Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Thursday, November 13, 2014

Thực trạng kinh tế xã hội và cuộc chiến quyền lực tại Việt Nam

Thực trạng kinh tế xã hội và cuộc chiến quyền lực tại Việt Nam

·       print
  •  
  •  
  •  
·       Share

Kinh tế đình đốn, thất nghiệp gia tăng, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, đời sống người dân lao động ngày càng hết sức khó khăn…Đó là thực tế có thể thấy rõ, ngay trên báo chí chính thức trong nước.

Nhưng theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Việt Nam ngày 30/10/2014 về nợ công và nợ xấu, thì dự kiến đến cuối năm nay nợ công chiếm khoảng 60,3% GDP, vẫn còn nằm trong giới hạn cho phép. Báo cáo nêu lý do sở dĩ nợ công tăng nhanh vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên kinh tế tăng trưởng chậm, thu ngân sách thấp trong khi mức chi lại tăng mạnh.

Do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên nguồn vốn vay ưu đãi với kỳ hạn dài giảm dần. Chính phủ phải phát hành trái phiếu ngắn hạn, tỉ trọng vay trong nước như vậy đã tăng lên. Một phần số tiền vay được dùng để đảo nợ. Báo cáo khẳng định việc đảo nợ này không làm tăng nợ công, và trên 98% vốn vay được sử dụng cho các dự án hạ tầng.
Về nợ xấu, theo báo cáo thì tỉ lệ hiện nay chỉ còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012, và mức phấn đấu là đến cuối năm 2015 nợ xấu chỉ còn chiếm khoảng 3%.

Tuy nhiên thực tế có đáng lạc quan như thế hay không? 

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi. Có đại biểu nhận định vấn đề nợ xấu, nợ công tăng đã được đề cập nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tăng, chứng tỏ các giải pháp không có kết quả. Nhiều người cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định nợ công là an toàn, kết cấu nợ như thế nào không rõ, và các giải pháp đề ra còn quá chung chung. 

Đáng lo nhất là số nợ của Việt Nam sắp đạt mức 90 tỉ đô la, có nghĩa là mỗi người dân Việt đang phải gánh khoảng 1.000 đô la nợ công, theo con số chính thức.

Điều đáng chú ý là bên cạnh những báo cáo mang khuynh hướng tô hồng, một làn sóng phản biện đang diễn ra, cùng với sự kiện một số quan chức ngân hàng bị bắt giữ. Phải chăng nền kinh tế Việt Nam đã « đủ xấu », còn về chính trị thì đã « đủ chín muồi »?

Chúng tôi đã đặt ra các câu hỏi trên đây cho tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, đồng thời là nhà bình luận chính trị ở Saigon.

Ly tâm chính trị

RFI Xin chào tiến sĩ Phạm Chí Dũng, trước hết xin cảm ơn anh đã nhận lời tham gia chương trình hôm nay. Thưa anh, đánh giá về thực trạng nền kinh tế Việt Nam, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội là “kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng “tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn”, còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mô tả “nền kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn nhất”. Theo anh, tại sao lại có hiện tượng khác biệt về cách đánh giá như thế?

TS Phạm Chí Dũng : Kỳ họp Quốc hội lần này khác hẳn so với những kỳ họp trước - có thể xem là điểm khác biệt rất lộ liễu. Giới quan sát và phân tích cần ghi nhận là ở nhiều kỳ họp Quốc hội trước đây, kể cả kỳ họp gần đây nhất vào tháng 6/2014, cả ông Trương Tấn Sang lẫn ông Nguyễn Sinh Hùng đều ít nhất không phản bác gay gắt quan điểm “kinh tế phát triển”của Chính phủ. 

Nói cách khác, giữa họ dường như có sự thỏa hiệp ngấm ngầm với nhau. Không khí phản biện và phản bác của đại biểu Quốc hội cũng vì thế khá chìm lắng. Thậm chí vào năm 2013, báo chí thống kê có đến hàng trăm đại biểu không mở miệng trong suốt mấy kỳ họp liên tiếp.

Nếu diễn giải thuần túy theo quy luật kinh tế quyết định chính trị, thì thực trạng kinh tế càng tồi tệ càng dẫn đến hiện tượng ly tâm trong nội tình chính trị, thể hiện ở các luồng ý kiến và quan điểm khác nhau, thậm chí khác hẳn nhau. Tôi cho rằng kinh tế đã đủ xấu để kéo theo hiện tượng như đài RFI vừa đề cập, nghĩa là giữa các chính khách cao cấp không còn giữ được sự đồng thuận dù chỉ tương đối như trước đây, mà đang sinh ra mâu thuẫn, thậm chí xung đột với nhau.

“Kinh tế đủ xấu”
RFI : Có thể hiểu thế nào là “kinh tế đã đủ xấu”?

Một nền kinh tế xấu là khi GDP sụt giảm một nửa so với đỉnh của nó; nợ công quốc gia vượt quá ngưỡng nguy hiểm 65% GDP. Chỉ số tiêu dùng hoặc rơi vào tình trạng lạm phát cao, hoặc thiểu phát; vòng quay vốn chỉ bằng phân nửa so với mức trung bình; hàng tồn kho các ngành chủ chốt tăng 50% hoặc hơn. Hệ thống ngân sách nhà nước bị thâm thủng và kém bảo đảm các nguồn chi thường xuyên; hệ thống ngân hàng bị nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ, tỉ lệ thất nghiệp vượt quá 10%…

Có thể nói quá bất hạnh là kinh tế Việt Nam đang hội tụ hầu hết những hiện tượng này.

RFI : Trong những báo cáo của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn luôn bảo lưu rằng nợ công quốc gia chưa vượt ngưỡng nguy hiểm?

Nợ công chưa vượt ngưỡng nguy hiểm 65% với điều kiện không cộng nợ của khối doanh nghiệp nhà nước. Nhưng nếu chiếu theo cách tính phổ biến của Liên Hiệp Quốc thì đương nhiên phải tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, chứ nếu không thì nợ này chạy đi đâu và ai phải trả?

Mà nếu tính nợ doanh nghiệp nhà nước thì như nhiều chuyên gia độc lập đã xác định, tỉ lệ nợ công hiện thời phải đội lên ít nhất là 98% GDP, tức thực sự đang vào vùng nguy hiểm. Thậm chí có chuyên gia còn tính tới 106% GDP. Ngay ở kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu cũng phải thảng thốt vì con số hơn 300.000 tỉ đồng mà các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra mỗi năm để trả nợ nước ngoài, tính cho lãi suất chỉ 3-4%/năm. Vậy làm sao có thể tin được lời của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng “nợ nước ngoài chưa đáng ngại”?
Theo tôi, cách trấn an đó chẳng qua là động lực để các tập đoàn lợi ích tiếp tục vay mượn ODA và từ các nguồn khác, bất chấp tương lai đen tối ra sao dành cho thế hệ đời con đời cháu.

RFI Các báo cáo của Chính phủ vẫn cho rằng GDP giữ được mức tăng 5,7% và có khả năng đạt trên 6% vào năm sau, nghĩa là không giảm đáng kể so với mức 8-9% vào thời điểm năm 2009-2010?

Vậy Chính phủ phải diễn giải thế nào về câu chuyện ngụ ngôn “GDP có chân”? Chứng thực gần đây nhất là vào năm 2013, cũng tại một kỳ họp Quốc hội, chính ông Vương Đình Huệ vừa nhậm chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng, đã phải kêu lên là tại sao các tỉnh thành báo cáo đều có GDP vượt trên 10%, thậm chí đến 15%, nhưng GDP bình quân toàn quốc lại chỉ nhỉnh hơn 5% một chút?

Lời giải cuối cùng thuộc về sai số khủng khiếp của ngành thống kê Việt Nam, mà cho đến tận gần đây chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng buộc phải thừa nhận. Có nghĩa đó là căn bệnh báo cáo lấy thành tích một cách mãn tính và đầy giả dối ở Việt Nam, hoặc còn có cách gọi dân gian là “báo cáo láo”, để hậu quả cuối cùng là kết quả dối trá ấy đã cống hiến cho một cách thể hiện GDP cũng đầy dối trá.

Cũng cần lưu ý rằng ngay tại một đất nước bị coi là độc trị như Trung Quốc, năm 2013 cũng phải thừa nhận nhiều con số thống kê là sai. Chẳng hạn về nợ của các chính quyền địa phương, trong khi năm 2011 thống kê chỉ có 1.450 tỉ USD thì đến cuối năm 2013 đã buộc phải thừa nhận lên đến chẵn 3.000 tỉ USD.

Nhưng ở một chiều cạnh phân tích khác, nếu căn cứ vào tiêu chí vòng quay vốn hiện thời chỉ cỏn khoảng 0,6 - 0,8 so với mức 2 lần đạt được vào giai đoạn năm 2009 - 2010, thì có thể thấy GDP cũng phải giảm tương ứng, nghĩa là chỉ bằng khoảng 1/3 của mức 9% trước đây. Tức GDP Việt Nam thực tế hiện nay chỉ còn khoảng 3-3,5% chứ không thể là 5-6% như Chính phủ tô vẽ.

RFI : Phân tích của anh có bi quan quá không?

Làm sao bi quan một cách thiếu cơ sở và với bất cứ người làm công ăn lương nào ở Việt Nam? Một căn cứ khác có thể dựa vào để tính toán là số lượng và tỉ lệ doanh nghiệp phải phá sản và ngừng hoạt động trên toàn quốc. Tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào thời điểm cuối năm 2013 là khoảng 630.000. 

Trong khi đó, tại một hội nghị của Chính phủ với các “doanh nghiệp tiêu biểu” vào giữa năm 2014 đã phát hiện một bằng chứng tiêu biểu không kém, khi một số doanh nhân đưa ra con số có đến 300.000 doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động, tức chiếm gần 50% số doanh nghiệp đăng ký hoạt động hiện nay.

Tôi muốn nhắc lại là vào đầu năm 2013, chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lần đầu tiên phải công bố chính thức con số 100.000 doanh nghiệp phải phá sản và ngừng hoạt động, tức chiếm khoảng 18% tổng số doanh nghiệp. Sau đó, lại có con số cho biết có đến 200.000 doanh nghiệp không có khả năng đóng thuế, hay nói cách khác là ngừng hoạt động hoặc “biến mất”, chiếm khoảng 35% tổng số doanh nghiệp đăng ký.

Cuối cùng, tính theo cách nào thì số doanh nghiệp còn tồn tại cũng chỉ chiếm khoảng 50%, chưa tính việc trong đó có khá nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn không biết sẽ “đi” vào lúc nào. Vậy làm sao để “quyết tâm giữ vững GDP” như ông Thủ tướng nói được?

RFI : Vậy số liệu tỉ lệ thất nghiệp 1,84% cuối năm 2013 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo có mâu thuẫn gì với tỉ lệ doanh nghiệp phá sản?
Đó là con số mà thề có trời đất chứng giám - không làm sao tin được ! Những quan chức ngành lao động vẫn nổi tiếng là nơi sản xuất ra những con số trên trời và vô cảm đến mức bất nhẫn.

 Chỉ cần lấy con số doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động là 100.000 theo công bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì tương ứng tỉ lệ thất nghiệp cũng đã lên tới 18%. Song thực tế còn tệ hơn nhiều vì có đến 70% thanh niên trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, hoặc con số thống kê chưa đầy đủ vào cuối năm 2013 cho biết có đến 72.000 cử nhân ra trường bị thất nghiệp.

Còn nếu quy theo con số 200.000 doanh nghiệp không có khả năng đóng thuế, mà thực tế là phá sản hoặc “biến mất”, thì tỉ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt Nam phải lên đến 35-36%, tức còn cao hơn mức thất nghiệp 26% ở Tây Ban Nha và 27% ở Hy Lạp vào thời hai quốc gia này bị lâm vào khủng hoảng.
Vậy mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn báo cáo chỉ có 1,84%, tức còn khả quan hơn cả hai năm trước đó. Chúng ta cần nhớ Việt Nam đã bước vào năm thứ bảy của suy thoái kinh tế và rủi ro đang lan nhanh từ khối sản xuất sang khối hành chính, không có ai thoát nạn cả.

RFI : Một thực trạng đang làm xôn xao khu vực nhà nước là ngân sách không có tiền để tăng lương cho công chức, viên chức. Phải chăng hiện tượng này bắt nguồn từ hậu quả sụt giảm GDP?
Tất nhiên là khi GDP giảm thì tích lũy quốc gia giảm theo và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, tác động trực tiếp đến quỹ lương. Nhưng GDP không phải là tất cả nguyên nhân. Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về chuyện bất chấp kinh tế suy thoái và ngân sách khó khăn, bội chi ngân sách và tiêu xài lãng phí vẫn không ngừng xảy ra.

Cần nhắc lại là vào đầu năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải đề nghị Quốc hội cho nâng trần bội chi từ mức 4,7% lên 5,3%. Về thực chất, đó là sự hợp thức hóa hành vi tiêu xài thiếu điều tiết và lãng phí, bao gồm cả tham nhũng của các nhóm lợi ích. Mặc dù có một số phản ứng, song cuối cùng Quốc hội cũng đành “gật”.

Nhưng từ đó đến nay, tình trạng kềm chế chi vẫn không có gì khả quan, nếu không muốn nói là ở nhiều ngành, đặc biệt là xây dựng cơ bản, tốc độ chi vẫn tăng cao. Rất nhiều cơ quan, trụ sở hành chính cấp tỉnh, quận và cả phường xã vẫn đều đều mọc lên đầy hoành tráng. Nhiều công trình giao thông vẫn thi nhau đội vốn gấp rưỡi, gấp đôi. Cho tới giờ, kế hoạch tăng lương năm 2015 đã bị hoãn lại vô thời hạn, cho dù số tiền cần có để tăng lương là không quá lớn, chỉ khoảng 40.000 tỉ đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam đang giống như cái thùng không đáy dành cho tình cảm sâu đục bán trời không văn tự của các nhóm lợi ích và số chính khách tham nhũng. Bất kể đời sống công chức và công nhân khó khăn ra sao, ai tiêu được thì cứu tiêu, đến mức mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thảng thốt “Chi hết thì lấy gì mà tiêu”. Và còn hơn nữa, giống như thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản dã man, kẻ nào ăn được thì cứ thế mà ăn, hệt như lời bà Nguyễn Thị Doan - Phó chủ tịch nước - cảm thán “Ăn của dân không chừa thứ gì”.

RFI Nhân câu chuyện “ăn của dân không chừa thứ gì”, anh có liên tưởng đến một đề xuất của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu?

Đó chính là nỗi bức bối khốn khổ mà người dân và giới chuyên gia độc lập đã lên tiếng quyết liệt trong những ngày qua. Có người nói thẳng: giới ngân hàng lúc thành công thì “ăn” một mình, “ăn” hết không cho ai miếng nào. Còn bây giờ đổ bể thì lại đòi ngân sách phải đổ ra để trám nợ. Đạo lý ở đâu? Lấy tiền người nghèo chia cho kẻ giàu sao?

Vấn đề là một trong những nhân vật bị xem là “tội đồ kinh tế” là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình gần đây đã “gợi ý” rằng, nhiều quốc gia trên thế giới ít thì dùng 7-10% GDP để xử lý nợ xấu, bình thường cũng dùng tới 20-30% GDP, thậm chí có quốc gia còn dùng tới khoảng 60% GDP… 

Trong khi Việt Nam thì chưa dùng đến 1% GDP nào.
Lại có một quan chức Quốc hội - ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - dẫn ra bài học từ Hàn Quốc và thời Cách mạng tháng Tám năm 1945 để “gợi ý” tại sao dân Việt Nam không “học tập” mà góp tiền, vàng để xử lý nợ xấu.

Không thể nói khác hơn là nếu ngân sách nhà nước đang kiệt quệ đến mức không còn tiền tăng lương làm theo "sáng kiến" của Nguyễn Văn Bình và Phan Trung Lý, sự thể sẽ tồi tệ đến thế nào khi người dân nghèo bị móc túi đến tận cùng!
Về nợ xấu, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội lần này, lần đầu tiên Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải thừa nhận con số nợ xấu vào khoảng 500.000 tỉ đồng, tức vượt trên 10% tổng dư nợ chứ không phải chỉ có 4-5% như Ngân hàng Nhà nước thường báo cáo. Gần đây nhất vào đầu năm 2014, một hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s đã đánh giá nợ xấu Việt Nam lên đến 13%.

Nên nhớ là trước đó chưa bao giờ người bị tạp chí Global Finance uy tín của quốc tế liệt vào“một trong 20 Thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất thế giới” này chịu tiết lộ con số thực về nợ xấu. 

Con số nợ xấu thực bị giấu biệt suốt từ năm 2011 đến gần đây. Có nghĩa là tới giờ, có lẽ thấy tình thế vô phương cứu chữa nên mới đành kêu cứu. Nhưng lại kêu cứu theo cái cách bắt ngân sách mà thực chất là tiền đóng thuế của dân phải bù đắp, còn những kẻ“ăn của dân không chừa thứ gì” thì chẳng phải bỏ ra một đồng nào.

RFI : Nhưng vừa qua Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư "rút đề xuất chi ngân sách để xử lý nợ xấu"?

Không thể nói khác hơn, việc Chính phủ phải chỉ đạo rút lại đề xuất trên là một thắng lợi bước đầu của dư luận người dân và báo chí, dẫn đến tâm thế các đại biểu Quốc hội quen "gật" cũng phải tự biết xấu hổ với chức trách đại diện dân chúng của họ. Nếu không ai lên tiếng, chắc chắn các nhóm lợi ích được đạo diễn bởi những nhà làm chính sách sẽ thông đồng với nhau để rút tiền ngân sách.

Chính trị đủ “chín muồi”
RFI : Nhìn tổng quan, kỳ họp thứ 8 đang diễn ra của Quốc hội Việt Nam có vẻ khác biệt với với những kỳ họp trước đây?

Nếu nói “khác biệt” là chưa đầy đủ. Mà cần suy nghĩ về từ “dị biệt” để mọi thứ đồng điệu hơn.

Khác biệt lớn nhất giữa kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 là thái độ và làn sóng phản biện chủ yếu về vấn đề kinh tế, được khơi mào từ cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trước khi Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10. Ở trong nước, người ta gọi đó là những quan điểm “đá” nhau.
Và theo thông lệ nặng về tâm lý chính trị ở Việt Nam, một khi cấp trên đã “bật đèn xanh” thì cấp dưới bắt đầu mở miệng. 

Đó là hiện tượng bắt đầu xuất hiện, và hiện ra ngày càng nhiều đại biểu Quốc hội từ cấp trung ương đến các tỉnh thành lên tiếng “phản biện” về hàng loạt vấn đề bị xem là vấn nạn quốc gia. Chẳng hạn như nợ xấu, nợ công, bội chi ngân sách, không có tiền tăng lương, tham nhũng, bao gồm cả dự án sân bay Long Thành đang đội vốn lên đến gần hai chục tỉ đô la…

Chúng ta có thể hiểu đã có một chuyện gì đó xảy ra mới đây, hoặc xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Đó là cái gì? Phải chăng đó không chỉ là những điểm khác biệt mà còn mang tính dị biệt khi cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội đều đồng thanh gián tiếp chỉ trích lối báo cáo quá sức tô hồng và giả tạo của Thủ tướng?

Phải chăng thực chất nền kinh tế và các vấn đề xã hội của Việt Nam đã xấu đến mức mà những thành viên chủ chốt của Bộ Chính trị không thể không lên tiếng? Nhưng ngoài lý do kinh tế, liệu có nguyên do sâu xa nào khác giải thích cho sự cất tiếng có vẻ khá bất thường như thế?

RFI : Nguyên nhân sâu xa đó có thể là gì?

Nên quay trở lại với quy luật kinh tế quyết định chính trị và vòng quay hỗn độn của nó. Kỳ họp Quốc hội lần này khai mạc không chỉ với làn sóng phản biện về kinh tế, mà còn đang nóng lên bởi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới.

Rồi cũng ngay trong những ngày họp đầu tiên, lại nổ ra vụ cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an khởi tố và bắt giam ông Hà Văn Thắm - là người vừa bị miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đại Dương, người cũng được coi là một trong những tỉ phú đô la ở Việt Nam và bị nghi có mối quan hệ ẩn giấu nào đó với ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội.

Thật lòng, tôi không quá tin tưởng vào thực tâm của ông Nguyễn Sinh Hùng, khi ông phát lệnh về chiến dịch phản bác báo cáo kinh tế - xã hội của bên chính phủ. Bởi nhiều kỳ họp trước đây, với vai trò là Chủ tịch Quốc hội, ông Hùng đã gần như nhắm mắt cho qua thực trạng kinh tế sa sút từ năm 2011.

Có dư luận cho rằng đang chuẩn bị diễn ra một cuộc chiến quyền lực giữa các lãnh đạo cao cấp, mà cụ thể là giữa ông Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thực ra dư luận này cũng có thể có một phần cơ sở, nếu xét đến hai khía cạnh:

Đầu tiên là dự luật “tăng quyền cho Thủ tướng”, tức dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ do phía Chính phủ bất ngờ trình ra Quốc hội, trong đó xác định quyền hành của Thủ tướng được bổ nhiệm và cách chức hàng quan đầu ngành và đầu tỉnh thành. Nếu dự luật này được Quốc hội thông qua, quyền hạn của Thủ tướng có thể nói là sẽ bao trùm và chắc chắn vượt trên cả Tổng bí thư.

Khía cạnh thứ hai đáng chú ý không kém là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội sắp tới. Vào giữa năm 2013, Quốc hội đã lần đầu tiên thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt, với kết quả những người đạt tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao nhất đều là bên chính phủ như Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…

Còn vào lần này, một số đại biểu đã bắt đầu đề xuất cơ chế đại biểu “được” từ chức nếu có 2/3 phiếu « tín nhiệm thấp », thậm chí chỉ cần 1/2 phiếu tín nhiệm thấp; còn nếu không từ chức thì vụ việc đại biểu đó sẽ được đưa ra Quốc hội để xử lý. Nếu cơ chế 1/2 phiếu « tín nhiệm thấp » được áp dụng thì đương nhiên Nguyễn Văn Bình là đại biểu có hệ số nguy cơ cao nhất, vì lần trước ông này đã bị đến 42% phiếu « tín nhiệm thấp ».

 Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần trước cũng bị đến 32% phiếu « tín nhiệm thấp », và lần này chỉ cần 18% nữa thôi là ông phải đối mặt trực tiếp với khả năng buộc phải từ chức.

Thực ra ở các nước phương Tây nơi có chế độ đa đảng và nghị viện dân chủ, việc điều hành yếu kém của một chính phủ tất yếu phải dẫn đến việc Thủ tướng hoặc toàn bộ chính phủ đó phải từ chức.

Song ở Việt Nam, tình trạng độc đảng và sự xen cài giữa các nhóm quyền lực, nhóm lợi ích khiến cho cơ chế từ chức là khó xảy ra. Tuy nhiên, cuộc chiến quyền lực đang có nhiều dấu hiệu bùng nổ, hơn nữa cũng như giới hạn về thời gian của Hiệp định TPP đối với Nhà nước Việt Nam, thời gian từ đây đến Đại hội 12 của Đảng vào đầu năm 2016 là hoàn toàn không còn nhiều đối với bất kỳ chính khách nào muốn “chạy đua vũ trang”.

RFI : Anh dự đoán diễn biến chính trị sắp tới ra sao?

Tôi cho rằng vụ bắt một loạt ba quan chức cao cấp của Ngân hàng Xây dựng vào cuối tháng 7/2014 là sự mở màn cho chiến dịch “diệt ruồi” ở Việt Nam. Còn vụ bắt Hà Văn Thắm ở Ngân hàng Đại Dương lại là một dấu hiệu tiếp theo, nhưng có lẽ nằm ở một “kênh” khác, có thể báo hiệu cho tính hỗn giao “tay ba” trong cuộc chiến quyền lực ấy.

Vấn đề còn lại là quan điểm xử lý “bình - chuột” của giới chức bên Đảng như thế nào, họ có dám “đập bình diệt chuột” không hay chỉ là “diệt chuột giữ bình” theo cách nói của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bây giờ ta trở lại với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ. Nếu báo cáo này bị đa số trong Quốc hội phủ quyết thì nguy cơ nhận tỉ lệ cao về phiếu « tín nhiệm thấp » của các quan chức chính phủ là cao không kém. Mà nếu tình huống này xảy ra, người ta có thể hiểu là tại sao Hội nghị Trung ương cuối năm 2014 lại diễn ra sau kỳ Quốc hội chứ không phải trước họp Quốc hội như thường thấy trước đây.

Chính kỳ họp Trung ương sau Quốc hội sẽ quyết định nhân sự chủ chốt, thậm chí là nhân sự cấp Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí liên quan đến cả “tứ trụ”, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội. Và biết đâu lại chẳng xảy ra một cuộc “thay ngựa giữa dòng” nào đó, hoặc một sự xoay chuyển cục diện nhân sự có lợi cho một bên nào đó để dẫn đến đến kết cục vào đầu năm 2016.

Nói cách điệu một chút, nội bộ chính trị Việt Nam đang dần đủ chín muồi để ngoặt sang một giai đoạn nhanh mạnh và khốc liệt hơn nhiều so với trước đây.

RFI : Xin rất cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Saigon đã vui lòng nhận lời tham gia tạp chí kinh tế của RFI Việt ngữ.


No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

My Blog List