Cố học để thoát nghịch cảnh
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-04-03
2014-04-03
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của
Bạn
- Email
Ngô Thị Thanh và Mẹ tại nhà dì ở thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, ảnh chụp tháng 4 năm 2013.
Courtesy Dân Trí
Năm 2013, qua báo Dân Trí phát hành trong nước, Thanh Trúc biết đến Ngô Thị Thanh, vào khi em
trải qua hai cuộc giải phẫu để được cắt bỏ hẳn một bên vú bị khối u ác tính hồi tháng Tư và tháng Năm năm
2013, giữa lúc mẹ bị bệnh tâm thần rồi đến dì ruột cũng bị tâm thần hai năm nay.
Câu chuyện về Ngô Thị Thanh ám ảnh Thanh Trúc từ đó, Thanh Trúc đã
đi tìm em.
Một mình bươn chải
Nơi Ngô Thị Thanh sinh ra và
lớn lên là vùng đất nghèo thuộc thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm nay 16 tuổi, học Lớp Mười, nhưng từ Lớp Một Ngô Thị Thanh phải một mình bươn chải, trông nom mẹ và dì ruột trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Vậy mà em vẫn là một học sinh giỏi với những ước mơ rất bình thường của một người trẻ sớm biết thế nào là cô đơn, đói nghèo và sự cần thiết của việc học. Niềm may mắn nhỏ nhoi của Thanh là dì Hạnh, người dì ruột luôn để mắt tới em trong những lúc ngặt nghèo:
“Ngày là con ở nhà mạ con, còn bữa đêm là con lên
nhà dì Hạnh ngủ cho an toàn vì dì sợ đêm hôm khuya khoắc lỡ mạ con lên cơn cầm dao cầm rựa chém lung tung.”
Con mới sinh ra thì ba con đã bỏ đi rồi, khi nớ mạ con vẫn còn đi làm thuê
cho họ. Khi mà con vô Lớp Một là mạ con bắt đầu bị động kinh hay đập đầu vào tường.
-Ngô Thị Thanh
-Ngô Thị Thanh
Nhà Thanh nghèo lắm, em chưa từng thấy mặt cha đẻ bao giờ, chỉ nghe mọi người nói ông là bộ đội. Hơn 6 năm nay, Ngô
Thị Thanh một mình vừa đi học vừa trông chừng người mẹ bị tâm thần nặng và người di càng ngày càng ngớ ngẩn, một gánh nặng thứ nhì của Thanh:
“Con mới sinh ra thì ba con đã bỏ đi rồi, khi nớ mạ con vẫn còn đi làm thuê cho họ. Khi mà con vô Lớp Một là mạ con bắt đầu bị động kinh hay đập đầu vào tường, hay bị lửa đốt, tinh thần không ổn với lại cũng bị tổn thương nhiều nên lâu ngày
thành ra tâm thần luôn.”
Sống nhờ vào tình thương của hàng xóm và bạn bè, điều cô nữ sinh giỏi Anh văn này sợ nhất là khi mẹ lên cơn chạy đến trường la lối đập phá và lôi em về:
“Khi mô mà nghe mạ con tới là con chui vô tủ con trốn không thôi mạ con lôi con về. Nói chung từ Lớp Một lên con là học sinh giỏi nên chi bạn bè với lại ba mẹ của bạn thương con lắm thành ra bữa mô cũng đi ăn chực nhà họ.
Năm ni con học Lớp Mười, tiếng Anh thì con học cũng bình thường, chắc là trong lớp ít đưa học giỏi tiếng Anh nên là thấy con trội hơn tí chứ cũng không có
chi. Mấy thầy cô chủ nhiệm cũng biết nhiều về hoàn cảnh của con nên khi mô
cuối năm mà có suất quà nghèo hay là
cái chi đó thì cũng đều ưu tiên cho con.”
Ngô Thị Thanh được cô giáo Anh văn
khuyến khích bằng cách cho em học thêm mà không phải đóng học phí. Năm nào
Thanh cũng được trường ưu tiên chọn cho đi thi
Olympic tiếng Anh cấp tỉnh. Với em, đó là niềm vinh dự và nguồn an ủi lớn lao.
Ngô Thị Thanh và Dì ruột, Bà Phan Thị Hạnh tại bệnh viện, ảnh chụp tháng 4 năm
2013. Photo courtesy of Dân Trí.
Năm 13 tuổi, đang học Lớp Sáu, tai họa bất ngờ chụp đến khi Ngô Thị Thanh phát hiện có điều gì khác thường trong ngực:
“Có một khối u mà con không
biết con cứ để bình thường rứa. Cứ để rứa ba chặp hắn nặng hơn. Đến năm Lớp Chín con thấy đau mà sưng đỏ nữa con mới hỏi dì Hạnh. Khi đó dì Hạnh phải mượn mô ra được mất triệu mới dẫn con đi bệnh viện.”
Kết quả xét nghiệm từ Hà Nội xác nhận một khối u ác tính có khả năng dẫn đến ung thư vú, Ngô Thị Thanh kể tiếp:
“Nặng rứa nên bác sị cho cắt luôn để khỏi bị di căn vô mấy chỗ khác. Khi nghe bác sĩ nói con bị ung thư từ khối u ác tính thì điều duy nhất con sợ là con sẽ chết, sẽ bỏ lại mạ con lại một mình không ai
nuôi. Con thấy người bơ vơ là mạ con chứ không phải là con.”
Nghị lực phi thường
Ý chí sống còn và nghị lực phi thường đã giúp cô gái,
khi đó 15 tuổi, trải qua hai cuộc giải phẫu để cắt bỏ hoàn toàn một bên vú. Giữa khoảng thời gian 20 ngày của hai lần mổ, Thanh mang sách
vở theo để ôn tập rồi lại xin về nhà để đi thi vì sợ bị ở lại lớp:
“Con nung nấu từ khi Lớp Sáu, khi mà thầy cô nói rằng chỉ có con đường ngắn nhất để vượt ra khỏi đói nghèo là phải học thật tốt. Từ lúc đó là con đã quyết tâm rồi và con cũng ý thức được việc học là quan trọng.”
Từ thôn Phú Cường, trò chuyện với Thanh Trúc qua
điện thoại, bà Phan Thị Hạnh là dì ruột của Ngô Thị Thanh kể lại tình cảnh eo hẹp và tấm lòng của bà con chòm xóm
cứu nguy cho cháu gái bà:
“Năm cháu lên Cấp 2 thì mẹ cháu bị phỏng nước sôi đầy người thì em đem cả hai mẹ con lên nhà nuôi.
Em ăn cơm thì cháu ăn cháo thôi vì em cũng không giàu. Lên nhà thì em cũng thấy cháu là hai cái
vú hắn một bên to bên nhỏ em cứ nghĩ là tuổi dậy thì. Tới năm Lớp Chín thì mẹ cháu cũng bị phỏng nước sôi rồi tiếp là phỏng lữa. Em cũng đem lên nuôi thì cháu hỏi sao thấy cái vú cháu hắn sưng to mà đỏ lên như ri.
Cháu lên chiều Chủ Nhật là Thứ Hai em đem lên bệnh viện, bác sĩ phê nhập viện gấp để bóc gấp, em thấy trong bệnh án họ đề như vậy.”
Không sẵn tiền, bà Hạnh chạy vạy khắp nơi để lo cho Thanh:
Con nung nấu từ khi Lớp Sáu, khi mà thầy cô nói rằng chỉ có con đường ngắn nhất để vượt ra khỏi đói nghèo là phải học thật tốt.
-Ngô Thị Thanh
-Ngô Thị Thanh
“Khi đi là em mượn cô trạm trưởng nơi chỗ y tế xã Lộc Thủy một triệu, với em có một triệu nữa, cháu thì chỉ có 20.000 đồng thôi. Nhập viện thì họ nhập vô ba triệu. Em không có thì
em qua bên trường Đại Học Y có cô nớ quen em mượn thêm hai triệu nữa rồi nhập viện cho cháu.
Nhập viện xong và hội chẩn xong thì họ dắt cháu ra chợ, xin người cho năm ngàn, mười ngàn, có người cho trăm ngàn… Cộng lại được hai triệu mấy. Tháng Tư em đem cháu đi mổ, lần đầu xong rồi thì xin về thi. Thi xong qua tháng Năm bác sĩ nói nên cắt luôn vì của cháu là u ác
tính. Từ đó là mổ với người ni cho người tê cho rứa, ở nơi chợ Đông Ba nói chung họ quyên góp. Cũng
nhờ từng nấy mà cháu mổ và ăn từ ngày đó đến giờ cô nạ, cũng gần một năm rồi.”
Hiện tại, trong thời gian nghĩ dưỡng, Ngô Thị Thanh vẫn ở với dì Hạnh, trong lúc bệnh tình của mẹ và dì ở nhà không hề thuyên giảm. Bà Hạnh nói:
“Về dưới nhà không ai lo
mà cũng không có để mà ăn. Buổi trưa là cháu ghé về nhà để cho mẹ uống thuốc. Vì mẹ bịnh tâm thần nên khi biết thì cho con ăn, nhiều khi thì không
cho. Có cái chi đó đem cho hàng xóm thôi còn không cho hắn ăn. Có khi còn đánh đập con, đêm bà lên
cơn đuổi hắn ra ngoài trời ngủ. Bà dì nó hồi chưa phát bịnh là cũng từng đi gánh cũi, đi mua ve chai, đi làm thuê cho họ về cũng nuôi hai mẹ con hắn bữa no bữa đói. Rồi có xã hay bà con
lân cận trong xóm họ cho cái ni cho
cái tê dặm thêm. Chừ bà dì nớ bị bịnh từ tháng Ba năm
ngoái nhưng mà không điên hung. Đi chợ thì 12 giờ chưa về, chưa nấu ăn thì hắn nhịn đói, đôi khi ăn mì tôm rồi đi học.”
Chưa hết, tuy đau ốm và bệnh ngày càng nặng nhưng vì không tiền nên mẹ và dì Ngô Thị Thanh không được uống thuốc đầy đủ. Người phụ nữ thứ hai, bà Hà, trưởng trạm y tế địa phương, không ruột rà gì với Thanh như dì Hạnh, cũng tận tình giúp đỡ em và mẹ những lúc ngặt nghèo:
“Mẹ bé Thanh bị tâm thần mà không ai chăm
sóc nên vô bếp bị ngã bị phỏng bị té hầu như một năm là không biết bao nhiêu lần, ập cả mặt cả tay chân vào trong bếp lửa, rồi bị bỏng nước sôi, u đầu đứt tay chảy máu thì liên tục. Đại khái em Thanh đi
học ngày hai bữa, những ngày ở nhà em qua chăm sóc mà khi bà lên cơn là bà không biết gì hết, bà cầm dao rượt đuổi. Nhiều khi nấu cơm thì bà đổ đi hết.
Bé Thanh thì áo quần cũng không có,
gia đình rất chi là khó khăn, bà con lối xóm cho gạo cho cơm cho quần cho áo thì mẹ bé Thanh ôm ra đốt hết trơn.”
Có nghe mới thấy sức chịu đựng vô cùng của Ngô Thị Thanh. Tuổi đang lớn, cơ thể đang phát triển mà nhịn đói đến trường là chuyện thường thấy ở cô nữ sinh giỏi này. Bất kể mọi trở ngại, Ngô Thị Thanh quyết chí không bỏ học bởi học hành là cứu cánh của tương lai, là phương tiện duy nhất để đạt tới ước mơ của đời mình. Hơn ai hết, cô gái 16 tuổi có nét mặt hiền lành, thân hình
nhỏ nhắn chỉ bằng một em gái nhỏ 12 hay 13 tuổi, hiểu mình muốn gì và phải làm gì:
“Trước đây thì con thích làm bác sĩ, nhưng mà phải học bảy năm lận. Với lại học phí bên ngành Y là cao lắm nên con quyết định chuyển qua khối A1, nếu mà chuyên ngành
thì chắc cũng về tài chính.
Ước mơ của con là lớn lên kiếm nhiều tiên xong chăm
sóc được cho mẹ. Mong cho mẹ con khỏe mạnh từ đây tới ngày con làm ra
tiền để nuôi mẹ. Nếu còn thừa nữa thì còn sẽ nghĩ đến các trẻ em mồ côi. Con cũng muốn đóng góp một phần nào đó cho cuộc sống này vì xã hội đã giúp đỡ con rất nhiều và con nợ xã hội rất nhiều.”
Nợ xã hội, món nợ canh cánh bên
lòng Ngô Thị Thanh, là cũng phải thôi. Nay mai, trong tháng Tư này, em và mẹ cũng như dì sẽ dọn vào ngôi nhà tình thương. Bà Phan Thị Hạnh cho biết đây là sự đóng góp của một doanh nghiệp và một cặp ân nhân dấu tên:
“Cái nhà ni vừa rồi là Beer Huda về cho 25 triệu, với lại có ông bà mô đó cho 15 triệu, xây cho hắn cái nhà là 40
triệu mà chồng em là thợ hồ đứng ra làm nhưng đều chừ cũng không đủ.
Mà phòng của hắn là họ bắt buộc phải xây cao lên, có
cửa phòng đóng
lại cho mẹ hắn khỏi quậy chứ không thôi sách vở mẹ hắn đốt hết, áo quần của hắn xé hết. Chừ cho cái nhà không
chứ chưa có chi hết.”
Bà Hà, người trạm trưởng y tế tốt bụng, cho biết thêm:
“Vừa rồi có làm chế độ cho bà mẹ thì được một tháng 180.000 tiền mình, thiếu trước hụt sau rồi bà con có chi ăn
người ta cũng bới cho rứa thôi, mà cái vùng nớ ai cũng nghèo cả.”
Đó là cuộc sống hẩm hiu của em Ngô Thị Thanh, nữ sinh Lớp Mười vừa được giải phẫu cắt bỏ một bên vú vì căn bệnh ung thư, một mình xoay sở chăm sóc mẹ và dì bị bệnh tâm thần.
Đó cũng là sự cố gắng hết mực của Ngô Thị thanh để hướng đến một tương lai rạng ngời.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng nơi đây. Thanh Trúc
hẹn lại quí vị thứ Năm tuần tới.
Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.