Bắc Kinh không can
thiệp nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ
Ảnh minh họa cho quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều
TiênReuters
Bắc Kinh sẽ không phản ứng nếu Bắc Triều Tiên dấn thân vào một
cuộc chiến hay bị sụp đổ. Một tướng Trung Quốc về hưu ngày 02/12/2014 nhận định
như trên. Đây là một dạng cảnh báo úp mở cho nước đồng minh láng giềng.
Tướng Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), cựu Phó tư lệnh Quân khu
Nam Kinh viết trên tờ báo chính thức Global Times : « Trung Quốc không phải là người cứu rỗi. Nếu
Bắc Triều Tiên sụp đổ, ngay cả Trung Quốc cũng không cứu được ! ».
Ý kiến của tướng lãnh về hưu này, vốn đã từng đưa ra nhiều lời bình
luận chỉ trích chế độ Bình Nhưỡng, không hẳn là quan điểm chính thức của Bắc
Kinh. Tuy là đồng minh duy nhất của chế độ độc tài khép kín Bắc Triều Tiên,
nhưng quan hệ đôi bên vẫn căng thẳng.
Nước Trung Quốc cộng sản đã từng ra tay trợ giúp Bình Nhưỡng trong
cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sau khi Bắc Triều Tiên tấn công Hàn
Quốc và liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Ngày nay Trung Quốc là nguồn viện trợ duy nhất cho nền kinh tế Bắc
Triều Tiên, bị suy sụp sau khi Liên Xô tan rã.
Nhưng song song đó, Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và
thương mại với Hàn Quốc – trên nguyên tắc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh
với Bắc Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần gặp gỡ nữ
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, trong khi đó chưa một lần tiếp đón Kim Jong
Un, người thừa kế trẻ tuổi của đế chế cộng sản Bình Nhưỡng.
Tướng Vương Hồng Quang cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không để bị lôi
kéo vào một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới. Ông cảnh báo: « Trung
Quốc không thể gây ảnh hưởng đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, vì không
cần phải gây hỏa hoạn để rồi bị thiêu cháy. Ai gây ra đại loạn sẽ phải gánh
chịu trách nhiệm. Ngày nay không còn có phe xã hội chủ nghĩa nữa. Thế hệ trẻ
Trung Quốc không cần phải đi chiến đấu giùm cho một nước khác ».
Hòa với quan điểm chính thức của Bắc Kinh, tướng Vương Hồng Quang
cũng chỉ trích chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng « đã mang lại mối đe dọa nặng nề về
nhiễm độc nguyên tử ở biên giới Trung Quốc ». Mặt khác ông bác
bỏ việc phương Tây « mạt
sát » Bắc Triều Tiên hay « can thiệp » vào chuyện nội bộ của Bình
Nhưỡng nhân danh nhân quyền – vốn bị chế độ độc tài này vi phạm nghiêm trọng.
Tướng Vương Hồng Quang nói thêm, Bắc Kinh « không
ve vãn cũng không bỏ rơi » Bắc Triều Tiên, và « đây là thái độ căn bản của Trung
Quốc ».
Quan chức tham nhũng
Trung Quốc trốn sang Pháp sẽ bị dẫn độ
GENERIC *2013* china corruption tham nhũng Ảnh
minh họa
Sắp tới Pháp sẽ tiến hành các thủ tục dẫn độ đối với các nghi phạm
người Trung Quốc, đặc biệt là hai đến ba quan chức tham nhũng có thể được tìm
thấy. Ông Robert Gelli, giám đốc phụ trách về hình sự và ân xá hôm 01/12/2014
cho hãng tin Reuters biết như trên.
Chính quyền Trung Quốc sắp đưa cho Paris một danh sách các quan
chức bị truy nã vì tội tham nhũng, nghi ngờ là đã trốn sang Pháp. Ông Robert
Gelli, đã đến Trung Quốc gặp các đồng nhiệm hồi tháng 11, nói : « Theo Bắc Kinh, đó là những người đã
làm giàu bằng cách tham nhũng, hoặc đã tị nạn ở nước khác, hoặc dùng tiền tham
nhũng đầu tư vào các nước ».
Trong số các điều kiện được đưa ra để cho phép dẫn độ có các cam
kết: không được áp dụng án tử hình, và phải tính đến thời hạn miễn tố.
Tập Cận Bình đã tung ra chiến dịnh chống tham nhũng quy mô, chủ
yếu nhắm vào các quan chức và doanh nhân đã bỏ trốn ra ngoại quốc. Theo Tân Hoa
Xã, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ 288 quan chức tham nhũng trốn chạy, trong
đó có 126 người tự ra đầu thú. Tổ chức Global Financial Integrity Group chuyên
phân tích các luồng tài chính bất hợp pháp, ước lượng có khoảng 1.080 tỉ đô la
vốn đã được tuồn từ Trung Quốc ra nước ngoài từ 2002 đến 2011.
Theo các dữ liệu đầu tiên được Bắc Kinh cung cấp, sau khi đưa công
an Trung Quốc sang công tác Paris vào tháng 11, có khoảng hơn một chục cái tên
trong danh sách trao cho Pháp.
Tuy nhiên không nhất thiết là các nghi can này
đang có mặt tại Pháp, mà có thể trong khu vực châu Âu, trong đó chỉ hai hoặc ba
người có khả năng đang trốn trên đất Pháp.
Bắc Kinh không ký hiệp định dẫn độ với Hoa Kỳ, Canada và Úc – các
hướng đến ưa thích của tội phạm kinh tế, nhưng Úc chấp nhận hỗ trợ trong việc
dẫn độ và tịch biên tài sản của các quan chức tham nhũng Trung Quốc. Còn với
Pháp thì một hiệp định dẫn độ sắp được phê chuẩn.
Trong khi chờ đợi, mỗi yêu cầu dẫn độ của Bắc Kinh sẽ được xem xét
theo từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên phải tuân theo các thủ tục của Pháp. Chỉ
có thể dẫn độ một nghi can nếu tòa phúc thẩm chấp thuận, và cuối cùng tùy thuộc
vào sắc lệnh của Thủ tướng.
Trung Quốc đưa văn
nghệ sĩ đi cải tạo
Họa sĩ TQ, Ngải Vị Vị liệu có trong danh sách
các nghệ sĩ cần phải đưa đi cải tạo hay không ?Reuters
Tập Cận Bình tái lập chính sách cưỡng bách cải tạo văn hóa của
thập niên 1960 . Thành phần văn nhân nghệ sĩ Trung Quốc sẽ bị đưa về nông thôn
để được « nông dân giáo dục lại », một hình thức trấn áp các tiếng nói phê phán
mỗi ngày mỗi gia tăng.
Văn nghệ sĩ Trung Quốc sẽ bị đưa về nông thôn như thời Mao Trạch
Đông. Theo một văn kiện chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc được Tân
Hoa Xã trích dẫn ngày 02/12/2014, « Tổng cục đặc trách báo chí, đài phát thanh,
truyền hình và phim ảnh Trung Quốc sẽ tổ chức đưa những người hoạt động trong
ngành về nông thôn xa xôi và các khu hầm mỏ để tìm hiểu theo cơ sở ba tháng một
lần ».
Chính sách này được công bố sau khi một số tác phẩm nghệ thuật,
vào giữa tháng 10, bị chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê phán là « thô tục ».
Giới văn nhân nghệ sĩ được kêu gọi phải sáng tác theo « giá trị xã hội chủ
nghĩa, tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân »
Cụ thể, những nhà đạo diễn, phóng viên, phát thanh viên, nhà báo
hướng dẫn chương trình truyền hình sẽ phải sống chung với « quần chúng » thuộc
các sắc tộc thiểu số, ở những vùng biên giới xa xôi mà chỉ thị của đảng nhấn
mạnh là những địa danh lịch sử đóng góp vào chiến thắng của đảng Cộng sản năm
1949.
Mục tiêu « cải tạo » này là giúp cho văn nhân nghệ sĩ tìm nguồn
cảm hứng sáng tác « đúng quan điểm về nghệ thuật và tạo ra nhiều đại tác phẩm
».
Giới quan sát nhìn ra dụng ý của lãnh đạo Trung Quốc. Theo AFP,
giáo sư chính trị Hồng Kông Joseph Cheng thì đây là lần đầu tiên từ sau cuộc «
cách mạng văn hóa » của Mao Trạch Đông, một chiến dịch « chỉnh đốn tư tưởng »
theo kiểu Mao được phát động tại Hoa lục. Mục đích thật sự của chiến dịch này
là nhằm tiêu diệt những tiêng nói chỉ trích Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc
đã gia tăng chính sách kiểm duyệt, trấn áp công dân từ khi lên cầm quyền năm
2012.
Trung Quốc áp đặt hệ thống kiểm duyệt khắc khe trên mọi tác phẩm
nghệ thuật bị xem là nghi ngờ là xem thường quyền lực của chế độ. Trong số
những nghệ sĩ phải trả giá nặng là Ngải Vị Vị.
Hồng Kông : Lãnh đạo
Occupy Central kêu gọi giải tán biểu tình
Ba lãnh đạo phong trào Occupy Central Hồng Kông.
Ảnh từ trái sang phải : Trần Kiện Dân, Đái Diệu Đình và Chu Diệu Minh. Ảnh ngày
02/12/2014Reuters
Ngày 02/12/2014, lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân chủ Occupy
Central thông báo họ sẽ ra hàng cảnh sát và kêu gọi giải tán cuộc biểu tình.
Trong khi đó, 23 trong số 27 nghị sĩ Hồng Kông ủng hộ dân chủ yêu cầu những
người lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên phải có chiến lược đấu tranh.
Các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình vào tối ngày Chủ
nhật, 30/11/2014, đã làm 58 người bị thương trong đó có 11 cảnh sát. Từ
Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình :
« Gập người xuống như người ta vẫn thường làm ở Nhật Bản và Trung
Quốc, để xin lỗi trước công chúng, vào tối qua, những người tổ chức phong trào
biểu tình của sinh viên đã tạ lỗi và cho rằng họ đã thất bại khi có ý định gia
tăng phong trào đấu tranh bằng cách xông vào chiếm đóng những khu vực xung
quanh các tòa nhà hành chính.
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), lãnh đạo trẻ nhất và có thái độ
triệt để nhất của phong trào, đã thông báo là anh tiến hành tuyệt thực vô thời
hạn cùng với hai thành viên khác trong phong trào, để đòi được đối thoại với bà
Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng ban Thư ký chính quyền Hồng Kông, về
việc mở lại một cuộc tham khảo ý kiến người dân và thúc đẩy cải cách chính trị.
Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh, đã trích dẫn một
ngạn ngữ Trung Quốc đại ý nói rằng « được đằng chân, lân đằng đầu », các nhà
phân tích cho đây là một lời cảnh cáo nghiêm khắc nhất kể từ khi xảy ra khủng
hoảng, cách nay hai tháng.
Theo nguồn tin cảnh sát, được báo South China Morning Post trích
dẫn, cảnh sát sẽ tiến hành giải tán biểu tình ở Causeway Bay ; giống như ở
Mongkok, nơi đây đã bị chiếm đóng, nhưng lại không nằm trong kế hoạch của ban
tổ chức biểu tình ».
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.