Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Friday, November 1, 2013

Đối mặt với tử thần


 

Đối mặt với tử thần


Phạm Thanh Nghiên gửi RFA từ Hải Phòng
2013-11-01

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


000_Hkg7965874-305.jpg

Trẻ em dân tộc Hmong chụp hôm 23/10/2012.

AFP photo

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên Thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều luật như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng Hình sự...

Trên lý thuyết, trẻ em Việt Nam được Nhà nước đặc biệt quan tâm và bảo vệ. Thậm chí, hơn cả trẻ em Hoa Kỳ vì mặc dù “Chính phủ Mỹ đã đóng một vai trò tích cực trong việc soạn thảo Công ước và đã ký kết vào 16 tháng 2 năm 1995, nhưng đã không phê chuẩn cùng với Somalia”.(Theo: Công ước về Quyền trẻ em - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Thực tế ra sao? Xin chỉ điểm qua một vài trong số rất nhiều sự việc trong vài năm trở lại đây được chính báo chí – một nền báo chí bị bịt miệng - phản ánh.  Để cùng nhau suy ngẫm về trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của mỗi cá nhân đối với trẻ em, tương lai của đất nước.

Chắc công luận vẫn chưa thể quên hình ảnh một bảo mẫu hành hạ cháu gái chưa tròn 3 tuổi ở Bình Dương được phát tán trên mạng sau đó là trên đài truyền hình Việt Nam hồi tháng 11 năm 2010. Những hành động như: đạp túi bụi, túm tóc giật ngược đầu ra sau, rúi xuống nền nhà, đạp lên người, miệng chửi bới, múc từng gáo nước tặt thẳng vào mặt mặc cho đứa trẻ đang khóc lóc, giãy giụa, sợ hãi được bà Trần Thị Phụng đưa ra biện bạch trước cơ quan điều tra rằng “khi tôi tắm thì bé Ngân cứ vùng vằng, không chịu đứng yên nên tôi phải làm như vậy.”

Hay một số những vụ việc đau lòng khác, điển hình là vụ cha ruột bắt các con cởi trần ăn phân (ở Hải Dương); mẹ bắt con quỳ trên đường phố gần một tiếng đồng hồ (ở Sài Gòn hồi năm 2012), cháu bé 5 tuổi bị cô giáo lạm dụng sức lao động (ở Hà Nội). Hay vụ việc hồi tháng 6 năm 2013, cô giáo mầm non ở Ninh Thuận phạt cháu bé 3 tuổi đi chân trần đứng ở sân trường bằng xi măng giữa trời nắng nóng đến phồng rộp cả chân v.v…Chưa kể nhiều vụ việc khác được người dân phát hiện, đưa tin lên các trang mạng xã hội.

Mới nhất và gây sốc nhất có lẽ là vụ hàng loạt trẻ sơ sinh chết vì tiêm vắc xin viêm gan B. Ngày 20 tháng 7 năm 2013, ba trẻ sơ sinh ở Quảng Trị đã chết sau khi tiêm vắc xin viêm gan B. Không để sự việc kịp nguội đi, đúng một ngày sau đó, một trẻ sơ sinh khác tại Bình Thuận lại tử vong cũng với nguyên nhân trên. Điều đáng nói, vắc xin này được kết luận là cùng loại với vắc xin “nghi” đã làm chết ba trẻ ở Quảng Trị. Báo chí Việt Nam, dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ của đảng cầm quyền, luôn bị hạn chế thậm chí phải đưa tin thiếu trung thực trước những sự việc tiêu cực hoặc “nhạy cảm” đã không thể không phản ánh về sự việc trên, trước sự phẫn nộ của người dân.

Chưa có kết luận từ phía cơ quan điều tra, nhưng một số tờ báo đã cho rằng: “nguyên nhân gây tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ngày 20.7.2013 tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị) là do lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xi lanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra”. Trong khi đó, một số quan chức ngành y tế cũng như những chuyên gia về vắc xin lại nhận định một cách chung chung, đại loại như: có thể do chất lượng vắc xin, do quy trình tiêm chủng, cũng có thể do bệnh tật lâm sàng của trẻ v.v…Nhưng đấy là những “phỏng đoán”, những điều tra “ngoài lề”, còn quyền kết luận, tiếng nói chính thức buộc công luận phải thừa nhận - cơ quan công an- thì cho biết “hiện vẫn đang trong quá trình điều tra” và vụ việc đã được khỏi tố, tuy nhiên vẫn “chưa khởi tố bị can nào”. (?)

000_SAHK990224481020-200.jpg

Trẻ em đọc sách bên ngoài một tiệm bán sách ở ngọai ô Hà Nội. AFP photo

Tối 27 tháng 10, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong chuyên mục “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” của Đài truyền hình Việt Nam, đã khẳng định “đây là một trường hợp hy hữu, rất nghiêm trọng và chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm tiêm chủng ở Việt Nam”. Số liệu sau đây của chính Bộ Y tế có được xếp vào những trường hợp “hy hữu” mà bà Tiến đã đề cập:

“Năm 2011 đã có 7 trường hợp gặp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó có 5 trẻ tử      vong, tất cả đều thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng và 2/7 trường hợp liên quan đến vắc xin.

“Trước đó, năm 2010, có 16 trường hợp biến chứng nặng, 10 tử vong,1/6 trường hợp liên quan đến vắc xin dịch vụ.

“Tháng 3/2008, Bộ Y tế đã chính thức công bố nguyên nhân của hàng loạt vụ trẻ chết sau tiêm phòng từ 2007 đến đầu năm 2008 không phải do lỗi ở vắc xin. Phần lớn các trường hợp là trùng hợp ngẫu nhiên hoặc không rõ nguyên nhân.

“Trong 7 trường hợp phản ứng nặng sau khi sử dụng vắc xin là từ đầu năm 2008, trong đó có 5 ca trùng hợp nhẫu nhiên, 1 do lỗi dịch vụ và 1 không rõ nguyên nhân”. (Theo VTC News)

Có thể tin vào tính trung thực và tính khách quan trong kết luận của Bộ Y tế hay không, khi không có các cơ quan điều tra hay giám sát độc lập ? Nói cách khác, thể chế chính trị của Việt Nam không cho phép những tổ chức ngoài đảng can dự vào các vấn đề của đất nước. Nhưng rõ ràng, không thể coi là “hy hữu” sau hàng loạt vụ việc rất nghiêm trọng đã xảy ra. Đặc biệt, thời điểm bà Bộ trưởng trả lời chất vấn trên truyền hình, ngày 27 tháng 10 thì hai ngày trước (25 và 26 tháng 10), tại Tiền Giang đã có 27 trẻ em phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin Quivaxem theo “chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng”.

Tuy không liên quan đến vắc xin nhưng một bé gái năm tuổi tại Hải Phòng đã phải chết tức tưởi chỉ sau một mũi tiêm hôm 20 tháng 9. Báo chí đưa tin rất hạn chế, nhưng dư luận cũng đủ sáng suốt để nhận ra trách nhiệm thuộc về ai.

Liệu đây đã là …những sự việc “hy hữu” cuối cùng chưa, khi mà hàng năm có hàng ngàn trẻ em bị tiêm, được tiêm và cần được chăm sóc y tế? Trong khi những người có trách nhiệm vẫn không thừa nhận trách nhiệm của mình. Cần bao nhiêu đứa trẻ nữa phải chết mới không là “hy hữu”? Một tâm lý hoang mang đang bao trùm lên toàn xã hội? “Liệu con mình có trở thành nạn nhân tiếp theo” là câu hỏi thường trực cho mỗi bậc phụ huynh có con nhỏ.

Đó chỉ là một góc nhỏ trong vô số những thảm kịch, những nguy cơ đã và sẽ xảy ra cho trẻ em Việt Nam. Chúng không chỉ phải đối mặt với những mũi kim tiêm oan nghiệt, những trận bạo hành, sự ngược đãi. Còn bao nhiêu đứa trẻ đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh? Bao nhiêu đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi, không nơi nương tựa? Bao nhiêu đứa trẻ phải chịu phận mù chữ hoặc hàng ngày phải ăn lá sắn, đi chân đất, đu dây vượt lũ đến trường? Và còn bao nhiêu những đứa trẻ phải sinh ra hoặc theo mẹ ở giữa chốn ngục tù?

Mọi thứ quyền (trẻ em) đều trở nên vô nghĩa khi “Quyền được sống còn” của chúng bị tước đoạt.

Một số ý kiến của người dân cho rằng bà Bộ trưởng nên từ chức. Điều này không thể xảy ra vì các quan chức của chế độ độc tài không được học về văn hóa từ chức. Cho dù, bà Tiến có từ chức cũng không giải quyết được tận gốc vấn nạn tiêu cực trong ngành Y tế. Chỉ khi nào Việt Nam có được một nền Dân chủ thực sự, chấp nhận đối lập, các quyền lợi căn bản của người dân được tôn trọng và bảo vệ thì khi ấy, không chỉ riêng ngành Y tế, các vấn nạn trong toàn xã hội sẽ căn bản được đẩy lùi. Một tương lai tươi sáng sẽ mỉm cười với đất nước chúng ta. Và khi ấy, trẻ em Việt Nam sẽ không còn nguy cơ đối mặt với tử thần.

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

 

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

My Blog List