Mùa hè và những bữa cơm tình thương
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-03-27
2014-03-27
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của
Bạn
- Email
Phân phát cháo tình thương ở một bệnh viện.
RFA
Mùa nắng, với người nghèo bao giờ cũng là mùa khó
chịu nhất mặc dù không phải đối diện với thiên tai, bão
lũ nhưng mùa nắng, con người phải đối diện với mọi thứ bệnh dịch. Và bệnh viện chật ních người, những thân nhân người bệnh nằm chen chúc nhau
ngoài hành lang bệnh viện để chờ chăm sóc người thân, bữa đói bữa no vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Với những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo, những bữa cơm tình thương bao giờ cũng đượm tình người và bao hàm cả những ân tình của người với người trong đời sống khốn khó này.
Trải lòng với cuộc đời
Một người bác sĩ đang là
trưởng nhóm cơm từ thiện, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Ngày xưa, bác ở bệnh viện, cách đây khoảng 5-6 năm rồi, mình thấy bệnh nhân nghèo của mình họ không ăn cơm, họ không có gì để ăn hết. Mình nghĩ là thôi, mình nghĩ là mình nhường cho họ một bữa cơm, cứ thế, nhà mình nhường vài bữa, vài bữa thế rồi nên… Có câu chuyện thế này, có một bệnh nhân đau nằm bệnh viện, mà gia đình chịu cũng không nổi, họ bị ung thư, gia đình họ đưa về, trước khi về họ nhắn mình tới, người đó nói với mình thế này, trước khi chết họ được ăn mấy bữa cơm ngon, thiệt tình là bữa cơm của mình cũng bình
thường thôi. Nhưng với họ là quá có nhiều điều khổ… Trước khi chết họ bảo họ ăn được mấy bữa cơm ngon, mình nghe vậy... thì…!”
Theo ông, hiện tại, số lượng bệnh viện ở miền Trung, đặc biệt ở các tỉnh như Quãng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… cơ sở hạ tầng còn rất kém, thiếu thốn mọi thứ, đó là chưa nói đến những bệnh viện ở vùng miền núi, hầu như thiếu thốn mọi bề.
Song song với vấn đề bệnh viện, đời sống người dân ở khu vực này cũng còn rất thấp, thiếu thốn, đói khổ, nhiều người bị bệnh mà không dám đến bệnh viện vì sợ không đủ tiền chữa bệnh, nhiều người đưa người nhà đi chữa bệnh phải nhịn ăn để tiền mua thuốc cho người thân, mỗi ngày chỉ ăn một gói mì tôm cầm hơi… Tất cả những người có số phận không may mắn này luôn cần sự chung tay chia sẻ của đồng loại, của cộng động. Đối với họ, phải nói rằng một miếng bữa đói bằng một gói khi no.
Đi nhiều, khám bệnh nhiều và chứng kiến nhiều mảnh đời thương tâm của đồng loại, vị bác sĩ này đã
phát tâm nấu những bữa cơm tình thương, kêu gọi mọi người cùng chung tay với ông để bữa cơm tình thương thêm đậm đà hương vị và dinh dưỡng. Với ông, nhìn những người nhà bệnh nhân xếp hàng ngay ngắn chờ nhận những bữa cơm tình thương và hầu như không ai tranh giành ai, người này bận thì người khác đến nhận giùm, tình thương nơi bệnh viện của cái nghèo với cái nghèo chan
chứa và bao la làm ông cảm động đến đôi khi rơi nước mắt.
Một người nghèo, cũng yêu
cầu giấu tên, đến nhận cơm tình thương ở hành lang một bệnh viện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Mấy sư cô ở chùa mang cháo, cơm trưa cũng có, nhưng ít hơn, cháo tình thương nhiều hơn, nhiều lúc còn có sữa nữa. Có những bát cháo của chùa, hội quan tâm giúp đỡ, giúp mình vượt qua cơn đói, buồn khổ, bệnh tật, cũng phấn chấn lên nhờ cháo với cơm chay.”
Những bàn tay ấm áp
Những người nhà bệnh nhân nằm lây lất khắp hành lang một bệnh viện. RFA PHOTO.
Theo chị, những bữa cơm tình thương ở bệnh viện luôn giúp chị vơi đi rất nhiều khó khăn và nỗi buồn. Vì với một người nghèo, khi có người thân bị bệnh, cảm giác buồn và lo lắng ập đến một cách khác thường, khò mà dứt bỏ nó được, nhất là khi phải đối diện với tiền viện phí, nhìn người thân vẫn chưa lành bệnh rồi lại nghe bao tử cồn cào vì đói nhưng lại ngại ra quán mua cơm bởi số tiền còn trong túi
quá ít ỏi. Những lúc như thế, nỗi buồn về thân phận nghèo dễ làm người ta mũi lòng và
khóc một mình.
Với chị, một bữa cơm tình thương có thể giúp chị đỡ đói được một ngày, dư ra một ít tiền để giúp cha chị mua thêm vài viên
thuốc điều trị bệnh, nhiều khi, chị tự dối lòng, mang theo
hai chiếc hộp để nhận hai phần cơm, nói dối là nhận giùm cho người khác để mang về ăn lúc khuya cho đỡ đói vì mỗi ngày chị chỉ ăn đúng một bữa. Ban đầu chị rất ngại ngần nhưng vài ngày sau, bạn đồng cảnh ngộ hiểu chị nên thấy thương, cũng mang theo hai hộp để nhận giùm phần cho chị khi chị đang bận tay chăm sóc cha già.
Không khí yêu thương chan hòa, ánh mắt ân cần của người tặng cơm cũng như sự nhường nhịn nhau của người nhận cơm luôn là bữa ăn tinh thần đầy sức mạnh giúp chị vượt qua nhiều khó khăn cũng như nỗi buồn chất nặng trong tâm hồn. Tuy nhiên, cũng
theo người phụ nữ này, không phải ai cũng cảm nhận giống như chị, nhiều người vẫn nặng thói quen trí
trá và ham những thứ miễn phí nên mặc dù họ chẳng nghèo khó gì vẫn mang hộp ra nhận cơm tình thương cho đỡ một bữa mua cơm, nếu ngon thì ăn, nếu không ngon thì âm thầm mang đi đổ. Với chị, làm như thế là phụ lòng tốt của người khác và đánh mất lòng tự trọng của một con người.
Một người nhà bệnh nhân khác, cũng
yêu cầu giấu tên, chia sẻ với chúng tôi rằng thời bây giờ, nếu nghèo khổ thì khi bị bệnh chỉ còn một lựa chọn duy nhất là mong sao cái
chết đến càng sớm càng nhẹ gánh. Tuy nhiên, bản năng sống bao giờ cũng mạnh hơn, làm người, ai cũng mong
mình được sống để trải nghiệm vui buồn của cuộc đời, chính vì thế mà hơn ai hết, những bệnh nhân nghèo luôn
mong mỏi được tồn tại bởi chung quanh họ còn có cả một gia đình nghèo
khổ, cần sự góp tay của họ.
Nếu như người giàu sợ chết bởi vì còn quá nhiều thú vui trong cuộc đời họ chưa kịp hưởng thụ và cũng còn quá
nhiều việc họ cần phải hoàn thành trước khi nhắm mắt thì người nghèo lại vô cùng sợ chết vì cái chết của họ rất có thể sẽ bỏ cả một đoàn tàu phía
sau lưng không có người lái, cả một gia đình vốn khó khăn sẽ rơi vào bơ vơ nếu không có bàn tay cũng như sự hiện hữu, chỉ bảo của họ. Hơn bao giờ hết, người nghèo luôn ray rứt và đau khổ khi đến bệnh viện, nỗi đau về thân phận nghèo khổ cũng hiện ra rõ nét nhất trong lúc này.
Chính vì thế, khi nghe tin dưới thành phố mới có quán cơm Nụ Cười Sông Trà chỉ bán với giá hai ngàn đồng một phần nhằm phục vụ cho người nghèo, chị rất mừng và cảm thấy cuộc đời này, ngoài những thứ dối trá, đạo đức giả, kệch cỡm, hượm hĩnh của những kẻ ăn trên ngồi trốc trên đầu nhân dân, vẫn không thiếu những tấm lòng, những bàn tay ấm áp biết cúi xuống để chia sẻ với thân phận nghèo khổ của đồng loại.
Người bệnh nhân này yêu cầu chúng tôi thay lời chị và nhiều người đồng cảnh ngộ gửi đến quán cơm Nụ Cười Sông Trà cũng như nhiều nhà hảo tâm khắp mọi miền đất nước lời tri ân sâu nặng! Và trong lần tường trình tới, chúng tôi sẽ giới thiệu rõ nét hơn về quán cơm Nụ Cười Sông Trà đến quí thính giả!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.