ĐÁNH
GIÁ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 39 NĂM XÂY DỰNG XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở
VIỆT NAM
Trần Quí Cao
Bài
3: Đặc trưng thứ tư
Bài 1 và bài 2 đã đánh
giá nước Việt Nam không đạt một tiêu chí nào trong 5 tiêu chí của Đặc trưng thứ
nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; không đạt tiêu chí
duy nhất của Đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ; không đạt hai tiêu chí của
Đặc trưng thứ ba là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất
hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
Bài này sẽ đánh
giá các tiêu chí của Đặc trưng thứ tư (1).
Đặc
trưng thứ tư: có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Đặc trưng này nói về
văn hóa và có 2 tiêu chí: nền
văn hóa tiên tiến, và nền
văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Nói tới văn hóa là nói
tới một khái niệm rộng và phức tạp. Theo ông Federico Mayor, Tổng giám đốc
UNESCO: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với
dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín
ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”.
Nhiều nhà sử học đồng
ý rằng tại Việt Nam có 3 lớp văn hóa chồng chất lên nhau, trong đó văn hóa Đông
Sơn là văn hóa bản địa hấp thu văn hóa Trung Quốc và văn hóa Phương Tây tạo nên
văn hóa Việt Nam hiện nay.
Nền
văn hóa tiên tiến
Theo ông Bùi Minh Huệ,
văn Hóa tiên tiến là chống lại tất cả những gì trái khoa học, phản tiến bộ(2).
Nói tới khoa học là
nói tới tính rộng mở đón nhận luận điểm trái chiều, đa chiều, là nói tới tinh
thần “hoài nghi khoa học”. Tinh thần “hoài nghi khoa học” cho phép một cá nhân
thách thức tính đúng đắn của bất kì luận điểm, chủ thuyết nào. Một cá nhân có tinh
thần và thái độ khoa học luôn đặt câu hỏi trên những gì đang có, rồi đề ra giả
thuyết giải thích, vạch ra chương trình thí nghiệm hay thăm dò dư luận tìm xem
giả thuyết đó đúng hay sai. Nếu giả thuyết đó đúng, nhà khoa học đóng góp vào
sự tiến bộ của tri thức. Bản chất của khoa học là bản chất đa nguyên. Độc quyền
tư tưởng là phản khoa học. Cấm đoán đa nguyên là phản khoa học. Bắt mọi người
theo một triết thuyết và chỉ triết thuyết đó thôi là phản khoa học.
Nền văn hóa của Việt
Nam hiện nay phản khoa học, phản tiến bộ, do đó không tiên tiến.
Nền
văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
Nước Việt Nam thuộc
nhóm các nước Đông Nam Á, nền văn minh lúa nước nên có văn hóa trồng trọt, lối
sống định cư, tâm lý cộng đồng nghiêng hơn về hướng nội, trọng tĩnh (so với văn
hóa chăn nuôi du mục, du cư, nghiêng hơn hướng ngoại, trọng động, xem: Trần
Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn
hóa Việt Nam, chương 2: Loại hình văn hóa). Nền văn hóa này, do nếp
sống quần cư ổn định từ rất sớm, có đặc trưng nổi bật là cấu trúc làng xã, xây
dựng nên “tình làng nghĩa xóm”. Trong các nấc thang giá trị tinh thần của nếp
sống làng xã đó, người Việt đề cao chữ nhân,
kết hợp chặt chẽ nhân với nghĩa, nhân với đức. “Có đức mặc sức mà ăn”
hay “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”…
Người Việt nâng tục
“thờ cúng tổ tiên” lên hàng tôn giáo: đạo thờ ông bà (3). Từ góc độ này, chữ hiếu rất được coi
trọng, “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một
lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Từ khi Ngô Quyền dựng
nền độc lập tới nay, Trung Quốc đã chín lần đem quân xâm chiếm ta. Việc liên
tục phải chống Trung Quốc đã tạo một đặc trưng văn hóa nổi bật của Việt Nam là
tư tưởng chống ngoại xâm “giặc tới nhà đàn bà cũng đánh”. Giặc đây là bất cứ kẻ
xâm lăng nào, hễ chiếm đất, chiếm nước, chiếm đảo ta đều là giặc.
Từ thế kỉ thứ
XIX trở đi, Việt Nam bị Pháp xâm chiếm. Tuy nhiên, Pháp ở xa, và với phong trào
giải thực trên thế giới sau Thế chiến thứ 2, sẽ không còn một quốc gia Phương
Tây nào tới xâm chiếm ta nữa. Trái lại, việc Trung Quốc xâm chiếm vừa là nguy
cơ ngàn đời, vừa là nguy cơ trước mắt, ông cha chúng ta luôn nhắc nhở không
được quên mối nguy này. Hiện nay, các quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Anh, Pháp,
Nhật… đã đạt trình độ văn minh vượt lên trên các quan niệm cũ kĩ lấn chiếm đất
đai, tranh giành cai trị.
Họ đang sống hợp tác và cạnh tranh bằng các biện pháp
“mềm” (văn hóa, chính trị, giáo dục…). Trung Quốc, trái lại, vẫn còn ở trình độ
dùng các biện pháp quân sự “cứng” lấn át và xâm chiếm lân bang, một quan niệm
ngoại giao chiếm đất rất lỗi thời. Cho nên dân ta càng nên giữ gìn truyền thống
văn hóa “chống ngoại xâm” để giữ độc lập và tự chủ nhằm xây dựng một một nước
Việt Nam dân chủ, văn minh, cường thịnh.
Tóm lại, “nền văn hóa
đậm đà bản sắc dân tộc” Việt Nam phải tôn quí các giá trị sau: a) Tình làng nghĩa xóm kết
hợp với nhân nghĩa, nhân
đức, b) Chữ hiếu quyện
trong đạo ông bà,
c) Lòng yêu nước quyện
với tinh thần chống ngoại
xâm.
Trong cuộc Cải cách
ruộng đất ở miền Bắc, nơi có văn hóa làng xóm vững chắc và đặc trưng, bà con
được chính quyền tổ chức tố cáo, nhục mạ và giết nhau một cách dã man trước mắt
toàn thể dân làng già trẻ gái trai và cả lứa tuổi nhi đồng! Khoảng 160-180 ngàn
người chết trong các cuộc đấu tố tàn bạo.
Con cái gọi cha mẹ là
“mày”, tố cáo cha mẹ trong các buổi đấu tố. Con cái “thành khẩn” nói xấu cha mẹ
trong các bản kiểm điểm cách mạng.
Trong xã hội hiện nay,
không còn hiếm nữa các hiện tượng con giết cha, giết mẹ, giết anh em, giết ông
bà vì xin tiền không được, vì tranh giành tài sản, vì bị trách mắng, vì say, vì
nóng giận; bạn bè giết nhau, người yêu giết nhau rồi phân thây ra nhiều mảnh bỏ
từng góc phố; tài xế đụng người bị thương thì cố ý cán lên người nạn nhân cho
chết luôn để khỏi trả tiền nằm bệnh viện; cướp bóc giết người tràn lan…
Nguy cơ Trung Quốc thống
trị Việt Nam ngày càng rõ rệt. Trung Quốc xua quân vào lãnh thổ Việt Nam giết
gần trăm ngàn thường dân và bộ đội. Trung Quốc xua quân chiếm đảo Việt Nam,
giết gần trăm chiến sĩ hải quân. Trước hoàn cảnh đó chính quyền lại gởi công
hàm dâng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc; bí mật họp với Trung
Quốc tại Thành Đô hứa hẹn nhượng bộ chủ quyền thêm nữa cho họ; bào chữa cho các
hành động dã man của giặc, xóa đi chứng tích chiến tranh của giặc trên thực địa
cũng như trong kí ức người dân; đàn áp tàn nhẫn các cuộc biểu tình ôn hòa phản
đối quân xâm lược; công khai xem giặc đang lấn chiếm biên cương là bạn…
Rõ ràng, trong xã hội
Việt Nam hiện nay, các giá trị tình
làng nghĩa xóm, nhân
nghĩa, nhân đức, lòng tôn
kính Tổ tiên, hiếu
để với cha mẹ, lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm… đã bị tàn
phá nặng nề, tàn phá tận gốc rễ. Các lời nói của giới cầm quyền về những giá
trị truyền thống kể trên chỉ còn là những lời chót lưỡi đầu môi.
Người viết vẫn tin
rằng các giá trị văn hóa Việt Nam vẫn còn bền chặt nơi tầng sâu tinh thần,
phong tục, tập quán, tín ngưỡng… của dân tộc. Tuy nhiên, rất nhiều biểu hiện
cho thấy các giá trị bị đảo lộn, bóp méo hay đánh tráo. Nếu người Việt không
đấu tranh để bảo tồn, dưỡng nuôi, phát triển các giá trị đó, thì tới một ngày
không xa có thể chúng ta sẽ mất tất cả.
Rõ ràng nền văn hóa
chính thống trong xã hội Việt Nam hiện nay là văn hóa mất gốc, xa lạ với truyền
thống dân tộc.
TÓM LẠI:
Nước Việt Nam không
đạt một tiêu chí nào trong 2 tiêu chí của Đặc trưng thứ ba là “có nền kinh tế
phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các
tư liệu sản xuất chủ yếu”. Và cũng không đạt tiêu chí nào trong 2 tiêu chí của
Đặc trưng thứ tư “có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
T.Q.C
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.