Đăng
ngày 26-03-2015 Sửa đổi ngày 26-03-2015 17:33
Euro sụt giá kích
thích lòng tham của Trung Quốc đối với Châu Âu
Nhân dân tệ/euroREUTERS/Petar Kujundzic
Ngày 22/03/2015 Ý như đã không tránh khỏi bàng hoàng : Tập đoàn
sản xuất vỏ xe nổi tiếng thế giới Pirelli, niềm tự hào của kinh tế Ý, chuẩn bị
rơi vào tay ChemChina, một tập đoàn Trung Quốc mà ở phương Tây không ai biết
đến. Sự sụt giá của đồng euro là một cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp
Trung Quốc.
Sở dĩ tập đoàn Trung Quốc thành công trong việc mua lại Pirelli,
đó là nhờ hiện tượng đồng tiền châu Âu đã tuột giá thê thảm trong thời gian gần
đây, một thực tế ngày càng kích thích ý hướng bành trướng qua Châu Âu của Trung
Quốc.
Theo các số liệu được tiết lộ, để giành quyền kiểm soát Pirelli,
phía Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 7,4 tỷ euro, chỉ tương đương với 49 tỷ yuan
theo thời giá vào lúc này. Nếu thương vụ diễn ra cách đây một năm, cụ thể là
vào tháng 5/2014, thì phía Trung Quốc sẽ phải chi thêm 14 tỷ nhân dân tệ nữa !
Tính ra, từ tháng 5/2014 đến nay, đồng euro đã giảm 20% so với
đồng đô la Mỹ, và theo một tỷ lệ tương tự so với đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Điều này đã không thoát khỏi sự chú ý của Trung Quốc, sẵn sàng dùng khối dự trữ
ngoại hối khổng lồ có trong tay để tung ra kiếm lợi.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương (Shen
Danyang) đã không ngần ngại công khai tỏ ý vui mừng : « Sự sụt giá của đồng
euro là một cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Trung Quốc để thực hiện các
khoản đầu tư và mua lại » các công ty ngoại quốc với giá hời.
Tuyên bố của quan chức nói trên chỉ khẳng định một chính sách được
chế độ Bắc Kinh thực hiện từ lâu : Khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc «
quốc tế hóa », để bảo đảm các nguồn cung cấp nguyên liệu và các thị trường tiêu
thụ cho nền kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc mua lại các tập đoàn ngoại quốc, đặc biệt là
Châu Âu, còn phục vụ một lợi ích chiến lược hơn : Cho phép Bắc Kinh chiếm hữu
công nghệ học của phương Tây vào lúc Trung Quốc nuôi tham vọng biến các sản
phẩm « Made in China » thành mặt hàng cao cấp. Việc làm chủ các công ty phương
Tây tạo điều kiện cho Trung Quốc dễ dàng lấy các công nghệ họ cần.
Với đà tuột giá của đồng euro, kèm theo với tình trạng phát triển
khựng lại của nền kinh tế Trung Quốc, giới quan sát không loại trừ khả năng các
thương vụ mua lại các công ty châu Âu tăng vọt trong thời gian sắp tới. Trả lời
AFP, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại của Liên Hiệp Châu Âu tại
Trung Quốc không ngần ngại dự đoán : Bắc Kinh đang chuẩn bị « một cuộc tấn công
quy mô lớn » tại châu Âu.
Chỉ riêng trong hai tháng 1 và 2/2015, đầu tư của Trung Quốc tại
vào Liên Hiệp Châu Âu đã tăng gấp mười lần tình theo nhịp độ thường niên, để
đạt mức 3,36 tỷ đô la, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc.
Việc Trung Quốc thâu tóm các tập đoàn châu Âu dĩ nhiên đã khuấy
động dư luận nhiều nước. Cho đến nay, người Pháp vẫn bất bình trước việc tập
đoàn du lịch Club Med bị rơi vào tay Trung Quốc, hay việc sân bay Toulouse ở
miền Nam Pháp sẽ bị một tập đoàn Trung Quốc khống chế.
Ví dụ tại Pháp không thiếu : Từ các khách sạn, nhà hàng, cho đến
các vườn nho, thậm chí ngay cả tập đoàn sản xuất ô tô PSA Peugeot Citroën, hầu
như không có khu vực nào tránh khỏi tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Tình hình nghiêm trọng đến mức mà cựu Thủ tướng Ý Romano Prodi đã
phải than thở rằng : "Chính sách công nghiệp ngày nay được quyết định ở
Bắc Kinh".
Sự sụt giá của đồng euro tuy nhiên, không hoàn toàn bất lợi cho
Châu Âu. Đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ là một trở ngại lớn đối với Bắc Kinh vì
làm suy giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu nước này trong
thị trường Liên Hiệp Châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Đăng ngày 26-03-2015
Thép Trung Quốc bị
Châu Âu áp thuế chống phá giá
Công nhân TQ tại nhà máy thép Liêu Ninh.REUTERS/Stringer
Sau pin mặt trời, đến lượt thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc
bị Liên Hiệp Châu Âu áp thuế chống bán phá giá. Quyết định được loan báo vào ngày
25/03/2015 là dấu hiệu cho thấy là quan hệ thương mại Châu Âu-Trung Quốc không
phải là đã hoàn toàn suôn sẻ, hai năm sau « cuộc chiến pin mặt trời » đối lập
hai khối kinh tế khổng lồ.
Theo quyết định đăng trên công báo của Liên Hiệp Châu Âu, các mặt hàng
thép inox cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan sẽ phải chịu mức thuế chống
phá giá từ 10,9% đến 25,2%, tùy theo hãng sản xuất. Mức thuế này được áp dụng
trong thời hạn 6 tháng, có thể thay đổi theo tiến độ cuộc điều tra chống phá
giá đã được mở ra.
Một số công ty Trung Quốc hay Đài Loan đã tỏ thiện chí hợp tác với
châu Âu trong cuộc điều tra chống phá giá, do đó không nằm trong diện bị trừng
phạt. Riêng các cơ sở bị áp thuế chống phá giá, có 25 ngày để yêu cầu được cung
cấp thông tin, và khiếu nại trước Ủy ban Châu Âu.
Ủy ban Châu Âu đã mở một cuộc điều tra ngày 25/06/2014 sau khi
nhận được đơn khiếu nại từ giới sản xuất Châu Âu, theo đó có khả năng là các
đối thủ cạnh tranh Trung Quốc hay Đài Loan của họ đã bán lỗ vào thị trường châu
Âu để giành thị phần.
Quyết định vào hôm qua Ủy ban châu Âu là diễn biến mới nhất trong
một loạt tranh chấp thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc. Tháng
2/2015, một tòa án trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới đã xét rằng Trung
Quốc có lỗi trong một tranh chấp với Châu Âu và Nhật Bản về ống thép không gỉ
sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện. Trong vụ đó, Trung Quốc cũng bị kiện về
tội bán phá giá.
Trước đó, vào tháng 12/2014, Ủy ban Châu Âu đã mở một cuộc điều
tra chống bán phá giá nhắm vào các sản phẩm bằng kính chế tạo tại Trung Quốc,
dùng cho các tấm panô thu năng lượng mặt trời.
Vào khi ấy, Châu Âu khẳng định rằng cuộc điều tra đó không liên
can gì đến « vụ kiện pin mặt trời » đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc
chiến tranh thương mại giữa hai bên, và sau đó đã được dàn xếp với một thỏa
hiệp song phương ký kết từ tháng 7/2013.
Về phía Trung Quốc, nhiều công ty đã không tôn trọng thỏa hiệp đó,
và đến tháng 12/2014, đã bị Châu Âu áp thuế chống bán phá giá và chống trợ giá.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.