Năm nay,
người lao động "ăn Tết" ra sao ?
Thứ tư, 04/02/2015 - 11:16 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Người lao động ngành may mặc thường chỉ nhận được
mức thưởng Tết thấp.
Tết
đã đến rất gần! Năm nào cũng vậy, cứ dịp này, người lao động lại trông ngóng
khoản tiền thưởng Tết. Theo công bố, mức thưởng Tết cao nhất năm nay lên tới
gần 600 triệu đồng, song, đó chỉ là cá biệt dành cho một vị trí, còn đối với
hàng triệu người lao động, mức thưởng phổ biến quanh mức một tháng lương.
Tuy không khí Tết đã rộn ràng khắp nơi, nhưng
tại một số doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, quang cảnh vẫn lặng như tờ. Cả năm
làm lụng vất vả, nhưng để có một cái Tết ấm cúng, hoàn toàn không dễ đối với số
đông người lao động.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế
toàn cầu, lợi nhuận ngành dệt may sụt giảm, nhưng các DN vẫn cố gắng thực hiện
đầy đủ chế độ cho người lao động. Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Ðức
Việt cho biết, công ty dành khoảng 18% doanh thu thưởng tết cho gần 11 nghìn
người lao động. Tính trung bình, mức thưởng Tết đạt khoảng 9,3 triệu
đồng/người, tương đương gần hai tháng lương. Một số DN kinh doanh có hiệu quả
như Tổng Công ty Việt Tiến, Công ty Việt Thắng,... mức thưởng bình quân hai đến
ba tháng lương (khoảng 20 triệu đồng/người). Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may
Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, năm 2014, thu nhập bình quân người
lao động đạt gần sáu triệu đồng/tháng, có DN đạt bảy triệu đồng. Nhiều DN
thưởng Tết cho công nhân khoảng 20 triệu đồng và tổ chức đưa đón lao động về
quê ăn Tết. Bên cạnh đó, công đoàn Vinatex cũng tổ chức tặng quà, thăm hỏi công
nhân hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền tàu xe về quê, trợ cấp cho 673 công nhân
lao động và công nhân khuyết tật với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây là mức thưởng của một vài
"đại gia" ngành may mặc, còn phần lớn các DN khác, công nhân khi nói
về thưởng Tết, đều cảm thấy "đắng lòng". Chị Nguyễn Khánh Hồng, công
nhân Công ty may V.T (Hà Nội) tâm sự, do kinh tế khó khăn, các đơn hàng sụt
giảm so với mọi năm, việc thưởng Tết của công ty vẫn "án binh bất
động". Cả năm đi làm xa, chỉ mong dịp Tết sum họp với gia đình, nên nhiều
người mong ngóng tiền thưởng Tết. "Năm ngoái, tôi được thưởng 4,8 triệu
đồng, riêng chi phí tàu xe về quê ở Lào Cai đã mất gần một triệu đồng, số còn
lại chỉ đủ mua sắm ít quà bánh. Không biết năm nay, lương thưởng có tăng thêm
được đồng nào hay không", chị Hồng tâm sự.
Chủ tịch HÐQT một công ty may,
giọng không lấy gì làm vui vẻ: "Tôi đang lo đến bạc tóc chuyện trả lương
công nhân đúng kỳ, chưa nghĩ gì đến thưởng Tết. DN hơn 200 con người, mỗi tháng
tiền lương, bảo hiểm đã hàng tỷ đồng, rồi tiền thuê đất, điện nước, nguyên vật
liệu,... ngày nào cũng hàng trăm cú điện thoại đòi tiền".
Năm nay, mặc dù ngành xây dựng tăng trưởng hơn
7%, nhưng khó khăn từ những năm trước vẫn dồn lại, tác động không nhỏ đến sản
xuất, kinh doanh. Áp lực trả nợ, lãi vay đầu tư còn "treo" trên đầu
một số DN xi-măng. Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam
(Vicem) Phạm Minh Ðức cho biết, chăm lo cho người lao động luôn là ưu tiên hàng
đầu của Vicem. Nhiều công đoàn cơ sở duy trì tốt Quỹ tương trợ với tổng số tiền
hơn 3,3 tỷ đồng, giúp đỡ 277 đoàn viên giải quyết khó khăn. Riêng Tết năm
trước, Công đoàn Vicem tặng 305 suất quà cho gia đình lao động hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn, mỗi suất 500 nghìn đồng.
Dự kiến năm nay, số tiền ủng hộ người
lao động tương đương năm trước và thưởng Tết trung bình gần một tháng lương cơ
bản trở lên. Chánh văn phòng Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch Phạm Huy Thọ cho
biết, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2014 đều đạt kế hoạch đề
ra, tuy nhiên, cuối năm tiêu thụ chậm, nên dự kiến mức thưởng Tết năm nay bằng
mức năm ngoái, trung bình khoảng 10 triệu đồng/người.
Ðối với các DN xây lắp, công việc tương đối ổn
định, song mới chỉ dừng ở mức "đủ ăn". Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp
máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn cho biết, sẽ phấn đấu thưởng Tết cho người
lao động trong toàn tổng công ty ít nhất một tháng lương trở lên. Mức thưởng
này là nỗ lực lớn, vì trước đây khó khăn, thưởng còn thấp hơn nhiều. Các dự án,
công trình Tổng công ty đang triển khai được khoán mức chi tiêu, do vậy, có thể
thưởng Tết cho người lao động khu vực này cao hơn. Phó Giám đốc công trường
Lilama thủy điện Lai Châu Chu Ðức Triệu cho biết, hiện nay phần lắp máy đang
vào giai đoạn quan trọng nhất, hoàn thành vượt tiến độ nhiều hạng mục quan
trọng, như tuyến năng lượng, 2/3 buồng xoắn tổ máy,... Lãnh đạo công trường
đang trình cấp trên xem xét kế hoạch thưởng và nghỉ Tết, dự kiến mỗi người được
thưởng khoảng bốn tháng lương cơ bản.
Năm 2014, phần lớn các DN ngành giao thông vận
tải (GTVT) đều có việc làm ổn định, nhất là sau cổ phần hóa có doanh thu và sản
lượng cao. Theo Công đoàn GTVT, năm qua gần 99% số người lao động có việc làm.
Thu nhập bình quân người lao động toàn ngành đạt 5,5 triệu đồng/tháng, tăng gần
10% so năm 2013. Những đơn vị trước đây nhiều năm liền gặp khó khăn như Tổng
công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), nay công nhân đã có việc làm trở lại, thu
nhập tương đối ổn định (gần năm triệu đồng/người/tháng). Hầu hết các DN ngành
GTVT thưởng Tết cao hơn năm trước, dao động mức hơn 10 triệu đồng/người, cá
biệt một vài đơn vị "mạnh tay" thưởng hơn 20 triệu đồng/người, hỗ trợ
tiền tàu xe cho người về quê đón Tết. Tổng Giám đốc Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh
cho biết: "Năm nay, mức thưởng Tết toàn tổng công ty bình quân hơn 20
triệu đồng/người, tương đương hai tháng lương, nhiều hơn năm trước hai đến bốn
triệu đồng".
Hỏi chuyện thưởng Tết, anh Phạm Bá Thảo, công nhân lái máy
xúc Công ty 475 (thuộc Cienco 4) đang thi công tuyến đường ô-tô Tân Vũ - Lạch
Huyện (Hải Phòng) cười vui: Mức thưởng Tết năm nay cao hơn năm trước, anh em
công nhân rất vui. Chúng tôi thi công tuyến đường này, được công ty bố trí ăn ở
đàng hoàng, ngoài lương, còn có hệ số phụ cấp biển đảo, thu nhập cũng khá. Anh
em công nhân đi làm xa nhà, có nguyện vọng về quê ăn Tết với gia đình, nhưng
nếu đơn vị yêu cầu ở lại thi công dịp Tết, chúng tôi vẫn sẵn sàng. Các DN đường
sắt sau quá trình đổi mới, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, thể hiện qua việc
thưởng Tết cho người lao động khá cao. Một số đơn vị trực thuộc có mức thưởng
Tết lên tới 15 triệu đồng, người lao động làm tăng ca, trong thời gian cao điểm
Tết sẽ được chi trả thêm.
Ðối với ngành than, năm qua chưa thật sự thoát
khỏi khó khăn, tuy nhiên, một số đơn vị đã lên kế hoạch thưởng Tết cho thợ mỏ
ngay từ đầu tháng 1. Theo thông lệ hằng năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng
sản Việt Nam (TKV) đều dành hơn một tỷ đồng thăm và tặng quà cho các gia đình
công nhân hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ðể người lao động đón
Xuân trong ngôi nhà mới, Công đoàn TKV đã hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng xây mới và sửa
chữa 85 Mái ấm công đoàn, trích quỹ phúc lợi hơn 1,6 tỷ đồng xây 24 nhà cho các
hộ gia đình công nhân không may gặp tai nạn lao động.
Công ty Than Vàng Danh,
một trong những đơn vị khai thác than hầm lò lớn của TKV, năm nay, ngoài mức
thưởng Tết năm triệu đồng, mỗi công nhân được nhận thêm năm triệu đồng tiền
lương chia lại, công ty tặng một gói quà Tết trị giá 580 nghìn đồng. Những
trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ được công ty hỗ trợ 500 nghìn đồng/suất.
Tương tự, nhiều đơn vị khai thác than khác, mức thưởng Tết đều dao động quanh
mức năm triệu đồng/người.
Tết Nguyên đán Ất Mùi chuẩn bị gõ cửa, người
lao động đang thấp thỏm mong ngóng thưởng Tết, cũng là lúc, nhiều chủ sử dụng
lao động méo mặt lo tiền thưởng. Thường nằm trong tốp đầu về mức thưởng, song
năm nay, thưởng Tết khối ngân hàng giảm mạnh, do hoạt động khó khăn, tỷ lệ nợ
khó đòi cao. Với gần 70 nghìn DN bị giải thể, phá sản năm 2014, sẽ có một lượng
lớn người lao động khó tìm việc tại khu vực chính thức, có hợp đồng lao động mà
phải làm việc ở khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động. Ðối với họ,
thưởng Tết là điều quá xa vời!
ANH THỦY VÀ MINH
TRANG
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.