới mức làm ảnh hưởng tới an toàn của tất cả các đối tượng khác trong hệ thống. Những kẻ tham lam bị bắt giữ nhân danh sự bảo đảm an toàn cho những kẻ tham nhũng khác. Thường xảy ra đối với những người trước khi nghỉ hưu - tỷ lệ không cân đối phần lớn những người bị bắt ở tuổi 58 hoặc 59. Người Trung Quốc hay gọi là hội chứng 59 - anh 59 tuổi, sau một năm nữa sẽ nghỉ hưu - nói chung lương hưu rất thấp - và đây là cơ hội cuối cùng để kiếm được số tiền nào đó. Vì thế họ đánh mất hệ thống phanh hãm. Tuy nhiên, bất chấp những tiếng ồn ào đi kèm với các chiến dịch chống tham nhũng, ngay cả khi bị bắt quả tang, gần như ít khi bị kết thúc trong nhà tù. Trong 30 năm qua, gần 200 ngàn quan chức bị phát hiện nhận hối lộ thì 80% nhận khuyến cáo. Các cuộc điều tra chỉ chiếm 6% và chỉ 3% trường hợp có án tòa.”
Cho nên, thực tế cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình đang thực hiện chỉ là một cái cớ, nhân danh chống tham nhũng để thanh lọc ảnh hưởng quyền lực, triệt hạ các nhóm lợi ích bất lợi cho vây cánh mình.
Cuộc chiến chống tham nhũng ở các hệ thống chính trị độc tài toàn trị như ở Trung Quốc, Việt Nam, là trận đánh của hiệp sĩ Don Kishot với cối xay gió. Quyền lãnh đạo duy nhất của một đảng đã tạo ra tầng lớp quan chức làm giàu không bằng sức lao động, trí tuệ của mình mà từ các đặc quyền, đặc lợi.
Sinh thời, tướng Trần Ðộ từng nói đã nói, “Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hóa, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể đảng nữa.”
Cũng trong tuần qua, tại Trung Quốc, hơn 850 công chức ở tỉnh Quảng Ðông bị buộc thôi việc trong chiến dịch dẹp nạn được gọi là “quan chức trần trụi,” tức là có vợ hoặc chồng và con cái di cư sang sinh sống ở nước ngoài.
Cuộc điều tra của nhà cầm quyền địa phương xác định có 2,190 “quan chức trần trụi” và 866 trong số đó đã bị cách chức, theo báo cáo được đăng trên cổng thông tin chính thức của nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ðông ngày 25 tháng 7 năm 2014.
Tân Hoa Xã khẳng định hiện tượng “quan chức trần trụi” là một vấn đề nghiêm trọng ở Quảng Ðông, và dẫn lời của Vương Hoán Xuân, một quan chức cấp cao trong Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, rằng “khoảng 40% các vụ án kinh tế và gần 80% các vụ tham ô, biển thủ công quỹ liên quan tới các quan chức này.”
Ðấy mới chỉ là con số trong một tỉnh. Còn bao nhiêu nữa trên lục địa Trung Quốc mênh mông với 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh), không nói tới hai đặc khu hành chính Hongkong và Macao.
Trong tháng 11, 2011, Viện Nghiên Cứu Hurun của Thượng Hải và ngân hàng Trung Quốc đưa ra danh sách những người Trung Quốc giàu có nhất, được công bố trên tờ báo Bắc Kinh “China Daily.”
Bản báo cáo cho thấy đến 46% số người được Viện Hurun khảo sát từ tháng Năm đến tháng 9 trong 18 thành phố - những người tham gia cuộc khảo sát trung bình ở tuổi là 42 và có tài sản trị giá 9,6 triệu USD - đều muốn ra đi khỏi nước, và 14% trong số đó đã làm các thủ tục giấy tờ liên quan. Hầu hết người Trung Quốc giàu có đều muốn sống ở Mỹ hoặc Canada. Con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều.
Phê phán xã hội phương Tây, chỉ trích đạo đức hai mặt của nó, nhưng quan chức của các nước cộng sản đều giống nhau. Họ gửi con cái sang các nước phương Tây học tập, thụ hưởng nền giáo dục ưu việt hơn hẳn nên giáo dục xã hội chủ nghĩa. Những người thuộc giới “thái tử đảng” khi học xong thì trở về với một vị trí được dọn sẵn trong bộ máy công quyền, kế tục cha chú vơ vét, đục khoét tài sản công. Còn quan chức thuộc loại tàng tàng bậc trung thì tìm cách cho con cái ở lại định cư bằng mọi giá, thậm chí kết hôn giả.
Quan chức Việt Nam cũng đã và đang như thế, thậm chí trang trải chi phí học hành cho con lộ liễu bằng tiền lại quả hợp đồng như vụ in tiền Polymer của cựu Thống Ðốc Ngân Hàng Lê Ðức Thúy.
Tôi có anh bạn học từ hồi phổ thông, trong chuyến đi công du nước ngoài, đã gặp tôi và tâm sự rằng, anh có hai con, một đứa gửi đi học ở Singapore, một đứa khác ở London, Anh quốc. Cả hai đều đã được mua nhà cửa đàng hoàng. “Học xong thì chúng nó sẽ ở lại,” anh ta nói. “Xã hội Việt Nam bây giờ quá nhiễu loạn, không có tương lai bảo đảm, về hưu là hết nên tao phải tính trước như thế” - anh ta nói thêm. Mà anh ta mới chỉ là một vụ trưởng của Quốc Hội. Anh ta cũng nói rằng, hiện rất ít ai tin vào lý tưởng cộng sản và chế độ, vào đảng cốt để kiếm chác, nếu như có một Yeltsin Việt Nam là họ sẽ trở cờ.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.