Tổng
kết 2014 - Bối cảnh 2015
Kính
Hòa & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-12-03
2014-12-03
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Ảnh minh họa chụp trước
đây.
AFP
Chúng ta đang bước vào
tháng cuối của một năm 2014 có quá nhiều biến động kinh tế lẫn an ninh và chính
trị toàn cầu, với hiệu ứng tác động vào hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Vì
vậy, mục Diễn đàn Kinh tế làm một tổng kết sơ khởi về những chuyển động lớn
trong năm nay và từ đó dự báo các vấn đề sẽ tác động vào kinh tế của các nước
trong năm tới. Xin quý thính giả theo dõi cách Kính Hòa nêu câu hỏi với chuyên
gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về đề tài này.
Tình trạng hội nhập toàn cầu
Kính Hòa: Xin kính chào ông
Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cứ đến cuối năm, người ta hay kiểm lại tình hình
trong năm để phần nào dự đoán những triển vọng hay vấn đề của năm tới và để rút
tỉa kinh nghiệm. Trong địa hạt kinh tế, là tiết mục chuyên đề của chương trình này,
xin đề nghị ông làm một việc tổng kết về năm 2014 và đưa ra một số dự đoán cho
năm tới có được không?
Thế giới đã tiến vào tình
trạng hội nhập toàn cầu khiến cho một chuyện gì xảy ra ở đây vào năm nay có thể
ảnh hướng đến nơi khác trong năm tới.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Tôi nghĩ đây là ý kiến rất hay vì trong mọi sinh hoạt của con người, cái gì xảy
ra hôm nay là hậu quả của nhiều sự việc đã có từ hôm trước và chuỗi tác động ấy
lại có tính chất thường trực về thời gian. Huống hồ thế giới đã tiến vào tình
trạng hội nhập toàn cầu khiến cho một chuyện gì xảy ra ở đây vào năm nay có thể
ảnh hướng đến nơi khác trong năm tới. Nếu có khả năng kiểm điểm quá khứ và hiện
tại một cách tương đối chính xác thì ta dễ nhìn ra những chuyển động có thể chi
phối sinh hoạt của mình trong tương lai.
Kính Hòa: Xin
cám ơn ông đã nhắc nhở lại bối cảnh tác động vừa có tính chất thời gian là liên
tục và rất nhanh lẫn không gian là ngày càng mở rộng ra toàn cầu. Từ đấy, xin
ông sơ kết về bối cảnh lâu dài của những chuyện đã xảy ra năm nay.
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Thưa là cách nay đúng bảy năm, vào cuối năm 2007, kinh tế Mỹ bị suy trầm sau
bảy năm tăng trưởng khả quan dù Hoa Kỳ khi đó đang có chiến tranh. Thế rồi ở
giữa chu kỳ suy trầm, Mỹ lại bị khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm sau
khiến cả thế giới bị Tổng suy trầm trong các năm 2008-2009, kể cả ba đầu máy
kinh tế mạnh nhất địa cầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và khối Đông Á rất năng động.
Khi ấy người ta đánh giá
sai khá nhiều vấn đề, về sau mới biết là không chỉ có nước Mỹ mới bị khủng
hoảng tài chính từ nạn bể bóng đầu cơ mà khối Âu Châu còn bị nặng hơn nữa và vì
nhiều vấn đề sâu xa hơn, cơ bản là nạn vay mượn quá khả năng thanh toán của
nhiều nước công nghiệp hóa. Đấy là về nhận thức. Về thực tế thì ngần ấy quốc
gia giàu nghèo đều cố ngăn chặn hiệu ứng suy trầm với kết quả không đều. Ngày
nay, và năm tới, ta đang bước qua một giai đoạn khác.
Kinh tế Việt Nam
Kính Hòa: Xin
hỏi ngay một câu thưa ông. Thính giả của chúng ta có thể muốn biết là từ cái
mốc thời gian 2008 mà nhìn vào Việt Nam thì người ta có thể rút tỉa được bài
học gì?
Ảnh chụp bên bờ sông Sài
Gòn ở TPHCM hôm 19/11/2013.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Gần
đến ngày Tết nhất, tôi xin lấy một ẩn dụ vui vui cho dễ nhớ. Năm 2007 là khi
Việt Nam vừa được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau 15 năm đệ đơn và
thương thuyết. Khi ấy, Việt Nam quá hồ hởi với viễn ảnh hội nhập vào kinh tế
toàn cầu nên như cô gái thơ đã vay tiền mua áo đẹp, nào ngờ lại bị mưa lớn vào
năm 2008 nên bị khủng hoảng với nạn lạm phát và nguy cơ rách áo là bể bóng đầu cơ.
Từ đó, Việt Nam rơi vào hoàn cảnh lưỡng nan là vừa phải kích thích kinh tế để
khỏi bị suy trầm, lại vừa canh chừng nạn lạm phát!
Xin nói thêm cho rõ là
Trung Quốc cũng chẳng khá hơ mà còn tệ hơn, với kế hoạch kích thích lớn lao
chưa từng thấy và ngay nay đang mắc nợ ngập đầu mà có khi còn bị nguy cơ giảm
phát. Giảm phát là gì thì diễn đàn này của chúng ta đã có dịp trình bày từ cuối
Tháng 10.
Kính Hòa: Bây
giờ ra khỏi chuyện Việt Nam, thưa ông từ thời điểm 2008 mà nhìn vào tương lai
thì đâu là những chuyển động lớn của kinh tế thế giới khả dĩ tác động vào kinh
tế năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Tôi nhắc lại chuyện xa xưa từ bảy năm trước để chúng ta tự cảnh giác về nhận
thức hay khả năng đánh giá thật ra rất giới hạn của con người.
Nói về các chuyển động
lớn thì sau bảy năm ứng phó của ngần ấy khối kinh tế, Hoa Kỳ tưởng như là thủ
phạm của mọi vấn đề cho nhân loại lại phục hồi tương đối khá hơn cả nếu so sánh
với Âu Châu và Nhật Bản. Một hậu quả sẽ có ảnh hưởng toàn cầu là đồng Mỹ kim đã
và sẽ lên giá trong thời gian tới nếu so với các ngoại tệ mạnh khác. Ngược lại,
vì các khối kinh tế kia chưa ra khỏi khó khăn nên tiếp tục kích thích bằng biện
pháp tiền tệ và tín dụng, như bơm tiền và hạ lãi suất, khiến đồng bạc của họ lại
càng mất giá so với tiền Mỹ. Đó là trường hợp của Nhật Bản, Âu Châu, Trung Quốc,
Nam Hàn, Singapore hay Thái Lan, v.v... Kết quả là trong năm tới, chúng ta sẽ
chứng kiến điều mà diễn đàn này đã phân tích vào tuần trước đó là một trận
chiến về ngoại tệ và Việt Nam sẽ lâm vào hoàn cảnh vừa trái chiều vừa có rất
nhiều biến động ngoại hối.
Tình hình kinh tế Trung Quốc
Kính Hòa: Hai
lần liền, ông vừa nhắc đến Trung Quốc, là nền kinh tế đứng hạng nhì của thế
giới nếu kể về sản lượng và thật ra cũng chi phối sinh hoạt kinh tế toàn cầu.
Thưa ông, trong năm nay, lãnh đạo xứ này đã ứng phó ra sao và qua năm tới tình
hình kinh tế Trung Quốc sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi
sở dĩ phải trở về chuyện 2008 để chúng ta đánh giá khác về thực tế hay lý luận
kinh tế. Vào thời điểm ấy, từ rất nhiều nơi, kể cả nước Mỹ này, người ta kết
luận sai rằng đây là một vụ khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa hay kinh tế thị
trường. Họ còn gián tiếp nhìn lệch rằng hệ thống kinh tế thuộc loại tư bản nhà
nước với khả năng kiểm soát thị thường như của Trung Quốc mới là giải pháp cho
tương lai. Nhiều người ở Hà Nội có lẽ đã nghĩ vậy!
Sự thật là sau 30 năm
tăng trưởng, hệ thống kinh tế Trung Quốc đã tích lũy nhiều vấn đề nên có nhu
cầu chuyển hướng để cải cách. Đúng vào lúc đó, nghĩa là các năm 2007-2008, thế
giới lại bị khủng hoảng rồi Tổng suy trầm. Kết cuộc thì Trung Quốc đã chẳng cải
cách mà từ cuối năm 2008 còn tăng chi và mở vòi tín dụng ào ạt bơm tiền vào
kinh tế nên gây ấn tượng hay ảo giác phồn vinh khi thế giới đang bị trì trệ.
Trong khi đó xứ này lại nhồi thêm nguy cơ khủng hoảng tài chính vào những thất
quân bình cơ cấu đã tích lũy từ lâu, khi đà tăng trưởng bắt đầu suy giảm.
Kính Hòa: Thưa
ông, năm qua, lãnh đạo Trung Quốc có nói đến việc cải cách, họ có làm hay
không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Thưa là sau Hội nghị Trung ương kỳ Ba của Khóa 18 vào cuối năm 2013, lãnh đạo Trung
Quốc đề ra yêu cầu cải cách, lấy tiêu thụ nội địa làm sức đẩy cho đà tăng
trưởng để thay đầu tư và xuất khẩu. Nhưng diễn đàn này của chúng ta đã hoài
nghi khả năng đó vì sức cản của các nhóm lợi ích trong hệ thống kinh tế lệch
lạc của họ chả khác gì Việt Nam.
Nếu nhìn toàn cảnh trong
lâu dài, có một sự chuyển động đáng chú ý là cái thế cung cầu của các loại
nguyên nhiên vật liệu ta gọi chung là "thương phẩm" hay
"commodities".
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Quả nhiên là suốt năm
2014 này, việc chuyển hướng lại bị trì hoãn, chính quyền còn tiếp tục kích
thích kinh tế để giữ đà tăng trưởng. Giới kinh tế Bắc Kinh cho rằng khi đà tăng
trưởng sụt tới mức 7% thì họ sẽ có vấn đề và nếu giảm tới 6% thì đấy là kịch
bản "hạ cánh nặng nề" cho nên cố duy trì chỉ tiêu 7,5% như Thủ tướng
Lý Khắc Cường đã nói hôm mùng 10 Tháng Chín tại Thiên Tân trong Thượng đỉnh
Kinh tế gọi là "Davos Mùa Hè". Hậu quả năm tới và trong nhiều năm nữa
là kinh tế Trung Quốc sẽ có đà tăng trưởng thấp hơn mà lại bị nhiều bất trắc
hơn.
Kính Hòa: Kết
hợp hai chuyện giữa hai bờ Thái bình dương là Trung Quốc và Hoa Kỳ, ở giữa có
kinh tế Việt Nam đang buôn bán với cả hai nước, thì ông nghĩ rằng trong năm
tới, chuyển động lớn khả dĩ gây ra biến động sẽ là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu
nhìn toàn cảnh trong lâu dài, có một sự chuyển động đáng chú ý là cái thế cung
cầu của các loại nguyên nhiên vật liệu ta gọi chung là "thương phẩm"
hay "commodities".
Khi kinh tế Tầu tăng
trưởng mạnh trong cả chục năm thì các loại thương phẩm đều lên giá vì nhu cầu
rất lớn của một quốc gia tôi gọi là "đói ăn, khát dầu và thiếu nước".
Khi kinh tế xứ này suy giảm - và tất yếu suy giảm như nhiều tiền lệ khác, từ Âu
Châu đến Mỹ hay Nhật - thì giá thương phẩm sẽ sụt, điển hình là đồng, thau,
quặng sắt và nhất là dầu khí.
Trong khi đó, cũng vì
dầu khí lên giá nên giới sản xuất phải tìm giải pháp thay thế và Hoa Kỷ đã sớm
áp dụng công nghệ mới để đào dầu nhiều hơn nên góp phần nâng số cung trên toàn
cầu. Kết quả năm nay là dầu thô sụt giá và còn sụt giá mạnh trong nhiều năm
tới. Đấy là một chuyển động lớn, tương tự như hiện tượng Mỹ kim lên giá. Chuyển
động này dễ gây ra nhiều biến động mà người ta nên thấy trước để phòng ngửa.
Kính Hòa: Chúng
tôi xin tạm tổng kết phần trao đổi vừa rồi ở ba chuyện lớn có ảnh hưởng đến
kinh tế năm 2015. Thứ nhất là dầu thô sụt giá mạnh; thứ nhì Mỹ kim còn lên giá;
thứ ba là trận chiến ngoại hối bên ngoài Hoa Kỳ vì nhiều nước vẫn bơm tiền kích
thích kinh tế làm đồng bạc càng sụt giá nữa. Những chuyển động này sẽ có hậu
quả ra sao trong năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Khi dầu thô hay thương phẩm sụt giá thì quốc gia sản xuất bị lỗ và quốc gia
tiêu thụ có lời. Việt Nam bán dầu mà mua xăng thì bị hậu quả trái chiều là thu
nhập ít hơn về ngoại tệ lẫn ngân sách khi dầu sụt giá từ 30% đến 50% hoặc còn
sụt hơn nữa nếu dầu thô rơi đến mức 40-50 đô la một thùng. Nhưng ngược lại,
giới tiêu thụ xăng dầu và điện năng thì có lợi nhờ dầu nhập với giá thấp hơn và
ngân sách nhà nước có thể bớt được gánh nặng trợ giá.
Khi ấy, nhà nước giữ vị
trí điều tiết quan trọng và tế nhị giữa các tập đoàn dầu khí quốc doanh và điện
lực nên đòi hỏi một trình độ quản lý cao, nhất là khi mình mua bán loại hàng
hóa chiến lược này bằng Mỹ kim, một ngoại tệ đang lên giá. Do kinh nghiệm quá
khứ, tôi e là người dân sẽ bị cảnh "họa vô đơn chí", là không hưởng
lợi ích gì từ việc giá xăng giảm mà còn bị thiệt khi ngân sách hao hụt vì dầu
sụt giá và đồng bạc bị dao động mạnh trước đà tăng giá của Mỹ kim.
Vì thời lượng có hạn,
tôi chỉ xin nói thêm là dầu thô sụt giá thì có vẻ có lợi cho một xứ tiêu thụ là
Trung Quốc, nhưng cũng vì vậy mà xứ này càng đình hoãn việc chuyển hướng và cải
cách hiệu năng tiêu thụ. Trong khi đó, vì các nền kinh tế Âu Châu và Nhật Bản
đều sa sút nên sức nhập khẩu sẽ giảm và dù Bắc Kinh có cho phá giá đồng Nguyên
hơn nữa thì cũng khó xuất cảng mạnh để thoát hiểm. Kết luận thì năm 2015 sẽ là
một thử thách lớn cho cả Hà Nộị và Bắc Kinh.
Kính Hòa: Xin cảm tạ ông Nghĩa về
cuộc trao đổi này.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.