CCRĐ: Đôi điều tôi được
biết
Bùi Tín
Ở
Hà Nội vừa mở ra cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất (1946- 1957) dự định kéo
dài đến cuối năm, nhưng đã vội đóng cửa sau có 2 ngày. Vì sao vậy? Lý do đưa ra
là do vấn đề ánh sáng. Nhưng theo phỏng đoán của nhiều bạn trẻ trên mạng Dân
Làm Báo, nguyên nhân của sự trục trặc là ở chỗ mục đích của cuộc triển lãm còn
tù mù, không có chủ định nói lên sự thật đúng như nó có, không trình bày cả kết
quả và những sai lầm nghiêm trọng mà lãnh đạo đảng CS đã công khai thú nhận,
không nêu rõ tác hại của những sai lầm trong quan hệ của đảng CS với giai cấp
nông dân cho đến nay, và phương hướng khắc phục.
Biết bao vấn đề xã hội cần biết rõ, các bạn trẻ muốn biết rõ, liên
quan đến CCRĐ. Việt nam vẫn còn là một nước nông - công nghiệp, gần 70% số dân
vẫn sống ở nông thôn, vấn đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp vẫn là vấn đề
thiết thân của người Việt ở mọi nơi.
Là người sống giữa nông thôn trong thời kỳ CCRĐ, tôi tự thấy có
thể đáp ứng yêu cầu muốn biết rõ thêm của các bạn trẻ, để làm giàu thêm kiến
thức của các bạn.
Có bài viết nêu lên con số địa chủ ác bá bị giết chết trong CCRĐ
là hơn 172 nghìn, theo số liệu lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng, vậy nạn
nhân thực sự là bao nhiêu? Có thể ước đoán không sai là ít nhất là gấp 3 đến 5
lần con số ấy, vì cái mũ «liên quan». Liên quan đến địa chủ và cũng bị coi như
cùng có tội là gia đình, vợ chồng, con cái, cháu chắt, họ hàng xa gần, cho đến
bạn bè, láng giềng cũng bị xem xét, điều tra, phải khai báo, phải có lập trường
rõ ràng. Do đó con cái địa chủ phải trốn tránh, có khi đi ăn xin, chết đói, cầu
bơ cầu bất; sửa sai rồi vẫn bị hất hủi xa lánh, không được đi học, nhất là lên
đại học, hay đi học nước ngòai, không được làm công nhân viên nhà nước …Biết
bao gia đình tan vỡ, ly dị vì «mâu thuẫn giai cấp», con cái bơ vơ. Có người mới
chỉ bị «liên quan» đã mất tinh thần, bỏ trốn, lên rừng, trôi dạt vào Nam, sang
Lào, hay tự sát, phát điên, ốm đến chết.
Phần lớn địa chủ Việt Nam thật ra chỉ là trung nông lớp trên -
tiểu tư sản, họ có tham gia lao động, có học thức, tuy chỉ ở mức tiểu học hay
trung học, con cái thường là viên chức tiểu tư sản. Rất đông số này đóng góp
cho Tuần lễ Vàng, quỹ Kháng chiến, đi dân công hỏa tuyến (do có xe bò, xe đạp,
thuyền nhỏ), con em tham gia Quân đội Nhân dân. Cho nên sai lầm CCRĐ gò ép số
địa chủ ác ôn theo tỷ lệ như ở Trung Quốc - khi Quốc Dân Đảng TQ thống trị - là
một điều ngu dại chết người. Không những hầu hết những người bị giết là người
yêu nước, tham gia kháng chiến chống Pháp, đa số lại là thành viên Mặt Trận
Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc, quá nửa là đảng viên CS.
Tất cả lại là những người
làm nghề nông giỏi, giàu kinh nghiệm. Ngay từ trong xã quê của tôi (gần Vân
Đình/ Hà Đông) và những huyện xã nơi tôi sống trong những năm CCRĐ cũng như nơi
quê vợ tôi (xã Hưng Dũng, Nghệ An), CCRĐ đã giáng đòn hủy diệt trúng vào giá
trị tinh hoa xã hội, tinh hoa sản xuất, tinh hoa văn hóa ở nông thôn Việt Nam.
Đòn ta đánh ta, ta diệt ta này có hậu quả dai dẳng, chỉ vì theo lệnh từ Stalin,
từ Mao, từ tên trùm cố vấn Tàu Triệu Hiểu Quang rất quan liêu, kiêu ngạo.
Chấn chỉnh Tổ chức là chủ trương lớn tiếp theo ngay sau CCRĐ. Đó
là sắp xếp lại nhân sự, phân phối lại các chức vụ trong đảng, chính quyền, Mặt
trận, các tổ chức quần chúng, từ xã thôn lên huyện tỉnh và trung ương. Bần cố
nông, không ít là kẻ thất học, lưu manh, cơ hội lên ngôi, chùa chiền, nhà thờ
đóng cửa, sách vở bị thiêu hủy, sách văn học nghệ thuật, ngoại ngữ, từ điển bị
diệt sạch. Hoành phi, câu đối bị vứt xuống làm cầu ao, tượng Phật bị bẻ đầu,
chặt tay, bàn thờ trong nhà bị dẹp bỏ, biết bao ảnh kỷ niệm quý hiếm bị đốt
hủy.
Một thời kỳ u ám tối tăm lan tràn, phong tục tập quán đẹp đẽ lâu đời bị
dẹp bỏ. Một nền đạo lý cổ kính bị thủ tiêu. Có cuộc triển lãm nào nói lên được
sự mất mát về văn hóa tinh thần như thế, khi ông Chu Văn Biên bí thư Liên khu
ủy Liên khu 4 (gồm cả Thanh Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên) nêu gương “sáng chói”,
dám chỉ vảo mặt mẹ đẻ của mình mà mắng: «Mi đẻ ra tau nhưng mi bóc lột bà con
nông dân nên mi là kẻ thù giai cấp của tau, mi phải bị tội chết». Cụ Đặng Văn
Hướng, nguyên Tham tri Bộ Tư pháp, có con trai là Trung đoàn trưởng Đặng Văn
Việt, có biệt danh «Đệ Tứ Lộ Đại Vương» - Vua đường số 4 - bạn rất thân của
tôi, Cụ được Hồ Chí Minh cử làm bộ trưởng nhưng, vẫn bị đưa ra đấu tố ở Diễn
Châu. Cụ Nguyễn Khắc Niêm từng đậu Hoàng giáp Hán học, cũng từng là Tham tri Bộ
Tư pháp có con là Nguyễn Khắc Viện, chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, và Nguyễn
Khắc Dương, bạn rất thân của tôi, cũng bị đấu tố, giam trong chuồng nuôi hươu,
ăn cơm thiu bọc trong lá chuối và chết trong thảm cảnh ấy.
Một thời gian ở trong Ban biên tập báo Nhân Dân, rất gần cơ quan
trung ương đảng CS Việt Nam, được dự nhiều cuộc họp cán bộ cấp cao, tôi thấy có
mối liên quan giữa sai lầm CCRĐ với đường lối bạo lực ở miền Nam. Đầu năm 1956,
đảng CS Liên Xô mở Đại hội XX, chống sùng bái cá nhân Stalin, rồi tháng 11/1957
mở Hội nghị 68 đảng Cộng sản toàn thế giới tại Moscow, có Mao Trạch Đông sang
tham dự với tình nghĩa Xô - Trung còn gắn bó.
Đến tháng 11 năm 1960, Liên Xô
lại triệu tập cuộc họp 81 đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế, mâu thuẫn Xô -
Trung bộc lộ ngay từ trong các văn kiện chuẩn bị, vu cáo nhau là phản bội chủ
nghĩa Mác - Lênin, Trung Quốc lên án Liên Xô là theo chủ nghĩa Xét lại, Liên Xô
lên án Trung Quốc theo chủ nghĩa Giáo điều.
Tại hội nghị này, hơn 70 đảng tán
thành lập trường của đảng CS Liên Xô, nhấn mạnh khả năng giữ vững hòa bình,
chung sống hòa bình, thi đua hòa bình giữa các chế độ khác nhau, ngăn ngừa
chiến tranh, trong khi đẩy mạnh cả 3 dòng thác cách mạng của thời đại, vì hòa
bình, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ chuẩn bị cũng như
khi dự, đoàn đại biểu VN gồm Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh tỏ ra
theo đa số, tán thành đường lối của Liên Xô. Thế nhưng sau đó, khi trở về nước
xu hướng theo đường lối chung sống hòa bình của Liên Xô bị đường lối bạo lực
của Trung Quốc lấn át.
Suốt năm 1961 và 1962 từ sáng đến khuya đài Tiếng nói Việt Nam
phát đi các văn kiện tranh luận Trung - Xô về đường lối cách mạng thế giới,
ngày càng ngả về phía chống chủ nghĩa xét lại, coi xét lại là chống đảng, là
phản động, là chống lại cuộc đấu tranh bằng bạo lực cách mạng ở miền Nam. Trong
Bộ Chính trị từ sau đại hội III (tháng 9/1960), Lê Duẩn chính thức là Bí thư
thứ nhất (sau cuộc họp Trung ương 10 sửa sai CCRĐ, Hồ Chí Minh là Chủ tịch đảng
kiêm Tổng Bí thư thay Trường Chinh bị mất chức này).
Lê Đức Thọ cũng được vào
Bộ Chính trị trong cuộc họp Trung ương 10. Cánh Lê Duẩn + Lê Đức Thọ + Phạm
Hùng + Nguyễn Chí Thanh + Võ Chí Công + Tố Hữu (ủy viên Ban Bí thư Trung ương)
trở thành nhóm chủ đạo cứng rắn chủ trương giải phóng miền Nam bằng bạo lực
quân sự, ngày càng có tiếng nói áp đảo. Hồ Chí Minh bị cô lập, đành ngồi yên
không tham gia bỏ phiếu, tướng Giáp bị ghép vào tội cầm đầu nhóm xét lại chống
đảng, có quan hệ tư túi với Đại sứ Liên Xô Serbakov, may mà được ông Hồ «bảo
lãnh» nên còn tại vị, nhưng chán nản, quay sang học đàn dương cầm. Một loạt cán
bộ xét lại bị cặp Duẩn - Thọ thải hồi, cho vào tù như Lê Liêm, Đặng Kim Giang,
Vũ Đình Huỳnh, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Hoàng Minh Chính,
các Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Đỗ Đức Kiên, Hoàng Thế Dũng… cùng hàng mấy chục nhà
báo, nhà văn, nhà điện ảnh khác. Sau khi nhóm xét lại bị gạt bỏ, nhóm chung
sống hòa bình, cạnh tranh hòa bình bị chụp mũ là chống đảng, xu hướng chủ chiến
càng thêm mạnh, được bổ sung thêm bằng những võ sỹ chủ chiến hạng nặng như Chu
Huy Mân, Lê Đức Anh.
Nếu như không có sai lầm trong CCRĐ, có thể Trường Chinh, Hoàng
Quốc Việt, Lê Văn Lương đã đứng vững trên cương vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị,
được Hồ Chí Minh chủ trì, được Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Võ Nguyên Giáp
tích cực yểm trợ, giữ thế ngả về đường lối hòa bình do Liên Xô chủ đạo và được
tuyệt đại đa số phong trào CS quốc tế tán thành, trong khi vẫn giữ quan hệ bình
thường độc lập với Trung Quốc. Như thế thì không chắc gì nhóm Duẩn - Thọ có thể
đoạt được quyền lãnh đạo. Từ đó, may ra cuộc nội chiến anh em Nam Bắc với hàng
mấy triệu sinh linh tử vong đã có thể tránh được.
Vâng, thưa các bạn chúng ta đau về những gì đã mất, hàng mấy triệu
người bị tàn sát nhân danh đấu tranh giai cấp. Chuyển hóa dân chủ là biện pháp
duy nhất để chuộc lại những sai lầm dai dẳng, những tàn phá kinh hoàng, để làm
bừng dậy sức sống vô tận của dân tộc Việt Nam trong một kỷ nguyên dân chủ đang
ở trong tầm tay chúng ta.
nguồn: http://www.voatiengviet.com
Cảnh sát biển Việt Nam
giám sát các tàu Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tại
Biển Đông, 15/07/2014.REUTERS/Martin Petty
Hoa Kỳ đang chuẩn bị giảm nhẹ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội,
và một trong những hợp đồng đầu tiên sẽ là bán máy bay tuần tra biển để giúp
Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải trước những hành động bá quyền của
Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy đang tiến hành chương trình hiện đại hóa quân sự với chi phí
hàng tỉ đô la, nhưng hiện giờ khả năng giám sát biển của Việt Nam vẫn còn hạn
chế. Bằng chứng là Hà Nội đã rất bất ngờ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải
Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa tháng 5 vừa qua ( Giàn khoan này sau đó đã được
rút về vào giữa tháng 7 ). Cho nên Hà Nội đang rất cần được trang bị thêm các
phương tiện quân sự, nhất là của Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, hai quan chức cao cấp của chính quyền Obama
cho biết là các cuộc thảo luận nhằm giảm nhẹ lệnh cấm vận đang diễn ra ở
Washington và có thể đi đến một quyết định trong năm nay.
Theo lời các quan chức nói trên, Washington rất muốn giúp Việt Nam
tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ bờ biển, nên một trong những hợp đồng
đầu tiên có thể sẽ là bán máy bay tuần tra P-3 cho Việt Nam. Những máy bay tuần
tra này sẽ giúp Việt Nam theo dõi sát những hoạt động của Trung Quốc nhằm thể
hiện chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo Reuters, thượng nghị sĩ John McCain, một cựu tù binh chiến
tranh và cũng là một trong những người thúc đẩy việc bình thường hóa bang giao
Mỹ-Việt vào đầu thập niên 1990, cho biết là ông chuẩn bị đệ trình một đề nghị
của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc bãi bỏ một số hạn chế về bán vũ khí
cho Việt Nam. Ông McCain cũng là một trong bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong mùa hè
vừa qua đã gặp các lãnh đạo Hà Nội và thảo luận về lệnh cấm vận vũ khí.
Hai lãnh đạo ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ cũng nói với hãng tin
Reuters rằng họ dự trù chính phủ Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng bãi bỏ lệnh cấm vận vũ
khi đối với Việt Nam. Đối với họ, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn.
Nói chung, giảm nhẹ và dần dần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm
vận vũ khí đối với Việt Nam là một xu thế tất yếu trong quan hệ Washington- Hà
Nội. Mặc dù vẫn còn quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, chính quyền
Tổng thống Obama vẫn cố thúc đẩy quan hệ cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự
với Hà Nội trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” sang châu Á.
Đặc biệt trong thời gian qua, quan hệ Mỹ-Việt, nhất là về mặt quân
sự, đã tăng tốc, với chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng tham mưu trưởng liên
quân Mỹ, tướng Martin Dempsey trong tháng 8 vừa qua. Đây là lần đầu tiên từ năm
1971, một tổng tham mưu trưởng Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam.
Vào tuần trước, đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải quân Việt Nam,
cũng đã đến thăm Hoa Kỳ và đã thảo luận với Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus về
các cuộc thao dược chung trên biển giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ đến thăm
Washington đầu tháng 10 để hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry và theo dự kiến,
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ đến thăm Việt Nam trước cuối năm
nay.
Tuy nhiên, trả lời hãng tin Reuters, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc
trách Đông Á Daniel Russel, nhận định rằng, dù đang xích gần lại Hoa Kỳ, Hà Nội
sẽ không từ bỏ quan hệ lâu đời giữa hai đảng Cộng sản với Bắc Kinh, để chuyển
hẳn sang quan hệ liên minh với Hoa Kỳ.
Nhưng theo ông Russel, do Việt Nam có vị trí chiến lược rất quan
trọng, nên Hoa Kỳ rất cần tăng cường quan hệ với Hà Nội và giảm nhẹ lệnh cấm
vận vũ khí là điều tốt, nhất là vì Washington vẫn muốn giúp những nước như Việt
Nam phát triển khả năng bảo vệ lãnh hải.
Ngoại trưởng Việt Nam
Phạm Bình Minh tại Hiệp Hội Châu Á (Asia Society) ở New York ngày 24/09/2014.
Ảnh chụp từ video công bố trên mạng asiasociety.org
Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của Hoa Kỳ hướng tới việc bãi bỏ
cấm vận vũ khí sát thương, đồng thời, Hà Nội tìm cách trấn an rằng động thái
này không làm gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông
và Bắc Kinh không có gì phải lo ngại.
Hôm qua, 24/09/2014, phát biểu trước Hiệp hội Châu Á, một tổ chức
nghiên cứu, tại New York, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình
Minh nhận định rằng việc Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt
Nam là một việc làm bình thường.
Ông nói : « Cách nay gần 20 năm, chúng tôi đã
bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và trong năm 2013, chúng tôi đã có quan hệ
đối tác toàn diện với Mỹ. Như vậy, quan hệ giữa hai nước đã bình thường và lệnh
cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là không bình thường ».
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Việt Nam đồng thời trấn an là Trung Quốc không
có gì phải lo ngại cả. Bởi vì, theo ông Phạm Bình Minh, cho đến nay, nếu không
mua vũ khí của Hoa Kỳ thì Việt Nam vẫn mua của các nước khác. Vậy, « tại sao
Trung Quốc phải lo ngại » về việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận.
Mặc dù Ngoại trưởng Việt Nam thừa nhận là các tranh chấp chủ
quyền, lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, tại Biển Đông, đã
gây ra những căng thẳng trong khu vực, nhưng ông gạt bỏ nhận định cho rằng việc
Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ sát thương đối với Việt Nam sẽ làm cho Trung Quốc khó
chịu.
Tháng Tám vừa qua, tướng Mỹ Martin Dempsey đã công du Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên, một Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam,
kể từ năm 1971. Tướng Dempsey tuyên bố, việc Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí
sát thương sẽ giúp tăng cường sức mạnh hải quân Việt Nam.
Nhiều quan chức Mỹ cho biết, có thể đợt bán vũ khí đầu tiên bao
gồm máy bay do thám P-3 Orion, qua đó giúp Việt Nam nâng cao khả năng tuần tra
và bảo vệ vùng duyên hải.
Tháng 10, Ngoại trưởng Việt Nam sẽ công du Washington và hội đàm
với đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.